Thursday, December 31, 2015 7:14:02 PM
Bài liên quan
- Đại hội đảng CSVN có thể trễ hơn vì... Trung Quốc
- Chủ tịch Quốc Hội CSVN tới Bắc Kinh trước đại hội đảng
Tư Ngộ/Người Việt
Trang mạng có tên “Ý kiến đảng viên về Ðại Hội XII” đập phe cánh Nguyễn Phú Trọng, bênh Nguyễn Tấn Dũng. (Hình: Người Việt) |
Cũng giống như những kỳ đại hội đảng bầu bán nhóm chóp bu trước đây, nhiều lời đồn đoán về những gương mặt nào sẽ nằm ở vị trí nào trong số 4 ghế của “tứ trụ triều đình đỏ.” Năm nay, sự rò rỉ được giữ rất kỹ lưỡng nên hiện không ai biết những cái tên nào sẽ ở lại, kẻ nào phải về vườn trong số 15 ủy viên Bộ Chính Trị đương nhiệm.
Trong những kẻ ở lại, thì ai sẽ được đôn lên ghế nào trong tứ trụ tổng bí thư đảng, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch Quốc Hội.
Sự việc trở nên phức tạp hơn khi có những biệt lệ được đề ra trong kỳ đấu đá chia ghế này là những ông hay bà nào quá tuổi nghỉ hưu theo quy định vẫn được ngồi lại, dẫn đến những đồn đoán và ngay cả những đấu đá, phe cánh chỉ trích lẫn nhau một cách hung hãn trên mạng ảo.
Một số người trả lời các cuộc phỏng vấn trên báo đài ngoại quốc như nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng bày tỏ lo ngại rất có thể Tướng Bộ Trưởng Công An Trần Ðại Quang được đôn lên ghế tổng bí thư mà ông tin là sẽ là thảm họa cho dân chủ, nhân quyền.
Blogger Phạm Thành trên blog Bà Ðầm Xòe có những lời ai điếu sớm khi ông nhìn thấy “Quan tài cho Ba Dũng, phe phái Ba Dũng và dòng họ Nguyễn Tấn.”
Một số người khi thấy Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng chạy sang Bắc Kinh khấu đầu trước lăng Mao Trạch Ðông ngay trước đại hội đảng thì nghi rằng, rất có thể ông “Hùng hói” được Trung Nam Hải “phê chuẩn” làm tổng bí thư. Nhưng ông này đã được cắt cử làm trưởng ban bầu cử của Quốc Hội cho kỳ họp chia ghế Quốc Hội sắp tới thì chẳng lẽ ông ta “vừa đánh trống vừa thổi còi”?
Bên cạnh các lời dồn đoán, phân tích của những người “ngồi bên lề lịch sử,” người ta thấy những ngày gần đây xuất hiện một số trang mạng với những bài viết có nội dung bênh ai, chống ai rất rõ ràng trong cuộc chạy đua chiếm ghế tổng bí thư, tức cái ngai vàng của triều đình đỏ.
Cuối năm 2014 sang đầu năm 2015, trang mạng “Chân Dung Quyền Lực” mà một số người đồn đoán là của phe Nguyễn Tấn Dũng tấn công một số người thuộc phe đối thủ trong Trung Ương Ðảng và Bộ Chính Trị.
Mới đây, người ta thấy xuất hiện một trang mạng có tên “Phúc Phản Phúc” lấy lại các bài trên Chân Dung Quyền Lực tố cáo ông Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đùn tiền bạc tài sản nhờ tham nhũng hối lộ sang cho con gái và con rể nắm giữ để tránh tiếng. Ông Phúc có thể là một trong những người được phe cánh cài cắm vào ghế thủ tướng.
Trên Internet xuất hiện một số đơn thư tố cáo ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và con gái Nguyễn Thanh Phượng nhiều tội gồm cả tội chống thiên triều ở Bắc Kinh và các thư “giải trình” của hai người này chống lại các cáo buộc. Không ai có khả năng kiểm chứng sự thật giả của các tài liệu.
Gần đây nhất người ta thấy xuất hiện trang mạng “Ý kiến đảng viên về Ðại Hội XII” đánh Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và phe cánh trong khi chống đỡ cho ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Bên cạnh đó, người ta cũng thấy xuất hiện trang mạng có tên Nguyễn Công Khế (nguyencongkhe.com) không phải do ông này (nguyên tổng biên tập báo Thanh Niên) lập ra mà chỉ lấy tên ông ta và đăng tải các bài viết cáo buộc Nguyễn Công Khế từ “Mưu hèn kế bẩn của Nguyễn Công Khế hiến cho minh chủ,” đến “Tên gián điệp Nguyễn Công Khế nợ máu như thế nào với cách mạng và nhân dân Việt Nam?,” “Nguyễn Công Khế đã chiếm tập đoàn Thanh Niên như thế nào?” v.v...
Vì ông Nguyễn Công Khế được dư luận đồn đoán là tay chân của ông Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang nên có người cho rằng đây chỉ là chiêu thức “cách sơn đả ngưu,” tức đòn gián tiếp đánh vào ông Tư Sang.
Tổng Bí Thư Ðảng CSVN Nguyễn Phú Trọng ngồi lại hay về vườn dù đang sắp sửa tới tuổi 72? Chủ Tịch Trương Tấn Sang, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đều ở tuổi 66, cũng đã quá tuổi hưu một tuổi, trong khi ông Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã 67 tuổi.
Tuy đã có danh sách “ứng cử viên” cho các chức danh chủ chốt của đảng CSVN nhưng nó chỉ kết thúc vào kỳ họp thứ 14 của Trung ương đảng khoảng một tuần lễ nữa nhưng chính thức phải đợi đến cuối Ðại Hội đảng XII. Rất có thể người ta sẽ còn được thấy thêm những chiêu đấm đá ngoạn mục nữa không chừng. (TN)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=220206&zoneid=1
Đại hội đảng CSVN có thể trễ hơn vì... Trung Quốc
Wednesday, September 9, 2015 5:17:47 PM
Bài liên quan
HÀ NỘI (NV) .-Đại hội đảng CSVN tổ chức 5 năm một lần để chia chác các chức vụ chóp trong bu đảng và nhà nước, dự trù diễn ra giữa tháng Giêng 2016, nhưng có thể trễ hơn do tác động từ Trung Quốc.
Đại biểu tham dự Đại hội đảng CSVN ngày 19/1/2011. Đại hội kế tiếp dự trù diễn ra đầu năm 2016 có thể trì hoãn. (Hình: STR/AFP/Getty Images)
|
Ông Carl Thayer là chuyên viên của Học viện Quốc phòng Hoàng Gia Úc thường được báo chí quốc tế phỏng vấn về các vấn đề liên quan đến chính trị Việt Nam. Ông cũng lập một công ty tham vấn “Thayer Consultancy” cho các tổ chức, công ty và chính phủ nào cần đến các hiểu biết của ông về Á Châu nói chung và các vấn đề Việt Nam, Trung Quốc và Biển Đông nói riêng.
Theo ông ba vấn đề gồm mối quan hệ Việt Nam với Trung Quốc, vấn đề tranh chấp Biển Đông, và những ai sẽ ở trên chóp bu cầm nắm vận mệnh và tương lai đất nước, sẽ có thể buộc trì hoãn ngày giờ họp đại hội đảng.
Đại hội đảng CSVN kỳ 11 họp giữa Tháng Giêng 2011 kéo dài khoảng 1 tuần lễ. Đại hội 12 dự trù cũng khoảng thời gian này vào đầu năm 2016 với khoảng 1,400 đại biểu thuộc 63 tỉnh thị và các tổ chức đảng, chính quyền ở trung ương cũng như quân đội.
Một cách tổng quát, đại hội đảng CSVN gồm 5 nhiệm vụ chính gồm thông qua bản báo cáo chính trị, chấp thuận một bản kế hoạch kinh tế xã hội cho 5 năm và 10 năm tới (2016-2025), nhưng như thông lệ, quan trọng nhất phải là bầu chọn một Bộ Chính Trị mới.
Tại đại hội đảng 11, các đại biểu có quyền đề cử ứng viên trong số những người tham dụ đại hội bên cạnh một danh sách được đám chóp bu trong Bộ Chính Trị thỏa hiệp sẵn với nhau. Cũng nhờ vậy, có một số người được đưa vào “Trung ương đảng” trong số đại biểu tham dự.
Nhưng ở kỳ đại hội đảng 12 sắp diễn ra đầu năm tới, tất cả các ứng viên đưa vào “Trung ương đảng” khóa tới, phải được “Trung ương đảng” khóa này chấp thuận trước khi tên những người đó được đưa vào danh sách ứng viên.
Trên nguyên tắc, Trung ương đảng CSVN họp hai kỳ một năm. Tuy nhiên, vì tình thế, nó có thể được triệu tập các kỳ họp bất thường, nhưng cũng có thể họp ít hơn. Năm 2014, Trung ương đảng CSVN chỉ họp có một lần duy nhất. Ông Thayer cho rằng điều này xảy ra do các bất đồng ý kiến về tranh chấp Biển Đông và mối quan hệ với Trung Quốc khi Bắc Kinh đưa giàn khoan khổng lồ HD981 đến dò tìm dầu khí ở khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam, phía nam quần đảo Hoàng Sa.
Việc chuẩn bị cho đại hội đảng 12 của đảng CSVN, cho đến nay, vẫn có vẻ im ắng khác hẳn những kỳ họp đại hội đảng trước đây. Báo chí tại Việt Nam không hề cho biết bao giờ thì sẽ có đại hội đảng kỳ thứ 12 dù rải rác ít tin về sự chuẩn bị.
Đại hội đảng kỳ 11 diễn ra giữa Tháng Giêng 2011 thì từ tháng Tư 2010 đã có bản dự thảo về báo cáo kinh tế xã hội được công bố để “lấy ý kiến nhân dân”. Liệu các cuộc họp Trung ương đảng dự trù vào Tháng 10 và Tháng 12 năm nay sẽ có gì để “lấy ý kiến nhân dân” một cách vội vã hay không, vẫn là dấu hỏi.
Theo nguồn tin riêng của ông Thayer, một bản “Sách trắng Quốc phòng Việt Nam” dự trù công bố cuối năm nay, nhưng sẽ chỉ được công bố sau Đại hội đảng 12.
Theo ông, sự kín bưng của kỳ họp trung ương đảng hồi Tháng 5 vừa qua và sự trì hoãn công bố bản “Sách trắng Quốc phòng” nhiều phần có thể được diễn dịch do hệ quả của hai vấn đề chồng chéo lên nhau là yếu tố Trung Quốc và sự lựa chọn ai sẽ là lãnh tụ mới của Việt Nam. Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình dự trù đến Việt Nam giữa Tháng 10 hay Tháng 11-2015.
Điều lệ đảng CSVN chỉ cho phép mỗi đảng viên ở trong một chức vụ 2 nhiệm kỳ. Đồng thời, tuổi nghỉ hưu ở các chức vụ cao là 65 tuổi. Nếu theo đúng, 9 người trong Bộ Chính Trị CSVN hiện nay gồm cả Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng, Trương Tấn Sang, chủ tịch nước, và Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng, đều phải nghỉ hưu. Nhưng lại có điều khoản ngoại lệ cho phép một số chức vụ chóp bu trong đảng được ngồi lại dù quá tuổi.
Ít lâu nay, có nhiều tin tức đồn đoán là ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhăm nhe cái ghế tổng bí thư. Những tháng gần đây, người ta thấy có rất nhiều sự cắt đặt các ông chủ tịch tỉnh mới, một dấu hiệu cài cắm thế lực phe nhóm hầu tạo tay chân mạnh hơn ở đại hội đảng. Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ những người khác cũng nhăm nhe ngồi vào cái ghế đó như Trương Tấn Sang, Phùng Quang Thanh, Nguyễn Sinh Hùng.
Theo ông Thayer, người ta sẽ không nhìn thấy đại hội đảng CSVN kỳ 12 đưa đến sự thay đổi quan trọng trong chủ trương đường lối, chính sách hội nhập quốc tế của Hà Nội, vấn đề lãnh đạo của Việt Nam đến nay vẫn còn chưa có gì rõ rệt. (TN)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=214069&zoneid=1
Geen opmerkingen:
Een reactie posten