woensdag 30 september 2020

Đại sứ Mỹ thăm di tích Bạch Đằng, viếng đền thờ bà Lê Chân

Đại sứ Mỹ thăm Bạch Đằng Giang, tìm hiểu cách VN chống xâm lược từ phương Bắc

Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Daniel Kritenbrink vừa có chuyến thăm tới khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang, nơi Ngô Quyền từng đánh bại quân Nam Hán, để tìm hiểu về cách các vị anh hùng dân tộc Việt Nam “giữ gìn bờ cõi” khỏi sự xâm lược từ phương Bắc.

Chuyến thăm này diễn ra gần một tháng sau khi ông Kritenbrink viếng thăm nghĩa trang Trường Sơn và trở thành vị đại sứ đầu tiên của Mỹ đến thắp hương cho hơn 10.000 liệt sỹ của quân đội Bắc Việt từng tham gia chiến tranh Việt Nam.

Trang Facebook chính thức của Đại Sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết Đại sứ Kritenbrink hôm 28/9 “đã đi thăm di tích lịch sử Bạch Đằng, nơi ông đã tìm hiểu về cách Việt Nam giữ gìn bờ cõi thành công khỏi ba lần xâm lược bằng đường thuỷ từ phương Bắc.”

Di tích Bạch Đằng Giang ở xã Thuỷ Nguyên của Hải Phòng được biết tới là nơi vị vua xưng vương đầu tiên của nước Việt, Ngô Quyền, đóng cọc ngăn thuyền đánh thắng quân Nam Hán năm 938.

Đại sứ Kritenbrink “vô cùng ấn tượng về lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam” và “bày tỏ lòng thành kính trước ba vị anh hùng dân tộc đã làm nên chiến thắng vẻ vang trên sông Bạch Đằng,” theo ghi nhận của Cổng Thông tin Điện tử TP Hải Phòng.

Chiến thắng năm 938 của Ngô Quyền, cùng Hoàng đế Lê Đại Hành và Hương đạo vương Trần Quốc Tuấn, được truyền thông trong nước gọi là một “bước ngoặt vĩ đại” chấm dứt thời kỳ đô hộ hơn một nghìn năm của phong kiến phương Bắc, ngày nay là Trung Quốc, và đặt nền móng cho “độc lập, tự chủ thực sự và lâu dài của dân tộc” Việt Nam.

“Những chiến thắng này không chỉ phản ánh lòng can đảm của người Việt Nam mà còn cho thấy các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều có thể đứng lên bảo vệ chủ quyền của mình,” trang Facebook của Đại Sứ quán Mỹ tại Hà Nội viết trong phần thông báo về chuyến thăm của Đại sứ Kritenbrink tới khu di tích Bạch Đằng.

Đại sứ Mỹ gần đây đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường các hành động gây căng thẳng trên Biển Đông nơi Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền.

Hồi tháng 8, Đại sứ Kritenbrink cho biết Mỹ bác bỏ bất kỳ hành động nào nằm áp đặc lối tư duy “chân lý thuộc về kẻ mạnh” ở Biển Đông và lên án yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đối với Bãi Tư Chính, nơi Việt Nam hồi năm ngoái cáo buộc Trung Quốc đưa tàu thăm dò vào xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Những phát ngôn của Đại sứ Kritenbrink nhất quán với lập trường của chính phủ Mỹ gần đây trước những hành động gồm đâm chìm tàu cá Việt Nam ở Hoàng Sa và trong các hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi mà chính phủ Mỹ các buộc là một “chiến dịch bắt nạt” các nước nhỏ của Trung Quốc.

 EMBED

No media source currently available

0:091:050:00
 Đường dẫn trực tiếp 

Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Daniel Kritenbrink vừa có chuyến thăm tới khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang, nơi Ngô Quyền từng đánh bại quân Nam Hán, để tìm hiểu về cách các vị anh hùng dân tộc Việt Nam “giữ gìn bờ cõi” khỏi sự xâm lược từ phương Bắc.


https://www.voatiengviet.com/a/5602481.html

Đại sứ Mỹ thăm di tích Bạch Đằng, viếng đền thờ bà Lê Chân

HẢI PHÒNG, Việt Nam (NV) – Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink đi thăm di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng Giang và viếng đền thờ bà Lê Chân tại Hải Phòng.

Hôm Thứ Hai, 28 Tháng Chín, ông Daniel Kritenbrink, đại sứ Mỹ tại Việt Nam, đến thành phố Hải Phòng, thăm di tích lịch sử bãi cọc trên sông Bạch Đằng, chiến tích của tiền nhân đã ba lần chiến thắng quân Tàu xâm lược. Cùng ngày, ông cũng đến viếng đền thờ bà Lê Chân, một nữ tướng giỏi của Hai Bà Trưng.

Đại Sứ Mỹ Daniel Kritenbrink thắp nhang trước tượng anh hùng chống ngoại xâm của Việt Nam tại di tích Bạch Đằng ngày 28 Tháng Chín, 2020. (Hình: Facebook U.S. Embassy in Hanoi)

Các hình ảnh về hai cuộc thăm viếng vừa kể được phổ biến trên trang nhà Facebook U.S. Embassy in Hanoi của Tòa Đại Sứ Mỹ ở Hà Nội hôm Thứ Ba với lời chú thích là “Đại Sứ Kritenbrink đã tới thăm di tích lịch sử Bạch Đằng, nơi ông tìm hiểu về cách Việt Nam bảo vệ bờ cõi trước ba lần xâm lược bằng đường thủy từ phương Bắc. Những chiến thắng này không chỉ phản ánh lòng can đảm của người Việt Nam mà còn cho thấy các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều có thể đứng lên bảo vệ chủ quyền của mình.”

Hình ảnh phổ biến cho thấy ông đến thăm bãi cọc tại khu di tích Bạch Đằng Giang nằm ở xã Thủy Nguyên, giáp tỉnh Quảng Ninh của thành phố Hải Phòng. Ông thắp nhang tưởng niệm anh hùng chống ngoại xâm của Việt Nam, xem triển lãm các cọc lịch sử.

Đại Sứ Daniel Kritenbrink đặt vòng hoa dưới chân tượng bà Lê Chân. (Hình: Facebook U.S. Embassy in Hanoi)

Cũng vào hôm Thứ Hai, trang Facebook của Tòa Đại Sứ Mỹ đưa ba tấm hình ông Kritenbrink tới viếng đền thờ bà Lê Chân, thường được gọi là “Đền Nghè” ở trung tâm thành phố Hải Phòng, thuộc phường Mê Linh (nay là phường An Biên, quận Lê Chân).

Sông Bạch Đằng nổi tiếng với ba chiến công của dân tộc Việt Nam chống quân Tàu xâm lược. Theo Wikipedia, trận thủy chiến sông Bạch Đằng năm 938, vua Ngô Quyền đánh thắng quân xâm lược Nam Hán; trận thủy chiến sông Bạch Đằng năm 981, Hoàng Đế Lê Đại Hành phá tan quân Tống xâm lược; trận thủy chiến sông Bạch Đằng năm 1288, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đại thắng quân xâm lược Mông Nguyên (trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba).

Đại Sứ Daniel Kritenbrink chụp hình kỷ niệm trước tượng ba vị anh hùng Việt Nam chiến thắng ngoại xâm trên sông Bạch Đằng. (Hình: Facebook U.S. Embassy in Hanoi)

Hiện ở khu vực cửa sông Bạch Đằng có ba ngôi đền thờ ba vị anh hùng trên đó là đình Hàng Kênh (Lê Chân, Hải Phòng) thờ Ngô Quyền, đền Vua Lê Đại Hành ở thị trấn Minh Đức (Thủy Nguyên, Hải Phòng) và đền Trần Hưng Đạo ở xã Yên Giang, thị xã (Quảng Yên, Quảng Ninh). Đặc biệt khu di tích đền Tràng Kênh ở Hải Phòng thờ cả ba vị anh hùng nói trên.

Cuộc thăm viếng của Đại Sứ Daniel Kritenbrink diễn ra trong lúc những căng thẳng tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn có dấu hiệu căng thẳng. Chính phủ Mỹ đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng hậu thuẫn cho các nước ASEAN chống lại tham vọng bá quyền bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Đại Sứ Daniel Kritenbrink trước tượng bà Lê Chân. (Hình: Facebook U.S. Embassy in Hanoi)

Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ với CSVN, hôm 8 Tháng Chín vừa qua, Tòa Đại Sứ Mỹ tại Hà Nội có bài viết nêu lên những thành tựu quan trọng, biến đổi từ cựu thù thành hai “đối tác tín cẩn” (trusted partners) trên mọi mặt gồm cả thương mại, giáo dục, năng lượng, y tế, an ninh. Trong đó, có lời hô hào “Là đối tác tin cậy, chúng ta sẽ cùng thịnh vượng bền lâu!”

Cái được nhiều người chú ý trong bài viết vừa kể là tấm bản đồ Việt Nam có những chấm nhỏ biểu thị các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền. Quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm năm 1974 sau trận hải chiến với Hải Quân VNCH. Quần đảo Trường Sa thì bị Trung Quốc cướp một số bãi đá ngầm từ năm 1988 và mấy năm sau đó, hiện đã được Bắc Kinh bồi đắp thành bảy đảo nhân tạo rồi xây dựng chúng thành các căn cứ quân sự khổng lồ, tham vọng khống chế toàn bộ Biển Đông.

Chỉ được một ngày, tấm bản đồ đó đã bị thay thế mà người ta tin, do sự tế nhị và phức tạp trong mối quan hệ giữa Washington với Bắc Kinh. (TN) [qd]

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/dai-su-my-tham-di-tich-bach-dang-vieng-den-tho-ba-le-chan/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten