Thứ sáu, 15/5/2015 | 16:54 GMT+7
Mất 13 năm để tìm ra hang Sơn Đoòng
Phát hiện dòng nước hang Khe Ry và hang Én gặp nhau ở một điểm, rồi đột ngột biến mất giữa rừng, Howard Limbert tin chắc có một hang động lớn ở quanh đây. Nhưng phải 13 năm sau ông và Hồ Khanh mới phát hiện ra Sơn Đoòng.
Giữa trưa hè oi ả ở Quảng Bình, ông Howard Limbert (57 tuổi) vui vẻ tiếp chuyện phóng viên. Mắt ông rực sáng khi nhắc tới những chuyến thám hiểm hang động.
25 năm trước, khi chọn Việt Nam cho những chuyến khám phá hang động mới, vợ chồng nhà Limbert không ngờ mình lại gắn bó với đất nước này lâu đến vậy. Lần đầu tiên ông cùng vợ, bà Deb Limbert cùng 10 thành viên Hang động Hoàng gia Anh đặt chân đến Phong Nha (Quảng Bình) là vào năm 1990. “Lúc bấy giờ, người dân bản địa còn nghèo, rất nghèo”, ông Limbert nhớ lại.
Ông Howard Limbert, người tìm ra hơn 500 hang động ở Việt Nam, trong đó có hang lớn nhất thế giới Sơn Đoòng. Ảnh: Hoàng Táo.
|
Động Phong Nha đã được khám phá, nhưng người dân vẫn chưa hưởng lợi nhiều. Ông Limbert trăn trở phải dùng Phong Nha giúp người dân kiếm tiền, nâng cao cuộc sống. Đến năm 1992, ông bất ngờ gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở vùng đất Phong Nha. “Đại tướng rất quan tâm đến việc khám phá hang động và hoạt động du lịch. Câu chuyện kéo dài đến 2 tiếng, đến nay tôi vẫn còn nhớ rõ”, ông Limbert kể.
Sau cuộc gặp này, vợ chồng ông càng thêm động lực để khám phá vùng đất tiềm năng về hang động Phong Nha. Năm 1994, ông Limbert cùng các chuyên gia hang động Anh khám phá ra hang Én, được miêu tả là “rất lớn vào lúc đó”. Hang Én sau này được công bố lớn thứ ba thế giới.
3 năm sau, hang Khe Ry được khám phá và công bố là hang sông dài nhất thế giới cho đến nay. Từ thời điểm đó, vợ chồng Howard Limbert bắt đầu hình dung về một hang động rất lớn đang ẩn mình. “Dòng nước hang Khe Ry và hang Én gặp nhau ở một điểm, rồi đột ngột biến mất giữa rừng. Tôi biết chắc chắn có một hang động lớn ở quanh đây”, Limbert hồi tưởng.
10 năm liên tục, vợ chồng ông đau đáu tìm kiếm chiếc hang bí ẩn này, nhưng đều vô vọng. Chưa có một manh mối nào để lần ra cửa hang.
Ông Howard (áo vàng) và vợ trong lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1992. Ảnh: NVCC
|
Đến năm 2007, Limbert gặp Hồ Khanh. "Đó là một người rất giỏi đi rừng và đã kể cho tôi về một cửa hang lớn ở trong rừng mà anh này nhìn thấy vào năm 1990 khi tránh bão. Hồ Khanh bảo có gió lớn thổi từ trong hang ra và tôi biết ngay đó là cái hang mình đang tìm kiếm”, ông Limbert nói.
Một năm sau, Hồ Khanh trở vào rừng để tìm lại cửa hang. Đến năm 2009, Hồ Khanh, ông Limbert và đoàn chuyên gia hang động đến từ Anh tìm ra Sơn Đoòng, khám phá và công bố đây là hang lớn nhất thế giới vào 2010.
“Thực sự rất khó khăn để tìm thấy Sơn Đoòng. Lần đầu đặt chân vào Sơn Đoòng, tôi và mọi người quá sững sờ. Sơn Đoòng không chỉ lớn, mà còn rất rất đẹp”, ông Limbert liên tục nhấn mạnh về sự tráng lệ của hang vừa được hãng truyền hình Mỹ ABC làm phim trực tiếp.
Trong 25 năm qua, hàng chục tỉnh thành có dấu chân của vợ chồng người Anh để tìm kiếm hang động. Hơn 200 hang động ở Quảng Bình và 300 hang động từ Ninh Bình, Quảng Ninh, Hà Giang, Cao Bằng… được vợ chồng ông khám phá, công bố.
Gắn bó đến 1/4 thế kỷ ở Phong Nha - Kẻ Bàng, nhưng ông Limbert cho rằng những gì ông làm được đang còn quá ít. “Tôi chỉ mới khám phá được khoảng 25% vùng đất này, còn rất nhiều hang động ở sâu trong rừng đang chờ được phát hiện”, ông thông tin.
Ông chia sẻ, cảm giác là người đầu tiên đặt chân vào một hang, khám phá ra hang mới thật thích thú và đầy hứng khởi. Động Phong Nha ở ngay trung tâm, mỗi năm đón hàng nghìn lượt khách, nhưng đã có mấy người khám phá hết động này? “Chỉ có 3 người đặt chân đến điểm cuối của Phong Nha. Chúng tôi mất 2 ngày để thám hiểm hết động và việc này không phù hợp với khách du lịch chút nào”, ông nói.
Limbert lý giải chính sự phấn chấn khi khám phá ra một động mới khiến ông yêu thích nghề hang động và cũng là lý do để ông gắn bó cuộc đời với Phong Nha - Kẻ Bàng. Trước khi chọn Việt Nam, vợ chồng Limbert từng khám phá nhiều hang động ở các nước khác như Australia, Tây Ban Nha, Mexico, Nam Mỹ, New Zealand…
Ông Limbert và Hồ Khanh, hai người phát hiện và công bố Sơn Đoòng lớn nhất thế giới, bên trong hang này, vừa được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3. Ảnh: NVCC
|
“Để tìm kiếm hang động, việc đầu tiên đòi hỏi bạn phải có sức khỏe để đi bộ nhiều ngày giữa rừng. Bạn cũng cần có sự kiên trì và đầy cẩn thận, cạnh đó là trang thiết bị chuyên dụng để đảm bảo an toàn và giúp khám phá toàn bộ hang ở nhiều địa hình như sông suối, đồi núi, hố sụt…”, Limbert nói về khó khăn của nghề hang động.
Ngoài thời gian vào rừng khám phá hang mới, ông bà Limbert tranh thủ dạy tiếng Anh, giúp người dân địa phương học cách làm du lịch để phát triển kinh tế. “Phong Nha bây giờ khác hẳn thời tôi mới đến. Cuộc sống người dân khá lên rất nhiều. Họ được hưởng lợi lớn từ nghề du lịch. Chỉ phục vụ hang Sơn Đoòng cũng giúp khoảng 100 người dân có thu nhập ổn định”, ông Limbert thông tin.
Kết hợp trong các chuyến đi, ông Limbert còn dạy cho nhiều người Việt Nam cách tìm kiếm và khám phá hang động. “Tôi khuyến khích các bạn trẻ rời bỏ bàn phím máy tính để ra ngoài khám phá cuộc sống. Việc tìm kiếm hang đòi hỏi phải có lòng đam mê. Ví dụ để thả người xuống những hố sụt thẳng đứng, cần rất nhiều năm kinh nghiệm mới thực hiện được. Nếu không đam mê thì bạn sẽ có thể bỏ cuộc ngay lần đầu”, ông lý giải.
Vợ chồng Limbert chia sẻ đã nghĩ đến việc nhập quốc tịch Việt Nam. “Tôi đã có một số cố gắng trong việc nhập quốc tịch các năm qua. Tuy vậy, tôi sẽ chờ một số thay đổi theo chiều hướng thuận lợi hơn trong vài năm tới để thực hiện dự định này”, vợ chồng người Anh mỉm cười nói.
Hiện, hai vợ chồng ông làm việc cho một công ty du lịch ở địa phương để thực hiện các tour khám phá hang Sơn Đoòng và nhiều hang động khác ở Quảng Bình. Họ cũng định cư hẳn ở xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) để tiện cho những chuyến tìm kiếm hang động. Tháng 3/2016 sắp tới, ông Limbert cùng 12 chuyên gia Anh và 6 sinh viên Việt Nam sẽ trở vào rừng Phong Nha để tìm kiếm hang động trong 2 tháng.
Ghi nhận đóng góp của ông Howard Limbert, mới đây nhà nước tặng thưởng ông Huân chương Lao động hạng ba, vì “thành tích xuất sắc trong công tác thám hiểm, nghiên cứu và khảo sát hệ thống hang động Phong Nha - Kẻ Bàng, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch tỉnh Quảng Bình”.
Hoàng Táo
http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/mat-13-nam-de-tim-ra-hang-son-doong-3218992.html
Thứ ba, 12/5/2015 | 01:00 GMT+7
Hành trình tìm ra hang động lớn nhất thế giới
Trong một lần đi rừng, tình cờ ông Hồ Khanh nhìn thấy làn mây trắng đục kèm với gió thốc lớn từ phía trong thổi ra. Lại gần, ông thấy một cửa hang khá lớn. Ngờ đâu, 18 năm sau, hang này được công bố là hang lớn nhất thế giới.
Hồ Khanh, người đàn ông được dân trong vùng họi là “Vua hang động” hiện đã 48 tuổi, dáng cao gầy, rắn rỏi, trú ở xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Nhớ về chuyến đi rừng năm 1990, ông Khanh kể: “Thời đó, tôi cũng như bao người địa phương, lên rừng tìm kế sinh nhai. Trong lần đi rừng một mình, tôi tình cờ nhìn thấy làn mây trắng đục, có gió lớn kèm tiếng hú thổi ra. Lại gần thì làn gió mát lạnh”.
Tuy nhiên, sau đó ông Khanh không khám phá tiếp mà chỉ dừng lại nghỉ lấy sức. Những năm sau, ông tiếp tục khám phá rừng qua nhiều chuyến đi. Cho đến khi Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được thành lập, ông Khanh trở về làm ruộng.
Cái duyên với hang động chỉ đến với Hồ Khanh vào năm 2008, khi đoàn chuyên gia hang động Hoàng gia Anh đến Quảng Bình khảo sát. “Đoàn chuyên gia tìm gặp những sơn tràng kỳ cựu để điều tra về các hang động. Tôi kể cho họ về cái cửa hang từng gặp. Khi nghe đến đó, ông Howard Limbert mắt sáng rực lên, tinh thần đầy phấn chấn”, ông Khanh nhớ lại.
Chân dung ông "Vua hang động" Hồ Khanh. Ảnh: Hoàng Táo
|
Qua miêu tả của Hồ Khanh, ông Limbert nhận định đó sẽ là một cái hang khá lớn và động viên ông Khanh đi tìm lại cửa hang. “Bấy giờ tôi không mấy hứng thú với việc trở lại đi rừng. Nhưng thấy ông ấy háo hức nên nhận lời”, ông bộc bạch.
Trước khi trở vào rừng, Hồ Khanh tìm gặp những sơn tràng khác để hỏi về cửa hang, nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. Chưa ai ở địa phương từng gặp hang này, Hồ Khanh đành trở vào rừng một mình. Ngày đầu tiên, ông mất phương hướng giữa rừng xanh núi thẳm. Nhưng kinh nghiệm đi rừng và cơ duyên đã đến với người đàn ông này khi vào ngày thứ hai, ông tìm lại được cửa hang.
Một năm sau, đoàn chuyên gia trở lại và Hồ Khanh cùng với ông Howard Limbert chính thức thám hiểm toàn bộ hang động này, đồng thời công bố trên tạp chí National Geographic về hang lớn nhất thế giới năm 2010.
“Theo thông lệ thì người phát hiện hang động được đặt tên. Tôi đã chọn tên Hồ Khanh, nhưng sau đó có ý kiến đề nghị đặt lại. Họ gợi ý chọn tên Đoòng, một bản nhỏ trên đường vào hang và tôi đồng ý đặt là Sơn Đoòng, với nghĩa ngọn núi ở sau bản Đoòng”, ông Khanh kể.
Từ đó trở đi, ông Hồ Khanh cộng tác với đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh, hàng năm vào rừng Phong Nha tìm thêm nhiều hang động. Những lần sau này, ông Khanh được thoải mái chọn tên hang và đã có rất nhiều cái hang mang tên người thân của ông, như hang Nghĩa (vợ ông), hang Thái Hoà (con), hang Hùng (tên một người bạn)…
Chính Hồ Khanh cũng là người khám phá ra hang Thiên Đường, hiện được khai thác du lịch và mỗi năm có hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan. “Ngày trước nghĩ đoạn tuyệt với rừng, nhưng nay không đi rừng thì lại thấy bồn chồn. Vất vả, khổ cực thì không thể kể hết được, rắn rết, côn trùng cắn hay trật chân, bong tay là chuyện quá bình thường với những người đi rừng như bọn tôi”, ông Khanh kể về những gian nan gặp phải giữa đường rừng.
Cái tên Hồ Khanh cũng được nhiều đoàn thám hiểm, nghiên cứu sinh vật lựa chọn để làm người dẫn đường cho mỗi chuyến nghiên cứu dơi, voọc hay là tìm kiếm một loài cây. "Những năm đầu, phương tiện bảo hộ không có nhiều nên gặp không ít nguy hiểm. Nhiều năm sau tằn tiện, tôi mới mua cho riêng mình trang bị chuyên nghiệp của người đi hang động. Những thứ này vô cùng đắt, có khi chỉ một đinh vít bắt vào đá đã mấy triệu đồng", Hồ Khanh cười kể.
Tự hào vì tìm được khoảng 30 hang động, mang vẻ đẹp quê hương đến với thế giới, dần dà máu khám phá ngấm vào trong người Hồ Khanh. Ông thường tìm đến những người đi rừng trẻ tuổi để đặt hàng họ tìm hang động, hoặc để nghe kể về những “dấu hiệu hang động”.
Ông Khanh trao đổi với các cán bộ Trung tâm cứu hộ, bảo tồn, phát triển sinh vật Phong Nha về một dụng cụ leo núi để cứu hộ động vật. Ảnh: Hoàng Táo
|
Trước khi trở vào rừng với đoàn chuyên gia, ông đều phải tự mình thực hiện những chuyến tiền trạm nhằm lên kế hoạch cho đoàn thám hiểm, hoặc trở lại thăm hang cũ, hoặc khám phá hang mới theo lời kể của những người đi rừng.
Đến năm 2011, khi hang Sơn Đoòng đi vào khai thác du lịch, ông Khanh trở thành nhân viên của đơn vị khai thác hang và là tổ trưởng của những người phục vụ gùi hành lý cho du khách. Hồ Khanh cũng mở một quán cà phê nhỏ tại nhà, ngay bên dòng sông Son thơ mộng dẫn lên hang Phong Nha và Tiên Sơn.
Cái quán “Hồ trên núi” nhỏ và đơn sơ này trở thành nơi gặp gỡ, giao lưu của những người cùng có máu khám phá hang động như Hồ Khanh. Ông cũng tận dụng mảnh vườn nhỏ, làm mấy gian nhà “Home stay” đón khách du lịch khắp thế giới về thăm vương quốc hang động Phong Nha.
Những ngày này, ông Khanh tất bật với việc thu thập thông tin để trở lại cho chuyến khám phá hang động được lên kế hoạch vào tháng 3 năm sau.
Mới đây, ông Hồ Khanh và chuyên gia hang động Hoàng gia Anh Howard Limbert, người phát hiện, thám hiểm và công bố hang Sơn Đoòng lớn nhất thế giới được nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba. |
Hoàng Táo
http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/hanh-trinh-tim-ra-hang-dong-lon-nhat-the-gioi-3212365.html
Thứ năm, 7/5/2015 | 11:06 GMT+7
Người phát hiện hang Sơn Đoòng được tặng Huân chương Lao động
Ông Hồ Khanh và chuyên gia hang động Hoàng gia Anh Howard Limbert, người phát hiện, thám hiểm và công bố hang Sơn Đoòng lớn nhất thế giới vừa được nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.
Ông Howard Limbert và Hồ Khanh, hai người có công phát hiện và công bố hang Sơn Đoòng lớn nhất thế giới vừa được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba. Ảnh: NVCC
|
Ngày 7/5, Ban thi đua khen thưởng tỉnh Quảng Bình cho hay hai cá nhân Hồ Khanh (47 tuổi, trú xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình), và chuyên gia hang động Hoàng gia Anh Howard Limbert (tạm trú tại xã Sơn Trạch) vừa được nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.
Ông Khanh được tặng thưởng vì “có công giúp các đoàn thám hiểm khám phá nhiều hang động, đặc biệt là hang Sơn Đoòng, góp phần phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Bình".
Chuyên gia đến từ Anh đã “có thành tích xuất sắc trong công tác thám hiểm, nghiên cứu và khảo sát hệ thống hang động Phong Nha - Kẻ Bàng, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch tỉnh Quảng Bình”.
Trong 10 năm qua, ông Hồ Khanh và Howard Limbert phối hợp với nhau tìm kiếm, khám phá và công bố nhiều hang động ở Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, trong đó có hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng.
Đón nhận tin được tặng phần thưởng cao quý, ông Khanh bộc bạch: “Sau nhiều năm làm nghề hang động, đây là một tin mừng, sự khích lệ và động viên để tôi cùng ông Howard Limbert tiếp tục tìm kiếm thêm hang động mới ở Phong Nha-Kẻ Bàng”.
Người đàn ông tuổi ngũ tuần chia sẻ, tháng 3/2016 sẽ bắt đầu đợt tìm kiếm, thám hiểm hang động mới cùng các chuyên gia hang động nước ngoài. Thông thường vào mùa hè hàng năm, ông Khanh cùng các chuyên gia hang động lại lặn lội vào rừng sâu Quảng Bình để tìm kiếm hang động mới, hoặc kiểm tra các hang động đã tìm thấy.
Hiện tại, hai người đàn ông này cùng với công ty Chua Me Đất thực hiện các tour du lịch thám hiểm hang Sơn Đoòng tổ chức hàng năm.
Ngoài hang Sơn Đoòng, Hồ Khanh và đoàn chuyên gia hang động Hoàng gia Anh còn khám phá nhiều hang khác ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Ảnh: Oxalis
|
Vào năm 1990, trong một lần đi rừng, ông Hồ Khanh phát hiện "một cửa hang lớn, đầy sương và bên trong gió rất to". Đến năm 2008, khi đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh đến Quảng Bình, Hồ Khanh đã kể về cửa hang này cho đoàn thám hiểm.
Qua miêu tả ban đầu, đoàn thám hiểm nhận định đây là một động lớn và động viên ông Khanh đi tìm lại cửa hang. Sau khi thăm hỏi rất nhiều người dân nhưng không ai biết, một mình Hồ Khanh vào rừng và mất đến 2 ngày mới phát hiện ra cửa trước hang.
Năm 2009, ông Howard Limbert thuộc nhóm thám hiểm hang động Hoàng gia Anh, với sự dẫn đường và trợ giúp của Hồ Khanh, đã chính thức phát hiện và thám hiểm toàn bộ hang Sơn Đoòng, được tạp chí National Geographic công bố là hang lớn nhất thế giới năm 2010.
Ngoài ra, Hồ Khanh còn phát hiện khoảng 30 hang động khác ở khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng và hiện anh vẫn tiếp tục cộng tác với nhóm thám hiểm hang động Hoàng gia Anh để khám phá thêm các hang động ở vùng này.
Hoàng Táo
http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/nguoi-phat-hien-hang-son-doong-duoc-tang-huan-chuong-lao-dong-3210319.html
Geen opmerkingen:
Een reactie posten