vrijdag 2 maart 2018

Chủ tịch Trung Quốc "trọn đời" Tập Cận Bình: 1,4 tỉ người vì... một người [... hoàng đế "đỏ" Tập ! ] + nước cờ rủi ro của đảng CS Trung Quốc



Chủ tịch Trung Quốc trọn đời Tập Cận Bình: 1,4 tỉ người vì một người


mediaPa-nô với chân dung và lời huấn thị của chủ tịch Tập Cận Bình trên đường phố Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 26/02/2018.REUTERS/Thomas Peter
Hầu như các báo Paris hôm nay 27/02/2018 đều chú ý đến sự kiện Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chuẩn bị bãi bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ đối với chủ tịch nước. Le Monde chạy tựa trên trang nhất « Tập Cận Bình, chủ tịch vĩnh viễn », còn Le Figaro nhấn mạnh cũng trên trang bìa « Sự chệch hướng mao-ít của Tập Cận Bình ».
Thông tín viên Le Figaro tại Bắc Kinh mở đầu bài viết « Tập Cận Bình, sẵn sàng trở thành ‘hoàng đế trọn đời’ của Trung Quốc » bằng lời chế giễu của một cư dân mạng : « Mẹ tôi bắt tôi hứa phải cưới vợ trước khi ông Tập Cận Bình kết thúc nhiệm kỳ, bây giờ thì tôi khỏe re rồi… ».
Bóng ma Mao lại ám ảnh : Số phận hơn 1 tỉ người nằm trong tay một người
Được nói đến từ nhiều tháng qua, giờ thì khả năng ông Tập trở thành hoàng đế Trung Quốc vĩnh viễn đã trở thành hiện thực, khiến không ít người lo ngại quốc gia này quay lại với bóng ma mao-ít. Nhà lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông đến nay, giờ đây có thể tại vị cho đến bao giờ tùy thích. Đề nghị của Trung ương Đảng, trừ khi có « động đất », sẽ được Quốc Hội thông qua.
Le Figaro cho biết, các chuyên gia lo ngại sự thiếu vắng mọi tiếng nói phản biện trước tình trạng tôn sùng cá nhân lãnh đạo, sẽ khiến chế độ Bắc Kinh trở nên độc đoán hơn. Nhà chính trị học Lâm Hòa Lập (Willy Lam) ở Hồng Kông cảnh báo, một sự quay lại với chủ nghĩa mao-ít sẽ là một thảm họa, khi một người duy nhất có toàn quyền quyết định số phận của gần 1,4 tỉ con người. Nhà chính trị học Trung Quốc Hồ Tinh Đẩu (Hu Xingdou), trả lời Le Monde qua điện thoại, cũng có ý kiến tương tự.
Chuyên gia về Trung Quốc Jean-Pierre Cabestan cũng ở Hồng Kông  « hy vọng Tập Cận Bình sẽ lắng nghe các cố vấn, nếu không Trung Quốc sẽ đại nguy ». Nhưng thật rủi ro khi muốn phản đối một nhà lãnh đạo tập trung mọi quyền lực trong tay, và « tư tưởng » được ghi trong điều lệ Đảng.
Trước đó « hoàng đế đỏ » đã đưa ra dấu hiệu rõ ràng khi không chỉ định người kế vị trong Đại hội Đảng vừa qua, đi ngược lại quy định bất thành văn lâu nay của ĐCSTQ. Nhưng cũng theo ông Cabestan, Tập Cập Bình, đã gây thù chuốc oán quá nhiều với chiến dịch « đả hổ, diệt ruồi » đại quy mô, « không có chọn lựa nào khác ngoài việc bám chặt lấy quyền lực ». Và ông Tập cũng là người duy nhất, với bàn tay sắt, « có thể tiến hành các cải cách đã loan báo để tránh các vụ phản kháng của xã hội », trong lúc kinh tế đang chậm lại.
Đàn áp, cái giá cho « Giấc mơ Trung Hoa » ?
Hiện giờ Tập Cận Bình « khủng bố » các địch thủ, khiến họ chỉ mong mỏi một cuộc khủng hoảng kinh tế hay địa chính trị làm ông ta suy yếu đi. Còn dân chúng, ngày ngày bị guồng máy tuyên truyền nhồi nhét, thì ủng hộ một nhà lãnh đạo đã hứa hẹn « giấc mơ Trung Hoa » : một siêu cường « hiện đại », có đội quân « ngang tầm thế giới ».
Nhưng cái giá phải trả rất cao, nhất là khi Tập Cận Bình đã bóp nghẹt xã hội dân sự ngay từ khi mới lên cầm quyền cuối 2012. Chuyên gia về lịch sử Trung Quốc Sam Crane, thuộc Williams College, Hoa Kỳ cho rằng ông Tập sẽ tiếp tục chính sách đàn áp : báo chí, tôn giáo, tổ chức phi chính phủ đều bị giám sát nghiêm ngặt và tất cả những tiếng nói đối lập đều bị dập tắt hoặc bỏ tù.
Dù vậy vẫn có nhiều phản ứng trên mạng xã hội. Nhiều cư dân mạng đăng những lời bình cay độc – và nhanh chóng bị chính quyền xóa đi – so sánh với họ nhà Kim ở Bắc Triều Tiên, tại vị cho đến khi chết. Số khác đăng ảnh gấu Winnie, mà vóc dáng rất giống Tập Cận Bình, đội vương miện hoặc cắm đầu vào hũ mật, với chú thích « Nếu bạn thích gì thì cứ bám chặt vào ».
Le Monde cho biết thêm, có người nêu ra những câu nói của triết gia Đức Hannah Arendt về chủ nghĩa toàn trị, người khác lại nhắc đến Viên Thế Khải (Yuan Shikai), viên tướng, đại thần nhà Thanh đã xưng đế vào năm 1915, trong nỗ lực thảm hại để tái lập nền quân chủ. Một bức ảnh trên WeChat thay chân dung Mao Trạch Đông trên Thiên An Môn bằng Tập Cận Bình.
« Đảng lãnh đạo » được chính thức ghi vào Hiến Pháp
Ngoài vấn đề nhiệm kỳ chủ tịch nước, Quốc Hội Trung Quốc sắp họp cũng chuẩn bị sửa đổi vài chục điều khoản trong Hiến Pháp, cho phù hợp với mục tiêu đầy tham vọng của ông Tập : « kỷ nguyên mới của chủ nghĩa xã hội theo kiểu Trung Hoa ». Bên cạnh đó là việc thành lập tân ủy ban giám sát. Siêu bộ chống tham nhũng này sẽ mở rộng ở tầm quốc gia các đặc quyền của Ủy ban Kỷ luật Trung ương Đảng. Là vũ khí thanh trừng của ông Tập, nay Ủy ban không chỉ có quyền đối với các đảng viên mà tất cả cán bộ nhà nước.
Vấn đề đối với Tập Cận Bình là bảo đảm vị trí lãnh đạo của Đảng trong Hiến Pháp, lâu nay chỉ được nói sơ qua trong lời mở đầu. Điều 1 Hiến Pháp nay ghi rõ « Vai trò lãnh đạo của Đảng là chủ chốt trong chủ nghĩa xã hội theo kiểu Trung Hoa ». Theo Le Monde, chừng như ông Tập đã chiến thắng trong cuộc đấu tranh nội bộ, vì lúc mới nhậm chức ông đã kêu gọi đấu tranh chống Hiến Pháp kiểu phương Tây, được cho là « mối nguy hàng đầu trong bảy nguy cơ mà Đảng phải đối phó ».
Tập đại đế chuẩn bị đội ngũ cận thần
Les Echos ghi nhận « Đại đế Tập Cận Bình chuẩn bị bố trí người của mình » vào những chức vụ quan trọng - một hành động mà chiến dịch kiểm duyệt mạng xã hội và tuyên truyền về bỏ hạn chế hai nhiệm kỳ, đã khiến dư luận bị đánh lạc hướng. Trong số đó có chức thủ tướng và thống đốc Ngân hàng Trung ương.
Ông Lý Khắc Cường có thể tiếp tục được giữ chiếc ghế thủ tướng. Trong năm năm qua, ông chỉ là cái bóng bên cạnh ông Tập, và không có ảnh hưởng gì trên các hồ sơ kinh tế, mà theo truyền thống vốn là lãnh vực dành riêng cho thủ tướng. Ông Lý lại càng mất thế hơn trước sức mạnh đang lên của Lưu Hạc (Liu He), nhà kinh tế được đào tạo ở Harvard, thân cận với Tập Cận Bình. Theo South China Morning Post, Lưu Hạc có thể trở thành phó thủ tướng phụ trách kinh tế, và theo Reuters, còn có khả năng thay Chu Tiểu Xuyên (Zhou Xiaochuan) làm thống đốc Ngân hàng Trung ương.
Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan), cánh tay mặt chống tham nhũng của ông Tập, dù đã quá tuổi làm ủy viên thường trực Bộ Chính trị, có thể lại tiếp tục đóng một vai trò quan trọng khác : phó chủ tịch nước, một chức vụ không bị hạn chế nhiệm kỳ. Một ủy viên thường trực mới lên là Lật Chiến Thư (Li Zhanshu) thì được cho là sẽ trở thành tân chủ tịch Quốc Hội.
Bắc Kinh hiện đại hóa, xua đuổi người nhập cư
Cũng liên quan đến Trung Quốc nhưng trên lãnh vực xã hội, Le Monde trong bài « Công trường vĩ đại của Bắc Kinh mới », nói về các quận ngoại vi đang chuẩn bị mọc lên những thành phố mới toanh, nhằm làm giảm áp lực dân số và giúp thủ đô Trung Quốc bớt ô nhiễm.
Các đại đô thị phải đối mặt với cơ sở hạ tầng xuống cấp, vì chỉ tính toán theo số người có hộ khẩu, thấp hơn rất nhiều so với số cư dân thực sự. Vấn đề môi trường, thiếu nước và kẹt xe từ lâu vẫn là nỗi lo của các nhà quy hoạch Bắc Kinh. Nhưng lần này chính quyền đã dùng đến các biện pháp triệt để, trục xuất hàng trăm ngàn người nhập cư vào cuối năm ngoái.
Theo thống kê năm 2016, có khoảng 8,1 triệu người không có hộ khẩu Bắc Kinh, có giấy cư trú từ sáu tháng trở lên. Số lượng này trong năm 2017 đã giảm xuống vì các vụ trục xuất. Nhiều người vẫn giữ hộ khẩu ở quê để phòng thân, tuy nhiên có đến 40% người dân nông thôn bị mất đất vì chính quyền địa phương cưỡng chế.
Apple chấp nhận trữ iCloud tại Trung Quốc
Về công nghệ, phụ trang kinh tế của Le Figaro cho biết « Apple thuận theo yêu sách của Trung Quốc về dữ liệu » : Các thông tin về khách hàng Trung Quốc sẽ được lưu trữ tại Hoa lục.
Đây là điều kiện tiên quyết để thâm nhập thị trường trên 1,3 tỉ dân. Kể từ ngày 28/2, tập đoàn Mỹ sẽ chuyển các hình ảnh, tài liệu, tin nhắn…mà tất cả những người sử dụng Trung Quốc lưu trong iCloud cho Hoa lục, theo luật mới của Bắc Kinh về an ninh mạng.
Apple khẳng định « không ai có thể đột nhập vào hệ thống ». Tuy nhiên trên thực tế chính quyền Trung Quốc có thể dễ dàng tham khảo kho dữ liệu trên lãnh thổ của mình, nhờ thay đổi cách quản lý các chìa khóa mã hóa. Trong khi cho đến nay, những « hạt vừng kỹ thuật số » nàyluôn được lưu trữ tại Hoa Kỳ. Có nghĩa là bất kỳ chính phủ nào muốn xâm nhập một tài khoản iCloud đều phải được tư pháp Mỹ cho phép.
Được cho là nhằm « chống khủng bố », giới nhân quyền lo sợ Bắc Kinh sẽ sử dụng công cụ này để truy bức các nhà ly khai. Một nhà đấu tranh đồng thời là cổ đông Apple nói với Reuters, sự kiện Apple còn nguy hiểm hơn vụ Yahoo ! chuyển giao dữ liệu cho Trung Quốc hồi năm 2005. Đó là vì các dữ liệu iCloud rất đầy đủ, và được kích hoạt tự động.
Trung Quốc thả vòi bạch tuộc sang Ấn Độ Dương
Nhìn sang « Gwadar, hải cảng trong mơ của người Pakistan », Le Figaro nhận định, từ khi Trung Quốc quyết định bành trướng sang cảng Gwadar thuộc tỉnh Baloutchistan trên biển Ả Rập, chính quyền Islamabad bắt đầu mơ đến một tương lai đầy hứa hẹn. Tuy nhiên theo tờ báo, tương lai này không phải toàn màu hồng.
Cảng Gwadar được cho China Overseas Ports Holding Company thuê trong 40 năm. Số tiền 55 tỉ đô la được Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC – China Pakistan Economic Corrido) đổ vào không phải là viện trợ cho không, mà Pakistan phải trả nợ và cổ tức cho tập đoàn Trung Quốc, trong khi dự trữ ngoại hối của Pakistan không nhiều.
Hơn nữa, theo lời đồn đãi thì một quân cảng của Trung Quốc sẽ được thiết lập tại đây : Gwadar là vị trí rất tốt cho các tàu chiến từ Bắc Kinh, để tăng cường sự hiện diện tại Ấn Độ Dương.
SNCF, hậu Merkel, Syria : Tựa chính báo Pháp
Về thời sự nước Pháp, Le Monde chạy tựa trang nhất « Cải tổ công ty đường sắt Pháp SNCF: Sự cầu viện đến nghị định », còn nhật báo kinh tế Les Echos chú trọng đến « Cú sốc của một sự cải tổ cấp tốc ».
Tại châu Âu, Le Figaro cho biết « Cánh hữu Đức chuẩn bị cho thời kỳ hậu Merkel » : cuộc chạy đua giành chức vụ người kế nhiệm thủ tướng Angela Merkel đã bắt đầu. Về tình hình Trung Đông, La Croix giải thích « Vì sao cuộc xung đột Syria cứ kéo dài mãi » : với sự tham gia của rất nhiều nhân tố khu vực và quốc tế, cuộc chiến bắt đầu từ tháng 3/2011 đã vượt hẳn khỏi tầm tay người Syria.
Trên lãnh vực điện ảnh, Libération dành trang nhất cho bộ phim bom tấn « Black Panther », mà theo tờ báo là đánh dấu một bước ngoặt của điện ảnh Mỹ, với hầu hết diễn viên là người da đen.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180227-chu-tich-trung-quoc-tron-doi-tap-can-binh-14-ti-nguoi-vi-mot-nguoi

Duy trì quyền lực cho Tập Cận Bình, nước cờ rủi ro của đảng CS Trung Quốc

mediaCác món quà lưu niệm với chân dung chủ tịch Tập Cận Bình được bày bán tại Thiên An Môn, ngày 26/02/2018.REUTERS/Thomas Peter
Đời sống chính trị Trung Quốc đang đứng trước bước ngoặt lớn với việc Trung ương Đảng Cộng Sản nước này thông báo dự án cải cách xóa bỏ quy định giới hạn hai nhiệm kỳ lãnh đạo đất nước đã được ghi trong Hiến pháp. Theo các nhà phân tích, phủ nhận mô hình kế thừa quyền lực, yếu tố vốn đã tạo sự ổn định chính trị cho chế độ độc đảng Trung Quốc từ nhiều thập kỷ qua, có thể sẽ chứa đựng những rủi ro cho Tập Cận Bình cũng như đảng của ông.
Ông Tập Cận Bình chính thức lên nắm đỉnh cao quyền lực ở Trung Quốc từ năm 2013. Theo quy định của Hiến pháp Trung Quốc và cũng như đã thành tiền lệ trong đảng thời hậu Mao Trạch Đông, ông Tập Cận Bình sẽ phải rời khỏi chức vụ lãnh đạo vào năm 2023, tức là sau hai nhiệm kỳ 5 năm. Với đề xuất sửa đổi Hiến pháp theo hướng không giới hạn hai nhiệm kỳ lãnh đạo, thông báo hôm Chủ nhật ( 25/02/2018), đảng Cộng sản Trung Quốc đã mở đường để ông Tập Cận Bình sẽ còn ở lại lâu dài trên đỉnh cao quyền lực.
Đề xuất này, như một chỉ đạo của đảng, sẽ được thông qua trong phiên họp toàn thể của Quốc Hội vào tuần tới. Quốc Hội Trung Quốc trong dịp này cũng dự kiến đưa tư tưởng Tập Cận Bình vào Hiến pháp, một danh dự mà cho đến giờ chỉ duy nhất dành cho Mao Trạch Đông, người tự tôn vinh là « Người cầm lái vĩ đại » của nhân dân Trung Quốc.
Theo các nhà phân tích chính trị Trung Quốc, thì ý đồ phá luật để duy trì quyền lực cho cá nhân ông Tập Cận Bình sẽ không phải không có rủi ro cho đảng Cộng sản. Bà Simone van Nieuwenhuizen, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Sydney nhận xét, « giới hạn hai nhiệm kỳ đã được quyết định nhằm bảo đảm một sự ổn định nhất định. Nếu được giữ lại hơn 10 năm, Tập Cận Bình chắc chắn sẽ bị giới chính trị ưu tú và cả người dân soi xét rất kỹ ».
Tất nhiên, nhiều người sẽ liên tưởng ngay tới trường đoạn lịch sử đấu đá nội bộ tranh giành quyền lực khốc liệt và ngột ngạt dưới thời Mao Trạch Đông. Hơn nữa, dự án cải cách Hiến pháp vừa được thông báo cũng đặt vấn đề xét lại nguyên tắc « lãnh đạo tập thể » do Đặng Tiểu Bình áp đặt trong đảng từ những năm 1980, nhằm tránh tập trung quyền lực tuyệt đối vào một người như đã diễn ra dưới chế độ Mao.
Nhìn lại hai lãnh đạo tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Ông Giang nắm quyền từ 1993 đến 2003, ông Hồ lên kế thừa từ 2003-2013 rồi chuyển giao sang cho ông Tập. Mỗi người tiền nhiệm của ông cũng chỉ hoàn thành hai nhiệm kỳ rồi rút vào hậu trường dành chỗ cho thế hệ lãnh đạo mới. Các lần chuyển giao quyền lực về cơ bản đều đã diễn ra suông sẻ cho dù trong hậu trường trước lúc vỗ tay ở hội trường lớn, các màn tranh giành cũng đã diễn ra không thiếu phần ác liệt.
Giờ đây, mới chưa đi qua hết nhiệm kỳ đầu, ở tuổi 64, ông Tập Cận Bình đã làm được nhiều việc mà những người tiền nhiệm ông không làm được trên phương diện thâu tóm quyền lực. Ông Tập tỏ cho thấy làm một lãnh đạo quyền thế, độc đoán.
Ông củng cố chế độ bằng gia tăng trấn áp đối kháng, bóp nghẹt xã hội dân sự. Ông phát động chiến dịch chống tham nhũng, lợi dụng loại bỏ các thành phần chống đối trong nội bộ, ông áp đặt đưa « tư tưởng Tập Cận Bình » vào trong điều lệ đảng, gây mầm cho tệ sùng bái cá nhân nảy nở trở lại.
Khi đã thâu tóm được mọi quyền lực trong tay, ông Tập Cận Bình dấn thêm bước nữa để có thể đi xa hơn trên con đường quyền lực.
Nhà nghiên cứu chính trị, Jonathan Sullivan, thuộc Đại học Nottingham, Anh Quốc phân tích : « Việc giới hạn số lượng nhiệm kỳ đã cho phép thể chế hóa sự chuyển tiếp ở đỉnh cao quyền lực và tránh cho đảng Cộng sản Trung Quốc sa đà đi theo các triều đại bạo chúa, hoặc dẫn tới một thời kỳ suy tàn tai họa…Gỡ bỏ mọi giới hạn có thể gây rủi ro cho sự ổn định về lâu dài ».
Một nguy cơ khác của sự tập trung tuyệt đối quyền lực vào tay ông Tập, theo bà Susan Shirk, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Đại học California, tại San Diego, đó là Tập Cận Bình có thể sẽ có những quyết định sai bởi xung quanh toàn những kẻ xu nịnh, không ai dám làm ngược lại ý của ông ta.
Bên cạnh đó, tập trung quyền lực vào một người có thể sẽ khơi dậy sự chống đối phản kháng ngầm ngay trong nội bộ đảng. Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình đã tước đi quyền hành và lợi ích của gần một triệu cán bộ đảng. Có ai dám chắc có bao nhiêu người bị ông Tập kỷ luật đã tâm phục khẩu phục mà không có ý đồ chống đối hay phục thù. Ngay cả những người đã tránh được tai bay vạ gió trong cuộc thanh trừng vừa qua cũng không khỏi không có phản ứng tự vệ.
Theo như nhận định của chuyên gia Susan Shirk thì nguy cơ đối với ông Tập còn ở chỗ giới chính trị ưu tú sẽ có hình thức « nổi dậy » theo cách của họ. Bởi tầng lớp này sẽ rơi vào trong hoàn cảnh hiểm nghèo sau cuộc cải cách nhằm để ông Tập Cận Bình không chia sẻ quyền lực cho ai.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180226-don-duong-duy-tri-quyen-luc-cho-tap-can-binh-nuoc-co-rui-ro-cua-dang-cong-san-trung-

Trung Quốc : Đổ xô mua cổ phiếu có tên gợi ra hoàng đế Tập Cận Bình


mediaẢnh minh họa: Bảng giá trên thị trường chứng khoán Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 09/02/2018REUTERS/Aly Song
Các nhà đầu tư Trung Quốc, nổi tiếng là mê tín dị đoan, hôm nay 26/02/2018 chen chúc trên các thị trường chứng khoán địa phương để mua cổ phiếu của các công ty nào có các từ « hoàng đế » trong tên gọi, vào lúc việc sửa đối Hiến Pháp có thể giúp ông Tập Cận Bình trở thành chủ tịch Trung Quốc suốt đời.
Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đề nghị bỏ điều khoản trong Hiến Pháp giới hạn chủ tịch nước chỉ có thể làm hai nhiệm kỳ. Như vậy Tập Cận Bình, chủ tịch Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ năm 2013, có thể tiếp tục là người đứng đầu chế độ đến bao lâu cũng được, như một « hoàng đế đỏ ».
Thường là ít suy nghĩ và hay theo đuôi đám đông, hàng triệu nhà đầu tư nhỏ đang chiếm đa số trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, trong đó có nhiều người về hưu, rất quan tâm đến đề nghị sửa đổi Hiến Pháp, được tiết lộ hôm qua, Chủ nhật 25/02/2018.
Khoảng năm, sáu doanh nghiệp có từ « đế » hay « hoàng đế » trong tên tiếng Hoa của công ty, bỗng dưng thấy giá cổ phiếu của mình tăng vọt hôm nay trên các thị trường chứng khoán Thượng Hải, Thâm Quyến…
Cổ phiếu của công ty cung cấp thẻ chứng minh Shenzhen Emperor Technology vào cuối phiên giao dịch tăng 7%, sau khi đã tăng đến 9% trước đó.
Được niêm yết tại Thượng Hải, cổ phiếu công ty sản xuất chân gà tẩm gia vị Jiangxi Huangshanghuang (Hoàng đế của các hoàng đế) tăng 2,93% ; trong khi Harbin Viti Electronics (tên tiếng Hoa là Uy Đế Điện Tử hay Weidi, tức « hoàng đế đầy uy lực ») tăng 4,43%.
Vatti Corporation (Hoa Đế, tức hoàng đế Trung Hoa), nhà sản xuất máy giặt và điện tử gia dụng, có cổ phiếu tăng 1,74% trên thị trường chứng khoán Thâm Quyến, trong lúc Shanghai Emperor of Cleaning Hi-Tech (Thượng Hải Tiển Bá) tăng 4,43%.
Nhìn chung, các cổ phiếu này tăng ở mức cao so với mặt bằng chung: chỉ số của thị trường chứng khoán Thượng Hải chỉ tăng có 1,23% hôm nay.
Đôi khi thiếu thông tin, chỉ phản ứng theo các dòng tít lớn trên báo chí, người chơi chứng khoán Trung Quốc thường lao vào mua các cổ phiếu mà họ chỉ biết mỗi cái tên, được cho là « hên », mà không quan tâm đến năng lực kinh tế thực sự.
Khi ông Donald Trump được bầu làm tổng thống Mỹ, có một công ty mà cái tên khi đọc lên bằng tiếng Hoa nghe giống như « Trump đại thắng » bỗng thấy giá cổ phiếu tăng vọt.
Còn hơn thế nữa : do kinh tế chậm lại, vào năm 2014 và 2015 khoảng mấy chục tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng và khai thác khoáng sản đã đổi tên nghe rất kêu, trong khi các hoạt động công nghệ cao chỉ chiếm một tỉ lệ hết sức nhỏ trong doanh số công ty. Thủ thuật này đôi khi giúp giá cổ phiếu tăng lên, bất chấp kết quả kinh doanh tồi tệ của họ.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180226-trung-quoc-do-xo-mua-co-phieu-co-ten-goi-ra-hoang-de-tap-can-binh

Geen opmerkingen:

Een reactie posten