maandag 19 oktober 2015

Trung Quốc : Ma túy tổng hợp bùng nổ

Trung Quốc : Ma túy tổng hợp bùng nổ

mediaSố lượng methamphetamin mà hải quan Thái Lan đã tịch thu trong 6 tháng đầu năm 2012 (AFP)
Le Monde hôm nay 05/12/2012 nhìn về Trung Quốc, nơi mà các loại ma túy tổng hợp đang bùng nổ.
Hiện nay, theo le Monde, 23% người nghiện ma túy đã quay sang sử dụng methamphetamin, nhất là giới trẻ. Tác hại của loại ma túy không nhỏ, nhưng chính quyền lại xem thường và không có biện pháp ngăn ngừa.
Tác giả bài phóng sự, Harold Thibault, trên Le Monde đưa độc giả đến căn nhà số 38 đường Thụy Kim, ở trung tâm thành phố nhỏ Thụy Lệ, tỉnh Vân Nam. Căn nhà có vẻ tồi tàn, nằm giữa hai tiệm bán thức ăn, nhưng không ngớt người lui tới. Tác giả bài viết đếm cứ 3 phút là có một người nghiện ma túy bước vào.
Một thanh niên 22 tuổi, đã vào đây. Anh nhanh chóng trở ra sau vài giây, túi đầy các liều ‘bingdu’, tức methamphetamin, mà nguời ta còn gọi là ‘ice’. Thanh niên này cho biết là đã sử dụng ma túy và bị nghiện cách nay hai, ba năm. Theo anh, ở thành phố Thụy Lệ này, giá rẻ hơn nơi khác nhiều.
Vùng Vân Nam nằm giáp ranh Miến Điện, nổi tiếng về buôn lậu bạch phiến, nhưng hiện nay theo bài báo, các loại ma túy tổng hợp methamphetamin đang nổi trội lên. Nếu năm 2008 chỉ có 9 người nghiện sử dụng loại này, tỷ lệ hiện nay đã lên 23% và trong chiều hướng gia tăng, nhất là trong giới trẻ : 2/3 dưới 35 tuổi.
Loại ma túy tổng hợp này trước đây thường được sử dụn trong giới giàu có Hồng Kông nhưng đã lan nhanh sang các thành phố Trung Quốc, và giá cả ngày càng đắt lên.
Thanh niên ở Thụy Lệ cho biết tại thành phố này, giá một liều methamphetamin, chỉ là 4 hay 5 yuan (0,5euro), nhưng không việc làm anh đã phải vay tiền cô bạn để mua những lièu cần thiết trong ngày, có khi phải chi đến 100 yuan trong lúc mà tại thành phố Bảo Sơn, nơi anh ở cách Thụy Lệ 250 cây số, thì anh phải trả gấp 3 lần. Ở Bắc Kinh và Thượng Hải còn cao hơn rất nhiều.
Nhưng do đâu mà loại ma túy này lan nhanh như thế trong giới trẻ. Một giáo sư tại Đại học Thượng Hải phân tích : “Tại các quán ba, thanh niên thử nghiệm loại ma túy này theo lời khuyên của bạn bè. Lúc đầu thử để biết, để vui chơi. Và do đó nó đã lan nhanh trong giới tiêu thụ ở các thành phố giàu”.
Điều làm cho giới hoạt động xã hội lo ngại hiện nay là tác hại của loại ma túy này trong lúc chính quyèn rất lơ là, không có chính sách ngăn chặn.
Tác giả bài báo trích dẫn một người thuộc một hiệp hội giúp đõ người nghiện ma túy, cho biết là bà chưa thấy một người nghiện bingdu nào cai và bỏ được ma túy này, và phần đông không muốn thấy hệ quả chết người của nó.
Đối với những người nghiện này thì các quán cà phê internet và phòng chơi game rất nguy hiểm. Lúc sử dụng thuốc thì cảm thấy rất sảng khoái, nhưng ngày hôm sau thì mệt lả, nhưng vẫn không ngủ được, cho họ vẫn đến các nơi nói trên trong trạng thái không ổn này.
Hiện nay, chủ trương chống ma túy chủ yếu nhắm vào các loại ‘truyền thống’ như heroin, và cảnh sát được đào tạo chống lại loại ma túy này, còn chống methamphetamin thì không.
Theo chứng nhân này, trước đây mua heroin dễ như mua bắp cải ở chợ, nhưng giờ đây phải biết nơi mua, biết đường dây, trong lúc methamphetamin, thì có thể mua dễ dàng ở mọi nơi. Theo tác giả bài phóng sự, quả là như thế : 5 xe cảnh sát đã chạy vào đường Thụy Kim, nhưng chẳng thèm để ý đến căn nhà số 38, không chiếc nào dừng lại đây.
Không những thế, hiện nay giới sản xuất ma túy tổng hợp, đang gia tăng cở sở ở Trung Quốc, vì đây là thị trường ngày phát triển. Theo tác giả bài báo, Miến Điện không phải là nguồn cung cấp duy nhất ma túy này cho Trung Quốc, mà còn có Bắc Triều Tiên. Nếu ma túy từ Miến Điện vào vùng phiá Nam, từ Vân Nam, thì các nhóm mafia Bắc Triều Tiên cung cấp cho vùng đông bắc Trung Quốc.
Tác giả bài báo nêu câu hỏi liệu chính quyền Bình Nhưỡng có trực tiếp dính líu đến vấn đề này hay không ? Có lẽ là có. Một số chuyên gia Trung Quốc cho là Bắc Kinh có thể là đã có câu trả lời, nhưng đây là một vấn đề quá tế nhị, và Trung Quốc vì nhiều lý do đang hỗ trợ cả Bắc Triều Tiên lẫn Miển Điện, cho dù đấy hai nguồn ma túy tác hại đến dân chúng Trung Quốc.
Nhật Bản : Cử tri mất niềm tin
Ngoài Trung Quốc báo Le Monde còn nhìn sang Nhật Bản, nhưng trên bình diện chính trị : Nhật bầu Quốc hội trước thời hạn vào tháng 12 này. Tờ báo ghi nhận là cử tri Nhật không còn tin tưởng nữa.
Tác giả bài nhận định, Philippe Pons, mở đầu bài viết, trích lời một đồng nghiệp sau buổi họp báo với cựu thống đốc Tokyo, Shintaro Ishibara, đã nhận định một cách bực dọc là : “Còn cần đến một người như ông ta thì đủ cho thấy tình trạng của nước Nhật như thế nào rồi”. Trong cuộc họp báo ông Ishibara thông báo thành lập một đảng cánh hữu mới, theo xu hướng dân túy.
Theo Philippine Pons các nhà báo nước ngoài rất thích các buồi họp báo của nhân vật tuôi 80 này, với cách ăn nói thô tục, vì chắc chắn sẽ có những câu nói ‘hay ho, để làm tít’.
Nhưng hiện tượng Ishibara lại phản ánh tất cả mặt trái của sân khấu chính trị Nhật, cảnh ấu đả của khoảng 15 đảng, giành ghế trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 16/12 tới, và cuộc vận động tranh cử khởi sự vào hôm qua, 04/12. Tầng lớp chính trị Nhật đã cho thấy là không có khả năng đổi mới.
Philippe Pons trích lời chuyên gia người Mỹ Gerald Curtis, giải thích là bế tắc chính trị hiện nay ở Nhật xuất phát từ việc cả đảng Dân chủ Tự do, nắm quyền từ 1955 đến 2009, lẫn đảng Dân Chủ đang cầm quyền, đã không đổi mới được hàng ngũ với những chính trị gia có khả năng.
Đứng ra lãnh đạo chính trị có nghiã phải có những người biết mình muốn đi về đâu và biết truyền đạt những ý tưởng của đến cử tri. Ở Nhật thì thiếu cả hai điều kiện trên. Tác giả bài báo nhắc lại là ở nước ngoài thì người thường cho là chính trị Nhật mờ mịt khó hiểu.
Nhưng đứng trước cuộc bỏ phiếu lần này, với 15 đảng lần này có những tên gọi gợi lên các vấn đề gây khó chiụ, bức xúc cho họ - như Đảng Giảm thuế, Đảng Ưu tiên cho cuộc sống công dân - thì chính người dân Nhật cũng cảm thấy hoang mang, không biết đâu mà lần.
Trong một cuộc thăm dò dư luận gần đây, gần 50% người được hỏi không còn nhận mình trong các đảng truyền thống nữa. Cho nên bỏ phiếu cho ai đây, quả là khó nói. Không lẽ bầu lại Đảng Dân chủ, đưa ông Noda trở lại ghế thủ tướng, khi mà chính ông cho giải tán Quốc hội. Bầu cho đảng cánh hữu đối lập Tự do Dân chủ, đưa cựu thủ tướng Shinzo Abe trở lại chiếc ghế này, thì không hứng thú lắm, đảng này cho thấy là không có đổi mới gìcả và ngày càng bảo thủ hơn ? Hay là bầu cho các đảng nhỏ đề họ lập liên minh cầm quyền ?
Trong phần kết luận tác giả bài báo nhin thấy Nhật Bản, nền dân chủ lâu đời nhất Châu Á, cũng như Hàn Quốc, nền dân chủ trẻ nhất, bầu tổng thống tháng 12 này, đang kinh qua một cuộc khủng hoảng về lãnh đạo, vì xã hội thay đổi nhanh hơn là tầng lớp chính trị.
Đàng sau nhóm BRIC sẽ có Việt Nam
Trong lãnh vực kinh tế, báo Les Echos ở trang quốc tế có bài viết về các quốc gia đang trỗi dậy dưới bóng của nhóm BRIC tức Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc. Đó là những quốc gia đang trổi dậy mới mà theo Les Echos, đã ẩn minh bấy lâu nay đằng sau nhóm thường nhắc đến là BRIC, bắt đầu làm cho người ta chú ý.
Theo đánh giá của Goldman Sachs, có nhóm 11 nước kế tiếp trong tương lai, N-11 (Next Eleven), và tiềm năng tăng trưởng các quốc gia này đến mức mà trong 40 năm tới, trọng lượng kinh tế của họ có thế sánh với G7. Và nếu cộng với các chàng khổng lồ của nhóm BRIC, thì các quốc gia trỗi dậy này sẽ nắm đến 60% tăng trưởng thế giới.
Les Echos liệt kê những người học trò giỏi này, bao gồm từ Indonesia, Hàn Quốc, Ai Cập, Iran, Mêhicô, đến Bangladesh... Ưu điểm các nước này là họ tập trung một tầng lớp trung lưu đáng kể, có sức tiêu thụ cao.
Còn công ty tham vấn tài chính Ernest &Young, theo Les Echos, đã chọn đến 25 quốc gia có tiềm năng tăng trưởng cao, đưa vào danh sách nào là cộng hoà Séc, Ba Lan ... dựa trên tiềm năng kinh tế và dân số. Đánh giá của công ty này là tăng trưởng của 25 quốc gia này có thể đạt 4,5% năn nay và 5,5% năm 2013, tức cao gấp đôi dự kiến tăng trưởng của thế giới (2,2% năm nay và 2,5% năm 2013).
Nhưng Les Echos nhìn thấy số 25 quốc gia đó không vươn lên đồng đều, mà nổi trội là 3 nhà vô địch : Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam. Ba nước này theo Ernest & Young, đều có những điểm chung : dân số trẻ đang tăng, thu nhập người dân cũng tăng.
Và theo Les Echos, các tác nhân ở ngoài thường chú mục vào khả năng đón nhận đầu tư ngoại quốc của các nước này hay cơ hội kinh doanh, nhưng hiếm khi đo lường bất ổn có thể xẩy ra, hay tình hinh bấp bênh.
Tít chính trong làng báo
Chủ đề thời sự mà báo giới dành tít trang nhất hôm nay khá tản mạn. Le Figaro nhìn về Syria, nơi chế độ tổng thống Assad đang « phóng lao thì phải theo lao ». Phương Tây lo ngại là trong cơn điên cuồng, Damas sẽ sử dụng vũ khí hóa học, tích lũy được trong thời gian qua với sự giúp đỡ của Nga và Iran.
Báo kinh tế Les Echos quan tâm đến hiện tượng các gia đình giàu có Châu Âu đi trốn thuế. Tờ báo xác định : Nơi ẩn náu của họ là Thụy Sĩ, vốn đang bị sức ép các láng gịềng.
Libération thì nhìn lại chính trường Pháp, nói đúng hơn là quan điểm của tổng thống Hollande, và ghi nhận trong hàng tít đập mắt là có « 4 sắc hồng » (màu biểu tượng đảng Xã hội). Tờ báo giải thích là sau 6 tháng cầm quyền, do không có một chủ thuyết riêng, cho nên hành động của tổng thống Pháp vẫn dựa trên 4 gương mặt ‘tiền bối’ trong đảng : Delors, Mitterand, Chevènement, Jospin.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20121205-trung-quoc-ma-tuy-tong-hop-bung-no

Geen opmerkingen:

Een reactie posten