Thứ bảy, 2/5/2015 | 09:04 GMT+7
Khoảnh khắc 'viên ngọc văn hoá' của Nepal bị động đất tàn phá
Đoạn video do khách du lịch quay bằng điện thoại cho thấy khoảnh khắc những ngôi đền cổ tại Bhaktapur, nơi được mệnh danh là "viên ngọc văn hoá" của Nepal, bị tàn phá trong cơn địa chấn mạnh. Thị trấn cách thủ đô Kathmandu 13 km về phía đông.
- Tiếng khóc cứu sống bé 5 tháng tuổi dưới đống đổ nát ở Nepal / Nạn nhân động đất Nepal đi bộ xuyên núi để nhận cứu trợ
(Video)
Trọng Giáp (Video: BBC)
- Leo tháp cao 200 m để tưởng nhớ nạn nhân vụ động đất Nepal (29/4)
- Thực khách chạy tán loạn khỏi nhà hàng Nepal vì động đất (28/4)
- Sống sót sau 48 giờ bị vùi dưới đất đá động đất Nepal (28/4)
- Nơi gần tâm động đất Nepal có thể bị phá hủy hoàn toàn (27/4)
- Thủ đô Nepal tan hoang sau động đất nhìn từ trên cao (27/4)
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/khoanh-khac-vien-ngoc-van-hoa-cua-nepal-bi-dong-dat-tan-pha-3208107.html
Thứ hai, 27/4/2015 | 18:17 GMT+7
Thủ đô Nepal tan hoang sau động đất nhìn từ trên cao
Truyền hình địa phương Nepal hôm nay chiếu cảnh khu vực Kathmandu và vùng lân cận bị tàn phá, sau động đất 7,8 độ Richter hồi cuối tuần.
Trong video, khói bốc lên từ một số tòa nhà. Những con đường dẫn ra khỏi thung lũng bị tắc. Nhiều khả năng video được quay ngày 26/4 hoặc 27/4.
Nhiều người cho biết họ phải ngủ ngoài trời sau trận động đất hôm 25/4, do nhà bị sập, hoặc do lo sợ dư chấn.
Động đất 7,8 độ Richter hồi cuối tuần làm hơn 3.700 người chết ở Nepal, là trận mạnh nhất rung chuyển nước này suốt hơn 80 năm qua.
Trọng Giáp (Video: Reuters)
- Nhiều thi thể bị hoả thiêu khi chưa được nhận dạng ở Nepal (2/5)
- Thêm một số nhóm người Việt an toàn tại thủ đô của Nepal (1/5)
- 1.000 người châu Âu mất tích ở Nepal sau động đất (1/5)
- Việt Nam viện trợ 50.000 USD cho Nepal (1/5)
- Nạn nhân động đất Nepal đi bộ xuyên núi để nhận cứu trợ (1/5)
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/thu-do-nepal-tan-hoang-sau-dong-dat-nhin-tu-tren-cao-3207021.html
Thứ sáu, 1/5/2015 | 21:14 GMT+7
1.000 người châu Âu mất tích ở Nepal sau động đất
1.000 người từ Liên minh châu Âu (EU) đang mất tích ở Nepal, trong khi 12 người được xác định đã chết, gần một tuần sau trận động đất làm hơn 6.200 người chết.
Những người leo núi bị mắc kẹt tại Rasuwa được lên trực thăng cứu hộ. Ảnh: Xinhua
|
"Chúng tôi không biết họ đang ở đâu hoặc có thể đã ở đâu", Reuters dẫn lời Rensje Teerink, đại sứ phái đoàn EU tại Nepal, hôm nay nói. Ông xác nhận hầu hết trong số 1.000 người mất tích là khách du lịch ở các khu vực Langtang và Lukla, nơi được coi là "cổng vào" dẫn tới Everest. Trong khi đó, 12 người châu Âu được xác định đã chết.
Telegraph dẫn lời một quan chức EU giấu tên cho rằng đa số những người này nhiều khả năng sẽ được tìm thấy an toàn và vẫn mạnh khoẻ, nhưng hiện chưa rõ tình trạng của họ do việc khó tiếp cận các khu vực chịu ảnh hưởng.
Hơn 130.000 ngôi nhà bị phá huỷ ở thủ đô Kathmandu, theo Liên Hợp Quốc, sau trận động đất 7,8 độ Richter hôm 25/4. Theo USA Today, một thiếu niên 15 tuổi hôm qua được cứu từ đống đổ nát sau khi bị chôn vùi suốt 5 ngày. Cậu sinh tồn bằng cách ăn những gói bơ.
Đến nay, hơn 6.200 người thiệt mạng do trận động đất mạnh nhất ở Nepal trong hơn 80 năm qua. Nepal, nơi có núi Everest, là một điểm đến nổi tiếng với những người leo núi.
Các nhân viên cứu hộ đang cố gắng tới những khu vực xa xôi hẻo lánh ở Nepal để tìm người sống sót, trong khi các nhà ngoại giao đang gặp khó khăn trong việc tìm người mất tích, do nhiều khách "phượt" không đăng ký với các đại sứ quán khi đến nước này.
Trọng Giáp
- Nhiều thi thể bị hoả thiêu khi chưa được nhận dạng ở Nepal (2/5)
- Thêm một số nhóm người Việt an toàn tại thủ đô của Nepal (1/5)
- Việt Nam viện trợ 50.000 USD cho Nepal (1/5)
- Nạn nhân động đất Nepal đi bộ xuyên núi để nhận cứu trợ (1/5)
- Tiếng khóc cứu sống bé 5 tháng tuổi dưới đống đổ nát ở Nepal (1/5)
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/1-000-nguoi-chau-au-mat-tich-o-nepal-sau-dong-dat-3208025.html
Thứ năm, 30/4/2015 | 09:46 GMT+7
Hàng nghìn người sống sót động đất Nepal có thể tàn tật suốt đời
Hàng nghìn người bị thương trong trận động đất ở Nepal có thể chịu cảnh tàn tật vĩnh viễn nếu không được nhanh chóng điều trị và chăm sóc phục hồi chức năng.
Tại một bệnh viện ở Kathmandu, bác sĩ phải buộc dây thừng vào chai nước để kéo chân một bé gái gãy trong trận động đất. Ảnh: Reuters
|
"Nhiều người có thể bị chấn thương đầu, tủy sống hoặc gãy xương. Có thể phải thực hiện nhiều ca phẫu thuật cắt bỏ chi", Reuters dẫn lời Aleema Shivji, giám đốc tổ chức cứu trợ quốc tế Handicap ở Anh, nói. Bà cho biết khó có thể ước tính tổng số người bị thương trong trận động đất ở Nepal. Nếu xét đến những người sống sót còn mắc kẹt tại những khu vực hẻo lánh, gần tâm chấn động đất thì số người bị thương có thể lên tới 50.000.
"Điều quan trọng là phải chữa trị chấn thương ngay lập tức để tránh nguy cơ tàn tật vĩnh viễn", bà nói, cho biết thêm Handicap đã viện trợ xe lăn chuyên dụng cho các địa hình gồ ghề, đồng thời dùng máy bay chuyên chở những thiết bị như nạng và đệm cho người bị chấn thương cột sống đến Nepal
Hôm 28/4, đội cứu hộ Nepal-Pháp đã cứu một người đàn ông 28 tuổi ra khỏi chung cư bị sập ở thủ đô Kathmandu, sau khi anh ta mắc kẹt 80 giờ dưới đống đổ nát cùng với ba xác chết. Bác sĩ cho biết họ dự định cắt bỏ một chân của người này vì hoại tử.
Tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề như Ramechapp, Nuwakot, Sindhupalchowk và Gorkha, 90% cơ sở y tế bị hư hại nghiêm trọng, nhiều bệnh viện phải điều trị cho bệnh nhân ngoài trời. Tình hình sẽ còn tồi tệ hơn vì thiếu nước sạch và mất điện, do nhiên liệu chạy máy phát điện đang hết dần.
"Vấn đề có thể nghiêm trọng hơn tại các thị trấn và làng mạc nhỏ, nơi lực lượng cứu hộ không vào được vì đường hỏng hoặc lở đất và trực thăng không có chỗ hạ cánh", Ronald Kremer, điều phối viên y tế khẩn cấp của Medecins Sans Frontieres, Hà Lan tại Nepal cho biết.
"Đã 4 ngày sau khi xảy ra thảm họa, sẽ có nhiều người bị thương không được điều trị và dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng cao. Nhiều người sẽ bị cắt cụt chân, bàn tay, cánh tay hay ngón tay vì hoại tử không cứu được".
Trận động đất 7,8 độ Richter hôm 25/4 ở Nepal đã khiến 5.000 người thiệt mạng và làm bị thương ít nhất 10.000 người, phá hỏng đường xá và chôn vùi nhà cửa tại nhiều nơi. Theo Liên Hợp Quốc, gần 8 triệu người ở 39 trong số 75 huyện của Nepal bị ảnh hưởng bởi thảm họa này đang lâm vào tình trạng thiếu nước uống, thực phẩm, cần được viện trợ khẩn cấp.
Hồng Hạnh
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/hang-nghin-nguoi-song-sot-dong-dat-nepal-co-the-tan-tat-suot-doi-3207712.html
Thứ năm, 30/4/2015 | 17:00 GMT+7
Thiếu niên Nepal sống sót sau 5 ngày vùi dưới đống đổ nát
Đội cứu hộ tìm thấy thiếu niên dưới đống đổ nát của khách sạn Hilton cao 7 tầng ở thủ đô Kathmandu, 5 ngày sau trận động đất kinh hoàng ở Nepal.
Cậu bé được giải cứu sau 5 ngày bị vùi dưới đống đổ nát của khách sạn Hilton. Ảnh: Reuters
|
Theo AP, đội ứng phó thảm họa thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ tại Nepal hôm nay nỗ lực trong nhiều giờ để giải cứu Pemba Lama, 15 tuổi. "Cậu ấy bị vùi không quá sâu, nhưng các tầng của tòa nhà sập xuống, khiến cậu mắc kẹt ở giữa", Andrew Olvera, chỉ huy đội, cho biết.
"Quá trình giải cứu rất nguy hiểm", ông nói. "Tuy nhiên, chúng tôi đã bất chấp rủi ro. Để cứu được mạng người, chúng tôi phải chấp nhận mọi rủi ro".
Đám đông hò reo mừng rỡ sau khi thiếu niên được giải cứu. Cậu có vẻ hơi choáng khi được đưa lên cáng, mặt đầy bụi, mắt chớp liên tục vì chói. Nhân viên cứu hộ đã đặt miếng bảo vệ lên cổ cậu và truyền nước,
Tin tức về thiếu niên đem lại chút niềm vui cho cư dân thành phố Kathmandu, nơi bị phá hủy nặng nề bởi trận động đất 7,8 độ Richter hôm 25/4. Cho đến nay, hơn 5.500 người đã thiệt mạng vì thảm họa.
Quan chức Nepal đang kêu gọi sự giúp đỡ của các tổ chức, chuyên gia và bác sĩ quốc tế, khi hàng nghìn người sống sót đối mặt với nguy cơ tàn tật vĩnh viễn vì không được điều trị kịp thời.
(Video)
Hồng Hạnh
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/thie-u-nien-nepal-so-ng-so-t-sau-5-nga-y-vu-i-duo-i-do-ng-do-na-t-3207804.html
Thứ sáu, 1/5/2015 | 08:58 GMT+7
Tiếng khóc cứu sống bé 5 tháng tuổi dưới đống đổ nát ở Nepal
Khi Sham Krishna Awal bắt đầu tin rằng mình đã mất đứa con trai mới gần 5 tháng tuổi sau thảm họa động đất, bỗng từ dưới lớp gạch vụn vang lên một tiếng khóc yếu ớt, thứ âm thanh kỳ diệu tiếp thêm cho anh sinh lực và hy vọng.
Bé Sonies, 5 tháng tuổi, được lực lượng cứu hộ giải thoát từ đống đổ nát, 22 tiếng sau trận động đất. Ảnh: CNN
|
Rasmila Awal hôm 25/4 đang trên đường về nhà thì mặt đất bỗng rung chuyển dữ dội. Chỉ vài tích tắc sau đó, Rasmila nhìn thấy tòa nhà gia đình cô đang sống sụp đổ. Dưới đống đổ nát, Rasmila biết rằng hai con cô, Soniya, 10 tuổi, và Sonies, mới 5 tháng tuổi, vẫn còn kẹt lại.
"Tôi la hét, gào khóc và khẩn cầu sự giúp đỡ của những người hàng xóm", CNN dẫn lời Rasmila kể trong một cuộc phỏng vấn. Ban đầu, không ai cho rằng hai đứa trẻ có thể sống sót, cô nói thêm.
Sức tàn phá của trận động đất quá lớn. Những đống đổ nát chất đầy trên khắp các đường phố. Người ta chỉ biết từng có người sống tại một nơi nào đó nhờ những mảnh quần áo rách, những chai nước ngọt uống dở còn sót lại tại hiện trường.
"Tôi lặng người đi", Rasmila cho hay. "Tôi không biết hai con mình còn sống hay đã chết".
Sham Krishna Awal, 34 tuổi, tài xế xe buýt, chồng của Rasmila, đang làm việc lúc thảm họa xảy ra. Khi biết tin, anh tức tốc chạy về nhà và điên cuồng đào bới đống gạch đá để tìm con. Hàng xóm cũng tới giúp sức. Nhưng Rasmila thì đã mất dần hy vọng.
"Tôi có rất ít niềm tin rằng hai con tôi còn sống", cô nói. "Tôi không nghe thấy bất kỳ âm thanh nào cả".
Nhưng phép màu đã xảy ra. Sau hai tiếng, Soniya được tìm thấy và vẫn khỏe mạnh. Tuy nhiên, Sonies vẫn mất tích.
Vợ chồng Awal nhờ đến cả quân đội trợ giúp. Các binh sĩ tới lúc 16h. Họ cũng đào bới nhưng không thể tìm thấy đứa bé. Vì thế, họ rời đi 5 tiếng sau đó.
Khi người cha bắt đầu trở nên tuyệt vọng thì anh nghe thấy một tiếng khóc yếu ớt phát ra từ dưới đống hoang tàn. Nhưng trời thì đã khuya, anh cũng không thể làm gì nhiều.
"Vận mệnh an bài. Nếu cậu bé có số được sống. Nó sẽ sống. Còn không, thánh thần sẽ mang nó đi", một người hàng xóm nói với Rasmila.
Cả gia đình quyết định ngủ qua đêm tại một bãi đất trống gần đó cùng nhiều người bị mất nhà cửa khác.
Sáng hôm sau, cả nhà Awal quay trở lại và lần này họ tiếp tục nghe thấy thứ âm thanh kỳ diệu ấy: tiếng khóc của đứa trẻ.
Các binh sĩ quân đội đến và họ lại tiếp tục đào bới. 22 tiếng sau cơn địa chấn, người mẹ nhìn thấy con trai mình được kéo ra từ đống đổ nát. Khuôn mặt em phủ đầy bụi, nhưng cậu bé vẫn sống.
Sonines được chuyển tới một bệnh viện gần đó. Các bác sĩ cho hay em bị một số vết bầm tím và rách ở đùi nhưng sức khỏe ổn định. Cuối cùng, cậu bé được trở về bên vòng tay mẹ.
"Lúc đó, nó đã mỉm cười", Rasmila nhớ lại.
Bức hình chụp khoảnh khắc Sonies được giải cứu từ đống đổ nát đã trở thành hình ảnh biểu tượng, truyền động lực cho hàng triệu người dân Nepal, khiến họ tiếp tục nuôi hy vọng sau khi trải qua quá nhiều mất mát.
Trận động đất mạnh 7,8 độ Richter xảy ra 6 ngày trước tại Nepal đến nay khiến hơn 5.800 người thiệt mạng và hơn 13.000 người bị thương. Theo Liên Hợp Quốc, trận động đất gây ảnh hưởng tới 8 triệu người. Ít nhất hai triệu người cần được hỗ trợ về nơi ở, nước uống, thực phẩm và thuốc trong vòng ba tháng tới. Khoảng 600.000 ngôi nhà cũng bị phá hủy.
Sự sống kỳ diệu của Sonies truyền động lực cho hàng triệu người dân Nepal, khiến họ tiếp tục nuôi hy vọng sau khi trải qua quá nhiều mất mát. Ảnh: Instagram
|
Vũ Hoàng
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tieng-khoc-cuu-song-be-5-thang-tuoi-duoi-dong-do-nat-o-nepal-3207880.html
Geen opmerkingen:
Een reactie posten