zondag 20 december 2015

Nhật và Úc kiên quyết phản đối hành vi thay đổi nguyên trạng Biển Đông

Nhật và Úc kiên quyết phản đối hành vi thay đổi nguyên trạng Biển Đông

mediaThủ tướng Úc Malcolm Turnbull phát biểu nhân buổi tiệc tại Tokyo. Ảnh ngày 18/12/2015.Reuters
Ngày 18/12/2015, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã công du Tokyo và đã hội đàm với đồng nhiệm Nhật Bản Shinzo Abe. Nhân dịp này lãnh đạo hai nước đã tái khẳng định quyết tâm đẩy mạnh hợp tác quốc phòng đồng thời chống lại các hoạt động bồi đắp, xây dựng tại Biển Đông, đặc biệt là của Trung Quốc.
 
Trong một bản thông cáo chung công bố sau cuộc họp, hai Thủ tướng Nhật Bản và Úc đã bày tỏ lập trường « phản đối mạnh mẽ mọi hành động mang tính chất cưỡng bức hay đơn phương có tác dụng làm thay đổi nguyên trạng Biển Đông ».
Hai nhà lãnh đạo cũng kêu gọi mọi bên tranh chấp « đình chỉ các hoạt động bồi đắp hoặc xây dựng trái phép trên bình diện rộng », không sử dụng các thực thể tại các khu vực trên vào mục đích quân sự. Theo giới phân tích, dù không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng lời kêu gọi này rõ ràng nhắm vào Trung Quốc.
Hai Thủ tướng Nhật và Úc đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế, thực thi các biện pháp nhằm giảm căng thẳng và phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm các nguyên tắc tự do hàng hải và hàng không.
Về quan hệ quốc phòng song phương, nhân chuyến thăm Nhật đầu tiên từ khi ông lên thay thế người tiền nhiệm Tony Abbott vào tháng 09 vừa qua, Thủ tướng Úc Turnbull đã cam kết duy trì mối quan hệ chặt chẽ với đối tác thương mại và chiến lược từ lâu trong khu vực, và xác nhận quyết tâm đạt được thỏa thuận nhằm tạo điều kiện cho các chiến dịch quân sự và tập trận chung giữa hai nước.
Về phần mình, Thủ tướng Abe phát biểu : « Tôi vui mừng là chúng ta hiểu rằng quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và Úc là nền tảng đối với hòa binh và ổn định trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, và chúng ta đã nhất trí thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực an ninh ».
Một quan chức của Nhật Bản cho hãng tin Reuters biết, trong cuộc họp thượng đỉnh, ông Turnbull cũng hoan nghênh việc Nhật Bản tham gia đấu thầu xây dựng một hạm đội tầu ngầm mới của Úc. Quyết định chính thức sẽ được Canberra công bố vào năm tới.
Tập đoàn Nhật Bản Mitsubishi Heavy Industries được nhà nước hậu thuẫn và Kawasaki Heavy Industries đang cạnh tranh với tập đoàn Thyssen Krupp của Đức và Tập đoàn Nhà nước Pháp DCNS.
Tuy nhiên, trước người đồng nhiệm Nhật Bản, thủ tướng Úc cũng bày tỏ « nỗi thất vọng sâu sắc về việc Nhật Bản nối lại hoạt động đánh bắt cá voi ». Song ông cho rằng một mối quan hệ thân thiện giữa hai nước còn quan trọng hơn để giải quyết thẳng thắn mọi bất đồng. Ông nói :
« Chúng ta là những người bạn rất thân. Những người bạn tốt làm gì khi họ có sự khác biệt ? Họ thể thiện chúng một cách công khai và trung thực và bằng cách đó, chúng ta sẽ giải quyết được bất đồng ».
Trước đó, vào tháng 12 này, một tầu đánh bắt cá voi của Nhật Bản đã xuất phát đến Nam Cực để đánh bắt loại cá được ưa chuộng tại xứ hoa anh đào, sau một một năm tạm ngừng theo quyết định của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ). Việc Nhật Bản nối lại hoạt động đánh bắt cá voi đã bị Úc, cũng như đồng minh thân cận Hoa Kỳ, chỉ trích.
Hiện ông Turnbull đang phải cố gắng giữ cân bằng giữa một bên là Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Úc, còn bên kia là Nhật Bản, đồng minh lâu đời trong khu vực đồng thời là đối tác thương mại thứ hai.
Trung Quốc có yêu sách chồng lấn với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan và Brunei tại Biển Đông. Hành động bồi đắp đảo nhân tạo của Bắc Kinh và xây dựng sân bay trên đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa đã gây căng thẳng trong khu vực.
Về phần mình, Nhật Bản cũng đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc tại một số đảo nhỏ, không có người ở Biển Hoa Đông.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20151219-nhat-va-uc-kien-quyet-phan-doi-hanh-vi-thay-doi-nguyen-trang-bien-dong

Tokyo và Canberra thúc đẩy hợp tác quốc phòng

mediaTàu ngầm Nhật Bản Oyashio. Ảnh tư liệu chụp ngày 30/01/2006. Tokyo rất muốn giành được hợp đồng cung cấp tàu ngầm cho Hải quân Úc.US Navy
Nhật Bản và Úc chuẩn bị hội nghị 2+2 giữa Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao hai nước tại thủ đô Canberra vào cuối tháng 11/2015 hay trễ nhất là vào thượng tuần tháng 12/2015. Đẩy mạnh hợp tác phòng thủ là một trong những trọng tâm của cuộc họp. Đây cũng là cơ hội để Tokyo thúc đẩy dự án đóng tàu ngầm cho Canberra.
Trích dẫn một số nguồn tin chính thức của Nhật Bản, hãng tin Kyodo ngày 26/10/2015 cho biết Ngoại trưởng Fumio Kishida và bộ trưởng Quốc phòng Gen Nakatani chuẩn bị tới Canberra dự hội 2+2 với các đồng nhiệm Úc, Julie Bishop và Marise Bayne.
Tokyo đang tìm cách củng cố niềm tin với nội các mới của Thủ tướng Úc Malcom Turnbull vừa lên cầm quyền hồi tháng 9/2015. Khác với người tiền nhiệm Tony Abbott, ông Turnbull được báo chí Úc xem là một nhà lãnh đạo thân Bắc Kinh.
Trước đây, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thiết lập mối quan hệ vững chắc với cựu Thủ tướng Tony Abbott. Với các nhà lãnh đạo mới tại Canberra, Nhật Bản phải nỗ lực làm lại từ đầu.
Tokyo đang cạnh tranh với hai đối thủ châu Âu là Pháp và Đức để giành được hợp đồng chế tạo tàu ngầm cho Hải quân Úc. Đây là một trong những hợp đồng quốc phòng lớn nhất của Úc, trị giá lên tới gần 35 tỷ đô la.
Ngoài hồ sơ chế tạo tầu ngầm, Nhật Bản và Úc sẽ còn thảo luận về vấn đề hợp tác an ninh và tìm cách đối phó với những tham vọng trên biển ngày càng lớn của Trung Quốc.
Vẫn theo hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo, Tokyo và Canberra đang chuẩn bị cho một chuyến công du Nhật Bản của Thủ tướng Úc trước cuối năm 2015.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20151026-tokyo-va-canberra-chuan-bi-hoi-nghi-22-de-thuc-day-hop-tac-quoc-phong

Nhật đề nghị đóng tầu ngầm cho Canberra tại Úc

mediaMộ mô hình tàu ngầm Nhật Bản tại hội chợ vũ khí MAST-Asie 2015, ở Yokohama, phía nam Nhật Bản, ngày 13/05/2015.REUTERS / Toru Hanai
Bên lề hội chợ hàng hải tại Sydney, phát ngôn viên bộ Quốc phòng Nhật tuyên bố sẵn sàng chấp nhận điều kiện đóng toàn bộ các tầu ngầm bán cho Úc ngay tại nước Úc. Khác với hai đối thủ cạnh tranh Đức và Pháp, doanh nghiệp vũ khí của Nhật cho đến nay vẫn dè dặt thỏa mãn điều kiện này. Đối với Canberra, công ăn việc làm trong kỹ nghệ quốc phòng là một hồ sơ nhạy cảm.
Phải chăng Nhật Bản sợ mất hợp đồng 35 tỷ đôla về tay Pháp hoặc Đức ? Ngày 06/10/2015, trong khi viếng thăm hội chợ triển lãm hàng hải tại Sydney, Úc, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nhật Masaki Ishikawa tuyên bố với báo chí là Tokyo « rất tin tưởng vào khả năng Nhật đóng tàu ngầm tại Úc » cho dù giải pháp phân chia công việc « phân nửa đóng tại Úc, phân nửa tại Nhật là sẽ ít gây tốn kém nhất cho túi tiền của người dân Úc ».
Theo Reuters, sở dĩ chính phủ Nhật phải thay đổi lập trường vì sợ không còn thế thượng phong bởi hai lý do : Một là Tony Abbott, người bạn thân của Thủ tướng Shinzo Abe, mất chức Thủ tướng Úc. Thứ hai là trong thời gian gần đây, hai tập đoàn công nghiệp vũ khí của Nhật là Kawasaki Heavy và Mitsubishi Heavy đã có nhiều sai sót trong vấn đề « giao tế ». Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nhật đã nhìn nhận cần phải gia tăng thuyết phục giới chính trị, truyền thông và công luận Úc về lợi ích hợp tác với Tokyo.
Hiện nay tập đoàn công nghiệp đóng tầu chiến của Pháp DCNS và Thyssenkrupp Marine System của Đức đang chạy đua ráo riết với Nhật để tranh hợp đồng 35 tỷ đôla của Úc. Pháp tỏ ra rất hy vọng. Ngày 05/10/2015, Úc thông báo mua của Pháp 1.100 xe thiết giáp loại Hawki. Tập đoàn Thales Australia, một chi nhánh của Pháp tại Úc chế tạo toàn bộ xe thiết giáp tại bang Victoria. Chương trình này tạo ra 230 công ăn việc làm cho người dân địa phương, theo đúng chính sách và yêu cầu của Úc.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20151006-nhat-uc-vk-qp

Geen opmerkingen:

Een reactie posten