donderdag 4 februari 2016

Hạm Ðội 7 của Mỹ muốn sửa chữa, bảo trì chiến hạm tại Cam Ranh

Hạm Ðội 7 muốn sửa chữa, bảo trì chiến hạm tại Cam Ranh
Tuesday, April 08, 2014 4:19:41 PM 



CAM RANH (NV)
- Hạm Ðội 7 của Hải Quân Hoa Kỳ có nhu cầu sửa chữa, bảo trì các chiến hạm. Nếu Việt Nam đáp ứng được nhu cầu này, các chiếm hạm của Hạm Ðội 7 sẽ ghé quân cảng Cam Ranh.
Ðó là tuyên bố của Ðại Tá Paul Schilse, hạm trưởng USS John S. McCain, trong một cuộc họp báo tại Ðà Nẵng, sau khi khu trục hạm USS John S. McCain và tàu cứu nạn USNS Safeguard cập bờ, bắt đầu đợt phối hợp thực tập phi tác chiến với Hải Quân Việt Nam trong sáu ngày. Khu trục hạm USS John S. McCain - một trong hai chiến hạm đến Việt Nam lần này - từng ghé Ðà Nẵng hồi 2010.


Ðại Tá Paul Schise tại buổi họp báo trên boong khu trục hạm USS John S. McCain. (Hình: VNExpress)

Trong cuộc họp báo, Ðại Tá Schilse nói thêm, nhiều tàu cứu nạn, tàu hậu cần của Hạm Ðội 7 đã ghé Cam Ranh để sửa chữa, bảo trì và con số này sẽ tăng nếu Việt Nam thỏa mãn được nhu cầu sửa chữa, bảo trì chiến hạm.
Trước đó vài ngày, hôm 2 tháng 4, khi đến làm việc với chính quyền tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng Việt Nam, vừa đề cập đến quân cảng Cam Ranh như một nơi có thể “phát triển dịch vụ sửa chữa, bảo trì các loại tàu thuyền các loại, kể cả tàu ngầm, tàu chiến, trong đó có một số tàu thuộc Hạm Ðội 7.”
Hồi giữa năm ngoái, Việt Nam đã khởi công xây dựng một công xưởng hải quân ở quân cảng Cam Ranh với sự trợ giúp của Nga. Theo dự kiến, công xưởng này sẽ hoàn thành vào 2015.
Tuy Việt Nam không cung cấp chi tiết về kế hoạch vừa kể, song hãng tin RIA Novosti (Nga) dẫn lời ông Yevgeny Shustikov, phó tổng giám đốc công xưởng Hải Quân Zvezdochka (Nga), cho biết, công xưởng hải quân mà Việt Nam đang xây dựng ở Cam Ranh sẽ là nơi sửa chữa và bảo dưỡng toàn bộ các chiến hạm mà Liên Xô (trước đây) và Nga (hiện nay) cung cấp cho Việt Nam.
Cũng vào năm ngoái, Nga và Việt Nam đã từng bàn thảo chi tiết về việc mở rộng hợp tác hải quân, xây dựng công xưởng hải quân để đóng và sửa tàu cũng như cung cấp các dịch vụ hậu cần cho những con tàu ghé vịnh Cam Ranh.
Lúc đó, bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam, Phùng Quang Thanh, kể với Thông Tấn Xã Việt Nam rằng, Việt Nam và Nga đã đồng ý cùng thành lập một “liên doanh sửa chữa bảo dưỡng” các loại vũ khí, phương tiện mà Liên Xô từng viện trợ cho Việt Nam cũng như các loại vũ khí, phương tiện mà Việt Nam mới mua từ Nga.
Viên bộ trưởng Quốc Phòng còn kể thêm là Nga yêu cầu Việt Nam “đơn giản hóa” mọi thứ để họ có thể “vào cảng Cam Ranh sửa chữa, bảo dưỡng tàu thuyền, cho quân nhân nghỉ ngơi trong quá trình hành quân,” nhưng thay mặt Việt Nam, ông Thanh đã trả lời rằng, “Quan điểm nhất quán của Việt Nam là không liên minh quân sự với nước ngoài, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam.”
Trong vài năm qua, Cam Ranh là địa danh gắn với nhiều sự kiện liên quan tới nỗ lực “tăng cường hợp tác quốc phòng” giữa Việt Nam và các quốc gia khác, cũng như nỗ lực “hiện đại hóa Hải Quân Việt Nam.”
Ngoài thông tin liên quan tới việc Việt Nam đang xây dựng một công xưởng hải quân, Cam Ranh còn được kể tới trong kế hoạch xây dựng “Trung tâm đào tạo nhân lực điều khiển tàu ngầm của dự án Varshavyanka.”

Dự án Varshavyanka là tên gọi kế hoạch trang bị 6 tàu ngầm loại Varshavyanka lớp Kilo của Nga cho Hải Quân Việt Nam. Việt Nam đặt mua lô tàu ngầm này hồi năm 2009, với tổng giá trị của cả lô hàng là hai tỉ đô la. Tháng 11 năm ngoái, việc đào tạo người sử dụng tàu ngầm Kilo cho Hải quân Việt Nam tại Cam Ranh đã bắt đầu. Ðến nay, Việt Nam đã nhận hai trong số sáu tàu ngầm.
Kể từ tháng 2 năm 2010, Cam Ranh cũng đã trở thành nơi mà một số tàu của Hải Quân Hoa Kỳ ghé vào để thuê bảo trì, nhận tiếp liệu. (G.Ð)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=186020&zoneid=1

Geen opmerkingen:

Een reactie posten