dinsdag 20 november 2018

Việt nam... "chết kẹt" giữa thương chiến Mỹ-Trung

Việt nam giữa thương chiến

Nguyễn Xuân Nghĩa
2018-11-20
Không chỉ có thương chiến Hoa-Mỹ mà còn có cả nước Nhật
Không chỉ có thương chiến Hoa-Mỹ mà còn có cả nước Nhật
AFP
Trong trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện nay, kinh tế Việt Nam bơi giữa dòng vì có được một số lợi thế mà cũng gặp nhiều trở ngại bất ngờ. Nhưng người ta không nên quên một cường quốc kinh tế đứng hàng thứ ba là Nhật Bản. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về hoàn cảnh kỳ lạ đó….

Vị trí và chọn lựa của Việt nam

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc - mà ông thường gọi tắt là thương chiến Mỹ-Hoa - sẽ tăng cường độ và kéo dài. Trong hoàn cảnh đó, Việt Nam sẽ được lợi thế vì nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẽ đầu tư vào Việt Nam như thị trường thay thế, nhưng cũng có thể gặp vấn đề nếu đấy là doanh nghiệp xuất phát từ Trung Quốc. Đã vậy, dường như là tình hình không chỉ có mâu thuẫn giữa hai nền kinh tế lớn nhất từ hai bờ Thái Bình Dương mà còn có vai trò của Nhật Bản, với sản lượng đứng hàng thứ ba thế giới. Vì vậy, Nguyên Lam xin ông phân tích cục diện này cho thính giả của chúng ta.
Việt Nam sẽ chỉ có lợi nếu có trị giá gia tăng cao hơn và đóng góp vào chu trình cung cấp. Ngược lại, nếu tiếp nhận đầu tư của Trung Quốc để sản xuất và xuất khẩu loại hàng rẻ tiền thì kinh tế Việt Nam tiếp tục là vệ tinh của xứ láng giềng để bán nguyên vật liệu của Tầu dưới nhãn Việt Nam cho các thị trường Âu-Mỹ-Nhật.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin đề nghị là chúng ta cùng nhìn sự thể trong bối cảnh trường kỳ và toàn diện. Việt Nam vừa phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là CPTPP, với 10 quốc gia trong đó có Nhật Bản, Úc, Canada và Malaysia… Việt Nam cũng sẽ hoàn tất Hiệp định Tự do Thương mại với Liên hiệp Âu châu. Vấn đề chính là sau khi ký kết và phê chuẩn thì phải cải cách cơ chế để thực thi các cam kết vì điều ấy thật ra có lợi cho Việt Nam. Chuyện thứ hai, người ta không thể quên vai trò trọng yếu của Nhật Bản trong Hiệp định Đối tác CPTPP và trong những mâu thuẫn muôn mặt với Bắc Kinh. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu các chuyện đó mà tôi gọi tắt là “thương chiến Hoa-Mỹ-Nhật” chứ không chí có Mỹ-Hoa.
Nguyên Lam: Trước hết là vị trí và chọn lựa của Việt Nam trong trận “thương chiến Mỹ-Hoa”, thưa ông, đâu là lợi thế và đâu là những trở ngại cho Việt Nam?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Từ nhiều năm trước rồi, Trung Quốc hết còn lợi thế là “công xưởng toàn cầu” với nhân công nhiều và rẻ vì mức lương gia tăng và số lao động không còn dồi dào như trước. Vì vậy, giới đầu tư quốc tế đã phải tìm các thị trường khác và đấy là một lợi thế cho Việt Nam nếu biết nhìn xa hơn mức lương thấp của mình mà chú ý tới tay nghề và năng suất của lực lượng lao động.
- Chuyện thứ hai và nhìn trong trường kỳ, vì Trung Quốc muốn bước lên trình độ sản xuất cao hơn với giá trị gia tăng lớn hơn nhờ các loại công nghệ tiên tiến, Việt Nam cũng phải sớm nghĩ như vậy, chứ không thể đi sau để tìm cơm thừa canh cặn của xứ láng giềng. Việc các doanh nghiệp quốc tế như Intel hay Samsung đầu tư rất mạnh vào Việt Nam là một cơ hội chuyển giao công nghệ cho kinh tế Việt Nam nếu Hà Nội nhìn ra và nhìn xa hơn lợi thế trước mắt là lương thấp.
- Bây giờ, khi thương chiến Mỹ-Hoa bùng nổ - và bùng nổ không chỉ vì hồ sơ thuế khóa hay hạn ngạch – Việt Nam có thể là giải pháp cho giới đầu tư nếu thay cho thị trường Trung Quốc ở các khu vực chế biến. Nhưng Việt Nam sẽ chỉ có lợi nếu có trị giá gia tăng cao hơn và đóng góp vào chu trình cung cấp, cho nên lãnh đạo Việt Nam nên suy nghĩ lại về chiến lược công nghiệp hóa của mình. Ngược lại, nếu tiếp nhận đầu tư của Trung Quốc để sản xuất và xuất khẩu loại hàng rẻ tiền thì kinh tế Việt Nam tiếp tục là vệ tinh của xứ láng giềng để bán nguyên vật liệu của Tầu dưới nhãn Việt Nam cho các thị trường Âu-Mỹ-Nhật.
Nguyên Lam: Ông vừa nêu ra hai vấn đề là, thứ nhất, lãnh đạo Việt Nam nên suy nghĩ lại về chiến lược công nghiệp hóa của mình và thứ hai, kinh tế Việt Nam có thể chỉ là vệ tinh của Trung Quốc để bán hàng của Tầu dưới nhãn hiệu Việt Nam. Nguyên Lam xin đề nghị ông khai triển cho hai ý đó.
Chính sách công nghiệp hóa của Việt Nam phải tận dụng trí tuệ và năng suất hơn nhân công rẻ.
Chính sách công nghiệp hóa của Việt Nam phải tận dụng trí tuệ và năng suất hơn nhân công rẻ. AFP
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thứ nhất, chiến lược hay chính sách công nghiệp hoá của Việt Nam phải tận dụng trí tuệ và năng suất hơn nhân công rẻ, và từng bước phải đem lại khả năng đóng góp cao hơn cho người Việt Nam, cho cơ sở sản xuất của Việt Nam thay vì chỉ trông cậy và phục vụ giới đầu tư ngoại quốc. Đấy là chuyện của cả chục năm tới, y như bài toán Hàn Quốc cách nay 50 năm.
- Thứ hai, khi doanh nghiệp Trung Quốc gặp khó khăn trong trận thương chiến với Mỹ mà chuyển đầu tư của họ vào Việt Nam thì họ gây ra nhiều vấn đề. Một là sẽ trả lương cao để thu vét nhân lực sản xuất làm các doanh nghiệp Việt Nam bị chật vật. Hai là họ ngụy trang hàng Tầu dưới nhãn Việt để bán cho xứ khác thì chính Việt Nam sẽ bị trừng phạt vì chỉ là chi nhánh sản xuất của Trung Quốc. Ba là nếu có viễn ảnh sâu xa, lãnh đạo Việt Nam nên nhân cơ hội mà nhìn ra sự khác biệt giữa hai thứ sản phẩm. Hàng hóa cao cấp như điện tử hay phụ tùng ráp chế xuất phát từ Hoa Kỳ, Nam Hàn hay Nhật sẽ có triển vọng lâu dài và giúp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng. Còn các loại hàng dệt may, đồ gỗ hay đồ da chỉ đẩy Việt Nam vào vị trí vệ tinh của Tầu vì mua nguyên liệu Trung Quốc và tái chế với trị giá gia tăng thấp để bán hàng cho Tầu.

Vai trò của Nhật Bản

Nguyên Lam: Chúng ta bước qua phần hai, khi ông nói tới vai trò của Nhật Bản. Vì sao ông đề cập tới chuyện này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Vẫn trong tinh thần là nên nhìn vào bài toán kinh tế một cách toàn diện thay vì cục bộ, và theo viễn ảnh trường kỳ thay vì ngắn hạn thì chúng ta thấy Trung Quốc cần giải quyết các vấn đề an ninh và kinh tế của họ qua hàng loạt sáng kiến, mà điển hình là Con Đường Tơ Lụa Mới hay Nhất Đới Nhất Lộ. Năm năm sau, nhiều quốc gia đã thấy ra dụng tâm đó và nghi ngờ. Các cường quốc kinh tế như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc thì không chỉ nghi ngờ mà đã có phản ứng. Nhật Bản là xứ nhạy bén nhất trong phản ứng đó….
- Nhật không muốn có chiến tranh với Trung Quốc mà vẫn phải canh chừng vì nằm ngay tuyến đầu của mâu thuẫn về an ninh với Bắc Kinh. Sau Thế Chiến II, Nhật Bản từ bỏ chủ trương bành trướng quân sự để bảo vệ và phát triển ảnh hưởng kinh tế của một quốc gia thiếu tài nguyên nên trở thành chủ nợ và chủ đầu tư lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Ngày nay, Bắc Kinh lại bành trướng quân sự chẳng khác gì Đế quốc Nhật khi xưa, nên vấn đề không chỉ có quan hệ căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mà còn có Nhật Bản, và nơi mà Thủ tướng Nhật Shinzo Abe thăm viếng đầu tiên sau khi tái nhậm chức vào năm 2012 chính là Việt Nam.
Nguyên Lam: Nguyên Lam thấy ông đang dẫn về đề tài chính của kỳ này là dường như không chỉ có trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mà còn có nước Nhật nữa, xin ông giải thích chuyện này cho thính giả của chúng ta.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trung Quốc có sáng kiến Nhất Đới Nhất Lộ với sáu tẩu lang kinh tế trên đất liền và các dòng giao lưu và hải cảng ở ngoài biển như một thể hiện của quyền lực mềm ở ngoài với chủ trương quân sự cứng rắn bên trong. Sáng kiến đó gây ưu lo cho lãnh đạo Nhật Bản về cả an ninh lẫn kinh tế, nhưng thay vì tìm cách ngăn cản hay triệt phá, Nhật lại bọc xuôi và tìm cách hợp tác với các dự án của Bắc Kinh từ bên trong. Khi thăm viếng Trung Quốc vào tháng trước, Thủ tướng Shinzo Abe chào mừng 40 năm tái thiết bang giao với Bắc Kinh, nhắc tới việc Nhật đã viện trợ cho Trung Quốc cho tới gần đây và bày tỏ thiện chí hợp tác với kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ của Bắc Kinh.
Đây là cơ hội cho Việt Nam thoát khỏi cái không gian chỉ có hai chiều Nam-Bắc, là Việt Nam và Trung Quốc, mà nhìn ra mục tiêu và chiến lược của các quốc gia khác, trong khi đối chiếu với nhiều khó khăn của nội tình Trung Quốc. Giải pháp kinh tế cho Việt Nam xuất phát từ đó.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Thưa ông, tại vì Nhật Bản là một bạn hàng của Trung Quốc hay vì lý do gì khác nữa?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ là vì khá nhiều lý do. Thứ nhất, dù chẳng nói ra, Bắc Kinh cũng thấy hụt hơi vì tốn kém kinh tế, tài chính và ngoại giao cho sáng kiến Nhất Đới Nhất Lộ của mình. Thứ hai, Nhật Bản kê vai tham dự sáng kiến đó vì có khả năng kỹ thuật và tài chính để nắm vững sự việc từ trong chử không còn đứng ngoài tìm cách ngăn chặn. Thứ ba, Nhật cũng muốn nhân cơ hội này mà tranh thủ các đồng minh nhưng không gây e ngại cho họ như Bắc Kinh.
- Khi đó, ta cũng nên chú ý đến một sự việc bất ngờ là Nhật Bản và Trung Quốc đều cùng tranh thủ các nước Đông Nam Á khi tài trợ các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở trong khu vực. Và ngoại trừ trường hợp Malaysia hay Thái Lan, Nhật mới tài trợ nhiều hơn Trung Quốc cho dự án hạ tầng trong khu vực và nhiều nhất là tại Việt Nam với khoảng 100 tỷ đô la, tính tới đầu năm nay. Trung Quốc thì chỉ tài trợ có chừng 30 tỷ đô la cho Việt Nam mà thôi, vì họ nhắm vào việc khác.
Nguyên Lam: Thính giả của chúng ta có thể ngạc nhiên khi ông nói Nhật Bản đã từng viện trợ cho Trung Quốc và cho các nước Đông Nam Á thì tài trợ nhiều nhất cho các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở tại Việt Nam. Ông giải thích thế nào về chuyện này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách đúng 40 năm thì Nhật Bản đã viện trợ cho Trung Quốc vẫn còn lạc hậu và sau 30 năm thì mới giới hạn dần loại viện trợ chính thức gọi là ODA, tính ra thì cũng hơn 34 tỷ đô la trong giai đoạn khốn khó của Trung Quốc. Nhật Bản mong là xứ này sẽ trở thành một đối tác có trách nhiệm thay vì là một cừu thù. Nhưng năm 2010 thì sản lượng kinh tế Trung Quốc đã vượt Nhật Bản nhờ dân số đông gấp chục lần nay đã được giải phóng khỏi chế độ tập trung quản lý kinh tế.
- Về phần Việt Nam, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên vượt ải cấm vận kinh tế của Hoa Kỳ từ năm 1992 và từ đó viện trợ các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở cho Việt Nam. Vì yếu tố ý thức hệ, lãnh đạo Việt Nam không muốn công nhận chuyện đó. Bây giờ, tình hình lại đang đổi khác, về cả an ninh lẫn kinh tế, khi Hoa Kỳ và Nhật Bản công khai nói đến việc yểm trợ dự án hạ tầng của các nước trong khu vực Đông Nam Á. Cái khác với kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ của Bắc Kinh là họ phát huy vai trò của tư doanh trong các dự án này. Và ta nên nhìn vào chuyện đó như một lon xăng để khởi động bộ máy tư doanh sau này sẽ tự động vận hành.
Nguyên Lam: Khi đó, thưa ông, chúng ta trở lại bài toán của Việt Nam giữa trận thương chiến. Ông kết luận như thế nào về chuyện này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ đây là cơ hội cho Việt Nam thoát khỏi cái không gian chỉ có hai chiều Nam-Bắc, là Việt Nam và Trung Quốc, mà nhìn ra mục tiêu và chiến lược của các quốc gia khác, trong khi đối chiếu với nhiều khó khăn của nội tình Trung Quốc. Giải pháp kinh tế cho Việt Nam xuất phát từ đó.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này, và xin hẹn quý thính giả vào tuần sau.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten