vrijdag 15 juli 2016

Việt Nam : Chính quyền bị nghi giúp Formosa phi tang chất độc hại + Chuyện dài Formosa, càng chữa càng cháy…lớn

Chính quyền bị nghi giúp Formosa phi tang chất độc hại

Ðập Sông Trí đang tiến hành xả nước. (Hình: báo Người Ðưa Tin)
Ðập Sông Trí đang tiến hành xả nước. (Hình: báo Người Ðưa Tin)
HÀ TĨNH (NV) – Ðể phi tang nơi chôn chất thải rắn của Formosa, người dân nghi chính quyền ồ ạt xả nước bất thường giữa mùa Hè, nhằm xóa dấu tích, gây khó khăn cho việc xác minh làm rõ sai phạm.
Ngày 11 tháng 7, 2016, sau khi truyền thông Việt Nam loan tin công ty Môi Trường-Ðô Thị Kỳ Anh lén lút chôn hơn 260 tấn bùn từ khu công nghiệp Formosa vào chôn lấp tại trang trại “bí mật” của ông Lê Quang Hòa, giám đốc công ty này.
Sự việc nhanh chóng được phanh phui. Các cơ quan chức năng từ tỉnh đến trung ương đồng loạt vào cuộc. Trong yêu cầu cấp thiết phải giữ nguyên hiện trạng để phục vụ cho công tác điều tra, bất ngờ Ban Quản Lý (BQL) đập nước thủy lợi Sông Trí, Tàu Voi, thượng nguồn gần với khu vực chôn chất thải, nhận được “lệnh” cho xả đập ồ ạt từ 7 giờ sáng ngày 13 tháng 7.
Theo mô tả của phóng viên báo Người Ðưa Tin, đến chiều ngày 14 tháng 7, mực nước tại các tràn đập này vẫn chảy rất mạnh. Ông Nguyễn Văn Khanh (48 tuổi) ở thị xã Kỳ Anh nghi ngờ: “Từ sáng hôm qua đến nay, tôi thấy mực nước vùng hạ du sông Trí dâng cao một cách bất thường. Khi chạy ra đập tràn gần nhà quan sát, tôi thấy nước đang chảy xiết, đục ngầu. Hiện tại, bà con quanh vùng đang rất hoang mang, truyền tai nhau nghi vấn người ta đang cố tình xả nước để phi tang chất thải nhiễm độc xuống biển.”
Ông Nguyễn Huy Anh, công nhân đang vận hành tại đập sông Trí cho biết: “Mục đích xả nước là để đón lũ và thực hiện theo quy trình vận hành cũng như sự chỉ đạo của công ty thủy lợi Nam Hà Tĩnh. Ðây là lần đầu tiên trong năm 2016, đập sông Trí xả nước… đón lũ.”
Liên quan đến vấn đề xả nước đón lũ bất thường, ông Nguyễn Hà Sáng, trưởng BQL đập Kim Sơn-Sông Trí-Tàu Voi, người trực tiếp quản lý, vận hành 3 đập nước ở thị xã Kỳ Anh cho biết: “Ðập thượng nguồn sông Trí thuộc sự quản lý của công ty thủy lợi Nam Hà Tĩnh, việc trạm tiến hành xả nước là theo chỉ đạo của công ty.” Ngoài đập thượng nguồn sông Trí, cùng thời điểm, đập Tàu Voi, thị xã Kỳ Anh cũng đồng thời nhận lệnh… xả nước.
Giải thích nguyên nhân xả đập, ông Phan Viết Liệu, phó giám đốc công ty thủy lợi Nam Hà Tĩnh, đã đưa ra văn bản do chính ông ký ngày 11 tháng 7 với lý do “đáp ứng yêu cầu nước sinh hoạt cho công ty gang thép hưng nghiệp Formosa.”
Trước sự xả nước ồ ạt và bất thường trên khiến người dân hết sức hoang mang và cần lời giải đáp từ chính quyền, ông Dương Tất Thắng, phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, người trực tiếp phụ trách, tỏ vẻ ngạc nhiên nói qua điện thoại: “Tôi sẽ kiểm tra ngay… Hồ đập là quản lý của các đơn vị… Tôi sẽ kiểm tra xem, lý do tại sao. Ðể tôi sẽ hỏi xem nó có liên quan gì đến mùa vụ, hay vấn đề nào đó khác hay không.” Nói xong, ông Thắng vội vàng tắt máy.
Trong khi đó, chiều 14 tháng 7, nói với phóng viên báo Người Ðưa Tin, ông Nguyễn Văn Tỉnh, phó tổng cục trưởng Tổng Cục Thủy Lợi, Bộ Nông Nghiệp cho biết, “Hiện, tôi chưa nắm cụ thể tình hình ở địa phương này. Tôi đang chờ cáo trình nhưng có thể khẳng định, việc xả nước ở các hồ, đập đều phải tuân theo quy trình vận hành. Từng thời điểm nhất định, mực nước trong hồ là bao nhiêu, nếu vượt trên mức ấy mới được xả, dưới thấp hơn phải giữ lại,” ông Tĩnh nói.
Như vậy, theo thông tin ông Tỉnh cung cấp, ở thời điểm hiện tại, nước hồ, đập ở khu vực thượng nguồn sông Trí chưa thể nhiều đến mức cần phải xả bớt. (Tr.N)

http://www.nguoi-viet.com/viet-nam/chinh-quyen-bi-nghi-giup-formosa-phi-tang-chat-doc-hai/

Chuyện dài Formosa, càng chữa càng cháy…lớn

Nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)
Nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)
HÀ NỘI (NV) – Chính quyền Việt Nam đang tìm cách giảm bớt sự căm phẫn của dân chúng đối với việc cho phép Formosa xây dựng một nhà máy thép ở Hà Tĩnh, nhưng dường như càng chữa thì đám cháy càng lớn!
Sở Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh Hà Tĩnh mới loan báo là vừa “phát giác” 100 tấn chất thải của Formosa được vùi tại một trang trại trong tỉnh.
Ông Võ Tá Đinh, giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi Trường, cho biết, vì chưa có kết quả kiểm nghiệm chất thải nên chưa xác định được 100 tấn chất thải đó có thuộc loại nguy hại hay không.
Tuy nhiên, việc tự tiện chôn môt khối lượng lớn chất thải như thế vào lòng đất là vi phạm pháp luật. Cả nơi cho chôn và Formosa đã được yêu cầu giải trình.
Trước thảm trạng do dự án Formosa tạo ra, chỉ mới thử hoạt động trong một tuần đã hủy diệt cả một vùng biển chạy dọc bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, khiến cả ngư nghiệp lẫn hoạt động du lịch ở phía Bắc miền Trung tê liệt, đẩy khoảng 260,000 người đến chỗ khốn cùng vì mất sinh kế, nếu chính thức vận hành suốt 70 năm sẽ không thể dự đoán mức độ thảm khốc,… đã khiến chính quyền Việt Nam buộc phải làm gì đó để dân chúng bớt phẫn nộ.
Hôm 11 Tháng Bảy, lần đầu tiên, tại diễn đàn Quốc Hội Việt Nam, các viên chức lãnh đạo chính quyền Việt Nam chính thức đề cập đến việc phải “điều tra, làm rõ nguyên nhân chủ quan liên quan đến việc phê duyệt, thẩm định” dự án xây dựng nhà máy thép của Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh.
Cần nhắc lại rằng, Formosa là một tập đoàn nổi tiếng trên thế giới về hủy diệt môi trường. Thế nhưng, sau khi Formosa trình dự án đầu tư xây dựng nhà máy thép ở Vũng Áng, với tổng vốn đầu tư là $15 tỷ, chính quyền Việt Nam đã gạt bỏ tất cả các khuyến cáo, nhanh chóng giao cho tập đoàn này 2,000 héc ta đất và 1,200 héc ta mặt nước.
Dự án của Formosa khiến 3,000 gia đình bị thu hồi đất, giải tỏa nhà, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sinh kế của khoảng 20,000 người. Chưa kể có 15,000 ngôi mộ bị cải táng và 58 nhà thờ bị dỡ bỏ… Các cuộc phản kháng đều bị đàn áp hết sức tàn bạo. Thậm chí, chính quyền Việt Nam còn cáo buộc các giáo sĩ của Giáo Phận Vinh lợi dụng tôn giáo, kích động giáo dân chống chủ trương lớn của đảng và nhà nước.
Chính quyền Việt Nam đã dành cho tập đoàn Formosa nhiều ưu đãi khi đầu tư Dự án Formosa Hà Tĩnh: Cho thuê đất 70 năm nhưng từ năm thứ 16 mới phải trả tiền thuê đất. Chỉ tính thuế thu nhập doanh nghiệp khi có thu nhập chịu thuế và tỷ lệ chỉ là 10% thay vì phải 25% như thông lệ. Chưa kể khi có thu nhập chịu thuế còn được miễn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong bốn năm và trong chín năm sau đó được giảm 50% tính trên tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.
Dự án Formosa Hà Tĩnh khởi công vào cuối năm 2012 và ngay sau đó trở thành túi chứa công nhân từ Trung Quốc sang Việt Nam làm việc.
Trong vài năm gần đây, bộ phận điều hành Formosa Hà Tĩnh liên tục đòi thêm nhiều ưu đãi khác. Ví dụ đề nghị cho phép lập “Đặc Khu Kinh Tế Gang Thép Vũng Áng” với ban quản lý “trực thuộc Văn Phòng Chính Phủ.” Đề nghị thiết lập cơ chế bảo hộ ngành thép. Ưu đãi cân đối ngoại tệ trong phạm vi hạng mục kinh doanh. Trực tiếp vay vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài. Miễn thu thuế khấu trừ tại nguồn. Miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu… Chưa kể bộ phận điều hành Formosa Hà Tĩnh còn đề nghị “được cắt đất để bán cho khoảng 15,000 nhân viên mà nếu tính cả thân nhân thì khoảng 60,000 người nhằm xây dựng một thị trấn riêng ở Vũng Áng.”
Việc cho phép Formosa đầu tư vào Vũng Áng đã từng bị nhiều chuyên gia cảnh báo là nguy hại cho môi trường, tất cả những ưu đãi dành cho Formosa đã từng bị chỉ trích là bất thường, thậm chí là vi phạm luật pháp Việt Nam (ví dụ chính quyền các tỉnh chỉ có quyền cho thuê đất tối đa là 50 năm nhưng khi chính quyền tỉnh Hà Tĩnh giao đất cho Formosa đến 70 năm, thủ tướng Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn gật đầu) nhưng không có ai cản được sự nâng đỡ mà hệ thống công quyền Việt Nam dành cho Formosa.
Ngay cả đề nghị giao Vũng Áng cho hải quân vì có núi cao che chắn, có độ sâu, độ rộng thích hợp để tiếp nhận cả hàng không mẫu hạm, dễ tổ chức tiếp liệu nên giúp gia tăng khả năng bảo vệ vịnh Bắc Bộ, gia tăng khả năng kiểm soát hoạt động lưu thông cả trên bộ lẫn trên biển từ miền Nam và miền Trung ra miền Bắc Việt Nam cũng bị vứt vào sọt rác. Vũng Áng vẫn được đặt vào tay Formosa, cho dù điều đó tạo ra đủ thứ nguy cơ đối với cả quốc phòng lẫn kinh tế.
Bây giờ khi chuyện đã rồi, ông Hà Ngọc Chiến, chủ tịch Hội Đồng Dân Tộc của Quốc Hội Việt Nam, mới nhận định: “Đây là dự án được phê duyệt rất nhanh. Đánh giá tác động môi trường cũng được phê duyệt rất nhanh. Rồi họ đòi hỏi ưu đãi nọ, ưu đãi kia cũng được phê duyệt rất nhanh và cuối cùng hậu quả tai hại cũng xảy ra rất nhanh.” Ông Chiến nhận định giống như mình vô can trong khi trước đây, khi có các cảnh báo về Formosa, ông đang đảm nhận vai trò phó ban nội chính của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN, kiêm phó chủ tịch Hội Đồng Dân Tộc.
Tương tự, ông Đỗ Bá Tỵ, phó chủ tịch quốc hội đặc trách quốc phòng và an ninh, cho rằng: “Formosa còn là vấn đề tiềm ẩn lâu dài. Nếu không lường trước, tình hình sẽ còn diễn biến hết sức phức tạp, không chỉ đơn giản về kinh tế mà còn gắn với quốc phòng và an ninh.”
Người ta không rõ tại sao, từ Tháng Tư trở về trước, khi đang đảm nhận vai trò thứ trưởng Bộ Quốc Phòng kiêm tổng tham mưu trưởng quân đội, Đại Tướng Đỗ Bá Tỵ lại không nhìn ra và cũng chẳng nghĩ tới hiểm họa mà ông vừa đề cập (?).
Cũng bây giờ khi chuyện đã rồi, ông Trần Hồng Hà, bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, mới báo cáo: “Qua kiểm tra đã phát hiện Formosa có 53 hành vi vi phạm về hành chính, bao gồm cả những vi phạm về thiết kế, vận hành, xây dựng, thi công, triển khai các hệ thống xử lý chưa đúng quy định của pháp luật, quy chuẩn, của cơ quan quản lý. Đặc biệt là tự ý thay đổi công nghệ xử lý cốc, từ khô (công nghệ thân thiện với môi trường) sang ướt (công nghệ phát tán rất nhiều chất thải, đặc biệt là khí thải).” (G.Đ.)

http://www.nguoi-viet.com/viet-nam/chuyen-dai-formosa-cang-chua-cang-chay-lon/

Lại phát hiện đường ống xả nước thải đen ngòm của Formosa

Miệng ống xả thải của Formosa chảy ra dòng suối ở thôn Thắng Lợi khiến người dân bất an. (Hình: Dân Trí)
Miệng ống xả thải của Formosa chảy ra dòng suối ở thôn Thắng Lợi khiến người dân bất an. (Hình: Dân Trí)
HÀ TĨNH (NV) – Từ tố cáo, chỉ dẫn của người dân xã Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, thêm một đường ống xả thải hàng ngày nhả nước thải đen ngòm, bị phát hiện.
Theo báo điện tử Dân Trí, miệng đường ống xả thải này lộ thiên ngay bên mép nước của một con suối nhỏ chảy ra biển, với đường kính khoảng hơn 40 cm, làm bằng chất liệu thép. Ðầu kia của đường ống bắt nguồn từ các nhà máy của khu công nghiệp Formosa. Nước thải xả ra từ đây có màu đen sẫm.
Ông Trần Xuân Hồ, cán bộ địa chính xã Kỳ Phương, xác nhận, đây là đường ống xả thải của Formosa do vừa rồi ông được đi cùng một tổ công tác của tỉnh vào bên trong khu công nghiệp Formosa để kiểm tra đường ống xả thải này. “Ôi, trước Formosa họ xả mạnh lắm, mà hồi ấy có ai để ý chi đâu. Chỉ khi cơ quan chức năng truy rõ Formosa xả thải hóa chất độc hại ra biển, người dân mới chú ý,” ông Hồ nói.
Tuy nhiên, ngày 13 tháng 7, ông Phạm Hữu Tình, chi cục trưởng Chi Cục Biển, Hải Ðảo và Tài Nguyên nước tỉnh Hà Tĩnh, đơn vị chịu trách nhiệm tham mưu cho Sở Tài Nguyên Môi Trường tỉnh này cấp phép cho Formosa xả thải khẳng định với phóng viên Dân Trí, đây chỉ là đường ống xả nước thải sinh hoạt của khu công nghiệp trước khi Formosa đưa hệ thống xử lý nước thải tập trung vào hoạt động.
“Trước khi Formosa đưa hệ thống xử lý nước thải tập trung vào một đầu mối như hiện nay, Formosa được Bộ Tài Nguyên-Môi Trường cấp phép cho đường ống xả thải này. Ðúng ra là họ phải làm các thủ tục xin ngừng hoạt động, đồng thời phải bịt đường ống xả thải cả ở bên trong nhà máy và bên ngoài. Nhưng đến giờ họ chỉ mới bịt bên trong còn bên ngoài thì chưa bịt,” ông Tình biện minh.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân Trí, tại sao nói Formosa đã bịt đường ống bên trong mà bên ngoài nước vẫn chảy ra? Ông Tình nhận định: “Có lẽ do đường ống xả thải bị gỉ nên sinh ra nước thải màu đen” (?).
Ðại diện công ty Grobest Hà Tĩnh, một doanh nghiệp có hàng chục ao nuôi tôm nằm gần miệng đường ống xả thải này lo lắng: “Vụ Formosa xả chất độc hại ra biển khiến chúng tôi thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Nếu đường ống xả thải trên đất liền này mà chưa rõ ràng, chúng tôi không dám mạo hiểm.”
Trước những lo lắng của người dân, lãnh đạo xã Kỳ Phương cho biết, đã có ý kiến với thị xã, ban quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh nhờ kiểm tra, làm rõ đường ống này còn hoạt động hay không, nguồn nước rỉ ra độc hại như thế nào? (Tr.N)

http://www.nguoi-viet.com/viet-nam/lai-phat-hien-duong-ong-xa-nuoc-thai-den-ngom-cua-formosa/

Formosa câu kết giám đốc môi trường chôn 100 tấn chất thải độc hại

Cơ quan chức năng phát hiện khoảng 100 tấn chất thải của Formosa chôn lấp trái phép. (Hình: báo Tuổi Trẻ)
Cơ quan chức năng phát hiện khoảng 100 tấn chất thải của Formosa chôn lấp trái phép. (Hình: báo Tuổi Trẻ)
HÀ TĨNH (NV) – Sau khi bị “bể ổ” nơi xả chất thải ra biển, Formosa bắt tay với chính giám đốc công ty Môi Trường Đô Thị thị xã Kỳ Anh lập trang trại ma lén lút chôn chất thải độc hại.
Ngày 12 Tháng Bảy, ông Nguyễn Xuân Lý, cục trưởng Cục Cảnh Sát Phòng Chống Tội Phạm Về Môi Trường, Bộ Công An, cho biết đang điều tra việc Formosa chôn 100 tấn chất thải tại trang trại của ông Lê Quang Hòa, giám đốc công ty Môi Trường Đô Thị thị xã Kỳ Anh.
“Sau khi có các kết quả xác minh, điều tra đầy đủ, xác định sai phạm đến đâu thì sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật,” ông Lý nói với báo Tuổi Trẻ.
Trước đó, sau khi nhận được tin từ phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin, chiều ngày 11 Tháng Bảy, đoàn liên ngành gồm Phòng Cảnh Sát Điều Tra Tội Phạm Về Môi Trường, Thanh Tra Sở Tài Nguyên Môi Trường, Trung Tâm Quan Trắc và Kỹ Thuật Môi Trường Hà Tĩnh, công an thị xã Kỳ Anh đã đến trang trại “ma” nằm giữa rừng tràm ở vùng thượng Kỳ Trinh, đầu nguồn sông Trí, huyện Kỳ Anh, để điều tra, nơi được cho là đang chôn lấp 100 tấn cặn cô đặc, lấy từ hệ thống xả thải của Formosa.
Điều bất ngờ là trang trại “ma” này thuộc quyền sử dụng của ông Lê Quang Hòa.
Tin cho biết, trong khi nhiều người đang thắc mắc sau khi bị các cơ quan chức năng chặn đường biển để kiểm tra, lâu nay Formosa đã đưa rác thải về đâu để tiếp tục súc rửa hệ thống, thì bất ngờ báo Người Đưa Tin nhận được tin báo từ người dân địa phương cho biết, tại trung tâm xử lý rác thải của tập đoàn Formosa Hà Tĩnh, người ta đang phân loại và đóng gói rất nhiều chất thải màu đen như bùn, bốc mùi khó chịu. Sau khi tập kết đủ số lượng, một số xe tải được điều động đến và vận chuyển theo hướng đường tránh thị xã Kỳ Anh rồi mất hút.
Bám theo những chiếc xe tải phủ kín bạt, oằn mình từ nhà máy Formosa Hà Tĩnh chở theo những bao tải chất thải đi từ trung tâm thị xã Kỳ Anh đến vùng thượng Kỳ Trinh, phóng viên Người Đưa Tin đã tiếp cận trang trại “ma” Hoàng Trinh, nằm giữa rừng tràm và phát hiện nhiều khối rác thải công nghiệp đen kịt đang bốc mùi hóa chất nồng nặc, được vận chuyển đến, rồi chôn lấp ngay ở đây. Xe đổ đến đâu, hệ thống máy xúc tiến hành san lấp đến đó. Đáng chú ý là toàn bộ diện tích của trang trại này đều nằm bên cạnh thượng nguồn sông Trí và cách đó không xa chính là đập tràn cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho hàng ngàn hộ dân quanh vùng.
Ông Lê Nam Sơn, chánh thanh tra Sở Tài Nguyên Môi Trường Hà Tĩnh, cho biết: “Khi vào kiểm tra, chúng tôi thấy ở trang trại của ông Hòa có việc chôn lấp chất thải của Formosa. Ngay sau đó cơ quan chức năng đã tổ chức khai quật, phát hiện khoảng 100 tấn chất thải của Formosa được chôn lấp dưới lòng đất, hiện đang chờ kết quả xét nghiệm. Trước mắt cơ quan chức năng đã lập biên bản vụ việc và xử lý theo quy định của luật pháp.”
Trong khi đó, nói với phóng viên Zing.vn chiều ngày 12 Tháng Bảy, ông Hòa khẳng định, chất thải công ty ký hợp đồng lấy từ nhà máy Formosa là chất thải rắn công nghiệp thông thường, đã được kiểm nghiệm, thậm chí “tốt cho trồng trọt.”
“Nếu sau này kết quả phân tích hơn 100 tấn chất thải bùn trên có chứa chất nguy hại, thì lỗi không phải do công ty mà là lỗi do kết quả phân tích của Sở Tài Nguyên Môi Trường Hà Tĩnh, Chi Cục Bảo Vệ Môi Trường, ngày 18 Tháng Giêng, vì khẳng định đây là bùn ép từ xưởng xử lý nước thải công nghiệp và tro than cốc, bùn than cốc từ lò cốc số 1 xưởng luyện cốc của công ty (FHS) là chất thải rắn thông thường,” ông Hòa biện minh. (Tr.N)

http://www.nguoi-viet.com/viet-nam/formosa-cau-ket-giam-doc-moi-truong-chon-100-tan-chat-thai-doc-hai/

Huế: Cá nuôi gần cửa biển Thuận An chết hàng loạt

Người dân nuôi cá lồng ở xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, lại phát hiện cá nuôi chết trắng trong lồng. Nhiều gia đình đã phải bán tháo cá để giảm thiệt hại.

Cần Thơ: Sản xuất giá bằng chất tẩy rửa và nước bẩn

Không chỉ dùng hóa chất để kích thích đậu xanh biến thành cây giá lớn nhanh siêu tốc, các cơ sở còn dùng nước sông cạnh hố xí trong quá trình sản xuất để ngâm giá.

 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten