woensdag 2 december 2015

Miến Điện : Bà Aung San Suu Kyi gặp Tổng thống và Tư lệnh quân đội Miến Điện để bàn về việc chuyển giao chính quyền hành cho LND

Miến Điện : Bà Aung San Suu Kyi gặp Tổng thống chuẩn bị tiếp quản chính quyền

mediaTổng thống Miến Điện Thein Sein tiếp bà Aung San Suu Kyi tại Naypyitaw, ngày 02/12/2015REUTERS/Myanmar News Agency/Handout via Reuters
Hôm nay 02/12/2015, tại Naypyidaw, thủ đô hành chính Miến Điện ; lãnh đạo Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (LND) bà Aung San Suu Kyi đã có hai cuộc gặp liên tiếp với Tổng thống và Tư lệnh quân đội Miến Điện để bàn về việc chuyển giao chính quyền hành cho LND, đảng vừa giành thắng lợi trong kỳ bầu cử Quốc hội hôm 08/11 vừa qua.
 
Tổng thống Thein Sein đã tiếp bà Aung San Suu Kyi ở Dinh Tổng thống tại thủ đô Naypyidaw trong vòng 45 phút. Phát ngôn viên của Phủ Tổng thống, đồng thời là Bộ trưởng Thông tin Ye Htut cho biết cuộc gặp « tập trung vào việc chuyển giao nhẹ nhàng và êm đẹp các trách nhiệm của Nhà nước cho một chính phủ tương lai .... có được sự hợp tác hai bên để không gây lo lắng trong dân chúng ».
Ngay sau cuộc làm việc với Tổng thống Thein Sein, buổi chiều, lãnh đạo Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ tiếp tục cuộc tham khảo ý kiến với tướng Min Aung Hlaing, Tư lệnh quân đội Miến Điện. Nội dung cuộc gặp vẫn là về việc chuyển giao quyền lực và sự hợp tác của quân đội với chính phủ sắp tới.
Sau buổi tiếp lãnh đạo LND, trên trang Facebook của tướng Min Aung Hlaing có đăng thông cáo ghi rõ,hai bên « nhất trí hợp tác vì sự ổn định và hòa bình, tôn trọng luật pháp, thống nhất và hòa giải và vì sự phát triển của đất nước theo ý nguyện của nhân dân ».
Về phần mình, bà Aung San Suu Kyi không đưa ra bình luận nào về hai cuộc gặp này.
Sau khi Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ giành thắng lợi áp đảo trong bầu cử Quốc hội ngày 08/11, bà Aung San Suu Kyi đã chủ động đề nghị được gặp các lãnh đạo chủ chốt của chính quyền để thảo luận về hòa giải dân tộc, chuẩn bị cho LND tiếp quản quyền lực.
Dù chiếm đa số trong Quốc hội, nhưng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ vẫn phải hợp tác với giới tướng lãnh, luôn chiếm 25% số ghế ở Quốc hội, một số lượng bảo đảm cho quân đội có thể phủ quyết bất kỳ dự án cải cách nào tại nghị trường. Hơn nữa, theo Hiến pháp Miến Điện, phe quân đội vẫn nắm giữ ba Bộ : Nội vụ, Quốc phòng và Biên giới.
Sau cuộc bầu cử vừa qua, Tổng thống Thein Sein và tướng Min Aung Hlaing đều đã thừa nhận thắng lợi của LND và cũng ngỏ ý ủng hộ một sự chuyển giao quyền lực một cách nhẹ nhàng cho chính phủ mới vào khoảng tháng 3 năm 2016.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20151202-mien-dien-ba-aung-san-suu-kyi-gap-tong-thong-va-tu-lenh-quan-doi-chuan-bi-tiep-quan-

Miến Điện : Bà Aung San Suu Kyi gặp Tổng thống và Tư lệnh quân đội

mediaChủ tịch Nghị viện Shwe Mann đón bà Aung San Suu Kyi tại Naypyidaw, ngày 19/11/2015.REUTERS/Soe Zeya Tun
Bốn tuần sau cuộc bầu cử lịch sử đem lại chiến thắng áp đảo cho đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (LND), lãnh đạo đảng Aung San Suu Kyi sẽ gặp Tổng thống và Tổng tư lệnh quân đội vào ngày 02/12/2015 tại thủ đô hành chính Naypyidaw.
Ngay sau khi có kết quả bầu cử chính thức, theo đó, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ giành được 80% số phiếu, bà Aung San Suu Kyi đã đề nghị được gặp các nhân vật chủ chốt trong chính quyền mãn nhiệm chuẩn bị cho việc tiếp nhận quyền lực trên tinh thần « hòa giải dân tộc».
Đến giờ, giải Nobel Hòa bình mới có cuộc làm việc với ông Shwe Mann, Chủ tịch Hạ viện, diễn ra cách đây hơn một tuần.
Hôm nay, Tổng thống Thein Sein và Tổng tư lệnh quân đội, tướng Min Aung Hlaing, thông qua trang Facebook cá nhân đã khẳng định cuộc gặp với nhà đối lập sẽ diễn ra vào thứ Tư 02/12 tại Naypyidaw.
Cả hai nhân vật chủ chốt của chính quyền hiện nay cũng hứa chuyển giao quyền lực cho đảng của bà Aung San Suu Kyi. Cuộc chuyển giao này đang rất được mong đợi ở Miến Điện.
Năm 1990, đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ cũng đã từng giành thắng lợi trong bầu cử. Ngay sau đó chính quyền quân sự đã không thừa nhận kết quả và thậm chí còn ra lệnh quản thúc tại gia lãnh đạo đảng bà Aung San Suu Kyi. Phải đợi đến năm 2010, chính quyền của tổng thống Thein Sein vừa chuyển tiếp sang dân sự mới trả tự do cho lãnh tụ đối lập.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20151130-mien-dien-ba-aung-san-suu-kyi-gap-lanh-dao-chu-chot-chinh-quyen-man-nhiem

Lớp kế thừa tập đoàn quân sự Miến Điện chấp nhận đổi mới chính trị

mediaChủ tịch Quốc hội Shwe Mann (áo thẫm) và bà Aung San Suu Kyi, trong cuộc gặp tại Naypyitaw, ngày 19/11/2015REUTERS
Bị ngọn sóng thần đối lập quét trôi qua cuộc bầu cử Quốc hội 8/11, các dân biểu của đảng cầm quyền, hậu thân của tập đoàn quân phiệt, cam kết sẽ tuân thủ « luật chơi dân chủ » và sẽ nhường chỗ cho thế hệ lãnh đạo mới, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, để giữ vai trò đối lập.
Trong một bài tường thuật từ Naypyidaw, thủ đô hành chính của Miến Điện cách Rangun 6 giờ đường bộ, AFP ghi lại một số động thái và tuyên bố tiêu biểu của những dân biểu thân chính quyền bị mất ghế trong cuộc bầu cử vừa qua.
Khi được phỏng vấn, các vị dân biểu thất cử này không che dấu thất vọng nhưng ngay lập tức họ tuyên bố chấp nhận vì « đây là hệ quả tất yếu của dân chủ ». Rất khó tưởng tượng những người có đặc quyền trong chế độ Miến Điện có thể tuyên bố như trên cách nay vài năm.
Từ thứ Hai tuần này, sinh hoạt Nghị trường Miến Điện diễn ra bình thường cho đến ngày bàn giao vào tháng Giêng 2016 vì còn phải biểu quyết ngân sách chính phủ.
Cho dù bị thua đậm, nhưng các dân biểu của đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển USDP, do các tướng lãnh thành lập năm 2010, trước khi hồi hưu tập thể, vẫn đi họp đầy đủ. Tuy nhiên, ít có người nào đưa ra lời bình luận về thất bại nặng nề vừa qua. Phát ngôn viên của đảng, dân biểu Htay Oo, công nhận là rất thất vọng vì bị thất cử. Ngay tại « thủ đô » Naypyidaw rộng lớn, được xây dựng từ rừng hoang cách nay 10 năm, phe cầm quyền cũng không thoát được ngọn sóng thần của đối lập. Tuy nhiên, ông Htay Oo nhận định « dân chúng đã bầu chọn một cách dân chủ. Thời gian sẽ cho biết sự lựa chọn của dân có đúng hay không ? ».
Thông điệp này không khác chi với tuyên bố của Tổng thống Thein Sein. Chủ nhật vừa qua, ông nhắc lại quyết tâm bàn giao quyền lực cho chính phủ mới.
Theo AFP, tình hình ít ra là trên mặt nổi, mọi việc đều diễn ra theo chiều hướng tốt. Hôm nay, Chủ tịch Quốc hội Shwe Mann tiếp lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi. Đây là cuộc trao đổi « hòa giải » đầu tiên với các cựu tướng lãnh trách nhiệm tiến trình dân chủ hóa.
Tại Quốc hội cũng có những dấu hiệu chuẩn bị bàn giao. Dân biểu Saw Hla Tun, thành viên của Ủy ban Luật pháp khẳng định đang ghi chép những điều cần thiết để trao cho những người kế nhiệm.
Trở thành đối lập
Dân biểu Saw Hla Tun cho biết là phải chấp nhận đổi thay : trong chế độ dân chủ, bầu cử sẽ có kẻ thua người thắng. Một lúc nào đó, phe đa số trở thành đối lập, sẽ mất một số ưu quyền như nhà công vụ ở thủ đô…
Một công chức phục vụ tại Nghị trường cũng cho biết ông rất ngạc nhiên khi thấy đảng USDP thua đậm ngay tại Naypyidaw. Tuy nhiên, cũng như ông, công chức và quân nhân đã dồn phiếu cho Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi vì họ « muốn đổi mới ».
Một cách khách quan, đảng cầm quyền thất bại vì dân chúng chán chê, vì mất hết uy tín. Trở về thế đối lập là cơ hội để phục sinh như tuyên bố của cựu tướng Maung Oo. Cựu Bộ trưởng Nội vụ, dân biểu vừa mất ghế thẩm định là cần phải chỉnh đốn đảng USDP, để ra tranh cử trong năm năm tới.
Một dân biểu thất cử khác tán đồng : Chúng tôi phải chứng tỏ với dân chúng là USDP cũng là một đảng chính trị hoạt động vì nhân dân.
Theo nhà phân tích độc lập Renaud Egreteau, con đường chuyển tiếp chính trị tại Miến Điện sẽ mất thời gian vì không phải đơn thuần là chuyện bàn giao quyền lực. Năm năm tới đây sẽ là thời gian quyết định cho một chính phủ dân sự. Bà Aung San Suu Kyi và Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ phải chứng tỏ đủ khả năng điều hành việc nước mà không gây tổn hại cho sự toàn vẹn lãnh thổ.
Trên thực tế, tuy đảng cầm quyền đại bại, nhưng phe quân nhân vẫn còn chỗ đứng đáng kể trong Nghị trường với 25% ghế dành riêng. Trong nội các, họ nắm hai bộ Quốc phòng và Nội vụ.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20151119-lop-ke-thua-tap-doan-quan-su-mien-dien-chap-nhan-doi-moi-chinh-tri

Bầu cử Miến Điện : Đảng đối lập chiếm đa số tuyệt đối cả hai viện

mediaChào mừng chiến thắng của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ. Ảnh chụp bên ngoài trụ sở đảng đối lập ở Rangoon, 09/11/2015.REUTERS/Jorge Silva
Giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đảng đối lập Liên đoàn Quốc gia vì Dân Chủ, đã giành được thắng lợi lịch sử trong cuộc tổng tuyển cử ngày 08/11/2015 vừa qua: đảng của bà chiếm được đa số tuyệt đối ở cả Hạ viện và Thượng viện Miến Điện.
Theo AP, Ủy ban bầu cử Miến Điện, ngày hôm nay, 13/11/2015 ra thông báo : mặc dù chưa kiểm phiếu hết, nhưng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đã giành được tổng cộng 348 ghế ở cả hai viện, trong khi chỉ cần 329 ghế trong tổng số 664 ghế là có đa đa số.
Do tình hình căng thẳng ở một số nơi trước cuộc bầu cử, cuộc bỏ phiếu đã không được tổ chức ở bẩy địa điểm. Chính vì thế, chỉ cần có 329 ghế là đủ để có được đa số ở cả Hạ viện (Quốc hội) và Thượng viện (Hội đồng các sắc tộc). Trong khi đó, đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đã chính thức 110 ghế tại Thượng viện và 238 ghế tại Hạ viện – cho phép tân Quốc hội thông qua các đạo luật do chính phủ đề xuất, mà không cần phải liên minh với các đảng phái khác.
Tính đến chiều nay, đảng cầm quyền Liên minh Đoàn kết và Phát triển, được quân đội ủng hộ, chỉ có được tổng cộng 40 ghế.
Theo Hiến pháp hiện hành của Miến Điện, quân đội được quyền chỉ định 25% tổng số ghế ở Hạ viện và Thượng viện và bà Aung San Suu Kyi không thể trở thành Tổng thống do có con mang quốc tịch nước ngoài.
Tuy vậy, với kết quả kiểm phiếu được công bố chính thức, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi sẽ đứng ra lựa chọn tân Tổng thống và lập chính phủ. Đây là thắng lợi vượt quá mong đợi của phe đối lập.
Từ Rangoon, thông tín viên RFI Remy Favre gửi về bài tường trình :
« Giành được được đa số tuyệt đối có nghĩa là Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ có thể lựa chọn Tổng thống. Đây là thắng lợi đầu tiên tại Miến Điện, nơi giới tướng lãnh thống trị chính trường từ hơn 50 năm qua. Tổng thống Miến Điện có nhiều quyền hành như bổ nhiệm phần lớn các Bộ trưởng, cho dù quân đội được quyền bổ nhiệm Bộ trưởng một số bộ chủ chốt. Như vậy, đảng của bà Aung San Suu Kyi sẽ chia sẻ quyền hành pháp với quân đội. Hiện nay, một số nhóm sắc tộc thiểu số lo ngại là không có đại diện của họ trong các định chế mới ở Miến Điện.
Vậy thì ai trong số các lãnh đạo của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ sẽ trở thành Tổng thống của Miến Điện ? Bà Aung San Suu Kyi không thể đảm nhiệm chức vụ này. Bản Hiến pháp do giới tướng lãnh làm ra trước đây chỉ để chống lại bà, ngăn cản bà trở thành Tổng thống. Thế nhưng, trong chiến dịch vận động tranh cử, bà Aung San Suu Kyi không nêu ra một ai để đảm nhiệm chức vụ Tổng thống và trước các đám đông, bà vẫn chỉ xuất hiện một mình, trừ lúc bà đọc bài diễn văn trong cuộc vận động tranh cử cuối cùng. Bà chỉ nói là bản thân bà sẽ giữ một vị trí đứng trên Tổng thống cho dù Hiến pháp Miến Điện không nói đến trường hợp này. Bà tuyên bố rằng tân Tổng thống sẽ làm những gì mà Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ bảo phải làm. Nói một cách khác, đó là Tổng thống bù nhìn ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20151113-bau-cu-mien-dien-dang-doi-lap-chiem-da-so-tuyet-doi-ca-hai-vien


Geen opmerkingen:

Een reactie posten