zondag 24 mei 2015

Điều máy bay trinh sát đến Trường Sa, Mỹ nắn gân Trung Quốc

Thứ bảy, 23/5/2015 | 00:12 GMT+7

Điều máy bay trinh sát đến Trường Sa, Mỹ nắn gân Trung Quốc

Việc Washington điều máy bay trinh sát và phơi bày hoạt động cải tạo của Bắc Kinh nhằm cho thế giới thấy rõ tình hình ở Biển Đông, nơi mà các nhà phân tích e rằng những vụ đối đầu có thể dẫn đến diễn biến xấu.
P-8A-Poseidon-Torp-Drop-USN-1-8284-4820-
Máy bay P-8A Poseidon. Ảnh: ausairpower
Mỹ hôm 21/5 điều một máy bay thực hiện nhiệm vụ trinh sát bên trên căn cứ đặt tại đảo nhân tạo mà Bắc Kinh phát triển từ một bãi đá ngầm. "Đây là hải quân Trung Quốc...Đây là hải quân Trung Quốc... Hãy rời đi... để tránh gây hiểu lầm", hải quân Trung Quốc liên tục xua đuổi máy bay Mỹ.
Nhà báo và đội quay phim của CNN lần đầu tiên được phép tác nghiệp trên P-8A Poseidon, máy bay trinh sát và săn ngầm tiên tiến nhất của Mỹ. Đây cũng là lần đầu tiên Mỹ cho công khai hình ảnh công trình cải tạo của Trung Quốc quay từ P-8A. 
Theo CNN, Lầu Năm Góc cho phép đội quay phim làm việc trên chuyến bay nhằm "nâng cao nhận thức về những thách thức Trung Quốc đặt ra ở những đảo nhân tạo này và phản ứng ngày càng cứng rắn của Mỹ". Phi cơ bay ở độ cao thấp nhất là 4.600 m. 
Cây bút Gideon Rachman trên FT cho rằng việc Mỹ tạo điều kiện cho truyền thông tác nghiệp nhằm "đảm bảo rằng thế giới có thể thấy rõ" tình hình tại Biển Đông. Những cảnh quay từ máy bay, trong đó có cả cảnh báo bằng lời từ hải quân Trung Quốc, là bằng chứng sinh động và rõ ràng hơn rất nhiều ảnh chụp vệ tinh những công trình cải tạo của Bắc Kinh mà truyền thông thường đăng tải.
"Điều Mỹ làm là một nỗ lực rõ ràng và có tính toán để công khai tất cả chi tiết và mối nguy hiểm tiềm tàng" tại Biển Đông, Mira Rapp Hooper, một chuyên gia về tranh chấp hàng hải tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, tại Washington cho biết. Nhưng khi lực lượng quân sự hoạt động ở khoảng cách gần như vậy thì "luôn có nguy cơ vô tình làm leo thang căng thẳng".
Việc cử máy bay trinh sát tuần tra ở Biển Đông có thể mới chỉ là bước đầu của quân đội Mỹ. Máy bay và tàu hải quân hiện chưa đi vào trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các công trình cải tạo mà Trung Quốc đang làm. Tiếp cận gần hơn có thể là bước tiếp theo.
Rủi ro tiềm ẩn
Trung Quốc rất tức giận việc điều máy bay trinh sát của Mỹ, gọi đây là "hành vi có thể gây ra tai nạn, rất vô trách nhiệm, nguy hiểm và có hại cho hòa bình và ổn định khu vực". 
Theo luật pháp quốc tế, việc xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc không thể tác động đến việc hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế hoặc thềm lục địa. Mỹ cũng nói rõ rằng nước này không công nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại những nơi Washington coi là vùng biển và vùng trời quốc tế.
Nỗ lực hạn chế máy bay nước ngoài ở nơi được nhiều bên coi là không phận quốc tế sẽ làm gia tăng đáng kể căng thẳng trong khu vực và có thể kích động đối đầu giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc, các chuyên gia nhận xét.
Cựu Phó giám đốc CIA Michael Morell nói rằng cuộc đối đầu mới nhất sẽ tiếp tục là bằng chứng về nguy cơ nổ ra xung đột Mỹ - Trung. "Có rủi ro thực sự, kiểu đối đầu như thế này có thể dẫn đến diễn biến xấu", Morell nói. Ông lo ngại rằng nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc có thể dẫn đến chiến tranh giữa hai cường quốc.
"Chiến tranh sẽ gây tổn hại cho cả hai bên. Không có lợi cho họ và cũng chẳng có lợi cho chúng tôi", Morell nói.
Đồng minh của Mỹ, Philippines, cho biết Trung Quốc từng ra cảnh báo tương tự với máy bay quân sự nước mình trong ba tháng qua. "Những vụ việc này cho thấy Trung Quốc sẵn sàng phớt lờ luật pháp quốc tế và tự do hàng không, hàng hải", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines Peter Paul Galvez nói. Các quan chức Philippines cũng nhận định Trung Quốc có thể đang thử lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên quần đảo Trường Sa khi liên tục xua đuổi máy bay nước ngoài.
"Mặc dù Trung Quốc vẫn còn đang che đậy mục đích quân sự của đảo nhân tạo, khả năng cao là họ muốn thay đổi cán cân quyền lực ở Biển Đông. Họ muốn sánh vai với hải quân Mỹ, lực lượng đang giữ vị thế vượt trội trong khu vực", Washington Post dẫn lời Yanmei Xie, nhà phân tích về Trung Quốc cấp cao của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế. Trung Quốc có thể sử dụng các cơ sở họ xây dựng để "điều máy bay đánh chặn, bám đuôi và xua đuổi máy bay quân sự" của Mỹ, Xie nói.
Kịch bản này sẽ biến Biển Đông thành "một nơi thường xuyên xảy ra những vụ suýt va chạm, thậm chí là những cuộc đụng độ", bà cảnh báo.
Phương Vũ
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/dieu-may-bay-trinh-sat-den-truong-sa-my-nan-gan-trung-quoc-3222229.html

Chủ nhật, 24/5/2015 | 16:05 GMT+7

Mỹ tính tăng cường hành động ở Biển Đông

Những chuyến bay "thông thường" của hải quân Mỹ ở Biển Đông sẽ tiếp diễn, sắp tới còn có thể tiếp cận gần hơn các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng phi pháp.
boeing-p8-poseidon-l3-8788-1432457089.jp
Máy bay trinh sát - săn ngầm Poseidon. Ảnh: Military - Today
Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Đại tá Steve Warren khẳng định phi cơ trinh sát - săn ngầm P8-A Poseidon của Mỹ hôm 20/5 chưa bay vào phạm vi cách các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang cải tạo phi pháp trên Biển Đông 12 hải lý, nhưng nhấn mạnh động thái này có thể xảy ra trong tương lai, theo Reuters. Ông gọi những nhiệm vụ như vậy là hoàn toàn "bình thường" và sẽ liên tục diễn ra "cứ sau vài ngày".
"Chúng tôi chỉ công nhận vùng trời trên các đảo này là không phận quốc tế. Chúng tôi không coi việc bay ngang khu vực này như một bước thay đổi trong cách thức hoạt động của mình. Vấn đề chỉ là trong 20 năm qua chúng tôi không bay qua đây mà thôi", ông Warren cho biết.
Lập trường của Mỹ phản ánh thực tế rằng Washington vẫn muốn tránh làm căng thẳng gia tăng không cần thiết dù phủ nhận các giới hạn mang tính khẳng định chủ quyền mà Trung Quốc thiết lập quanh các đảo nhân tạo ở Biển Đông, ông Warren nói thêm.
Trước đó, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel hôm 21/5 cũng cho hay máy bay trinh sát của nước này làm nhiệm vụ ở Biển Đông là "hoàn toàn thích đáng", hải quân Mỹ và máy bay quân sự sẽ "tiếp tục thực hiện trọn vẹn" quyền hoạt động trong các vùng biển và không phận quốc tế.
Mỹ 4 ngày trước điều máy bay thực hiện nhiệm vụ trinh sát bên trên căn cứ đặt tại đảo nhân tạo mà Bắc Kinh phát triển từ một bãi đá ngầm ở Biển Đông. Hải quân Trung Quốc khi đó 8 lần phát đi tín hiệu xua đuổi phi cơ Mỹ.
Nhà báo và đội quay phim của kênh CNN lần đầu tiên được phép tác nghiệp trên máy bay này. Đây cũng là lần đầu tiên Mỹ công khai hình ảnh các công trình cải tạo của Trung Quốc quay từ P8-A. Hành động này được cho là nhằm nâng cao nhận thức về những thách thức Trung Quốc đặt ra ở những đảo nhân tạo và phản ứng ngày càng cứng rắn của Mỹ.
Trung Quốc đơn phương đưa ra yêu sách "đường 9 đoạn" vô lý, tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông. Bắc Kinh đồng thời đang tiến hành bồi đắp, cải tạo quy mô lớn tại 7 bãi đá ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, bất chấp phản đối từ cộng đồng quốc tế.
s2-reutersmedia-net-1737-1432457089.jpg
Hình ảnh hàng chục tàu nạo hút cát của Trung Quốc đang hoạt động tại đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam do hải quân Mỹ công bố hôm 21/5. Ảnh: Reuters
Vũ Hoàng

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/my-tinh-tang-cuong-hanh-dong-o-bien-dong-3223220.html

Thứ sáu, 22/5/2015 | 08:16 GMT+7

Mỹ tiếp tục tuần tra Biển Đông bất chấp Trung Quốc ngăn cản

Washington cho biết sẽ tiếp tục tuần tra trên biển và trên không ở vùng biển quốc tế bất chấp việc bị hải quân Trung Quốc cảnh báo "rời đi ngay".
my-2971-1432254236.jpg
Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục tuần tra ở Biển Đông. Ảnh minh họa: Airheadfly
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel hôm qua khẳng định máy bay trinh sát của nước này ở Biển Đông là "hoàn toàn thích đáng", hải quân Mỹ và máy bay quân sự sẽ "tiếp tục thực hiện trọn vẹn" quyền hoạt động trong các vùng biển và không phận quốc tế, Reuters đưa tin.
Ông Russel cho rằng Mỹ thậm chí còn "tiến xa hơn" để bảo đảm tất cả các nước có thể đi lại ở các vùng biển và không phận quốc tế. Mỹ tin rằng mọi nước và người dân đều có quyền tiếp cận vùng biển và không phận quốc tế.
"Chẳng ai có lý trí mà lại cố gắng ngăn chặn Hải quân Mỹ hoạt động, đó không phải là điều khả thi", ông Russel nói.
Đoạn video do CNN công bố hôm qua cho thấy hải quân Trung Quốc liên tiếp yêu cầu máy bay tuần tra P8-A Poseidon của Mỹ rời khỏi khu vực Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang xây dựng các đảo nhân tạo. Đáp lại, các phi công Mỹ đều khẳng định họ đang bay trong không phận quốc tế.
Các chuyên gia an ninh lo ngại Bắc Kinh có thể chuẩn bị áp đặt vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. 
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm qua cho biết không có thông tin về sự kiện hải quân nước này chặn máy bay Mỹ, bày tỏ hy vọng các nước liên quan tôn trọng "chủ quyền của Trung Quốc".
Trước các diễn biến liên tục ở Biển Đông, ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, hôm qua đề nghị các nước "có đóng góp trách nhiệm và tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông".
Việt Nam cũng khẳng định có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, phù hợp với các quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNLCOS).
Khánh Lynh

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/my-tiep-tuc-tuan-tra-bien-dong-bat-chap-trung-quoc-ngan-can-3222078.html

Thứ sáu, 22/5/2015 | 06:55 GMT+7

Phi cơ Mỹ trinh sát ở Trường Sa như thế nào

Phi cơ trinh sát P8-A Poseidon của Mỹ bay trên khu vực Trung Quốc đang bồi đắp trái phép ở Biển Đông, với độ cao thấp nhất vào khoảng 4.570 m. 
Một máy bay P8-A Poseidon của Mỹ hôm 20/5 thực hiện chuyến bay trinh sát trên các cơ sở Trung Quốc đang xây dựng ở Biển Đông. Đáp lại, hải quân Trung Quốc phát 8 cảnh báo, yêu cầu phi công máy bay rời đi. Ở điểm thấp nhất, chiếc Poseidon đạt độ cao 4.572 m. 
Theo Reuters, hình ảnh ghi lại trên chiếc Poseidon cho thấy hoạt động xây dựng tại các đá và các tàu hải quân Trung Quốc gần đó. Tại đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đoạn video cho thấy Trung Quốc đang xây dựng trái phép một doanh trại quân đội, tháp canh và một đường băng. 
Đường băng dài 3.000 m có thể đi vào hoạt động đầy đủ đến cuối năm nay. Nó dài đến độ bất cứ máy bay nào trong quân đội Trung Quốc cũng có thể cất và hạ cánh trên đó. Nước này đánh chiếm đá Chữ Thập của Việt Nam vào năm 1988 và hiện đặt nó dưới sự quản lý của cái gọi là "thành phố Tam Sa", tỉnh Hải Nam.
Mỹ đang cân nhắc đưa tàu và máy bay quân sự tới gần các bãi đá Trung Quốc đang bồi đắp trái phép trên biển. Hiện phía Mỹ chỉ di chuyển ngoài phạm vi 12 hải lý quanh các đá. 
Một số nhà phân tích cảnh báo hành động của Mỹ có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Trong khi đó, Mỹ cho rằng việc Trung Quốc "xây lâu đài cát" để biến các đá thành lãnh thổ của mình có nguy cơ tạo ra tiền lệ, trong đó các nước lớn hơn tự do hăm doạ những nước nhỏ hơn.
Trọng Giáp (Video: Reuters)

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phi-co-my-trinh-sat-o-truong-sa-nhu-the-nao-3222075.html


Geen opmerkingen:

Een reactie posten