Hà Nội hay Sài Gòn, đâu 'đáng sống' hơn?
- 11 tháng 9 2014
'Tôi cho Sài Gòn 2 điểm và Hà Nội 1 điểm', đó là phần cho điểm của một khách mời tham dự cuộc Tọa đàm Trực tuyến của BBC với các khách mời hôm 11/9/2014 với chủ đề "Hà Nội hay Sài Gòn, ở đâu đáng sống hơn?".
Từ Sài Gòn, hôm thứ Năm, khi được hỏi ở đâu dễ sống, dễ làm ăn, dễ thở và đáng sống hơn giữa hai đô thị này, Tiến sỹ Alan Phan, blogger và nhà phân tích kinh tế, tài chính, nhận xét với Bàn tròn của BBC rằng cả hai thành phố với ông đều 'xấu xí' từ kiến trúc, đến cơ sở hạ tầng và 'tệ hại' về môi trường sống."Thực tình mà nói về văn hóa hay về bất cứ điều gì khác của hai thành phố này, tôi thấy nó rất là xấu xí, từ vấn đề kiến trúc, cho tới vấn đề con người, cho đến vấn đề hạ tầng cơ sở.
"Nghĩa là môi trường sống có thể nói rất là tệ hại," người cho điểm khá thấp cả Hà Nội và Sài Gòn trên thang điểm từ một tới mười nói.
"Một trong những nơi tệ hại so sánh như những quốc gia mà tôi đã từng đi qua, mà tệ nhất là Nigeria hay là Bangladesh, còn tất cả những nơi khác đều có môi trường sống tốt hơn là Sài Gòn và Hà Nội."
Tuy nhiên, khi đưa ra nhận định chung và so sánh hai thành phố, mở đầu, Tiến sỹ Alan Phan nói:
"Hiện nay Sài Gòn tương đối cởi mở hơn, có nhiều cơ hội làm ăn hơn. Tuy nhiên, Hà Nội là thành phố rất năng động và đang cố gắng bắt kịp Sài Gòn, nhất là họ (Hà Nội) đang được dành cho những ưu đãi rất tốt.
"Xây dựng hạ tầng cơ sở, họ đã đầu tư rất nhiều. Tôi nghĩ trong vòng 10 năm nữa thì Hà Nội có thể bắt kịp Sài Gòn về môi trường sống."
Bản sắc
Khi nói về phương diện giữ gìn, phát huy 'bản sắc' cũng như về môi trường sống mà cả hai thành phố được cho là đang chịu sự cạnh tranh với một số thành phố, đô thị khác ở Việt Nam, blogger này nhận xét:"Khi tôi nói về văn hóa, tôi vẫn thích thành phố Huế, hay là thành phố Hội An hơn là Sài Gòn với Hà Nội.
"Về môi trường sống, tôi nghĩ thành phố Đà Nẵng tương đối được hơn, đây là so giữa Việt Nam với nhau.
"Hay là về sống trong một cộng đồng, thì những nơi như Cần Thơ, Vĩnh Long là những nơi khá là hấp dẫn. Và nói thêm nữa là những thành phố trên vùng Tây Nguyên, là những thành phố mà tôi rất thích.
"Bởi vì nó gần với thiên nhiên rất nhiều, dù rằng việc phá rừng gần như đã làm suy kiệt vấn đề này."
So sánh về 'bản sắc' giữa Sài Gòn và Hà Nội, ông Alan Phan nói thêm:
"Vấn đề mỗi bản sắc, phải có một bản sắc riêng, đây là so sánh giữa Sài Gòn và Hà Nội. Theo tôi, Sài Gòn và Hà Nội, bản sắc gần giống nhau."
'Đồng hóa'?
Và blogger này đưa ra lời giải thích:"Bởi vì người Hà Nội vào Sài Gòn rất đông. Và sự đồng hóa, từ hồi di cư năm 1954, là đã có một sự thay đổi lớn về văn hóa, nhưng mà sau đó đến thời 1975, có thể nói văn hóa Sài Gòn bị biến đổi hàng ngày, hàng giờ.
"Và cho đến ngày hôm nay, như tôi nói chừng 10 năm nữa, có lẽ không phân biệt được giữa Sài Gòn với Hà Nội. Sài Gòn lúc nào cũng ảnh hưởng Âu - Mỹ nhiều. Hà Nội rất ảnh hưởng từ Trung Quốc, nhưng hai cái đấy đang trở thành một hỗn hợp."
Hôm thứ Năm, một khách mời khác của tọa đàm trực tuyến, nhà báo Phạm Tường Vân cho điểm Hà Nội 7/10 và Sài Gòn 8/10.
Bình luận với BBC về một bài báo gần đây trên tờ Bloomberg vốn gợi ý rằng Sài Gòn vượt xa Hà Nội trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, du lịch tới môi trường sống v.v..., nhà báo Tường Vân nói:
"Bài báo đó thích hợp với những người nước ngoài muốn dành thời gian khoảng 5 tới 10 phút để biết về một đất nước mà không phải trong mối quan tâm thường xuyên.
"Tôi nghĩ đó là concept (quan niệm) của tờ Bloomberg. Còn dưới góc độc của người trong cuộc thì tôi nghĩ có một cái nhìn rất là khác..."
'Thiếu cân bằng'
Tôi nhìn thấy ở Hà Nội, từ thời điểm đó đến bây giờ luôn luôn thiếu một sự cân bằng, tôi thấy ở Hà Nội những thành tố văn hóa phát sinh từ sự cực đoan, từ sự phản biện, loại trừ
"Ở một đất nước tưởng vậy mà không phải vậy thì sự khác biệt rất là dài về văn hóa. Một cuộc giao thoa văn hóa giữa đông và tây, một lộ trình lịch sử có nhiều biến động, chiến tranh, tác động của chính sách quản lý những cuộc di dân...
"Hà Nội sau năm 1954 và Sài Gòn sau năm 1975... có một sự khác biệt rất lớn, trước và sau giai đoạn lịch sử này."
"Trong cái nhìn của tôi, tôi thấy Hà Nội có một cái gì đó giống nước Pháp, còn Sài Gòn giống với nước Mỹ. Nhưng Hà Nội sau năm 1954, có một sự thay đổi về xã hội, văn hóa.
"Tôi nhìn thấy ở Hà Nội, từ thời điểm đó đến bây giờ luôn luôn thiếu một sự cân bằng, tôi thấy ở Hà Nội những thành tố văn hóa phát sinh từ sự cực đoan, từ sự phản biện, loại trừ.
"Và bản thân mỗi thành tố khi sinh ra nó đã chứa đựng một sự cực đoan nhất định. Và điều đó làm cho bản thân thành tố đó phải đối diện với một sự cực đoan mới, khởi sinh sau nó, giống như một phản ứng cân bằng."
"Nhưng mà cái sinh sau nó cũng bị quá, nó cũng cực đoan, cho nên nó cũng cần có những mảng đối lập mới khác với nó, cho nên luôn tôi thấy Hà Nội là một sự thiếu cân bằng, nhưng nó cũng thú vị, sự thiếu cân bằng đó cũng thú vị."
'Tan biến'
Từ Bangkok, khách mời Phó Giáo sư, Tiến sỹ Montira Rato, giảng dạy và nghiên cứu tiếng Việt, văn hóa Việt Nam tại Đại học Chulalongkorn, nêu nhận xét về hai thành phố mà chị từng biết ở Việt Nam và so sánh với Bangkok."Nói thật lòng cả hai thành phố, kể cả Bangkok nữa, đều không phải là thành phố lý tưởng để làm ăn và sinh sống. Nhưng giữa hai thành phố này thì mình hơi nghiêng về Hà Nội dù nhiều người cho là không khí làm việc ở Sài Gòn thoáng hơn," nhà nghiên cứu người Thái Lan chia sẻ với BBC sau cuộc tọa đàm trong một email viết bằng tiếng Việt.
Nhưng tôi cũng biết rõ là Hà Nội không thể là mãi mãi như vậy được. Với quá trình đô thị hóa, tòa nhà cao tầng mới mọc lên và cả toàn cầu hóa nữa, Hà Nội của tôi cũng có thể tan biến theo thời gian
"Trong bài thơ "Nghe rét đến nhớ về Hà Nội", nhà thơ Xuân Quỳnh kết thúc với câu thơ này "Em muốn mang một chút nắng về quê nhà". Nhưng tôi lại ước Bangkok sẽ có những ngày mát lạnh như Hà Nội.
"Tôi cũng rất thích nét cổ kính bên cạnh những sắc màu hiện đại của thủ đô này. Hình ảnh của Hà Nội mà tôi nhìn thấy qua văn học, nhạc và họa là Hà Nội của trí tuệ và văn minh với phong cách riêng cả nếp sống và nếp nghĩ.
"Nhưng tôi cũng biết rõ là Hà Nội không thể là mãi mãi như vậy được. Với quá trình đô thị hóa, tòa nhà cao tầng mới mọc lên và cả toàn cầu hóa nữa, Hà Nội của tôi cũng có thể tan biến theo thời gian."
'Quyến rũ hơn'
Là người duy nhất trong số các khách mời cho điểm Hà Nội cao hơn Sài Gòn, nhà nghiên cứu từ Thái Lan bình luận:"Đối với tôi, một người nước ngoài nghiên cứu về văn hoá Việt Nam, tôi cho Sài Sòn 7 điểm và Hà Nội 9 điểm.
"Sài Gòn hơn Hà Nội về mặt vật chất như hạ tầng cơ sở, môi trường quốc tế, nhiều quán cà phê đẹp hơn.
"Còn Hà Nội hơn Sài Gòn về mặt an ninh, tôi cảm thấy an toàn hơn, văn hoá đặc sắc hơn như không khí Tết vui và mang tính truyền thống hơn,
"Khí hậu (Hà Nội) có 4 mùa nên các cô gái được mặc áo ấm quàng khăn lung linh và xinh xắn, ẩm thực đa dạng và đại diện Việt Nam hơn, trung tâm của khoa học nên rất tiện cho việc học tập của tôi.
"Tôi thấy Hà Nội quyến rũ hơn vì màu sắc riêng với nét văn hoá Việt, nhưng vẫn thấy ảnh hưởng của văn minh Trung Quốc và văn hoá Pháp.
Hà Nội chắc còn lâu lắm mới bắt kịp Sài Gòn, nếu như con người Hà Nội vẫn giữ, vẫn ôm lấy cái cực đoan, và dựa vào cái quyền lực chính trị của mình để mà cứ thế mà đi
'Cái nhìn thoáng hơn'
Cho điểm Sài Gòn 8/10 và Hà Nội 6/10 là doanh nhân Nam Phạm, khách mời tham gia chương trình từ Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ.Khi được hỏi thành phố nào có đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của Việt Nam sau hàng thập niên chấm dứt chiến tranh, kể từ diễn biến 30/4/1975, ông Nam nói:
"Con người Sài Gòn cởi mở, có những cái nhìn thoáng hơn con người Hà Nội. Vì vậy Sài Gòn từ xưa đến giờ vẫn là động cơ chính để thúc đẩy đất nước Việt Nam mình từ Bắc chí Nam đi lên.
"Hà Nội với những sự cực đoan như là nhà báo Tường Vân nói, với quyền lực chính trị nhiều hơn Sài Gòn rất là nhiều.
"Nhưng nếu con người Hà Nội không có được một cái nhìn thoáng, không du nhập được những cái hay, cái lạ ở những vùng khác đến, thì tôi nghĩ rằng Sài Gòn lúc nào cũng đi trước Hà Nội, nhất là về vấn đề kinh tế.
"Và Hà Nội chắc còn lâu lắm mới bắt kịp Sài Gòn, nếu như con người Hà Nội vẫn giữ, vẫn ôm lấy cái cực đoan, và dựa vào cái quyền lực chính trị của mình để mà cứ thế mà đi."
'Cơ hội cho người trẻ'
Từ Sài Gòn, một nhà báo tự do đang làm cố vấn quảng cáo cho một công ty, người cho Hà Nội 6/10 điểm và Sài Gòn 9/10 điểm, so sánh hai thành phố từ góc độ cơ hội phát triển cho thanh niên.Bản thân tôi, tôi thích sống ở Sài Gòn, bởi vì Sài Gòn đơn giản là chúng tôi rất thờ ơ với chính trị...
"Bản thân tôi, tôi thích sống ở Sài Gòn, bởi vì Sài Gòn đơn giản là chúng tôi rất thờ ơ với chính trị... Con người Sài Gòn đơn giản và khoáng đạt, con người Sài Gòn muôn mặt và đa dạng.
"Vì thế cơ hội đến với những người trẻ như chúng tôi ngay tại đất Sài Gòn rất là cao. Nếu như bạn giỏi, bạn có cơ hội để tồn tại và điều đó là lý do tôi thích ở Sài Gòn."
Từ Hà Nội, kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn trước hết bình luận về ý kiến của các vị khách mời khác.
Anh Tuấn nói với BBC:
"Trước hết tôi đồng ý với ý kiến của anh Nam Phạm đó là nếu như người Hà Nội cứ tiếp tục khư khư giữ chặt cái lối của mình mà cứ thế mà đi, thì quả thật chắc chắn là Hà Nội sẽ không bao giờ bắt kịp Sài Gòn...
"Chị Hoài Nam có nói ở Sài Gòn mọi người sống thoải mái hơn, vui vẻ hơn, cởi mở hơn, nhất là trong giới trẻ, thanh niên, bởi vì người Sài Gòn chỉ làm những gì mà họ muốn và họ ít quan tâm chính trị."
'Mùi của chính trị'
Theo kiến trúc sư trẻ này, có một sự khác biệt rõ rệt giữa Hà Nội và Sài Gòn, với một bên 'thiên về 'chính trị' còn bên kia thiên về 'thú vui, vô tư' nhiều hơn.Anh Tuấn nói với BBC: "Cũng phải nói luôn là ở Hà Nội, đấy chính là điều khác.
Để có thể quan sát những hoạt động về mặt chính trị, các tổ chức xã hội dân sự, hay là của chính quyền thì tôi cảm thấy ở Hà Nội, tôi có thể tìm được điều đó rõ hơn. Và nó giống như một cái mùi trong cuộc sống mà chúng ta có thể ngửi thấy nó rõ hơn ở Hà Nội
"Sự khác biệt đó có thể nói lên là giữa một bên chúng ta để ý đến những cái diễn ra hàng ngày về mặt chính trị, và một bên là chúng ta để ý đến những cái chỉ thuần túy là cho niềm vui cho cuộc sống của mình, thì nó làm nên sự khác biệt giữa Hà Nội và Sài Gòn.
"Nếu như chỉ để tìm một niềm vui hàng ngày trong cuộc sống, thì tôi, bản thân tôi là người sống ở Hà Nội, tôi cũng rất thích sống ở Sài Gòn, tôi cũng chọn Sài Gòn.
"Nhưng để phục vụ cho những mong muốn khác của bản thân, đúng như chị Tường Vân có nói, đó là về mục đích, hay như chị Nam có nói là trong cơ quan nhà nước, hay vị trí chính trị, thì không hẳn, nhưng để có thể quan sát những hoạt động về mặt chính trị, các tổ chức xã hội dân sự, hay là của chính quyền thì tôi cảm thấy ở Hà Nội, tôi có thể tìm được điều đó rõ hơn.
"Và nó giống như một cái mùi trong cuộc sống mà chúng ta có thể ngửi thấy nó rõ hơn ở Hà Nội," kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn, người cho Sài Gòn 8 điểm và Hà Nội 6 điểm, nói với cuộc tọa đàm trực tuyến của BBC từ Hà Nội.
Mời quý vị theo dõi nội dung cuộc Tọa đàm tại đây.
Tin liên quan
- Lao động TQ ở VN: vấn đề hay cơ hội?
- Vì sao phải thoát Trung?
- Trực tiếp: Bàn về báo chí độc lập ở VN
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2014/09/140910_hangout_hanoi_saigon
Giờ Sài Gòn từng khác giờ Hà Nội
- 14 tháng 8 2015
"Gentlemen, start your engines" (Quý vị hãy nổ máy!) - là lệnh cất cánh cho chiếc trực thăng CH-53 Sea Stallion của Trung tá Herbert Fix thuộc phi đoàn Heavy Helicopter Squadron 463.
Đoàn trực thăng rời hàng không mẫu thuộc Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ đậu ngoài khơi Nam Việt Nam để bay vào đất liền.Chiến dịch Frequent Wind bắt đầu để di tản những quân nhân và nhân viên dân sự, ngoại giao cuối cùng của Mỹ khỏi Sài Gòn.
Khi đó là 5 giờ chiều ngày 29 tháng Tư giờ Washington nhưng đã là 5 giờ sáng ngày 30 tháng Tư 1975 giờ thủ đô Việt Nam Cộng hòa.
Vì cho đến khi cuộc chiến Nam Bắc chấm dứt, Sài Gòn đi trước giờ Quốc tế GMT (Greenwich Mean Time, ở Anh) tám tiếng.
Mặt trời, múi giờ và chính trị
Lấy theo vị trí Đài Thiên văn Hoàng gia Anh Quốc tại Công viên Greenwich, Đông Nam London (Kinh tuyến 0° 0' 0" và Vĩ tuyến 51° 28' 38" Bắc - Greenwich Meridian), GMT được công nhận từ năm 1884 để chuẩn hóa hoạt động hàng hải, thương mại toàn cầu.Và tất nhiên là các múi giờ khác trên thế giới đều lấy theo chuẩn GMT vốn cũng là giờ của trạm vũ trụ quốc tế trên không gian.
Xin phân biệt GMT với Coordinated Universal Time (UTC), giờ Quốc tế vì đây là một chuẩn khác áp dụng từ năm 1928 và được tính bằng đồng hồ nguyên tử, không phải theo vòng quay của Trái Đất như GMT.
Nhưng nếu như ban đầu chỉ có 24 múi giờ trên toàn cầu, căn cứ vào GMT thì nay người ta có tới 40.
Theo Valeria Perasso của BBC trong một bài viết nhân chuyện Bắc Triều Tiên đổi giờ từ 15/08/2015 này, chính trị là lý do chính cho chuyện các quốc gia đặt ra múi giờ riêng cho mình.
Điều thường thấy là các nước láng giềng đôi khi tránh không dùng giờ của nhau, và không phải đến nay mới có chuyện Bình Nhưỡng đổi múi giờ vì ghét Tokyo.
Và thay đổi chỉ 30 phút đã đặt Bình Nhưỡng nằm giữa giờ Tokyo và Bắc Kinh, khác với giờ Seoul.
Có phải đây là thông điệp để ông Kim Jong-un xác tín quan điểm 'không ưa Nhật, cũng chẳng thích Trung Quốc'?
Chuyện 'nửa múi giờ' cũng không phải nay mới có.
Nằm ngay cạnh Anh nhưng giờ của Ireland cho đến tận năm 1916 vẫn khác giờ Anh Quốc, vì Đài Thiên văn tại Dublin lập luận rằng Mặt Trời mọc ở Ireland chậm hơn ở Anh 25 phút.
Và vì thế, Dublin Mean Time chơi riêng một kiểu là 25 phút, 21 giây sau GMT.
Afghanistan và Iran thì lại cho rằng vị trí địa lý đặt nước họ nằm trải dài trên hai múi giờ nên quyết định chọn giải pháp 30 phút dung hòa cho cả hai.
Trung Quốc là nước áp đặt ý chí chính trị mạnh mẽ nhất về múi giờ.
Sau khi thống nhất quốc gia năm 1949, ông Mao Trạch Đông để cả nước Trung Quốc theo một múi giờ Bắc Kinh dù lãnh thổ toàn bộ trải dài 5000 km và nằm trên 5 múi giờ quốc tế.
Giờ Bắc Kinh (Chinese Standard Time - CST) bao phủ cả Tân Cương, Tây Tạng trong lòng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nhằm thống nhất tất cả dưới quyền lực của một Đảng Cộng sản.
Điều này có nghĩa là các vùng phía Tây Trung Quốc vào những giờ tối thui nhưng vẫn gọi là 'buổi sáng'.
Theo Valeria Perasso, có những nhóm ly khai Tân Cương không chấp nhận giờ Bắc Kinh mà tự đặt ra giờ riêng của mình, đi sau CST 120 phút.
Thời thuộc địa Anh, Ấn Độ nằm trên hai múi giờ nhưng nước cộng hòa khi giành độc lập đã đưa về một để cắt đứt với quá khứ.
Do vậy, người dân phía Tây nước Ấn Độ đón mặt trời mọc chậm hơn phía Đông tới 90 phút.
Nhưng tất nhiên giờ 'nhà nước' không nhất thiết được người dân tuân theo trong sinh hoạt và làm ăn của họ.
Chẳng hạn một số trang trại trồng trà ở bang Assam, phía Đông Ấn Độ, áp dụng 'giờ vườn chè', đi trước giờ nhà nước 1 giờ, vì họ cần ra chăm bón, thu hoạch trà lúc nắng sớm.
Chính trị cũng khiến Venezuela thời ông Hugo Chavez đổi giờ bất chợt năm 2007.
Năm 2014, sau khi sáp nhập Crimea bất chấp phản đối của Ukraine và châu Âu, Điện Kremlin đổi giờ của bán đảo này theo giờ Moscow cho dù Crimea trước đó nằm cách thủ đô Nga hai múi giờ.
Hai phần nước Việt Nam cũng trải qua nhiều thay đổi về múi giờ, tùy theo biến đổi chính trị, mà có tài liệu nói là 10 lần trong Thế kỷ 20.
Nói ngắn gọn nhất thì Pháp là 'mẫu quốc' khi đó đổi giờ Paris thành GMT+1 từ 1911, khiến Đông Dương thuộc Pháp, gồm cả các phần nay là Việt Nam, Lào và Campuchia đổi theo, thành GMT+7.
Điều thú vị là đã có lúc giờ Hà Nội 'bị' chính quyền Hitler đổi, dù là gián tiếp.
Sau khi chính phủ Vichy ở Pháp đầu hành phát-xít Đức năm 1940, chính quyền Đức đặt giờ mới cho vùng Đức kiểm soát: GMT+2.
Vì vậy, giờ 'Indochine Francaise', lấy chuẩn theo Đài Thiên văn Phủ Liễn (từ 1906), cũng bị đổi theo Paris, thành GMT+8.
Không rõ phái chống Vichy ở Đông Dương theo giờ nào nhưng tại các vùng 'tự do' của người Pháp ủng hộ tướng Charles de Gaulle đã chạy sang Anh phát động kháng chiến, thì múi giờ 'yêu nước', hay giờ Trung Âu (Central European Time) vẫn là GMT+1.
Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ ngày 2/9/1945 đổi lại giờ Hà Nội thành GMT trong khi Lào, Campuchia và một số nơi do Pháp quản trị vẫn không đổi.
Sài Gòn và Hà Nội từng cùng giờ cho đến năm 1960 khi miền Nam theo giờ 'tư bản' là GMT+8, cùng giờ Singapore.
Thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, sắc lệnh 362-TtP ngày 30/12 năm 1959 đưa 23 giờ đêm ngày 31 tháng 12 năm đó, thành 0 giờ ngày đầu tiên của năm 1960.
Singapore cũng từng phải chịu thay đổi múi giờ vì lý do chính trị.
Theo truyền thống từ thời Anh, Singapore luôn là GMT+8 nhưng khi quân đội Nhật Hoàng chiếm hòn đảo và biến nó thành lãnh thổ trực trị gọi là Chiêu Nam (Ánh sáng Phương Nam) thì giờ bị đổi theo Tokyo thành GMT+9.
Sau ngày 30/04 năm 1975, chính phủ Cách mạng Lâm thời đã ra quyết định chính thức trở lại múi giờ 7 và giờ Sài Gòn phải vặn chậm lại 1 giờ từ 13/06 năm đó để theo giờ Hà Nội.
Sang năm 1976, nước Việt Nam thống nhất áp dụng múi giờ GMT+7 thành Vietnamese Standard Time như hiện nay, không phân biệt Nam, Bắc, mùa hè hay mùa đông.
Tin liên quan
- Video Giới trẻ tại Hoa Kỳ và ngày 30/04
- Video 'Đà Nẵng tháng 4/1975: Xác người la liệt'
- Video Cuộc chiến VN: BBC trở lại VN sau 20 năm
- Video 'Nếu không nghĩ đến vợ con thì tôi đã tự sát'
- Video 'Nhà nước VN cần sửa đổi Hiến Pháp'
http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2015/08/150814_hanoi_saigon_old_time
Geen opmerkingen:
Een reactie posten