maandag 11 april 2016

Nỗi nhớ trại tị nạn Pulau Bidong (Malaysia) + ông Thammo, nhân viên y tế, 'Trào nước mắt khi thấy người Việt tỵ nạn trở về Bidong'

Nỗi nhớ mang tên Pulau Bidong
Tuesday, April 5, 2016 2:51:19 PM

Bài liên quan


 
M&M

LGT: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Âu đó cũng là cơ hội để giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm. Mục “Viết Cho Nhau” do phóng viên Ngọc Lan phụ trách. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: Ngoclan@nguoi-viet.com


Bài viết “Bidong – Ra đi và trở lại” của tác giả La Quốc Tâm khiến tôi nhớ lại ngày tháng trên đảo này. Với tôi, đó là giai đoạn đẹp nhất trong đời mình.
Nhớ ngày đầu tiên bước lên đảo, sau khi làm thủ tục nhập trại, lãnh mỗi người một cái chén nhựa màu cam, muỗng, đũa để ăn cơm, vài bịch gạo to bằng bao Ziploc loại lớn bên này, và vài hộp đồ ăn, gia đình tôi được dẫn đến “căn nhà” đầu tiên. Nhà không cửa, chia vách với nhà hai bên, không vách trước và sau. Trống hoách. Bây giờ quên là làm sao mình thay đồ lúc đó. Nhà chỉ vỏn vẹn một cái ván chiếm nửa căn nhà và cái bếp củi.
Một góc trại tị nạn  Pulau Bidong xưa (Hình: www.refugeecamps.net)

Vừa vào nhà thì các anh Thiện, anh Minh và Đức ở nhà cạnh bên chạy qua thăm hỏi. Rồi người mang qua cho cái thùng chứa nước, người cho cái nồi. Rồi các anh dắt ra cái giếng cạn trước nhà, chỉ cho cách giòng cái thùng thiếc hình khối chữ nhật để múc từ dòng nước chảy giữa hai phiến đá. Các anh dặn tới, dặn lui rằng phải cẩn thận, đừng để dây rớt xuống giếng mà khổ cả lũ. Rồi các anh chỉ cho cách đốt củi, cách nấu cơm bằng lửa củi. Rồi các anh cho chén dầu ăn, chén muối, chén đường và chỉ cách làm món ăn từ đồ hộp lỏng bỏng hai ba miếng thịt bò.
Nhớ đêm đầu tiên khó ngủ, lạ chỗ một phần, nhớ má và hai đứa em gái nhỏ ở Việt Nam một phần, nhưng phần lớn có lẽ vì phải nằm trên mấy khúc cây tròn ráp lại thành giường.
Nhớ cái đêm nhà bên, gồm một cặp vợ chồng trẻ với lũ em trai trạc tuổi mình ca hát vang trời trong tiếng đàn ghi-ta hòa lẫn với tiếng đập xuống giường và tiếng vỗ tay, “Ta như nước dâng, dâng tràn có bao giờ tàn, đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang,” “Ngựa hoang nào dẫm nát tơi bời, đồng cỏ nào xanh ngát lưng trời,” “Có phải tôi là người quê hương ruồng bỏ, có phải tôi là người giống nòi khinh,” “Kính thưa thầy đây bài hình học của con, những đường cong đường thẳng đều có gài mìn,”...
Nhớ một buổi sáng lặng người, cổ nghẹn lại, chảy nước mắt khi nghe trên loa “Này công dân ơi, quốc gia đến ngày giải phóng.”
Nhớ những ngày mới lên đảo, bước chân khập khễnh, lảo đảo vì “say đất” sau 4 ngày, 5 năm đêm lắc lư theo ghe vượt sóng.
Nhớ cái chợ nho nhỏ trước khu vực phỏng vấn của Cao Ủy và các phái đoàn đệ tam quốc gia.
Nhớ những hình ảnh trên hàng rào về vòng xoắn, về kế hoạch hóa gia đình, mà lúc đó mình chẳng hiểu là gì.
Nhớ ông Mỹ Ramsey cao nghều nghệu phỏng vấn bàn hai, mà theo chị (quên tên) nói chính là nhân vật người Mỹ trong tấm bích chương “o du kích nhỏ giương cao súng, thằng Mỹ lom khom bước cúi đầu” được treo khắp ba miền đất nước sau 1975.
Nhớ những lúc vào bệnh viện Sickbay khám tổng quát.
Nhớ những ngày tới lớp học tiếng Anh với thầy cô thay đổi liên miên vì đi định cư.
Nhớ cái thư viện với thật nhiều sách học tiếng Anh, và các tờ nguyệt san Việt Chiến, Dân Chúa, Văn Nghệ Tiền Phong.
Nhớ những hôm sắp hàng lãnh phần gà, ăn dai như đang nhai cao su; những hôm đi hứng nước từ xà lan mang từ đất liền qua để uống và nấu ăn; và những hôm đi giật củi để nấu ăn, thằng em đứng kế đống củi, lượm và liên tục quăng củi qua khỏi đầu về phía sau, trong khi mình thì vừa né củi bay tới tấp, vừa lượm củi bỏ thành đống.
Nhớ cái miễu của ông già chết vì dừa rụng trúng đầu ngay sau khi ghe cập vào Bidong.
Nhớ chiếc tàu sắt to lớn, rỉ sét, đầy vết đạn trên thành tàu. Người ta kể, người trên tàu chết hết sau khi bị cảnh sát Mã Lai bắn để đuổi đi nơi khác, không cho cập bến. Thân tàu đã được kéo ra giữa biển khơi cho chìm, nhưng chiếc tàu cứ vẫn trôi dạt về lại Bidong.
Nhớ buổi trưa nọ chạy ra xem một chiếc ghe cập thẳng vào đảo để xem có người quen, chợt nghẹn ngào khi thấy một chị được khiêng vào bằng cáng vì đi không nổi. Ghe bị cướp...
Nhớ anh Thiện nằm đong đưa trên võng kể chuyện võ sư Nguyễn Tiến Hoá hóa điên, xẩm tối lại ra ngoài biển múa võ, rồi khóc đau đớn sau khi mục kích vợ con mình bị hải tặc hãm hiếp rồi giết chết.
Rồi lại nhớ những buổi chiều lén ba tui ra ngồi trên đồi tôn giáo, nhìn mông lung ra biển để thả hồn về với quê nhà...
...
Nhớ nhiều thứ lắm, nhưng chắc không tài nào viết ra đây hết. Nhớ âm thanh cuối cùng của Bidong là tiếng loa “Thông báo rời đảo, thông báo rời đảo...”, tiếp nối bởi giọng ca của Khánh Ly, Lệ Thu qua điệu nhạc chia lìa “Nghìn trùng xa cách”, “Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về”, “Giờ này còn nhìn nhau, nhìn đắm đuối như suối bền, nhìn suốt kiếp như chết mòn, nhìn hấp hối thương đau, ngày mai ta không còn thấy nhau.”
Và như người Do Thái mang trên người ngôi sao David, trong tim óc tôi mãi ghi nhớ số căn cước thuyền nhân của mình, số tàu SS-1021, PB-505.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=225666&zoneid=433

'Trào nước mắt khi thấy người Việt tỵ nạn trở về Bidong'
Monday, April 11, 2016 3:52:17 PM

Bài liên quan



Cựu nhân viên y tế Malaysia từng cứu giúp thuyền nhân Việt



Lê Hữu Thành (Gởi cho Người Việt từ Philippines)
MALAYSIA (NV) - Tổ chức Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam vừa tổ chức chuyến “Về Bến Tự Do” trùng tu các di tích trên đảo Bidong từ 29 Tháng Ba đến 31 Tháng Ba, 2016. Khi ra bến tàu Redang để chuẩn bị ra đảo Bidong vào ngày thứ nhất, chúng tôi tình cờ gặp được ông Thammo, nhân viên y tế, một trong những người Malaysia đầu tiên cứu giúp thuyền nhân Việt Nam khi họ cập cửa sông Kuala Terengganu, Malaysia vào năm 1977.

Thật là một sự tình cờ, hiện nay ông là nhân viên an ninh của Resort Redang Island, chỉ cách đảo Pulau Bidong khoảng 30 phút tàu cao tốc, ông nghe những người thuyền nhân trong đoàn Văn Khố Thuyền Nhân nói tiếng Việt, vì vậy ông tới hỏi thử và bất ngờ khi gặp lại người xưa.

Ông Thammo (trái) và ông Trần Ðông (phải), đại diện Văn Khố Thuyền Nhân, gặp nhau tại cầu cảng Redang. (Hình: Lê Hùng)

*Người Malaysia tham gia xây dựng trại tỵ nạn Bidong
Lê Hữu Thành: Chào ông Thammo, ông có thể cho biết một chút câu chuyện của ông với thuyền nhân Việt Nam?

Ông Thammo: Vào Tháng Tám năm 1977, chiếc thuyền đầu tiên chở 360 người tỵ nạn Việt Nam cập cửa sông Kuala Terengganu. Lúc bấy giờ tôi làm việc trong Văn Phòng Sĩ Quan Ðặc Biệt của bang Terengganu, từ đó tôi chuyển những thuyền nhân này đến một nơi tên là Chabang Tiga, nơi chúng tôi để cho họ ở.

Nhưng sau đó có nhiều chiếc thuyền nữa cập bến, chúng tôi chuyển họ đến đảo Pulau Besar ở Marang. Những chiếc thuyền vượt biển không dừng lại mà đến ngày một nhiều hơn, và chúng tôi quyết định chọn đảo Pulau Bidong làm nơi trú ẩn tạm thời cho họ.

Tôi đã ở trên chiếc thuyền đầu tiên tới đảo Bidong với khoảng 60 thuyền nhân. Chúng tôi mang theo dụng cụ chặt cây dọn những ngọn đồi và xây dựng nhà cửa. Từ con số 01 vào năm 1983, số lượng những người tị nạn Việt Nam có lúc lên đến 38 ngàn người.

Tôi đã thấy mặt tốt và mặt xấu của tất cả mọi chuyện, nhưng nói chung chúng tôi đã có một thời gian rất tươi đẹp.

Lúc đó tôi biết nói rất nhiều thứ tiếng, tôi biết nói tiếng Anh, tiếng Hoa và một số người Việt đã dạy tôi nói tiếng Việt, nhưng sau một thời gian dài không dùng tới, giờ tôi cũng quên hết rồi. (cười).
*Ra đi 60, khi đến chỉ còn 40

Cầu Jetty và Cánh Buồm Tự Do trên đảo Bidong. (Hình: Lê Hữu Thành)

Lê Hữu Thành: Ông có kỷ niệm nào đáng nhớ đối với người thuyền nhân Việt Nam?

Ông Thammo: Một vài chiếc thuyền trước khi đến được đây họ đã bị cướp ở trên biển bởi ngư dân Thái Lan. Họ đã bị đày đọa dã man trên biển, phụ nữ bị tra tấn. Khi họ đến được đây họ đã ở trong tình trạng rất là thê thảm. Họ bị thương trên người, hầu hết phụ nữ đều bị hiếp ở trên biển bởi cướp biển Thái Lan. Cướp biển người Thái đã gây rất nhiều thiệt hại cho người tỵ nạn Việt Nam. Tôi làm việc rất lâu nhưng chưa bao giờ nghe đến việc ngư dân Malaysia chúng tôi làm điều tệ hại đó.

Khi người tỵ nạn đến, chúng tôi phải tiếp tế rất nhiều thuốc men cho họ, họ đã ở trong tình trạng hết sức tồi tệ.

Những chiếc thuyền khi họ cập bến, họ không có thức ăn, không có cả nước uống. Khi họ đến được trại Pulau Bidong họ thậm chí không thể đứng được nữa vì chiếc thuyền chỉ có sức chứa 20 người nhưng có đến 60 người trên thuyền và đi từ 7-10 ngày.

Có cả những người trẻ ở trên thuyền, họ quá yếu để đi xuống, chúng tôi đã phải khiêng họ từ thuyền xuống. Và từ từ họ mới có thể duỗi thẳng chân ra được và bắt đầu những bước đi đầu tiên. Họ không có thức ăn, một vài người thậm chí còn uống nước biển. Tất cả đồ ăn mà họ mang theo từ Việt Nam chỉ là vài cái bánh quy mỏng manh và một lọ nước. Họ lúc nào cũng cầu nguyện cho có mưa xuống để có nước uống. Một vài người trong số họ đã chết giữa biển, họ phải ném xác xuống biển. Ðó là lý do tại sao đôi khi có những chiếc thuyền ra đi với 60 người nhưng khi cập bến còn chỉ có 50, hoặc thậm chí là 40 người.

Khi họ cập bến Pulau Bidong, nó giống như là thiên đường. Chúng tôi đã chuyển bị mọi thứ sẵn sàng cho họ. Dần dần ở nơi này mọc lên những sàn nhảy, rồi tiệm cắt tóc, chùa chiền, nhà thờ, tất cả mọi thứ,... Nó là một ngày tươi đẹp ở Pulau Bidong đối với họ cho đến khi người cuối cùng rời khỏi và chúng tôi nói lời chia tay.
*Thương xót thuyền nhân Việt Nam

Những người trong đoàn Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam sơn lại Cánh Buồm Tự Do. (Hình: Lê Hữu Thành)

Lê Hữu Thành: Vì sao ông lại cứu giúp thuyền nhân Việt Nam?

Ông Thammo: Bởi vì tôi cảm thấy thương xót cho họ, hồi đó tôi mới chỉ là một cử nhân thôi, chưa phải là một bác sĩ. Trong thực tế vào những ngày cuối tuần, tôi thường mua thuốc men và đem xuống cho những người tỵ nạn và tôi giúp đỡ họ bằng mọi cách có thể.

Ngày hôm nay tôi thật bất ngờ, bạn có thể thấy tôi trào nước mắt khi thấy người tỵ nạn trở về Bidong. Bởi vì tôi đã gắn bó với họ một thời gian dài, đối với tôi thuyền nhân Việt Nam giống như gia đình của mình vậy.

Ngày hôm nay tôi thực sự bất ngờ vì gặp được họ. Họ còn khỏe mạnh và về thăm lại Pulau Bidong. Tôi thấy thật tuyệt vời.
***
Theo Wikipedia, Pulau Bidong trong tiếng Malaysia, nghĩa là “đảo Bidong.” Ðây là hải đảo nhỏ ở phía Nam biển Ðông, thuộc bang Terengganu của Malaysia.

Ðảo Bidong là trại tạm cư cho người Việt tỵ nạn trong những đợt vượt biên liên tiếp của thuyền nhân từ năm 1975 đến năm 1991.

Trại tỵ nạn do Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) điều hành từ 8 Tháng Tám năm 1978, được dùng làm nơi chuyển tiếp cho những người đợi đi định cư sang các nước thứ ba, phần lớn là đi Mỹ, Canada, Úc và Pháp.

Ðến ngày 30 Tháng Mười năm 1991 khi trại đóng cửa thì nơi đây đã tiếp đón 250,000 người tỵ nạn. Vào thời điểm đó, khoảng 9,000 người với hồ sơ không giải quyết được đều bị buộc trở về Việt Nam.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=226046&zoneid=1

Geen opmerkingen:

Een reactie posten