donderdag 14 mei 2020

Biển Đông: Trung Quốc toan tính gì khi lập 2 ‘quận’ mới cho ‘Tam Sa’ ?

Biển Đông: Trung Quốc toan tính gì khi lập 2 ‘quận’ mới cho ‘Tam Sa’ ?

Đảo Phú Lâm, nơi có miếu thần Hoàng Sa thời vua Minh Mạng, nay trở thành thủ phủ « thành phố Tam Sa ». Ảnh vệ tinh của AMTI.
Đảo Phú Lâm, nơi có miếu thần Hoàng Sa thời vua Minh Mạng, nay trở thành thủ phủ « thành phố Tam Sa ». Ảnh vệ tinh của AMTI. © AMTI
AMTI : Trung Quốc gia tăng mở rộng sự hiện diện về mặt hành chính trên Biển Đông một cách âm thầm, nên ẩn giấu phía sau là những hậu quả thực sự cho các quốc gia yêu sách khác. Việc lập hai « quận » mới cho « thành phố Tam Sa » không chỉ mang tính biểu tượng.
Ngày 18/04/2020, Quốc vụ viện Trung Quốc đã ra quyết định lập hai « quận » mới trực thuộc « thành phố Tam Sa » (Sansha), đặt trụ sở tại đảo Phú Lâm (Woody Island) trên quần đảo Hoàng Sa - cưỡng chiếm của Việt Nam năm 1974.
Một số nhà quan sát có thể cho rằng việc lập hai « quận » mới này chỉ mang tính biểu tượng mà thôi. Tuy nhiên theo nhận định của cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược (CSIS) ngày 12/05/2020, động thái này sẽ cải thiện việc quản lý hành chính và thúc đẩy các chính sách mới của Trung Quốc về Biển Đông.

Đảo Phú Lâm chiếm của Việt Nam thành đại bản doanh

Cái gọi là « Thành phố Tam Sa » được Bắc Kinh lập ra từ tháng 7/2012, trực thuộc tỉnh Hải Nam. « Thẩm quyền » của « thành phố » này được cho là trải rộng khắp 280 đảo, bãi cát ngầm, rạn san hô và các thực thể khác, cùng với các vùng biển xung quanh, tổng cộng lên đến gần 800.000 dặm vuông biển và đất liền.
Khu vực này bao trùm phần lớn yêu sách của Trung Quốc trong khuôn khổ đường 9 đoạn tự vẽ, gồm quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, cùng với bãi Macclesfield và bãi cạn Scarborough (mà Trung Quốc gọi là quần đảo Trung Sa).
Việt Nam và Philippines phản đối, cho rằng hành động đơn phương của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của hai nước láng giềng tại vùng biển tranh chấp.
Từ năm 2012, đảo Phú Lâm nói riêng và « thành phố Tam Sa » nói chung đã phát triển rất nhanh chóng. Trong tám năm qua, đã mở một trường học, thu hút được nhiều đầu tư, xây dựng các cơ sở hạ tầng mới như cầu cảng, nhà máy lọc nước biển. Du lịch nở rộ, kinh tế đa dạng hóa, hậu cần và viễn thông phát triển, nhiều nhà ở kiên cố được dựng lên và khuyến khích định cư.
Đảo Phú Lâm và các thực thể khác được cho là thuộc quyền tài phán của « thành phố Tam Sa » là nơi đặt các hệ thống vũ khí, và các cơ quan của « địa cấp thị » này phối hợp trong việc phát triển và hoạt động của lực lượng dân quân biển Trung Quốc. Và nay trên các thực thể đa dạng của « Tam Sa » đầy dẫy các hệ thống thiết bị tình báo, giám sát hiện đại.
Việc thành lập hai « quận » mới Tây Sa (Xisha) tại Hoàng Sa và Nam Sa (Nansha) ở Trường Sa là sự tiếp tục quỹ đạo phát triển của « Tam Sa ».

Vai trò « Tây Sa » và « Nam Sa »

Trong cách tổ chức của Trung Quốc, các địa cấp thị bao gồm các quận và phường trực thuộc, có bộ máy chính quyền của từng cấp. Thế nên khi Quốc vụ viện lập ra hai quận mới cho « thành phố Tam Sa », cũng đồng thời lập ra hai chính quyền cấp quận mới. Đó là « Tây Sa khu » đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, và « Nam Sa khu » đặt tại Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) thuộc Trường Sa, bị Trung Quốc chiếm năm 1988.
Ngoài việc nắm « quyền tài phán » trên quần đảo Hoàng Sa, chính quyền « Tây Sa khu » cũng quản lý luôn « quần đảo Trung Sa » (Zhongsha), trong khi chính quyền « Nam Sa khu » sẽ quản lý quần đảo Trường Sa. Vì chính quyền do đảng chỉ đạo, nên quận ủy cũng sẽ hiện diện tại các quận mới.
« Tây Sa » và « Nam Sa » giúp mở rộng năng lực hành chính của Trung Quốc trên Biển Đông. Nhà nước đảng trị từ lâu đã tìm cách tăng cường hiệu quả quản trị trên các lãnh thổ yêu sách tại vùng biển này.
Đầu tiên Bắc Kinh cho thành lập ủy ban đảng và chính quyền tại đảo Phú Lâm từ tháng 3/1959 (đảo Phú Lâm bị Trung Quốc bí mật chiếm đóng năm 1956, và quản lý toàn bộ hòn đảo sau trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974), có quyền tài phán như « thành phố Tam Sa » hiện nay. Đến cuối năm 2008, đảng và chính quyền Phú Lâm lập ra 18 ban hành chính chức năng và 20 định chế công mới.
Khi « thành phố Tam Sa » ra đời tháng 7/2012, các tổ chức chính quyền mới đã thay thế các bộ phận cũ. Từ năm 2012, Tam Sa liên tục đưa ra các hình thức quản trị địa phương mới, trong đó có ít nhất 4 ủy ban công tác và ủy ban quản lý, cũng như 10 ủy ban thường trú khu phố. Do đó việc lập thêm hai quận Tây Sa và Nam Sa là bước đi mới nhất trong một kế hoạch dài hạn của Trung Quốc nhằm bành trướng trên Biển Đông.
Các tổ chức của « thành phố Tam Sa » là trợ thủ cho sự hiện diện của Trung Quốc trên Biển Đông, thông qua việc thực hiện chức năng điều phối và hoạch định chính sách quan trọng. Có thể kể : định ra chính sách thuế và công nghiệp địa phương, hỗ trợ hoạt động dân quân biển, đưa vào vận hành các tàu mới, điều phối nguồn lực dân sự và quân sự. Bên cạnh đó là cải thiện điều kiện sống, lập các chương trình tuyên truyền, thiết trí các hệ thống viễn thông mới…
Những người được giao điều hành « Tam Sa » sẽ có tám năm bận rộn với việc biến đảo Phú Lâm và các thực thể khác thành trung tâm cho các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông. Hai quận « Tây Sa » và « Nam Sa » sẽ cung cấp người quản lý, nhân sự và nguồn lực cần thiết cho việc xây dựng và thực thi chính sách địa phương ở mức độ rộng lớn hơn, qua đó nâng cao năng lực hành chính tổng thể của « thành phố Tam Sa ».

Cạnh tranh giữa hai « quận » mới ?

Việc bổ sung thêm hai quận mới cho « thành phố Tam Sa » còn có thể thúc đẩy các chính sách mới về Biển Đông. Được cho là « Tây Sa » và « Nam Sa » sẽ quản lý về địa lý và chính trị tại hai khu vực khác nhau, hai cơ quan này rốt cuộc có thể theo đuổi các lợi ích khác biệt.
« Tây Sa khu » sẽ quản lý một khu vực tương đối ổn định trên Biển Đông, tại đó Trung Quốc đã có sự hiện diện dân sự đông đảo. Còn « Nam Sa khu » sẽ phụ trách một khu vực tranh chấp nóng bỏng, với nhiều lực lượng quân sự, chấp pháp và dân quân biển. Do vậy các nhà quản lý sẽ phải áp dụng các chính sách phù hợp với đặc điểm của địa phương mình.
Chẳng hạn, chính quyền « Tây Sa khu » có thể thúc đẩy việc tổ chức cho du khách Trung Quốc đến tham quan quần đảo Trường Sa, một thủ thuật đầy khiêu khích nhằm phát triển kinh tế địa phương, dân sự hóa sự hiện diện ở Trường Sa và xác quyết chủ quyền.
Hai quận này có cạnh tranh lợi ích với nhau hay không và ở mức độ nào, còn tùy thuộc vào quyền tự chủ tương đối của họ đối với chính quyền « thành phố Tam Sa ». Do hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông là kết quả tương tác giữa nhiều nhân tố trung ương và địa phương khác nhau, nên sự thay đổi quan hệ giữa các cấp hành chính của « Tam Sa » cần được theo dõi chặt chẽ.
AMTI kết luận, vì Trung Quốc gia tăng mở rộng sự hiện diện về mặt hành chính trên Biển Đông một cách âm thầm, nên ẩn giấu phía sau là những hậu quả thực sự cho các quốc gia yêu sách khác. Các quận mới sẽ cung cấp các nguồn lực xây dựng và thực thi chính sách bổ sung cho « thành phố Tam Sa », giúp những người lãnh đạo theo đuổi các chủ trương cụ thể.
Nằm ở tuyến đầu tranh chấp Biển Đông, « thành phố Tam Sa » và các tổ chức hành chính trực thuộc chịu trách nhiệm hằng ngày đều phải thúc đẩy lợi ích về lãnh thổ của Trung Quốc. Thế nên việc tăng cường năng lượng hành chính cho « Tam Sa » sẽ nâng cao vị trí tổng thể của Trung Quốc trên vùng biển náo động này. Các quốc gia đòi hỏi chủ quyền, đặc biệt là Việt Nam, cần phải chú ý « nhất cử nhất động » trong chính sách bành trướng Bắc Kinh.
www.rfi.fr/vi/châu-á/20200513-biển-đông-trung-quốc-toan-tính-gì-khi-lập-2-quận-mới-cho-tam-sa

Geen opmerkingen:

Een reactie posten