woensdag 2 december 2015

Costa Rica : Tấm gương sáng cho COP21

Costa Rica : Tấm gương sáng cho COP21

media 
Tới năm 2030, Costa Rica cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo - AFP / Ezequiel BECERRA
Trong số 195 quốc gia cử phái đoàn đến Paris dự hội nghị quốc tế về khí hậu, giới chuyên gia đặc biệt quan tâm tới phái đoàn của Costa Rica. Về mặt diện tích, quốc gia Trung Mỹ này (51.000 km2) nhỏ hơn nước Pháp gấp mười lần, một cậu bé tí hon so với các nước khổng lồ như Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga, thế nhưng về mặt thành quả chống biến đổi khí hậu, Costa Rica là học trò giỏi nhất lớp. Trong đại gia đình COP21, Costa Rica cũng là đứa con ngoan nhất nhà.
Costa Rica đạt được những thành quả ngoạn mục trong quá trình chống biến đổi khí hậu nhờ hội tụ được cả ba yếu tố : thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Thiên thời là vì ngay từ hội nghị quốc tế về môi trường và khí hậu tại Rio de Janeiro, thời bấy giờ còn được gọi là Hội nghị về Trái đất (Sommet de la Terre / Earth Summit), giới lãnh đạo Costa Rica đã biết nắm bắt thời cơ, giành mọi ưu tiên cho một mô hình phát triển bền vững, không chỉ vì cắm đầu chạy theo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế mà lại gạt qua một bên cái giá phải trả về mặt y tế, xã hội cũng như môi trường.
Từ chính sách nâng lên hàng quốc sách, ngay từ năm 2007, Costa Rica đã thông báo việc giảm lượng khí CO2 xuống mức tối thiểu, cũng như giảm 44% các loại khí khác gây hiệu ứng nhà kính trong vòng ba thập niên. Tính tới giờ này, tức là chỉ gần 10 năm sau thì coi như là Costa Rica đã hoàn thành mục tiêu thứ nhất.
Yếu tố thứ nhì là địa lợi. Tuy là một nước nhỏ, đứng hàng thứ 125 trên thế giới về mặt diện tích, nhưng Costa Rica lại có một nguồn ‘’tài nguyên thiên nhiên’’ mà ít nơi nào có : đó là sự đa dạng sinh học kể cả sơn lâm, thủy vực cũng như hải sản tương đương với 6% hệ sinh thái trên toàn cầu.
Ngay từ giữa những năm 1990, một phần tư diện tích của Costa Rica được xếp vào danh sách khu bảo tồn thiên nhiên. Vào lúc một số nước láng giềng ở Trung Mỹ và Nam Mỹ cũng như các quốc gia thuộc vùng sông Amazon như Brazil tiếp tục đốn cây lấy gỗ, khai thác rừng để lấy đất canh tác trồng trọt, thì Costa Rica lại dẫn đầu trong việc trồng cây để tái tạo rừng xanh. Trong vòng mười năm, Costa Rica cam kết trồng lại 50.000 hécta rừng.
Chính sách phát triển bền vững đã tạo ra nhiều kết quả khá bất ngờ, trong đó có sự phát triển khá mạnh mẽ của ngành ‘’du lịch xanh’’ với sự hình thành của các ‘’green resorts’’, các khu nghỉ dưỡng được xây cất nhưng vẫn tôn trọng sinh thái. Việc phát triển ngành du lịch không bừa bãi đi kèm với hệ thống xử lý rác thải hầu tránh bị quá tải, một điều mà cho tới nay các tụ điểm du lịch như Langkawi ở Malaysia, Bali ở Indonesia, Phuket hay Samui ở Thái Lan, vùng Port Louis hay Baie des Cerfs ở đảo Maurice vẫn chưa thực hiện được, việc xử lý rác thải của ngành du lịch vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của các chính quyền địa phương.
Có một điều rất lạ là khi các khu nghỉ dưỡng được lồng vào khung cảnh thiên nhiên hài hòa, thì giới du khách nước ngoài bỗng dưng có thêm tinh thần trách nhiệm, họ được khuyến khích tiết kiệm nguồn nước sạch, dù không cần khuyên bảo, nhưng họ cũng bớt xả rác như thể họ không muốn làm mất đi cái vẻ đẹp ban đầu của những nơi họ vừa đặt chân tới.
Có lẽ cũng vì thế mà khác với hai trường hợp của cộng hoà Dominica và Venezuela, sự phát triển du lịch của Costa Rica trở nên hài hòa, du lịch sinh thái cũng là ngành mũi nhọn đem lại nhiều ngoại tệ cho Costa Rica. Trong khi nước láng giềng Venezuela thì lại bị xem như là một trong những học trò hư hỏng, do Venezuela chủ trương tiếp tục khai thác ngành dầu hỏa và thường gác lại các chương trình chống biến đổi khí hậu.
Yếu tố thứ ba và cũng là yếu tố quan trọng hơn cả chính là nhân hoà. Người dân nước này ý thức được rằng phát triển bền vững là một điều về lâu về dài có lợi cho họ. Ngành trồng cà phê chẳng hạn là một ngành xuất khẩu mạnh của Costa Rica, với trên dưới 60.000 họ gia đình sống nhờ vào nghề này. Việc dùng phân bón hóa học cũng như nguồn nước để tưới cây, tương đương với 15% lượng khí thải hàng năm của Costa Rica.
Chính phủ nước này đã đề xuất một kế hoạch đầy tham vọng hỗ trợ các nhà trồng trọt, dùng phân bón tự nhiên để dần dần thay thế các chất hóa học. Bã cà phê cũng được tái xử lý để biến thành chất đốt thay thế một phần cho gỗ, than đá hay dầu diesel. Kế hoạch này được thực hiện trong mười năm hầu giúp Costa Rica đạt mục tiêu thứ nhì giảm các loại khí thải khác gây hiệu ứng nhà kính trong đó có hai chất méthane và azote.
Một vế quan trọng khác nữa là việc thay thế năng lượng hoá thạch bằng năng lượng tái tạo. Trong cuộc chạy đua đường trường, Costa Rica đã phá kỷ lục trong năm nay do chính mình nắm giữ. Hồi tháng tám năm 2015, Costa Rica trở thành quốc gia đầu tiên hoạt động nhờ năng lượng tái tạo trong vòng 94 ngày, tức là hơn ba tháng trong một năm. Sau hai thập niên liền giảm mức nhập khẩu than đá và dầu hỏa để tránh lệ thuộc vào năng lượng hoá thạch, giờ đây Costa Rica nuôi tham nâng mức sản xuất năng lượng sạch lên tới 90%, thậm chí 100% từ đây cho tới năm 2030.
Đó cũng sẽ là thời điểm cải tiến toàn bộ hệ thống giao thông công cộng ở San José, thủ đô Costa Rica. Từng bước một, thành phố này đang thay đổi các phương tiện vận chuyển, trong tương lai gần toàn bộ hệ thống chuyên chở sẽ chạy bằng điện thay vì bằng xăng dầu. Không phải ngẫu nhiên mà gương mặt có uy tín nhất của Liên hiệp quốc về vấn đề khí hậu là một phụ nữ người Costa Rica. Bà Christiana Figueres dẫn đầu một phái đoàn chuyên gia nắm vững nhiều hồ sơ, điều mà thế giới quan tâm là bằng cách nào mà Costa Rica đã thực hiện được các mục tiêu của mình, và trong chừng mực nào các chính sách ấy có thể đem ra ứng dụng cho các quốc gia khác.
Cũng không phải là điều ngẫu nhiên khi trong đoạn phim video minh họa cho ca khúc chính thức của hội nghị COP21, có nhiều cảnh quay tại Costa Rica. Bài hát do nam danh ca Paul McCartney sáng tác và triệu tập đông đảo nghệ sĩ quốc tế cùng ghi âm, đã chọn một tựa đề mang đầy biểu tượng là bản Tình ca cho Trái đất (Love Song to The Earth).
Trái với hình ảnh của Trung Quốc, nơi còn được mệnh danh là vùng đất AirPocalypse, chủ yếu vì mức ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn tại Hoa lục kể cả thủ đô Bắc Kinh cao gấp 20 lần so với thủ đô Paris, Costa Rica đã trở thành một tấm gương sáng ngời đặc biệt. Costa Rica còn được mệnh danh là El País de la Pura Vida, xứ sở của không khí trong lành, giang sơn của cuộc sống thuần khiết.

http://vi.rfi.fr/phap/20151202-costa-rica-tam-guong-sang-cho-hoi-nghi-cop21

Geen opmerkingen:

Een reactie posten