zaterdag 2 mei 2015

Saddam Hussein và giấc mơ về Babylon xưa

Saddam Hussein và giấc mơ về Babylon xưa

  • 30 tháng 4 2015
Khi Antipater of Sidon, nhà thơ Hy Lạp vào thế kỷ thứ hai sau Công nguyên, liệt kê bảy kỳ quan của thế giới cổ đại, chỉ có một thành phố có đến hai kỳ quan trong số này: Babylon.
Ấy vậy mà kỳ quan ông liệt kê – Vườn treo và Tường thành – chỉ là hai trong số rất nhiều kỳ quan ở thành phố cổ đại tráng lệ này.

Hết sức phồn hoa

Nằm giữa hai con sông Tigris và Euphrates và ngày nay là lãnh thổ Iraq, Babylon phần lớn được tái thiết bởi Vua Nebuchadnezzar II vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, sử dụng những viên gạch tráng men xanh, đỏ và vàng. Văn tự cổ từ Herodotus cho đến Cựu ước đều mô tả những đền đài, điện thờ và cung điện hết sức phồn hoa.
Vào thời hoàng kim, với hơn 200.000 dân, Babylon là đô thị lớn nhất trên thế giới.
Tượng trưng cho tất cả những sự kỳ vĩ đó là Cổng Ishtar, nơi du khách bước vào thành phố. Cổng được xây dựng vào năm 575 trước Công nguyên bằng gạch có tráng men và được trang trí bằng những hình ảnh đắp nổi gồm 575 con rồng và con bò.
Khi các nhà khảo cổ người Đức bắt đầu khai quật thành phố vào năm 1899 thì những tác phẩm tráng lệ cả ngàn năm tuổi đó vẫn còn tồn tại với số lượng đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, trong những năm sau đó, phần lớn những báu vật của thành phố này lại đứng trước nguy cơ lớn.
Thậm chí ngay trước khi bắt đầu khai quật, nhà khảo cổ đứng đầu Robert Koldewey nghĩ rằng ông biết ông sẽ tìm thấy những gì.
Ở gần lâu đài của thành phố vào tháng Sáu năm 1887, ông viết, ông đã tình cờ phát hiện ‘những mảnh có màu sáng’ bao gồm gạch có tráng men được cho là cấu tạo của tường thành. Hai năm sau đó, việc khai quật bắt đầu và thành cổ bắt đầu hiện ra trước mắt mọi người.
“Những mảnh màu sáng xuất hiện rất nhiều, sau đó là bức tường phía đông của hai bức tường song song được phát hiện, mặt đường được lát của con đường diễn ra các đám rước và rồi đến bức tường phía tây. Những phát hiện này cung cấp cho chúng tôi đủ dữ liệu để tiếp tục công việc khai quật,” ông thuật lại hồi năm 1914.
Vào năm 1902, nhóm các nhà khảo cổ của ông đã phát hiện được Cổng Ishtar, biểu tượng có sức hút nhất thể hiện sự kỳ vĩ của Babylon cổ đại.
Cổng nằm đúng ở vị trí mà các nhà khảo cổ dự đoán, đánh dấu lối vào thành phố ở ngay đầu Đường Diễu hành – con đường chính được sử dụng cho các cuộc diễu hành mừng năm mới. “Với những bức tường vẫn còn cao đến 12 mét, đây là di tích lớn nhất và ấn tượng nhất của Babylon,” Koldewey viết.

‘Để mọi người chiêm ngưỡng’

Nếu ai còn nghi ngờ gì về việc xây dựng chiếc cổng hùng vĩ này thì vẫn còn một dòng chữ khắc lại lời Vua Nebuchadnezzar trên đá vôi: “Ta đặt lên đây những con bò rừng và những con rồng hung hãn và trang hoàng cho chúng với đầy sự tráng lệ để dân chúng có thể chiêm ngưỡng.”
Giờ đây, nhờ vào công sức của nhóm khảo cổ Koldewey, người dân thế giới hiện đại có thể trầm trồ trước sự nguy nga của nó.
“Cánh cổng này – vốn là một trong tám cổng thành – được xây dựng trong thời kỳ sau nhất và cũng có thể nói là huy hoàng nhất của Babylon và thật sự làm cho người ta choáng ngợp,” Giáo sư Peter Machinist thuộc Khoa Ngôn ngữ và Văn minh Cận Đông của Đại học Harvard, nói. “Ngay cả vào thời cổ đại, nó đã trở thành biểu tượng cho toàn bộ sự kỳ vĩ của việc xây dựng nên thành Babylon mà Vua Nebuchadnezzar là người chỉ đạo.”
Các nhà khảo cổ người Đức đã khai quật hết mức có thể nhưng sau đó Đệ nhất Thế chiến xảy đến vào năm 1914, công trình tạm gián đoạn.
Bốn năm sau, chiến tranh kết thúc và Đế chế Ottoman – đồng minh của Đức trong chiến tranh và là nhà nước cai quản vùng đất này – sụp đổ.
Tuy nhiên người Đức vẫn có thể đàm phán với quân chiếm đóng người Anh để đưa một số hiện vật họ tìm thấy về Berlin, trong số đó có Cổng Ishtar. Khi nó được trưng bày vào những năm 1920 nó không phải, và đến giờ vẫn không phải, là toàn bộ cổng nguyên thủy. Nhưng nó vẫn quá đồ sộ. Chỉ một phần cổng được trưng bày cũng làm hồi sinh sự nguy nga của thành cổ Babylon vốn đã biến mất hàng ngàn năm.

Saddam Hussein phục chế

Sau Đệ nhị Thế chiến, một cuộc khai quật lớn khác được tiến hành và lần này do các nhà khảo cổ người Ý đứng đầu.
Sau đó đến thời Saddam Hussein lên nắm quyền ở Iraq vào năm 1979. “Ông ấy có ý niệm rằng ông ấy không chỉ là một người Hồi giáo dòng Sunni mà còn là người thuộc dòng dõi những vị anh hùng Babylon trong quá khứ. Do đó, ông ta bắt đầu cho xây dựng lại nơi này vào những năm 1980,” Giáo sư Machinist nói.
Trên nền móng cổ, Saddam Hussein cho xây phục chế lại cổng thành và những cung điện của Vua Nebuchadnezzar theo phong cách của các vị vua Babylon. Ông cũng cho khắc chữ ghi lại công trình của ông.
Sự so sánh mình với Nebuchadnezzar của Saddam cũng không có gì là quá ngạc nhiên. Có đầu óc tổ chức quân sự, Nebuchadnezzar đã tàn phá thành phố Sidon của người Phoenicia, đánh bại quân đội Ai Cập. Các cuộc phiêu lưu quân sự của Saddam Hussein ở Kuwait và Iran cũng được nhiều người biết đến.
Mỗi lần quân của Nebuchadnezzar đi chiếm một vùng đất mới, họ biến người dân ở đó thành nô lệ và cướp bóc kho tàng.
Với lực lượng nô lệ và của cải mới có được, Nebuchadnezzar đã cho xây dựng lại kinh đô của Vương quốc Babylon. Ông đã hoàn thành cung điện của vua cha, cho xây vườn treo cho hoàng hậu của ông, xây tường thành xung quanh Babylon – đó là vì ông lo ngại về sự tiên đoán của nhà tiên tri Isaiah vào thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên rằng thành phố sẽ sụp đổ.
Nhưng cũng như Vương quốc Babylon cổ đại cuối cùng cũng sụp đổ, chế độ của Saddam của Iraq cũng cùng chung số phận.
Điều này khiến cho việc bảo tồn nơi này gây nhiều quan ngại. Vào năm 2003 và 2004, quân Mỹ và Ba Lan đã biến địa điểm khảo cổ, trong đó có Cổng Ishtar, thành căn cứ quân sự có sân đỗ máy bay trực thăng.
Theo nghiên cứu của Bảo tàng Anh quốc, thiệt hại là vô cùng to lớn. Sau 2.600 năm chiến tranh, cướp bóc và lãng quên dường như thành Babylon đã gặp phải kẻ thù lớn nhất.
Bản tiếng Anh bài này đã được đăng trên BBC Culture.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten