Biển Đông: Mỹ lại điều tàu tuần tra gần Hoàng Sa
Tàu chiến Mỹ USS Chancellorsville (CG-62) đang vào cảng Hồng Kông, ngày 21/11/2018.ANTHONY WALLACE / AFP
Hôm thứ Hai 26/11/2018 vừa qua, một tuần dương hạm Mỹ đã được phái đến tuần tra trên vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa tại Biển Đông hiện đang nằm trong tay Trung Quốc.
Thông tin về chuyến tuần tra mới nhất của Hải Quân Mỹ gần Hoàng Sa đã được kênh truyền hình Mỹ CNN loan báo hôm qua, 29/11, trích dẫn hai quan chức Mỹ cao cấp.
Trong một thông báo, thiếu tá Hải Quân Nathan Christensen, phát ngôn viên Hạm Đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ xác nhận : « Tuần dương hạm USS Chancellorsville đã di chuyển trong vùng phụ cận quần đảo Hoàng Sa để thách thức yêu sách chủ quyền trên biển quá đáng (của Trung Quốc), cũng như duy trì quyền tiếp cận vùng biển theo luật pháp quốc tế ».
Thiếu tá Christensen nhắc lại : « Lực lượng Mỹ hoạt động hàng ngày trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Mọi hoạt động của Mỹ đều phù hợp với luật pháp quốc tế và nhằm cho thấy là Mỹ có thể điều động chiến hạm và phi cơ đến bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép ».
Một quan chức Mỹ khác cho biết thêm, khi thực hiện chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải gần Hoàng Sa, tuần dương hạm USS Chancellorsville đã bị một chiếc tàu Trung Quốc bám theo, nhưng không có sự cố đáng tiếc nào xẩy ra.
Hai quan chức Mỹ cũng xác nhận là Trung Quốc đã chính thức gởi công hàm ngoại giao để phản đối hoạt động của chiếc USS Chancellorsville tại Hoàng Sa.
Giới quan sát đặc biệt ghi nhận tần suất dồn dập của các chiến dịch tuần tra của lực lượng Mỹ trên Biển Đông. Vào cuối tháng 9/2018, Hoa Kỳ đã phái khu trục hạm USS Decatur đi vào bên trong vùng 12 hải lý quanh đá Ga Ven và đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa đang nằm trong tay Trung Quốc.
Vào khi ấy, một khu trục hạm Trung Quốc đã xông ra cắt đường tàu Mỹ, suýt gây nên sự cố. Washington đã tố cáo một hành vi « không an toàn và thiếu chuyên nghiệp ».
CNN trích dẫn thống kê của quân đội Mỹ ghi nhận 18 vụ « chạm trán không an toàn » trên biển với lực lượng Trung Quốc ở Thái Bình Dương từ năm 2016 đến nay.
Chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải của Mỹ gần Hoàng Sa được tung ra hai hôm trước một chiến dịch tương tự với khu trục hạm Mỹ USS Stockdale và tàu tiếp liệu USNS Pecos đi ngang qua eo biển Đài Loan vào ngày 28/11.
Mục tiêu gây áp lực tối đa đối với Trung Quốc của hai động thái gần như đồng thời này - chiến thuật lưỡng diện giáp công trên biển - không thể không rõ ràng hơn, vào lúc mà tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến tiếp xúc với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang gay gắt.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181130-bien-dong-my-lai-thach-thuc-yeu-sach-chu-quyen-cua-bac-kinh-o-hoang-sa
Hải quân Trung Quốc cảnh báo tàu chiến Mỹ ở Hoàng Sa
Bộ tư lệnh miền Nam của Trung Quốc hôm thứ Bảy, ngày 1/12 cho biết Hải quân nước này đã cảnh báo tàu chiến Mỹ khi tàu này đi vào vùng nước mà Trung Quốc đòi chủ quyền ở Hoàng Sa.
Thông báo của Bộ tư lệnh miền Nam Trung Quốc cho biết tàu chiến Mỹ USS Chancellorsville đã đi vào vùng nước gần Hoàng Sa hôm thứ Tư ngày 28/11 vừa qua mà không xin phép Trung Quốc.
“Bộ Tư lệnh miền Nam đã điều hải quân và không quân giám sát tàu Mỹ và ra cảnh báo yêu cầu tàu này dời đi”, thông báo viết.
Bộ Tư lệnh miền Nam Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ vùng trời và vùng nước để ngăn chặn những sự việc có thể gây đe doạ cho an ninh quốc gia.
Trước đó, vào hôm 29/11, người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Nathan Christensen cho biết tàu chiến Mỹ đã thực hiện hoạt động gần Hoàng Sa để thách thức đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc, và duy truỳ tự do hàng hải qua vùng nước được luật quốc tế công nhận.
Hôm 21/11, tàu USS Chancellorville đã cùng hàng không mẫu hạm Ronald Reagan ghé thăm cảng HongKong.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 30/11 nói tàu chiến Mỹ đã vào vùng nước của Trung Quốc mà không xin phép và Trung Quốc đã làm rõ lập trường cứng rắn của mình về vấn đề này.
Hồi cuối tháng 9, tàu chiến của Trung Quốc cũng đã đi sát đến mức nguy hiểm tàu của Hải quân Mỹ khi tàu này đi gần đá Gaven thuộc quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc từ trước đến nay vẫn cho rằng việc tàu chiến và máy bay Mỹ đi qua khu vực Biển Đông gây mất ổn định trong khu vực.
Biển Đông là vùng nước đang tranh chấp giữa Trung Quốc với một số nước trong khu vực bao gồm cả Việt Nam. Trung Quốc là nước đòi chủ quyền đến 90% diện tích biển Đông qua vùng đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển. Toà Trọng tài quốc tế hồi năm 2016 đã bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc này nhưng Trung Quốc không chấp nhận phán quyết của toà.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten