vrijdag 2 november 2018

Việt Nam tiếp tục gia tăng kiểm soát mạng...kiểu Tàu, viện lẽ chống « tin giả » : rà soát đến 100 triệu tin tức mỗi ngày, để tìm ra các « thông tin sai lệch »

Việt Nam tiếp tục gia tăng kiểm soát mạng viện lẽ chống « tin giả »

mediaMột người dùng iPad trong quán cà phê tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 18/05/2018REUTERS/Kham/File Photo
Vào hôm qua, 31/10/2018, chính quyền Việt Nam cho biết đã thiết lập một đơn vị giám sát mạng internet, có khả năng « quét », tức là rà soát, đến 100 triệu tin tức mỗi ngày, để tìm ra các « thông tin sai lệch ».
Theo hãng tin Pháp AFP , đây là một động thái mới của Nhà nước Việt Nam trong việc tung ra những công cụ nhằm siết chặt hơn nữa quyền kiểm soát thông tin, hạn chế quyền tự do internet.
Trích lời bộ trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng được đăng trên trang web chính phủ, hãng tin Pháp ghi nhận là phương tiện mới nhất là một loại phần mềm được cho là có thể đọc mỗi ngày 100 triệu thông tin trực tuyến, « để phân tích, đánh giá và phân loại ».
Theo lời ông Hùng, việc rà soát lượng thông tin khổng lồ này là một điều cần thiết để có thể « trừng phạt một cách hợp pháp » những người loan truyền tin giả trên các mạng xã hội.
Bộ trưởng Thông Tin Việt Nam tuy nhiên không cho biết chi tiết về cách thức vận hành của bộ phận « chống tin giả » gọi là « trung tâm quốc gia về giám sát an toàn thông tin trên không gian mạng » - và nhất là nhờ đâu mà bộ phận đó có thể ra soát được một khối lượng thông tin khổng lồ cả « trăm triệu thông tin » như vậy.
Trong thời gian gần đây, Nhà nước độc đảng tại Việt Nam đã lần lượt triển khai một loạt biện pháp nhằm tăng cường kiểm soát thông tin trên mạng, một động thái bị giới chỉ trích cho là nhằm trấn áp giới bất đồng chính kiến, đang sử dụng Facebook và YouTube làm công cụ hoạt động.
Trong chiều hướng đó, Quốc Hội Việt Nam đã thông qua một luật an ninh mạng ngặt nghèo vào tháng Sáu vừa qua, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet phải lưu trữ dữ liệu về người dùng Việt Nam ngay tại Việt Nam, và phải xóa các « nội dung độc hại » nếu được yêu cầu. Các tập đoàn internet như Facebook và Google cũng sẽ phải bàn giao dữ liệu người dùng nếu được chính quyền yêu cầu.
« Trung tâm quốc gia về giám sát an toàn thông tin trên không gian mạng » là một công cụ được loan báo ít lâu sau khi chính quyền tiết lộ là đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm Internet có đến 10.000 người, chuyên trách việc theo dõi các bài đăng trên mạng.
Theo AFP, một số nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam đã cho biết là ​​các thành phần gọi là dư luận viên đó đã ồ ạt tung bình luận ủng hộ chính phủ trên các trang Facebook của họ.
Nhận xét chung của các nhà quan sát là trong lãnh vực kiểm duyệt Internet, Việt Nam đã rập khuôn theo mô hình chuyên chế của Trung Quốc, và Luật An Ninh Mạng của Việt Nam đã bắt chước luật của Trung Quốc.
Báo cáo thường niên công bố vào hôm qua, 31/10 của tổ chức bảo vệ dân chủ Freedom House, do chính quyền Mỹ tài trợ, đã nêu bật vai trò « đầu têu » của Bắc Kinh trong việc đề ra những luật lệ ngặt nghèo về Internet, luật lệ mà Trung Quốc đã « xuất khẩu » qua hơn một chục nước. Trung Quốc còn xuất khẩu công nghệ kiểm duyệt thông tin, và nhất là cố vấn cho các « khách hàng ».
Báo cáo của Freedom House đã dựa trên thông tin từ báo chí và chính phủ Trung Quốc để tiết lộ rằng Việt Nam cùng với Uganda, Tanzania, hai quốc gia châu Phi, là nơi mà các biện pháp về an ninh mạng đều được đưa ra sau những cuộc thảo luận với các quan chức Trung Quốc.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20181101-viet-nam-tiep-tuc-tung-vu-khi-kiem-soat-mang-vien-le-chong-“tin-gia”

Geen opmerkingen:

Een reactie posten