zaterdag 17 december 2016

Nga... xoay trục sang châu Á: Quá khứ và tương lai

Nga xoay trục sang châu Á: Quá khứ và tương lai

media
Tổng thổng thống Nga Vladimir trong một cuộc họp báo chung với thủ tướng Nhật Shinzo Abe, tại Tokyo, ngày 16/12/2016.REUTERS/Franck Robichon/Pool

Chính sách địa chính trị mà tổng thống Nga Vladimir Putin công bố hôm 01/12/2016 đã rõ ràng: không phải là Liên Hiệp Châu Âu, mà đó là ba nước châu Á: Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Tổng thống Nga mong muốn xây dựng quan hệ song phương tốt đẹp với từng nước trên. 
Đây là nhận định của nhà nghiên cứu Pierre Grosser, giáo sư quan hệ quốc tế của đại học Science Po, Pháp trong bài viết có tiêu đề “Quá khứ và tương lai của chính sách xoay trục sang châu Á của Nga”. Bài viết được đăng tải ngày 09/12/2016 trên trang mạng The Conversation.
Từ cách đây rất lâu, Nga đã tung ra chiến lược ganh đua giữa các cường quốc trên quy mô Âu - Á, xuất phát từ việc cạnh tranh với người Anh từ đầu thế kỷ 19, ở cả vùng Baltic và Biển Đen, ở trung tâm Âu - Á, nơi người Nga và người Anh cùng kìm kẹp các đế quốc Hồi Giáo như Ottoman, Ba Tư, Mông Cổ, và cả Trung Hoa, rồi cuối cùng là ở Thái Bình Dương, nơi Anh đã dùng Nhật để chống Nga.
Cả Anh và Liên Xô đều lo sợ phát xít Đức liên minh với Ý và Nhật, nhưng phải đến năm 1941 thì hai nước mới có thể đi cùng với nhau đối mặt với hiểm họa này. Trong giai đoạn 1943 - 1945, Staline đã nghĩ đến chiến lược của Liên Xô trên phạm Âu - Á bằng cách có được các căn cứ gần các đối thủ của mình (Kaliningrad và quần đảo Kuril), dùng ván bài “sắc tộc” để tác động đến các nước láng giềng như Ukraina, Azerbaijan và Mông Cổ, hay thiết lập các khu vực ảnh hưởng mà Liên Xô coi là vùng đệm, chẳng hạn như ở Đông Âu hay ở phía bắc Trung Quốc.
Nhưng đến đầu những năm 1980, Liên Xô phải đối mặt với liên minh gồm toàn các trung tâm quyền lực quốc tế như Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản và Trung Quốc. Chính sách quân sự hóa chạy đua vũ trang của Liên Xô đã góp phần hình thành liên minh này. Cũng chính vì điều này mà Liên Xô đã thua trong cuộc Chiến Tranh Lạnh.

Thách thức từ Hoa Kỳ tới Trung Quốc
Sau thất bại trong cuộc chiến Crimée, vào những năm 1860, người Nga đã tiến về phía Trung Á. Còn sau thất bại với Nhật năm 1905, Nga lại hướng sang Balkan và Thổ Nhĩ Kỳ, góp phần làm gia tăng căng thẳng dẫn tới Thế Chiến 1. Thắng lợi trước phát xít Nhật năm 1939 đã cho phép Liên Xô tập trung vào châu Âu, ký hòa ước Đức - Liên Xô và xâm lược Ba Lan.
Năm 1945, Mỹ độc quyền cả về bom nguyên tử và chiếm đóng lãnh thổ Nhật, điều này đã buộc Staline phải có thái cứng rắn ở châu Âu và tìm kiếm vận may ở Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi khối NATO và Cộng Hòa Liên Bang Đức ra đời năm 1949, Staline đã bật đèn xanh cho Bắc Triều Tiên để thống nhất bán đảo Triều Tiên, và đó có thể là điều khiến Hoa Kỳ xoay sang châu Á. Sau khi Cộng Hòa Liên Bang Đức gia nhập NATO năm 1955, Matxcơva đã hướng sang các nước châu Á trung lập, đặc biệt là Ấn Độ.
Vào những năm 1970, hòa dịu ở châu Âu đã cho phép Nga quan tâm chú ý đến mối thách thức Trung Quốc. Lãnh đạo Gorbatchev đã tiến hành chính sách mở cửa với châu Á trong giai đoạn 1985-1987, nhưng hiệu quả khá hạn chế. Vì thế, Gorbatchev muốn “gia nhập” phương Tây, và đặc biệt là “Ngôi Nhà Chung Châu Âu”.

Xoay trục sang châu Á có chức năng đối trọng
Sau cuộc khủng hoảng Ukraina và các trừng phạt của phương Tây, việc xoay trục sang châu Á của Nga có vẻ như được bù đắp. Kremlin đã thu được rất nhiều lợi nhuận từ các hợp đồng béo bở về dầu lửa và khí gaz ở vùng Viễn Đông.
Có thể đây là một chiến thuật giản đơn: từ đầu thế kỷ đến nay, ve vãn Trung Quốc dường như là kế sách mà Matxcơva ưu tiên để tác động đến quan hệ Nga-Mỹ. Tuy nhiên, hiện giờ, Kremlin đang cố gắng giải thích rằng đó không phải là một sự lựa chọn chiến thuật mà là chiến lược, cho dù Bắc Kinh, vốn bị bắt chẹt khi liên minh với Nga trong những năm 1950, đã từ chối vào năm 2014 liên minh với Nga chống lại “các cuộc cách mạng màu” và khủng bố.
Nga cũng đang quay lưng lại với phương Tây mà Kremlin coi là không còn là một phương Tây theo đúng nghĩa, vì đã trở nên quá duy vật, yếu đuối và nữ hóa. Và giống như Washington xoay trục sang châu Á, Matxcơva cũng muốn tận sự năng động mạnh mẽ của châu Á.
Nhà nghiên cứu Pierre Grosser nhận định, đúng là việc xoay trục sang châu Á của Nga có chức năng đối trọng với sự bá chủ của Mỹ hay phương Tây, và không chỉ tuân theo lô gích địa chính trị. Đây còn là phương tiện để phản bác các phương thức và chuẩn mực, chẳng hạn như can thiệp vào nội bộ các nước khác (thậm chí can thiệp quân sự) hay về các giá trị dân chủ và nhân quyền, (và vấn đề người đồng tính).
Ngay từ năm 1955, Matxcơva đã mơ ước thành lập khối Nga - Trung Quốc - Ấn Độ để đối đầu với phương Tây, nhưng những năm 1960 - 1970 là giai đoạn cạnh tranh gay gắt giữa người Ấn Độ và người Trung Quốc (với cuộc chiến năm 1962) và giai đoạn ganh đua giữa Liên Xô và Trung Quốc (với cuộc chiến năm 1969). Trong khi đó, liên minh Liên Xô - Ấn Độ lại phải đối đầu với trục Trung Quốc - Pakistan. Năm 1986, lãnh đạo Gorbatchev đã muốn khôi phục lại trục này. Đây cũng là mục tiêu của thủ tướng Evguenni Primacov vào cuối những năm 1990, và là một trong những lý do để Nga khuyến khích thành lập nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS sau năm 2007 và thúc đẩy Ấn Độ gia nhập Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải.

Nhật: quân bài mới của Nga
Nga luôn lo ngại bị coi là "đối tác non trẻ" của Trung Quốc. Còn Trung Quốc thì chỉ thèm muốn nguồn tài nguyên thiên nhiên và vùng Viễn Đông vắng bóng người của Nga và coi Nga như là một cựu cường quốc đế quốc đã tước đoạt Siberia, khu vực Primorié và vùng Ngoại Mông từ tay Trung Quốc. Với liên minh kinh tế Âu - Á, Nga có thể là đối tác trong nhiều dự án lớn xuyên Âu - Á liên quan đến "các con đường tơ lụa mới" trên biển và trên đất liền mà Trung Quốc đang xúc tiến. Nhưng Matxcơva cũng có thể thấy là Trung Quốc (cũng như là Nhật Bản và Hàn Quốc)  làm giảm ảnh hưởng của Nga tại Trung Á. Chính là để duy trì chính sách xoay trục, Nga đã nhắm tới Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam và thậm chí là với Pakistan vì Matxcơva đã đóng vai trò trung gian, hòa giải cho cuộc chiến tranh Ấn Độ - Pakistan năm 1965.
Trong những năm 1970, khi Hoa Kỳ dường như không muốn dấn thân vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sau thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Liên Xô đã phát triển hải quân ở vùng biển Thái Bình Dương và liên minh với Việt Nam. Bắc Kinh nhìn nhận đây là một hành vi khiêu khích. Vì coi thường Nhật, nên thời đó Liên Xô không hề tìm cách chơi lá bài Nhật Bản giống như Mỹ chơi lá bài Trung Quốc. Người Nhật bị ám ảnh phải giành lại quần đảo Kuril từ tay Liên Xô, còn Liên Xô thì chỉ mong ngóng Nhật đầu tư vào vùng Siberia.

Ẩn số Donald Trump
Tương lai chính sách xoay trục của Nga phụ thuộc phần lớn vào các lựa chọn của Donald Trump. Nếu quả thật tổng thống Mỹ tân cử làm cho các đồng minh châu Á lo ngại khi đe dọa bỏ rơi họ, như ông đã từng tuyên bố, thì cánh cửa châu Á sẽ mở rộng ra với Nga, và Nhật sẽ tìm cách tham dự trò chơi với Nga như đã từng làm vào giữa những năm 1950.
Còn nếu Trump tiếp tục chọc giận Trung Quốc, đồng thời vẫn tiếp thủ tướng Nhật hay điện đàm với tổng thống Đài Loan như mới đây, thì Nga có thể sẽ phải làm rõ hơn sự lựa chọn liên kết của mình, hoặc chơi lá bài trung gian hòa giải giữa Washington và Bắc kinh.
Trừ phi Donald Trump và Vladimir Putin quay trở lại chính sách cũ về phân chia các khu vực ảnh hưởng và cùng hợp tác để đối đầu với Hồi Giáo cực đoan và « hiểm họa từ Trung Quốc ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20161216-truc-chau-a-cua-nga-qua-khu-va-tuong-lai

Geen opmerkingen:

Een reactie posten