dinsdag 19 mei 2015

Đối đầu Mỹ - Trung trên không phận Biển Đông

Biển ĐôngChâu ÁHoa KỳKhông phậnPhân tíchQuốc tếTranh chấpTrung Quốc

Đối đầu Mỹ - Trung trên không phận Biển Đông

mediaPhi cơ trinh sát không người lái MQ-8B Fire Scout trên chiến hạm USS Fort Worth.@navymil
Tuy không có một hiệp ước hay luật lệ nào quy định về các vùng nhận dạng phòng không ADIZ, nhưng vùng này vẫn được một số quốc gia thiết lập nhằm kiểm soát những khu vực ngoài biên giới quốc gia, với quy định là các máy bay dân dụng và quân sự của nước ngoài phải tự thông báo “thân thế” mỗi khi bay vào vùng này, nếu không có thể bị không quân của nước này bay lên chặn lại.
Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ và Nhật Bản chỉ trích kịch liệt khi tuyên bố vào năm 2013 thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở vùng Biển Hoa Đông, nơi mà Bắc Kinh và Tokyo đang tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nay Washington càng quan ngại hơn trước khả năng Trung Quốc cũng sẽ thiết lập một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, một khi hoàn tất các công trình bồi đắp, mở rộng các đảo đang tranh chấp, vì trên các đảo này sẽ có cả các phi đạo cho phi cơ quân sự.
Vào tuần trước, khi Hoa Kỳ điều chiến hạm USS Fort Worth, một trong những tàu hiện đại nhất của hải quân Mỹ, đến tuần tra lần đầu tiên ở vùng Biển Đông, một phi cơ trinh sát không người lái và một chiếc trực thăng Seahawk cũng đã cất cánh từ chiến hạm để tuần tra trên không phận vùng biển này. Tuy hải quân Mỹ không nhắc gì đến những công trình bồi đắp đảo của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa, nhưng những hoạt động của chiến hạm USS Fort Worth rõ ràng là nhằm chứng tỏ năng lực của Mỹ đối phó với khả năng Trung Quốc tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.
Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, trong điều kiện hiện nay ở Biển Đông, Bắc Kinh rất khó mà bảo đảm việc tuân thủ vùng nhận dạng phòng không. Cho dù Trung Quốc sẽ có hai phi đạo quân sự ở Trường Sa, cộng thêm phi đạo được mở rộng trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa, nhưng theo các chuyên gia và các giới chức quân sự Mỹ, vùng Biển Đông rất lớn, mà tầm hoạt động của các phi cơ Trung Quốc thì có giới hạn. Ví dụ như quần đảo Trường Sa nằm cách Hoa lục đến 1.100 km, tức là rất xa các căn cứ không quân của Trung Quốc. Cho dù có thêm các đảo nhân tạo, cũng sẽ rất khó cho Trung Quốc bảo đảm việc tôn trọng vùng nhận dạng phòng không ở một khu vực xa về phía Nam như thế.
Tại vùng Biển Hoa Đông hiện nay, quân đội Hoa Kỳ và Nhật hoàn toàn không tuân thủ vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc. Hai hãng hàng không lớn của Nhật là ANA Holdings và Japan Airlines cũng phớt lờ quy định của Trung Quốc. Một nghiên cứu gần đây của Phòng nghiên cứu Quốc hội gần đây cho thấy là mặc dù không quân Trung Quốc tích cực giám sát vùng này bằng hệ thống radar đặt dọc theo các bờ biển, nhưng khả năng bảo đảm việc tuân thủ vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông rất hạn chế. Các phi cơ của Trung Quốc không thể có mặt thường xuyên trên không phận Hoa Đông.
Theo Reuters, kiểm soát không phận vùng Biển Đông lại còn khó khăn hơn đối với Trung Quốc do tính chất phức tạp của tranh chấp chủ quyền biển đảo và do nguy cơ đụng độ với lực lượng hải quân và không quân Mỹ tại vùng này. Nhất là Lầu Năm Góc hiện đang xem xét phương án triển khai chiến hạm và chiến đấu cơ đến gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây ở Trường Sa để bảo đảm sự tự do lưu thông hàng hải chung quanh các đảo này.
Hiện giờ Bắc Kinh chỉ dám uy hiếp láng giềng Manila. Gần đây, ít nhất là 6 lần Trung Quốc đã yêu cầu các phi cơ của Philippines rời khỏi khu vực quần đảo Trường Sa, nhưng các phi cơ này đã không tuân lệnh.

http://vi.rfi.fr/20150518-my-trung//

Biển Đông: Bắc Kinh « bất khả dao động » trước Mỹ

mediaNgoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry (T) gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi), Bắc Kinh, 16/05/2015REUTERS/Ng Han Guan/Pool
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã vấp phải sự từ chối thô bạo của Bắc Kinh, khi yêu cầu quan tâm đến lời cảnh báo của Washington về các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, nguyên do gây căng thẳng với các nước láng giềng.
Đến Bắc Kinh sáng nay 16/05/2015, ông John Kerry hội đàm với đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi). Theo những người thân cận, Ngoại trưởng Mỹ đã phản đối mạnh mẽ việc quân đội Trung Quốc xây các đảo nhân tạo tại Biển Đông.
Sau cuộc gặp gỡ, Vương Nghị nói với báo chí bằng giọng điệu cứng rắn : « Việc xây dựng tại ‘Nam Sa’ và một số đảo đá ngầm hoàn toàn nằm trong phạm vi lãnh hải Trung Quốc. Tôi muốn tái khẳng định ở đây rằng quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của phía Trung Quốc là cứng như đá và bất di bất dịch ».
Lầu Năm Góc có ý định gởi các chiến hạm và phi cơ trinh sát đến khu vực 12 hải lý để đảm bảo tự do hàng hải xung quanh các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã tăng tốc xây dựng từ một năm qua. Vùng lãnh hải được quốc tế công nhận là 12 hải lý xung quanh các đảo tự nhiên, và theo Washington, không thể áp dụng cho các đảo nhân tạo được tự ý bồi đắp.
Ngoại trưởng John Kerry tuyên bố : « Tôi yêu cầu Trung Quốc, thông qua Ngoại trưởng Vương Nghị, có những biện pháp hài hòa với các bên để giảm bớt căng thẳng và gia tăng cơ hội cho một giải pháp ngoại giao ». Nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ « quan ngại về tiến độ và tầm cỡ » của các công trường xây dựng Trung Quốc, ông kêu gọi một « giải pháp ngoại giao thông minh » thay vì « các tiền đồn và phi đạo ».
« Vạn Lý Sa Thành »
Các công trình của Trung Quốc, đôi khi được mệnh danh là « Vạn Lý Sa Thành », được xây dựng tại quần đảo Trường Sa, mà Bắc Kinh đang tranh chấp với Việt Nam, Philippines, Brunei, Đài Loan, Malaysia. Trung Quốc yêu sách chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, gây căng thẳng ngoại giao với các nước láng giềng. « Đường lưỡi bò » 9 đoạn do Bắc Kinh tự ý vẽ ra trong thập niên 40, thậm chí vươn ra gần sát bờ biển các nước lân cận.
Tuần trước, Lầu Năm Góc công bố các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc bồi đắp các đảo san hô, chuyển đổi thành các cảng biển và công trình khác, trong đó có một phi đạo dài. Nhờ việc lấn biển này, diện tích sử dụng chỉ trong một năm từ 200 hecta đã tăng lên 800 hecta.
Theo các nhà phân tích, tuy ý định của Lầu Năm Góc đã được Tổng thống Barack Obama chuẩn y, việc Đệ thất hạm đội của Mỹ tiến vào Thái Bình Dương, vùng biển mà Bắc Kinh coi như « ao nhà » của họ, có thể gây ra khủng hoảng nghiêm trọng giữa hai cường quốc kinh tế. Hơn nữa Biển Đông còn là tuyến đường hàng hải và thương mại chiến lược.
Vương Nghị nói : « Chúng ta cần duy trì sức bật đã có trong quan hệ quân sự giữa hai nước », nhấn mạnh sự cần thiết phải « thông báo các hoạt động quân sự quan trọng », và « một thỏa thuận nhanh » về quy tắc ứng xử giữa Không quân đôi bên.
Không quân và Hải quân hai nước đã từng suýt đụng độ nhiều lần trong khu vực tranh chấp.
Ngoại trưởng John Kerry sẽ phải thuyết phục các quan chức cao cấp Trung Quốc, nhất là Tập Cận Bình sẽ gặp ngày mai, về « các hậu quả hết sức bất lợi cho hình ảnh của Trung Quốc, trong quan hệ với các láng giềng, ổn định khu vực và có thể cả quan hệ Mỹ-Trung » do hành động xây đảo nhân tạo. Ông « sẽ khẳng định quyết tâm của Hoa Kỳ về duy trì tự do hàng hải ».
Trong hôm nay, ông John Kerry cũng sẽ gặp nhân vật số hai của Quân ủy trung ương, tướng Phạm Trường Long (Fan Changlong). AFP nhắc lại, Quân ủy trung ương do Tập Cận Bình làm chủ tịch, là cơ quan chỉ đạo quân đội Trung Quốc.
Trong một bình luận mới đây, Tân Hoa Xã cho rằng: « Washington hoàn toàn không có cơ sở khi lên án Bắc Kinh, vì đây chỉ là một cái cớ để duy trì bá quyền của Mỹ trong khu vực ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150516-bien-dong-bac-kinh-%C2%AB-bat-kha-dao-dong-%C2%BB-truoc-my/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten