dinsdag 8 september 2015

Trung Quốc ra oai với trật tự thế giới «Made in China» !

Trung Quốc ra oai với trật tự thế giới «Made in China» !

mediaMột xưởng chế tạo linh kiện điện tử "Made in China" tại tỉnh An Huy - REUTERS /Stringer/Files
Lược qua trang nhất các báo ra ngày thứ Tư 02/09/2015 này, chủ đề nổi bật qua các tựa lớn trang nhất khá tản mạn, nhưng đáng lưu ý nhất có lẽ là bài về Trung Quốc trên báo Le Monde. Trong một hàng tựa ở trang nhất : « Trung Quốc biểu dương sức mạnh », tờ báo đề cập đến buổi lễ duyệt binh rầm rộ mà Bắc Kinh sẽ tổ chức ngày mai để kỷ niệm 70 năm ngày gọi là chiến thắng trong cuộc « kháng chiến chống Nhật Bản xâm lược ». Ở trang trong, Le Monde đã phân tích điều được tờ báo cho là « Trung Quốc đang nhào nặn trật tự thế giới mới của mình ».
Đối với nhật báo Pháp, việc Trung Quốc tổ chức một buổi lễ duyệt binh to lớn nhân ngày mùng Ba tháng Chín chứng tỏ rằng Bắc Kinh đã từ bỏ chính sách ngoại giao « nhẫn nhịn » trước đây, và đang muốn phô trương sức mạnh quân sự cũng như tham vọng khu vực,.
Và tại Bắc Kinh, với cuộc diễu binh đầu tiên trong cương vị chủ tịch nước và chỉ huy tối cao của quân đội, ông Tập Cận Bình sẽ đón tiếp điều được Le Monde gọi là « thế giới » của ông, gồm khoảng 30 lãnh đạo quốc gia có thể xem là thân hữu. Vấn đề được nhật báo Pháp nêu bật đầu tiên là ngoại trừ Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, các nước còn lại chỉ thuộc diện « thứ yếu », thậm chí còn có cả lãnh đạo là tội đồ của thế giới như Tổng thống Sudan Omar al-Bashir.
Các nước phương Tây, theo Le Monde, chỉ hiện diện một cách « kín đáo » trong buổi lễ, vì không muốn bảo kê cho một hành động mang « hơi hướm » phục thù, kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa tại Trung Quốc.
Phân tích về các yếu tố thúc đẩy Trung Quốc phô trương thanh thế vào lúc này, Le Monde ghi nhận là so với lúc diễn ra cuộc diễu binh gần đây nhất là vào năm 2009, nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, hiện nay Bắc Kinh không chỉ hiện đại hóa quân đội và hung hăng tấn các con tốt của mình trong các vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông, mà lại còn tung ra nhiều sáng kiến để thay đổi luật chơi tại châu Á, và dùng các khoản đầu tư vào hạ tầng cơ sở để dẫn dụ các nước trong khu vực.
Kiến trúc mới theo kiểu Trung Quốc
Thế mạnh của Trung Quốc, theo Le Monde, là « tấm nệm » đầy ngoại tệ của họ, cho phép họ tung ra những khoản đầu tư khổng lồ ở nước ngoài, thu lợi về cho các doanh nghiệp nhà nước.
Các « con đường tơ lụa » mới chẳng hạn, sẽ cho phép các đại tập đoàn Trung Quốc làm dầy thêm sổ đặt hàng của họ, đồng thời biến Trung Quốc thành nước mang lại sự phát triển cho vùng Đông Nam Á và Trung Á. Mùa xuân vừa qua, Bắc Kinh đã thành công trong việc chiêu dụ được các đồng minh của Mỹ tham gia Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng cơ sở Châu Á do Trung Quốc lèo lái, trong số đó đặc biệt có các quốc gia châu Âu như Anh và Pháp.
Trung Quốc cũng lăm le xây dựng lại cấu trúc an ninh khu vực. Theo Le Monde, vào tháng 5 năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thậm chí còn gợi lên một khái niệm mới về an ninh châu Á – do người châu Á đảm đương để phục vụ người châu Á – nghĩa là không cần đến Mỹ.
Đối với Le Monde, khi tìm cách tránh né một trật tự quốc tế dựa trên phương Tây, Bắc Kinh trước hết là muốn tự bảo vệ chống lại bất kỳ chuyển biến nào đe dọa mô hình cai trị độc đoán của mình. Theo chuyên gia Pháp Jean-Pierre Cabestan tại Hồng Kông, Hội nghị Trung ương về ngoại giao của Trung Quốc vào tháng Mười năm 2014 đã đánh dấu sự cáo chung của chính sách ngoại giao « nhẫn nhịn » thời Đặng Tiểu Bình, và sự « vươn lên của một Trung Quốc sẵn sàng có nhiều sáng kiến hơn ».
Dùng sức mạnh quân sự để thúc đẩy chính sách ngoại giao kinh tế
Theo ghi nhận của Le Monde, khối đầu tư khổng lồ và trong lượng áp đảo trong giao dịch thương mại đã cung cấp cho Trung Quốc các phương tiện để gây áp lực hoặc trả đũa nhắm vào các quốc gia không muốn chấp nhận trật tự mới do Bắc Kinh áp đặt, gọi theo thuật ngữ chính trị là pax sinica – nền hòa bình kiểu Trung Quốc. Theo nhật báo Pháp, Philippines nằm trong số nước này vì bướng bỉnh chống lại Trung Quốc ở Biển Đông.
Và chính sách ngoại giao kinh tế đó đã được sự vươn lên mạnh mẽ về mặt quân sự hỗ trợ. Chính sự lớn mạnh về quân sự đã cho phép Trung Quốc áp đặt các điều kiện của mình đối với nước khác. Vấn đề là đà tiến đó đã đẩy Trung Quốc đến chỗ chạm trán với đối thủ khu vực của mình là Nhật Bản, và dĩ nhiên là Mỹ.
Theo Le Monde, trong lúc Hoa Kỳ luôn bị ám ảnh bởi khái niệm « từ chối truy cập » (ở đây là trong các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền), thì Trung Quốc lại luôn luôn tưởng tượng ra rằng mình bị Mỹ « bao vây » « ngăn chặn » do việc Hoa Kỳ đã thiết lập một mạng lưới liên minh và căn cứ ở một số quốc gia nằm cạnh các vùng biển bao quanh Trung Quốc.
Chính thế đối lập quan điểm trên đây đã khiến cho hai cường quốc căng thẳng với nhau trên vấn đề các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông. Vấn đề, theo Le Monde là Bắc Kinh như đang có dấu hiệu kiên trì trong chiến lược giành lãnh thổ trong các vùng biển đang tranh chấp.
Nhật Bản : Abe gặp khó khăn trên hồ sơ an ninh
Cũng trên cùng trang mục quốc tế, Le Monde nhìn sang Nhật Bản nhận thấy ông « Abe gặp khó khăn trên mặt trận an ninh » tựa bài báo của Philippe Mesmer. Khó khăn là vì Thủ tướng Nhật cương quyết cho thông qua luật về an ninh quốc gia nhưng lại gặp phản ứng mạnh mẽ khắp nước.
Bài báo mở đầu với ghi nhận ở bên ngoài cũng như bên trong, vấn đề lịch sử và an ninh của Nhật đã làm cho mùa hè của ông Abe khó thở. Điểm qua các sự kiện, bài báo trước tiên nêu vấn đề là Liên Hiệp Quốc đã bác bỏ lời than phiền của Tokyo về sự hiện diện của ông Ban Ki Moon ở lễ duyệt binh của Trung Quốc.
Sự kiện thứ hai là trên nguyên tắc, theo dự kiến trước đây, ông Abe đến Bắc Kinh vào ngày 03/09, dự lễ kỷ niệm 70 năm chiến tranh kết thúc nhưng không muốn dự lễ duyệt binh bị cho là quá bài Nhật. Thế nhưng thương lượng với phía Trung Quốc, theo Le Monde, đã không có kết quả, và như giải thích chính thức của người phát ngôn chính phủ, ông Suga, việc ông Abe không đến Trung Quốc còn do « tình hình ở nghị viện ». Theo Le Monde cuộc tranh luận ở Thượng viện về luật an ninh quốc gia của Thủ tướng vẫn rất căng thẳng.
Dĩ nhiên luật này đã bị các láng giềng Trung Quốc, Hàn Quốc chỉ trích gay gắt, và ở bên trong, chính phủ cũng chờ đợi phản ứng chống đối. Thế nhưng có vẻ không ngờ là quy mô phản đối lại to lớn như vậy, biểu tình đã diễn ra khắp nước Nhật ngày 30/08. Yếu tố mới, theo Le Monde, là phe đối lập đã huy động được thanh niên, họ đã thành lập phong trào tổ chức biểu tình mỗi tối thứ Sáu trước nghị viện.
Tờ báo Pháp ghi nhận điều ít khi thấy là chính phủ vốn thường phớt lờ các cuộc biểu tình, lần này đã có phản ứng và lên tiếng, một mặt phê phán thanh niên không hiểu thực tế, nhưng mặt khác khẳng định chính phủ sẽ giải thích, thuyết phục dân chúng về tính chính đáng của đạo luật.
Pháp tăng cường quan hệ quốc phòng với Malaysia
Nhìn sang Châu Á, Le Figaro hôm nay theo dõi trước tiên chuyến viếng thăm Malaysia của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Le Drian, và loan báo trong hàng tít trang quốc tế : « Quốc phòng Pháp tăng cường quan hệ đối tác với Malaysia ». Tờ báo cho biết là Bộ trưởng Pháp vừa kết thúc chuyến thăm khách hàng số một của Paris về thiết bị quân sự trong khu vực.
Malaysia cùng với Singapore là hai đối tác chủ yếu của Pháp về quốc phòng ở Đông Nam Á. Riêng Malaysia đứng đầu danh sách các nước mua thiết bị quân sự. Tờ báo nhắc lại trong mắt giới Quốc phòng Pháp, từ vai trò đơn thuần của một khách hàng, Malaysia đã trở thành một « đối tác chiến lược ».
Malaysia trong một thời gian dài hầu như vắng bóng trên « radar » ngoại giao Pháp, nhưng nhờ công cuộc hợp tác quân sự tích cực và các hợp đồng về thiết bị, quan hệ hai bên đã được nâng cấp.
Le Figaro còn cho biết hai nước sẽ tăng cường hợp tác trong lãnh vực thông tin tình báo và an ninh trên biển để chống lại hải tặc và khủng bố. Vấn đề an ninh trên biển đang là mối quan tâm hàng đầu của Malaysia, vừa lo ngại trước các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông vừa quan tâm đến vấn đề giao thông ở eo biển Malacca, ngã trung chuyển của 80% dầu hỏa cho Châu Á.
Le Figaro nhắc lại là Paris đã cung cấp tàu ngầm cho Malaysia, và giờ đây, Malaysia không loại trừ mua chiến đấu cơ Rafale của Pháp.
Khủng bố ở Thái Lan : Manh mối và tin đồn
Bên cạnh Malaysia, Le Figaro còn chú ý đến Thái Lan, với nhận định gay gắt về các thông báo của Bangkok về thủ phạm trong cuộc đặt bom đền Erawan, trong bài báo tựa đề  « Sau khủng bố ở Bangkok, manh mối và tin đồn ».
Thái Lan giờ đây, theo tờ báo, đang thiên về giả thuyết người Duy Ngô Nhĩ là thủ phạm với kẻ tình nghi thứ nhì bị bắt ở vùng biên giới với Cam Bốt. Đây là nghi can mà chính quyền Thái cho là « số một ».
Tác giả bài báo có nhận xét đầy ngờ vực : Giả thuyết Thổ Nhĩ Kỳ trỗi dậy ở Bangkok hai tuần sau vụ khủng bố. Sau 15 ngày thông báo lộn xộn, đôi khi trái ngược nhau, điều tra dường như tăng tốc, hướng về phía Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng đã không xóa được nhiều mảng tối.
Nếu chính quyền Thái Lan đã tuyên bố không loại trừ bất kỳ khả năng nào, thì giờ đây, họ đã thiên về một sự trả thù của những kẻ buôn người sau khi Bangkok trục xuất ngươig Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7 vừa qua.
Le Figaro nhắc lại là trong số 4 người tinh nghi mà cảnh sát thông báo, có một phụ nữ Thái có chồng người Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền đã dẹp bỏ giả thuyết khủng bố quốc tế, mà cho đây là sự phục thù của đường dây buôn người trước chính sách « cứng rắn » của Thái Lan đối với nạn nhập cư bất hợp pháp.
Le Figaro cho đây là một cách nói biện minh cho quyết định trục xuất cả trăm người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc đầu tháng 7.
Tác giả bài báo Sébastien Faletti nhìn thấy đây là món quà tặng Trung Quốc, người che chở chính quyền quân sự Thái, và đã tỏ ý rất bất bình nêu lại việc Bangkok đã chia rẽ các gia đình Duy Ngô Nhĩ này khi trục xuất khoảng 1 trăm phụ nữ và trẻ em sang Thổ Nhĩ Kỳ. Và theo các nhà điều tra, thì những gia đình ly tán, đau khổ này ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách trả thù với sự giúp đỡ của các nhóm tội phạm.
Giải thích này, theo Le Figaro, có cái lợi là nó cho phép dẹp bỏ được nguyên nhân khủng bố quốc tế và có thể trấn an được du khách. Có điều, trong mắt của tác giả bài báo, nó không có tính thuyết phục.
Trích dẫn một nhà quan sát nước ngoài, tờ báo cho là chính quyền Thái chịu sức ép rất lớn và phải tìm ra một cái gì đó, và đua ra một kết luận vá víu.
Trong tình hình này thì dĩ nhiên không ít giả thuyết và tin đồn, có đánh giá cho rằng vụ khủng bố vừa qua là một hành đông chính trị nội bộ Thái, do người Thái chủ mưu với sự họp tác từ ngoài, mục tiêu nhắm vào chính quyền Bangkok.
Thái Lan theo đuôi Trung Quốc ?
Trong bài báo thứ hai, tựa đề « Bóng dáng một sự xích lại gần nhau giữa Trung Quốc và Thái Lan », S.Faletti nhìn thấy cuộc điều tra về khủng bố đã làm Bắc Kinh bối rối. Bắc Kinh đã từng lên tiếng cho rằng những ai gợi lên gỉa thuyết người Duy Ngô Nhĩ đều là những kẻ nói năng vô trách nhiệm.
S. Faletti tỏ ra rất gay gắt đối với chính quyền Bangkok, mà tác giả bài báo nhìn thấy là đang vất vả kềm giữ tình cảm đối với Trung Quốc. Bài báo nhắc lại phát biểu của Ngoại trưởng Thái, tướng Tanasak Patimpagorn, trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Trung Quốc ở Kuala Lumpur, đầu tháng 8, đã thốt lên « Nếu là phụ nữ, tôi sẽ yêu Ngoại trưởng Vương Nghị ».
Theo Le Figaro, Ngoại trưởng Thái không chỉ nói suông mà còn hành động nữa : Tại Diễn đàn An ninh ARF, Thái Lan đã phá nỗ lực của các nước ASEAN mà Thái Lan là thành viên, để sát cánh với Trung Quốc.
Le Figaro nhìn thấy là từ khi lên nắm quyền tháng 5 năm ngoái, tướng Chan O-cha đã dàn dựng một cuộc xích lại gần nhau đập mắt với Trung Quốc. Ông Tanasak, một người thân tín của Thủ tướng Thái đã tuyên bố : « Chúng tôi còn hơn là bạn bè, chúng tôi là anh em họ ».
Lý do giải thích thái độ trên, theo Le Figaro, cũng đơn giản : Bị Hoa kỳ chỉ trích sau cuộc đảo chính, chính quyền Bangkok đã ngả vào vòng tay của Trung Quốc để tìm hậu thuẫn chính trị và tài chính trong thời buổi kinh tế rệu rã.
Về phía Trung Quốc, tất nhiên là họ có lợi vì vùng Đông Nam Á là mục tiêu ưu tiên trong con đường tơ lụa mới của Bắc Kinh. Trung Quốc đã giành được hợp đồng xây dựng đường sắt và bán tàu ngầm cho Thái Lan.
Trang nhất các báo
Trở lại với các đề tài số một trên trang nhất các báo, thì phải thấy là Le Monde tiếp tục quan tâm đến vấn đề di dân, thuyền nhân đang khuấy động châu Âu. Tờ báo nêu bật trong hàng tít đậm « Lời cảnh báo của bà Merkel về tương lai của Châu Âu ».
Trong lúc đó, Libération và Le Figaro thì lại chú ý đến thời sự Pháp. Libération đã mỉa mai về các khoản tiền thưởng kếch xù - cả chục triệu euro – mà lãnh đạo các tập đoàn lớn tự ban cho mình khi thôi chức. Tờ báo cánh tả này nói đến « Những cánh dù bằng vàng », và cho là « Các ông chủ quả là mặt dầy » khi nêu trường hợp tiền thưởng của ông Michel Combes khi rời tập đoàn Alcatel Lucent, được ước tính lên đến 13,4 triệu euro. Lời hứa của Tổng thống Pháp François Hollande là sẽ xét lại vấn đề tiền thưởng này, theo tờ báo, như thế là đã bị bỏ đi.
Tờ báo cánh hữu Le Figaro cũng lưu ý đến sự kiện kể trên, nhưng chỉ dành mục « Câu hỏi trong ngày » cho đề tài đó để hỏi xem độc giả nghĩ sao, tán đồng hay không. Sự kiện lớn mà tờ báo này quan tâm và dành cho tựa đầu là vấn đề chính trị : « Bầu cử cấp vùng : Đảng Xã hội sợ thảm bại ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150902-trung-quoc-ra-oai-voi-trat-tu-the-gioi-%E2%80%98made-in-china%E2%80%99

Geen opmerkingen:

Een reactie posten