Ngưng thỏa thuận quân sự Mỹ - Philippines : Trump nói « tiết kiệm » được nhiều tiền
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Sau khi Philippines thông báo hủy Thỏa Thuận Thăm Viếng Quân Sự (VFA) với Hoa Kỳ, chính quyền Donald Trump và giới quân sự Mỹ đã có những phản ứng trái ngược nhau.
Trả lời báo chí ngày 12/02/2020 về thông báo của Manila hủy thỏa thuận quân sự giữa Philippines với Hoa Kỳ, tổng thống Mỹ tuyên bố thỏa thuận này « thật sự chưa bao giờ làm ông phải bận tâm đến ». Nguyên thủ Mỹ còn nói thêm rằng « nếu ông ấy muốn như thế, thì tôi sao cũng được. Không thành vấn đề, điều này có thể giúp chúng ta tiết kiệm được nhiều tiền ».
Trước đó, đại sứ Mỹ tại Manila bày tỏ quan ngại, cho rằng xem quyết định này là « nghiêm trọng ». Một quan điểm cũng được giới quân sự đồng chia sẻ. Đô đốc Philip Davidson, tư lệnh vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, trả lời hãng tin AFP ngày 13/02/2020, đánh giá thông báo hủy thỏa thuận quân sự với Philippines có thể gây khó khăn cho cuộc chiến chống khủng bố.
Đô đốc Mỹ hy vọng Manila xem xét lại quyết định chấm dứt « Thỏa Thuận Thăm Viếng Quân Sự », được ký kết vào năm 1998. Thỏa thuận này tạo một khuôn khổ pháp lý cho phép lính Mỹ đồn trú tại Philippines và tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung.
Kể từ khi lên cầm quyền năm 2016, tổng thống Rodrigo Duterte không ngừng đe dọa chấm dứt liên minh quân sự với Mỹ để nghiêng về phía Nga và Trung Quốc.
www.rfi.fr/vi/châu-á/20200213-ngưng-thỏa-thuận-quân-sự-mỹ-philippines-trump-nói-«-tiết-kiệm-»-được-nhiều-tiền
Philippines hủy thỏa thuận quân sự với Mỹ, cơ hội cho Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa Biển Đông
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Sau nhiều lần đe dọa, cuối cùng, hôm 11/02/2019, chính quyền của tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã chính thức thông báo hủy bỏ Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự (VFA) với Hoa Kỳ. Giới chuyên gia lo ngại việc Philippines khước từ sự hiện diện quân sự của quân đội Mỹ không chỉ làm rạn vỡ mối quan hệ liên minh Mỹ-Philippines mà còn có thể tạo cơ hội cho Trung Quốc mở rộng quân sự hóa Biển Đông.
Người phát ngôn của tổng thống Philippines, ông Salvador Panelo, hôm qua giải thích, tổng thống Duterte quyết định hủy bỏ Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự với Mỹ để cho phép Philippines độc lập hơn trong quan hệ với các quốc gia khác và “tổng thống sẽ không xem xét bất cứ đề xuất nào đến từ chính phủ Mỹ nhằm cứu vãn VFA ».
Việc nguyên thủ Philippines đơn phương hủy thỏa thuận quân sự với Mỹ có thể làm suy giảm các lợi ích của Washington tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương trong bối cảnh tham vọng của Trung Quốc đang gia tăng. Bên cạnh đó, quyết định này cũng hạn chế sự tiếp cận của Philippines đối với các hoạt động huấn luyện và đào tạo của Mỹ trong việc đối phó với Hồi giáo cực đoan, thảm họa thiên nhiên và các mối đe dọa an ninh hàng hải khác.
Mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Philippines đã tồn tại từ lâu, được ràng buộc bởi Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) được ký vào năm 1951 và Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) đạt được năm 2014 với chính quyền của tổng thống Mỹ Barack Obama.
VFA được ký vào năm 1998, có hiệu lực từ năm 1999. Thỏa thuận tạo cho quân đội Hoa Kỳ một quy chế pháp lý, theo đó, tàu chiến, máy bay và hàng nghìn binh lính Mỹ được luân phiên đồn trú tại Philippines, tham gia các cuộc tập trận quân sự, huấn luyện và hoạt động hỗ trợ nhân đạo….Có khoảng 300 hoạt động như vậy mỗi năm, bao gồm cả các chuyến viếng thăm của tàu chiến Mỹ.
Thỏa thuận VFA ra đời trong bối cảnh Philippines đang phải đối phó với những mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Trung Quốc trên các vấn đề chủ quyền biển đảo trong khi mà các căn cứ quân sự của Mỹ tại Philippines đã đóng cửa và ít nhiều đã có tác dụng hữu hiệu bảo đảm an ninh cho Philippines từ đó đến nay.
Quan hệ giữa Mỹ và Philippines dưới thời ông Duterte liên tục xuống cấp khi mà Washington thường xuyên chỉ trích chiến dịch chống ma túy của nước này. Tổng thống Rodrigo Duterte thường chỉ trích các chính sách an ninh của Mỹ, tỏ ra sẵn sàng ngả sang với Trung Quốc hay Nga, bất chấp mối quan hệ lịch sử chặt chẽ của quân đội Philippines với đối tác Hoa Kỳ.
Hơn ai hết, tổng thống Duterte hiểu rõ rằng, một khi Hiệp định VFA bị hủy bỏ, Philippines lại là bên chịu thiệt hại nhiều hơn. Chính ngoại trưởng nước này Teodoro Locsin mới đây cũng đã cảnh báo, động thái này có thể chấm dứt khoản viện trợ an ninh trị giá 550 triệu USD cùng các hoạt động hỗ trợ huấn luyện và tình báo của Mỹ với Philippines. Đó là chưa kể, quan hệ kinh tế giữa hai bên cũng có nguy cơ trở nên lạnh nhạt.
Đồng thời, phía Mỹ cũng có thể tìm cách sửa đổi, thậm chí hủy bỏ nhiều thỏa thuận quân sự song phương, bao gồm Hiệp ước Phòng thủ Chung hay Thỏa thuận Tăng cường hợp tác Quốc phòng cũng như ngừng các hoạt động tập trận, huấn luyện chung với quân đội Philippines.
Nhiều quan chức Philippines cũng cảnh báo, việc từ bỏ một thỏa thuận an ninh quan trọng hàng đầu với Mỹ sẽ làm suy yếu an ninh của đất nước, cũng như khó ngăn chặn các hành động gây hấn ở Biển Đông - vùng biển vốn đang có tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc.
Sự hiện diện quân sự Mỹ ngăn Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông
Theo nhận định của trang tin The Diplomat, việc hủy thỏa thuận VFA sẽ đưa mối quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines trở lại trạng thái của đầu thập kỷ 1990. Đó là một mối liên minh không có sự hiện diện của quân sự của Mỹ. Nhật báo Philippines, Manila Times, hôm qua bình luận : « Chúng ta hãy nhớ rằng sau khi đóng cửa căn cứ quân sự Mỹ Clarck và căn cứ trong vịnh Subic năm 1992, Trung Quốc đã bắt đầu dòm ngó các dải đá ngầm ngoài khơi đảo Palawan, đó là nơi mà quân đội Philippines và Mỹ vẫn dùng làm nơi diễn tập chung. Quân đội của chúng ta quá yếu để ngăn chặn sự xâm nhập của Trung Quốc vào các dải đá ngầm đó ».
Đề cập đến quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Philippines, các chuyên gia quân sự và hàng hải ở Philippines đều có chung nhận định, Trung Quốc là quốc gia được hưởng lợi nhất khi mối quan hệ Mỹ-Phi đổ vỡ. Tại Philippines, giới quan sát đều nhận thấy thỏa thuận VFA với Hoa Kỳ đã từng có tác dụng ngăn chặn Trung Quốc gia tăng xây dựng các công trình quân sự hóa các bãi cạn ở vùng Biển Tây Philippines từ năm 2016.
Philippines để mất VFA, Trung Quốc sẽ có cơ hội trở lại với những toan tính của họ từ lâu về các bãi cạn của Philippines. Trong phiên điều trần của Thượng viện Philippines tuần trước, ông Locsin cảnh báo rằng việc bãi bỏ thỏa thuận an ninh với Washington sẽ làm suy yếu an ninh của Philippines và thúc đẩy sự gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông đang tranh chấp.
Sự hiện diện của quân đội Mỹ trong tuyến đường thủy chiến lược này đã được coi là một đối trọng quan trọng với Trung Quốc, nước đã tuyên bố chủ quyền một cách phi pháp gần như toàn bộ vùng Biển Đông.
Đòn mạnh vào quan hệ liên minh của Mỹ ở châu Á
Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự chấm dứt còn làm phức tạp thêm cho mối quan hệ Mỹ - Phi. Washington, trong thời gian qua, duy trì được mối quan hệ đồng minh với Manila không hề dễ dàng, giờ không còn VFA là một đòn đánh mạnh vào quan hệ liên minh truyền thống của Mỹ ở châu Á từ sau thời kỳ chiến tranh lạnh. Nhất là vào lúc mà Hoa Kỳ đang tập trung cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực với các cường quốc như Trung Quốc và Nga.
Với Manila, không có thỏa thuận VFA, nguồn lực bảo đảm an ninh cho Philippines bị giảm đáng kể trong khi mà tiềm lực quân sự của nước này vẫn còn rất hạn chế và mối đe dọa của Trung Quốc là có thực.
Trong Châu Á Thái Bình Dương nhìn chung, mối quan hệ liên minh Phi-Mỹ rạn nứt sẽ làm tăng thêm mối lo ngại mất cân bằng trong vùng giữa lúc Mỹ đang cố gắng làm tròn vai trò kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc. Tất nhiên Philippines vẫn chỉ là một nước mà mối quan hệ đồng minh với Mỹ không thể được coi là ưu tiên như với Nhật Bản hay Hàn Quốc. Nhưng việc bị một đồng minh quay lưng khiến cho các hoạt động của Hoa Kỳ trong khu vực trở nên mất độ tin cậy và điều đó có ý nghĩa rất lớn cho những toan tính và tham vọng của Bắc Kinh trong khu vực.
The Manila Times, số ra hôm 11/02 nhấn mạnh : Mối liên minh quốc phòng giữa Philippines và Mỹ từ nhiều thập kỷ qua là cơ sở cho sự ổn định không chỉ riêng với Philippines mà còn cả với các láng giềng ở Đông Á và Đông Nam Á.
www.rfi.fr/vi/châu-á/20200212-philippines-hủy-thỏa-thuận-quân-sự-với-mỹ-cơ-hội-cho-trung-quốc-tiếp-tục-quân-sự-hóa
Geen opmerkingen:
Een reactie posten