zaterdag 19 maart 2016

Philippines mở cửa 5 căn cứ quân sự đón lính Mỹ


Philippines mở cửa 5 căn cứ quân sự đón lính Mỹ


mediaMáy bay P3-C Orion của Nhật cất cánh từ đảo Palawan-Philippines. Ảnh ngày 23/06/2015.Reuters
Vào lúc căng thẳng gia tăng với Trung Quốc ở Biển Đông, Hoa Kỳ và Philippines hôm qua, 18/03/2016 đã đạt được một thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ luân phiên đồn trú tại năm căn cứ trên lãnh thổ Philippines. Trong số này có một căn cứ không quân nhìn thẳng ra Biển Đông.
Một bản thông cáo chung công bố sau cuộc Đối Thoại Chiến Lược thường niên Mỹ-Philippines tại Washington đã nêu rõ 5 địa điểm sẽ mở cửa đón lực lượng Mỹ, bao gồm các căn cứ không quân Antonio Bautista, trên đảo Palawan gần quần đảo Trường Sa đang tranh chấp ở Biển Đông, Basa ở phía bắc Manila, Fort Magsaysay ở vùng Palayan, Lumbia trên đảo Mindanao ở miền nam Philippines và Mactan-Benito Ebuen ở Cebu.
Theo phó trợ lý bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, bà Amy Searight, thỏa thuận đạt được trong khuôn khổ Hiệp Định Hợp Tác Quốc Phòng Tăng Cường EDCA ký năm 2014, cho phép Washington gia tăng hiện diện quân sự trên lãnh thổ Philippines, bằng cách luân phiên cho binh lính cùng chiến hạm và phi cơ tạm thời đồn trú tại các căn cứ Philippines, nhân các chiến dịch nhân đạo và bảo vệ an ninh hàng hải.
Bà Searight xác định rằng Manila là một « đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ », và chưa bao giờ quan hệ song phương lại mạnh mẽ như lúc này. Bà cho biết bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter sẽ tới thăm Philippines vào tháng Tư (2016) để thảo luận về việc thực hiện thỏa thuận. Riêng đại sứ Mỹ tại Philippines, ông Philip Goldberg thì khẳng định việc chuyển quân Mỹ và thiết bị đến các căn cứ nằm trong danh sách sẽ diễn ra « rất sớm ».
Thỏa thuận quốc phòng Mỹ-Philippines nằm trong chiến lược của Mỹ hiện nay là tăng cường năng lực quân sự của các nước Đông Á và Đông Nam Á, và sự hiện diện của lực lượng Hoa Kỳ trong khu vực nhằm đối phó với các hành vi ngày càng quyết đoán của Trung Quốc nhằm áp đặt yêu sách chủ quyền cũng như quyền khống chế của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách châu Á-Thái Bình Dương Daniel Russel ghi nhận là thỏa thuận mở cửa căn cứ quân sự Philippines cho lính Mỹ đã đạt được vào một thời điểm quan trọng, ít lâu trước một phán quyết của tòa án quốc tế về vụ Philippines kiện các yêu sách quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160319-philippines-can-cu-qs-my-bd

Philippines cho phép Mỹ sử dụng 8 căn cứ quân sự

mediaCăn cứ quân sự Subic Bay của Philippines.Wikipédia
Manila sẽ đề nghị cho Hoa Kỳ sử dụng 8 căn cứ quân sự trong chiến lược tái định vị, hơn 20 năm sau khi Mỹ rút khỏi Philipines. Tin trên được quân đội nước này thông báo vào chiều thứ Tư 13/01/2016, một ngày sau khi Tối Cao Pháp Viện chấp thuận Hiệp định tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ. Washington khẳng định « không cho Trung Quốc khống chế Biển Đông ».
Theo đại tá Restituto Padilla, phát ngôn viên quân đội Philippines, trong số 8 căn cứ quân sự mà Manila sẽ đề nghị cho Mỹ sử dụng có căn cứ không quân Clark và nhiều quân cảng trên đảo Palawan nhìn ra Biển Đông nơi Trung Quốc đang lấn chiếm.
Cho đến năm 1992, Clark và Subic Bay là hai căn cứ quân sự của Mỹ tại Philippines trong thời Chiến tranh lạnh. Phát ngôn viên quân đội cho biết thêm : đề nghị của Manila đang trong giai đoạn hoàn chỉnh sau khi Hiệp định tăng cường hợp tác quốc phòng Mỹ-Philippines được Tối Cao Pháp Viện đồng ý (ngày 12/01/2016). Philippines hy vọng Hoa Kỳ gia tăng viện trợ quân sự để đối phó với đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông trong đó có quần đảo Trường Sa.
Như vậy, sau hơn 20 năm rút bỏ hai căn cứ quân sự ở quần đảo Đông Nam Á này, Hoa Kỳ được đồng minh mở rộng lãnh thổ để đón tiếp. Trong cuộc đối thoại chiến lược 2+2, giữa Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao hai nước, ngày 12 và 13/01 tại Washington, phái đoàn Philippines một lần nữa xác định lập trường kêu gọi Hoa Kỳ tiếp tục thực hiện chiến dịch Tự do Hàng hải « phủ nhận » những đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh qua các đảo nhân tạo.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines Peter Paul Galvez cho biết, trong hồ sơ Biển Đông, Hoa Kỳ tái khẳng định « quyết tâm sắt thép » ủng hộ Manila và « không để Trung Quốc kiểm soát Biển Đông ». Hoa Kỳ sẽ « duy trì một lực lượng hùng hậu gồm hải quân, tàu ngầm, không quân và Lực lượng đặc biệt ».
Quyết định của Tối Cao Pháp Viện Philippines bị Trung Quốc chỉ trích một cách thô bạo và dọa nạt. Trong bài bình luận hôm nay 14/01/2016, Tân Hoa xã gọi quyết định này là một « động thái ngu xuẩn », Manila « tìm hậu thuẫn của chú Sam để thực hiện tham vọng chống Trung Quốc » và « chỉ làm cho căng thẳng leo thang đe dọa hoà bình ổn định ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160114-philippines-my-qs-bd-qt

Philippines: Hiệp định hợp tác quân sự với Mỹ là hợp hiến

mediaMột tàu chiến Mỹ đậu tại cảng Vịnh Subic, Olongapo, bắc Manila, Philippines, ngày 14/10/2014REUTERS/Lorgina Minguito/Files
Hoa Kỳ được quyền đưa lực lượng hùng hậu đến Philippines, không thường trực nhưng thường xuyên, trong khuôn khổ chiến lược chuyển trục về Châu Á Thái Bình Dương. Hiệp định gia tăng hợp tác quân sự Mỹ-Phi vừa được Toà án Tối cao Philippines công nhận phù hợp với Hiến Pháp.
Trong bối cảnh bị Trung Quốc lấn chiếm biển đảo, Manila ký kết một thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng với Washington, củng cố hiệp định an ninh hỗ tương từ năm 1951.
Thỏa thuận mới này đuợc ký vào năm 2014, dự trù cho phép quân đội Mỹ luân chuyển đóng quân tại Philippines một cách đông đảo hơn và thường xuyên hơn. Tuy không đồn trú thường trực nhưng Hoa Kỳ có thể « trợ giúp » quân đội Philippines xây dựng các căn cứ quân sự.
Một số dân biểu thuộc xu hướng chống hiện diện quân sự Mỹ đã tìm cách cản trở việc thi hành hiệp định qua thủ tục pháp lý, kiện lên Toà án Tối cao.
Tuy nhiên, trong phán quyết công bố hôm nay, 12/02/2016, Toà án Tối cao, với 10 phiếu thuận và 4 phiếu chống đã công nhận thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng không vi phạm Hiến Pháp và Tổng thống Benigno Aquino không cần qua biểu quyết của Nghị viện.
Theo AFP, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng nôn nóng mong chờ thực thi hiệp định này trong khuôn khổ chính sách tái định vị ở Châu Á.
Nguyên thủ hai nuớc đã văn bản mới này vào năm 2014 nhân chuyến công du của Tổng thống Obama tại Manila.
Hai nước liên đới với nhau qua hiệp ước quốc phòng đầu tiên năm 1951 và một thỏa thuận về « lực lượng viếng thăm » ký vào năm 1998. Văn kiện thứ nhất buộc Hoa Kỳ phải cứu Philippines trong trường hợp đồng minh bị ngoại xâm. Văn kiện 1998 quy định việc thao diễn, tập trận hỗn hợp giữa hai quân đội tại Philippines.
Phán quyết của Toà án Tối cao Philippines được loan báo đúng vào lúc tại Washington, diễn ra cuộc đối thoại giữa bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao hai nước trong khuôn khổ đối tác chiến lược Mỹ-Philippines (Đối thoại 2+2).
Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, trong dịp này, Philippines sẽ yêu cầu Hoa Kỳ tiếp tục chiến dịch « Tự Do Hàng Hải » tuần tra trong vùng Biển Đông.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160112-toa-an-toi-cao-philippines-chap-thuan-my-phi-tang-cuong-quoc-phong

Geen opmerkingen:

Een reactie posten