vrijdag 20 mei 2016

Human Rights Watch lên án Hà Nội đàn áp biểu tình vì môi trường

Human Rights Watch lên án Hà Nội đàn áp biểu tình vì môi trường

mediaNgười biểu tình Việt Nam phản đối công ty Đài Loan Formosa tại Hà Nội, ngày 01/05/2016.HOANG DINH NAM / AFP
Từ New York, tổ chức nhân quyền Mỹ Human Rights Watch kêu gọi chính quyền Việt Nam chấm dứt chính sách đàn áp, đe dọa các nhà hoạt động bảo vệ môi trường, trả tự do cho những người bị bắt một cách trái luật.Trong khi đó, tại nhà tù Nghệ An, tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức tuyên bố tuyệt thực vô hạn định.
Trong thông cáo ngày 18/05/2016, tổ chức Human Rights Watch nhấn mạnh đến tính chất ôn hòa của phong trào biểu tình ở Hà Nội, Sài Gòn và nhiều thành phố lớn, đòi chính phủ Việt Nam điều tra minh bạch về hiện tượng cá chết hàng loạt ở bờ biển miền trung. Nhưng « thay vì giải quyết tình trạng ô nhiễm thì chính quyền dùng vũ lực không cần thiết giải tán biểu tình, trừng phạt những người lên tiếng yêu cầu nhà nước giải trình trách nhiệm ».
Tổ chức nhân quyền Mỹ đặc biệt lưu ý chiến thuật trấn áp của an ninh : dùng vũ lực đàn áp ngày 08/05. Đến ngày 15/05 thì huy động hàng loạt biện pháp cô lập để chia cắt đoàn biểu tình thành nhóm nhỏ rồi dùng một lực lượng đông gấp nhiều lần để vây  bắt. Cho đến hôm nay vẫn còn nhiều người vẫn bị giam giữ ở một nơi được gọi là « trung tâm hỗ trợ xã hội ».
Mặc khác, chính quyền còn dùng thủ đoạn công kích, kết tội người biểu tình vì môi trường « nhận tiền của các nhóm phản động ».
Trong phần kết luận, Human Rights Watch kêu gọi chính quyền Việt Nam phải tôn trọng Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính trị, theo đó nhân viên công lực phải kềm chế và hành động với mục đích hợp pháp khi dùng vũ lực. Human Rights Watch kêu gọi chính quyền Việt Nam hãy để cho người dân phát biểu ý kiến nhưng đã làm tình hình căng thẳng thêm vì sử dụng vũ lực.
Phó giám đốc Tổ chức HRW khu vực châu Á, Phil Robertson kêu gọi: « Chính quyền Hà Nội cần có biện pháp cải thiện tình hình tồi tệ này ».
Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực vô hạn định
Chính quyền Việt nam cũng được yêu cầu « thượng tôn pháp luật, tổ chức trưng cầu dân ý quyết định thể chế chính trị ». Người đưa ra lời kêu gọi này là tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức. Ông là một doanh nhân trẻ có tiếng tại Việt Nam, bị kết án 16 năm tù vào năm 2010.
Ông cũng là một trong những sáng lập viên tổ chức « Con Đường Việt Nam » mà truyền thông nhà nước gọi là « thế lực phản động » xúi giục dân biểu tình làm « cách mạng Cá ». Ngày 05/05, ông bị chính quyền cưỡng chế đưa từ nhà giam Xuyên Mộc ở miền nam ra tận nhà giam có tiếng cay nghiệt « Trại 6 » ở Nghệ An, để gây áp lực tinh thần.
Thân phụ của ông là Trần Văn Huỳnh, nguyên là giáo sư luật Đại Học Luật Sài Gòn, thuật lại trong buổi thăm nuôi ngày 14/05 rằng Trần Huỳnh Duy Thức cho biết sẽ « tuyệt thực kể từ ngày 24/05 cho đến khi đất nước có biến chuyển lớn ». Ông « chấp nhận cái chết vì quyền lợi của dân, của nước » và cương quyết « không đánh đổi tự do với lưu vong ».

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160518-human-rights-watch-len-an-ha-noi-dan-ap-bieu-tinh-vi-moi-truong

Xem biểu tình là "phản động", chính quyền Việt Nam bị phản đối

mediaTiến sĩ Nguyễn Quang A trong cuộc tuần hành phản đối công ty Formosa tại Hà Nội, ngày 01/05/2016.REUTERS/Kham
Truyền hình và báo chí chính thức tại Việt Nam quy buộc cho đảng Việt Tân và các « thế lực phản động » trong và ngoài nước « xúi giục » dân chúng xuống đuờng biểu tình trong ba ngày Chủ nhật liên tiếp của tháng 5. Một số nhà hoạt  động đã phản ứng tức khắc, lên án chính quyền vu khống.
Trong bản tin 11 phút ngày 15/05, đài truyền hình VTV1 cảnh báo dân chúng Việt Nam đừng nghe theo lời kêu gọi biểu tình của các « lực lượng phản động » lợi dụng thảm nạn môi trường để làm một cuộc « cách mạng Cá ».
Truyền hình nhà nước lên án đích danh một số blogger, nhân sĩ, trí thức có tên tuổi « kích động » dân chúng lật đổ chế độ. Trong số các nhân vật bị nêu tên có tiến sĩ Nguyễn Quang A, giáo sư Nguyễn Huệ Chi, nhà thơ Hoàng Hưng là nhóm khởi xướng « Tuyên bố về tội ác đầu độc biển miền Trung Việt Nam ». Nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện cùng một số bogger và cả giám mục Nguyễn Thái Hợp, chủ tịch Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, cũng bị quy chụp « kích động » dân chúng.
Công luận trong nước qua mạng xã hội đã phản ứng mạnh. Nhóm Bauxite Việt Nam ra tuyên cáo lên án « hành vi vu khống của đài truyền hình VTV1 và cơ quan an ninh Việt Nam ». Bauxite dọa kiện những kẻ vu khống ra trước pháp luật. Ban vận động Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam ra thông cáo yêu cầu kênh truyền hình rút lại đoạn phim « xúc phạm danh dự » giáo sư Nguyễn Huệ Chi và nhà thơ Hoàng Hưng, « xin lỗi hai thành viên của tổ chức » và tiến sĩ Nguyễn Quang A.
Blogger JB Nguyễn Hữu Vinh, nhà báo độc lập nhiều lần bị câu lưu và bị hành hung, viết một bài phân tích dài « Bỗng nhiên Việt Nam đa đảng » cho rằng chính quyền đang « loay hoay và lúng túng » và vì thế « một lần nữa, Việt Tân được chọn làm vật tế thần. Nhờ vậy, cả nước biết đảng Việt Tân hùng mạnh tài giỏi… biết quan tâm đến người dân ». Một số blogger trẻ « cám ơn nhà nước quảng cáo » cho.
Theo Reuters, chính quyền cộng sản Việt Nam từ lâu nay vẫn bịt miệng và bôi nhọ những nhà đối kháng nhưng bản tin hôm Chủ nhật 15/05, trình bày những hoạt động bị xem là nguy hiểm, có thời lượng dài một cách khá bất thường. Lời cảnh báo được đưa ra đúng vào thời điểm ở Hà Nội, Sài Gòn và một số tỉnh, phong trào vì môi trường tìm cách xuống đường lần thứ ba để nói lên sự tức giận đối với chính quyền và công ty Formosa, bị xem là thủ phạm thải chất độc gây thảm họa môi trường và làm chết cá ở bốn tỉnh miền trung.
Mặc dù an ninh được siết chặt ngăn không cho quần chúng tập hợp đông đảo, nhưng các trang mạng xã hội cho thấy từng nhóm nhỏ  đã thành công giương biểu ngữ đòi « biển sạch, chính quyền minh bạch ».

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160516-chinh-quyen-viet-nam-bi-phan-doi-vi-gan-nhan-phan-dong-cho-phong-trao-moi-truong

Geen opmerkingen:

Een reactie posten