vrijdag 1 mei 2015

Triển lãm ảnh AP về cuộc chiến Việt Nam + 'Báo chí có những hình ảnh có hại cho VNCH'

Triển lãm ảnh AP về cuộc chiến Việt Nam

30 tháng 4 2015 Cập nhật lúc 07:30 ICT
Hãng AP tổ chức Triển lãm 'Việt Nam: Cuộc chiến thực và lịch sử qua ảnh' ở London nhân 40 năm ngày cuộc chiến Việt Nam kết thúc.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/pictures/2015/04/150429_vietnam_war_ap_photos





Ảnh: HORST FAAS / AP


Đánh dấu 40 năm ngày Sài Gòn sụp đổ và cuộc chiến Việt Nam kết thúc, hãng thông tấn Mỹ AP đã tổ chức một cuộc triển lãm trưng bày một số tấm ảnh do các nhiếp ảnh đi cùng quân đội Mỹ trong các cuộc giao tranh với lực lượng Cộng sản.
Ảnh: Hugh Van Es/AP


Trong thời gian cuộc chiến, Văn phòng hãng AP ở Sài Gòn đã được trao tặng sáu giải Pulitzer vì các tường thuật chiến trường, trong đó bốn giải giành cho nhiếp ảnh.
Ảnh: Henri Huet/AP


Trong thời gian những năm 1960 và 1970, Văn phòng tại Sài Gòn đã tụ hội được các phóng viên ảnh dày dạn kinh nghiệm nhất, như Malcolm Browne, Nick Ut, Eddie Adams, Hugh van Es, Dang Van Phuoc. Đây là bức do phóng viên ảnh người Pháp gốc Việt Henri Huet chụp năm 1966 thi hài một lính dù Mỹ chết trong chiến trận gần biên giới Campuchia đang được kéo lên trực thăng rút đi.
Horst Faas tại Việt Nam (Ảnh: AP)


Phóng viên ảnh chiến trường danh tiếng Horst Faas từng là Trưởng Văn phòng AP tại Sài Gòn vào thời kỳ cao điểm của cuộc chiến. Trả lời BBC năm 2007, Faas nói về công việc của mình thật giản dị: "Tôi cố gắng xuất hiện trên mặt báo mỗi ngày, và thắng đối thủ cạnh tranh bằng những bức ảnh đẹp hơn. Tôi chẳng cố làm gì ghê gớm cả. Những bức ảnh đó được sử dụng, đăng tải và được hỏi tới, vì Việt Nam là tin chính năm này qua năm khác."
Ảnh: Horst Faas/AP


Trong khi ở Sài Gòn, Faas đào tạo và chỉ bảo các phóng viên ảnh trẻ người Việt, những người đã ghi lại nhiều bức ảnh thể hiện tính chất của cuộc chiến. Những bức ảnh hàng ngày của họ từ Việt Nam giúp thế giới biết về nỗi kinh hoàng của người dân bị kẹt giữa hai làn đạn của cuộc chiến.
Ảnh: Henri Huet/AP


Dưới góc nhìn của một phóng viên thì cuộc chiến tại Việt Nam là độc nhất vô nhị. Đây là cuộc chiến đầu tiên thời hiện đại không bị kiểm duyệt: phóng viên và nhiếp ảnh gia được phép tới chiến trường mà hầu như không bị bất cứ giới hạn nào.
Ảnh: Eddie Adams/AP


Các phóng viên ảnh của AP đã chụp được những thời khắc nhanh chóng trở thành đồng nghĩa với cuộc chiến: trong số này phải kể tới bức ảnh của Eddie Adams chụp tướng Miền Nam Việt Nam, Nguyễn Ngọc Loan, bắn chết một sĩ quan Việt Cộng bằng một phát súng ngắn vào đầu. Bức ảnh đã làm thay đổi cái nhìn của công chúng về cuộc chiến và ám ảnh Tướng Loan cho tới khi ông qua đời.
Ảnh: Nick Ut / AP


Một bức ảnh nữa là được Nick Ut chụp cô bé chín tuổi Phan Thị Kim Phúc - chạy trần truồng trên con đường nhựa sau một vụ ném bom napalm. Bức ảnh đã trở thành một trong những biểu tượng của toàn bộ cuộc chiến.
Ảnh: HORST FAAS/AP


Hơn 58.000 quân nhân Mỹ đã thiệt mạng và hơn 300.000 bị thương tại Việt Nam. Con số người Việt tử vong cao hơn nhiều, với ước tính hơn nửa triệu người chết và hàng triệu người bị thương.
Ảnh: Peter Arnett/ap

Ký ức 30/4 qua ảnh chiến trường

  • 5 giờ trước


Là thành viên thế hệ sống qua cuộc chiến thường được biết với tên "chiến tranh Việt Nam", ký ức tôi còn lưu lại những hình ảnh đau buồn của cuộc chiến.
Sau này, khi lớn lên nhất là khi ra nước ngoài, tôi được xem khá nhiều những bức ảnh của các phóng viên nước ngoài chụp ở Việt Nam thời ấy.
Những bức ảnh rất sống động về nỗi gian truân của những người lính, những đau thương mất mát của người dân, sự thiệt hại của cả hai phía... không cần có lời bình phẩm, tự nó hùng hồn hơn bất kỳ bài diễn văn nào.
Tôi không nhớ gì nhiều về những bức ảnh cuộc chiến trên báo chí miền Bắc trừ những bức về vụ bỏ bom Hà Nội năm 1972 vì liên quan trực tiếp đến cuộc sống của tôi lúc đó.
Vì vậy, khi nghe có Triển lãm ảnh Phóng viên chiến trường ở L'Espace, nhân đang ở Việt Nam, tôi liền đi xem ngay.

Vẫn chỉ là tuyên truyền

Đến nơi tôi khá thất vọng.
Các bức ảnh khác hẳn những bức ảnh quen thuộc trên báo chí nước ngoài mà tôi đã từng xem.
Những bức ảnh chụp các chiến sĩ miền Bắc đang hăng hái hành quân, vui vẻ đọc thư nhà.., không cho thấy bản chất khốc liệt của cuộc chiến.
Những bức ảnh chụp dân quân địa phương, các cụ già bên khẩu pháo (thật khó tin các cụ có thể bắn rơi máy bay tối tân hiện đại của Mỹ, nhất là sau khi nghe kể những thất bại của tên lửa Liên Xô), các cô gái trẻ măng mang súng làm người xem rưng rưng lo cho các cô thay vì khâm phục lòng dũng cảm của họ.
Không có hình ảnh của người bên kia chiến tuyến trừ một vài bức chụp tù binh Mỹ với gương mặt vô cảm.
Bức duy nhất có đả động đến người lính Nam Việt Nam là bức chụp hai người lính Bắc Việt vượt qua một xác chết không rõ mặt với tiêu đề kỳ lạ và phản cảm:
"Bộ đội Việt nam băng qua xác một người lính Nam Việt Nam khi tấn công Đồi Không tên".
Nhiếp ảnh gia muốn nói gì qua tiêu đề ấy?
Tôi gặp ông đang rất vui vẻ giữa vòng vây của báo chí. Nhìn mặt ông có thể thấy sự thoả mãn vì đã lâu mới lại được làm tâm điểm của sự chú ý. Khi tôi hỏi ông, xem lại những tấm ảnh này ông vui hay buồn.

Bộ đội 'băng qua xác người'
Ông bảo: "Ông buồn vì nghĩ đến những người bạn đã không trở về nhưng rất vui vì miền Bắc đã chiến thắng."
Tôi hỏi ông thấy chiến thắng với giá ấy có đáng không thì ông hăng hái bảo đáng chứ. Khi thấy tôi không hưởng ứng, ông lẵng nhẵng đi theo tôi bảo tôi đừng ăn phải bả của hải ngoại, lính Mỹ không tốt như hình ảnh ở các đô thị đâu mà rất độc ác.
Tôi bảo ông tôi là người chứng kiến cuộc chiến, sao ông lại nghĩ tôi phải bị ai xúi bẩy mà không nghĩ tôi tự nhận thức được?
Ông bảo là tôi cũng như con cái ông ở nhà, đọc tin trên Internet rồi đến bố mình cũng không tin, Internet quá độc hại vì toàn tin của "bọn hải ngoại".
Đến nước này thì tôi chán quá, hỏi ngược lại ông:
"Thế sao ông không tự hỏi, vì sao con ông sống với ông cả đời, gặp ông hàng ngày mà lại đi tin những người chưa bao giờ gặp mặt?"
Ông giận dữ trợn mắt nhìn tôi rồi bỏ đi.
Hai ngày sau L'Espace tổ chức Toạ đàm về Triển lãm này với sự có mặt của phóng viên chiến trường cả hai phía và chủ toạ là một nữ nhà báo độc lập.
Một phóng viên đã hỏi ông:
"Cuộc chiến đã lùi xa 40 năm, vậy có nên hằng năm, cứ đến ngày 30/4, lại tuyên truyền rầm rộ về cuộc chiến này nữa hay không, khi mà rất nhiều người ở miền Nam Việt Nam (hiện nay ở nước ngoài, hay trong nước) sẽ bị tổn thương?"
Ông hăng hái trả lời: "tuyên truyền như vậy vẫn còn ít, cần phải tuyên truyền nhiều hơn nữa".
Cuộc toạ đàm đã biến thành cuộc tranh luận căng thẳng giữa các phóng viên chiến trường và cử toạ.
Kết thúc toạ đàm, ông Patrick Chauvel - một phóng viên độc lập nổi tiếng nói một câu chí lý và chua chát:
"Có lẽ cần phải qua một vài thế hệ nữa, để người Việt Nam đưa ngày 30/4 trở về bình thường, và khi đó, ước vọng hòa giải, hòa hợp dân tộc Việt mới thành hiện thực"!
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Sveta Nguyen, gửi tới BBC từ Hà Nội.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2015/05/150430_war_photos_questions_feelings

'Báo chí có những hình ảnh có hại cho VNCH'

(Video)
Phóng viên ảnh Nick Ut của hãng thông tấn AP trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam nhìn nhận truyền thông quốc tế khi đó có lúc đã đăng tải những hình ảnh ‘có hại cho Việt Nam Cộng hòa’.
Một nhà báo khác là cộng tác viên của AP từng tiếp xúc với phía Bắc Việt mô tả bộ đội Bắc Việt chỉ biết ‘nhận lệnh đi đánh’ chứ ‘không biết thông tin gì về thế giới bên ngoài’.
Nick Út và Nguyễn Tú A, hai cựu phóng viên chiến trường ở Việt Nam, đã đưa ra những nhận định trên trong cuộc phỏng vấn với BBC từ miền Nam California, nơi hiện thời hai ông định cư sau khi di tản khỏi miền Nam Việt Nam vào trước ngày 30/4/1975.
Ông Nguyễn Tú A là cộng tác viên còn Nick Út khi đó là phóng viên ảnh cho AP. Ông Nick Út nổi tiếng với bức ảnh chụp ‘Em bé Napalm’ nổi tiếng khắp thế giới.

‘Không vào được phía cộng sản’

Bức ảnh chụp một bé gái trần truồng bị bỏng sau một trận bom napalm của quân đội Việt Nam hồi năm 1972 mà ông chụp đã ‘được cả thế giới đăng, luôn cả báo cộng sản của Nga, của Cuba đều lên trang bìa’, ông nói với BBC.
“Trong vòng hai ngày (sau khi có bức ảnh đó), đã nổ ra những cuộc biểu tình chống chiến tranh trên khắp thế giới,” ông kể.
Khi được hỏi có phải những hình ảnh khốc liệt của truyền thông về cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam đã góp phần làm dư luận thế giới không ủng hộ người Mỹ và Việt Nam Cộng hòa hay không trong khi bộ máy tuyên truyền của Bắc Việt chỉ công bố những hình ảnh có tính chất khích lệ tinh thần bộ đội của họ, nhà báo Nick Út nói ông ‘không vào được phía cộng sản chụp ảnh’.
“Nhiều người hỏi tôi tại sao chụp phía quân đội miền Nam chết mà không chụp phía cộng sản,” ông nói và cho biết nếu ông và các nhà báo nước ngoài khác vào vùng miền Bắc kiểm soát tác nghiệp thì ‘có thể bị bắt’.
Trong khi đó, quân đội Mỹ, quân đội miền Nam khi đó ‘rất cởi mở cho báo chí’, cũng theo lời ông.
“Báo chí muốn đi đâu được tự do đi hết. Muốn chụp xác chết cũng được nữa.”
Ông thừa nhận trong chiến tranh Việt Nam có những hình ảnh ‘không có lợi cho miền Nam, không có lợi cho chính phủ Mỹ’ như tấm ảnh của nhà báo Eddie Adams chụp tướng Nguyễn Ngọc Loan cầm súng bắn thẳng vào đầu một người Việt Cộng.

‘Tủ lạnh đầy đồ ăn’

“Vấn đề tuyên truyền ở miền Bắc hay hơn miền Nam,” ông nhận xét và dẫn chứng vào những ngày cuối tháng Tư năm 1975, ông đã chứng kiến dân chúng ở các tỉnh miền Trung ‘nghe cộng sản tới họ bỏ chạy hết’.
“Tôi thấy ở các tỉnh miền Trung cộng sản không thấy bao nhiêu mà tại sao họ bỏ chạy. Lý do họ (Bắc Việt) tuyên truyền thôi,” ông giải thích.
Nhà báo Tú A, cộng tác viên AP ở Sài Gòn, thuật lại lời của một nhà báo phía Bắc Việt nói với ông rằng: “Có một ông tướng (Bắc Việt) nói lạ lắm: nhiều gia đình ở Sài Gòn bỏ chạy trong khi tủ lạnh nhà họ có đầy đồ ăn.”
“Bộ đội chiến đấu miền Bắc lúc đó chỉ biết được rằng ‘dân miền Nam đói rách’,” ông nói.
Khác với Nick Út, nhà báo Tú A đã ‘từng được vào khu Việt Cộng’ với sự cho phép của an ninh quân đội miền Nam, ông kể với BBC trong cuộc phỏng vấn tại nhà riêng.
“Tôi nói chuyện tay đôi với cộng sản qua hàng rào kẽm gai,” ông nói và cho biết ông nhận ra rằng những cán binh cộng sản đó ‘không biết nhiều về chiến tranh Việt Nam’.
“Họ được lệnh từ địa điểm này kéo đến điểm tập trung mà đánh rồi được cho biết có thể có đầy đủ lương thực ở đó.”
“Đơn vị nào thì chỉ biết chỗ họ đánh. Điều này khác với lính tráng miền Nam, anh sỹ quan còn biết tình hình thế giới,” ông nói thêm.
“Nếu ông ta là chính trị gia thì ông ta không nói những cái mà ông ta nghĩ mà nói những cái mà Nhà nước bảo ông nói.”

Dân chúng bỏ chạy

Cả hai phóng viên của hãng tin Mỹ cũng đã chứng kiến cảnh hỗn loạn trong những ngày cuối cùng ở Sài Gòn trước khi Việt Nam Cộng hòa đầu hàng.
“Tôi ngồi trên chiếc máy bay đáp xuống Đà Nẵng. Máy bay vừa mở cửa thì hàng nghìn đồng bào Việt Nam bắt đầu chạy vào mà phi cơ không còn chỗ nữa. Một số người đeo bánh xe máy bay rớt xuống chết,” Nick Út kể.
“Tôi cũng có mặt trên chiếc trực thăng bay dọc Quốc lộ Tuy Hòa thấy hàng ngàn đồng bào chạy ra biển để đến hạm đội Mỹ. Người chết rất nhiều,” ông nói thêm.
Còn phóng viên Tú A, người đến tận ngày 29/4 mới di tản, mô tả cảnh người dân Sài Gòn ‘đổ xô đến các tòa đại sứ’.
Trên đường ông đến lái chiếc xe gắn máy chở gia đình đến chỗ chiếc trực thăng đón, ông Tú A nói ‘xác đầy đường’ và ‘tôi phải lách qua xác người mà chạy’.
Theo lời ông thì từ lúc các phóng viên AP từ Campuchia chạy về thì hãng tin AP đã căng một băng rôn rất lớn ở văn phòng ghi dòng chữ: “Beware of bloodbath” (Coi chừng tắm máu) để cảnh báo các phóng viên và nhân viên sớm di tản khỏi Việt Nam.
“Tôi đoán trước tình hình đất nước sắp mất,” ông nói, “Đêm 22, 23 gì đó, tôi vào Dinh Độc Lập làm phóng sự thì Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã khóc một cách thành thật và khóc xong còn chửi người Mỹ không còn lời nào.”

‘Không còn đạn dược’

Khi được hỏi về nhận định của miền Bắc rằng miền Nam ‘tháo chạy nhục nhã’, ông nói: “Tôi hay ra chiến trường. Những ngày chót phức tạp lắm. (Quân đội miền Nam) không có đủ bom đạn. Anh phải quen với tùy viên quân sự, phải năn nỉ thì mới có pháo bắn để chặn lúc bị tấn công.”
“Tôi không nghĩ là tháo chạy nhục nhã mà mình bị bỏ rơi, bị bán. Họ đã đánh đâu mà thua nhục nhã?,” ông nói thêm, “Mình chơi với bạn và bị bạn bán thì tôi không nhục nhã mà là kẻ bị lừa.”
Phóng viên Nick Út cũng có cùng chung nhận định với phóng viên Tú A.
“Họ muốn chiến đấu mà không còn đạn dược. Muốn ném bom cũng hết bom. Pháo binh cũng không còn pháo vì sự viện trợ của Mỹ đã hết rồi nên đành buông súng đầu hàng thôi.”
“Quân đội miền Nam đánh rất giỏi, giỏi hơn miền Bắc,” ông nói, “Thật sự đồng minh bỏ đi hết rồi thì họ không còn gì để mà đánh.”
“Miền Bắc được viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc còn miền Nam không còn viện trợ gì hết thì họ cũng bó tay thôi,” ông nói thêm.

Tin liên quan

Geen opmerkingen:

Een reactie posten