vrijdag 8 januari 2016

Trung Quốc: Lần thứ 2 trong tuần, thị trường chứng khoán ngừng giao dịch, sau khi sụt 7%

Trung Quốc: Lần thứ 2 trong tuần, thị trường chứng khoán ngừng giao dịch

mediaNgười dân theo dõi biến động chỉ số chứng khoán tại sàn giao dịch Thượng Hải, ngày 07/01/2016.REUTERS/China Daily
Chưa đầy một tiếng đồng hồ sau khi mở cửa vào sáng nay, 07/01/2016, các thị trường chứng khoán của Trung Quốc đã phải đóng cửa đúng theo quy định của một cơ chế an toàn. Đây là lần thứ hai trong tuần thị trường Trung Quốc phải đóng cửa sớm do việc cổ phiếu bị bán đổ bán tháo, làm giá bị sụp đổ. Hôm nay, Thượng Hải chẳng hạn, đã bị mất hơn 7% sau một ngày thứ Hai đen tối đầu tuần.
Từ Thượng Hải, Thông tín viên RFI Delphine Surreau tường trình :
« Công cụ « ngắt mạch » lại được bật lên. Biện pháp tự vệ vừa được ban hành hôm thứ Hai (04/01/2016) đầu tuần và được sử dụng ngay, cho phép đình chỉ mọi giao dịch trong 15 phút nếu các cổ phiếu giảm 5%. Còn nếu mức giảm xuống đến -7%, thị trường sẽ đóng cửa trong ngày. Đó là điều đã đồng loạt xẩy ra sáng nay, cả ở Thượng Hải lẫn Thẩm Quyến, thị trường chứng khoán thứ nhì của Trung Quốc. Khi bị đóng cửa sau vỏn vẹn 58 phút giao dịch, chỉ số Thượng Hải đã giảm 7,32%.
Các nhà đầu tư lo lắng về tính vững chắc của nền kinh tế Trung Quốc... Thêm một vụ phá giá đồng nhân dân tệ Trung Quốc, đã được quyết định hôm nay, lần thứ tám liên tiếp. Mục tiêu là để giúp hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn, dễ xuất khẩu hơn, nhưng thị trường lại bị tác động.
Các nhà đầu tư cũng đang hoảng sợ trước các biện pháp tự vệ đến từ giới chức giám sát thị trường chứng khoán Trung Quốc. Cơ chế gọi là « ngắt mạch » đã tự động đình chỉ các giao dịch, làm cho những ai không bán ra kịp thời bị sập bẫy. Chính quyền Trung Quốc cũng đã gia hạn việc hạn chế bán ra đối với các cổ đông nắm giữ trên 5% của một công ty được yết giá trên thị trường chứng khoán ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160107-tq-cp-ck-kt-gd

Chứng khoán Trung Quốc bổ nhào, thị trường thế giới lao đao

mediaCổ đông Trung Quốc sốt ruột vì chứng khoán Thượng Hải tuột giá. Ảnh ngày 05/01/2016Reuters
Các nhật báo Pháp đều đưa tin thị trường chứng khoán Trung Quốc phải đóng cửa vì chỉ số hỗn hợp mất 7% trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2016. Như vậy, lời tiên lượng về sự khởi sắc của thị trường chứng khoán trong năm 2016 được đăng trên nhật báo Le Figaro, số ra cuối tuần vừa qua, dường như chưa có hiệu nghiệm ngay lập tức.
Các nhật báo đều đưa tin này với những hàng tựa khá bi quan : « Chứng khoán Trung Quốc bổ nhào, các thị trường khác lo lắng » trên phụ trang kinh tế của báo Le Figaro, « Trung Quốc dội gáo nước lạnh lên thị trường chứng khoán thế giới », tựa trên trang nhất nhật báo kinh tế Les Echos. Le Monde : « Trung Quốc rúng động vì thị trường chứng khoán ».
Với Les Echos, năm 2016 bắt đầu bằng một tin xấu. Và nếu « mê tín » theo kiểu Trung Quốc, gặp may vào đầu năm thì cả năm sẽ được may mắn. Việc phải đóng cửa thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch đầu năm phải chăng là điềm xấu ?
Kết thúc phiên giao dịch đầu năm, thị trường chứng khoán Thượng Hải mất 7%, kéo theo các thị trường lớn trên thế giới cùng lao dốc. Tại Paris, trong suốt gần 20 năm, lần đầu tiên chỉ số CAC 40 kết thúc phiên giao dịch đầu năm tồi tệ như hôm qua. Tương tự, hôm qua cũng là ngày xấu nhất đối với thị trường chứng khoán Frankfurt kể từ khi bức tường Berin sụp đổ. Tin xấu cũng lan tới phố Wall với chỉ số mất hơn 2%.
Le Monde nhắc lại thị trường Thượng Hải và Thẩm Quyền ngừng giao dịch trong vòng 15 phút vào đầu giờ chiều hôm qua sau khi chỉ số mất 5% và đóng cửa hoàn toàn khi cán tới mốc 7%. Đây là loạt biện pháp mới nhằm khống chế tự động mọi giao dịch vừa được công bố ngày 04/12/2015 sau cuộc khủng hoảng chứng khoán hồi mùa hè năm ngoái và có hiệu lực từ ngày 04/01/2016. Trớ trêu là ngay trong ngày đầu tiên có hiệu lực, quy định này đã có hiệu quả ngay lập tức.
Bắc Kinh tìm mọi biện pháp mới để duy trì sức tăng trưởng của Trung Quốc, song nền kinh tế thứ hai thế giới lại tỏ ra có ít dấu hiệu phục hồi sau năm 2015 đầy khó khăn. Thứ nhất, tháng 12/2015 là tháng thứ 10 liên tiếp ghi nhận chỉ số hoạt động của các nhà máy giảm mạnh. Vì vậy, để bảo vệ ngành xuất khẩu của mình, Trung Quốc đã phá giá đồng nhân dân tệ.
Vào tháng 11/2015, Chủ tịch Tập Cận Bình ấn định mức tăng trưởng 6,5% để Trung Quốc có thể trở thành một đất nước giầu có từ nay tới năm 2020. Lần đầu tiên từ năm 2009, mức tăng trưởng của Trung Quốc thấp hơn ngưỡng 7% (đạt 6,9% vào quý III năm 2015).
Thứ hai, Bắc Kinh cũng lo ngại tới hậu quả sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thông báo tăng lãi xuất. Điều này đồng nghĩa với việc chuyển vốn về nước và chi phí tăng cao đối với các doanh nghiệp Trung Quốc vay vốn bằng đồng đô la. Trong khi đó, chính quyền Bắc Kinh không thể lặp lại kế hoạch phục hồi hàng loạt như đã từng thực hiện để giải quyết cuộc khủng hoảng năm 2008.
Để đưa ra những giải pháp mới, chắc chắn ngân sách của Trung Quốc sẽ lại bị thâm hụt, mà trước đó, Bắc Kinh vẫn tự cho là tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Ngày 28/12/2015, chính phủ thông báo có thể nới lỏng ngân sách trong năm 2016. Báo chí nhà nước đưa ra mức thâm hụt ngân sách có thể lên tới 3% tổng sản phẩm nội địa (GDP), cao hơn so với mức 2,3% vào năm 2015 hay 2,1% vào năm 2014.
Một bản thông cáo chính thức giải thích : « Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm các loại thuế khóa và tránh để các doanh nghiệp phải gánh quá nhiều chi phí để họ thể để giành tiền. Còn chính phủ sẽ chi tiêu thận trọng hơn ».
Ý tưởng giảm bớt gánh nặng thuế khóa cho các doanh nghiệp xuất phát từ khái niệm mở rộng của « chính sách trọng cung » và liên tục được đề cập trên các ấn bản chính thức trong những tuần vừa qua. Bắc Kinh không tỏ ra ngần ngại đi ngược lại với tinh thần của Đảng Cộng sản Trung Quốc khi « mượn lại » khái niệm « chính sách trọng cung » (supply-side economics) có nguồn gốc từ chính quyền Tổng thống Mỹ Reagan, từ cách đây 35 năm.
Chính sách này lần đầu tiên được ông Lưu Hạc (Liu He), cố vấn kinh tế của Chủ tịch Tập Cận Bình, đưa ra trong chuyến thăm tỉnh Quảng Đông vào tháng 10/2015. Ông cũng tuyên bố đóng « tất cả các công ty ma » đang trên đà phá sản. « Công ty ma » ở đây nhằm ám chỉ các công ty nhà nước trong các ngành công nghiệp nặng, nợ chồng chất. Ngược lại, nhà nước sẽ cải thiện sức cạnh tranh đối với những doanh nghiệp trụ lại được trong nền kinh tế thị trường.
Sau đó, « chính sách trọng cung » còn được nêu lên trong phiên họp của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản về các chủ đề kinh tế do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì vào ngày 14/12/2015.
Từ đó, các kinh tế gia thuộc các viện nghiên cứu tập trung phân tích ý nghĩa cụ thể của đường hướng mới từ trung ương đưa xuống, đồng thời vẫn phải nhấn mạnh được vai trò trọng tâm của đảng trong mọi lĩnh vực xã hội và kinh tế.
Nga bước vào năm suy thoái thứ hai
Năm 2016 có lẽ cũng không phải là một năm may mắn cho một cường quốc khác là Nga. Cho tới ngày 24 và 25/10/2015, trong một cuộc họp với các nhà đầu tư nước ngoài tại Matxcơva, Tổng thống Vladimir Putin còn tin là khủng hoảng tại Nga là chuyện quá khứ. Nhưng trong số ra ngày hôm nay, Le Monde lại đưa ra nhận định ngược lại : « Nước Nga bước vào năm suy thoái thứ hai ».
Lý do thứ nhất là phương Tây triển hạn những biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga vì can thiệp vào cuộc nội chiến ở Ukraina và giá dầu thế giới tiếp tục giảm.
Một nửa ngân sách của Nga có được là nhờ xuất khẩu dầu mỏ. Matxcơva thẩm định giá dầu dao động vào khoảng 50 đô la/ thùng trong năm 2016. Thế nhưng, ngày cuối cùng của năm 2015, giá dầu được niêm yết tại Luân Đôn chỉ ở mức 37 đô la/thùng. Vì vậy, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Silouanov không loại trừ khả năng giá dầu sẽ chỉ dao động trong khoảng 40 đô la/thùng vào năm 2016, thấp hơn 10 đô la so với dự tính của Matxcơva.
Với giá này, tổng sản phẩm quốc nội GDP của Nga sẽ giảm hơn 2%. Theo thẩm định của một số định chế kinh tế thế giới, nước Nga sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2016, với mức suy thoái -0,6% theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (FMI) hay -0,7% theo Ngân hàng thế giới. Còn Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế không đưa ra con số cụ thể nhưng cho rằng Nga sẽ tăng trưởng trở lại trước năm 2017.
Lý do thứ hai là đồng rúp lại mất giá cũng khiến điện Kremlin lo ngại. Ngày 31/12/2015, đồng rúp mất giá thấp nhất trong năm. Trước đó, năm 2014, đồng rúp mất 40% giá trị so với đô la Mỹ và mất thêm 20% vào năm 2015. Việc đồng tiền mất giá khiến lạm phát tăng ở mức 11% và ngày càng có nhiều người nghèo.
Vì vậy, chỉ một ngày trước khi sang năm 2016, chính quyền Matxcơva đã thông báo những biện pháp khắc khổ mới. Đây không phải là lần đầu tiên chính phủ Nga áp dụng những biện pháp trên. Ngay năm 2014, để đối phó với khủng hoảng, điện Kremlin đã quyết định cắt giảm biên chế trong khu vực hành chính và y tế để tập trung vào các lĩnh vực gặp khó khăn nhất, như ngân hàng, sản xuất ô tô hay nông nghiệp. Chính phủ cũng quyết định tư nhân hóa một phần tập đoàn dầu khí Rosneft mà nhà nước nắm 70% vốn.
Trong khi đó, lương hưu chỉ được tăng thêm 4% vào năm 2016 so với tỉ lệ lạm phát lên tới 15,6% trong năm 2015. Đây chắc chắn sẽ không phải là một nguồn nội lực để thúc đẩy tăng trưởng.
Nhật báo Le Monde kết luận không thấy bất kỳ yếu tố nào có thể giúp Nga thúc đẩy tăng trưởng, từ xuất khẩu tới tiêu thụ nội địa hay đầu tư của các doanh nghiệp tới đầu tư của nhà nước.
Dù vậy, cuộc khủng hoảng kinh tế dường như không ảnh hưởng tới điểm tín nhiệm của Tổng thống Nga. Tuy nhiên, theo thăm dò của trung tâm thăm dò nghiên cứu ý kiến, được tờ Financial Times trích dẫn trong số ra ngày 31/12/2015, 39% các hộ gia đình Nga không đủ tiền để mua quần áo và lương thực.
Trung Đông "bốc lửa" vì căng thẳng Iran-Ả Rập Xê Út
Báo chí Pháp tiếp tục đề cập đến cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Iran và Ả Rập Xê Út. Trong bài « Iran và Ả Rập Xê Út bên bờ chia rẽ », tờ Le Monde nhận định dường như hai nước đang thẳng tiến tới một cuộc chiến. Mỗi hành động của bên này đều gây phản ứng cho bên kia và khó mà đoán được tình hình leo thang hiện nay.
Vượt qua cả vấn đề tôn giáo, thách thức lớn ở đây là mô hình chính trị - một bên là nền cộng hòa Hồi giáo, một bên là chế độ quân chủ - và cú sốc giữa hai tham vọng làm bá chủ khu vực, trên nền tảng đối đầu có từ lâu đời giữa người Ả Rập và người Ba Tư. Cả Teheran và Riyad đều đứng đầu mạng lưới đồng minh rộng lớn, khiến người ta có cảm giác trong mỗi cuộc xung đột trong khu vực, từ Liban tới Yemen hay Syria, đều mang hình ảnh một cuộc đối đầu giữa hai khối.
Ngoài nhận định về « sự chia rẽ giữa Iran và các nước láng giềng Sunni » giống tờ Le Monde, nhật báo Le Figaro nhận thấy những bất chắc mới trong quá trình đàm phán về số phận của Syria và khiến cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo trở nên phức tạp hơn.
Bắc Âu đóng cửa với người nhập cư
Hơn một triệu người nhập cư đã đặt chân đến Châu Âu vào năm 2015. Hôm qua, lần lượt hai nước Bắc Âu, Đan Mạch và Thụy Điển, công bố những biện pháp mới nhằm ngăn chặn làn sóng người nhập cư trên lãnh thổ. Le Figaro : « Các nước Bắc Âu đóng cửa với người nhập cư ». Thụy Điển, nổi tiếng với tinh thần nhân đạo, đã quyết định chấm dứt tiếng tăm của mình do bị quá tải lượng người nhập cư, hơn 160.000 người vào năm 2015.
Trang nhất của Libération mỉa mai với dòng chữ « Chào mừng tới Châu Âu ». Nhưng thực ra, sau một thời gian thể hiện lòng « tương ái » với người nhập cư, Liên Hiệp Châu Âu, giờ bị chia rẽ, đang tìm cách « ngăn cản » làn sóng này và mỗi nước tự rào biên giới bất chấp chỉ trích của Liên Hiệp. Ngoài ra, vẫn theo Libération, nếu như khối 28 nước đồng tình với nhau trong việc tăng cường kiểm soát tại các đường biên giới phía ngoài, thì vẫn còn bất đồng trong chính sách nhập cư.
Nước Pháp chia tay diễn viên Michel Galabru
Diễn viên người Pháp Michel Galabru, nổi tiếng trong loạt phim « Cảnh sát Saint-Tropez » cùng với diễn viên hài Louis de Funès đã qua đời ngày 04/01/2016 tại Paris, thọ 93 tuổi. Nhiều đài truyền hình Pháp đã hủy các chương trình phát sóng dự kiến để phát lại một số bộ phim hay vở kịch do diễn viên Galabru thủ vai.
Zizou trở thành huấn luyện viên trưởng của Real Madrid
Cựu thủ quân đội tuyển Pháp Zinédine Zidane trở thành huấn luyện viên câu lạc bộ nổi tiếng Tây Ban Nha Real Madrid. Tối hôm qua, khoảng 20h06, chủ tịch Real Madrid Florentino Pérez đã thông báo thông tin được các cổ động viên và giới chuyên gia mong đợi. Le Figaro cho biết, cầu thủ số 10 của Pháp ngồi trên hàng ghế đầu, mặc áo vét mầu xanh, đi cùng vợ và bốn cậu con trai. Với nét mặt bình tình, Zidane cảm ơn cơ hội mà câu lạc bộ giành cho mình và « tin là mọi chuyện sẽ tốt đẹp ».

 http://vi.rfi.fr/chau-a/20160105-chung-khoan-trung-quoc-bo-nhao-thi-truong-the-gioi-lao-dao

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đóng cửa sau khi sụt 7%

mediaMột chi nhánh của Ngân hàng Trung Quốc ở Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, ngày 04/01/1 2016.REUTERS/Jon Woo
Việc giao dịch trên các thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến đã bị ngưng lại hôm nay 04/01/2016 sau khi các cổ phiếu bị sụt mất 7% giá trị, cùng với việc công bố các chỉ số tệ hại của nền kinh tế Trung Quốc.
Chỉ số CSI300 tổng hợp khoảng 300 công ty chủ chốt niêm yết trên cả hai thị trường trên bị lao dốc, khiến cho các giao dịch bị ngưng lại. Theo quy định mới, trong trường hợp chỉ số CSI300 - gồm các tên tuổi lớn trong đó có các tập đoàn dầu lửa và ngân hàng quốc doanh - dao động quá nhanh trong biên độ 7%, cơ quan phụ trách sẽ đình chỉ các giao dịch để tránh tâm lý hoảng loạn. Các cổ phiếu khác vẫn có thể được mua bán nếu giá cả lên xuống không quá 10%. Mục đích là tránh việc giá cổ phiếu tiếp tục bị sụt giảm nặng nề, lặp lại vụ sụp đổ thảm hại thị trường chứng khoán hồi mùa hè năm ngoái.
Vào lúc đóng cửa, chỉ số phức hợp của thị trường Thượng Hải đã sụt mất 6,85% hay 242,52 điểm, còn 3.296,66 điểm. Tại thị trường Thâm Quyến, chỉ số bị sụt đến 8,19%, còn 2.119,90 điểm.
Sự suy sụp của phiên giao dịch đầu năm diễn ra trong bối cảnh hoạt động sản xuất của Trung Quốc lại bị sụt giảm trong tháng 12, có nghĩa là liên tục đi xuống trong 5 tháng qua.
Ông Trương Cương (Zhang Gang), nhà phân tích của Central China Securities nhận định: « Thị trường lo sợ sắp tới sẽ dỡ bỏ quy định cản trở các cổ đông bán ra. Áp lực sẽ tiếp tục đè nặng trong những ngày tới ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160104-thi-truong-chung-khoan-trung-quoc-dong-cua-sau-khi-sut-7

Geen opmerkingen:

Een reactie posten