zondag 4 maart 2018

Việt Nam : Sau Bia Sài Gòn, người Thái muốn mua... Nhựa Bình Minh + nhà máy lọc dầu Long Sơn?

Nhựa Bình Minh sắp bị người Thái thâu tóm

Công Ty Nhựa Bình Minh đang đứng trước nguy cơ bị người Thái sở hữu gần 50% vốn. (Hình: vietnambiz.vn)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Công Ty Nhựa Bình Minh là doanh nghiệp có vốn nhà nước của Việt Nam đang nằm trong toan tính thâu tóm của Nawaplastic Industries (Saraburi), thành viên của Tập Đoàn SCG chuyên sản xuất ống nhựa PVC tại Thái Lan, với giá hàng ngàn tỷ đồng.
Trước đó, ngay khi Tổng Công Ty Đầu Tư Và Kinh Doanh Vốn Nhà Nước (SCIC) đăng ký bán toàn bộ hơn 24.1 triệu cổ phiếu (29.51% vốn điều lệ) nắm giữ tại Công Ty Nhựa Bình Minh (BMP), Nawaplastic Industries lập tức “nhảy” vào đăng ký tham gia đấu giá. Giá khởi điểm của cổ phiếu BMP là 96,500 đồng (khoảng $4.25)/cổ phiếu.
Doanh nghiệp Thái này được ghi nhận đang là cổ đông lớn nắm giữ hơn 16.7 triệu cổ phiếu BMP, tương đương hơn 20.4% vốn điều lệ tại Nhựa Bình Minh. Như vậy, trong trường hợp đấu giá thành công số cổ phần nêu trên, người Thái sẽ sở hữu 49.91% vốn góp tại Nhựa Bình Minh.
Những đợt thoái vốn liên tiếp tại doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam thời gian qua luôn có bóng dáng của người Thái. Truyền thông Việt Nam ghi nhận hầu hết thương vụ đầu tư của người Thái “đều nhắm tới thị trường hàng tiêu dùng và bán lẻ của Việt Nam,” với giá trị lên tới hàng tỷ đô la.
Hồi trung tuần Tháng Mười Hai, 2017, công ty của tỷ phú Thái Lan đã chính thức làm chủ Tổng Công Ty Bia, Rượu, Nước Giải Khát Sài Gòn (Sabeco) khi bỏ ra khoảng $4.8 tỷ mua hơn 53% cổ phần.
Trong phiên đấu giá, tin cho hay công ty Vietnam Beverage, một công ty có liên quan tới tỷ phú người Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, đã mua 343.6 triệu cổ phần với mức giá 320,000 đồng (hơn $14). Còn 20,000 cổ phần còn lại được bán cho ông Ngô Vinh Hiển, một nhà đầu tư cá nhân và cũng là một thầy cúng ở Hà Nội.
Xi măng Holcim đã về tay người Thái. (Hình: VNExpress)
Tổng giá trị số cổ phần Sabeco bán cho nhà đầu tư tư nhân là 109,000 tỷ đồng, tương đương với $4.8 tỷ. Ông Hiển sau đó “xù,” bỏ tiền cọc mua cổ phiếu Sabeco khiến công luận có suy đoán rằng phiên đấu giá này được sắp đặt trước để hãng bia Sài Gòn về tay người Thái một cách êm thấm và chóng vánh.
Người Thái cũng được ghi nhận đang nắm 19.06% vốn của hãng sữa Vinamilk thông qua F&N Bev Manufacturing và F&N Dairy Investments, hai đơn vị thuộc Tập Đoàn F&N của Singapore nhưng đã bị Tập Đoàn TTC Holdings của Thái Lan mua lại.
Hồi Tháng Tư, 2016, Tập Đoàn Central Group thuộc sở hữu của gia tộc tỷ phú Thái Tos Chirathivat cũng chi $1.14 tỷ mua lại toàn bộ hệ thống 33 siêu thị, trung tâm thương mại Big C Việt Nam.
Đó là chưa kể hàng loạt doanh nghiệp Việt khác “đã bị người Thái mua lại hoặc thâu tóm một phần,” như Xi măng Holcim, Giấy Cellox, Đậu hũ Ichiban…, theo báo Zing.
Nhà báo Vũ Kim Hạnh, cựu tổng biên tập báo Tuổi Trẻ và là người sáng lập sự kiện “Hội Chợ Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao,” viết trên trang Facebook cá nhân: “Sau bảy năm vận động ‘Ưu tiên dùng hàng Việt’ thì nay những thương hiệu Việt mạnh nhất lại muốn đem bán hết, phải chăng vận động cho mạnh để… bán? Đi hỏi khắp thế gian, xứ nào cũng cố gầy dựng cho được những thương hiệu mạnh nổi tiếng để làm hình ảnh, bộ mặt tiêu biểu của quốc gia. Về chủ trương thoái vốn nhà nước khỏi tất cả công ty nhà nước? Đúng, nhưng có nhất thiết phải bán bằng được cho nước khác chứ không phải cho nhà đầu tư trong nước? Nếu có ít tiền hơn, bài toán chủ sở hữu thương hiệu cho quốc gia liệu có cần cân nhắc? Có ai ngồi đếm được số lượng hội chợ Thái đang tổ chức đồng loạt, liên tục khắp cả ba miền Việt Nam được chính phủ Thái khôn khéo ủng hộ đúng luật quốc tế. Hàng Thái thay hàng Tàu, nhưng nhờ đâu họ hoạch định và thực thi được tất cả những gì họ muốn?” (T.K.)
Bài liên quan

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/nhua-binh-minh-sap-bi-nguoi-thai-thau-tom/

Sau Bia Sài Gòn, người Thái muốn mua máy lọc dầu Long Sơn?

Tổ hợp hóa dầu Long Sơn tăng vốn đầu tư từ $3.7 tỷ lên $5.4 tỷ. (Hình: Báo điện tử Dân Trí)
BÀ RỊA – VŨNG TÀU, Việt Nam (NV) – Hôm 21 Tháng Giêng, báo điện tử VietNamNet cho hay, Tập Đoàn SCG của Thái Lan đang muốn mua trọn toàn bộ phần vốn góp của Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) tại dự án hóa dầu Long Sơn.
Từ số vốn ban đầu $3.7 tỷ, đến nay vốn đầu tư của dự án đã tăng lên $5.4 tỷ. Hiện SCG và PVN là hai cổ đông lớn nhất tại dự án, trong đó PVN chiếm 29%, còn SCG chiếm 71%.
Theo dự tính, dự án hóa dầu Long Sơn khởi công trong năm nay, xây dựng trong bốn năm rưỡi và bắt đầu hoạt động thương mại vào khoảng nửa đầu năm 2022. Báo Việt Nam nói ước tính dự án hóa dầu Long Sơn có sản lượng lên tới 1.6 triệu tấn/năm.
VietNamNet tường thuật: “Ngày 20 Tháng Mười Hai, 2017, SCG đã có thư gửi Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị xem xét cho phép tập đoàn này mua lại toàn bộ phần vốn góp của PVN trong dự án này kèm theo một số điều kiện để có thể triển khai thuận lợi. Tại hội nghị tổng kết năm 2017 của PVN mới đây, Phó Thủ Tướng Trịnh Đình Dũng đã nhắc đến việc PVN rút vốn khỏi dự án này.”
Theo báo Zing, SCG đầu tư vào Việt Nam từ năm 1992 với nhiều lĩnh vực như xi măng, vật liệu xây dựng, hóa dầu và bao bì. Hiện tập đoàn này có 23 công ty con đang hoạt động tại Việt Nam với khoảng 8,300 nhân viên.
Một trong những thương vụ đình đám tại Việt Nam của SCG là mua lại Nhà Máy Xi Măng Bửu Long tại Đồng Nai và mua 85% cổ phần của Công Ty Cổ Phần Prime Group (Việt Nam), với giá gần 5,000 tỷ đồng ($219.5 triệu) vào cuối năm 2012.
Bình luận về việc tập đoàn Thái Lan tính thâu tóm dự án hóa dầu Long Sơn, Luật Sư Nguyễn Hà Luân bình luận trên trang Facebook cá nhân: “Những “quả đấm thép” từng được xướng danh choang choác trong các báo cáo thành tích, là bệ đỡ cho những cú thăng tiến vang lừng chốn quan trường. Nếu chúng không dính đến thua lỗ ngàn tỷ thì cũng tàn tạ xác xơ thế này đây. Như quả đấm này (hóa dầu Long Sơn), hóa ra chúng ta chỉ có một, hai cái ngón trong đó. Và đến lúc, chả còn nổi cái ngón trong bàn tay thì nói gì đến việc nắm lại thành quả đấm. Các quả đấm thép, cái thì tự đấm vỡ mặt chủ nhân. Cái thì thành quả đấm dùng đánh thuê cho người khác.”
Trong một diễn biến khác, báo điện tử Dân Trí cho hay, Quỹ Đầu Tư F&N Dairy Investments Pte. Ltd thuộc sở hữu TCC Holdings của tỷ phú người Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi “kiên trì dự chi hàng trăm triệu đô la gom mua cổ phiếu VNM nhằm nâng tỷ lệ sở hữu tại Công Ty Cổ Phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) “dù liên tục gặp thất bại do diễn biến bất lợi của thị trường.”
Dân Trí viết: “Nếu giao dịch thành công, F&N Dairy sẽ nâng lượng sở hữu cổ phiếu VNM lên hơn 253.79 triệu cổ phiếu tương ứng tỷ lệ 17.5%. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh từ ngày 10 Tháng Giêng đến 8 Tháng Hai, 2018.”
Hồi trung tuần Tháng Mười Hai, 2017, thông qua công ty tại Việt Nam là Vietnam Beverage, ông Sirivadhanabhakdi, người cũng là chủ của ThaiBev, đã đấu giá thành công hơn 343 triệu cổ phần của Tổng Công Ty Cổ Phần Bia – Rượu – Nước Giải Khát Sài Gòn (Sabeco) với giá $4.8 tỷ. (T.K.)
Mời độc giả xem chương trình “Sức khỏe tâm lý của cha mẹ có ảnh hưởng gì trong việc nuôi dạy con?(Phần 2)(1/2)

Bài liên quan

https://www.nguoi-viet.com/co-the-ban-quan-tam/sau-bia-sai-gon-nguoi-thai-muon-mua-may-loc-dau-long-son/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten