woensdag 13 april 2016

Panama Papers : Hoa Kỳ thật sự “trong trắng” ? + "thiên đường thuế... Mỹ" + Tuyệt chiêu của... CIA ?

Panama Papers : Hoa Kỳ thật sự “trong trắng” ?

mediaBên ngoài trụ sở ngân hàng Anh HSBC tại New Castle, thiên đường thuế Delaware của Mỹ. Ảnh chụp ngày 13/07/2012.REUTERS/Tim Shaffer
Từ Trung Quốc cho đến Nga, đi qua cả Anh Quốc, vụ tiết lộ “Panama Papers” đã làm vấy bẩn tên tuổi hàng loạt các nhà lãnh đạo cao cấp trên toàn cầu. Điều lạ lẫm là trong danh sách được tiết lộ đó, lại thiếu một tác nhân tài chính quan trọng của thế giới : Đó là Hoa Kỳ. Câu hỏi đặt ra phải chăng nước Mỹ thật sự là một “một con bồ câu trắng” vô tội ?
Trong danh sách được tiết lộ, các phóng viên điều tra chỉ phát hiện có một nhúm người Mỹ, những công dân bình thường, đã chuyển một phần tài sản về các thiên đường thuế và các công ty bình phong với sự trợ giúp của văn phòng luật sư Panama, Mossack Fonseca.
Ngoài cái tên David Geffen, trùm hãng đĩa nhạc và đồng sáng lập hãng phim DreamWorks cùng với Steven Spielberg, thì không có lấy tên một con “cá lớn” nào như cách gọi của AFP - chính khách, chủ tập đoàn hay ngân hàng - xuất hiện trong vụ tai tiếng này.
Chẳng lẽ Hoa Kỳ lại như những “con bồ câu trắng” rất minh bạch về tài chính đến như vậy ? Xin thưa rằng nước Mỹ còn lâu mới được như vậy. Theo giải thích của bà Marina Walker Guevara, phó giám đốc Liên Minh Quốc Tế Các Phóng Viên Điều Tra với AFP, « nước Mỹ không hề nằm ngoài hệ thống offshore. Thậm chí còn là một tác nhân quan trọng ».
Sự vắng bóng trong vụ tai tiếng không phải là một bằng chứng đáng kính đối với nước Mỹ về minh bạch tài chính. Bởi một lẽ đơn giản là chính bản thân Hoa Kỳ cũng là một thiên đường thuế khóa. Trước tiên, người Mỹ có thể do dự khi phải chuyển tài sản đến những nước xa xôi và các nước ở vùng Nam Mỹ. Trong khi mà, người giàu Mỹ lại có nhiều chọn lựa ngay trong tầm tay như đảo Caiman hay đảo Virgin của Anh Quốc.
Mặt khác, người giàu Mỹ cũng muốn giữ bí mật về các hoạt động của mình mà không cần rời lãnh thổ. Nguyện vọng này có thể được nhiều bang tại Hoa Kỳ đáp ứng như Delaware hay Wyoming. Chỉ với vài trăm đô la, những bang đó đã có thể cho phép thành lập một công ty bình phong mà không cần xác định ai là người thụ hưởng thật sự.
Và điều nghiêm trọng là các hoạt động đó được thực hiện với sự đồng lõa của nhiều ngân hàng Mỹ. Theo bảng xếp hạng do Tax Justice Network thiết lập hàng năm, Hoa Kỳ dẫn trước cả Panama, xếp vị trí thứ ba các vùng lãnh thổ có các giao dịch tài chính mập mờ nhất thế giới.
Tuy nhiên, còn có một lý do khác giải thích cho việc có rất ít công dân Mỹ dính líu đến vụ “Panama Papers” : đó là nước Mỹ có “công cụ pháp lý” rất hữu hiệu để ngăn chặn. Sau các vụ tai tiếng liên quan đến các ngân hàng Thụy Sỹ, Hoa Kỳ đã gia tăng đáng kể các biện pháp trừng phạt nặng trong những năm gần đây chống lại nạn gian lận và trốn thuế.
Kết quả là nhiều thiên đường thuế đã “hoảng sợ” khi nhận khách hàng Mỹ vì họ biết rằng Hoa Kỳ không ngần ngại trừng phạt thẳng tay, theo như giải thích của một chuyên gia với AFP. Điển hình là trong vụ tai tiếng giúp các khách hàng Mỹ trốn thuế, hai ngân hàng UBS và Credit Suisse mỗi bên lần lượt bị phạt 780 triệu và 2,6 tỷ đô la.
Cuối cùng, việc có rất ít người Mỹ dính dáng đến vụ "Panama Papers" cũng làm dấy lên nhiều nghi ngờ, có thể theo “thuyết âm mưu” : Phải chăng trong vụ này có bàn tay thao túng của CIA nhằm gây bất ổn một số nước như lời cáo buộc của Nga ?

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160408-panama-papers-hoa-ky-that-su-%E2%80%9Ctrong-trang%E2%80%9D

Tổng thống Nga: Mỹ có nhúng tay vào vụ Panama Papers

mediaTổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Mỹ đứng sau vụ Panama Papers.REUTERS/Dmitry Lovetsky
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 07/04/2016 đã bác bỏ mọi « yếu tố tham nhũng » sau khi vụ tai tiếng Panama Papers đã nêu tên người bạn của ông, nhạc sĩ Sergei Roldugin, là người đứng đầu một « đế chế offshore 2 tỷ đôla ». Ông không ngần ngại tố cáo Mỹ đứng sau vụ Panama Papers.
Phát biểu tại một diễn đàn ở thành phố Saint Petersburg được trực tiếp truyền hình, tổng thống Nga nói thêm là tên của ông không nằm trong các tài liệu gây tai tiếng. Không chỉ phản bác các sự kiện, ông Putin còn tố cáo là chính các viên chức Mỹ đứng sau cuộc điều tra của các nhà báo và dẫn chứng một tin nhắn của WikiLeaks trên mạng twitter.
Ông Putin nói rõ là cuộc điều tra của báo giới đã không tìm được thông tin nào đáng ngại đối với ông. Tổng thống Nga cho là giới báo chí đã nắm lấy một số bạn bè của ông và từ đó nói là hoạt động của ông có "yếu tố tham nhũng". Tổng thống Nga nhấn mạnh là  "không có gì tham nhũng cả, không có gì hết", và WikiLeaks đã cho thấy là giới chức Mỹ và cơ quan chính thức của Mỹ đứng sau vụ này.
Theo ông Putin, WikiLeaks vào hôm qua đã viết trên mạng Twitter là "chính quyền Mỹ tài trợ cho vụ Panama Papers tấn công vào Putin thông qua cơ quan USAID".

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160407-nga-my-panama-papers-qt

"Panama papers" : Putin và bạn hữu tuồn cả tỷ đô la ra nước ngoài

mediaTổng thống Nga Vladimir Putin bị các điều tra vụ Panama papers phát giác tuồn tài sản ra nước ngoài.REUTERS/Mikhail Klimentyev/Sputnik/Kremlin
Sau khi Liên Đoàn Quốc Tế Các Nhà Báo Điều Tra (ICIJ) và hàng trăm cơ quan truyền thông trên thế giới tung ra các thông tin về những khối tài sản kếch xù được giấu tại các thiên đường thuế khóa, bởi các lãnh đạo chính trị, các nhân vật nổi tiếng và giàu có trong nhiều lĩnh vực, thậm chí cả những tổ chức tội phạm. 
 Trong số 140 chính khách nổi trội nhất, người ta thấy xuất hiện nhiều nhân vật thân tín của của tổng thống Vladimir Putin. Các tài liệu điều tra của các nhà báo còn cho thấy rõ tổng thống Nga và các bạn hữu của ông đã đưa một khối lượng tiền lớn ra nước ngoài như thế nào.
Thông tín viên RFI Veronika Dorman tại Matxcơva cho biết thêm thông tin vụ việc :
" Có thể ông Vladimir Putin dẫn đầu danh sách với khối tài sản 2 tỷ đô la, trong đó gần một nửa được cất giấu cẩn thận tại các thiên đường thuế ở Caribê. Cuộc điều tra tiết lộ là từ nhiều năm nay, với sự đồng lõa của những người thân cận của Putin, cùng nhiều thủ thuật khác nhau, hàng triệu đô la trong ngân quỹ Nhà nước đã được chuyển về các công ty bình phong đặt tại Panama.
Đó là các khoản tín dụng được các ngân hàng Nhà nước Nga cấp và chưa hề được hoàn trả, những khoản vay qua tay rồi biến mất tăm và nhiều vụ chuyển nhượng cổ phần không có thực.
Trung tâm của các thao tác tài chính đáng ngờ nằm tại ngân hàng Bank Rossiya, đóng trụ sở tại Saint- Pétersbourg, còn được coi như là « ngân hàng của bạn hữu » của Putin. Cổ đông chính của ngân hàng ông Iourri Kovaltchouk, là bạn và « chủ ngân hàng riêng » của tổng thống Nga.
Nhân vật bù nhìn là nghệ sĩ vĩ cầm Serguei Roldouguine, cũng là một người bạn thân nhất của Putin và là người đỡ đầu cho con gái của Putin. Chính ông này đứng tên đăng ký các công ty bình phong ở hải ngoại.
Một tuần trước các tiết lộ này, Kremlin đã cảnh báo rằng sẽ có một một chiến dịch vu khống nhắm vào lãnh đạo Nga và người thân, nhằm gây mất ổn định chế độ. Tối Chủ nhật (03/04/2016), khi vụ « Panama paper » được tung lên trang nhất báo chí quốc tế, các cơ quan truyền thông Nga thân chính quyền hoàn toàn im hơi lặng tiếng.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160404-panama-papers-tong-thong-putin-va-ban-huu-tuon-tai-san-lon-ra-nuoc-ngoai

"Panama papers": Lộ mặt hàng loạt lãnh đạo thế giới tẩu tán tài sản

mediaTòa nhà Arango Orillac tại Panama, nơi có trụ sở Công ty luật Mossack Fonseca, khởi điểm của vụ bê bối thế kỷ Panama Papers (Ảnh chụp ngày 03/04/2016).REUTERS/Carlos Jasso
 « Panama papers », vụ tai tiếng thế kỷ bắt đầu lan ra khắp thế giới. Hàng chục nguyên thủ quốc gia, con cháu, thân cận của họ, từ Tập Cận Bình đến Vladimir Putin, từ các ông hoàng dầu hỏa đến tổng thống một số quốc gia châu Phi nghèo đói, đã bị phát hiện là khách hàng của hệ thống trốn thuế lừa đảo này.
Từ chiều Chủ nhật 03/04/2016, hơn 100 cơ quan truyền thông quốc tế công bố danh sách tài sản hàng tỷ đô la cất giấu tại các thiên đường thuế, qua công ty bình phong đặt ở Panama, Trung Mỹ. Đây là vụ « lộ tẩy » kỷ lục trong lịch sử báo chí với 11,5 triệu tài liệu, giờ được gọi là vụ « Panama papers », nhiều gấp 10 lần tai tiếng Offshore Leaks, công bố vào năm 2013.
Các tài liệu từ tổ hợp luật sư Panama Mossack Fonseca cho thấy, trong số những người tẩu tán tài sản có 140 nguyên thủ quốc gia hoặc lãnh đạo chính trị hàng đầu thế giới. Panama Mossack Fonseca, với mạng lưới 214.000 công ty bình phong, trải rộng ở 21 thiên đường trốn thuế, tuy không hẳn là trái phép nhưng công việc của họ là giấu tài sản tẩu tán cho khách hàng qua những tên vay mượn.
Vì thế mà « tiền sạch » trộn lẫn với « tiền bất chính », tiền trốn thuế pha với tài sản của xã hội đen, mãi dâm, ma túy, thu nhập của các ngôi sao thể thao, các nhà tài phiệt nằm chung với tiền tham ô của các vị tổng thống, chủ tịch nước, thủ tướng, hay thân nhân của những người này từ Âu sang Á, từ Trung Đông đến châu Mỹ la tinh.
Trong danh sách được công bố từ chiều Chủ nhật 03/04/2016 từ 107 toà soạn báo chí, truyền thanh truyền hình trên khắp địa cầu, người ta thấy có tên tuổi của thân nhân chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cựu thủ tướng Lý Bằng, con gái cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, hai người đã ra lệnh cho quân đội đàn áp sinh viên và công nhân Trung Quốc ở Thiên An Môn, trong phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh 1989. Con trai của thủ tướng Malaysia cũng ở trong danh sách này.
Ở châu Âu có tổng thống Nga Vladimir Putin, tỷ phú tổng thống Ukraina Petro Porochenko, thân phụ của thủ tướng Anh David Cameron.
Hồ sơ "Panama papers" đã được xử lý như thế nào ?
Các cơ quan báo chí đối tác của Liên minh quốc tế các nhà báo điều tra (ICIJ) đã tham khảo trên 11,4 triệu tài liệu, với tổng cộng 2,6 téraoctet dữ liệu. Cụ thể họ đã tiếp cận và xử lý các dữ liệu này như thế nào ?
Phần đầu gồm có hồ sơ đăng ký của 214.488 công ty offshore (công ty bình phong đặt ở hải ngoại). Mỗi công ty có một loạt tài liệu dưới nhiều dạng khác nhau (PDF, Word, bảng tính, file âm thanh…). Nhưng chủ yếu là các email và các thư từ được scan lại, biểu thị hoạt động thường nhật của Mossack Fonseca. Đại đa số bằng tiếng Anh, nhưng cũng có một số tài liệu tiếng Pháp, Tây Ban Nha, Nga và Hoa ngữ.
ICIJ đã trang bị những công cụ rất mạnh để giúp khai thác số dữ liệu khổng lồ này, kể cả những tài liệu được scan. Có hai cách tiếp cận.
Cách thứ nhất là tìm kiếm bằng những cụm từ, ví dụ như « hộ chiếu Pháp », hy vọng dẫn đến những cái tên cụ thể. Hoặc dùng những từ chuyên môn của Mossack Fonseca như « PEP » (người nhiều rủi ro chính trị), « UBO » (người thụ hưởng cuối cùng), « Due Diligence » (kiểm tra nhân thân khách hàng).
Cách thứ hai là lập trước các danh sách. Chẳng hạn danh sách các dân biểu Pháp, các bộ trưởng từ thập niên 80, hay 500 người giàu nhất nước Pháp, các nguyên thủ thế giới, đội tuyển bóng đá Pháp…rồi từ đó mới đi tìm. Nếu một người sở hữu đến năm công ty khác nhau thì thời gian nghiên cứu cũng tăng theo cấp số nhân.
Dù 107 ban biên tập các báo của nhiều nước phải mất đến một năm để đưa sự việc ra ánh sáng, nhưng không ai có thể lục lọi toàn bộ rừng dữ liệu khổng lồ của « Panama papers ». Vì chỉ nghiên cứu những tài liệu mới nhất, nhiều người vẫn có thể lọt lưới nếu bị nêu trong những tài liệu cũ, hay chỉ có tên trong danh sách viết tay. Hoặc là họ sử dụng dịch vụ của những công ty cạnh tranh với Mossack Fonseca, mượn tên người thân để đăng ký…
Cũng như trong các vụ « OffshoreLeaks », « SwissLeaks », các tờ báo tham gia chiến dịch chỉ đăng kết quả điều tra của các nhà báo chứ không công bố toàn văn các tài liệu có được, vì « Panama Papers » còn chứa nhiều thông tin cá nhân như địa chỉ, số điện thoại…

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160404-bi-mat-thien-duong-thue-tan-vo-hang-loat-lanh-dao-the-gioi-tau-tan-tai-san-lo-mat

Geen opmerkingen:

Een reactie posten