dinsdag 7 juni 2016

Việt Nam muốn mua máy bay săn tàu ngầm P-3 Orion, S-3 Viking, F-16 của Mỹ, Sukhoi SU-35 của Nga, hỏa tiễn chống xe tăng Spike NLOS, máy bay mini tự lái, súng Galil của Do Thái

Việt Nam muốn mua máy bay săn tàu ngầm của Mỹ
Monday, June 6, 2016 6:53:28 PM

Bài liên quan



HÀ NỘI (NV) - Việt Nam xem xét một cách nghiêm túc về việc mua một số máy bay tuần tra biển săn tàu ngầm P-3 Orion của Mỹ nhằm đối phó với chính sách bá quyền bành trướng của Bắc Kinh.

Theo lời ông Clay Farrow, một giám đốc điều hành phân ngành trang bị tuần tra hàng hải của công ty Lockheed Martin nói với hãng thông tấn quốc tế Reuters, vài tháng tới đây, Việt Nam dự trù chính thức yêu cầu Mỹ cho biết giá cả và các dữ kiện về món hàng của 4 đến 6 chiếc máy bay P-3 Orion đã qua sử dụng.
Các chiếc máy bay tuần tra biển P-3 Orion thặng dư đang nằm phơi sương phơi nắng trong sa mạc tại căn cứ David Monthan, tỉnh Tucson tiểu bang Arizona. (Hình: AP)

Ông Farrow tiết lộ như vậy trong cuộc triển lãm hàng không quốc tế tổ chức ở Berlin, Đức Quốc, hồi tuần trước.
Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Việt Nam hồi hai tuần trước đã loan báo chính thức bãi bỏ toàn diện lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Việt Nam, mở đường cho Việt Nam cơ hội mua sắm những loại võ khí và trang bị an ninh quốc phòng nổi tiếng thế giới của các nhà chế tạo Mỹ.
Cách đây khoảng hai tháng, một phái đoàn sĩ quan cao cấp của Việt Nam đã đến căn cứ không quân ở Honolulu để quan sát và tìm hiểu về các tính năng của loại máy bay tuần tra biển P-3 Orion. Mấy năm trước từng có tin Hà Nội ngỏ ý muốn mua loại máy bay này để đối phó với chủ trương bá quyền bành trướng của Bắc Kinh, nhưng đến nay mới có thể tiến hành khi lệnh cấm vận được bãi bỏ hoàn toàn.
Tuy đã bắt đầu sử dụng loại máy bay săn ngầm phản lực P-8 Poseidon tối tân hơn, hiện Hoa Kỳ vẫn còn sử dụng một số máy bay P-3 để tuần tra biển. Cả trăm chiếc P-3 thặng dư hiện đang “trùm mền” phơi nắng phơi sương tại một căn cứ không quân ở tiểu bang Arizona.
Việc Việt Nam muốn mua sắm các loại võ khí của Mỹ, không những phải được chính phủ Hoa Thịnh Đốn chấp thuận mà còn phải được quốc hội chuẩn y. Cũng không phải bất cứ võ khí nào, tất cả các phiên bản võ khí nào cũng đều được bán cho nước ngoài, và không phải nước nào cũng có thể mua.
Thêm nữa, võ khí Mỹ tuy vượt trội về phẩm chất và tính năng ưu việt nhưng vì vậy rất đắt so với các món võ khí mà Việt Nam mua của Nga. Bởi vậy, Việt Nam chỉ hỏi mua mấy chiếc P-3 Orion cũ. Gần đây, có tin Việt Nam muốn mua các phiên bản P-3 Orion với các trang bị giống như Mỹ bán cho Đài Loan.
Theo Reuters, nếu Hoa Kỳ đạt thoản thuận bán mấy chiếc P-3 Orion bán phản lực cũ cho Việt Nam, hiện đang tồn trữ tại căn cứ, chúng sẽ được tân trang lại, thay cánh mới, hệ thống điện tử mới kèm theo các trang bị chống tàu ngầm, ông Farrow cho hay.
Giá bán mỗi chiếc sẽ nằm trong khoảng từ 80 triệu USD đến 90 triệu USD cho mỗi chiếc của lô hàng 12 chiếc mà Hoa Kỳ bán cho Đài Loan mấy năm trước đây, lý do có những trang bị mới.
Công ty Lockheed đã tân trang, thay cánh máy bay cho khoảng 90 chiếc để bán cho nhiều nước trên thế giới, ngoài Hoa Kỳ sử dụng, còn có Chile, Na Uy, Đài Loan, Nhật, Tây ban Nha, Bồ Đào Nha, Argentina và Đức. Hiện công ty vẫn còn đang tiếp tục tân trang để bán.
Máy bay trần tra biển săn tàu ngầm P-3 Orion dài 35.6 mét, cao 10.3 mét, cánh dài 30.4 mét, trọng lượng cất cánh tối đa 63.45 tấn, sử dụng 4 động cơ cánh quạt  bán phản lực T-56-A-13. Tốc độ tối đa  760 km/giờ, tầm hoạt động tới 4,400 km.
Máy bay P-3 Orion có thể thi hành nhiều nhiệm vụ khác nhau từ tấn công chống tàu ngầm, chống tàu mặt nước, tuần tra trinh sát biển, cứu hộ cứu nạn, do thám trên biển. Nó có khả năng tấn công với ngư lôi 324mm, bom chống tàu ngầm và hỏa tiễn hành trình chống tàu chiến Harpoon với tầm xa 130km. (TN)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=229577&zoneid=2

Mỹ mở đường cho Việt Nam mua máy bay P-3 Orion
Thursday, November 19, 2015 7:16:17 PM


Bài liên quan


HÀ NỘI (NV) - Máy bay tuần tra biển, săn tàu ngầm của Mỹ P-3 Orion nhiều phần sẽ là võ khí ưu tiên được nhà cầm quyền Hà Nội điều đình mua nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo và an ninh hàng hải.
Một số báo mạng ở Việt Nam đề cập chuyện này sau khi Tòa Bạch Ốc loan báo gỡ bỏ thêm một phần lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Việt Nam, qua một thông báo đưa ra trong ngày 17 Tháng Mười Một.

Các loại võ khí chống tàu mặt nước và tàu ngầm của một chiếc P-3C Orion của Hải Quân Mỹ. (Hình: US Navy)

Thông báo này đề cập hai chuyện. Thứ nhất, giúp Việt Nam tăng cường năng lực tình báo, giám sát và trinh sát, chỉ huy và kiểm soát cho các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật trên biển. Thứ hai, gỡ bỏ lệnh cấm bán võ khí sát thương trên biển cho Việt Nam.
Cả hai điều vừa kể, hội đủ điều kiện để Hà Nội có thể mua một số máy bay tuần tra biển, săn tàu ngầm đã qua sử dụng P-3 Orion, hiện đang nằm ụ cả trăm chiếc phơi nắng phơi sương ngày đêm tại căn cứ không quân Davis-Montham, thuộc thành phố Tucson, Arizona.
Máy bay tuần tra săn tàu ngầm P-3 Orion được trang bị các thiết bị điện tử cho nhu cầu do thám, săn tìm, giám sát đồng thời mang theo nhiều loại võ khí tấn công khác nhau từ hỏa tiễn, thủy lôi, mìn và bom.
Hà Nội từng chú ý tới loại máy bay này từ mấy năm qua nhưng kẹt lệnh cấm vận bán võ khí sát thương không được gỡ bỏ vì không chịu cải thiện nhân quyền.
Cho tới nay, người ta mới thấy một ít tin chính thức qua lời Ngoại Trưởng John Kerry khi ông đến Hà Nội cuối năm 2013, và qua một viên chức tòa Ðại Sứ Mỹ tại Hà Nội, là Washington cung cấp cho Việt Nam $18 triệu để mua một số tàu tuần tra cao tốc cỡ nhỏ do một công ty tại tiểu bang Louisiana đóng.
Bản thông cáo báo chí của Tòa Bạch Ốc nêu trên cho hay Hoa Kỳ sẽ cấp viện cho Việt Nam $19.6 triệu năm 2015 để tăng cường khả năng bảo vệ vùng biển và sẽ cấp thêm $20.5 triệu cho năm 2016, nhưng phải chờ được Quốc Hội phê chuẩn.
Tuy nhiên, bản thông cáo báo chí đó không đề cập gì đến loại võ khí sát thương nào sẽ bị giới hạn không bán hay sẽ bán khi viết rằng: “Gỡ bỏ lệnh cấm bán các phương tiện sát thương liên quan trên biển để giúp Việt Nam phát triển khả năng trên biển và khuyến khích phối hợp với các lực lượng khác của khu vực.”
Hồi Tháng Tư, 2013, một viên chức hãng Lockheed Martin được tạp chí quốc phòng IHS Jane's trích dẫn lời tiết lộ rằng Việt Nam muốn mua sáu chiếc P-3 Orion, và yêu cầu này dường như đang nhận được sự ủng hộ của chính phủ Mỹ.
Nhiều lần, chính phủ Mỹ lập lại đòi hỏi Việt Nam cải thiện nhân quyền như điều kiện để mở rộng hơn lệnh cấm bán võ khí sát thương trong khi Hà Nội luôn luôn nhấn mạnh yêu cầu gỡ bỏ toàn diện.
Con số máy bay P-3 Orion Mỹ sẽ có thể bán cho Việt Nam với những trang bị gì hiện cũng vẫn là những dấu hỏi.

Các máy bay tuần tra Orion P-3 nằm ụ tại căn cứ Davis-Monthan, Tucson, Arizona. Ðầu và cánh quạt máy bay được bọc kín lại. (Hình: AP)

Năm ngoái, có tin Washington có thể bán cho Việt Nam máy bay P-3 mà không có võ khí sát thương đi kèm. Nay với bản thông cáo báo chí, có vẻ như bao gồm cả võ khí, nhưng Mỹ có chấp thuận bán cho Việt Nam cả máy bay kèm theo võ khí hay không, cũng là điều còn mở ngỏ.
P-3 Orion là máy bay tuần tra, giám sát hàng hải và săn tàu ngầm bán phản lực với bốn động cơ cánh quạt do công ty Lockeed Martin sản xuất.
Máy bay này dài 35.6 m, sải cánh 30.4 m với tải trọng cất cánh tối đa đạt 64,400 kg. Phi hành đoàn của P-3 Orion gồm 11 người, giúp vận hành máy bay, các thiết bị săn tàu ngầm, và giám sát.
Vận tốc tối đa của P-3 Orion lên tới 750 km/h trong khi tốc độ hành trình duy trì ở mức 610 km/h.
Phạm vi hoạt động tối đa của máy bay là 8,950 km trong khi cao độ tối đa là 8,600 m. Phi cơ có khả năng hoạt động liên tục trong 16 giờ nhằm tăng cường tối đa khả năng tuần tra hàng hải và săn tàu ngầm.
P-3 Orion có 10 giá treo dưới các cánh, cho phép máy bay gắn các thiết bị tuần tra, giám sát hoặc võ khí. Các giá treo có thể mang hỏa tiễn chống chiến hạm, ngư lôi, thủy lôi và các loại bom bao gồm cả bom hạt nhân nổ dưới nước Mk 101 Lulu và bom hạt nhân B57 của Mỹ. Tuy nhiên, cả hai loại bom hạt nhân này đều đã bị loại khỏi hoạt động của Mỹ.
Với mục tiêu săn tàu ngầm và tuần tra hàng hải nên P-3 Orion được trang bị hệ thống radar và thiết bị dò sonar cực mạnh, giúp phát giác tàu ngầm, tàu chiến địch. Phần đuôi máy bay gắn thiết bị dò từ tính MAD, giúp khám phá tàu ngầm di chuyển sâu dưới mặt biển. Thiết bị này dễ bị nhiễu động nên nó được đặt ở phần đuôi máy bay, cách xa các thiết bị khác.
Một trong những võ khí đặc biệt của P-3 Orion là các phao sonar giúp tăng cường khả năng định vị tàu ngầm của máy bay. Sau khi rời máy bay, một phần phao sonar sẽ chìm xuống biển và bung ăng ten để nghe ngóng tín hiệu từ tàu địch. Hai phao chủ động và thụ động giúp xác định chính xác vị trí tàu ngầm đối phương.
Ngoài ra, P-3 Orion còn được trang bị hệ thống tác chiến điện tử AN/ALQ-78, giúp phát hiện, đánh chặn và định vị tín hiệu của đối phương. Máy bay cũng có khả năng phân tích nguồn năng lượng bức xạ điện từ phát ra từ radar kiểm soát hỏa lực của địch để xác định nguy hiểm.
Hiện có 435 chiếc Orion P-3 do Lockheed Martin sản xuất đang phục vụ trên thế giới, thuộc 21 chính phủ. Hải quân Mỹ đang thay thế P-3 bằng máy bay tuần biển hiện đại hơn là P-8 Poseidon do Boeing sản xuất. Cũng vì vậy mà người ta thấy hàng đoàn P-3 Orion xếp hàng phơi nắng phơi sương giữa sa mạc tại Arizona. (TN)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=217805&zoneid=2

Việt Nam muốn mua cả F-16 và P-3 Orion của Mỹ
Thursday, May 26, 2016 4:06:53 PM


Bài liên quan



HÀ NỘI (NV)
- Hà Nội có một danh sách các loại võ khí muốn mua của Mỹ trị giá hàng tỉ đô la mà những thứ hàng đầu là chiến đấu cơ F-16 và máy bay tuần tra biển săn ngầm P-3 Orion.
Theo một bản tin của tổ chức thông tin an ninh quốc phòng quốc tế Defense News dựa vào các tin tức họ thu lượm từ kỹ nghệ quốc phòng Mỹ, Việt Nam muốn cải thiện và tăng cường khả năng không quân cũng như khả năng bảo vệ an ninh biển bằng chương trình mua sắm cả máy bay F-16 từ chương trình bán bớt các trang bị quốc phòng thặng dư của Ngũ Giác Ðài EDA (Excess Defense Articles). Ðồng thời cũng muốn mua các máy bay tuần tra biển săn ngầm bán phản lực P-3 Orion đã qua sử dụng, được tân trang và trang bị với ngư lôi.


Một trong những chiếc chiến đấu cơ F-16 Mỹ cung cấp cho Iraq hồi năm ngoái. (Hình: Sabah Arar/AFP/Getty Images)


Bên cạnh đó, Việt Nam còn muốn mua cả máy bay không người lái cho các nhu cầu tuần tra biển, thu thập tin tức, tình báo.
Mấy năm trước đây, từng có tin Việt Nam muốn mua 6 máy bay săn ngầm P-3 Orion nhưng vì kẹt lệnh cấm vận võ khí, nếu Mỹ bằng lòng bán cũng chỉ bán máy bay mà không bán võ khí đi kèm. Bây giờ, lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Việt Nam đã được gỡ bỏ hoàn toàn, nước này có thể mua cả võ khí kèm theo nếu được quốc hội Mỹ chấp thuận.
Nguồn tin nói rằng phía Việt Nam muốn mua các máy bay P-3 Orion với những trang bị giống như Mỹ đã bán cho Ðài Loan. Còn những máy bay chiến đấu F-16 thặng dư Mỹ đang tồn kho, Việt Nam muốn những trang bị giống như Mỹ bán cho Indonesia. Cả F-16 cũng như P-3 Orion có nhiều phiên bản khác nhau cho các nhiệm vụ khác nhau.
Tổ chức thông tin quốc phòng Defense News thấy tài liệu “Kế hoạch hợp tác an ninh với Việt Nam” của Bộ Tư Lệnh Mỹ Thái Bình Dương cung cấp cho báo giới viết rằng Tòa Ðại Sứ Mỹ tại Hà Nội “có một chương trình hợp tác an ninh mạnh mẽ căn cứ trên mục tiêu chính sách và lợi ích của chính phủ Hoa Kỳ khi cổ võ hội nhập và tiếp cận (trang bị quốc phòng) chú trọng vào các lãnh vực chính yếu trong cấu trúc an ninh của Việt Nam.”
Những nhu cầu căn bản mà Việt Nam muốn sở hữu gồm trang bị cảnh giác hàng không và trên biển, cung cấp trang bị an ninh đường biển đối với cả các đe dọa truyền thống cũng như phi truyền thống, có khả năng đối phó lại mọi loại nguy hiểm, phục vụ hoạt động bảo vệ hòa bình trong tổ chức LHQ, và cả đối phó với tác động của các hệ quả của cuộc chiến Việt Nam trước đây trong xã hội dân sự.
“Tổ chức Hợp Tác An Ninh SCO (Security Cooperation Organization) được điều hành và có khả năng cung cấp tại chỗ sự yểm trợ và phối hợp cho các chương trình (Việt Nam) mở rộng mua sắm các trang bị quốc phòng của Mỹ và giúp Việt Nam phát triển và duy trì các lực lượng võ trang chuyên nghiệp,” bản tường trình của Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương viết.
Theo bản tường trình này, chủ đích của Việt Nam là tăng cường sự hiện diện trên Biển Ðông với các khả năng cải tiến chiến đấu tàu ngầm, phối hợp hải quân không quân, chiến đấu chống tàu mặt nước, tàu ngầm, cảnh báo đường biển, cảnh báo sớm, chỉ huy, kiểm soát, truyền tin, máy điện toán, tình báo, theo dõi và trinh sát.
Nhiều năm trước, nguồn cung cấp võ khí cho Việt Nam chính yếu đến từ Nga và một số nước trong khối Ðông Âu. Nhưng những năm gần đây, người ta thấy Việt Nam mở rộng nguồn mua sắm sang một số nước thuộc Liên Âu và cả Do Thái.
Hiện Việt Nam đang đàm phán để mua một dàn radar siêu tần số của Mỹ trị giá 30 triệu đô la, theo bản tường trình nói trên. Ðây là một trong những nỗ lực mà Việt Nam muốn cải tiến khả năng cảnh báo sớm.
Theo một bản tin trên tạp chí An Ninh Quốc Phòng Quốc Tế IHS Janes, giới lãnh đạo Việt Nam có một danh sách dài những món hàng quân sự muốn mua trị giá tới $13 tỉ đô la. Chúng bao gồm từ xe tăng, thiết vận xa, trực thăng tấn công, trực thăng chiến thuật, radar tầm xa, máy bay tuần tra biển. Ước vọng thì như thế nhưng đào đâu ra tiền để mua lại là câu hỏi lớn.
Tuy nhiên, theo một viên chức trong Hội Ðồng Thương Mại Mỹ-ASEAN, việc Hoa Kỳ gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Việt Nam không có nghĩa nước này sẽ vội vã ôm lấy các hãng chế tạo võ khí của Mỹ. Một chuyên viên khác tại tổ chức nghiên cứu chiến lược CSIS ở Hoa Thịnh Ðốn cũng cho rằng việc Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm bán võ khí cho Việt Nam mới chỉ là cử chỉ có tính cách biểu tượng của sự bình thường hóa bang giao giữa hai kẻ cựu thù.
Nhiều nhà phân tích khác cũng cho rằng phải vài năm nữa người ta mới thấy võ khí Mỹ xuất hiện tại Việt Nam. Hôm Thứ Tư, 25 Tháng Năm 2016, Tân Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc nói với báo chí ngoại quốc rằng Việt Nam không chủ trương tăng cường võ trang ở Biển Ðông mà chỉ theo đuổi mục đích bảo vệ chủ quyền mà trước hết, bằng các biện pháp hòa bình, ngoại giao và ngay cả pháp lý. (TN)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=228916&zoneid=2

VN tính mua Sukhoi 35 của Nga, máy bay săn tàu ngầm của Mỹ
Friday, April 1, 2016 3:33:53 PM


Bài liên quan



HÀ NỘI (NV) - Truyền thông quốc tế nói rằng Việt Nam đang có ý định mua một phi đội chiến đấu cơ đa năng thế hệ 5 Sukhoi SU-35 trong khi cũng muốn mua máy bay săn ngầm S-3 Viking của Mỹ.

Máy bay chiến đấu đa năng Sukhoi SU-35 của Nga. (Hình: DefenseIndustry)
Tạp chí The Diplomat hôm 31 tháng 3, 2016, thuật lại tin từ nhật báo Nga Kommersant cho biết như vậy trong bản tin nói về các nước ngoài muốn mua loại máy bay nói trên sau khi thấy Nga biểu diễn khả năng đáng tin cậy của chúng trên chiến trường Syria.
Nước Nga đã tiêu vào chiến trường Syria khoảng $500 triệu khi điều động một loạt từ các chiến đấu cơ tối tân, các giàn hỏa tiễn phòng không, bắn các loại hỏa tiễn tầm xa từ tàu ngầm vào các vị trí IS. Đổi lại, Moscow ước lượng sẽ bán được một số lượng vũ khí lên đến $6 tỷ hoặc $7 tỷ trong năm nay.
Theo Kommersant thuật lại tin tức từ tập đoàn Kỹ Thuật Quân Sự của liên bang Nga, phía Việt Nam có ý điều đình để mua một phi đội Sukhoi SU-35 với tốn kém ước lượng $1 tỷ cho loại chiến đấu cơ đa năng thế hệ 4+. Loại máy bay này được coi là phiên bản cải tiến từ lớp máy bay Sukhoi SU-30 mà Việt Nam hiện đang sử dụng 32 chiếc, nhận thêm 4 chiếc nữa cuối năm nay.
Theo nguồn tin, tuy Việt Nam rất muốn loại dần các chiến đấu cơ cổ lỗ sĩ như Mig-21, nhưng lại kẹt tiền, cũng lại có nhu cầu mua sắm nhiều thứ khác.
Máy bay săn ngầm S-3 Viking của công ty Lockheed Martin. (Hình: NAVAIR)
Sukhoi SU-35 là máy bay chiến đấu đa năng một chỗ ngồi, tuy là thế hệ thứ tư nhưng được trang bị những kỹ thuật của thế hệ thứ năm theo website của Sukhoi quảng cáo. Nó có thể mang theo 8,000kg vũ khí các loại từ hỏa tiễn không chiến, hỏa tiễn chống mặt đất tầm xa, hỏa tiễn chống tàu. Hệ thống tác chiến điện tử của nó được mô tả là tối tân nhất với radar dò tìm phát giác mục tiêu tầm xa, theo dõi nhiều mục tiêu cùng một lúc.
Theo một báo Nga được báo Đất Việt thuật lại, Việt Nam muốn mua hỏa tiễn đa nhiệm Spike NLOS của Do Thái vùa dùng để chống xe tăng, vừa có khả năng tấn công tàu biển, với tầm hữu dụng lên đến 25km, hơn hẳn các loại hỏa tiễn chống tăng của các nước khác gồm cả Nga, Mỹ.
Nó có thể tấn công các mục tiêu ở vị trí bị che khuất hoàn toàn nhờ hệ thống ống phóng thẳng đứng. Các hỏa tiễn Spike NLOS có 2 chế độ tấn công gồm tấn công trực tiếp (đối với mục tiêu trong tầm nhìn thấy) hoặc tiến công mục tiêu nhờ xác định vị trí tọa độ sau khi đã được phóng lên (đối với mục tiêu bị che khuất hoặc ở xa).
Spike NLOS còn được trang bị hệ thống dẫn đường quang - hồng ngoại với hệ thống cảm biến kép nên nó dễ dàng phát hiện mục tiêu. Hệ thống dẫn đường này cũng giúp Spike NLOS tấn công chính xác các mục tiêu cả ngày lẫn đêm trong mọi điều kiện thời tiết.
Đủ loại trang thiết bị thặng dư, nằm “đắp chiếu” tại căn cứ không quân David-Monthan, Tucson, Arizona. (Hình: Brendan Smialowski/AFP/Getty Images)
Ngoài công năng chính là tiêu diệt xe tăng và các loại xe bọc thép, Spike NLOS còn được biết đến là tên lửa chống tàu chiến khá mạnh. Hỏa tiễn này rất hiệu quả trong nhiệm vụ tiêu diệt những tàu đổ bộ, tàu chiến cỡ nhỏ.
Việt Nam đã nhập cảng và nhận chuyển giao công nghệ khá nhiều vũ khí do Israel sản xuất, trong đó có súng trường Galil ACE, súng TAR-21, Uzi, tên lửa chống tăng MATADOR, hệ thống tên lửa ACCULAR...
Trong khi đó, tạp chí an ninh quốc phòng quốc tế Jane's Defense cho hay hiện công ty thầu quốc phòng Lockeed Martin đang hy vọng sau khi hoàn tất thỏa tuận bán cho Hàn Quốc từ 12 đến 20 máy bay săn ngầm S-3 Viking, thì có thể mở đường bán cho 3 quốc gia khác trong đó có Việt Nam và một nước ở Nam Mỹ, theo lời ông Clay Fearnow, giám đốc chương trình tuần tra hàng hải của Lockeed Martin nói tại cuộc triển lãm hàng không FIDAE ở Santiago.
Hiện loại máy bay săn ngầm hai động cơ phản lực S-3 Viking 4 chỗ ngồi đã bị Hải Quân Hoa Kỳ cho nghỉ hưu nhưng chúng có thể được tân trang, sửa chữa để bán cho một số quốc gia khác.
S-3 Viking có tốc độ tối đa 828km/h ở trần bay cao 6,100m, trong khi ở độ cao thấp là 795km/h, tốc độ trung bình 650km/h, bán kính chiến đấu lên tới 853km. Nó có khả năng mang 2.2 tấn vũ khí gồm các loại bom, ngư lôi, tên lửa trong 4 giá treo thân và hai giá treo ngoài cánh.
Việt Nam cũng từng tỏ ý muốn mua loại máy bay tuần tra biển săn ngầm P-3 Orion của Hoa Kỳ, nhưng đến nay, vấn đề vẫn chưa đi tới đâu vì nhiều lý do.
Chính phủ Hoa Kỳ chưa gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Hiện mới chỉ chấp thuận cho Việt Nam mua một số tàu tuần tra biển cỡ nhỏ. Mọi thương vụ bán trang bị quốc phòng cho Việt Nam được cứu xét từng trường hợp một và phải qua sự chuẩn thuận của Quốc Hội cũng như phải cải thiện nhân quyền, một điều người ta không hề thấy. (TN)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=225473&zoneid=2

Geen opmerkingen:

Een reactie posten