Thế hệ khách du lịch Trung Quốc kiểu mới
Thế hệ khách du lịch Trung Quốc kiểu mới. Thổ Nhĩ Kỳ : du lịch mất mùa, khu chợ nổi tiếng Grand Bazar ở Istambul vắng khách. Một khối ngọc thạch nặng 210 tấn được phát hiện tại miền Bắc Miến Điện. Kêu gọi tẩy chay giải vô địch cờ vua nữ thế giới tại Iran vì phải đeo mạng che mặt khi thi đấu. Một cậu bé mắc bệnh ung thư bị cư dân mạng Tây Ban Nha điên cuồng chỉ trích vì mơ ước trở thành đấu sĩ bò tót. Trên đây là các chủ đề chính trong tập chí Thế Giới Đó Đây tuần này.
Năm 2015, 128 triệu du khách Trung Quốc (13% du khách toàn cầu), khi đi du lịch ở nước ngoài đã tiêu 415 tỉ đô la. 56% du khách Trung Quốc nằm trong độ tuổi 26-36 tuổi, 11% dưới 26 tuổi. Cách đây 15 năm, du lịch Trung Quốc mới chỉ đang trong quá trình phôi thai, nhưng giờ đây nó đã phát triển nhờ sự mềm mỏng trong các quy định về đi lại và đặc biệt nhờ có quy định về các kỳ nghỉ phép được hưởng lương từ năm 2008.
So với trước đây, tầng lớp trung lưu mới của Trung Quốc trẻ hơn, có học hơn và kết nối mạng nhiều hơn. Trước đây, người Trung Quốc ở tầng lớp trung lưu bị ám ảnh là phải tiết kiệm, tích lũy của cải. Nhưng giờ đây, tầng lớp này lại chỉ « chăm chăm tiêu tiền ». Dù thuộc nhiều độ tuổi khác nhau, nhưng các du khách Trung Quốc đều xu hướng tiết kiệm trong các chi phí khách sạn và ăn uống nhưng lại thích « vung tay mua sắm ».
Tính trung bình, 42% các chuyến du lịch nước ngoài của du khách Trung Quốc có giá dưới 700 euro và chỉ có 14% các chuyến du lịch có giá trên 3.000 euro. Nhưng đó cũng là vì bốn điểm du lịch được người Trung Quốc ưa thích là Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật và Thái Lan đều nằm ở châu Á. Các nước châu Âu như Pháp, Ý, Thụy Sĩ và Đức chỉ là điểm đến yêu thích thứ hai của du khách Trung Quốc.
Đối với giới trẻ Trung Quốc, đi du lịch nước ngoài là cách tự khám phá bản thân và học hỏi hơn là dịp để khám phá các nền văn hóa mới, các phong cảnh mới. Thế hệ du khách ngày nay không muốn làm những gì mà thế hệ cha ông họ đã làm hay muốn làm. Hình ảnh đoàn du khách Trung Quốc đội cùng một kiểu mũ, đi sát nhau, nối đuôi thành hàng sau hướng dẫn viên du lịch với chiếc ô giương cao trên tay làm tí hiệu đang dần biến mất. Những bức ảnh chụp trước tháp Eiffel với ứng dụng Instagram cũng đã lỗi thời.
Trẻ và giàu có, khách du lịch Trung Quốc đặc biệt kết nối mạng Internet. Không muốn tắt điện thoại khi đi du lịch, du khách Trung Quốc muốn chia sẻ với bạn bè trong nước, vào bất cứ lúc nào, những gì họ đang trải nghiệm, những gì họ đang nhìn ngắm, hay những món ăn họ đang thưởng thức.
Thổ Nhĩ Kỳ : Du lịch mất mùa, khu chợ nổi tiếng Grand Bazar ở Istanbul vắng khách
Chợ Grand Bazar là một trong những địa điểm nổi tiếng nhất Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Đây cũng là một trong những nơi thu hút nhiều du khách nhất trên thế giới (gần 100 triệu du khách/năm). Nhưng Grand Bazar đang rơi vào khủng hoảng. Nhiều cửa hàng đã phải đóng cửa vì không có khách.
Alexandre Billette, thông tín viên RFI tại Istanbul, dẫn lời hiệp hội những người buôn bán ở chợ Grand Bazar cho biết, ít nhất 600 trong tổng số 3.500 cửa hàng đã phải đóng cửa. Nhưng chưa phải là hết, họ dự tính có tới 1.000, thậm chí là 1.500 cửa hàng trong chợ sẽ ngừng hoạt động.
Nguyên nhân đầu tiên là cuộc khủng hoảng du lịch mà Thổ Nhĩ Kỳ phải gánh chịu do làn sóng khủng bố từ một năm nay, thêm vào đó là vụ đảo chính bất thành hồi tháng 07/2016, và cả sự vắng mặt của các du khách Nga do khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước.
Năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã mất ít nhất 1/4 lượng du khách so với năm 2015, và hậu quả là khu chợ Grand Bazar cũng mất 1/3 số khách hàng. Nhiều hội nghị quốc tế bị hủy bỏ, nhiều con tàu biển khổng lồ chở khách du lịch cũng không ghé vào Thổ Nhĩ Kỳ. Mọi năm, chính các con tàu này đã mang số đông du khách đến với chợ Grand Bazar. Vì thế, các cửa hàng hướng tới khách hàng là khách du lịch bị ảnh hưởng nhiều nhất. Khoảng 60% các cửa hàng bán đồ trang sức ở chợ Grand Bazar đã phải dừng kinh doanh trong những tuần vừa qua.
Kêu gọi tẩy chay giải vô địch cờ vua nữ thế giới tại Iran vì phải đeo mạng che mặt khi thi đấu
Nước Cộng Hòa Hồi Giáo Iran sẽ là nước tổ chức giải vô địch cờ vua nữ thế giới vào tháng 02/2017 và dự kiến sẽ có 64 vận động viên đến từ 26 nước.
Nhưng mới đây, Nazi Paikidze-Barnes, 22 tuổi, một trong những tay chơi cờ vua nữ nổi tiếng nhất của Mỹ đã quyết định tẩy chay giải vô địch cờ vua này vì nếu cô đến Iran tham gia thi đấu, cô sẽ phải đeo mạng che kín mặt. Trên thực tế, theo luật lệ Hồi Giáo hiện hành ở Iran, từ sau cuộc Cách Mạng năm 1979, tất cả phụ nữ, là tín đồ Hồi Giáo hay không phải tín đồ Hồi Giáo, cho dù là người Iran hay người nước ngoài, thì cũng đều phải đeo mạng che mặt.
Cô Nazi Paikidze-Barnes còn tung ra chiến dịch kêu gọi tổ chức giải vô địch ở một nước khác. Nữ vận động viên này khẳng định phụ nữ Iran bị đối xử như công dân hạng hai vì buộc phải đeo mạng che mặt.
Thế nhưng, theo lời thông tín viên RFI Siavosh Ghazi tại Téhéran, vào thời điểm này, vẫn chưa có phản ứng chính thức từ phía chính quyền Iran trước lời kêu gọi của tay chơi cơ vua Nazi Paikidze-Barnes nhằm hủy giải vô địch. Các nữ vận động viên cờ vua của Iran thì rất bất ngờ vì lời kêu gọi tẩy chay của vận động viên người Mỹ. Nhiều nữ vận động viên thậm chí còn khẳng định việc tổ chức một sự kiện như vậy ở Iran là một cơ hội cho phụ nữ nước này, và nó giúp phát triển bộ môn cờ vua, cũng như thể thao nói chung cho nữ giới.
Mặc dù phụ nữ Iran phải đeo mạng khi thi đấu thể thao, nhưng trong mấy năm gần đây, thể thao nữ lại phát triển tại đây. Các nữ vận động viên Iran tham gia các giải đấu quốc tế nếu họ không bị buộc phải dỡ bỏ mạng che mặt khi thi đấu, chẳng hạn như khi thi đấu karate.
Nhìn chung, trong xã hội Iran, phụ nữ ngày càng năng động hơn. Chẳng hạn, từ 20 năm nay, trong các kỳ thi tuyển sinh đại học, các nữ sinh chiếm 60% còn các nam sinh chỉ chiếm 40%, điều này cũng góp phần thay đổi quan niệm xã hội về phụ nữ ở quốc gia hồi giáo này.
Một khối ngọc thạch nặng 210 tấn được phát hiện tại miền Bắc Miến Điện
Ngọc thạch là loai đá quý được nhiều người Trung Quốc ưa chuộng. Nhưng ở Miến Điện, ngọc thạch cũng gây ra các mâu thuẫn giữa các dân tộc ở miền Bắc nước này.
Từ Rangoon, thông tín viên RFI Rémy Favre thuật lại :
Dài gần 6m và rộng hơn 4m, đây là khối ngọc thạch lớn chưa từng thấy ở Miến Điện. Các công nhân đã mất tới hai ngày mới đưa được khối ngọc khổng lồ nặng 210 tấn này ra khỏi mỏ. Khối ngọc đã vỡ làm đôi khi được đưa ra khỏi khu mỏ ở lộ thiên ở Hpakant, vùng cực bắc Miến Điện.
Người ta chưa định giá được khối ngọc. Theo các thông tin chính thức, hoạt động xuất khẩu ngọc từ Miến Điện, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, mỗi năm mang lại cho Miến Điện tới 1 tỉ đô la. Nhưng phần lớn không được hạch toán. Trong một báo cáo chi tiết vào năm 2014, tổ chức Global Witness đánh giá thương mại đá quý ở Miến Điện đạt 31 tỉ đô la, tương đương với 50% tổng sản phẩm nội địa nước này.
Phần lớn số của cải trời cho này lại do một nhóm nhỏ khai thác, thường là người thân của giới quân sự và những nhà lãnh đạo quân nổi dậy.
Hoạt động khai thác nguồn tài nguyên này là nguyên nhân dẫn đến các mâu thuẫn sắc tộc và đặt quân đội vào thế đối đầu với phe nổi dậy kachin từ năm 2011. Tuần này, quân nổi dậy đã đe dọa rút khỏi tiến trình hòa bình để phản đối một cuộc tấn công, đặc biệt cuộc không kích, mà quân đôi tiến hành trong khu vực từ nhiều tuần nay.
Cư dân mạng Tây Ban Nha điên cuồng chỉ trích cậu bé Adrian vì mơ ước trở thành đấu sĩ bò tót
Cậu bé Adrian 8 tuổi, bị mắc bệnh ung thư và khó qua khỏi, đã mơ ước một ngày nào đó trở thành đấu sĩ bò tót. Một cuộc khẩu chiến gay gắt đã nổ ra trên các mạng xã hội ở Tây Ban Nha, đặc biệt trên trang Twitter, với những lời trách móc, nguyền rủa nặng nề nhắm vào cậu bé.
Theo lời kể của thông tín viên RFI François Musseau tại Madrid, người ta có thể đọc hoặc nghe thấy những điều kinh khủng trên các mạng xã hội ở Tây Ban Nha. Lần này, sự thù hằn lại hướng vào một cậu bé mới 8 tuổi và đang mắc căn bệnh vô phương cứu chữa. Những người bảo vệ động vật, phản đối các trận đấu bò tót đã buông ra những lời cay độc, nghiệt ngã.
Một người nào đó tên là Etxerraga viết : « Hãy chết đi, càng sớm càng tốt, để giảm đi một kẻ giết hại bò tót. Bớt đi được một kẻ giết hại bò tót có nghĩa là cứu được một chú bò tót ». Còn một người tên là Manuel Ollero thì viết : « Tôi không muốn nhà nước tốn tiền chi trả các chi phí điều trị cho cậu bé này, đấy là tiền thuế mà tôi đóng góp ».
Ở Tây Ban Nha, những người ủng hộ đấu bò tót thì chỉ chiếm số ít nhưng họ đã phản ứng rất mạnh mẽ. Trên Twitter, Hiệp Hội Đấu Bò Tót đã lên tiếng bảo vệ cậu bé Adrian. Nhiều võ sĩ đấu bò tót nổi tiếng như Enrique Ponce hay Vicente Barrera đã đả kích gay gắt những người « nhân danh các nhà bảo vệ động vật » để « chôn sống một cậu bé không có khả năng tự vệ, nạn nhân của căn bệnh ung thư quái ác ». Võ sĩ đấu bò tót danh tiếng Enrique Ponce đã nói : « Tôi cảm thấy điều này thật đáng ghê sợ ».
Một nhóm đấu sĩ đã tổ chức một buổi lễ tại đấu trường Madrid để ủng hộ cậu bé Adrian. Trên các mạng xã hội lan truyền bức ảnh cậu bé đội chiếc mũ bêret của các đấu sĩ và được công kênh trên vai một đấu sĩ nổi tiếng. Đối với phần lớn cư dân mạng, bức ảnh rất đẹp, nó minh hoạ ước mơ của một đứa trẻ. Thế nhưng, với một số người khác, đặc biệt là các nhà bảo vệ động vật, bức ảnh thể hiện sự căm ghét động vật.
Câu chuyện của cậu bé Adrian gợi nhắc cho công chúng câu chuyện về đấu sĩ Victor Bario, người đã thiệt mạng vì bị bò húc vào người, hồi tháng 07/2016, trong một trận đấu tại đấu trường Teruel. Nhiều nhà bảo vệ động vật đã ăn mừng trên Internet. Có vẻ như cuộc đấu giữa những người bảo vệ động vật và các đấu sĩ bò tót còn lâu mới chấm dứt.
Cùng chủ đề
Geen opmerkingen:
Een reactie posten