zondag 25 oktober 2015

Hành trình 5 tỷ km khám phá Diêm Vương tinh của phi thuyền thăm dò New Horizons của NASA + Bộ mặt sần sùi của Diêm Vương tinh

Thứ năm, 16/7/2015 | 18:00 GMT+7

Hành trình khám phá Diêm Vương tinh

New Horizons là tàu vũ trụ đầu tiên tiếp cận thành công sao Diêm Vương sau hành trình dài 9 năm, vượt gần 5 tỷ km, mở ra hướng nghiên cứu mới kể từ khi hành tinh lùn này được phát hiện năm 1930.
1-3552-1437012719.jpg
Hình ảnh sao Diêm Vương được chụp từ tàu New Horizons. Ảnh: ITN
New Horizons được phóng vào 19/1/2006, tiếp cận thành công sao Diêm Vương hồi đầu tuần. Nó có nhiệm vụ vẽ bản đồ bề mặt sao Diêm Vương và vệ tinh là mặt trăng Charon, để tìm hiểu khí quyển của hành tinh lùn này và thực hiện đo đạc nhiệt độ.
Lịch sử khám phá Diêm Vương tinh trải qua chặng đường dài, kể từ khi nó được nhà thiên văn học Clyde Tombaugh phát hiện năm 1930 đến nay. Lúc đó, các chuyên gia thế giới đã tổ chức một cuộc thi tìm kiếm tên gọi cho hành tinh mới. Cô bé Venetia Burney 11 tuổi ở Oxford, Anh, đã lựa chọn tên gọi Pluto cho hành tinh lùn này bởi nó tối và cách xa Trái Đất, giống tên vị thần Hades trong thần thoại Hy Lạp cổ đại (người La Mã gọi Hades là Pluto). Venetia sau đó nhận được số tiền thưởng trị giá 5 bảng Anh (khoảng 8 USD).
Sao Diêm Vương nhỏ hơn sao Thủy và 7 mặt trăng trong hệ Mặt Trời, bao gồm Ganymede, Titan, Callisto, Io, Europa, Triton và vệ tinh tự nhiên của Trái Đất. 20 năm trong quỹ đạo 248 năm, sao Diêm Vương ở vị trí gần Mặt Trời hơn so với sao Hải Vương. Trong giai đoạn 1979-1999, sao Diêm Vương là hành tinh thứ 8 trong hệ Mặt Trời, hành tinh thứ 9 là sao Hải Vương.
Vì Pluto là vị thần trong thần thoại cổ đại, nên vệ tinh chính của hành tinh này – Charon – được đặt tên theo người chở linh hồn qua sông Styx đến âm phủ. Các vệ tinh tự nhiên khác của nó có tên gọi Nix, Styx, Hydra và Kerberos. Một số nhà thiên văn học đưa ra giả thuyết rằng sao Diêm Vương chỉ là một vệ tinh "trốn thoát" của sao Hải Vương và tự thực hiện quỹ đạo riêng. Thời gian để ánh sáng Mặt Trời chiếu đến sao Diêm Vương là 5 giờ.
Nhà thiên văn học Clyde Tombaugh qua đời ngày 17/1/1997, hai ngày trước khi tàu New Horizons được phóng đi. Theo nguyện vọng cuối cùng của ông trước khi qua đời, tro cốt của Clyde đang du hành cùng tàu vũ trụ New Horizons của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) .
Con tàu thăm dò mang chiếc hộp nhỏ được in dòng chữ: "Đây là nơi lưu giữ tro cốt của Clyde W. Tombaugh, người phát hiện sao Diêm Vương và vùng thứ ba của hệ Mặt Trời."
Nhân vật chó Pluto trong phim hoạt hình của Disney được sáng tạo lần đầu tiên vào cùng năm Tombaugh phát hiện hành tinh lùn này. Venetia Burnley khẳng định rằng tên gọi cô bé nghĩ ra không liên quan đến đến nhân vật của Disney.
Năm 2005, các nhà khoa học tìm thấy một hành tinh lùn khác có tên Eris. Ban đầu, nó được xác định là thiên thể ngoài sao Hải Vương và hiện chưa rõ có thể được chấp nhận như một hành tinh mới hay không. Kể từ đó, hai thiên thể giống hành tinh khác đã được phát hiện.
Việc cố gắng quan sát sao Diêm Vương từ Trái Đất được ví giống như nhìn một quả óc chó từ khoảng cách gần 50 km.
2-3223-1437012720.jpg
Nhà thiên văn học người Mỹ Clyde Tombaugh. Ảnh: Telegraph
Thùy Linh (theo Telegraph)

http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/hanh-trinh-kham-pha-diem-vuong-tinh-3249339.html

Thứ hai, 14/9/2015 | 11:58 GMT+7

Bộ mặt sần sùi của Diêm Vương tinh

Ảnh chụp từ tàu vũ trụ New Horizons cho thấy hành tinh lùn Diêm Vương có địa hình bề mặt rất đa dạng.
150912Pluto1-1000x648-6984-1442204047.jp
Ảnh truyền về mới nhất từ tàu vũ trụ New Horizons từ khoảng cách 80.000 km cho thấy khu vực xích đạo trải dài 1.800 km trên Diêm Vương tinh. Vùng tối và sần sùi phía tây bắc có tên Cthulhu, phía trên là vùng đồng bằng băng giá sáng, mịn có tên Sputnik Planum. Ảnh: NASA
Theo AFP, các nhà khoa học Viện nghiên cứu Southwest hôm 12/9 công bố kết quả phân tích những bức ảnh được chụp từ tháng 7 khi tàu vũ trụ New Horizons bay ngang qua Diêm Vương tinh.
"Diêm Vương tinh cho thấy sự đa dạng về địa hình và phức tạp về quá trình vận động địa chất độc đáo nhất so với bất cứ hành tinh nào thuộc hệ Mặt Trời chúng ta từng quan sát", Alan Stern, trưởng nhóm phân tích dữ liệu, Viện Nghiên cứu Southwest ở Boulder, bang Colorado, Mỹ, cho biết.
Trong hệ Mặt Trời, Diêm Vương là hành tinh cách Mặt Trời xa nhất, trước khi được phân loại là hành tinh lùn năm 2006. Phải đến tháng 7/2015, sau hành trình 9 năm vượt quãng đường 4,8 tỷ km, tàu vũ trụ chạy bằng năng lượng hạt nhân New Horizons của NASA mới tiếp cận được nó, và trở thành tàu vũ trụ đầu tiên bay ngang qua hành tinh băng đá.
New Horizon có 7 thiết bị đo lường giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về sao Diêm Vương và các mặt trăng của nó đồng thời khám phá sự tương tác của hành tinh này với các hành tinh khác trong hệ Mặt trời.
Sao Diêm Vương nhỏ, với diện tích chỉ bằng nước Mỹ. Mặt trăng lớn nhất Charon cũng chỉ tương đương bang Texas. Ngoài ra nó còn 4 mặt trăng nhỏ hơn là Nix, Hydra, Kerberos and Styx. Tuần tới, con tàu sẽ gửi về Trái Đất hình ảnh những mặt trăng này.
Xem thêm: Hành trình khám phá Diêm Vương tinh.
Những hình ảnh New Horizons truyền về tuần trước có độ phân giải cao, khoảng 400 m/pixel. NASA cho biết, tàu vũ trụ này sẽ tiếp tục truyền dữ liệu về Trái Đất đến cuối năm sau.
Hồng Hạnh

http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/bo-mat-san-sui-cu-a-diem-vuong-tinh-3278840.html

Thứ hai, 27/7/2015 | 10:07 GMT+7

Diêm Vương là một hành tinh trẻ

Hình ảnh mới nhất do tàu vũ trụ New Horizons cung cấp cho thấy bằng chứng về sự trẻ trung của Diêm Vương tinh: những dòng sông băng đang chảy trên bề mặt nó.

(Video)

Nhờ quan sát hình ảnh có độ phân giải cao được tàu vũ trụ New Horizons của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) gửi về hôm 24/7, giới khoa học phát hiện  những dòng sông băng đang chảy trên bề mặt sao Diêm Vương, lớp khí quyển mờ ảo và cơn mưa hợp chất hữu cơ trên hành tinh này.
"Chúng tôi có bằng chứng thực tế về hoạt động địa chất gần đây của sao Diêm vương", National Geographic dẫn lời Bill McKinnon thuộc Đại học Washington, Mỹ, cho hay.
Những bức ảnh mới nhất chủ yếu tập trung vào khu vực có tên Rombaugh Regio, hay còn gọi là "trái tim" trên bề mặt sao Diêm Vương. Đây là khu vực bao gồm nhiều kiểu địa hình đa dạng với phần trung tâm tương đối bằng phẳng, phần rìa gồ ghề.
Phía tây của vùng "trái tim" tập trung những dãy núi băng và sườn dốc. Tại phía bắc là cánh đồng băng khổng lồ Sputnik Planum, nơi xuất hiện dòng chảy của sông băng nitơ. Tại phía nam, dòng băng liên tục chảy quanh dãy Edmund Hillary và Tenzing Norgay, sau đó tích tụ lại trong những hố va chạm lớn.
"Băng nitơ, băng carbon monoxide, băng methane đều có tính chất mềm, dễ uốn ngay cả trong điều kiện của sao Diêm Vương. Chúng chảy tương tự như sông băng trên Trái Đất. Đây thực sự là một hành tinh trẻ," McKinnon nói.
New Horizons cũng đã thu thập thêm nhiều thông số liên quan đến bầu khí quyển của sao Diêm Vương. Dữ liệu mới cho thấy, bầu khí quyển của sao Diêm Vương mất đi khoảng một nửa khối lượng trong hai năm qua. Vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận, tuy nhiên điều này cho thấy có thứ gì đó đã tạo ra sự thay đổi đáng kể ở trên.
Bầu trời sao Diêm Vương được bao phủ bởi lớp sương mù do những phần tử nhỏ tạo thành, chúng phân bố lên đến độ cao 160 km, sau đó rơi trở lại bề mặt hành tinh. Lớp sương mù góp phần tạo ra màu đỏ của sao Diêm Vương.
Rất khó để quan sát lớp sương mù mỏng nếu chúng ta đứng ở bề mặt sao Diêm Vương, nhưng nếu nó được chiếu sáng từ phía sau thì có thể nhìn thấy rất rõ. Tàu New Horizons chụp được lớp sương mù này ở vị trí cách Diêm Vương 11,2 triệu km
"Lớp sương mù có phạm vi rộng. Nó hình thành cao trong bầu khí quyển, nơi có nhiệt độ nóng. Đây là một bí ẩn", Michael Summers thuộc Đại học George Mason, Mỹ, nói. "Chúng tôi sẽ cố gắng tìm hiểu điều này trong thời gian tới."
Anlen Stern, trưởng dự án New Horizons cho biết: "Diêm Vương có lịch sử hết sức thú vị, và chúng ta còn nhiều điều phải làm để tìm hiểu chỗ phức tạp này."
Lê Hùng


Geen opmerkingen:

Een reactie posten