maandag 4 april 2016

Indonesia đòi Trung Quốc giải giao tàu đánh cá xâm nhập được hải cảnh Trung Quốc đánh tháo

Indonesia đòi Trung Quốc giải giao tàu đánh cá xâm nhập
Sunday, April 3, 2016 3:52:46 PM 



JAKARTA, Indonesia (NV) - Indonesia vừa chính thức yêu cầu Trung Quốc giải giao con tàu từng xâm nhập hải phận Indonesia đánh bắt cá trái phép, đã bị Indonesia bắt giữ và sau đó được hải cảnh Trung Quốc đánh tháo.
Đảo Natuna thuộc chủ quyền của Indonesia. (Hình: southfront.org)
Vụ vừa kể xảy ra hồi giữa tháng trước, và Trung Quốc bị Indonesia chỉ trích kịch liệt.
Lúc đó, hải cảnh Trung Quốc đã tiến sâu vào hải phận Indonesia để giải cứu một tàu đánh cá của Trung Quốc bị Indonesia bắt giữ vì xâm nhập vùng biển quanh quần đảo Natuna đánh bắt trái phép. Đáng lưu ý là hải cảnh Trung Quốc chỉ đánh tháo được tàu đánh cá bị Indonesia tịch thu chứ không cứu được tám ngư dân Trung Quốc trên tàu đánh cá đó vì cả tám người đã được chuyển qua tàu của Indonesia.
Indonesia từng triệu tập đại sứ Trung Quốc ở Indonesia để yêu cầu trả lời tại sao hải cảnh Trung Quốc dám càn rỡ như vậy. Bà Susi Pudjiastuti, bộ trưởng Ngư Nghiệp Indonesia, nhấn mạnh Indonesia muốn Trung Quốc giải thích, tại sao Trung Quốc đã xác nhận vùng biển Natuna nằm ngoài yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông mà tàu đánh cá của Trung Quốc vẫn xâm nhập khu vực này để đánh bắt trái phép và hải cảnh Trung Quốc lại đứng phía sau, hỗ trợ những hoạt động bất hợp pháp đó (?).
Hồi cuối năm ngoái, Indonesia liên tục dọa sẽ đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế nếu Trung Quốc không rút lại yêu sách về chủ quyền đối với quần đảo Natuna của Indonesia. Trước đây, yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông chỉ được xem là xâm hại đến chủ quyền của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan nhưng sau đó, có thêm Indonesia phản đối yêu sách này.
Đến giữa Tháng Mười Một năm ngoái, Trung Quốc xác định, chủ quyền quần đảo Natuna thuộc về Indonesia nhưng hải cảnh Trung Quốc lại đẩy chính quyền vào thế kẹt.
Người ta đang chờ xem Trung Quốc hành xử như thế nào trước yêu cầu của Indonesia. Trung Quốc không thể phủ nhận chủ quyền của Indonesia ở vùng biển quanh quần đảo Natuna. Đã không thể phủ nhận thì Trung Quốc khó có thể biện bạch tại sao lực lượng hải cảnh của mình lại càn rỡ như vậy.
Còn nếu Trung Quốc đáp ứng yêu cầu của Indonesia thì vô hình chung Trung Quốc lại thừa nhận cáo buộc của một số quốc gia Đông Nam Á về việc các lực lượng thực thi luật pháp trên biển của Trung Quốc (như hải cảnh, kiểm ngư,...) hành xử hết sức ngang ngược, càn rỡ trên Biển Đông là có cơ sở.
Chưa kể Trung Quốc không dễ bác bỏ yêu cầu của Indonesia, bởi Indonesia đang có tám nhân chứng, cho dù hải cảnh Trung Quốc đánh tháo được tàu đánh cá mà Indonesia tịch thu nhưng tám ngư dân trên con tàu này đang trong tay Indonesia.
Mới đây, cùng lúc với yêu cầu Trung Quốc giải giao tàu đánh cá từng xâm nhập hải phận Indonesia đánh bắt cá trái phép, đã bị Indonesia bắt giữ và được hải cảnh Trung Quốc đánh tháo, bà Pudjiastuti nhấn mạnh, quốc gia nào cũng phải tôn trọng luật pháp quốc tế và chắc chắn là các cường quốc không thể hiếp đáp những quốc gia nhỏ hơn.
Cần nhắc lại rằng, cũng vì sự kiện đã kể, tuần trước, Hạ Viện Indonesia vừa yêu cầu chính phủ Indonesia nhanh chóng xây thêm căn cứ quân sự tại quần đảo Natuna để tăng khả năng phòng thủ ở miền Trung, nơi tiếp giáp với nhiều quốc gia.
Sự càn rỡ của Trung Quốc trên Biển Đông đang đẩy Indonesia và Malaysia đến chỗ phải đáp trả.
Tuy cũng là thành viên ASEAN, thậm chí chủ quyền cũng bị yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông xâm hại, nhưng trước đây, Indonesia và Malaysia vẫn duy trì “thái độ trung lập,” mặc kệ Việt Nam và Philippines, hai thành viên khác của ASEAN, bị Trung Quốc “ép.”
Ngoài yếu tố là đối tác thương mại quan trọng nhất của cả Indonesia lẫn Malaysia, Trung Quốc còn là quốc gia dẫn đầu về những hứa hẹn liên quan đến cho vay và đầu tư phát triển ở cả Indonesia lẫn Malaysia.
Nay thì sự thể đã khác. Ngoài Indonesia, tuần trước, ông Shahidan Kassim, bộ trưởng đặc trách An Ninh Quốc Gia của Malaysia mới tuyên bố, Malaysia đã cử các chiến hạm của hải quân và các tàu của Cục Thực Thi Luật Pháp Hàng Hải Malaysia đến bãi Luconia ở Biển Đông để giám sát khu vực này vì có hàng trăm tàu đánh cá của Trung Quốc tràn vào và có hai tàu của hải cảnh Trung Quốc bám theo để bảo vệ.
Malaysia khẳng định, vùng biển quanh bãi Luconia thuộc khu vực đặc quyền kinh tế của Malaysia. Ông Kassim nhấn mạnh, Malaysia sẽ phản ứng thích đáng, thậm chí có thể sử dụng vũ lực để ngăn chặn các tàu hải cảnh và tàu đánh cá của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia. (G.Đ.)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=225554&zoneid=5

Geen opmerkingen:

Een reactie posten