Thỏa thuận nhập cư châu Âu-Thổ Nhĩ Kỳ : từ lý thuyết đến thực hành
Hôm nay, 04/04/2016, thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu, được thông qua ngày 18/03 tại Bruxelles, về việc gửi ngược lại Thổ Nhĩ Kỳ người nhập cư, bắt đầu có hiệu lực.
Theo bài viết « Thỏa thuận Thổ Nhĩ Kỳ về người nhập cư : từ lý thuyết đến thực hành » trên tờ Les Echos, bản thỏa thuận được cho là giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhập cư chưa từng có tại châu Âu từ sau Thế Chiến Thứ Hai. Thế nhưng, theo nhận định của Les Echos, dù mới đi vào hoạt động, song những ngày gần đây, ngay trong Ủy Ban Châu Âu, nghi ngại bản thỏa thuận sẽ gặp thất bại đang có nguy cơ thành hiện thực.
Lý do thứ nhất, theo phân tích của Les Echos, là mặt tư pháp. Liên Hiệp Châu hứa tôn trọng mọi quy định về quyền tị nạn. Còn Thổ Nhĩ Kỳ thì cam kết không trả người nhập cư Syria về nước. Song, Ankara đã vị phạm lời cam kết. Tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ hàng ngày vẫn tập trung và trục xuất nhiều nhóm người Syria, trong đó có phụ nữ và trẻ em, từ giữa tháng Giêng vừa qua.
Về mặt hậu cần, châu Âu có nguy cơ bị quá tải. Dự định có khoảng 4.000 nhân viên được triển khai tại Hy Lạp, song hiện giờ mới chỉ có 200 người có mặt tại chỗ. Khó khăn hậu cần đã gây rối loạn tại thực địa. Khoảng 800 di dân đã trốn khỏi khu trung tập trên đảo Chios, đang trở thành nhà tù ngoài trời. Các cuộc đụng độ và bạo lực thường xuyên xảy ra từ tuần tước.
Trước việc con đường Balkan bị đóng cửa và người nhập cư bị đưa về Thổ Nhĩ Kỳ, « làn sóng nhập cư bùng nổ tại vùng Alpes-Martimes » (Pháp) nằm giáp biên giới với Ý, theo nhận định của tờ Le Figaro. Từ ngày 01/01/2016, số lượng người nhập cư bất hợp pháp đã tăng thêm hơn 60% tại biên giới Pháp-Ý. Chính quyền địa phương lo ngại con số này sẽ còn tăng đáng kể trong khi đó lực lượng an ninh không được tăng viện.
Còn nhật báo công giáo La Croix đề cập tới khía cạnh tạo điều kiện cho người nhập cư hòa nhập vào cộng đồng tại Ý. Dưới dòng tựa, « Một chương trình đào tạo tiếp đón người nhập cư tại Ý », thông tín viên của La Croix tại Roma cho biết khoảng 100 sinh viên thuộc mọi quốc tịch đã khai mạc chương trình đào tạo chuyên ngành trung gian hòa giải viên đa văn hóa để giúp người nhập cư hòa nhập với cuộc sống mới. Sau khi tốt nghiệp, những sinh viên này sẽ làm việc tại các trung tâm tiếp nhận và tạm trú cho người nhập cư, các trường học, bệnh viện, nhà tù hay tại các hội đồng địa phương.
Tranh luận về thời trang Hồi Giáo
Trả lời đài phát thanh RMC ngày 30/03, bộ trưởng Pháp phụ trách Gia Đình, Trẻ Em và Nữ Quyền đã mở màn cho một cuộc tranh luận liên quan đến việc nhiều thương hiệu nổi tiếng tung ra các dòng sản phẩm may mặc riêng cho người Hồi Giáo.
Nhật báo Le Monde cho biết, ngoài những chỉ trích về cụm từ "nègres" nhằm miệt thị người da đen, bộ trưởng Roussignol nhận được chia sẻ của nhiều hiệp hội bảo vệ nữ quyền và khen ngợi bà « đã phẫn nộ và phản ứng mạnh mẽ trước việc phổ biến trùm khăn mang dấu hiệu Hồi Giáo thông qua hàng loạt buổi buổi trình diễn thời trang của nhiều thương hiệu may mặc nhằm vào thị trường thế giới đầy lợi nhuận này ».
Hãng may mặc Nhật Bản Uniqlo đã tung ra bộ sự tập đầu tiên được gọi là « Tiết hạnh » tại châu Á vào mùa hè năm 2015 và gần đây nhất là tại Hoa Kỳ. Những mẫu khăn trùm xung quanh khuôn mặt và che kín tóc hiện đã được bán tại Luân Đôn. Vào tháng Giêng vừa qua, thương hiệu nổi tiếng Dolce & Gabbana đã tung ra bộ sưu tập Abaya. Hay Marks&Spencer bán hai mẫu "burkini", bộ áo tắm gồm 3 mảnh (quần, áo và khăn trùm). Hiện hãng H&M nổi tiếng của Thụy Điển cùng nằm trong vòng xoáy của cuộc luận chiến, khi mời một người mẫu trùm khăn thực hiện quảng cáo về việc tái biến quần áo cũ.
Một chuyên gia kinh tế Hồi Giáo nhận định cuộc luận chiến trên thật nhỏ nhặt. Theo ông, mặt hàng mà các thương hiệu nổi tiếng bày bán chỉ nhằm một mục đích là thỏa mãn nhu cầu của khách hàng và nước Pháp hiện không bắt kịp thị trường thời trang Hồi Giáo.
Người Trung Quốc đổ xô đầu tư bất động sản Mỹ
Không chỉ dồn vào đầu tư lĩnh vực khách sạn tại Hoa Kỳ, người Trung Quốc giờ còn là chủ sở hữu nhiều nhà ở tại đây vào năm 2015. Theo thông tin của Hiệp Hội Nhà Môi Giới Bất Động Sản Mỹ (NAR), được nhật báo kinh tế Les Echos trích dẫn, khoảng 20% chủ sở hữu mới là người Trung Quốc.
Trước đó, công dân Canada là những nhà đầu tư nặng ký nhất vào nhà "Sunbelt" do tránh mùa đông khắc nghiệt tại quốc gia Bắc Mỹ này. Thế nhưng, từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính, người Canada nhường chỗ cho công dân Trung Quốc giầu có nhờ nên kinh tế quốc gia Đông Á liên tục tăng 2 chữ số trong vòng nhiều năm. Khoảng 30 tỉ đô la đã được người Trung Quốc đầu tư vào bất động sản Mỹ trong năm 2015.
Có nhiều lý do có thể giải thích được "đam mê" đầu tư bất động sản ở Mỹ của người Trung Quốc. Thứ nhất là do giá nhà liên tục giảm từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009. Tiếp theo là bất động sản tại Mỹ nổi tiếng là chắc chắn, ổn định và sinh lợi. Với mong muốn có chất lượng cuộc sống tốt hơn, nên nhiều gia đình Trung Quốc hy vọng việc sở hữu một căn nhà tại Mỹ sẽ giúp họ có thị thực dễ dàng hơn, hay thậm chí một thẻ xanh (lưu trú dài hạn) và con cái được nhận vào các trường đại học Mỹ danh tiếng.
Trên thị trường bất động sản, người Trung Quốc chỉ chiếm một số nhỏ. Nhưng tại San Francisco, Los Angeles, New York hay Miami, họ trở thành những người cạnh trạnh thật sự với người dân sở tại. Theo Hiệp Hội Nhà Môi Giới Bất Động Sản Mỹ (NAR), năm 2014, người trung Quốc chi khoảng 830.000 đô la để mua nhà ở tại Mỹ, trong khi đó, đối với một công dân Mỹ, con số này vào khoảng 255.000. Ngoài ra, 2/3 số tài sản được mua bằng tiền mặt.
Hiện nay thị trường bớt sôi sục do tăng trưởng kinh tế Trung Quốc bị chựng lại, thêm vào đó là việc phá giá đồng nhân dân tệ và chính quyền kiểm soát nghiêm ngặt tình trạng tẩu tán vốn ra ngước ngoài. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tình hình hiện nay chỉ là chặng nghỉ tạm thời.
Cha đẻ của kế hoạch thống nhất nước Đức qua đời
Hans-Dietrich Genscher, tác giả của kế hoạch thống nhất nước Đức qua đời tại Wachtberg-Pech. Nhật báo Le Monde dành một phần trong mục « Quốc tế và Châu Âu » để phác họa tiểu sử của cựu ngoại trưởng Cộng Hòa Liên Bang Đức cũ (còn gọi là Tây Đức).
Theo Le Monde, ông là biểu tượng của "Ostpolitik" (Chính sách phương Đông) trong vòng 20 năm. Tờ báo nhận định Genscher là bậc thầy của ngành ngoại giao "chuyển bại thành thắng", đúc kết các thỏa thuận với Cộng Hòa Dân Chủ Đức và từng bước làm dịu căng thẳng chia rẽ đất nước.
Sinh ngày 21/03/1927 tại Reideburg, vùng Sachsen-Anhalt, ông từng giữ chức bộ trưởng Nội Vụ từ năm 1969-1974. Sau thời gian giữ chức chủ tịch đảng tự do FDP (1974-1985), ông trở thành phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng của Cộng Hòa Liên Bang Đức cũ từ 1974-1992.
Bouygues Telecom vẫn chưa có người mua
Le Monde, Le Figaro và Les Echos đăng trên trang nhất chủ đề thời sự nội bộ Pháp, liên quan tới thất bại của cuộc họp về việc tập đoàn viễn thông nhà nước Orange mua lại nhà cung cấp viễn thông Bouygues Telecom. Trả lời phỏng vấn nhật báo Le Figaro, chủ tập đoàn Bouygues cho biết : « Có 4 bên tham gia đàm phán mua lại tập đoàn Bouygues Telecom, song chỉ có 3 bên muốn dự án trở thành hiện thực ».
Như vậy, cho tới hiện tại, Pháp vẫn duy trì 4 nhà cung cấp viễn thông và chắc chắn sẽ xảy ra cạnh tranh mạnh về vấn đề giá thành và nâng cấp công nghệ. Liệu người tiêu dùng có được hưởng lợi từ những cuộc cạnh tranh về giá ?
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160404-%C2%AB-vai-tro-cua-nga-tren-truong-quoc-te-khong-chac-chan-%C2%BB
Geen opmerkingen:
Een reactie posten