donderdag 18 augustus 2016

Lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi thăm Trung Quốc

Lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi thăm Trung Quốc

mediaBà Aung San Suu Kyi và thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh 18/08/2016.REUTERS/Jason Lee

Nhà tranh đấu Miến Điện Aung San Suu Kyi, lần đầu tiên đến Bắc Kinh với tư cách là Ngoại trưởng của chính phủ dân chủ. Chuyến công du đuợc xem là « tế nhị ». Trong chương trình làm việc có dự án đập thủy điện Myitsone, do Trung Quốc đầu tư nhưng đã bị đình chỉ và dân chúng phản đối.
Từ Rangun, thông tin viên Rémy Favre phân tích :
Bà Aung San Suu Kyi vừa muốn làm hài lòng chính quyền Bắc Kinh nhưng cũng không muốn làm phật lòng người dân Miến Điện. Nhiệm vụ của bà trong chuyến viếng thăm này rất tế nhị. Từ nhiều tháng nay, Trung Quốc gây áp lực lên chính quyền mới tại Miến Điện để khởi động lại dự án đập thủy điện Myitsone, ở phía bắc. Dự án này trị giá gần 4 tỉ đôla với công suất 6.000 mégawatt mà mục tiêu chính là cung cấp điện cho tỉnh Vân Nam bên Trung Quốc.
Bà Aung San Suu Kyi không thể làm ngơ trước áp lực của Bắc Kinh. Kinh tế Miến Điện tùy thuộc phần lớn vào đầu tư Trung Quốc. Thành công của tiến trình hòa giải dân tộc, chấm dứt nội chiến cũng tùy thuộc vào thiện chí của anh láng giềng khổng lồ này.
Thế nhưng, dân chúng Miến Điện kịch liệt chống lại dự án đập thủy điện. Biểu tình phản kháng thường diễn ra.
Bà Aung San Suu Kyi bị giằng co giữa hai sức ép. Bà sẽ phải quyết định, hoặc theo ý dân chúng hoặc nhượng bộ Bắc Kinh.

Quyết định tạm thời của bà là cần ba tháng để xem xét tác hại của đập thủy điện. Chiến thuật này cho phép lãnh đạo Miến Điện có thêm thời gian để không làm thất bại chuyến công du Trung Quốc lịch sử ngày hôm nay.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160818-lanh-dao-mien-dien-aung-san-suu-kyi-tham-trung-quoc

Miến Điện: Aung San Suu Kyi đến Trung Quốc bàn về dự án thủy điện

mediaNgoại trưởng Miến Điện Aung San Suu Kyi - Ảnh nhân cuộc họp Ngoại trưởng ASEAN tại Vientiane, 25/07/2016Reuters
Lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi sẽ có mặt tại Trung Quốc ngày mai 17/08/2016. Chuyến đi này có thể là thử thách ngoại giao lớn nhất của bà, với số phận của đập thủy điện khổng lồ Myitsone do Trung Quốc đầu tư nhưng bị rất nhiều người Miến Điện chống đối.
Tìm ra giải pháp cho dự án đập Myitsone trị giá 3,6 tỉ đô la là điều quan trọng đối với bà Aung San Suu Kyi, vốn đang cần sự hợp tác của Bắc Kinh trong việc thương lượng với các nhóm thiểu số vũ trang hoạt động dọc theo biên giới phía bắc giáp Trung Quốc.
Cựu tổng thống Thein Sein năm 2011 đã khiến Bắc Kinh giận dữ, khi ông quyết định đình chỉ việc xây dựng đập thủy điện ở địa điểm hợp lưu của hai con sông tại lưu vực sông Ayeyarwady, sau các cuộc biểu tình lan rộng đòi bảo vệ môi trường.
Khoảng 90% lượng điện sản xuất được cung ứng cho Trung Quốc. Vào thời đó, bản thân bà Aung San Suu Kyi cũng đã kêu gọi cho ngưng dự án.
Hồi tháng Ba, Bắc Kinh tuyên bố sẽ thúc đẩy tân chính quyền Miến Điện tiếp tục dự án, nhấn mạnh rằng hợp đồng vẫn còn hiệu lực. Một ủy ban chính phủ đã bắt đầu xem xét lại nhiều dự án thủy điện trong đó có cả đập Myitsone, và tờ Global Times hôm nay nói rằng đây có thể là « dấu hiệu báo trước cho việc phục hồi các dự án đầu tư của Trung Quốc ».
Tờ báo theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa cho biết thêm, bà Aung San Suu Kyi viếng thăm Trung Quốc trước khi đi Hoa Kỳ vào tháng Chín tới, nhấn mạnh là tình hữu nghị với Trung Quốc rất quan trọng đối với Miến Điện.
Các dự án khác của Trung Quốc tại Miến Điện cũng gây nhiều tranh cãi, trong đó có mỏ đồng Letpadaung đã gây ra nhiều cuộc biểu tình, và dự án đường ống dầu khí song đôi chạy ngang đất nước.
Nhiều phần tử tại Trung Quốc trong những năm qua duy trì quan hệ với các nhóm nổi dậy và dân quân ở miền bắc Miến Điện, mà một số do các thủ lãnh gốc Hoa cầm đầu. Thế nên sự ủng hộ của Trung Quốc là chìa khóa cho chính quyền của bà Suu Kyi vốn đang tìm kiếm hòa bình và ổn định tại vùng biên giới hỗn loạn. Ngày 31/8 tới chính phủ Miến Điện sẽ tổ chức hội nghị hòa bình, với sự tham gia của hầu hết các nhóm thiểu số vũ trang.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160816-mien-dien-ba-aung-san-suu-kyi-den-trung-quoc-de-ban-ve-du-an-dap-thuy-dien

Miến Điện : Chính phủ mới sẽ xét lại các dự án lớn của Trung Quốc

mediaĐập thủy điện Myitsone ở bang Kachin, Miến ĐiệnDR / Irrawaddy
Chính phủ của Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ, sẽ nhậm chức vào đầu tháng 4 tới, dự định sẽ xét lại một số dự án của Trung Quốc ở Miến Điện, trong đó có dự án đập thủy điện gây nhiều tranh cãi. Cho tới nay, Trung Quốc vẫn là đối là đối tác thương mại hàng đầu của Miến Điện và quan hệ rất tế nhị với Bắc Kinh sẽ là một trong những thách đố quan trọng đối với chính phủ mới của bà Aung San Suu Kyi.
Hiện giờ, cựu lãnh đạo đối lập và Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ chưa nói rõ về các chính sách của họ, nhưng ông Hantha Myint, người đứng đầu ủy ban kinh tế của đảng này, trả lời AFP hôm nay, 09/03/2016 tại Rangoon, cho biết là chính phủ mới sẽ xét lại dự án đập thủy điện trị gá hàng tỷ đôla Myitsone ở bang Kachin, miền bắc Miến Điện.
Nguyên là một kỹ sư, ông Hantha Myint nêu lên mối lo ngại là đập thủy điện này được xây ở khu vực có nguy cơ động đất. Nhưng ông cho rằng có thể tìm ra một giải pháp thỏa hiệp, tức là nếu chính phủ mới từ chối cho xây đập ở Myitsone, thì có thể xây đập khác ở thượng nguồn.
Vào năm 2011, trước những chỉ trích của công luận về tác hại của dự án này lên môi trường và các cộng đồng dân cư, tổng thống Thein Sein đã ra lệnh tạm dừng công trình xây đập Myitsone. Bây giờ, phía Trung Quốc đang trông chờ chính phủ mới sẽ cho khởi động trở lại công trình này.
Ngoài dự án đập thủy điện Mytisone, một thách đố khác cũng đang chờ đón chính phủ mới của bà Aung San Suu Kyi, đó là dự án mỏ đồng ở Letpadaung, miền trung Miến Điện. Đây là dự án liên doanh giữa công ty Vạn Bảo (Wanbao) của Trung Quốc với một công ty của quân đội Miến Điện.
Mỏ đồng này đã trở thành một biểu tượng đấu tranh kể từ sau vụ đàn áp biểu tình năm 2012, khi lực lượng an ninh Miến Điện dùng đạn có chứa chất phospore trắng, một chất cực kỳ độc hại, bắn vào những người dân địa phương phản đối dự án.
Vào giữa tháng trước, một phát ngôn viên của Vạn Bảo đã tuyên bố là, cho dù vẫn có người dân địa phương phản đối, công ty này sẽ bắt đầu khai thác đồng ở mỏ Letpadaung vào tháng 5, sau khi Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ lên cầm quyền. Phát ngôn viên này tỏ ý hy vọng là chính phủ mới sẽ ủng hộ công ty của họ.
Sau vụ đàn áp biểu tình năm 2012 ở mỏ đồng Letpadaung, bà Aung San Suu Kyi, lúc đó là lãnh đạo nhóm nghị sĩ đối lập ở Quốc hội, đã đứng đầu ủy ban điều tra về vụ này. Báo cáo kết quả điều tra đã bật đèn xanh cho mỏ đồng tiếp tục hoạt động, gây phẫn nộ cho người dân địa phương và các nhà hoạt động. Tuy vậy, báo cáo này cũng đưa ra một số đề nghị để giảm thiểu những tác hại của dự án mỏ đồng lên các cộng đồng dân cư.
Tổ chức Ân xá Quốc tế vẫn chỉ trích dự án mỏ đồng Letpadaung như là biểu tượng của thời kỳ mà chính quyền quân sự tha hồ trưng thu đất đai, phá hoại môi trường và đàn áp dã man người biểu tình.
Bên cạnh việc xét lại các dự án của Trung Quốc, chính phủ của bà Aung San Suu Kyi còn phải tìm cách xóa bỏ dần những ưu đãi mà các công ty của quân đội Miến Điện vẫn được hưởng.
Nhưng cũng như đối với Bắc Kinh, bà Aung San Suu Kyi sẽ phải rất khéo léo trong mối quan hệ với phe quân sự, mà trong suốt nhiều năm vẫn là đối tác trực tiếp của các công ty Trung Quốc. Quân đội hiện vẫn còn thế lực rất mạnh, nắm trong nhiều công ty và vẫn còn giữ một số quyền quan trọng trên chính trường Miến Điện.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160309-mien-dien-chinh-phu-moi-se-xet-lai-cac-du-an-lon-cua-trung-quoc

Geen opmerkingen:

Een reactie posten