vrijdag 1 mei 2015

Những cựu binh Mỹ tìm thấy mái ấm ở Việt Nam

Thứ ba, 28/4/2015 | 14:59 GMT+7

Những cựu binh Mỹ tìm thấy mái ấm ở Việt Nam

Rời Việt Nam năm 1970, Richard Parker tính bỏ lại ký ức về những vụ tấn công bom napalm trong quá khứ. Nhưng thời gian qua đi, những mảng ký ức ấy vẫn ám ảnh ông.
my-6319-1430159458.jpg
Thứ bảy hàng tuần, các cựu binh Mỹ lại tụ tập tại nhà ông Bill Ervin ở Đà Nẵng để đánh bài. Ảnh: AP Photo/Hau Dinh.
"Chúng tôi là những gã tồi", ông Parker, hiện 65 tuổi, nói về cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam. "Tôi đã phải đối diện với nhiều bóng ma".
Năm 2011, ông Parker bay từ bang Illinois, Mỹ tới Đà Nẵng, thành phố miền trung Việt Nam, nơi ông từng có 22 tháng phục vụ trong Hải quân Mỹ. Đầu tiên, Parker tới thăm những nơi ông vẫn còn nhớ, trong đó có con đường qua núi, nơi cựu binh này từng chứng kiến cảnh đấu súng.
Cùng chuyến đi ấy, một người đàn ông Việt Nam đã giới thiệu ông Parker với một vài cựu binh đã ở lại hẳn Đà Nẵng. Parker thích thú gặp họ và trông thấy một sự thay đổi ở Việt Nam. Vài tháng sau, ông chuyển tới Đà Nẵng sống.
Sự có mặt của các cựu binh Mỹ ở Việt Nam hôm nay và sự chào đón nồng hậu mà họ thường nhận được là tín hiệu cho thấy mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đang tiến triển, kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995.
"Họ muốn trông thấy một Việt Nam khác", bà Nguyen Thi Nga, 34 tuổi, nói. Bà Nga thường tiếp đón các cựu binh Mỹ cùng nhiều người nước ngoài khác tới nhà hàng bên bờ biển ở Đà Nẵng của mình. Nhà hàng có kết cấu tre nhìn ra bãi biển Non Nước. Thời chiến tranh, Non Nước từng là nơi ăn uống, vui chơi của nhiều quân nhân Mỹ.
"Có lẽ họ nhận ra rằng chiến tranh thật tồi tệ, hoặc họ muốn sửa chữa một vài sai lầm mà người Mỹ đã gây ra ở đây", bà Nga chia sẻ.
Quân giải phóng Việt Nam giành quyền kiểm soát Sài Gòn vào ngày 30/4/1975, kết thúc cuộc chiến cướp đi sinh mạng của ước tính 3 triệu người Việt Nam và khoảng 58.000 người Mỹ.
40 năm sau, Mỹ đang củng cố các mối quan hệ kinh tế và chiến lược với Việt Nam. Năm ngoái, Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Việt Nam cũng là một trong 12 quốc gia tham gia đàm phán Hiệp định đối tác thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ dẫn đầu.
Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết họ không nắm được có bao nhiêu cựu binh Mỹ ở Việt Nam hoặc tới đây thường xuyên. Tuy nhiên, ông Parker nói rằng đã gặp hơn chục cựu binh sống hơn nửa năm ở Đà Nẵng.
Ông Bill Ervin, cựu binh thủy quân lục chiến Mỹ ở bang Colorado, hiện điều hành công ty du lịch cùng người vợ Việt Nam của mình. Ông Bill biết khoảng 50 cựu binh Australia và Mỹ sống tại Đà Nẵng ít nhất bốn tháng mỗi năm. Ngoài ra, theo ông, những người khác thường xuyên tới Việt Nam bằng visa du lịch ngắn hạn.
Một vài cựu binh chia sẻ họ trở lại Việt Nam để đối diện với nỗi ám ảnh thời chiến, và tới để biết nhiều hơn về đất nước đã ảnh hưởng sâu sắc tới họ từ khi còn là những binh lính trẻ.
"Tôi đoán họ cố gắng trở lại để gặp điều gì đó trong chính con người họ. Họ đã để lại một phần lớn bản thân mình ở đây", ông Ervin nói. Cựu binh này chuyển tới Đà Nẵng vào năm 2007.
Các cựu binh cũng nói về trách nhiệm cá nhân hoặc tập thể vì những tổn thất mà quân đội Mỹ đã gây ra và hậu quả của vũ khí hóa học vẫn còn dai dẳng đến ngày nay.
Giữa năm 1962 và 1971, quân đội Mỹ rải khoảng 20 triệu gallon chất độc da cam và nhiều thuốc diệt cỏ khác ở miền nam Việt Nam, phá hủy nhiều khu rừng có diện tích gần bằng diện tích của bang Massachusetts, Mỹ. Chất độc hóa học dioxin, có trong chất độc da cam, thấm vào đất và nguồn nước của Việt Nam.
Việc nhiễm dioxin trực tiếp gây nên các bệnh ung thư, dị tật bẩm sinh cùng nhiều vấn đề khác về sức khỏe. Tuy nhiên, phía Mỹ cho rằng bằng chứng khoa học đó là không thuyết phục, dù nước này đã lập dự án làm sạch dioxin trị giá 43 triệu USD tại căn cứ không quân cũ của Mỹ ở Đà Nẵng.
"Bạn bè tôi đang chết dần chết mòn hoặc bị bệnh liên quan tới chất độc da cam", Chuck Palazzo, một nhà phát triển phần mềm đến từ New York và hiện sống ở Đà Nẵng, chia sẻ.
Palazzo từng là lính thủy quân lục chiến ở Đà Nẵng. Ông trở lại Việt Năm năm 2001, trước khi đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại thành phố St. Louis, Mỹ với tên gọi Cựu binh vì Hòa bình. Nhóm này hàng năm tổ chức chuyến thăm tới Việt Nam cho cựu binh cùng các nhà hoạt động.
my1-9056-1430159458.jpg
Cựu binh Richard Parker ngồi hút thuốc và uống bia cùng bạn bè tại một nhà hàng ở Đà Nẵng. Ảnh: AP Photo/Hau Dinh.
Theo ông Phan Thanh Tiến, phó chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng, hàng tuần có khoảng hai hoặc ba cựu binh Mỹ tới thăm nơi này.
"Lời đầu tiên mà họ nói khi gặp các nạn nhân là xin lỗi vì những gì họ và chính quyền mình đã làm trong suốt chiến tranh", ông Tiến nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Một lý do khác khiến các cựu binh an cư ở Đà Nẵng đó là chất lượng cuộc sống. Phố cổ Hội An, di sản được tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới, cũng ở gần đó.
Hầu như vào các ngày thứ 7, Ervin thường mời bạn bè tới nhà ở Đà Nẵng để đánh bài. Sau đó, họ đi xe máy tới nhà hàng của bà Nguyen Thi Nga để uống bia lạnh.
Hoàng hôn xuống, họ chuyện trò với hai cựu binh khác đến từ thành phố Albuquerque, Mỹ: Suel Jones, chủ tịch hội Các cựu binh vì Hòa bình, và Deryle Perryman, một nhà làm phim. Cả hai cựu binh đến Việt Nam thường xuyên.
"Tôi trở lại vì những lỗi lầm thời tuổi trẻ", Perryman nhớ lại chuyến thăm Việt Nam đầu tiên vào năm 1995. "Và tôi thấy một đất nước tươi đẹp với những con người phi thường". Lần tới Việt Nam này là chuyến đi thứ 17 của ông.
Một số cựu binh ban đầu sợ trở lại Việt Nam nhưng rồi bất ngờ trước sự đón tiếp ấm áp của tất cả các thế hệ người Việt dành cho họ.
Bà Nga, chủ nhà hàng, cho hay chiến tranh đã đi xa và bà ít khi nghĩ về nó.
"Các cựu binh Mỹ cũng giống như bất cứ người nước ngoài nào khác. Họ đến đây và đóng góp cho nền kinh tế", bà Nga nói.
Bình Minh (theo AP)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten