zondag 6 december 2015

Người Việt Nam không còn hạt gạo ngon, chén cơm sạch?

Người Việt Nam có hạt gạo ngon, chén cơm sạch?
Thursday, December 3, 2015 2:04:16 PM



Bài liên quan



Trần Tiến Dũng/Người Việt

SÀI GÒN (NV)
- Bà con Việt kiều từ các nước phát triển về Sài Gòn có thể mua sắm vui chơi, có thể gặp món ngon vật lạ nội địa và toàn cầu, nhưng chắc chắn không dễ kiếm được một bữa cơm được nấu bằng hạt gạo ngon bằng thứ gạo đang bán ở nước ngoài.
Chuyện trông mong có được hạt gạo ngon bằng ngày xưa để ăn bữa cơm với nước mắm trơn dầm ớt hay cá kho khô, rau luộc... có khi phải chờ kiếp khác.
Sự thật về phẩm chất hạt gạo và nồi cơm ở xứ hô khẩu hiệu đệ nhị cường quốc xuất cảng gạo là như thế.


Việt Nam từng đứng hạng nhì thế giới về xuất cảng gạo. (Hình: Getty Images)


Ở Sài Gòn hiện nay, từ các siêu thị cho đến các cửa hàng gạo, người tiêu thụ có thể thấy hàng chục loại gạo có giá khoảng từ 1 đến 2 đô la một kg. Nếu gọi tên gạo thì gần như có đủ các tên gạo ngon từ miền Bắc cho đến miền Nam, nhưng sự thật đều không có gạo nào ngon đúng như tên gọi đã thành thương hiệu truyền thống lâu đời. Nếu chọn mua gạo Tám của miền Bắc hay Nàng Hương của miền Nam thì chắc ăn đó là thứ gạo giả danh hoặc ghép giống linh tinh nào đó.
Ðứng ở một điểm bán gạo, đón một người đàng ông đang mua 5kg gạo thơm Ðài Loan, hỏi chuyện vì sao ông chọn mua gạo Ðài Loan mà không mua gạo Việt, ông cười hì hì nói: “Ðây có phải gạo nhập từ Ðài Loan đâu anh, gạo Thái, gạo Nhật, gạo Mỹ... cũng là hàng trồng hoặc pha trộn ở Việt Nam tuốt hết, còn người bán họ để tên gì mà chẳng được, có khi chê dở thì mọi thứ gạo đều đồng hạng dở cho gạo Việt đỡ mắc cỡ.”
Hiện có tình trạng một số loại gạo được sản xuất trong nước, nhưng chỉ cần gắn mác ngoại thì giá đã tăng gần 30% so với gạo nội. Việc gắn các tên ngoại cho gạo là do các chủ đại lý gạo bày ra để câu khách hàng.
Có người hoài hương gạo ngon xưa cứ mãi thắc mắc là ở miền Nam trước đây có giống gạo Nàng Hương, gạo Nàng Thơm chợ Ðào, gạo trắng Tép... thơm ngon nức nồi cơm, nay thì không biết đã tuyệt chủng hay vẫn còn bác nông dân nào đó trồng để dành cho gia đình ăn riêng không bán.
Chúng tôi tìm anh Phước, một người có quê nội quê ngoại mấy đời ở Chợ Ðào-Long An để hỏi chuyện. Anh cho biết, “Lúa giống Chợ Ðào thứ thiệt, có đốt đuốc đi tìm cũng chẳng ai còn. Tôi nghe Campuchia có loại gạo thơm Romduol số một thế giới hiện nay, muốn qua bển kiếm giống về trồng thử, khi tìm hiểu thêm thì biết thứ gạo đó cũng một dạng như gạo Nàng Hương của mình trước đây, anh coi tiếc đứt ruột không?”
Trong vài năm gần đây, gạo Campuchia đứng đầu thị trường gạo ngon thế giới. Mỗi năm người nông dân Campuchia chỉ trồng một vụ lúa, sản lượng xuất cảng chỉ khoảng ba trăm ngàn tấn, so với hai ba triệu tấn của Việt Nam nhưng giá trị lợi nhuận thu về hơn hẳn Việt Nam và hiện nay họ có 8 thương hiệu gạo nổi tiếng, nhất là gạo Nàng Hương-Romduol còn Việt Nam chẳng có thương hiệu nào.
Nhưng hạt gạo Campuchia có ở thị trường Việt Nam không? Chúng tôi đến các vựa gạo bán sỉ và lẻ ở Chợ Lớn tìm hiểu thì được biết thêm một sự thật về sự phá sản chữ tín trong thị trường gạo hiện nay.


Sài Gòn với hàng ngàn điểm bán gạo với đủ các “thương hiệu gạo nổi tiếng nhưng chẳng có gạo ngon. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Ở đường Nguyễn Thị Nhỏ, một chủ vựa gạo người Hoa, thật thà kể, “Mấy năm trước gạo Campuchia về bán rất chạy, vì đúng là gạo từ hạt lúa mùa sáu tháng, không bón phân hóa học, không phun thuốc trừ sâu, nhưng rồi vì hút hàng nên người ta trộn đủ thứ gạo bậy bạ vô, miệng thì nói bảo đảm gạo Miên bán giá cao, lời nhiều nhưng có ông Trời biết là gạo gì.”
Bây giờ gạo Tám Hải Hậu - đặc sản của vùng đồng bằng Bắc Bộ cũng đã đánh mất tên tuổi, do phẩm chất không còn thơm ngon như trước. Thành ra nhiều bà nội trợ dân Bắc nhập cư ở Sài Gòn tìm mua gạo Tám Thái Lan, mới đầu còn thấy gạo đều hạt trắng đẹp mắt, dẻo thơm, nhưng sau thời gian thì gạo Tám Thái Lan cũng có chung số phận bị đánh tráo như gạo Campuchia.
Dạo gần đây, người sành ăn Sài Gòn ưa nhắc đến gạo Mỹ viện trợ trước 1975, lúc đó nhiều người Việt than thở rằng gạo gì ăn không giống gạo mà giống cơm nếp; nhưng giờ đây họ lại nuối tiếc. Có người còn quá đáng cho rằng phẩm chất nồi cơm của đại bộ phận người Sài Gòn còn dở hơn cả cơm sấy phát cho các quân nhân VNCH đi hành quân thời trước.
Ðối với giới lao động và sinh viên nghèo còn tệ hơn khi đối diện với vấn nạn ăn cơm bao no ở các hàng quán bình dân.
Cơm bao nó là thứ cơm được một loại hóa chất độc hại xuất xứ từ Trung Quốc làm cho phình trương hạt cơm. Khi viết bài này, chúng tôi có tham vấn kinh nghiệm từ giới từng bị đầu độc bằng cơm bao no về cách phân biệt. Một anh sinh viên ở ký túc xá làng Ðại Học Quốc Gia-Thủ Ðức nói: “Mãi sau này cháu mới biết cơm bao no có màu vàng vàng như cám lợn. Như biết thế thôi chớ trình độ sản xuất hóa chất độc của bọn Tàu kinh lắm, có khi nhìn bát cơm trắng cũng chẳng tin được bác à.”
Hàng triệu người Việt Nam ngày nay, nếu được hỏi giữa chén cơm sạch và chén cơm ngon thì hẳn nhiên đa số sẽ chọn chén cơm sạch với nguồn thực phẩm sạch, nhưng mơ ước về một bữa cơm có phẩm chất hạt cơm ngon vẫn cứ đeo đuổi. Họ nói với nhau một điều đơn giản: “Sao ông bà cha mẹ mình ngày trước còn có nồi cơm vừa sạch vừa ngon để ăn, bây giờ chế độ khoe ra rả đủ thứ thành tích vậy mà ra gì đâu, vừa dở vừa độc không hà!”
Thống kê về nhập khẩu gạo chính ngạch cho thấy, năm 2011 tổng lượng gạo nhập khẩu vào Việt Nam những năm gần đây khoảng 30,000 tấn. Nếu so với mức tiêu thụ gạo trong nước khoảng 19-20 triệu tấn/năm. Ðiều đó có nghĩa là giới nhà giàu nhất là gia đình các quan Cộng Sản thừa tiền để được ăn thứ gạo không phải được cấy trồng trên đất nước là cường quốc xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới. Vậy đó, đến từng hạt gạo, mỗi chén cơm cũng cho thấy khoảng cách giàu nghèo kinh khủng của đời sống Việt Nam hôm nay.

 http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=218511&zoneid=310


Geen opmerkingen:

Een reactie posten