Bệnh dịch virus Corona Vũ Hán hoạt động ra sao?
Hà Dương Cự/Người Việt
Bệnh dịch virus Corona phát xuất từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, đang gây chấn động khắp thế giới, ảnh hưởng không những về sức khỏe mà còn liên quan đến chính trị, tài chính, và nhiều lãnh vực khác. Thị trường chứng khoán tuột dốc vì bệnh dịch này. Hãng hàng không Anh và Canada đã ngưng tất cả các chuyến bay đến hay đi từ Trung Quốc.
Cho đến nay, 29 Tháng Giêng, bệnh này vẫn còn trên đà bộc phát. Bệnh dịch Vũ Hán đã lan ra nhiều nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Đức và Việt Nam.
Bệnh dịch Vũ Hán có tên chính thức là 2019 Novel Coronavirus (viết tắt là 2019-nCoV hay nCoV), có nghĩa là virus Corona mới 2019. nCoV còn rất mới nên có nhiều điều các nhà khoa học chưa có thời giờ để xác định được một cách chính xác. Trong bài này tôi xin nói về bệnh dịch nCoV theo những hiểu biết cho đến ngày nay: bệnh từ đâu phát sinh ra, lan ra như thế nào, và có thuốc trị không.
Virus và vi khuẩn khác nhau như thế nào?
Trước hết cần phân biệt giữa vi khuẩn (bacteria) và virus vì cách chữa bệnh do vi khuẩn gây ra khác với cách chữa bệnh do virus gây ra. Vi khuẩn là những tế bào có thể sống độc lập trong hoặc ngoài cơ thể. Bệnh như ho lao là do vi khuẩn gây ra. Những bệnh này có thể được chữa trị bằng thuốc kháng sinh (antibiotic).
Virus không phải là tế bào và không thể sống độc lập một mình được. Virus sống bám vào những tế bào trong cơ thể và dùng chất liệu gene của tế bào đó để sinh sôi nảy nở. Những bệnh như cảm cúm, thủy đậu hay AIDS là do virus gây ra. Thuốc kháng sinh không có hiệu quả đối với những bệnh do nhiễm virus. Muốn trị bệnh nhiễm virus cần phải có loại thuốc kháng virus (antiviral) như thuốc trị bệnh AIDS. Vì bản chất của virus nên rất khó có những loại thuốc kháng virus. Muốn phòng ngừa bệnh nhiễm virus thì phải phát triển một loại vắc xin như vắc xin ngừa cúm.
Virus Corona là gì
Virus Corona là một loại virus thường thấy ở các động vật. Được đặt tên là Corona (tiếng La Tinh có nghĩa là vương miện) là vì dưới ống kính hiển virus này có những thành phần chĩa ra trông giống như một vương miện. Đôi khi những virus này lây từ súc vật qua người rồi từ người này qua người khác. Theo Cơ Quan Y Tế Thế Giới WHO thì những virus này có thể gây bệnh cho người, bệnh nhẹ thì như là cảm thường còn bệnh nặng thì có thể chết người.
Theo Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Bệnh của Hoa Kỳ (Centers for Disease Control and Prevention, viết tắt là CDC) thì có nhiều loại virus Corona có thể gây bệnh cho con người. Trong đó có ba loại virus Corona đã gây ra bệnh dịch nguy hiểm trên thế giới, đó là nCoV hiện nay, SARS, và MERS.
Vào khoảng năm 2002-2003 virus Corona có tên là SARS (Severe Acute Respiratory Syndrome, hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng) đã bùng phát trên thế giới lan tới 37 quốc gia, gây bệnh cho hơn 8,000 người và làm cho 774 người thiệt mạng. Tỷ số người chết đối với người bị bệnh là 9.6%. SARS bắt đầu từ vùng Quảng Đông, Trung Quốc. Về sau các nhà khoa học biết được bệnh dịch này lây từ con dơi qua con cầy hương (civet) rồi lây qua người. Lúc đó chính quyền Cộng Sản Trung Quốc đã bị dân chúng trong nước cũng như thế giới chỉ trích nặng nề vì sự bưng bít và phản ứng trì trệ khi đối phó với bệnh dịch SARS.
Virus Corona MERS (Middle East Respiratory Syndrome, hội chứng hô hấp Trung Đông) xuất hiện tại vùng Trung Đông vào năm 2012. Bệnh này khó lây từ người này sang người khác nhưng khắc nghiệt hơn nhiều. Cho tới Tháng Mười Một, 2019, có 2,494 trường hợp bị bệnh MERS trong đó 858 bị tử vong. Tỷ lệ người chết là 34.4%.
Cho đến ngày hôm nay thì số người bị nCoV ở Trung Quốc đã vượt qua số trường hợp bị SARS, tuy nhiên tỷ lệ số tử vong của nCoV là 2.2% nhẹ hơn SARS và MERS nhiều.
Bệnh nCoV bắt đầu từ đâu
Bệnh dịch nCoV bắt đầu vào Tháng Mười Hai, 2019, từ thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc. Hiện nay người ta chưa biết chắc chắn bệnh dịch bắt đầu từ đâu. Giả thuyết được nói đến nhiều nhất là nCoV bắt nguồn từ một chợ bán những loại thịt rừng và cá tươi. Nhiều phần chắc là virus nCoV nhảy từ động vật hoang dã (có thể là dơi) qua người rồi truyền từ người này sang người khác.
Thời gian ủ bệnh
Các nhà khoa học cũng chưa biết rõ điều này nhưng căn cứ vào SARS thì thời gian ủ bệnh của nCoV có thể là từ 2 tới 14 ngày, có nghĩa là người bị lây virus thì trong vòng từ 2 tới 14 ngày những triệu chứng sẽ phát hiện. Trung bình bệnh sẽ phát hiện trong vòng 7, 8 ngày.
Triệu chứng bị nCoV
Những triệu chứng của nCoV là:
-Ho.
-Sốt.
-Khó thở.
-Thở dốc.
-Một vài trường hợp nặng nhưng hiếm là bị viêm phổi hay bệnh về đường hô hấp khác, thận bị hỏng và có thể dẫn tới tử vong.
nCoV truyền làm sao
nCoV còn quá mới nên các nhà khoa học chưa có thể khẳng định một cách chính xác bệnh truyền ra làm sao. Theo kinh nghiệm của hai loại virus Corona trước, SARS và MERS thì virus theo giọt li ti nước miếng hay nước mũi của người bệnh khi người này hắt hơi hay ho mà bay ra ngoài. Những người đứng gần có thể hít phải virus đó. Những hạt li ti đó cũng bám đầy vào thân thể của người bệnh khi người này cầm hay chạm vật gì, thí dụ như nắm cửa thì virus bám vào vật đó. Khi người khác cầm vào nắm cửa thì virus lại bám theo tay người ấy. Nếu người đó cho tay vào miệng hay dụi mắt thì sẽ bị lây bệnh.
Làm sao để phòng ngừa nCoV?
Hiện giờ không có vắc xin để ngừa bệnh nCoV. Cần phải có nhiều thời gian để phát triển được vắc xin. Các nhà khoa học mất 20 tháng mới làm ra vắc xin cho SARS. Còn về nCoV họ nói là cần ít nhất là một năm, đến lúc đó bệnh dịch chắc đã qua rồi.
Sau đây là lời khuyên của CDC về việc phòng ngừa nCoV:
-Rửa tay bằng xà bông ít nhất là 20 giây.
-Nếu tay không sạch nên tránh sờ lên mắt, mũi, và miệng.
-Tránh tiếp cận với người bị bệnh.
-Nằm nhà nếu bị bệnh.
-Che miệng hay mũi khi ho, hay hắt xì bằng khăn giấy.
-Lau và tẩy trùng thường xuyên những chỗ nhiều người sờ đến.
Theo Giáo Sư Charles Chiu, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Đại Học California, San Francisco, thì không cần đeo khẩu trang ở Hoa Kỳ. CDC cũng có lời khuyên tương tự.
Có thuốc chữa nCoV không?
Thuốc trụ sinh không trị được những bệnh do nhiễm virus như bệnh nCoV. Cũng không có thuốc kháng virus nào cho nCoV. Khi người bệnh vào bệnh viện thì bệnh viện chỉ hỗ trợ cơ thể để giúp cơ thể tự chống lại virus. Sự hồi phục tùy thuộc vào hệ thống miễn nhiễm của mỗi người. Những người già yếu, trẻ con hay những người hệ thống miễn nhiễm yếu thì sẽ bị nguy hiểm hơn người trẻ và khỏe mạnh.
Cập nhật tin tức về nCoV
Đây là một bệnh dịch nguy hiểm và còn trong vòng bùng phát nên tình thế thay đổi hằng ngày. Nếu bạn ở Hoa Kỳ mà muốn theo dõi một cách chính thức không qua những lời đồn đại hoang tưởng thì nên vào trang mạng của CDC mới được thiết lập đặc biệt cho nCoV: www.cdc.gov/coronavirus/2019-nCoV/index.html. (Hà Dương Cự)
Nguồn tài liệu: www.hopkinsmedicine.org, www.cdc.gov
https://www.nguoi-viet.com/doi-song/khoa-hoc/benh-dich-virus-corona-vu-han-hoat-dong-ra-sao/
Geen opmerkingen:
Een reactie posten