vrijdag 20 mei 2016

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Obama có thể mang lại những gì + Những chuyến thăm Việt Nam của các tổng thống Mỹ

Thứ sáu, 20/5/2016 | 09:17 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ sáu, 20/5/2016 | 09:17 GMT+7

Chuyến thăm Việt Nam của Obama có thể mang lại những gì

Các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước dự đoán Việt - Mỹ sẽ củng cố niềm tin và sự chân thành, có những thỏa thuận lớn, mở ra trang mới trong hợp tác song phương.
gioi-chuyen-gia-tin-se-co-thoa-thuan-lon-khi-obama-den-viet-nam
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho hợp tác song phương . Ảnh: AP
"Việc Tổng thống Mỹ Obama đến thăm Việt Nam phản ánh tầm quan trọng nhất định của Việt Nam trong bản đồ chiến lược của Mỹ", giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ, trao đổi với VnExpress.
Theo ông Vuving, nếu so với chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng năm ngoái thì chuyến đi của ông Obama "không quan trọng bằng, nhưng cho thấy hai nước sẽ tiếp tục đà phát triển tăng tốc trong mấy năm qua".
Chuyến thăm sẽ giúp ông Obama có thông tin trực tiếp và những ấn tượng thực tế để ông cân nhắc về các bước đi mới, chẳng hạn khả năng dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam. Nếu Việt Nam tỏ ra đáp ứng mong mỏi của Mỹ thì việc Washington bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí ngay trong năm nay là gần như chắc chắn, Vuving nhận định. 
Ông Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, đánh giá rằng thực tế đang có các điều kiện tích cực cho việc bỏ lệnh cấm. 
"Hiện có những tín hiệu Mỹ có thể thực hiện việc này", ông Lợi nói.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine, Mỹ, đánh giá nếu như ông Obama không tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam trong dịp này thì ông cũng sẽ cố gắng tìm một dịp tốt khác để thực hiện, trước khi rời Nhà Trắng. Và để thúc đẩy tiến trình này, Việt Nam cũng cần thể hiện sự năng động của mình.
Trong vấn đề Biển Đông, ông Vuving trông đợi hai nước có các bước đi cụ thể hơn, chẳng hạn Hà Nội tạo điều kiện cho Washington tiếp cận các cơ sở hậu cần, ngược lại Washington để Hà Nội tiếp cận công nghệ quốc phòng.
"Tuy nhiên, kể cả những bước đi như vậy cũng không đủ lớn để lập tức thay đổi tình hình Biển Đông", Vuving nói. "Nếu thiếu một sự răn đe hữu hiệu ở khu vực này, Trung Quốc sẽ tiếp tục các động thái bành trướng lắt léo để biến Biển Đông thành ao nhà của họ". 
Ôg Vuving nhận định rằng khi Mỹ có tổng thống mới, với hai ứng viên hàng đầu hiện nay là bà Hillary Clinton và ông Donald Trump, Washington sẽ "kiên quyết hơn" trong vấn đề Biển Đông. 
Bà Hillary Clinton là người nhìn thế giới với con mắt chiến lược địa chính trị, vì thế những thoả thuận trong chiều hướng này sẽ có nhiều cơ hội được tiếp tục thực thi. Cựu ngoại trưởng Mỹ chính là kiến trúc sư của Sáng kiến Hạ vùng Mekong (LMI) và khái niệm "xoay trục". Ông Donald Trump là người thực dụng, nếu quan hệ với Việt Nam mang lại lợi ích cho nước Mỹ thì ông cũng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ. 
Vuving dự đoán ban lãnh đạo mới của Việt Nam sẽ tiếp tục xu hướng đẩy mạnh quan hệ chiến lược với Mỹ được gia tăng trong những năm gần đây, với những dấu mốc như thoả thuận quan hệ Đối tác toàn diện trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2013 và tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Việt - Mỹ trong chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng năm ngoái.
"Cả bốn lãnh đạo cao nhất hiện nay của Việt Nam đều từng sang Mỹ với những ấn tượng khá tốt, đó cũng là một yếu tố tích cực khiến có thể kỳ vọng quan hệ Việt - Mỹ sẽ được nâng lên Đối tác chiến lược trong vòng 5 năm tới", ông Vuving nói. 
Đối tác chân thành
Ông Long ở Đại học Maine nhận xét chuyến thăm này của ông Obama là để củng cố quan hệ giữa hai nước trước hàng loạt thách thức đang dồn dập đến. Không còn bị ràng buộc nhiều với đối nội trong năm bầu cử, tổng thống đương nhiệm sẽ có những hành động đặc biệt để củng cố di sản đối ngoại của mình. 
Thừa nhận "nếu tổng thống Mỹ đến thăm Việt Nam sớm hơn là điều tốt hơn", ông Lợi của Viện nghiên cứu châu Mỹ nhận xét rằng chuyến thăm của ông Obama cơ bản vẫn nằm trong tổng thể chiến lược hướng sang châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ. Trong đó, Washington can dự vào các hoạt động ở khu vực do có những lợi ích chiến lược về chính trị, an ninh và kinh tế, những lợi ích đó là không thể đảo ngược được. 
"Trong năm tới Nhà Trắng sẽ có người chủ mới và theo truyền thống thì họ sẽ kế tục các chính sách của người đi trước. Chỉ có những gì đi ngược lại lợi ích của Mỹ thì họ mới có thể thay đổi", ông Lợi nói. 
Các chuyên gia cho rằng điều được trông đợi trong chuyến thăm này là Việt - Mỹ xác định với nhau là đối tác chân thành, gia tăng niềm tin. 
"Tôi mong Việt Nam coi chuyến thăm của ông Obama là dịp hiếm có để thể hiện định hướng hợp tác của mình, củng cố quan hệ song phương vì lợi ích của hai bên, vì an ninh và phát triển chung. Vị trí địa chính trị của Việt Nam rất đặc biệt. Nếu đi đúng hướng và dùng lợi thế này để vận động thì sẽ có lợi cho chính mình cũng như cho khu vực và thế giới", ông Long nói.
Việt Anh


54
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên google+ Email cho bạn bè

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/chuyen-tham-viet-nam-cua-obama-co-the-mang-lai-nhung-gi-3404739.html?utm_source=detail&utm_medium=box_topic&utm_campaign=boxtracking

Thứ ba, 17/5/2016 | 10:48 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ ba, 17/5/2016 | 10:48 GMT+7

Đại sứ Vinh: 'Tổng thống Obama rất coi trọng quan hệ với Việt Nam'

Tổng thống Mỹ Barack Obama gần đây nhiều lần cho rằng Việt Nam là một đối tác toàn diện, có tính xây dựng trong khu vực, đại sứ Việt Nam tại Mỹ nhận xét. 
dai-su-vinh-tong-thong-obama-rat-coi-trong-quan-he-voi-viet-nam
Đại sứ Phạm Quang Vinh gặp gỡ Tổng thống Mỹ Barack Obama khi trình Quốc thư cuối tháng 2 năm ngoái.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh trao đổi với VnExpress về chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama và hướng mở rộng hợp tác thời gian tới giữa hai nước.
- Ông đánh giá thế nào về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Obama?
 Chuyến thăm của ông Obama không chỉ nhằm khẳng định những tiến bộ trong quan hệ giữa hai nước, mà quan trọng hơn là tạo thêm đà phát triển cho hợp tác Đối tác toàn diện Việt - Mỹ trong thời gian tới. Chính quyền và cá nhân Tổng thống Obama rất coi trọng quan hệ với Việt Nam, coi Việt Nam là một đối tác quan trọng trong ASEAN và tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông Obama tại các cuộc gặp với lãnh đạo Việt Nam gần đây đã khẳng định Việt Nam là "đối tác toàn diện, xây dựng". Việc ông đến thăm Việt Nam nhằm đưa ra thông điệp về mối quan hệ đang ngày càng phát triển này và tìm hiểu thêm về văn hoá, đất nước, con người của Việt Nam.
Việt Nam trông đợi gì từ chuyến đi này của ông Obama và ngược lại?
Quan hệ hai nước đã có sự phát triển "đáng ngưỡng mộ" như nhiều người nhận xét, từ khi ông Bill Clinton và ông George Bush đến thăm. Việt Nam và Mỹ đã xác lập khuôn khổ Đối tác toàn diện từ 2013. Chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ năm ngoái đã thực sự làm sâu sắc thêm quan hệ, nhấn mạnh nguyên tắc cùng có lợi, bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, thể chế chính trị của nhau.
Chúng ta mong đợi chuyến thăm là cơ hội để tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện, thúc đẩy hơn nữa hợp tác từ quan hệ chính trị, thương mại - đầu tư, an ninh - quốc phòng, khắc phục hậu quả chiến tranh, đến khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế, giao lưu - nhân dân, trên cơ sở các nguyên tắc của quan hệ về tôn trọng độc lập, chủ quyền, thể chế chính trị của nhau, bình đẳng cùng có lợi. Cùng với việc phát huy các tiềm năng hợp tác, hai nước cũng cần phải tháo gỡ những rào cản còn tồn tại như lệnh cấm vận vũ khí, rào cản thương mại, chống bán phá giá mà Mỹ vẫn còn duy trì. 
Phía Mỹ luôn khẳng định rất coi trọng và mong thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Việt Nam, trong đó có tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại, bao gồm triển khai Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), an ninh hàng hải, biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả chiến tranh. Hai bên cũng sẽ trao đổi về những vấn đề khác biệt trên tinh thần hiểu biết, xây dựng, tôn trọng lẫn nhau.
- Qua gặp gỡ các nghị sĩ và quan chức Mỹ, ông thấy mối quan tâm của họ với diễn biến Biển Đông như thế nào?
- Cả chính quyền, quốc hội và dư luận Mỹ đều rất quan tâm, khẳng định ủng hộ mạnh mẽ lập trường của ASEAN về vấn đề này. Việc bảo đảm hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông luôn là mối quan tâm chung của thế giới và toàn khu vực, có quan hệ chặt chẽ với hoà bình, ổn định và thịnh vượng ở châu Á - Thái Bình Dương. 
Về an ninh hàng hải, hiện Mỹ và Việt Nam đang triển khai những hoạt động hợp tác đào tạo, nâng cao năng lực cho cảnh sát biển Việt Nam. An ninh - quốc phòng là một lĩnh vực thể hiện tính toàn diện trong quan hệ hai nước, dựa trên mục tiêu vì lợi ích của nhân dân hai nước, đồng thời đóng góp chung vào hoà bình, ổn định ở khu vực, không phương hại đến bất kỳ quốc gia nào khác.
- Các doanh nghiệp Mỹ quan tâm điều gì ở Việt Nam?
Việt Nam cần tiếp tục tạo môi trường đầu tư thuận lợi, nhất là về đổi mới thủ tục hành chính, cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực, tạo thuận lợi cho các giao dịch kinh tế, thương mại, tài chính điện tử, là những lĩnh vực mà các doanh nghiệp Mỹ rất quan tâm. 
Hiện rất nhiều doanh nghiệp Mỹ đang có các kế hoạch để mở rộng kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam. Tôi tin rằng, tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại hai chiều sẽ còn tăng nhanh hơn nữa. Tôi cũng muốn nói thêm các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chuẩn bị để tranh thủ các cơ hội này, vì cùng với cơ hội, cũng sẽ có nhiều thách thức, cạnh tranh. 
Tôi bắt đầu nhiệm kỳ tại Washington, D.C. trong năm ngoái, cũng là khi quan hệ giữa hai nước phát triển mạnh mẽ trên các mặt, nhất là về kinh tế - thương mại – đầu tư. Tốc độ tăng trưởng thương mại hai chiều trong những năm gần đây đều đạt 20% mỗi năm. Tuy nhiên việc Mỹ mới chỉ đứng thứ 7 về đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn trên 11 tỷ USD chưa phản ánh được tiềm năng hợp tác giữa hai nước. Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, Mỹ cũng cần phải gỡ bỏ các rào cản thương mại, các biện pháp chống bán phá giá đối với Việt Nam, cần sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
- Đại sứ đánh giá thế nào về triển vọng hiện thực hóa TPP tại Mỹ? 
- Hiệp định đang vấp phải những ý kiến khác nhau, kể cả những ý kiến phản đối tại Quốc hội Mỹ vì những mối quan tâm khác nhau, như về việc làm, cạnh tranh hàng hoá, lao động giá rẻ từ các nước. Cuộc bầu cử đang diễn ra tại Mỹ cũng làm cho những khác biệt thêm sâu sắc, phức tạp. Điều này cũng giống như với những hiệp định tự do thương mại (FTA) khác, ví dụ như Hiệp định mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Tuy nhiên, Mỹ đã nhiều lần khẳng định tầm quan trọng của TPP cả về kinh tế, thương mại và chiến lược. Chính quyền của Tổng thống Obama cũng đang hết sức nỗ lực trao đổi, vận động các giới khác nhau tại Mỹ, kể cả quốc hội, doanh nghiệp, nghiệp đoàn và các địa phương. Tháng 6 năm ngoái, khi bàn về việc trao quyền đàm phán nhanh về thương mại (TPA), trong Quốc hội Mỹ cũng có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng TPA đã được thông qua, với số phiếu khá sát sao. Do vậy, dư luận cho rằng, Mỹ sẽ phải cân nhắc lợi ích tổng thể, cả về kinh tế, thương mại và chiến lược, để tiến tới thông qua TPP, nhất là khi cuộc tranh cử tổng thống lắng dịu. Kịch bản ngược lại, rằng TPP không được thông qua, được dư luận cho là bất lợi và ảnh hưởng cả đến hình ảnh của chính Mỹ. 
- Mỹ sắp có tân tổng thống, Việt Nam chuẩn bị gì cho sự thay đổi này?
- Bầu cử tổng thống là câu chuyện nội bộ diễn ra 4 năm một lần của Mỹ. Suốt thời gian vừa qua, Mỹ luôn có sự nhất trí cao về lợi ích trong chính sách tăng cường gắn kết và hợp tác với châu Á - Thái Bình Dương, một khu vực địa chiến lược quan trọng và phát triển năng động hàng đầu trên thế giới.
Với Việt Nam, nếu nhìn vào chiều dài quan hệ 20 năm qua, quan hệ giữa hai nước luôn có được sự ủng hộ của cả hai đảng, với các tổng thống từ ông Bill Clinton, George Bush đến Tổng thống Obama. Họ dù thuộc các đảng khác nhau đều đã đến thăm Việt Nam và tích cực đóng góp vào thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Đối tác toàn diện được xác lập là khuôn khổ quan hệ ổn định lâu dài, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hoà bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Do vậy, dù Mỹ có tổng thống mới, quan hệ giữa hai nước sẽ tiếp tục đà phát triển tích cực nêu trên.
Việt Anh

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/dai-su-vinh-tong-thong-obama-rat-coi-trong-quan-he-voi-viet-nam-3404091.html?utm_source=detail&utm_medium=box_relatedtop&utm_campaign=boxtracking

Những chuyến thăm Việt Nam của các tổng thống Mỹ

  • 7 giờ trước
Image copyright Getty
Với chuyến thăm Việt Nam vào tuần tới, ông Barack Obama là tổng thống thứ năm của Mỹ đến Việt Nam. Trước ông, bốn tổng thống khác đã từng tới nước này.
Sang vào những thời điểm, hoàn cảnh khác nhau, những chuyến đi đó cũng có những mục đích, tác động khác nhau.

Lyndon B. Johnson

Ông Johnson đến (miền Nam) Việt Nam lần đầu tiên ngày 12/05/1961, lúc ông còn là Phó Tổng thống. Ông đã gặp Tổng thống Ngô Đình Diệm và coi ông Diệm như là một Winston Churchill của châu Á lúc ấy.
Ông hứa Mỹ sẽ có thêm hỗ trợ quân sự để giúp chính quyền ông Diệm chống cộng. Về lại Mỹ, ông nhắc lại thuyết domino và cho rằng nếu không giữ được miền Nam Việt Nam có thể Mỹ phải chiến đấu với những người cộng sản ngay tại cửa ngõ của mình.
Cũng vì quá lo sợ sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản, sau khi lên làm tổng thống, ông đã cho đưa nhiều quân vào miền Nam.
Trong cuốn ‘Vietnam: A History’, Stanley Karnow cho rằng trong cuộc gặp với ông Johnson, ông Diệm đã không mặn mà với ý tưởng đưa lính Mỹ vào miền Nam vì là người nặng chủ nghĩa dân tộc, ông không muốn sự hiện diện quá đông của quân Mỹ trên đất nước mình.
Sau khi Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát ngày 22/11/1963, ông Johnson lên làm tổng thống. Trước đó ba tuần, Tổng thống Ngô Đình Diệm cũng bị giết hại. Sau vụ ám sát này, tình hình ở miền Nam càng trở nên phức tạp, tồi tệ, cuộc chiến càng trở nên khốc liệt. Số lượng lính Mỹ ở Việt Nam cũng tăng nhanh.
Vào ngày 25/10/1966, ông Johnson đã bất ngờ tới căn cứ quân sự Cam Ranh chỉ trong vòng hai tiếng rưỡi để thăm hỏi, cảm ơn và động viên lính Mỹ.
Ông đến Việt Nam từ Manila, nơi ông có hội nghị với lãnh đạo nước đồng minh (Úc, Phililippines, Thái Lan, New Zealand, Hàn Quốc và Nam Việt Nam). Tại đó Mỹ và những nước này hứa sẽ rút quân khỏi miền Nam trong sáu tháng nếu Bắc Việt cũng hoàn toàn rút lực lượng của mình khỏi Miền Nam.
Ông Johnson sang Việt Nam lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng trên cương vị tổng thống khi ông tới Cam Ranh ngày 23/12/1967.
Khi ông Johnson lên làm tổng thống năm 1963, số lính Mỹ ở Việt Nam chỉ có 16 ngàn. Nhưng bốn năm sau con số ấy đã lên hơn 500 ngàn. Tuy vậy, vào giữa mùa thu năm 1967, ông đã biết cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam rất khó thành công. Và chuyến đi này cũng không làm ông thay đổi suy nghĩ đó.
Sau sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968, phong trào phản chiến ở Mỹ lan rộng, uy tín của ông Johnson sụt giảm.
Dù ông vẫn được quyền tái cử, ông Johnson đã quyết định không tranh cử chức tổng thống năm 1968.
Ứng viên Dân chủ tranh chức tổng thống năm đó là Phó Tổng thống Hubert Humphrey, Phó Tổng thống dưới thời ông Johnson. Nhưng Humphrey đã thất cử trước ứng viên Cộng hòa Richard Nixon.

Richard Nixon

Ông Richard Nixon là người có khá nhiều liên hệ với (cuộc chiến) Việt Nam.
Image copyright Getty
Image caption Tổng thống Richard Nixon, ngày 30/4/1970, loan báo quân Mỹ sẽ vào Campuchia
Theo một số tài liệu ông Nixon đã đến Việt Nam bảy lần trước khi lên làm tổng thống. Một trong những lần đó là vào tháng 10 năm 1953, khi ông sang thăm ba nước Đông Dương và ghé Sài Gòn và Hà Nội. Đây cũng là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của ông với tư cách là Phó Tổng thống.
Ông cũng sang Sài Gòn vào tháng Bảy năm 1956 và gặp Tổng thống Ngô Đình Diệm. Theo David F. Schmitz, tác giả của cuốn ‘Richard Nixon and the Vietnam War: The End of the American Century’, trong chuyến đi ấy, ông Nixon cho rằng việc thành lập một nhà nước cộng hòa, phi cộng sản ở miền Nam đã giúp ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á.
Lần đầu tiên và cũng là duy nhất ông Nixon sang miền Nam trên cương vị tổng thống là vào tháng Bảy năm 1969 khi ông công du tới một số nước, lãnh thổ châu Á, trong đó có đảo Guam.
Trong chuyến thăm kéo dài chỉ 5 giờ rưỡi không được sắp đặt trước vào ngày 30/07, ông đã gặp Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu để bàn việc rút thêm lính Mỹ khỏi miền Nam. Ông cũng gặp các chỉ huy quân sự của Mỹ để trao đổi những thay đổi về chiến thuật của Mỹ.
Trước đó, vào ngày 25/07, khi thăm đảo Guam, ông đã công bố Học thuyết Nixon (hay còn được gọi Học thuyết Guam). Điểm chính yếu của học thuyết này là Mỹ chỉ giúp bảo vệ và phát triển các nước đồng minh. Nhưng các quốc gia này phải có trách nhiệm tự quyết định, bảo đảm an ninh của mình.
‘Việt Nam hóa’ chiến tranh – theo đó lính Mỹ sẽ dần dần rút khỏi miền Nam và được thay thế bằng quân đội miền Nam – cũng xuất phát từ học thuyết này.
Theo Stephen E. Ambrose, tác giả cuốn ‘Nixon: The triumph of a politician, 1962-1972’, xuất bản năm 1989, tuy Mỹ chịu nhiều thương vong, trong chuyến đi này ông vẫn cho rằng cuộc chiến là chính đáng vì nó giúp ‘người dân miền Nam tự quyết định con đường của mình’ và cũng ‘giới hạn nguy cơ có thêm nhiều cuộc chiến trong tương lai’.
Nhưng biết sẽ khó thắng và một phần vì muốn tìm một lối thoát cho cuộc chiến đẫm máu, ông Richard Nixon và Henry Kissinger, cố vấn an ninh quốc gia của ông, đã ký Hiệp định Paris năm 1973.
Hiện giờ vẫn còn có nhiều tranh cải về ý nghĩa, tác động – hay ai được ai thua – từ Hiệp định này. Nhưng khá nhiều người cho rằng Hiệp định này đã góp phần dẫn đến sự kiện 30 tháng 4 năm 1975. Sau 1975, dù Washington và Hà Nội có những động thái muốn nối lại quan hệ. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, những cố gắng đó không thành. Việt Nam bị Mỹ cấm vận thương mại và mãi tới năm 1994, khi Tổng thống Bill Clinton quyết định bỏ lệnh cấm vận, quan hệ Việt-Mỹ mới từ từ được nối lại.

Bill Clinton

Image copyright AP
Image caption Tổng thống Mỹ Bill Clinton bắt tay với người dân tại Hà Nội ngày 17/11/2000
Một năm sau đó, chính Tổng thống Clinton cũng là người quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Và năm 2000, ông Clinton đã sang thăm Việt Nam (từ 16-19/11). Đây cũng là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ tới Việt Nam kể từ năm 1969.
Chuyến đi lịch sử này vừa giúp hai cựu thù hàn gắn những vết thương, nghi ngờ chiến tranh để lại. Nó vừa giúp hai bên phát triển, đẩy mạnh quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực.
Chẳng hạn, theo số liệu Tổng cục thống kê Việt Nam, năm 1995, thương mại giữa hai nước chỉ 200 triệu USD. Năm 2015, con số ấy lên tới 43.5 tỷ USD.
Quan hệ Việt-Mỹ chắc chắn sẽ không phát triển, gần gũi, thân thiện như hôm nay nếu như ông Clinton không dám mạnh dạn bỏ lệnh cấm vận, thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam hơn 20 năm trước.
Phát biểu dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ-Việt tại Hà Nội, ông đã nói việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam là một trong những thành công quan trọng nhất trong hai nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Sau chuyến thăm lịch sử năm 2000, cựu Tổng thống Clinton cũng đã nhiều lần sang Việt Nam.

George W. Bush

Image copyright Getty
Image caption Tổng thống Bush tại TP. HCM ngày 20/11/2006
Tổng thống Bush thăm Việt Nam từ ngày 17-20/11/2006. So với chuyến thăm của ông Clinton năm 2000, chuyến đi này ít quan trọng, ý nghĩa hơn. Ông Bush đến Việt Nam năm đó cũng để tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC.
Ông không được nhiều người dân đón tiếp hay có cảm tình như khi ông Clinton đến đây.
Nhưng ông Bush cũng rất ngạc nhiên, vui mừng về sự cởi mở, thân thiện, trẻ trung, năng động mà ông chứng kiến trong những ngày ở Việt Nam.
Trả lời báo chí, ông cho biết một điều làm ông ‘thấy thật thú vị là khi biết các con của Thủ tướng Việt Nam được học ở Mỹ. Thủ tướng Việt Nam, như tôi hiểu, thì ngày xưa thuộc lực lượng Việt Cộng, nay gửi các con ông sang nước chúng tôi học tập, và một trong các cháu đã kết hôn với một người Mỹ gốc Việt’.
Có thể so với Tổng thống Clinton, ông Bush không có tác động nhiều lên quan hệ Mỹ-Việt. Nhưng ông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới năm đó.

Barack Obama

Chuyến thăm Việt Nam sắp tới (22-25/05) của Tổng thống Barack Obama có thể là chuyến thăm được bàn và chờ đợi nhiều nhất.
Dưới thời ông, quan hệ Mỹ-Việt đã được cải thiện trên tất cả mọi lĩnh vực – từ chính trị, quốc phòng đến kinh tế, giáo dục.
Ông cũng chính là người khởi xướng chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ. Trong hơn bảy năm qua, ông Obama đã đến thăm hầu hết các nước trong vùng – trong đó có nhiều nước đến hai lần, như Indonesia (2010, 2011), Myanmar (2012, 2014), Malaysia (2014, 2015) và Philippines (2014, 2015).
Nhưng đến giờ ông mới sang thăm Việt Nam. Chuyện ông chậm thăm Việt Nam ít hay nhiều cho thấy giữa Washington và Hà Nội vẫn còn có những bất đồng. Một trong những bất đồng ấy là hồ sơ nhân quyền của Việt Nam.
Cũng vì điều này vẫn chưa rõ trong chuyến thăm này ông Obama có quyết định bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam hay không.
Nếu muốn quan hệ Mỹ-Việt hoàn toàn bình thường hóa và Việt Nam phát triển, giàu mạnh, dân chủ – đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc càng hung hăng ở Biển Đông – chắc ai cũng hy vọng, trông mong Washington và Hà Nội tìm được đồng thuận về hai vấn đề này.

Tin liên quan

Geen opmerkingen:

Een reactie posten