woensdag 8 juni 2016

Trên 10.000 di dân bỏ mạng tại Địa Trung Hải trong ba năm qua

Trên 10.000 di dân bỏ mạng tại Địa Trung Hải trong ba năm qua

mediaMột áo phao của người vượt biển trôi dạt vào bở biển Tripoli ở Libya hôm 04/06/2016.REUTERS/Hani Amara
Theo Tổ chức Di dân Quốc tế, có 320 người nhập cư đã bị chết đuối trong vụ đắm tàu ngoài khơi đảo Crète của Hy Lạp hôm thứ Sáu tuần trước, và tổng cộng trên 10.000 di dân đã thiệt mạng tại Địa Trung Hải kể từ năm 2014 đến nay, theo số liệu của Liên Hiệp Quốc công bố hôm 07/06/2016. Trước tình hình đó, châu Âu có ý định gắn viện trợ phát triển cho châu Phi với việc đấu tranh chống nhập cư bất hợp pháp.
Từ Strasbourg, thông tín viên RFI Quentin Dickinson gởi về bài tường trình :
« Con số do Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc loan báo là đã có trên 10.000 di dân thiệt mạng tại Địa Trung Hải trong gần ba năm qua, cho thấy tính chất khẩn cấp trong cuộc tranh luận hôm qua tại Nghị viện Châu Âu. Những đề nghị mới của Ủy ban Châu Âu nhằm ngăn chận làn sóng nhập cư đã được đón nhận một cách tích cực hơn.
Đó là ràng buộc viện trợ phát triển của châu Âu tiếp tục của cho các nước châu Phi vùng hạ Sahara với mức độ hiệu quả của cuộc đấu tranh chống nhập cư bất hợp pháp. Những nước nào làm dở sẽ bị thiệt thòi về tài chính, còn nước làm tốt sẽ được tưởng thưởng - chủ yếu thông qua một quỹ đặc biệt, được quản lý theo kiểu kế hoạch Juncker cho châu Âu.
Song song đó, một dự thảo về kế hoạch cho người có chuyên môn được nhập cư một cách chọn lọc đã được giới thiệu, theo mô hình Green Card của Mỹ, được gọi là thẻ xanh của châu Âu. Các nước có bờ biển tiếp giáp được yêu cầu truy lùng những kẻ đưa người vượt biên, trong khi cho đến nay các chiến hạm chỉ làm công việc cứu vớt những người bị đắm tàu.
Tuy vậy nhiều đại biểu cho rằng đề nghị này hãy còn quá dè dặt. Số khác lại tố cáo đây chỉ là một loại hiệp ước như với Thổ Nhĩ Kỳ, được đơn giản hóa một cách đáng tiếc đối với châu Phi. »

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160608-tren-10000-di-dan-chet-duoi-tai-dia-trung-hai-trong-ba-nam-qua

Địa Trung Hải : Tàu dân nhập cư tiếp tục đắm

mediaNgười nhập cư được cứu vớt trên Địa Trung Hải được Hải Quân Ý đưa về cảng Empedocle trên đảo Sicilia, ngày 26/05/2016.REUTERS/Antonio Parrinello
Trong hai ngày 25 và 26/05/2016 đã xảy ra hai vụ đắm tàu ở ngoài khơi Libya khiến hơn 100 người thiệt mạng và khoảng 100 người mất tích. Thảm họa còn có thể tiếp tục xảy ra với hàng ngàn người muốn nhập cư vào châu Âu qua tuyến đường Địa Trung Hải.
Hình ảnh do Hải Quân Ý cung cấp cho thấy hàng trăm người trên một chiếc tàu sắp bị lật úp. Những người này đã nhảy ra khỏi tàu và cố gắng tìm lấy những chiếc áo phao do lực lượng cứu hộ ném ra. Lúc đó, có ít nhất năm người bị thiệt mạng
Phát ngôn viên của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc cho biết, trong số những người nhập cư, có nhiều phụ nữ, trẻ em cũng như những trẻ vị thành niên không có người đi cùng. Những người này mạo hiểm mạng sống của mình để tìm sự an toàn ở châu Âu.
Trong ngày 26/05, 22 cuộc cứu hộ đã được triển khai dưới sự phối hợp cùng với lực lượng tuần duyên Ý và đã cứu được khoảng 4.000 người nhập cư.
Khi thời tiết bắt đầu thuận lợi hơn, các chuyến tàu của người nhập cư cũng tăng lên. Tuy nhiên, số người nhập cư bằng đường biển đến Ý giảm hơn so với năm trước. Thủ tướng Ý Matteo Renzi cho biết, giải pháp tốt nhất là hỗ trợ giúp đỡ người nhập cư ngay tại quê nhà của họ.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160527-di%CC%A3a-trung-ha%CC%89i-ta%CC%80u-cu%CC%89a-nguo%CC%80i-nha%CC%A3p-cu-tie%CC%81p-tu%CC%A3c-da%CC%81m

Gần 4000 di dân bỏ mạng tại Địa Trung Hải năm 2015

media2015 đáng được gọi là năm khủng hoảng di dân. Ảnh: Một xuồng tỵ nạn đang cố cập bờ biển Hy Lạp ngày 30/05/2015.REUTERS/Yannis Behrakis
Tổ chức Di trú Quốc tế (OIM) ngày 31/12/2015 tổng kết có hơn 3.770 người nhập cư và tị nạn đã bỏ mạng năm 2015 trong khi vượt Địa Trung Hải để tới Châu Âu. Hãng tin Reuters cho biết, con số này cao hơn so với năm 2014.
Đa số các vụ chết người xảy ra ở giữa Địa Trung Hải. Đây là con đường biển thường xuyên được những kẻ đưa người vượt biên sử dụng từ Lybia.
Tháng Tư năm 2015 là tháng có nhiều vụ chết người nhất với gần 1.250 trường hợp, trong đó có khoảng 800 người chết do đắm tầu ngoài khơi Libya.
Trên quy mô thế giới, tổ chức Di trú Quốc tế thống kê có 5.350 người nhập cư và tị nạn bị thiệt mạng khi đang cố vượt biên sang một nước khác, nhiều hơn năm 2014, có 5.017 người chết. Số người chết trên Địa Trung Hải vào năm 2015 là 3.770 người, nhiều hơn so với 3.250 người chết vào năm 2014.
Sau Địa Trung Hải, Đông Nam Á là khu vực thứ hai có nhiều di dân bị chết, với ít nhất là 800 trường hợp được ghi nhận trong năm 2015, chủ yếu tại vịnh Bengale, biển Andaman, Malaysia và Thái Lan. Đứng thứ ba là khu vực biên giới giữa Mêhicô và Mỹ, với khoảng 330 người chết.
Bản tổng kết của OIM trong khuôn khổ « dự án về người nhập cư mất tích » được thực hiện dựa trên nhiều nguồn khác nhau, trong đó có những thông tin của các cơ quan truyền thông và số liệu thống kê của các chính phủ. Đây là năm thứ ba, OIM thực hiện thống kê này.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160101-hon-3770-di-dan-bo-mang-tai-bien-dia-trung-hai-nam-2015

2015 : Gần một triệu người vượt biển đến Châu Âu xin tị nạn

mediaNgười tị nạn ngoài khơi đảo Lesbos, Hy Lạp, ngày 18/10/2015.Ảnh AFP/DIMITAR DILKOFF
Theo thông báo của Tổ chức Di dân Quốc tế (OIM), trong năm 2015, khoảng một triệu người đã chạy sang Châu Âu xin tị nạn, trong đó đa số là vào Hy Lạp, qua ngả Địa Trung Hải. Nhân dịp Noel, người cha của em bé 3 tuổi Kurdi, chết đuối bên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, đã gửi một thông điệp lên mạng, kêu gọi thế giới mở rộng tấm lòng đối với người tị nạn Syria.
Bé Aylan Kurdi, người Syria, là một trong số gần 3.700 người bỏ mạng trên được vượt Địa Trung Hải, trong năm 2015. Cái chết của bé Kurdi, được truyền thông loan tải rộng rãi hồi đầu tháng 9/2015, gây một cơn sốc trong chính giới Liên Hiệp Châu Âu. Kể từ đó, nhiều chính phủ Châu Âu tỏ ra rộng mở hơn đối với việc hỗ trợ người tị nạn do chiến tranh.
Theo Phủ Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc, một nửa số người xin tị nạn nói trên là người Syria, phải rời bỏ đất nước vì nội chiến. 20 % trong số người di cư đến từ Afghanistan, và 7% từ Irak, hai quốc gia cũng đang trong tình trạng chiến tranh.
Số lượng người vượt biên sang Châu Âu năm nay cao gấp 5 lần so với năm 2014. Và đây là làn sóng nhập cư vào Châu Âu lớn nhất kể từ Thế chiến Hai, Tổ chức Di dân Quốc tế nhấn mạnh.
Cao điểm của làn sóng tị nạn là hồi tháng 10/2015, với hơn 221.000 người. Kể từ đó, số người tìm đường sang Châu Âu giảm bớt, một phần do thời tiết xấu, một phần do việc an ninh Thổ Nhĩ Kỳ siết chặt kiểm soát.
Riêng trong tháng 12 này, vẫn còn khoảng 67.700 người vượt sang Hy Lạp qua đường biển. Đêm qua, ít nhất 10 người vượt biển, trong đó có năm trẻ nhỏ, bị chết đuối, sau khi tàu bị đắm gần hòn đảo Hy Lạp Farmakonissi, cách bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 15 km.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20151230-2015-gan-1-trieu-nguoi-vuot-bien-den-chau-au-xin-ti-nan

Geen opmerkingen:

Een reactie posten