vrijdag 31 januari 2020

Anh Quốc chính thức rời Liên Hiệp Châu Âu

Anh Quốc chính thức rời Liên Hiệp Châu Âu


Ngày 31/01/2020, Anh Quốc chính thức rời Liên Hiệp Châu Âu.
Ngày 31/01/2020, Anh Quốc chính thức rời Liên Hiệp Châu Âu. REUTERS/Toby Melville
Đêm ngày 31/01/2020, vào lúc 23 giờ, giờ quốc tế, Vương quốc Anh chính thức rời Liên Hiệp Châu Âu sau 4 năm trưng cầu dân ý Brexit. Đây cũng là thời điểm Luân Đôn và Bruxelles bắt đầu đàm phán về quan hệ tương lai giữa Anh Quốc và 27 thành viên còn lại của Liên Hiệp Châu Âu. Thời hạn đàm phán dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 31/12/2020.
Ngày 31/01/2020 là một ngày lịch sử đối với nước Anh. Những người ủng hộ Brexit thì vui mừng, còn những người muốn nước Anh ở lại Liên Âu thì không giấu được nỗi buồn và cả nỗi lo sợ. Để tránh gây chia rẽ dân chúng, chính phủ Anh không tổ chức nhiều hoạt động rầm rộ ăn mừng Brexit trong ngày hôm nay.
Từ Luân Đôn, thông tín viên RFI Muriel Delcroix tường trình :
« Mở màn là sáng hôm nay, một cách tượng trưng, cuộc họp Hội đồng bộ trưởng được dời đến Sunderland, thành phố đầu tiên hồi năm 2016 tuyên bố ủng hộ Brexit.
Việc chọn thành phố cảng này ở miền đông bắc đất nước là một cách để thủ tướng Boris Johnson thể hiện lòng biết ơn về việc cử tri tại vùng ủng hộ đảng bảo thủ về Brexit đã bỏ phiếu cho ông hồi tháng 12/2019. Đây cũng là cách để Boris Johnson cho họ thấy là ông muốn đáp ứng kỳ vọng của họ.
Bài diễn văn được phát đi một giờ trước thời điểm Anh Quốc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu đã được thủ tướng ghi âm trước. Ông Johnson nói đây không phải là một điểm kết thúc mà là một điểm khởi đầu, là buổi bình minh của một thời kỳ mới, thời khắc của sự cách tân dân tộc thực sự và sự thay đổi. Thủ tướng kết luận đây là thời điểm để nước Anh bắt đầu đoàn kết lại, là lúc hòa giải đất nước vốn bị chia rẽ gần 4 năm qua vì Brexit và hiện vẫn còn đang bị chia rẽ nặng nề.
Tuy nhiên, những người ủng hộ nhiệt tình Brexit nhất sẽ không cảm thấy thỏa lòng, bởi Big Ben sẽ không đổ chuông. Thay vào đó, một chiếc đồng hồ ánh sáng đếm ngược sẽ được chiếu lên mặt tiền tòa nhà số 10 Downing Street. Một màn trình diễn ánh sáng phác họa hành trình 47 năm của nước Anh trong Liên Hiệp Châu Âu dự kiến sẽ diễn ra tại White Hall, khu vực tập trung trụ sở các bộ. Xa hơn một chút, tại quảng trường Nghị Viện, sẽ có hoạt động lễ hội sôi động hơn với sự tham gia của Nigel Farage, người được coi là kiến trúc sư Brexit.
Trái lại, những người ủng hộ nước Anh ở lại Liên Hiệp Châu Âu thì tập trung thắp nến, cho dù một số người không muốn yên lặng chịu cảnh nước Anh rời khỏi Liên Âu như vậy. Họ sẽ tập trung đi thành đoàn từ Downing Street và hát quốc ca Liên Hiệp Châu Âu, không phải là để nói lời vĩnh biệt Liên Âu mà để nói “Tạm biệt và hẹn gặp lại”. »
http://www.rfi.fr/vi/quốc-tế/20200131-anh-quốc-chính-thức-rời-liên-hiệp-châu-âu

Brexit chính thức khởi động, người dân Anh "kẻ cười, người khóc"

Người dân Anh ủng hộ Brexit chờ thời khắc đếm ngược "final countdow" Brexit, đêm 31/01/2020 ở Luân Đôn.
Người dân Anh ủng hộ Brexit chờ thời khắc đếm ngược "final countdow" Brexit, đêm 31/01/2020 ở Luân Đôn. Patricia Blettery/RFI
Đúng 23 giờ ngày 31/01/2020 (giờ GMT), vương quốc Anh chính thức rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu sau 47 năm chung sống. Người dân Anh, « kẻ cười, người khóc », hồi hộp chờ đón thời khắc quan trọng trong lịch sử nước Anh.
Sau 47 năm chung mái nhà và ba năm rưỡi dùng dằng kể từ cuộc trưng cầu dân ý tháng 06/2016 mà phần thắng nghiêng về những người chủ trương Brexit, vương Quốc Anh đã chính thức chia tay Liên Hiệp Châu Âu lúc nửa đêm tại Bruxelles (Bỉ).
Tại Luân Đôn, khi đồng hồ điểm 23 giờ, hàng ngàn người ủng hộ Brexit tụ tập trước Nghị Viện Anh, đón tiếp thời khắc lịch sử trong tiếng hò reo « Chúng ta tự do ! », « Đây là một ngày tuyệt vời ! », những tràng pháo tay, tiếng pháo hoa và tiếng nổ chai rượu sâm banh và hát quốc ca Anh.
Cách đó vài con phố một cuộc tập hợp khác, quy tụ chừng vài trăm người. Đó là những người phản đối Brexit. Tuy thất vọng, nhưng đối với họ, mọi chuyện chưa kết thúc, một cuộc đấu tranh cho thế hệ trẻ tương lai.
Phóng sự của Frédérique Lebel tại Luân Đôn, bên cạnh những người chống Brexit :
« Vẻ mặt thất vọng, mũ hóa trang theo kiểu Anh, đội tóc giả, mũ bêrê Liên Hiệp Châu Âu, Jane, tâm sự : ‘‘Lòng tôi tan nát, giận và buồn nữa, chúng tôi đến đây để ghi nhớ ngày khủng khiếp này trong lịch sử nước Anh’’.
Trong vòng ba năm rưỡi qua, Peter French đã tổ chức các cuộc biểu tình cùng với phong trào của anh United for Europe nhưng anh chưa bao giờ chấp nhận thất bại.
‘‘Đối với tôi, đây là kết thúc một chiến dịch để ở lại với Liên Hiệp Châu Âu. Sáng mai, đó là một sự khởi đầu một chiến dịch khác để trở lại với châu Âu. Bất kể thời gian có kéo dài bao lâu, tôi sẽ tiến hành chiến dịch này cho đến hơi thở cuối cùng và tôi tin chắc là chúng tôi sẽ đạt được điều đó. Đó là cuộc đấu tranh cho thế hệ tương lai, cho giới trẻ, sao cho chúng cũng có cùng những cơ hội mà chúng tôi đã hưởng trong suốt 40 năm qua’’.
‘‘Hẹn gặp lại’’, ‘‘Hẹn sớm gặp lại’’ là những dòng chữ trên các biểu ngữ. Một cuộc tuần hành mang tính biểu tượng đi từ số 10 Downing Street đến văn phòng Ủy Ban Liên Hiệp Châu Âu tại Luân Đôn vào tối 31/01 này ».
http://www.rfi.fr/vi/quốc-tế/20200201-brexit-chinh-thuc-khoi-dong-nguoi-dan-anh-ke-cuoi-nguoi-khoc

Bệnh dịch virus Corona Vũ Hán hoạt động ra sao?

Bệnh dịch virus Corona Vũ Hán hoạt động ra sao?

Hà Dương Cự/Người Việt

KHKT-Benh-dich-virus-Corona-1 Virus Corona. (Hình: fda.gov) KHKT-Benh-dich-virus-Corona-2 Virus Corona dưới kính hiển vi. (Hình: hopkinsmedicine.org) KHKT-Benh-dich-virus-Corona-3 Theo Giáo Sư Charles Chiu, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Đại Học California, San Francisco, thì không cần đeo khẩu trang ở Hoa Kỳ. CDC cũng có lời khuyên tương tự. (Hình: Miguel Medina/AFP via Getty Images)
Bệnh dịch virus Corona phát xuất từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, đang gây chấn động khắp thế giới, ảnh hưởng không những về sức khỏe mà còn liên quan đến chính trị, tài chính, và nhiều lãnh vực khác. Thị trường chứng khoán tuột dốc vì bệnh dịch này. Hãng hàng không Anh và Canada đã ngưng tất cả các chuyến bay đến hay đi từ Trung Quốc.
Cho đến nay, 29 Tháng Giêng, bệnh này vẫn còn trên đà bộc phát. Bệnh dịch Vũ Hán đã lan ra nhiều nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Đức và Việt Nam.
Bệnh dịch Vũ Hán có tên chính thức là 2019 Novel Coronavirus (viết tắt là 2019-nCoV hay nCoV), có nghĩa là virus Corona mới 2019. nCoV còn rất mới nên có nhiều điều các nhà khoa học chưa có thời giờ để xác định được một cách chính xác. Trong bài này tôi xin nói về bệnh dịch nCoV theo những hiểu biết cho đến ngày nay: bệnh từ đâu phát sinh ra, lan ra như thế nào, và có thuốc trị không.
Virus và vi khuẩn khác nhau như thế nào?
Trước hết cần phân biệt giữa vi khuẩn (bacteria) và virus vì cách chữa bệnh do vi khuẩn gây ra khác với cách chữa bệnh do virus gây ra. Vi khuẩn là những tế bào có thể sống độc lập trong hoặc ngoài cơ thể. Bệnh như ho lao là do vi khuẩn gây ra. Những bệnh này có thể được chữa trị bằng thuốc kháng sinh (antibiotic).
Virus không phải là tế bào và không thể sống độc lập một mình được. Virus sống bám vào những tế bào trong cơ thể và dùng chất liệu gene của tế bào đó để sinh sôi nảy nở. Những bệnh như cảm cúm, thủy đậu hay AIDS là do virus gây ra. Thuốc kháng sinh không có hiệu quả đối với những bệnh do nhiễm virus. Muốn trị bệnh nhiễm virus cần phải có loại thuốc kháng virus (antiviral) như thuốc trị bệnh AIDS. Vì bản chất của virus nên rất khó có những loại thuốc kháng virus. Muốn phòng ngừa bệnh nhiễm virus thì phải phát triển một loại vắc xin như vắc xin ngừa cúm.
Virus Corona là gì
Virus Corona là một loại virus thường thấy ở các động vật. Được đặt tên là Corona (tiếng La Tinh có nghĩa là vương miện) là vì dưới ống kính hiển virus này có những thành phần chĩa ra trông giống như một vương miện. Đôi khi những virus này lây từ súc vật qua người rồi từ người này qua người khác. Theo Cơ Quan Y Tế Thế Giới WHO thì những virus này có thể gây bệnh cho người, bệnh nhẹ thì như là cảm thường còn bệnh nặng thì có thể chết người.
Theo Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Bệnh của Hoa Kỳ (Centers for Disease Control and Prevention, viết tắt là CDC) thì có nhiều loại virus Corona có thể gây bệnh cho con người. Trong đó có ba loại virus Corona đã gây ra bệnh dịch nguy hiểm trên thế giới, đó là nCoV hiện nay, SARS, và MERS.
Vào khoảng năm 2002-2003 virus Corona có tên là SARS (Severe Acute Respiratory Syndrome, hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng) đã bùng phát trên thế giới lan tới 37 quốc gia, gây bệnh cho hơn 8,000 người và làm cho 774 người thiệt mạng. Tỷ số người chết đối với người bị bệnh là 9.6%. SARS bắt đầu từ vùng Quảng Đông, Trung Quốc. Về sau các nhà khoa học biết được bệnh dịch này lây từ con dơi qua con cầy hương (civet) rồi lây qua người. Lúc đó chính quyền Cộng Sản Trung Quốc đã bị dân chúng trong nước cũng như thế giới chỉ trích nặng nề vì sự bưng bít và phản ứng trì trệ khi đối phó với bệnh dịch SARS.
Virus Corona MERS (Middle East Respiratory Syndrome, hội chứng hô hấp Trung Đông) xuất hiện tại vùng Trung Đông vào năm 2012. Bệnh này khó lây từ người này sang người khác nhưng khắc nghiệt hơn nhiều. Cho tới Tháng Mười Một, 2019, có 2,494 trường hợp bị bệnh MERS trong đó 858 bị tử vong. Tỷ lệ người chết là 34.4%.
Cho đến ngày hôm nay thì số người bị nCoV ở Trung Quốc đã vượt qua số trường hợp bị SARS, tuy nhiên tỷ lệ số tử vong của nCoV là 2.2% nhẹ hơn SARS và MERS nhiều.
Virus Corona dưới kính hiển vi. (Hình: hopkinsmedicine.org)
Bệnh nCoV bắt đầu từ đâu
Bệnh dịch nCoV bắt đầu vào Tháng Mười Hai, 2019, từ thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc. Hiện nay người ta chưa biết chắc chắn bệnh dịch bắt đầu từ đâu. Giả thuyết được nói đến nhiều nhất là nCoV bắt nguồn từ một chợ bán những loại thịt rừng và cá tươi. Nhiều phần chắc là virus nCoV nhảy từ động vật hoang dã (có thể là dơi) qua người rồi truyền từ người này sang người khác.
Thời gian ủ bệnh
Các nhà khoa học cũng chưa biết rõ điều này nhưng căn cứ vào SARS thì thời gian ủ bệnh của nCoV có thể là từ 2 tới 14 ngày, có nghĩa là người bị lây virus thì trong vòng từ 2 tới 14 ngày những triệu chứng sẽ phát hiện. Trung bình bệnh sẽ phát hiện trong vòng 7, 8 ngày.
Triệu chứng bị nCoV
Những triệu chứng của nCoV là:
-Ho.
-Sốt.
-Khó thở.
-Thở dốc.
-Một vài trường hợp nặng nhưng hiếm là bị viêm phổi hay bệnh về đường hô hấp khác, thận bị hỏng và có thể dẫn tới tử vong.
nCoV truyền làm sao
nCoV còn quá mới nên các nhà khoa học chưa có thể khẳng định một cách chính xác bệnh truyền ra làm sao. Theo kinh nghiệm của hai loại virus Corona trước, SARS và MERS thì virus theo giọt li ti nước miếng hay nước mũi của người bệnh khi người này hắt hơi hay ho mà bay ra ngoài. Những người đứng gần có thể hít phải virus đó. Những hạt li ti đó cũng bám đầy vào thân thể của người bệnh khi người này cầm hay chạm vật gì, thí dụ như nắm cửa thì virus bám vào vật đó. Khi người khác cầm vào nắm cửa thì virus lại bám theo tay người ấy. Nếu người đó cho tay vào miệng hay dụi mắt thì sẽ bị lây bệnh.
Theo Giáo Sư Charles Chiu, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Đại Học California, San Francisco, thì không cần đeo khẩu trang ở Hoa Kỳ. CDC cũng có lời khuyên tương tự. (Hình: Miguel Medina/AFP via Getty Images)
Làm sao để phòng ngừa nCoV?
Hiện giờ không có vắc xin để ngừa bệnh nCoV. Cần phải có nhiều thời gian để phát triển được vắc xin. Các nhà khoa học mất 20 tháng mới làm ra vắc xin cho SARS. Còn về nCoV họ nói là cần ít nhất là một năm, đến lúc đó bệnh dịch chắc đã qua rồi.
Sau đây là lời khuyên của CDC về việc phòng ngừa nCoV:
-Rửa tay bằng xà bông ít nhất là 20 giây.
-Nếu tay không sạch nên tránh sờ lên mắt, mũi, và miệng.
-Tránh tiếp cận với người bị bệnh.
-Nằm nhà nếu bị bệnh.
-Che miệng hay mũi khi ho, hay hắt xì bằng khăn giấy.
-Lau và tẩy trùng thường xuyên những chỗ nhiều người sờ đến.
Theo Giáo Sư Charles Chiu, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Đại Học California, San Francisco, thì không cần đeo khẩu trang ở Hoa Kỳ. CDC cũng có lời khuyên tương tự.
Có thuốc chữa nCoV không?
Thuốc trụ sinh không trị được những bệnh do nhiễm virus như bệnh nCoV. Cũng không có thuốc kháng virus nào cho nCoV. Khi người bệnh vào bệnh viện thì bệnh viện chỉ hỗ trợ cơ thể để giúp cơ thể tự chống lại virus. Sự hồi phục tùy thuộc vào hệ thống miễn nhiễm của mỗi người. Những người già yếu, trẻ con hay những người hệ thống miễn nhiễm yếu thì sẽ bị nguy hiểm hơn người trẻ và khỏe mạnh.
Cập nhật tin tức về nCoV
Đây là một bệnh dịch nguy hiểm và còn trong vòng bùng phát nên tình thế thay đổi hằng ngày. Nếu bạn ở Hoa Kỳ mà muốn theo dõi một cách chính thức không qua những lời đồn đại hoang tưởng thì nên vào trang mạng của CDC mới được thiết lập đặc biệt cho nCoV: www.cdc.gov/coronavirus/2019-nCoV/index.html. (Hà Dương Cự)
Nguồn tài liệu: www.hopkinsmedicine.org, www.cdc.gov
https://www.nguoi-viet.com/doi-song/khoa-hoc/benh-dich-virus-corona-vu-han-hoat-dong-ra-sao/

donderdag 30 januari 2020

Các đại công ty bắt đầu ‘lao đao’ vì virus Corona

Các đại công ty bắt đầu ‘lao đao’ vì virus Corona


Một tiệm cà phê Starbucks ở Bắc Kinh hôm 29 Tháng Giêng. Starbucks đã đóng cửa phân nửa số tiệm ở Trung Quốc. (Hình: Noel Celis/AFP/Getty Images)
VŨ HÁN, Trung Quốc (Reuters) – Nhiều hãng hàng không lớn đã hủy chuyến bay đến Trung Quốc vì dịch viêm phổi Vũ Hán. Google tạm thời đóng cửa tất cả văn phòng, Starbucks đóng cửa phân nửa số tiệm ở Trung Quốc.
Theo Reuters, nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới đã hủy một số chuyến bay đến Trung Quốc vì dịch viêm phổi do Virus Corona gây ra ở Vũ Hán.
American Airlines, hãng hàng không lớn nhất của Mỹ, tuyên bố sẽ hủy các chuyến bay từ Los Angeles đến Bắc Kinh và Thượng Hải từ ngày 9 Tháng Hai đến ngày 27 Tháng Ba vì nhu cầu giảm mạnh do dịch virus Corona.
Một hãng khác của Mỹ là United cho biết sẽ hủy 24 chuyến bay từ Mỹ đi Bắc Kinh, Hồng Kông, Thượng Hải từ ngày 1 đến ngày 8 Tháng Hai cũng vì thiếu khách.
Các hãng hàng không lớn khác như KLM của Hòa Lan, Lufthansa của Đức, Bristish Airways của Anh, Air Canada, và Cathay Pacific của Hồng Kông cũng hủy hoặc giảm bớt chuyến bay đến Trung Quốc từ nay đến Tháng Ba.
Trong khi đó, các công ty lớn có đầu tư ở Trung Quốc cũng quyết định giảm bớt hoạt động ở đây.
Website công nghệ The Verge hôm Thứ Tư, 29 Tháng Giêng, đưa tin hãng Google sẽ tạm thời đóng cửa tất cả văn phòng của họ ở Trung Quốc, Hồng Kông, và Đài Loan.
Google cho biết họ có bốn văn phòng ở Trung Quốc chuyên về kinh doanh và kỹ thuật cho mảng quảng cáo của hãng. Google nói thêm rằng họ luôn cập nhật diễn biến dịch bệnh cho nhân viên ở đây.
Theo BBC, trước đó, Starbucks đã đóng cửa phân nửa số tiệm ở Trung Quốc để bảo đảm an toàn cho nhân viên, cũng như để hưởng ứng nỗ lực của chính phủ Trung Quốc ngăn chặn virus lây lan.
Hệ thống tiệm cà phê nổi tiếng này dự đoán dịch viêm phổi Vũ Hán đang lây lan nhanh có thể sẽ ảnh hưởng đến doanh số của họ.
Tổng Giám Đốc Starbucks Kevin Johnson nói công ty của ông đang “tìm cách vượt qua một tình huống rất khó lường.”
Starbucks nói với các nhà phân tích của Wall Street rằng, trước khi dịch bệnh xảy ra, họ dự tính nâng mức dự báo lợi nhuận hằng năm vì doanh số Quý I tốt hơn kỳ vọng. Nhưng cuối cùng, họ đành từ bỏ ý định này vì virus Corona.
Starbucks có khoảng 4,300 tiệm ở Trung Quốc, thị trường lớn nhất của họ bên ngoài nước Mỹ.
Starbucks mở tiệm đầu tiên ở Trung Quốc tại Bắc Kinh vào Tháng Giêng, năm 1999. Doanh số ở Trung Quốc chiếm khoảng 10% doanh số toàn cầu của Starbucks, nên đây là thị trường quan trọng nhất của họ.
Quyết định đóng cửa phân nửa số tiệm ở Trung Quốc của Starbucks nêu rõ những khó khăn mà các công ty lớn toàn cầu đang phải đối mặt vì dịch bệnh lây lan.
Tổng Giám Đốc Apple Tim Cook cho biết, hãng này đang “theo dõi sát sao” dịch virus Corona, vốn có thể ảnh hưởng đến doanh số của họ cho quý tới.
Apple đã hạn chế cho nhân viên đi đến Trung Quốc và giảm giờ làm việc của các cửa hàng ở nước này. Các nhà máy sản xuất linh kiện của hãng vẫn đóng cửa lâu hơn dự trù.
Đầu tuần này, Facebook trở thành công ty lớn đầu tiên của Mỹ khuyến cáo nhân viên tránh đi đến Trung Quốc.
Mạng xã hội khổng lồ này cho biết họ làm như vậy vì “muốn đề phòng tối đa” nhằm bảo vệ nhân viên.
Trong khi đó, theo CNN, các công ty bán lẻ của Mỹ đặt dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc vẫn đang cố gắng đánh giá tác động của Virus Corona đối với chuỗi cung ứng của họ.
Theo ông Jonathan Gold,  giới chức Hiệp Hội Bán Lẻ Quốc Gia Mỹ, nhiều nhà máy hiện vẫn đóng cửa nghỉ Tết, nên các công ty đang cân nhắc tiếp tục đóng cửa các nhà máy.
Hiệp hội này đã liên lạc với Bộ Nội An và Cơ Quan Bảo Vệ Biên Phòng và Hải Quan, và được thông báo rằng, đến lúc này, họ thấy chưa có trở ngại nào trong hoạt động vận chuyển.
Theo ông Gold, các công ty bán lẻ của Mỹ đã chuẩn bị cho những tình huống như thế này. Họ luôn chi tiền và thời gian để lên kế hoạch dự phòng cho những đại dịch như SARS và viêm phổi Vũ Hán, nên có thể nhanh chóng áp dụng những kế hoạch này.
Theo BBC, các công ty lớn khác của thế giới cũng đã hạn chế đi đến Trung Quốc, và các hãng xe hơi thì đang đưa nhân viên ra khỏi nước này.
Hôm Thứ Tư, 29 Tháng Giêng, Toyota loan báo các nhà máy sản xuất của hãng ở Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng cửa đến ngày 9 Tháng Hai.
Toyota cho biết quyết định đóng cửa nhà máy là để đáp ứng lệnh cấm giao thông của chính quyền Trung Quốc, cũng như để hãng đánh giá hệ thống cung ứng.
Toyota có nhà máy ở thành phố Thiên Tân, miền Bắc Trung Quốc, và tỉnh Quảng Đông ở miền Nam.
Trong khi đó, các công ty ở Trung Quốc thì đã khuyên nhân viên làm việc ở nhà. Các doanh nghiệp cũng cho nhân viên nghỉ Tết lâu hơn, và yêu cầu nhân viên nào mới đến những vùng bị nhiễm dịch bệnh không được đi làm. (Th.Long)
https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/4-nguoi-vu-han-xin-o-lai-can-tho-tranh-corona-khach-viet-bi-trung-quoc-tra-ve/

Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) vừa chính thức công bố dịch viêm phổi Vũ Hán là tình trạng khẩn trương toàn cầu

WHO chính thức công bố: Virus Corona là tình trạng y tế khẩn trương toàn cầu

Hai du khách ngoại quốc đeo khẩu trang y tế tại phi trường thủ đô Bắc Kinh hôm 30 Tháng Giêng, 2020. Virus Corona nay chính thức là tình trạng y tế khẩn trương toàn cầu. (Hình: Kevin Frayer/Getty Images)
GENEVA, Thụy Sĩ (Reuters) – Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) vừa chính thức công bố dịch viêm phổi Vũ Hán là tình trạng khẩn trương toàn cầu, trong lúc Mỹ chính thức xác nhận ca đầu tiên Virus Corona lây từ người sang người.
Tổng Giám Đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus công bố quyết định này sau cuộc họp khẩn của ủy ban gồm 16 chuyên gia tại Geneva, Thụy Sĩ, hôm Thứ Năm, 30 Tháng Giêng, 2020.
“Lý do chính để chúng tôi công bố điều này không phải vì những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, mà là những gì đang diễn ra ở những nước khác. Mối lo lớn nhất của chúng tôi là nguy cơ virus này lây lan đến những nước có hệ thống y tế yếu kém hơn và chưa chuẩn bị đối phó với dịch bệnh này. Xin được nói rõ, quyết định công bố này không phải là cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm Trung Quốc. Ngược lại, WHO vẫn tin tưởng Trung Quốc có đủ khả năng kiểm soát dịch bệnh.”
WHO hiếm khi công bố tình trạng y tế khẩn trương toàn cầu. 10 năm qua, họ chỉ công bố năm lần, gồm dịch cúm virus H1 năm 2009, dịch Ebola ở Tây Phi, dịch sốt bại liệt năm 2014, virus Zika năm 2016, và dịch Ebola đang diễn ra ở Cộng Hòa Dân Chủ Congo.
Một khi công bố tình trạng y tế khẩn trương toàn cầu, WHO sẽ đưa ra những khuyến nghị cho tất cả các nước nhằm ngăn ngừa hoặc giảm bớt tình trạng lây lan xuyên biên giới, nhưng làm sao tránh ảnh hưởng đến thương mại và đi lại.
Mặc dù không có thẩm quyền pháp lý để trừng phạt nước nào vi phạm, nhưng WHO có thể yêu cầu họ cung cấp bằng chứng khoa học cho bất kỳ hạn chế đi lại hoặc thương mại nào mà họ ban hành.
Trong khi đó, cũng vào Thứ Năm, các giới chức y tế Chicago thông báo đã có ca lây nhiễm virus Corona đầu tiên từ người sang người ở Mỹ.
Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh CDC hôm Thứ Năm, 30 Tháng Giêng, cho biết bệnh nhân mới là chồng của người phụ nữ ở Chicago đã bị nhiễm bệnh sau khi đến Vũ Hán, Trung Quốc.
Đây là ca nhiễm virus Corona thứ hai được xác nhận ở tiểu bang Illinois và là ca thứ sáu ở Mỹ.
Cũng vào Thứ Năm, Bộ Quốc Phòng Mỹ cho hay sẽ hướng dẫn quân nhân Mỹ cùng gia đình ở hải ngoại nhận biết dấu hiệu và triệu chứng của bệnh và các biện pháp phòng ngừa.
Bộ Trưởng Quốc Phòng Mark Esper công bố tin này tại buổi họp báo ở Ngũ Giác Đài. Ông cũng cho biết khoảng 200 công dân Mỹ di tản khỏi Vũ Hán hôm Thứ Tư hiện đang ở Căn Cứ Không Quân March, miền Nam California.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, số người chết do dịch viêm phổi Vũ Hán đã lên đến 170, và một ca nhiễm bệnh đã được xác nhận ở Tây Tạng, nghĩa là virus Corona đã lan đến mọi vùng của nước này.
Giới chức y tế Trung Quốc loan báo, tính đến ngày 29 Tháng Giêng, số ca nhiễm bệnh được xác nhận ở nước này là 7,711. Tuy nhiên, họ không công bố nhiều chi tiết về bệnh nhân cũng như căn bệnh ảnh hưởng đếnh bệnh nhân như thế nào.
Mặc dù những ngày qua, nhiều người nghi ngờ chính quyền Trung Quốc bưng bít thông tin, nhưng Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO đã đánh giá cao cách xử lý dịch bệnh của nước này.
Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi đây là con virus “quỷ sứ” và hứa sẽ tiêu diệt.
Tỉnh Hồ Bắc, nơi có gần một nửa số ca tử vong, đang ở trong tình trạng phong tỏa. Hồ Bắc, nằm ở miền Trung Trung Quốc, có 60 triệu dân và có thành phố Vũ Hán, nơi bùng phát dịch bệnh.

Vũ Hán cũng đã bị phong tỏa. Trung Quốc đã ban hành nhiều hạn chế về giao thông để ngăn chặn virus lây lan.
Người nào từng đến Hồ Bắc thời gian qua được công ty yêu cầu làm việc ở nhà đến khi nào công ty xác nhận là an toàn mới được đi làm trở lại.
Dịch bệnh đang ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc, lớn thứ hai thế giới. Ngày càng có nhiều quốc gia khuyên người dân tránh đi Trung Quốc nếu không cần thiết.
Hàng loạt hãng hàng không quốc tế đã hủy hoặc giảm bớt chuyến bay đến Trung Quốc. Các đại công ty như Google, Ikea, Starbucks và Tesla thì đóng cửa hàng hoặc ngưng hoạt động.
Có tin một số nơi ở Trung Quốc bắt đầu khan hiếm thực phẩm. Báo chí nhà nước đưa tin chính quyền “đang tăng cường nỗ lực bảo đảm nguồn cung vẫn tiếp tục và giá cả ổn định”.
Liên Đoàn Bóng Đá Trung Quốc đã thông báo hoãn tất cả trận đấu trong mùa bóng 2020.
Trên thế giới, virus Corona đã lan đến ít nhất 16 quốc gia. Nhiều quốc gia đã di tản và lên kế hoạch cách ly kiểm dịch công dân của mình từ Trung Quốc về nước.
Nga đã quyết định đóng cửa biên giới miền viễn Đông với Trung Quốc dài 2,670 dặm, tức 4,300 cây số, để ngăn virus lây lan.
Trong lúc này, các nhà nghiên cứu đang chạy đua bào chế vaccine chống virus Corona. Một phòng thí nghiệm ở California đang dự tính cho thử nghiệm một loại vaccine trên người vào Tháng Sáu hoặc Tháng Bảy.
Tỷ phú người Trung Quốc Jack Ma công bố chi $14.4 triệu để giúp đối phó với dịch bệnh.
Trong đó, $5.8 triệu dành cho hai tổ chức nghiên cứu của chính phủ Trung Quốc để bào chế vaccine, số còn lại dành cho việc “phòng ngừa và điều trị” bệnh. (Th.Long)

https://www.nguoi-viet.com/the-gioi/who-chinh-thuc-cong-bo-virus-corona-la-tinh-trang-y-te-khan-truong-toan-cau/

4 người Vũ Hán xin ở lại Cần Thơ tránh Corona; khách Việt bị Trung Quốc trả về


Thiết bị đo thân nhiệt tại Cảng Hàng Không Quốc Tế Cần Thơ. (Hình: Hoài Thanh/VietNamNet)
CẦN THƠ, Việt Nam (NV) – Hôm 30 Tháng Giêng, các báo nhà nước ghi nhận liên tiếp phát hiện hai hành khách Trung Quốc “sốt cao” tại phi trường Nội Bài, ba hành khách khác bị sốt trong chuyến bay từ Sài Gòn đi Hải Phòng.
Đến cuối ngày, Viện Vệ Sinh Dịch Tễ Trung Ương chính thức xác nhận ba trường hợp người Việt Nam đầu tiên nhiễm virus Corona. Trong số này, một ca ở Thanh Hóa đang điều trị ở bệnh viện tỉnh Thanh Hóa, hai trường hợp ở bệnh viện Nhiệt Đới quận Đông Anh, Hà Nội. Tuy vậy, các báo không nói rõ các ca này nhiễm virus Corona từ nguồn nào.
Cùng ngày, một gia đình gồm bốn người đến từ Vũ Hán, Trung Quốc, đang trú tại một khách sạn ở Cần Thơ và tìm cách ở lại Việt Nam sau chuyến du lịch Tết “để tránh virus Corona.”
Theo báo VietNamNet, tình trạng sức khỏe của những người này là “bình thường” và họ được đo thân nhiệt mỗi ngày hai lần.
Bốn người đến từ Vũ Hán, danh tính không được tiết lộ, được ghi nhận đến Sài Gòn từ hôm 20 Tháng Giêng, sau đó đi Phú Quốc và ở Cần Thơ từ hôm 25 Tháng Giêng (Mùng Một Tết). Được biết có khoảng 98 du khách Trung Quốc lưu trú tại các khách sạn ở Cần Thơ trong dịp Tết.
Báo VietNamNet không hé lộ tên khách sạn, nhưng cho biết rằng bốn vị khách từ Vũ Hán hiện ở hai phòng “được cách ly với các phòng khác.” Nhân viên khách sạn này cũng được lệnh túc trực và đưa ra khuyến cáo hạn chế ra ngoài với bốn vị khách Trung Quốc.
Do chiếu khán du lịch tại Việt Nam của những người này hết hạn ngày 15 Tháng Hai, nên họ đã liên lạc với Sứ Quán Trung Quốc tại Sài Gòn để gia hạn ở lại khách sạn “để tránh dịch.”
Hầu hết hành khách tại phi trường Cần Thơ đều đeo khẩu trang. (Hình: Nhật Minh/Tiền Phong)
Tin này được báo nhà nước đăng tải trong lúc một ngày trước, báo Zing cho hay Trung Quốc vừa bàn giao cho nhà chức trách tỉnh Lào Cai hai người Việt có dấu hiệu bị sốt khi qua nước họ. Hành động của Trung Quốc gây tranh cãi trên mạng xã hội, vì trước đó, hai ca đầu tiên bị phát hiện Corona ở Việt Nam đều là người Trung Quốc, và họ đang được bệnh viện Chợ Rẫy chữa trị.
Theo tờ báo, hai người được giữ kín danh tính, vốn đang kinh doanh, làm việc tại Trung Quốc. Sau khi có dấu hiệu bị sốt hơn 38 độ, họ lập tức được phía Trung Quốc trao trả về Việt Nam. Báo Zing dẫn lời ông Hoàng Quốc Hương, giám đốc Sở Y Tế tỉnh Lào Cai, nói mẫu bệnh phẩm của hai người nêu trên hiện đã được gửi đi xét nghiệm và đang chờ kết quả.
Trong lúc dư luận và giới kinh doanh khách sạn tại các địa phương bày tỏ mối quan ngại về hàng ngàn người Trung Quốc mang theo virus Corona vào Việt Nam, ông Nguyễn Khắc Định, bí thư Tỉnh Ủy Khánh Hòa, được báo Zing trích lời: “Có hiện tượng một khách sạn không đón khách Trung Quốc khi thấy họ đến từ Vũ Hán. Mặc dù dịch virus Corona đang lan rộng, các đơn vị kinh doanh du lịch không được kỳ thị khách. Quan trọng là chúng ta làm tốt công tác phòng dịch, chứ không phải né dịch theo kiểu không đón tiếp.”
Theo báo Thanh Niên, dịch Corona khiến đường phố Nha Trang những ngày Tết trở nên vắng khách Trung Quốc, lượng khách Trung Quốc đến các điểm thăm viếng, mua sắm giảm mạnh.
Tờ báo cho biết thêm, Trung Quốc là thị trường khách quốc tế lớn nhất của Khánh Hòa. Năm 2019, Nha Trang được ghi nhận đón hơn 2.4 triệu lượt khách Trung Quốc, chiếm hơn 70% lượng khách quốc tế đến Khánh Hòa. (N.H.K)
https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/4-nguoi-vu-han-xin-o-lai-can-tho-tranh-corona-khach-viet-bi-trung-quoc-tra-ve/