dinsdag 19 april 2016

Tác giả gốc Việt Nguyễn Thanh Việt đoạt giải Pulitzer 2016 cho tiểu thuyết “The Sympathizer,” tức “Cảm Tình Viên”

Tác giả gốc Việt đoạt giải Pulitzer 2016 cho tiểu thuyết
Monday, April 18, 2016 5:13:49 PM

Bài liên quan



NEW YORK CITY, New York (NV)
Ông Nguyễn Thanh Việt, Giáo Sư tại đại học University of Southern California, được tặng giải Pulitzer về tiểu thuyết cho tác phẩm “The Sympathizer,” tức “Cảm Tình Viên” do Grove Press xuất bản.

 
 Ông Nguyễn Thanh Việt chụp hồi Tháng 12/2015. (Hình: Getty Images/Mireya Acierto)

Khi biết tin, ông viết trên Facebook, bày tỏ sự cảm ơn về những lời chúc mừng, rồi “tôi kiểm chứng lại với nhà xuất bản và được biết cuốn 'The Sympathizer' quả thực được giải Pulitzer. Nếu không phải là chuyện đùa thì điều này khiến tôi hết sức sững sốt.”

Năm 1973, một người Việt Nam từng được trao giải Pulitzer cho hình ảnh báo chí, là nhà báo Nick Út.

Giáo sư Nguyễn Thanh Việt ra đời tại Việt Nam, theo gia đình đến Mỹ năm 1975 và hiện đang sống ở Los Angeles.

Theo trang mạng Bustle, sách lấy bối cảnh của Sài Gòn năm 1975, “Cảm Tình Viên” kể về một đại úy trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, người tuyên thệ trung thành với miền Nam nhưng lại âm thầm ủng hộ miền Bắc Cộng Sản và báo cáo cho họ những gì ông thu thập được.

Mặc dù làm gián điệp cho phía bên kia, viên đại úy lại là người đồng minh tin cẩn của một cấp tướng của miền Nam, người cho phép ông trốn ra khỏi nước.

Trong khi ông tướng và thuộc quyền của ông sang tị nạn ở Hoa Kỳ và định cư tại Los Angeles, viên đại úy thấy mình bị giằng xé giữa lý tưởng Cộng Sản với những người ông rất trung thành.

“Cảm Tình Viên” pha lẫn chính trị, lịch sử, bi kịch với cảm xúc. Đây là một câu chuyện thời chiến đào sâu về bề mặt chưa hề được nhắc nhở đến.

Nhân vật chính trong truyện, một người không được đặt tên, được học hành ở Mỹ, có cha là một linh mục người Pháp và mẹ là một phụ nữ Việt Nam. Điều này khiến bản sắc của nhân vật luôn bị đối chọi giữa hai dòng máu.

Trong bài phê bình của cô Sarah Lyall của báo New York Times, tác giả bắt đầu cuốn sách với giọng vẻ gượng gạo: “Tôi là một gián điệp, một tên nằm vùng, một con quỷ, một con người hai mặt và cũng là kẻ có hai lối suy nghĩ.”


Trong lần trả lời phỏng vấn của Người Việt, khi tác phẩm được New York Times đề cập hồi tháng 10 năm ngoái, ông Việt nói: “Tôi cần kể chuyện, những câu chuyện mà người khác không kể. Cuốn tiểu thuyết này nói về chiến tranh Việt Nam, ở cả Mỹ lẫn ở Việt Nam, những kinh nghiệm bị bỏ sót của người Việt miền Nam và của Việt kiều. Tôi muốn kể một vài trong số những chuyện bị bỏ sót này."

Bìa tác phẩm "The Sympathizer." (Hình: Coutesy of Grove/Atlantic)

Về ý kiến của độc giả người Việt, ông nói trong cuộc phỏng vấn: "Độc giả người Việt Nam viết cho tôi hay điểm sách về tác phẩm của tôi rất tích cực. Họ là người trẻ cũng như cao niên, ở Mỹ cũng như ở các quốc gia khác. Họ là một phần của một nền văn hóa muốn vượt qua những hận thù, chia rẽ của quá khứ. Với họ và tôi, nhìn thế giới qua những góc cạnh theo Cộng Sản hay chống Cộng chưa đủ. Dù cho nhân vật kể chuyện trong truyện là một điệp viên Cộng Sản, bị kẹt giữa hai phía. Tôi hy vọng độc giả người Mỹ gốc Việt nhìn nhân vật này như một người đại diện cho thảm cảnh nhiều người Việt cảm thấy như bị bao trùm trong cuộc chiến mà họ không chọn."
Tác giả Nguyễn Thanh Việt đến Mỹ năm 1975, gia đình không có ai phục vụ quân đội VNCH, và ông là giáo sư Anh văn, và dạy các khoa kinh nghiệm về Mỹ Học và Á Châu Học tại đại học USC từ năm 2005, viết sách và thuyết giảng nhiều nơi.

Giải Pulitzer hàng năm lần thứ 100 vừa được công bố hôm Thứ Hai, với AP được huy chương vàng, do sau loạt bài điều tra khiến hằng ngàn nô lệ được giải thoát.

Theo CNN, loạt bài điều tra của hãng thông tấn AP nhan đề “Seafood from Slaves,” có nghĩa là “Sản Phẩm Đồ Biển Làm từ Tay của Nô Lệ,” liên quan đến kỹ nghệ hải sản ở Đông Nam Á.

Loạt bài giúp mang lại tự do cho hơn 2,000 nô lệ và đây là lần thứ 52 AP được tặng giải Pulitzer.

Nhật báo Washington Post cũng được giải nhờ “Fatal Force,” tức “Lực Sát Hại,” bài tường thuật nêu chi tiết các vụ cảnh sát nổ súng làm chết người hồi năm ngoái.

“Fatal Force” tạo một kho dữ liệu chi tiết về 990 người bị cảnh sát bắn chết trong năm 2015.

Giải Pulitzer được đặt theo tên của nhà phát hành nhật báo tiền phong Joseph Pulitzer, và được trường Đại Học Columbia lập ra vào năm 1917.

Giải bao gồm 14 hạng mục về báo chí, chủ yếu là báo giấy, nhưng cũng công nhận đối với các tổ chức làm thông tin qua tạp chí và kỹ thuật số.

Ngoài ra có năm hạng mục về sách, một về kịch và một về sáng tác âm nhạc.

Ông John Warrick, được giải cho thể loại sách không phải tiểu thuyết, tựa đề “Black Flags: The Rise of ISIS,” có nghĩa “Cờ Đen: Sự Trỗi Dậy của ISIS.”

Và như mong đợi, ông Lin-Manuel Miranda thắng giải thể loại kịch nhờ nhạc kịch ăn khách “Hamilton.”

Nhật báo Los Angeles Times được giải Pulitzer nhờ “breaking news” tường thuật về vụ thảm sát ở San Bernadino, California. (TP)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=226459&zoneid=1

Báo New York Times điểm sách của một tác giả gốc Việt
Friday, October 2, 2015 8:26:35 PM

Bài liên quan




Linh Nguyễn/Người Việt

LOS ANGELES, California (NV) - Cuốn tiểu thuyết "The Sympathizer" bằng tiếng Anh của tác giả Việt Thanh Nguyễn, do Grove Press-New York xuất bản, gần đây được giới thiệu trên nhật báo The New York Times, cho người thích đọc sách liên quan đến cuộc chiến Việt Nam.
Bìa cuốn tiểu thuyết "The Sympathizer," của Việt Thanh Nguyễn. (Hình: Amazon)
Nội dung nói đến câu chuyện của một người đàn ông có tâm hồn hai mặt, mặt chính kiến tương phản với mặt của những niềm chung thủy cá nhân.
Theo Amazon, giữa bối cảnh Tháng Tư, 1975 trong khi Sài Gòn hỗn loạn, tại tư dinh một tướng lãnh quân đội miền Nam Việt Nam, ông tướng cùng một viên đại úy thân tín, vừa uống rượu Whiskey vừa lập danh sách cho những người được phép lên chuyến bay cuối cùng rời Việt Nam. Sau này ông tướng và đồng bào của ông bắt đầu một cuộc sống mới ở Los Angeles, nhưng không ngờ trong số người ấy, ông đại úy lại bí mật quan sát và báo cáo cho cấp trên là Việt cộng.
"The Sympathizer" là câu chuyện của viên đại úy này, với quá khứ lớn lên với người mẹ Việt Nam nghèo khổ, và không hề biết mặt thân phụ là người Pháp. Sau này người thanh niên theo học đại học ở Mỹ, nhưng về lại Việt Nam để tranh đấu cho chủ thuyết Cộng Sản. Đây là một cuốn tiểu thuyết gián điệp, khám phá những tối cực của chính trị, và là một chuyện tình cảm động. "The Sympathizer" khám phá một cuộc sống giữa hai thế giới và khảo sát di sản của chiến tranh Việt Nam qua văn học, phim ảnh và cuộc chiến ngày nay.
The New York Times nói gì?
"Sinh ra ở Việt Nam nhưng lớn lên tại Mỹ, tác giả Việt Thanh Nguyễn có cái nhìn riêng về cuộc chiến và thời hậu chiến. Cuốn sách trám vào một khoảng trống trong văn học, tạo tiếng nói cho những gì không có tiếng nói trước đây, nhưng bắt chúng ta nhìn lại những biến cố của 40 năm trước với một ánh sáng mới," nhà báo Philip Caputo, viết trên báo The New York Times.
"Cuốn sách cũng nói lên được những nhận thức sai lầm giữa Đông và Tây, vấn nạn đạo đức khi người ta bị bắt phải chọn, không phải giữa đúng và sai, mà là giữa đúng và đúng," cũng theo bài báo.
"Nhân vật chánh vô danh, dù ẩn danh, là một người Việt Mỹ hóa với tấm lòng và trí óc phân rời. Tác giả trình bày những cá tính này một cách tài tình, có thể so sánh được với những bậc thầy, như Conrad, Greene và le Carré," bài báo viết.
Rồi có những đoạn nói lên "hai hình ảnh, như trong máu của nhân vật chính, hắn là đứa con không chính thức của một bà mẹ trẻ Việt Nam (mà hắn yêu thương) và một ông cố đạo người Pháp (mà hắn ghét)." Hay "hắn được giáo dục ở Mỹ, học và nói tiếng Anh như người bản xứ, nhưng cũng tạo ra hai hình ảnh yêu, ghét tương phản của xã hội xứ này."
Nhân vật chính, đây đó, có khả năng để "quân bình giữa hai thế giới, dùng cả điểm mạnh lẫn điểm yếu của mình."
"Tôi là gián điệp, là một kẻ nằm vùng, một con ma, một con người hai mặt, nhưng không ngạc nhiên, tôi cũng là người với hai tâm hồn,...có thể thấy vấn để từ hai phía. Đôi khi tôi tự nhủ đó là tài năng, nhưng tự hỏi tôi có nên gọi là tài năng hay không. Sau cùng thì tài năng là một cái gì mình sử dụng nó chứ không phải là nó sử dụng mình."
"Tài năng mình không sử dụng, tài năng nó sở hữu mình - đó là tai họa."
Và câu chuyện còn dài, nhưng khi được hỏi "The Sympathizer" có phải là chuyện có thật hay không, tác giả Việt Thanh Nguyễn trả lời: "Thật sự là có gián điệp trong chính quyền Nam Việt Nam, trong quân đội và trong xã hội. Chuyện nổi tiếng là Phạm Xuân Ẩn mà tôi đọc nhiều năm về trước. Ông đến Mỹ và học ở Orange County vào thập niên 1950. Tôi nhớ mãi và là nguồn cảm hứng cho nhân vật trong truyện của tôi."
Tác giả Việt Thanh Nguyễn. (Hình: Facebook Việt Thanh Nguyễn)

Tác giả cho biết nhiều sự kiện trong truyện này được căn cứ vào lịch sử - sự sụp đổ của Sài Gòn, những khó khăn của người tị nạn trên đất Mỹ, những dự tính phục quốc của các cựu quân nhân mien Nam Việt Nam, những ngày đầu của Paris by Night, việc dựng phim giống như phim Apocalypse Now, và kinh nghiệm của những người "tù cải tạo."
Được hỏi về động lực để viết và lý do chính, tác giả cho biết: "Tôi chỉ có một cách chọn lựa là viết. Tôi cần kể chuyện, những câu chuyện mà người khác không kể. Cuốn tiểu thuyết này nói về chiến tranh Việt Nam, ở cả Mỹ lẫn ở Việt Nam, những kinh nghiệm bị bỏ sót của người Việt miền Nam và của Việt kiều. Tôi muốn kể một vài trong số những chuyện bị bỏ sót này."
"Tuy nhiên tôi thích nhất là phần viết về văn hóa, hát hò, nhảy múa, nhậu nhẹt, hút thuốc và hoài niệm," ông nói thêm.
Về ý kiến của độc giả người Việt, ông nói: "Độc giả người Việt Nam viết cho tôi hay điểm sách về tác phẩm của tôi rất tích cực. Họ là người trẻ củng như cao niên, ở Mỹ cũng như ở các quốc gia khác. Họ là một phần của một nền văn hóa muốn vượt qua những hận thù, chia rẽ của quá khứ. Với họ và tôi, nhìn thế giới qua những góc cạnh theo Cộng Sản hay chống Cộng chưa đủ. Dù cho nhân vật kể chuyện trong truyện là một điệp viên Cộng Sản, bị kẹt giữa hai phía. Tôi hy vọng độc giả người Mỹ gốc Việt nhìn nhân vật này như một người đại diện cho thảm cảnh nhiều người Việt cảm thấy như bị bao trùm trong cuộc chiến mà họ không chọn."
Tác giả Việt Thanh Nguyễn cho biết đến Mỹ năm 1975, gia đình không có ai phục vụ quân đội VNCH, và ông là giáo sư Anh văn, và dạy các khoa kinh nghiệm về Mỹ Học và Á Châu Học tại đại học USC từ năm 2005, viết sách và thuyết giảng nhiều nơi.
Mọi chi tiết về tác giả, xin vào trang web: www.dornsife.usc.edu.

---
Liên lạc tác giả: LinhNguyen@nguoi-viet.com

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=215319&zoneid=1

Geen opmerkingen:

Een reactie posten