vrijdag 1 mei 2015

40 năm kết thúc Cuộc chiến Việt Nam 30-4-2015 (BBC)

Sự kiện đang được tường thuật

Nhắn tin trực tiếp

17:54


Sveta Nguyen kể cuộc nói chuyện với một cựu phóng viên chiến trường người miền Bắc ở Hà Nội nhân triển lãm ảnh 30/04 ở trung tâm L'Espace:
"Những bức ảnh chụp dân quân địa phương, các cụ già bên khẩu pháo (thật khó tin các cụ có thể bắn rơi máy bay tối tân hiện đại của Mỹ, nhất là sau khi nghe kể những thất bại của tên lửa Liên Xô), các cô gái trẻ măng mang súng làm người xem rưng rưng lo cho các cô thay vì khâm phục lòng dũng cảm của họ.
Không có hình ảnh của người bên kia chiến tuyến trừ một vài bức chụp tù binh Mỹ với gương mặt vô cảm.
Bức duy nhất có đả động đến người lính Nam Việt Nam là bức chụp hai người lính Bắc Việt vượt qua một xác chết không rõ mặt với tiêu đề kỳ lạ và phản cảm:
"Bộ đội Việt nam băng qua xác một người lính Nam Việt Nam khi tấn công Đồi Không tên".
Nhiếp ảnh gia muốn nói gì qua tiêu đề ấy?
Tôi gặp ông đang rất vui vẻ giữa vòng vây của báo chí. Nhìn mặt ông có thể thấy sự thoả mãn vì đã lâu mới lại được làm tâm điểm của sự chú ý. Khi tôi hỏi ông, xem lại những tấm ảnh này ông vui hay buồn.
Ông bảo: "Ông buồn vì nghĩ đến những người bạn đã không trở về nhưng rất vui vì miền Bắc đã chiến thắng."
Tôi hỏi ông thấy chiến thắng với giá ấy có đáng không thì ông hăng hái bảo đáng chứ. Khi thấy tôi không hưởng ứng, ông lẵng nhẵng đi theo tôi bảo tôi đừng ăn phải bả của hải ngoại, lính Mỹ không tốt như hình ảnh ở các đô thị đâu mà rất độc ác."

16:18


Chương trình truyền hình thực tế nhằm kỷ niệm ngày 30/4 dạy cho thanh niên cách giấu thuốc nổ C4 trong bánh giò giống du kích cộng sản trong thời chiến.
Chương trình 'Theo bước cha ông', do kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam thực hiện, nói về "những kỳ tích của dân tộc" nhằm giúp thể hệ trẻ "trân trọng quá khứ, kế tục trong hiện tại và phát triển tương lai", theo một thông cáo giới thiệu chương trình.
"Trên hành trình, người xem sẽ cùng hai nhân vật trải nghiệm tìm hiểu những câu chuyện về những công việc thầm lặng góp phần không nhỏ cho ngày toàn thắng của dân tộc".
Trong tập 4 của 'Theo bước cha ông', hai thanh niên trẻ dẫn chương trình đã gặp mặt các cựu 'giao liên' cộng sản tại Đà Nẵng để học cách nhào nặn và giấu thuốc nổ C4 trong bánh giò, báo Vietnamnet đưa tin.
Vietnamnet gọi thủ thuật này là "minh chứng cho thấy sự khéo léo, thông minh của nhân dân ta trong cuộc chiến giành hòa bình, thống nhất đất nước'.
Trong tập này, các cựu du kích cộng sản chỉ dẫn một cách tỉ mỉ cho hai thanh niên này cách ngụy trang thuốc nổ C4.
"Luộc lá, luộc bánh, nặn thuốc nổ C4 cho giống bánh, rồi lấy lá gói lại", một người nói, đồng thời cho biết việc chuẩn bị C4 được "làm bằng tay".
"Cái thật và cái giả khá là giống nhau, nhưng cái bánh giả nặng hơn khá nhiều so với bánh thật vì có thuốc nổ bên trong, không phải gạo," một người dẫn chương trình nói.
"Sau đây tôi và Lan Anh (người dẫn chương trình còn lại) sẽ trải nghiệm một công việc khá là thú vị, đó là gói chiếc bánh giả bên trong là nhân thuốc nổ C4", người này nói tiếp.

15:17


Ảnh của phóng viên AFP Cat Barton chụp một phế binh quân lực VNCH tại chùa Liên Trì, TPHCM, trong tháng 4 năm nay, trước ngày kỷ niệm 30/04.

14:59


Ở Việt Nam dịp nghỉ 30/04-01/05 kéo sang các ngày cuối tuần là lúc nhiều người đi du lịch. Trong hình là ảnh chụp bãi biển Cửa Lò, Nghệ An ngày 30/04/2015.

14:28


Một người khác tham dự lễ, ông Võ Xuân Hy, hiện đang sống ở Santa Ana, được Người Việt dẫn lời nói: “Cứ đến thời điểm này là thấy bùi ngùi. Có một cái gì đó uất nghẹn dâng trào lên trong tâm tư của chính mình, dù là trong một khoảnh khắc hay một thoáng chợt qua nhưng nó cứ kéo dài vài ngày như vậy.”
“Nhớ ngày 30 Tháng Tư là nhớ về một nỗi đau thương tủi nhục của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, tôi vẫn có một cái nhìn lạc quan về tương lai đất nước, là không phải chúng ta cứ ngậm ngùi, nuối tiếc hoặc căm thù mãi, mà chúng ta hy vọng chắc chắn một ngày gần đây quê hương Việt Nam sẽ được phục hồi, dân tộc Việt Nam sẽ đứng lên và ngọn cờ vàng ba sọc đỏ sẽ được dựng lại trên quê hương Việt Nam".

14:26


Vào lúc 6 giờ chiều, giờ địa phương, một lễ 'Tưởng Niệm 40 Năm Quốc Hận' cũng được cộng đồng người Việt ở hải ngoại tổ chức tại tượng đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ, Westminster.
Ông Nguyễn Tấn Duy, thành viên ban tổ chức, được báo Người Việt dẫn lời nói tại buổi lễ: “Chương trình lễ tưởng niệm 40 năm quốc hận được tổ chức ... trong mục đích để đồng bào tại quê nhà biết là người Việt hải ngoại vẫn đang tranh đấu và yểm trợ cho họ.”

13:06


Nguyễn Hùng của BBC tiếng Việt viết từ Washington DC:
Điều ngạc nhiên nhất với tôi trong mấy ngày ở Mỹ vừa qua xảy ra tại nhà của Đề đốc Lâm Ngươn Tánh, Tư lệnh Hải Quân cuối cùng của Việt Nam Cộng hoà. Cách đây 40 năm hai ông bà không muốn rời khỏi Việt Nam và chỉ ra đi vào ngày tồn tại cuối cùng của nền Đệ Nhị Cộng Hoà khi không còn đường nào khác. Hai người tiếp tôi và một đồng nghiệp rất chu đáo, chuẩn bị sẵn các loại bánh và trà. Chỉ tới lúc chia tay phu nhân của ông Tánh mới biết tôi sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, tức là Việt Cộng, trong con mắt bà. Một thoáng khó xử giữa hai bên trước khi chúng tôi tạm biệt. Ông Tánh đứng vẫy theo cho tới khi xe chúng tôi đi khuất.
Ngày 30/4 năm 1975, hai ông bà Lâm Ngươn Tánh lên Chiến hạm HQ Trần Hưng Đạo và sau đó theo tàu Hoa Kỳ tới Philippines. Bà Thủy, vợ ông, đang mang bầu bảy tháng. Từ tư lệnh hải quân khi rời Việt Nam tới Mỹ chẳng mấy chốc ông trở thành nhân viên dọn dẹp vệ sinh để kiếm tiền nuôi gia đình. Nhưng sau ông cũng có công việc trong Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, được nhiều bằng khen, vợ ông cũng có công việc tốt và ổn định, hai con gái bao gồm cả cô đầu sinh đúng năm 1975, đều thành đạt và giờ sống tại Michigan và New York trong khi hai ông bà ở bang Virginia.

11:23


Báo điện tử Chính phủ vừa đăng toàn văn điện mừng chiến thắng 30/4 của Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi đến Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng:
"Kính gửi đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng thân mến, tôi xin nhiệt liệt chúc mừng đồng chí, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam Việt Nam và thống nhất đất nước.
Ngày lễ trọng đại này, làm chúng ta tưởng nhớ tới lòng dũng cảm, sự kiên cường và chủ nghĩa anh hùng của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh gian khổ bảo vệ quyền tự do và độc lập của mình. Chính trong những năm tháng đó, những nền tảng vững chắc của tình hữu nghị và hợp tác giữa hai quốc gia chúng ta đã được thử thách.
Tôi tin tưởng rằng, dựa trên cơ sở những truyền thống vinh quang của quá khứ, chúng ta sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ toàn bộ tổ hợp của các mối quan hệ hai bên cùng có lợi Nga - Việt. Điều này luôn được đáp ứng một cách đầy đủ các lợi ích của nhân dân hai nước chúng ta, cũng như việc đảm bảo hòa bình, ổn định và an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Từ tận đáy lòng mình, tôi xin chúc đồng chí dồi dào sức khỏe, đạt nhiều thành tích. Chúc toàn thể nhân dân Việt Nam hạnh phúc và phồn vinh.
Xin gửi đồng chí lời chào trân trọng"

11:20

Phóng viên Nguyễn Hùng của BBC tiếp tục tường thuật từ Hoa Kỳ: "Cựu binh Việt Nam, Thượng Nghị sỹ Jim Webb nói Sài Gòn sụp đổ là một "thảm kịch lớn" và kết quả có thể đã khác nếu chính quyền Mỹ hành xử có trách nhiệm hơn. Người đứng cạnh ông là bà Hồng Lê, phu nhân Thượng Nghị sỹ trong buổi lễ có nhiều người tham dự ở Washington DC trưa 30/04 giờ miền Đông Hoa Kỳ."

23:02

Phóng viên ảnh Nick Ut của hãng thông tấn AP trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam nhìn nhận truyền thông quốc tế khi đó có lúc đã đăng tải những hình ảnh ‘có hại cho Việt Nam Cộng hòa’.
Ông Nick Út nổi tiếng với bức ảnh chụp ‘Em bé Napalm’ nổi tiếng khắp thế giới.
Bức ảnh chụp một bé gái trần truồng bị bỏng sau một trận bom napalm của quân đội Việt Nam hồi năm 1972 mà ông chụp đã ‘được cả thế giới đăng, luôn cả báo cộng sản của Nga, của Cuba đều lên trang bìa’, ông nói với BBC.
“Trong vòng hai ngày (sau khi có bức ảnh đó), đã nổ ra những cuộc biểu tình chống chiến tranh trên khắp thế giới,” ông kể.
Khi được hỏi có phải những hình ảnh khốc liệt của truyền thông về cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam đã góp phần làm dư luận thế giới không ủng hộ người Mỹ và Việt Nam Cộng hòa hay không trong khi bộ máy tuyên truyền của Bắc Việt chỉ công bố những hình ảnh có tính chất khích lệ tinh thần bộ đội của họ, nhà báo Nick Út nói ông ‘không vào được phía cộng sản chụp ảnh’.
“Nhiều người hỏi tôi tại sao chụp phía quân đội miền Nam chết mà không chụp phía cộng sản,” ông nói và cho biết nếu ông và các nhà báo nước ngoài khác vào vùng miền Bắc kiểm soát tác nghiệp thì ‘có thể bị bắt’.
Trong khi đó, quân đội Mỹ, quân đội miền Nam khi đó ‘rất cởi mở cho báo chí’, cũng theo lời ông.

22:58

Nguyễn Hùng cho biết Quốc ca Việt Nam Cộng hoà vừa vang lên ở Đài Tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam nơi có bức tường khắc tên hơn 58.000 lính Mỹ thiệt mạng.
Mời quý vị xem video.

22:52


Trả lời nhà báo Đinh Quang Anh Thái của tờ Người Việt về những giờ chót của ngày 30/04/1975 cựu phóng viên Dan Southerland , người trong cuộc chiến Việt Nam làm việc cho hãng tin UPI và tờ The Christian Science Monitor:
Dan Southerland: "Ngày 30 Tháng Tư, tôi gọi điện thoại cho một số tờ báo ngoại quốc có văn phòng ở Sài Gòn, trong đó có tuần báo Time là nơi ông Phạm Xuân Ẩn (trong hình chụp năm 2005) làm phóng viên. Ẩn nói với tôi rằng có một người bạn từng quen biết lâu năm với chúng tôi là Trần Kim Tuyến hiện không thể tìm được đường thoát thân.
Tôi tin chắc chắn rằng, nếu ông Tuyến rơi vào tay cộng sản, ông sẽ không cách nào toàn mạng. Vì vậy tôi gọi ngay cho một viên chức Mỹ của Tòa Ðại Sứ nhờ giúp đỡ. Ông này báo cho tôi biết địa điểm mà chỉ trong chốc lát nữa một trực thăng sẽ đáp xuống để bốc người. Tôi báo ngay cho Ẩn. Thế là Ẩn hộc tốc lái xe đón ông Tuyến rồi đưa ông Tuyến đến một căn biệt thự nơi chiếc trực thăng sắp hạ càng xuống nóc nhà. Trần Kim Tuyến đi thoát. Lúc bấy giờ, tôi hoàn toàn không biết Phạm Xuân Ẩn là gián điệp của cộng sản."

19:20

Các nhà báo của BBC thảo luận bàn tròn trực tuyến trong ngày tròn 40 năm cuộc chiến Việt Nam kết thúc.
http://bit.ly/1AkldVi
Cuộc thảo luận tuần này có sự tham gia của các vị khách:
- Phóng viên Hồng Nga, BBC tiếng Việt, đang có mặt từ TP. Hồ Chí Minh,
- Phóng viên Nguyễn Hùng, BBC tiếng Việt, từ Washington D.C. Hoa Kỳ.
- Tham gia từ Studio của BBC tại London là nhà báo Nguyễn Giang, Trưởng ban BBC Việt ngữ.
- Dẫn chương trình và điều hợp tọa đàm: nhà báo Quốc Phương.

BREAKING 19:09 tin mới nhất

Nguyên Phó Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Thị Bình nói về “hòa hợp, hòa giải”.
Trả lời báo Tiền Phong, bà nói: “Sau khi giành thắng lợi, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đồng chí Lê Duẩn đã chỉ đạo: phải thực hiện thật tốt chính sách hòa giải dân tộc, làm cho mọi người dân hiểu thắng lợi 30/4 là thắng lợi của cả dân tộc Việt Nam.
“Nhưng thực tế không đơn giản, đặc biệt chính sách Việt Nam hóa chiến tranh, sau khi đất nước thống nhất để lại trong lòng một số người ngoài mặc cảm “thua cuộc” còn mang những hận thù của cá nhân và gia đình. Để hàn gắn vết thương 40 năm chưa lành cần sự chuyển biến mạnh hơn của cả hai phía.”
Bà kết luận: “Tôi nghĩ muốn hòa giải phải có thiện chí từ hai phía, nhà nước ta có trách nhiệm lớn và cần những chính sách chủ động, thiết thực hơn nữa. Phải kiên trì, nhưng phải tích cực hơn trong công cuộc hòa giải dân tộc này vì sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước hôm nay.”

BREAKING 16:48 tin mới nhất

Tạp chí Foreign Affairs đăng bài dài, đặt câu hỏi đâu là những bài học từ cuộc chiến Việt Nam.
Các tác giả cho rằng cuộc chiến sẽ tiếp tục gây chia rẽ trong cách nhìn, và khó có sự đồng thuận:
Cuộc chiến Đông Dương “cũng là trải nghiệm chủ quan, rất cá nhân”.
Vì điều này, “không chỉ có những cái nhìn lịch sử và chính trị khác biệt về những gì xảy ra, mà còn cả những kết luận đạo đức khác nhau”.

15:52

Một số hình ảnh tại lễ kỷ niệm mà Việt Nam gọi là “40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”, diễn ra sáng 30/4 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

BREAKING 15:43 tin mới nhất


Phóng viên Hồng Nga tường thuật bằng tiếng Anh cho kênh truyền hình BBC đúng ngày 30/4 tại TP. HCM.
Mời quý vị theo dõi.

BLOG 14:17

UT San Diego
Trang tin UT San Diego có bài “Cuộc chiến Việt Nam sau 40 năm, các cựu thù nay là bạn, nhưng vẫn còn đau đớn” trong đó viết:
Sau khi lễ diễu binh và các bài phát biểu ăn mừng hôm thứ Năm qua đi, một nhóm các cựu thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ, những người đã giúp người Mỹ di tản khỏi Sài Gòn sụp đổ tụ tập tại địa điểm Toà Đại sứ Hoa Kỳ cũ, nay là Toà Lãnh sự Hoa Kỳ. Họ đặt tấm biển nhỏ tưởng nhớ hai đồng đội đã ngã xuống, hai quân nhân Mỹ cuối cùng thiệt mạng trong cuộc chiến: Hạ sỹ Charles McMahon và Darwin Judge, chết ngày 29/4/1975, khi vị trí của họ ở gần sân bay bị trúng rocket.
“Chúng tôi đã thua… và tôi đã cảm thấy điều đó từ rất lâu…” Kevin Maloney, một trong những lính thuỷ quân lục chiến cuối cùng rút lui nói. “Tôi cảm thấy hổ thẹn vì chúng tôi đã bỏ mọi người ở lại như vậy. Tôi đã làm những gì có thể, cho nên tôi thấy mình ổn, nhưng nói về mặt quốc gia thì tôi nghĩ chúng tôi lẽ ra đã có thể làm tốt hơn. Tôi hy vọng chúng tôi có thể rút ra bài học, nhưng tôi không nghĩ là chúng tôi đã nhìn ra điều đó.”
Hàng trăm ngàn người Việt đã rời bỏ miền nam trong những ngày, những năm sau khi chiến tranh kết thúc. Nhiều người liều mạng trên những con thuyền đi tìm tự do. Đa số tới định cư tại Hoa Kỳ, mà nhiều người trong số họ đã trở về thăm gia đình, đầu tư về Việt Nam. Nhưng một số vẫn thù hận cộng sản và khước từ trở về chừng nào chính quyền độc đảng vẫn còn nắm quyền.
Đất nước này vẫn kiểm soát báo chí và đàn áp bất đồng chính kiến. Họ bỏ tù những ai dám nói công khai về dân chủ, kể cả bằng hình thức viết blog trên mạng internet. Nhưng rất nhiều thứ đã thay đổi so với những ngày mới kết thúc chiến tranh, khi Việt Nam còn rơi vào cảnh đói nghèo kiệt quệ và bị cô lập trong thời hợp tác xã.

14:17


Đoàn múa trong trang phục áo dài và nón lá tại lễ diễu hành kỷ niệm 40 năm sự kiện 30/4 ở trung tâm TP.HCM

13:48


Lực lượng lính thủy đánh bộ Việt Nam diễu qua lễ đài trong lễ duyệt binh sáng 30/4 tại trung tâm TP.HCM, trên tay là súng M-18 do Việt Nam sản xuất và cải tiến từ M-16, có thiết kế giống loại súng được bộ binh Hoa Kỳ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

13:45


Cờ Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam trong lễ diễu binh

13:22


Trung tướng Bế Xuân Trường, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, dẫn đầu đoàn diễu hành sáng 30/4 tại trung tâm TP.HCM.

12:07


Báo điện tử VnExpress cho biết lực lượng công an đã chặn nhiều đường lớn trong trung tâm Tp.HCM từ sáng sớm 30/4, khiến nhiều người dân không thể xem trực tiếp lễ diễu binh.
"Các chú công an nói về nhà xem tivi trực tiếp chứ không thể vào xem", bà Nguyễn Mỹ Vân, một cựu thanh niên xung phong có mặt tại đây, được dẫn lời nói.
"Tiếc lắm, 40 năm thống nhất, định xem không khí đại lễ, cũng là để nhớ lại cái thời xông pha khói lửa".

BLOG 11:48

Trang mạng Quartz
Trang mạng Quartz, trong bài viết có tựa đề "Việt Nam do Cộng sản cầm quyền 40 năm qua nhưng nay là nước chuộng chủ nghĩa tư bản nhất hành tinh", viết:
Ngày 30/4/1975, xe tăng Bắc Việt húc đổ cổng Dinh Tổng thống, ngày nay là Dinh Thống nhất, và chính phủ Nam Việt Nam đầu hàng, chấm dứt hai chục năm xung đột.
Cũng dễ hiểu vì sao quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ phải mất nhiều thời gian mới có thể ấm trở lại. Hoa Kỳ đã không có những bước đi nhằm bình thường hoá quan hệ cho tới tận 1991. Tổng thống Bill Clinton dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại năm 1994 và bình thường hoá hoàn toàn quan hệ vào 1995.
Rất giống với Trung Quốc, Việt Nam ngày nay vẫn là một đất nước độc tài. Đó cũng là một nhà nước cộng sản, nhưng chỉ về danh nghĩa mà thôi. Mọi thứ đã thay đổi nhiều trong suốt 40 năm qua. Theo một khảo sát gần đây của Pew thì Việt Nam ngày nay có quan điểm tích cực nhất về chủ nghĩa tư bản, thậm chí còn nhiệt thành hơn cả ở Đức, Ấn Độ hay Hoa Kỳ.

11:15


Từ trái sang phải: Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, trên đường ra lễ đài dự lễ duyệt binh

11:03


Hồng Nga, tường thuật từ TP Hồ Chí Minh: Trước lễ diễu binh, bầu không khí ở đây rất náo nức, ít nhất là với những binh sĩ trẻ quanh chỗ tôi đứng. Họ dựng súng, tíu tít chụp hình cho nhau và chụp với những ngưới tới dự.
Hầu hết những người tham dự đều còn rất trẻ. Họ có lẽ ra đời sau khi chiến tranh kết thúc, không có ký ức gì hoặc nếu có cũng chỉ rất ít về cuộc chiến.
Nhưng Chiến tranh Việt Nam đã để lại nhiều vết sẹo hằn sâu. Một cựu chiến binh nói với tôi: “Tôi tới đây bởi chúng tôi phải giữ cho lịch sử sống mãi.”
Sau 40 năm, vẫn còn là một quốc gia cộng sản nhưng Việt Nam đã tiến một chặng đường dài. Nhưng một số người nói rằng tốc độ cải tổ xã hội, cải tổ chính trị vẫn chưa theo kịp với những thay đổi về kinh tế.

11:03


Cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam được diễu qua phố

10:56


Lực lượng Công an Nhân dân trong lễ diễu binh sáng 30/4 tại trung tâm TP.HCM

10:56


Lực lượng nữ bộ đội thông tin trong lễ diễu binh sáng 30/4.

09:44


Tại buổi đại lễ kỷ niệm diễn ra ở Thành phố Hồ Chí Minh sáng nay 30/4/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài diễn văn dài hơn 20 phút.
Bài diễn văn có đoạn: "Sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân Việt Nam có quyền thực hiện khát vọng thiêng liêng của mình là được sống trong một đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do, hạnh phúc và có quan hệ bình đẳng, hữu nghị với tất cả các quốc gia trên thế giới.
"Nhưng Đế quốc Mỹ đã ngang nhiên áp đặt chế độ thực dân kiểu mới, biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự của Mỹ, đàn áp tàn bạo Cách mạng miền Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại khốc liệt ở miền Bắc. Chúng đã gây ra biết bao tội ác dã man, biết bao đau thương, mất mát đối với đồng bào ta, đất nước ta. Tổ quốc ta đã phải trải qua những thử thách cực kỳ nghiêm trọng.
"Song, nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quí hơn độc lập tự do. Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành mệnh lệnh thiêng liêng của lý trí và trái tim của mỗi người Việt Nam.
"Chúng ta đã hoàn thành sứ mạng lịch sử vẻ vang là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập thống nhất và cùng nhau xây dựng nước Việt Nam ta dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh," Thủ tướng Dũng phát biểu.
Hướng tới tương lai, ông khẳng định: "Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phát huy tinh thần của Đại thắng, xây dựng nhà nước, chính trị vững mạnh, phát triển kinh tế vững chắc để sớm đưa nước ta thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới mô hình tăng trưởng và sức cạnh tranh, phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân tự do phát triển kinh doanh."
Thủ tướng cũng cam kết "Bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao phúc lợi, đảm bảo đời sống tinh thần của người dân, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh như tâm nguyện của Bác Hồ, tiếp tục hoàn thiện Nhà nước Pháp quyền, đảm bảo các quyền tự do của nhân dân, lấy lợi ích quốc gia là mục tiêu cao nhất, đẩy lùi nạn tham nhũng, quan liêu, suy thoái chính trị của cán bộ."
Trong quan hệ đối ngoại thì "chúng ta khép lại quá khứ hướng tới tương lai, Việt Nam là bạn của các nước trên thế giới, tôn trọng chủ quyền không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau," theo lời Thủ tướng.

09:18


Phóng viên ảnh Nick Ut của hãng thông tấn AP trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam nhìn nhận truyền thông quốc tế khi đó có lúc đã đăng tải những hình ảnh ‘có hại cho Việt Nam Cộng hòa’.
Một nhà báo khác là cộng tác viên của AP từng tiếp xúc với phía Bắc Việt mô tả bộ đội Bắc Việt chỉ biết ‘nhận lệnh đi đánh’ chứ ‘không biết thông tin gì về thế giới bên ngoài’.
Nick Út và Nguyễn Tú A, hai cựu phóng viên chiến trường ở Việt Nam, đã đưa ra những nhận định trên trong cuộc phỏng vấn với BBC từ miền Nam California, nơi hiện thời hai ông định cư sau khi di tản khỏi miền Nam Việt Nam vào trước ngày 30/4/1975.
Ông Nguyễn Tú A là cộng tác viên còn Nick Út khi đó là phóng viên ảnh cho AP. Ông Nick Út nổi tiếng với bức ảnh chụp ‘Em bé Napalm’ nổi tiếng khắp thế giới.

08:57

Hôm 28/4/2015, Dân biểu Liên bang Alan Lowenthal đệ trình Nghị quyết tưởng niệm 40 năm ngày Sài Gòn thất thủ.

Theo thông cáo báo chí của văn phòng dân biểu Lowenthal, ông đã đệ trình vào Hạ viện Quốc hội Hoa Kỳ một nghị quyết nhằm đánh dấu 40 năm Tháng Tư Đen và sự kiện lịch sử ngày Sài Gòn thất thủ.
Nghị quyết "cũng nhằm vinh danh sự thành công và đóng góp vào đất nước Hoa Kỳ của toàn thể người Mỹ gốc Việt trong hơn 40 năm qua, cũng như tưởng niệm đến tất cả các chiến sĩ Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh đã anh dũng chiến đấu, hy sinh tại chiến trường Việt Nam, và vô số những người dân đã chết trên con đường tìm tự do," nội dung thông cáo viết.
“Vào ngày 30 tháng 4, chúng ta sẽ cùng nhau tưởng niệm đến một trong những giây phút lịch sử quan trọng nhất đối với cộng đồng người Mỹ gốc Việt, đó là 40 năm ngày Sài Gòn thất thủ và Việt Nam Cộng Hòa bị cưỡng chiếm hoàn toàn.” Dân Biểu Lowenthal nói.
“Tưởng niệm Tháng Tư Đen hàng năm là dịp để nhớ lại những hy sinh to lớn của người Việt tỵ nạn Cộng sản, sự cố gắng vương lên và những thành tựu đáng kể của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. Nghị quyết của Quốc Hội này nhằm chính thức công nhận biến cố lịch sử quan trọng của ngày Sài Gòn thất thủ và sự ảnh hưởng đối với hàng triệu người dân Hoa Kỳ. Chúng ta không nể nào quên được sự hy sinh của những người đã bỏ mình để tranh đấu cho tự do, dân chủ, và nhân quyền tại Việt Nam.”
Nghị quyết được Dân biểu Alan Lowenthal đệ trình với sự đồng bảo trợ của các Dân Biểu Julia Brownley (CA-26), Tony Cardenas (CA-29), Judy Chu (CA-27), Gerry Connolly (VA-11), Susan Davis (CA-53), Mark DeSaulnier (CA-11), Zoe Lofgren (CA-19), Jim McDermott (WA-7), Scott Peters (CA-52), Loretta Sanchez (CA-46), và Mark Takano (CA-41).
Dân biểu Liên bang Alan Lowenthal đại diện cho Địa Hạt 47-CA bao gồm các thành phố và khu vực như Westminster, Garden Grove, Buena Park, Anaheim, Midway City, Stanton, Long Beach, Lakewood, Signal Hill, Avalon, Los Alamitos, Rossmoor, và Cypress.

08:24

Đại tá André Sauvageot, người từng phục vụ ở Việt Nam chín năm nói với Nguyễn Hùng ở Washington DC về tương lai quan hệ Việt - Mỹ: "Hoài bão của tôi từ lâu rồi là Việt Nam và Mỹ tiếp tục cải thiện quan hệ hữu nghị căn cứ vào một nguyên tắc chung là hai bên cùng có lợi ... vì tôi nghĩ là Việt Nam và Mỹ không có gì mâu thuẫn quyền lợi. Ông nói thêm: "Tôi rất là mừng vì Tổng thống Obama bố trí thêm các chiến hạm hải quân và các lính thuỷ đánh bộ của Mỹ ở Úc, tức là để ra một dấu hiệu cho Trung Quốc nên lựa chọn chính sách chung sống hoà bình và chấm dứt tất cả những vụ xâm nhập vào đặc khu kinh tế của Việt Nam, Philippines và một vài nước khác."

07:52

Truyền thông trong nước nói nhiều đoàn khách quốc tế, đại diện các cơ quan ngoại giao tại Thành phố Hồ Chí Minh, các phóng viên nước ngoài có mặt tại buổi lễ.
Trang tin Dân Trí nói các đoàn quốc tế đến dự buổi lễ gồm đoàn của Lào, Campuchia và Cuba.

07:18

Trang tin VnExpress đưa tin vào 7h sáng 30/4, khoảng 6.000 người tham gia lễ diễu binh, diễu hành trọng thể mừng lễ 30/4 ở lễ đài tại ngã tư Lê Duẩn - Pasteur, Công viên 30/4 (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh).
Theo VnExpress, buổi lễ gồm 30 phút văn nghệ, phần đọc diễn văn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phát biểu cựu chiến binh, thế hệ trẻ và tiết mục thả chim bồ câu, tiếp đến là chương trình diễu binh, diễu hành.
Để bảo vệ an toàn tuyệt đối cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế và các đại biểu tham dự buổi lễ, Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng cường lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ trong suốt thời gian diễn tập và lễ chính thức.

23:19

Nhân 40 năm ngày cuộc chiến Việt Nam kết thúc, BBC Việt Ngữ đã trò chuyện với bà Rory Kennedy, nữ đạo diễn kiêm nhà sản xuất bộ phim tài liệu Last Days in Việt Nam - Những ngày cuối cùng tại Việt Nam - với những diễn biến vào thời khắc lịch sử đó qua con mắt của những người Mỹ và các cộng sự người Miền Nam Việt Nam của họ.
Đó là câu chuyện của những sĩ quan Mỹ và Nam Việt Nam trước khi rút đi đã tìm mọi cách di tản hàng ngàn người Việt bất chấp lệnh cấp trên trước khi lực lượng miền Bắc chiếm Sài Gòn.
Bà Rory Kennedy, một đạo diễn phim tài liệu có tiếng từng được giải thưởng điện ảnh Emmy, xuất thân từ một gia đình từng có quyền lực chính trị lớn nhất nước Mỹ và có nhiều liên quan trực tiếp tới cuộc chiến Việt Nam.
Cha bà, cố Thượng nghị sĩ Robert Kennedy (em trai cố Tổng thống John F. Kenneday) ứng viên tranh cử Tổng thống trước khi bị ám sát năm 1968, đã từng đề xuất kế hoạch chấm dứt cuộc chiến này.
Trước tiên nữ đạo diễn Rory Kennedy nói về điều đã khiến bà quyết định làm bộ phim được đề cử giải thưởng điện ảnh Oscar 2015 này.
Rory Kennedy (RK): Tôi cảm thấy Việt Nam là một thời điểm có tính quyết định trong lịch sử nước Mỹ. Tôi cho rằng làm phim về những ngày cuối cùng là đặc biệt quan trọng. Nhiều người thực sự không biết những gì xảy ra trong những ngày cuối này, và tôi cảm thấy nó liên quan tới ngày nay, khi chúng tôi đang vật lộn tìm cách rút ra khỏi cuộc chiến Iraq và Afghanistan.
Tôi cho rằng những sự kiện này có những điểm chung và chắc chắn cái nhìn từ bên trong và những bài học rút ra được từ những gì diễn ra cách đây 40 năm tại Việt Nam.

22:58


Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên ở Việt Nam sau năm 1975 nói ông và nhiều người đều bị sốc trước các diễn biến ở Nam Việt Nam hồi tháng Tư năm 1975.
40 năm sau khi đồng minh của Nam Việt Nam "tháo chạy", các nhà cựu ngoại giao Hoa Kỳ vẫn không tin là Washington lại có khi nào đứng về phía Việt Nam nếu Hà Nội bị Bắc Kinh tấn công.
Cựu Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên ở Hà Nội, ông Douglas Pete Peterson, nói với Nguyễn Hùng trong phỏng vấn bằng tiếng Anh hôm 28/4 từ Australia nơi ông đang sinh sống rằng quan hệ hai nước đang khá vững chắc và ông không loại trừ khả năng hai bên có thể đi tới các thoả ước hợp tác chính thức.
Tuy nhiên ông không tin là Hoa Kỳ sẽ làm gì để tổn hai tới đối tác quan trọng của họ về kinh tế, chính trị và an ninh như Trung Quốc.
Ông Peterson cho rằng Việt Nam đã rất "thông minh" trong ứng xử với Trung Quốc và Bắc Kinh cũng đã thấy quyết tâm của Việt Nam khi thử đưa giàn khoan sâu vào vùng biển sát Việt Nam trong năm ngoái. Theo ông, Trung Quốc là đối tác kinh tế, chính trị và an ninh quan trọng của Việt Nam và Việt Nam sẽ khó quay hẳn sang Hoa Kỳ. Thay vì cách nói Việt Nam thay đổi 180 độ và muốn Mỹ can thiệp trong quan hệ với Trung Quốc, ông nói sự thay đổi chỉ chừng 20-30 độ.
Đại sứ nói hôm 30/4/1975, ông vẫn ở trong quân ngũ và đang thăm Bangkok. Ông đã góp phần vào giúp cho việc di tản hàng trăm máy bay của Việt Nam Cộng hoà sang Thái Lan. Cựu binh từng bị giam ở Hà Nội hơn ba năm tới 1973 sau khi máy bay của ông bị bắn rơi và bản thân ông bị mang đi diễu quanh các làng ở Hải Dương khi mình còn mang thương tích nói ông nhẹ người vì Sài Gòn đã sụp đổ mà không có cảnh đánh nhau giành từng góc phố và đổ máu khủng khiếp.
Đại sứ cho rằng Việt Nam đã có những tiến bộ đáng ghi nhận về giảm mức đói nghèo, nâng cao mức sống chung và dần dần cải thiện quyền con người.
Ông nói Việt Nam không phải là nước bình thường mà là quốc gia đông dân thứ 14 trên thế giới và cần có trách nhiệm tuân theo và thậm chí giám sát việc thực hiện các luật lệ quốc tế. Đại sứ nói ông hy vọng Việt Nam sẽ trở thành công dân quốc tế có trách nhiệm.

22:51

Tác giả Thái Văn Cầu viết trên diễn đàn BBC:
“Tuổi trẻ là người lãnh đạo tương lai của đất nước. Họ có đặc tính mà những lớp tuổi khác khó thể sánh bằng: năng lực, nhiệt tình và sáng tạo. Đồng thời, tuổi trẻ sẽ là người gánh chịu toàn bộ hậu quả, một khi họ thụ động, tiêu cực, theo chủ nghĩa “mặc kệ nó”, trước mọi nan đề hôm nay.
Trong khi thử thách, khó khăn là nhiều, thuận lợi dành cho tuổi trẻ không ít. Việt Nam là nước trẻ, với hơn 60% dân số sinh sau 1975. Trong cách mạng thông tin, thống kê năm 2014 cho thấy khoảng 75% thành phần trẻ sử dụng internet mỗi ngày. Đặc tính riêng và thông tin đa chiều tạo thêm sức mạnh cho tuổi trẻ.
Trong hơn một tháng qua, có rất nhiều bài viết về cuộc chiến tranh tàn khốc giữa những người chung giòng máu, về những biến chuyển từ 1975. Bên cạnh lắng nghe, tôn trọng suy nghĩ, ý kiến của người khác, tuổi trẻ Việt Nam nên hướng về phía trước, xác định ngày 30 tháng 4 năm 2015 là ngày đầu tiên trên chặng đường 10 năm.
Đây là chặng đường mà tuổi trẻ mạnh dạn phát huy vai trò tiên phong của mình, kết hợp sử dụng phương tiện tiên tiến trong thời đại tin học, với quyết tâm thúc đẩy thay đổi tận gốc rễ. Tuổi trẻ cùng các thế hệ khác, trong và ngoài chính quyền, trong và ngoài đảng, giành lại quyền làm chủ, quyền quyết định vận mệnh đất nước, quyền chọn lựa lãnh đạo có tâm, có tầm, đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết, thông qua bầu cử tự do và công bằng, kiên quyết thực hiện những quyền tự do như báo chí, đi lại, hội họp, phát biểu, v.v., quy định trong Hiến pháp và trong cam kết quốc tế.
Chặng đường 10 năm tới dứt khoát không là sự lập lại giai đoạn tệ hại nào trong 40 năm qua. Chặng đường 10 năm tới là quá trình nhận thức rõ bạn và thù của đất nước, nhận thức rõ không gông cùm vô hình hay nỗi sợ hãi nào ngăn được bước chân của tuổi trẻ Việt Nam.”

22:03

Hình chụp của hãng AP tại TP. HCM ngày 29/4.

21:27

Trong dịp tới tiểu bang Virginia của Hoa Kỳ, Nguyễn Hùng đã thấy lá cờ của bên thua cuộc trong nội chiến Hoa Kỳ tung bay tại bang vốn là ranh giới Bắc Nam trước đây. Cũng như ở Việt Nam, miền Bắc đã chiến thắng nhưng mục tiêu cao cả của miền Bắc Mỹ là xoá bỏ hoàn toàn chế độ sở hữu nô lệ.
Tuy nhiên một học giả Hoa Kỳ cũng nói phải mất 100 năm sau người da đen mới có quyền bỏ phiếu.
Tại Việt Nam, lá cờ vàng không được chấp nhận và những người muốn công khai mang lá cờ ở nơi công cộng sẽ gặp rắc rối với chính quyền.
Khi ở Virginia, Nguyễn Hùng cũng được xem lá cờ Việt Nam Cộng hoà treo lần cuối trên Chiến hạm HQ Trần Hưng Đạo hiện do Tư lệnh hải quân cuối cùng của miền Nam lưu giữ.

20:35

Cựu Tổng Biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế nói 40 năm sau chiến tranh là quá đủ để hàn gắn.
‘’Hòa giải phải từ hai phía nhưng phía nhà nước [Việt Nam] nên làm trước. Chẳng hạn như về nghĩa trang Biên Hòa.
‘’Nhà cầm quyền nên mở cánh cửa trước, chúng ta nên nhìn về tương lai. Chúng ta không phát triển được [như Singapore] là vì chúng ta bị chia rẽ,’’ ông Khế nói Hồng Nga của BBC tiếng Việt tại Sài Gòn.
Khi được hỏi nên gọi 30/04/1975 là ngày gì, ông Khế nói theo ông nên gọi là “Ngày Thống nhất đất nước và đoàn tụ dân tộc.”

19:34


Một số bạn chia sẻ trên trang Facebook với BBC hình so sánh voi thật thời trước 1975 và voi giả trong dịp tổng duyệt lễ 30/04 năm nay.

BREAKING 19:28 tin mới nhất

Nhân 40 năm ngày cuộc chiến kết thúc, BBC Việt Ngữ giới thiệu lại một vài phóng sự của các phóng viên BBC đã có mặt tại Việt Nam và gửi tường thuật trong các dịp kỷ niệm ngày cuộc chiến kết thúc, từ năm 1975-2005.
Phóng viên BBC Brian Barron hỏi chuyện một quân nhân miền Bắc tại Sài Gòn ngày 30/4/1975
Là người đã có mặt tại Sài Gòn vào những ngày cuối tháng Tư năm 1975 và chứng kiến giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước này, phóng viên BBC Brian Barron đã nhiều lần trở lại Việt Nam vào các các dịp kỷ niệm 10 năm, 20 năm ngày cuộc chiến kết thúc.
Đây là phóng sự cuối cùng của ông về Việt Nam khi ông trở lại đây vào năm 2005 và nhìn lại những đổi thay trong ba mười năm đó.

18:04

Viết trên New York Times hôm nay, nhà báo Nguyễn Quí Đức, đang sống ở Hà Nội, nhận xét:
“Con người ở đây, đặc biệt giới trẻ, có những quan tâm khác – nhiều điều tầm thường, mang tính tiêu thụ vật chất, nhưng không chỉ có vậy.
Trong khi chính phủ nói về chiến thắng trong cuộc chiến chống Mỹ, người dân nói về những thất bại hôm nay, như tham nhũng và lạm dụng quyền lực.
Khi thanh niên Việt Nam nhìn về quá khứ, họ không ngưỡng mộ sự hy sinh của người Cộng sản; họ ngưỡng mộ phong cách của kẻ thù người Cộng sản. Nhiều trang web mới đã đăng lại các tấm hình thập niên 1960 và đầu 1970 từ tạp chí như Life, cho thấy người dân miền Nam khéo ăn mặc thời trang. Phong cách “retro thời chiến” đang thịnh hành hôm nay.
Chính phủ đã chuẩn bị sân khấu lớn tại Dinh Thống Nhất. Các buổi lễ và duyệt binh sẽ diễn ra ở đó hôm thứ Năm, được truyền hình trực tiếp. Các bạn tôi bảo họ sẽ không xem. Buổi lễ diễn ra trước ngày Lễ Lao động, và họ sẽ có cuối tuần nghỉ xả hơi xa nhà.”

BREAKING 17:57 tin mới nhất

Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên ở Việt Nam sau năm 1975 nói ông và nhiều người đều bị sốc trước các diễn biến ở Nam Việt Nam hồi tháng Tư năm 1975.
Ông Douglas Pete Peterson từng là phi công trong Cuộc chiến Việt Nam, bị bắt và đưa đi diễu quanh các làng ở Hải Dương khi máy bay của ông bị bắn rơi và sau đó bị tù hơn ba năm cho tới 1973.
Đại sứ nói với Nguyễn Hùng của BBC rằng giờ quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã đủ mạnh để có thể tiếp tục phát triển mà không nhất thiết phải có sự tham gia của những người có liên hệ đặc biệt với Việt Nam như ông và các cựu binh có tiếng khác trong đó có các ông John McCain, John Kerry, Chuck Hagel và Jim Webb.
Ông Peterson nói chuyến thăm tới đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy sự tiến triển của quan hệ.
Cựu Đại sứ cũng khẳng định Hoa Kỳ chưa bao giờ nghĩ tới chuyện gây tác động để phế bỏ chế độ ở Việt Nam.

16:54


Hình của nhà báo Thành Tín, tức Đại tá Bùi Tín (bên phải) gửi cho BBC chụp ảnh ông đứng trong sân của Dinh Độc Lập ngày 30/04/1975 với Thiếu tướng Nam Long. Tác giả Mỹ, Stanley Karnow trong cuốn 'The Peace That Never Was (1985) viết ở trang 669 rằng ông Bùi Tín là người ' trực tiếp chấp nhận tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh'. Nhưng sau này một số báo Việt Nam cho rằng Đại úy Phạm Xuân Thệ bắt Tổng thống Dương Văn Minh và Trung tá Bùi Văn Tùng tiếp nhận đầu hàng tại Đài phát thanh Sài Gòn.

16:51

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nói về “ba bài học lịch sử của chiến thắng 30/4”.
Nói với Báo điện tử Chính phủ, ông Nhân nhận định:
“Thứ nhất, nếu trong chiến tranh, nhân dân tiến bộ trên thế giới giúp chúng ta giành lại độc lập, hòa bình thì ngày nay là khả năng đồng thuận với các quốc gia. Mỗi quốc gia đều phải lo lợi ích của chính mình, lo độc lập, chủ quyền, lo hạnh phúc của người dân nhưng không được xâm phạm lợi ích, quyền lợi của người khác. Như vậy thì mới có thể kết hợp được với nhau về mặt chính trị, tư tưởng.
“Thứ hai, trong thời đại hiện nay, chúng ta phải biết tận dụng thời cơ của toàn cầu hóa về thị trường, công nghệ, vốn, nhân lực cũng như gắn kết khu vực. Đây là thời cơ rất đặc biệt, mở ra cơ hội cho một nước dù xuất phát có thể thấp hơn nhiều nước khác thì vẫn có thể vươn lên nhanh chóng.
“Và cuối cùng là phát huy được khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngay cả bây giờ, dù GDP đầu người đã đạt hơn 2.000 USD thì bài học này vẫn hết sức quan trọng và rất cần nhân rộng trong điều kiện hiện nay.”

BREAKING 15:58 tin mới nhất

Lấy cảm hứng từ bộ phim tài liệu được đề cử giải Oscar, Last Days in Vietnam (Những Ngày Cuối Cùng ở Việt Nam), mạng truyền thông Mỹ PBS cùng StoryCorps thực hiện Dự Án Câu Chuyện Những Ngày Đầu Tiên.
Đây là nỗ lực nhằm thu thập, gìn giữ, và vinh danh những câu chuyện của người tị nạn người Mỹ gốc Việt và các cựu quân nhân của cuộc chiến tranh Việt Nam.
Dự án mời hơn 200 người tham gia có một cuộc trò chuyện không gián đoạn kéo dài 40 phút với một người thân hay người bạn, nhằm ghi lại những trải nghiệm của người tị nạn người Mỹ gốc Việt qua tiếng nói của chính những người đã trải qua thời điểm đó.
Nội dung được trưng bày trên trang web của PBS và lưu trữ tại Trung Tâm Đời Sống Dân Tộc Hoa Kỳ tại Thư Viện Quốc Hội.

15:45

Trang web SBS của Úc hôm thứ Tư giới thiệu truyện tranh tương tác, The Boat, dựa theo tác phẩm của nhà văn người Úc gốc Việt Nam Le.
Nội dung truyện nói về số phận thuyền nhân chạy khỏi Việt Nam sau chiến tranh.
Họa sĩ Matt Huynh, sống ở New York, là người minh họa truyện. Họa sĩ, cũng như nhà văn, đều có cha mẹ chạy khỏi Việt Nam sau 1975.

15:18

Về số nạn nhân Chiến tranh Đông Dương lần 2 mà Hoa Kỳ gọi là Cuộc chiến Việt Nam tại Lào, John Tirman từng viết trên Washington Post 06/01/2012:
"Số binh sỹ và thường dân Việt Nam thiệt mạng là khoảng từ .25 đến 3.8 triệu, và riêng số người chết vì trận Hoa Kỳ ném bom Campuchia đã là 600,000 đến 800,000, và số người Lào bị chết trong cuộc chiến là khoảng 1 triệu."
Trong hình là lực lượng cộng sản hành quân tại Lào thời gian cuộc chiến.

15:18

Bà Nguyễn Thị Xuân Phượng, người đã có mặt tại Gia Định, Sài Gòn vào đúng ngày 30/4/1975, nói rằng trong hành trình đi cùng Chiến dịch Hồ Chí Minh, từ Huế tới Đà Nẵng, Nha Trang tới Sài Gòn, nhóm của bà đã chứng kiến và quay được những thước phim “không thể nào độc đáo hơn trong một cuộc chiến tranh”.
“Ngày 23/3/1975, tôi cùng năm người quay phim và một chiếc xe ô tô lên đường,” cựu phóng viên chiến trường kể với BBC Tiếng Việt.
“[Chúng tôi] ở Huế được ba ngày thì Bộ Chỉ huy Quân sự bảo cấp tốc vào Đà Nẵng để quay cảnh giải phóng Đà Nẵng.”
“Khi qua đèo Hải Vân, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng ghê gớm chưa từng thấy. Xác người la liệt dọc đường lên trên đèo cao. Xác người nằm vòng quanh, cả rơi xuống vực… Xe quân sự, xe dân sự rải rác trên đường đi."
"Một bên là xác xe hơi dân sự, xe hơi quân sự, xác người chồng chất. Một bên là dòng người đi bộ từ đèo Hải Vân đi xuống. Nghe nói Huế đã giải phóng, một dòng người dân khi đó chạy về Huế.”
“Chúng tôi ở Đà Nẵng ba ngày. Ra bãi Tiên Sa thấy va li quần áo đồ đạc, nhất là quần áo quân đội của Sài Gòn cũ, vứt la liệt. Cảnh tượng rất đau lòng. Qua cầu tàu đi ra biển, chỗ ra Hạm Đội 7 ngày xưa, [thấy] rất nhiều xác trẻ em, phụ nữ.”
"Hỏi ra thì được biết những người đó chạy mong ra được Hạm Đội 7 để di tản. Được nửa chừng có thể chìm tàu hoặc vì lý do gì khác mà rớt xuống, xác chết la liệt.”
Bà cũng kể về cảm xúc cá nhân khi về tới thành phố quê hương và được gặp người thân tại Huế sau hàng chục năm xa cách, về những ấn tượng đầu tiên của một người đã trải qua nhiều năm sống ở miền Bắc thiếu thốn trước một thành phố Sài Gòn văn minh, thịnh vượng.
Ngày 30/4/1975, nhóm phóng viên của bà Nguyễn Thị Xuân Phượng cùng một số phóng viên từ miền Bắc vào đã tiếp quản Đài Truyền hình Sài Gòn.
Video do phóng viên Hồng Nga của BBC Tiếng Việt thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh trong tháng Tư 2015.

14:52

Vẫn theo cuốn 'Khi đồng minh tháo chạy, tác giả, Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng, nguyên Phụ tá Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, nguyên Tổng trưởng Kế hoạch (1973), thì có một số "Nguyên nhân chính Mỹ bỏ rơi Miền Nam".
Tác giả viết:
"Tại sao Mỹ lại dứt khoát bỏ rơi Miền Nam? Câu trả lời ngắn gọn là vì quyền lợi của Mỹ ở Việt nam đã không còn nữa. Sau Thế chiến thứ 2, Hoa kỳ giúp thành lập hai quốc gia: Do Thái và Việt nam cộng hoà. Ngày 14 tháng 5, 1947, Do Thái trở thành một nước độc lập. Ngay sau đó, quân đội của năm nước A Rập (Ai cập, Syria, Jordan, Lebanon và Iraq) tấn công Do Thái. Hoa kỳ vội vàng yểm trợ, chính thức công nhận Quốc Gia Do Thái. Ngày 26 tháng 10, 1955, nước Việt nam cộng hoà được thành lập. Hà nội nhất quyết đòi hỏi phải tổ chức tổng tuyển cử toàn quốc (vào tháng 7, 1956) để đi tới thống nhất, theo như quy định của Hiệp định Genève. Tổng thống Diệm, với sự ủng hộ mạnh mẽ của Hoa kỳ, tiếp tục bác bỏ. Tổng thống Eisenhower tuyên bố ông có thể "trỏ tay vào quốc gia Việt nam Tự do với niềm hãnh diện "; Nghị sĩ John F. Kennedy (sau này kế vị Eisenhower) còn bình thêm: "Tự do chính trị ở Miền Nam là một nguồn cảm hứng" cho ông."
Tác giả phân tích tiếp trong cuốn sách xuất bản từ năm 2005:
"Ngày nay, VNCH đã mai một 30 năm rồi, nhưng Do Thái vẫn còn trường tồn, lại còn mạnh mẽ hơn. Lý do chính là vì Mỹ vẫn còn cần đến Do Thái làm tiền đồn để trấn giữ túi dầu ở Trung Đông. Vì nhu cầu đó, ngày nay dù đang phải gánh chịu biết bao nhiêu hậu quả của chính sách đối với Do Thái, Mỹ vẫn kiên cường. Đã rõ ràng là những khủng hoảng hiện tại như chiến tranh Iraq, biến cố 9/11, Ai Qaeda, căng thẳng với Iran, nó đã không ít thì nhiều, có dính líu tới chính sách này. Thực ra, nếu Do Thái không có Mỹ yểm trợ thì với chỉ vỏn vẹn chưa tới 6 triệu dân, quân đội Do Thái dù có tài giỏi, lãnh đạo dù có sáng suốt, trong sạch, dân chủ, gấp mấy lần Miền Nam đi nữa thì chắc cũng đã bị toàn khối A Rập áp đảo rồi. Chả cứ chờ đến khi nào thế giới không còn cần nhiều đến dầu lửa nữa vì có được những nguồn năng lượng quan trọng khác như ánh sáng mặt trời hay kỹ nghệ nguyên tử lực, thì lúc đó mới biết Do phái có còn trường tồn được hay không?
"Nếu tiền đồn dầu lửa ở Trung Đông còn cần thiết thì tiền đồn của "thế giới tự do " bên Á châu lại không còn cần thiết nữa. Kể từ ngày Tổng thống Nixon bắt tay được với Trung Quốc thì giá trị của Miền Nam để " ngăn chặn làn sóng đỏ " đã không còn là bao nhiêu trong những tính toán của Mỹ về hơn-thiệt ( cost-benefít ). Dần dần, Miền Nam đã hết vai trò một tiền đồn của "thế giới tự do". Và như vậy, vấn đề còn lại đối với Mỹ thì chỉ là làm sao rút ra được cho êm thắm, ít bị tổn hại về uy tín là được rồi," Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng viết.

14:09


Sách 'Bên Thắng cuộc', (cuốn I - Giải Phóng) của tác giả nhà báo Huy Đức viết về một chi tiết ngay sau 30/4/1975 liên quan tới lãnh đạo tân chính quyền vào 'giải phóng' Sài Gòn.
Huy Đức, trong chương 'Cải tạo' viết:
"Ngày 6-5-1975, ông Võ Văn Kiệt đi cắt tóc chuẩn bị lễ ra mắt Ủy Ban Quân quản. Người thợ cắt tóc thấy một ông đứng tuổi đi xe U-oát tới, trong khi cắt tóc có bộ đội đứng chờ, tuy không biết rõ ông là ai, nhưng cắt tóc cho ông xong, đã lễ phép cúi chào, ông trả tiền thế nào cũng không chịu lấy.
"Xe U-oát của ông Kiệt đi tới đâu, người dân tránh ra nhường chỗ rộng rãi cho đi. Những xe khác của “Quân Giải Phóng” cũng được cư xử như vậy.
"Nhiều tuần sau đó, “các chú bộ đội” đi xe buýt không phải trả tiền và người dân bắt đầu làm quen với những chiếc xe quân sự chạy vô đường cấm.
"Ông Võ Văn Kiệt nhớ lại:
“Lúc đó, uy thế của cách mạng trùm lên tất cả”. Ngay cả những “tên ác ôn”, kẻ cướp giật, các băng nhóm cũng chỉ lo giữ thân hoặc xem xét, theo dõi," cuốn Bên Thắng cuộc viết.

14:08


Trong mục có tựa đề 'Ngụy Quân', cuốn Bên Thắng Cuộc, (phần I - Giải phóng) của Huy Đức viết về câu chuyện cải tạo.
"Một tuần sau, ngày 5-5-1975, Ủy Ban Quân quản Sài Gòn ban bố:
“Mệnh lệnh số 1 về việc ra trình diện, đăng ký và nộp vũ khí của sĩ quan, binh lính, cảnh sát, và nhân viên ngụy quyền:
Điều I: Tất cả các sĩ quan, binh lính, cảnh sát, tình báo mật vụ, nhân viên ngụy quyền trong thành phố Sài Gòn và tỉnh Gia Định đều phải ra trình diện và đăng ký. Thời hạn bắt đầu từ ngày 8-5-1975 cho đến ngày 31-5-1975 là ngày cuối cùng.
Điều II: Cấp tướng và tá trình diện và đăng ký tại số nhà 213 Đại lộ Hồng Bàng, cấp uý trình diện và đăng ký tại uỷ ban nhân dân cách mạng quận, cấp hạ sĩ và binh lính trình diện và đăng ký tại uỷ ban nhân dân cách mạng phường. Cảnh sát, công an tình báo mật vụ trình diện và đăng ký tại trụ sở Ban an ninh nội chính thuộc Ủy ban Quân Qủan thành phố Sài Gòn. Nhân viên công chức làm việc tại nhiệm sở nào trình diện và đăng ký tại nhiệm sở nấy.
Điều III: Khi ra trình diện và đăng ký nhất thiết phải mang nộp chứng minh thư, các loại giấy tờ cá nhân, tất cả vũ khí, trang bị, hồ sơ tài liệu, phương tiện, ngân quỹ…
Điều IV: Người nào, nhà nào, tập thể nào, cơ sở nào có giữ vũ ,khí chất nổ và các phương tiện, khí tài thông tin đều phải tới khai và nộp tất cả.
Điều V: Mệnh lệnh này phải được triệt để chấp hành đến 24 giờ ngày 31 (ba mươi mốt) tháng 5 (năm) năm 1975, những người không ra trình diện cố tình lẩn trốn sẽ bị nghiêm trị, những người đã ra trình diện, đăng ký nhưng còn khai gian, giấu diếm võ khí tài liệu, phương tiện nghĩa là chưa thành thật, sau này phát hiện ra thì xem như chưa tuân lệnh, người nào đăng nạp vũ khí, tài liệu, khí tài vật tư quý giá và phát hiện nhiều vấn đề có giá trị khác sẽ được xem xét khen thưởng xứng đáng.
Tất cả những người đã ra trình diện đăng ký tạm thời trước khi có lịch này đều phải làm đăng ký chánh thức lại theo mệnh lệnh này.
Sài Gòn, ngày 5-5-1975
Thay mặt Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn-Gia Định/Chủ tịch/Thượng tướng TRẦN VĂN TRÀ (trong ảnh).”

13:55


Vẫn cuốn Bên Thắng Cuộc (phần I - Giải phóng) của Huy Đức (trong ảnh) khi viết về trình diện, cải tạo của bên thua cuộc với tân chính quyền sau 30/4/1975, cho hay:
"Việc ra trình diện không kéo quá dài như dự kiến. Chỉ trong vòng năm ngày, đã có 23 viên tướng có mặt tại Sài Gòn tự động đến Trung tâm Dự bị Viện Đại học Sài Gòn: Tướng Vũ Văn Giai, tư lệnh Sư đoàn 3; Tướng trẻ Trần Quốc Lịch, 40 tuổi, tư lệnh Sư 5; Tướng Phan Duy Tất, chỉ huy trưởng Biệt động Quân khu II; Tướng Hồ Trung Hậu, nguyên phó tư lệnh Sư Đoàn Dù… Nhưng chủ yếu là những viên tướng đã nghỉ hưu từ trước: Trung tướng Nguyễn Hữu Có, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Sằng, Trung tướng Lê Văn Nghiêm… Cũng có những người đã thôi chức từ rất lâu như Trung tướng Lê Văn Kim, về hưu từ năm 1964; Trung tướng Nguyễn Văn Vĩ, nguyên Tổng trưởng Quốc phòng, về hưu từ năm 1972; Thiếu tướng Lâm Văn Phát, người từng bị Sài Gòn kết án tử hình vắng mặt từ năm 1965…
Trong thời điểm khắc nghiệt nhất của chế độ Sài Gòn, những người “ngoan cố” đã ra đi hoặc đã tuẫn tiết như Tướng Lê Văn Hưng, phó tư lệnh; Tướng Nguyễn Khoa Nam, tư lệnh Quân Đoàn IV và một số tỉnh trưởng Miền Tây khác. Những người còn lại ở lại và chấp nhận những gì sẽ đến với mình48.
Ở Sài Gòn, 443.360 người ra trình diện, trong đó có hai mươi tám viên tướng, 362 đại tá, 1.806 trung tá, 3.978 thiếu tá, 39.304 sỹ quan cấp uý, 35.564 cảnh sát, 1.932 nhân viên tình báo các loại, 1.469 viên chức cao cấp trong chính quyền,9.306 người trong các đảng phái được cách mạng coi là “phản động”. Chỉ 4.162 người phải truy bắt trong đó có một viên tướng và 281 sỹ quan cấp tá.
Gần một tháng sau sau Lệnh Trình diện, ngày 10-6-1975, Uỷ Ban Quân quản ra thông cáo “Về việc Học tập Cải tạo Sỹ quan, Hạ sỹ quan, Binh lính và Nhân viên Quân đội Ngụy, Tình báo, Cảnh sát và Ngụy quyền đã trình diện đăng ký”. Theo đó: Tất cả hạ sỹ quan binh lính và nhân viên quân đội Nguỵ thuộc các quân binh chủng tại Sài Gòn-Gia Định, tình báo cảnh sát và nhân viên Nguỵ quyền quận, phường, khóm, xã, ấp đã trình diện đăng ký phải đi học tập cải tạo trong ba ngày kể từ ngày 11-6-1975 đến ngày 13-6-1975. Nhân viên Nguỵ quyền từ trưởng phó phòng trở xuống thuộc các phủ, bộ, vụ, viện, nha, sở, ty… đã đăng ký đi học tập từ ngày 18 đến ngày 20-6-1975. Thời gian học tập liên tục từ 7 giờ đến 16 giờ [giờ ĐôngDương] trưa nghỉ một giờ. Người đi học tự mang thức ăn trưa và chiều, sau khi học, về nhà nghỉ. Lệnh học tập này phải được tuyệt đối chấp hành ai không đi học tậpcải tạo đúng thời hạn coi như phạm pháp," Bên Thắng Cuộc viết.

13:37


"Đúng nhất phải gọi ngày 30/4 là ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vì giải phóng là đương nhiên thống nhất đất nước rồi," ông Huỳnh Văn Chịa, cựu chiến binh du kích Củ Chi nói với phóng viên Hồng Nga tại khu di tích địa đạo Củ Chi hôm 28/4.
Ông Chịa, năm nay 70 tuổi, theo du kích từ năm 14 tuổi. Bị thương vào mắt và mất một tay, nay ông sống ở địa phương.
Ông nói: "Chúng tôi sẵn sàng hoà hợp hoà giải, nhưng còn phụ thuộc vào phía bên kia, họ có muốn hay không".

11:39


Liên quan tới đánh dấu tròn bốn chục năm ngày 30/4 và đặc biệt một cuộc tranh luận trên BBC gần đây về việc liệu ở Việt Nam hậu 30/4/1975 có hay không có việc 'ngược đãi' đối với các thành phần cựu sỹ quan, binh sỹ, quan chức, nhân viên chế độ cũ (Việt Nam Cộng Hòa), mà trong đó có sử gia cho rằng không có 'chuyện ngược đãi' với những người đi cải tạo sau, ông Võ Văn Ái, từ Paris, cung cấp cho BBC một tư liệu là một bản đồ.
Theo số liệu trên bản đồ này, sơ bộ có ít nhất 500.000 tù nhân chính trị trong các trại cải tạo và nhà tù Việt Nam, trong đó có những trung tâm cái tạo được cho là giam giữ ít nhất từ 1.000 người, 3.000 người, 5.000 người và 15.000 người trở lên.
Bản đồ cũng cho thấy vào thời điểm công bố có 1.000.000 thuyền nhân Việt Nam sống sót sau khi đã rời bỏ đất nước tìm nơi tị nạn bằng tàu, thuyền trên Biển Đông.
Tấm bản đồ được công bố bởi một Ủy ban vận động từ trước và in lại gần đây trong một cuốn sách của ông Võ Văn Ái, nhà hoạt động về nhân quyền và tự do tôn giáo cho Việt Nam, có tựa đề "Người trí thức & hành động dẫn đường" (trang 17).
Ông Ái, người hiện là phát ngôn nhân của Viện Hóa đạo và Văn phòng II Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (thành lập trước 1975) cho hay bản đồ được Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm người Việt Nam công bố tại cuộc họp báo "Bắc hóa chế độ tù ngục tại Miền Nam Việt Nam" tại Paris ngày 29/5/1978, tức chỉ 3 năm sau ngày 30/4.
Nhà hoạt động nói thêm tấm bản đồ và sự kiện này khi đó đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông phương Tây, với 60 ký giả truyền hình, truyền thanh và báo chí quốc tế với nhiều kinh nghiệm đã tham dự và đưa tin.

11:17


Một độc giả gửi cho BBC một tư liệu được một nhà báo, nhà văn và phóng viên nổi tiếng người Ý, Tiziano Terzani, từng có 30 năm viết lách và tường thuật từ châu Á về Đông và Đông Nam Á, cho tờ báo Đức Der Spiegel (Tấm Gương) công bố chỉ trong vòng một thập niên sau sự kiện 30/4/1975.
http://bit.ly/1zbRNNM
Tư liệu có tựa đề "Mười năm sau chiến tranh: Cả người chết cũng bị lừa" do nhà báo được cho là một thời 'thân cộng' viết:
"Trước đây mười năm, khi những chiếc xe tăng đầy bụi bặm với lá cờ Việt Cộng chạy ngang qua tòa Đại sứ quán Mỹ tiến tới dinh thự của tổng tống Thiệu bại trận, khi những người lính du kích đầu tiên, gầy gò, rụt rè, trẻ tuổi, kéo xuống đường Tự Do, con số ít ỏi của những người ngoại quốc có mặt trong lúc đó đã khóc vì mừng rỡ: một cuộc chiến tranh tàn bạo đã chấm dứt, Việt Nam dường như đã giành lại được độc lập, một dân tộc tái thống nhất bây giờ sẽ có hòa bình và công lý – thời đó chúng tôi tin là như vậy.
Hòa bình không trở lại
"Hòa bình đã không trở lại với Đông Dương. Hàng trăm người Việt trẻ tuổi đã hy sinh trên các chiến trường Campuchia. Không có công lý, nếu như công lý khác với việc lật đổ một xã hội và thay thế một chế độ độc tài bằng một chế độ độc tài khác. Người Sài Gòn, rõ ràng là như vậy, ngày nay sống tồi tệ hơn, phải chịu đựng tình trạng thiếu năng lực và tham nhũng nhiều hơn, sợ cảnh sát nhiều hơn là trước kia.
“Cách mạng đã không thực hiện bất cứ lời hứa nào của họ”, một người bạn nói. “Ngay cả người chết cũng bị lừa.” Trên nghĩa trang cũ ở Biên Hòa, nơi nhiều người lính Việt Nam hy sinh trong cuộc chiến chống cộng sản được chôn cất ở đó, phần lớn các ngôi mộ đã bị xe ủi đất san phẳng – mặc dù chế độ mới đã tạo một nghĩa trang riêng cho những người anh hùng đã hy sinh cho cuộc cách mạng.
Đối với người sống
Đối với người sống, lời hứa hòa giải dân tộc còn được thực hiện ít hơn như thế nữa.
Trong tháng Năm 1975, một sĩ quan từ quân đội của Thiệu được lệnh đi “học tập cải tạo”. Ông mang theo mùng, bàn chải đánh răng và gạo cho 30 ngày đi trình diện; và ông cũng như tôi tin rằng sau 30 ngày ông thật sự sẽ trở về.
“Nào phải 30 ngày! Thành 3289 ngày”, bây giờ ông nói; ông còn có may mắn. Nhiều người lính, sĩ quan và nhân viên trước kia của chính quyền bại trận đã chết trong các trại cải tạo. Nhiều người vẫn còn ở trong những trại trong rừng đó, những trại mà các quan chức cộng sản ngày nay trong những khoảnh khắc bất cẩn đã gọi chúng là “trại tập trung”.
Người dịch tư liệu này trong phần giới thiệu về tác giả Tiziano Terzani (1938 – 2004) cho hay:
"Ông đã từng vào rừng sống chung với Việt Cộng. Tháng 4 năm 1975, ông là một trong số ít nhà báo đã ở lại Sài Gòn, nhân chứng của thời điểm lịch sử đó. “Tôi đã rơi nước mắt”, Terzani nhớ lại. Bài báo này do ông viết nhân dịp kỷ niệm mười năm kết thúc cuộc Chiến tranh Việt Nam.

10:50


Trang điện tử 'Tuyên giáo' của Ban Tuyên Giáo Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đăng nổi một bật tin về cầu truyền hình được mở ra giữa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với sự hiện diện của lãnh đạo đảng của hai thành phố này.
Tờ Tuyên giáo cho hay tối hôm thứ Năm "tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra cầu truyền hình mang chủ đề “Mùa xuân đầu tiên”.
"Đây là chương trình đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
"Tham dự chương trình có đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội;
"Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, cùng đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành, thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh."

10:39


Nhiều đài báo Việt Nam dường như đã sẵn sàng tung ra các chương trình chuẩn bị dầy công trong dịp kỷ niệm "Đại thắng Mùa Xuân, Giải phóng Miền Nam, Thống nhất Đất nước", năm nay.
Đài truyền hình Việt Nam (VTV) giới thiệu chương trình "Khoảnh khắc tháng Tư" trên trang mạng báo điện tử của mình với một tấm hình có lá cờ màu đỏ rộng lớn với một chiếc xe tăng T34 ở phía dưới, biểu tượng cho 'chiến thắng' của quân đội Bắc Việt ở Dinh Độc Lập trong ngày 30/4/1975.

10:15


“Thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi của đường lối và nghệ thuật quân sự Việt Nam dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng,” đó là nhận định của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, được đăng tải trong bài viết của ông trên Tạp chí Cộng sản nhân dịp 40 năm ngày 30/4.
Ông Nguyễn Phú Trọng viết tiếp:
"Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của quân và dân ta, tạo bước ngoặt trong lịch sử dân tộc, mở ra kỷ nguyên mới đối với nước ta - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thể hiện sâu sắc sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Đó cũng là một sự kiện có tầm vóc quốc tế to lớn và mang tính thời đại sâu sắc. Thắng lợi đó bắt nguồn từ nhiều nhân tố, trong đó nhân tố quyết định nhất là nhờ có sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, phát huy cao độ nghệ thuật quân sự độc đáo Việt Nam."
NẮM VỮNG MÁC - LÊ

"Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta (1954-1975) là sự tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân. Trong điều kiện đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn cứ vào tình hình quốc tế, trong nước, so sánh thế và lực giữa ta và địch, nắm vững phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đề ra đường lối kháng chiến độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo và tổ chức thực hiện đường lối đó phù hợp với điều kiện cụ thể và sự phát triển của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới."
Ông Trọng nhấn mạnh ý nghĩa, bối cảnh của lần kỷ niệm 30/4 năm nay:
"Năm nay, chúng ta kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đúng vào thời điểm Đảng ta tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XII của Đảng. Đây là một sự kiện trọng đại đối với Đảng ta, dân tộc ta; đồng thời, cũng là dịp để Đảng ta nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, phát huy trí tuệ của toàn Đảng, hoàn thiện đường lối đổi mới, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới."
NHẮC NHỞ QUÂN ĐỘI
Và ông Tổng bí thư cũng không quên nhấn mạnh yêu cầu của Đảng với quân đội Việt Nam. Ông viết:
"Quân đội nhân dân với vai trò là một lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và là lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Tổ quốc, Nhân dân, cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng theo hướng "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại".

Quân đội cần chủ động nắm chắc tình hình, dự báo chính xác xu hướng phát triển, nhất là những vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh của đất nước; trên cơ sở đó, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng công an, đối ngoại để tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chiến lược bảo vệ Tổ quốc và có đối sách, xử lý đúng đắn các tình huống, không để bị động, bất ngờ, góp phần tạo môi trường hòa bình ổn định để xây dựng, phát triển đất nước."

10:00


Báo Người Việt Online từ Hoa Kỳ, trong một bản tin truyền hình, cho rằng chính quyền Việt Nam đang chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 'chiến thắng' nhưng 'bất an chưa từng có'.
http://bit.ly/1ElZC2F
Người Việt dẫn ý kiến phản ánh trên truyền thông, mạng xã hội và dư luận người dân trong nước cho thấy sự quan ngại về quy mô chuẩn bị cho lễ mừng 'đại thắng mùa xuân, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước' làm đảo lộn sinh hoạt của người dân địa phương.
Trong khi đó, vẫn theo nhật báo của cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ, chính quyền có thể sẽ phải tiêu phí nhiều tỷ đồng cho đại lễ, diễu binh, trong khi tình hình kinh tế của đất nước đang gặp nhiều khó khăn.
Tờ Người Việt phản ánh nhiều người dân đưa đón con cái đi học, đưa bệnh nhân tới bệnh viện, hoặc ra vào khu vực sinh sống đã đang gặp khó khăn trong suốt gần một tuần chuẩn bị cho 'đại lễ' hiện nay.

09:42


“Cần gọi đúng tên cuộc chiến này” là một bài viết hay, đầy tâm huyết và giá trị của nhà văn Phạm Đình Trọng. Tuy nhiên đề xuất của tác giả gọi tên cuộc chiến hai miền Việt Nam vừa qua là “Nội chiến” không được độc giả chấp nhận. Vì sao vậy?", đó là ý kiến của Tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang, nhà vận động cho nhân quyền và dân chủ hóa tại Việt Nam trong bài viết của ông đăng trên trang mạng Bauxit Việt Nam.
Ông viết tiếp:
"Trước hết, gọi như vậy không đúng thực tế. Không ai thấy người dân miền Nam ra đánh Miền Bắc. Cũng không thấy người dân Miền Bắc vào đánh Miền Nam, ngoại trừ những người bị Cộng sản Việt Nam xúi giục/cưỡng bức"
"Gọi như vậy sẽ góp phần nuôi dưỡng hận thù Nam Bắc vốn đã ẩn tàng đâu đó.
"Đã một thời người ta xem tất cả những người sống ở Miền Nam đều là đang theo giặc, không chỉ xâm lăng Miền Nam mà còn chuẩn bị lấp sông Bến Hải tấn công ra Bắc; xem tất cả những ai bỏ nước ra đi đều là phản động, là phản bội tổ quốc đáng bị lên án, đáng bị trừng trị," TS. Nguyễn Thanh Giang nêu quan điểm trên trang mạng http://boxitvn.blogspot.co.uk/

09:27

Nhìn lại cuộc chiến Việt Nam, trong tác phẩm 'Khi đồng minh tháo chạy', Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng, nguyên Phụ tá Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu và Tổng trưởng về Tái thiết năm 1973 trong nội các của Tổng thống Thiệu, khi rút tỉa bài học cho các đồng minh với Mỹ, viết:
"Nếu những bài học cho Mỹ đã được nhiều tác giả bình luận thì những bài học cho các đồng minh của Mỹ lại chỉ được các nhà lãnh đạo quốc tế rỉ tai nhau và truyền miệng về những nhận xét của họ.
"Bài học thứ nhất cho một đồng minh của Hoa kỳ là nên nhận định rõ ràng vấn đề quyền lợi. Lý do quan trọng nhất mà Hoa kỳ nhảy vào một cuộc chiến là quyền lợi của Hoa kỳ.
"Những mục tiêu khác như bảo vệ nhân dân, tranh thủ nền độc lập, hay xây dựng dân chủ (cho VNCH hay Iraq, hay Afghanitan) thì chỉ là thứ yếu. Năm 1965, trước khi cho Thủy quân Lục chiến đổ bộ vào Đà Nẵng (ngày 6 tháng 3), trong một cuộc họp mật và cao cấp tại Washington, D.C. vào tháng 1, 1965, Bộ trưởng quốc phòng Robert Mcnamara và thứ trưởng Mcnaughton đã nói toạc ra là mục liêu của Mỹ "không phải là để giúp một nước bạn thắng là để ngăn chặn Trung Cộng".
TÍNH TOÁN MỤC ĐÍCH
"Về việc đưa quân vào Việt nam, trong buổi họp ngày 24 tháng 3, 1965, Mcnaughton còn tính toán rõ ràng về mục đích của Mỹ theo phần trăm như sau:
- 70% là để tránh một sự thất bại làm bẽ mặt cho Mỹ;
- 20% để giữ Miền Nam khỏi rơi vào tay Trung Cộng; và
- 10% để cho nhân dân Miền Nam được tự do, hạnh phúc.
"Thứ hai, quyền lợi về kinh tế là bền vững, lâu dài; quyền lợi về chính trị hay ngoại giao chỉ là giai đoạn. Nó chỉ tồn tại vào thời gian nào đó mà thôi. Hoa kỳ can thiệp vào chiến trường Việt nam trong thời điểm lúc cường độ chiến tranh lạnh còn đang lên cao.
"Tới lúc bắt đầu "détente", giảm căng thẳng được với Liên Xô thì quyền lợi đó cũng bắt đầu giảm. Tới khi Tổng thống Nixon bắt tay với Mao Trạch Đông (tháng 2, 1972) thì quyền lợi đó coi như đã chấm dứt," tác giả Nguyễn Tiến Hưng viết.

09:13


Trang mạng của Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc (CRI Online) nhân dịp này cũng có mục "Một số ca khúc đi cùng Năm tháng nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam Việt Nam".
Trong mục này, ban biên tập đã có cuộc trao đổi với một khách mời người Việt Nam 'từng học tập' và hiện 'đang công tác' ở Trung Quốc nhắc tới sự kiện 30/4 cũng như chuyến thăm của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, gần đây tới Trung Quốc.
Đài TQ: Năm 2015 này là một năm có nhiều ngày kỷ niệm đặc biệt đầy ý nghĩa và nhiều niềm vui của đất nước Việt Nam nói riêng và hai nước Trung Quốc- Việt Nam nói chung.
Khách mời VN: "Là người Việt Nam từng học tập và hiện nay đang công tác tại Bắc Kinh, Thành Trung rất phấn khởi và tự hào về đất nước mình đồng thời cũng rất vui vì đang thực hiện nguyện vọng góp phần nhỏ bé của mình vào công trình xây dựng lâu đài hữu nghị Việt-Trung."

Đài TQ: Đúng rồi. Bây giờ chúng ta sẽ cùng điểm lại những ngày kỷ niệm đầy ý nghĩa diễn ra trong năm 2015 của hai nước Trung-Việt nói chung và của đất nước Việt Nam nói riêng nhé. 18 tháng 1 năm nay là kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ Ngoại giao Trung Quốc-Việt Nam.
Khách mời VN: Riêng về đất nước Việt Nam em trong năm nay có những ngày kỷ niệm như: 30 tháng 4 sắp tới là kỷ niệm 40 ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước Việt Nam, 19 tháng 5 là kỷ niệm 125 năm ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh, mồng 2 tháng 9 là kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Việt nam.
THẮT CHẶT QUAN HỆ
Đài TQ: Còn một sự kiện quan trọng và rất vui của nhân dân hai nước Trung –Việt, đó là chuyến thăm chính thức Trung Quốc rất thành công và giàu thành quả của Tổng Bí thư BCH TƯ ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng theo lời mời của Tổng Bí thư BCH TƯ ĐCS Trung Quốc Tập Cận Bình vừa diễn ra tốt đẹp từ ngày 7 đến ngày 10 tháng 4 vừa qua. Đã đánh dấu quan hệ hai nước sẽ phát triển và thắt chặt hơn mối quan hệ truyền thống đã được các thế hệ tiền bối Cách mạng của hai nước dày công vun đắp.
Khách mời VN: Đây cũng chính là nguyện vọng chung của nhân dân hai nước.
Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc cũng không quên đăng lại tấm hình cố Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tiếp cố Chủ tịch Việt Nam ông Hồ Chí Minh trong những năm tháng Việt Nam được Trung Quốc hậu thuẫn 'chống Mỹ, cứu nước'.

08:23


Tờ Sài Gòn Giải Phóng Online hôm 29/4 đưa tin:
"Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chiều 28-4, tại TPHCM, Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam phối hợp Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tổ chức họp mặt thân mật với các nhân chứng lịch sử tham gia hoạt động ở Hội nghị Paris về Việt Nam.
"Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán Hội nghị Paris về Việt Nam;
"Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM v.v... cùng đông đảo các tướng lĩnh, cán bộ cách mạng lão thành và LLVT Quân khu 7.
VỪA ĐÁNH, VỪA ĐÀM
Sài Gòn Giải Phóng tường trình tiếp:
"Trung tướng Phạm Văn Dỹ, Chính ủy Quân khu 7, chúc các đồng chí cán bộ cách mạng lão thành dồi dào sức khỏe, mãi mãi là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo và nhấn mạnh:
“Mỗi người từng tham gia hoạt động ở Hội nghị Paris là một trang sách, góp phần viết nên trang sử vàng chói lọi cho dân tộc Việt Nam.
"Chiến công trên mặt trận ngoại giao với phương châm “vừa đánh, vừa đàm” đã góp phần mang lại chiến thắng vang dội trong Đại thắng mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”.

08:05


"Ngày 30/4 của 40 năm trước tôi mới chỉ ngấp nghé 4 tuổi rưỡi tuổi nhưng ký ức bây giờ hiện về như in. Cha tôi, một sỹ quan VNCH với cấp bậc thiếu úy và đang nghỉ phép ở nhà, nằm ở phòng trong," An Long, một độc giả của BBC chia sẻ trong bài viết gửi mục Diễn đàn 30/4.
"Tay cầm chiếc radio và khóc rấm rứt, giống hệt tôi ở những tuổi ấy khóc mỗi khi bị đánh đòn, không được khóc tự nhiên vì có cây roi đang dứ dứ trước mặt như dọa nạt một trận đòn tiếp theo nếu không chóng nín.
"Hình ảnh ấy ám ảnh từ tuổi thơ của tôi đến tận bây giờ, cứ vào mỗi dịp thấy hình ảnh, băng rôn, cờ phướng chào mừng 30/04 hàng năm. Nghiệt ngã hơn, hình ảnh ấy lại là chân dung của cuộc sống cha tôi sau sự kiện đó.
"Ông sống với thân phận được đóng dấu “ngụy quân ngụy quyền, tay sai của đế quốc Mỹ”, kẻ “có tội với đồng bào”, tù nhân sau khi rời trại cải tạo bị quản thúc ở địa phương với lịch trình diện một lần mỗi tuần và đi quá 10 cây số thì phải xin phép.
"Ông quanh quẩn trong nhà, làm những việc của đàn bà thay cho mẹ tôi để bà ra ngoài bươn chải vì ông chỉ quen đánh tích tích te te của công việc truyền tin trước kia. Sự hoán đổi vị trí trong gia đình làm xáo trộn mọi thứ," An Long chia sẻ.

07:38

Độc giả Đoàn Xuân Tuấn nhớ lại những thời khắc anh và bè bạn hát những ca khúc của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn (bên trái, trong ảnh) sau ngày 30/4/1975, mà "Ngồi nhìn quê hương Việt Nam sáng chói" đã là một kỷ niệm khó phai nhạt của anh.
Trong bài viết cùng tựa đề này gửi BBC nhân dịp tròn bốn thập niên cuộc chiến Việt Nam khép lại, từ Portsmouth, tác giả đặt một vài câu hỏi:
"25 năm thống nhất Đông Tây, nước Đức đã trở thành một quốc gia với nền kinh tế đứng thứ tư thế giới, một thiên nhiên tuyệt đẹp, một môi trường trong lành. Tôi chưa hề nghe ở nước Đức có sự phân biệt giữa Đông và Tây, giữa những người “Bên Thắng Cuộc” và “Bên Thua Cuộc”.
"Bà Angela Merkel, xuất thân là một người Đông Đức và từng là thành viên của Đoàn Thanh Niên CS, thành viên của Đảng CS, bây giờ là vị Thủ tướng xuất sắc của nước Đức thống nhất.
Và tôi tự hỏi, nếu như đổi lại lịch sử, một nước Đức thống nhất nhưng “Bên Thắng Cuộc” là nước Đức Cộng sản thì sẽ thế nào?
"Sẽ có bao nhiêu ngàn người đi cải tạo? Bao nhiêu ngàn gia đình ly tán, bao nhiêu người trẻ sẽ phải lớn lên trong sự dối trá, thờ ơ, trong sự e sợ trấn áp, hù dọa của chính quyền, bao nhiêu cái đầu non nớt sẽ bị tẩy rửa… như Việt Nam của tôi sau ngày “Thống nhất”?
"Không diễu binh, không tuần hành, không cờ quạt, không đổ tiền vào những “hội thảo cấp nhà nước” để “đào sâu thêm ý nghĩa lịch sử của ngày thống nhất”, vị Thủ Tướng Đức chỉ có một bài diễn văn ngắn gọn mà cảm động: “…It was a day that showed us the yearning for freedom cannot be forever suppressed – Đó là một ngày cho chúng ta thấy niềm khát vọng cho tự do không thể bị đè bẹp mãi mãi".
"Chính phủ Việt Nam, với bao nhiêu công văn, nghị định… về “chủ trương Hòa Hợp Hòa Giải” đã thực sự đi đến đâu sau 40 năm?", tác giả chia sẻ với BBC.

07:01


Tờ VnExpress.net dẫn lời của cựu thành viên phái đoàn đàm phán của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hòa đàm Paris, cựu Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh nói:
"Hoà hợp dân tộc là vấn đề tâm thức, không thể áp đặt được. Muốn hoà hợp phải chân thành, đừng bám lấy chuyện cũ, dám vượt qua chuyện cũ để chung sống;" và
"Không nên coi những người có ý kiến trái chiều là chống đối, mà cần đồng thuận với họ để có ý kiến phản biện.
"Cần hết sức khiêm nhường, đừng độc quyền yêu nước, độc quyền lẽ phải - xem những ai không đồng tình với mình là không yêu nước", ông Nguyễn Khắc Huỳnh nói trong một phỏng vấn với tờ báo điện tử này.

06:52


Tờ Công an Nhân dân Online trên trang nhất đăng tin Bộ trưởng Công an Việt Nam, ông Trần Đại Quang thăm Côn Đảo 'tri ân các anh hùng liệt sỹ'.
Tờ báo viết:
"Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015, ngày 28/4, đoàn công tác của Bộ công an do Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng bộ Công an đã đến thăm huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
"Cùng đi với đoàn có đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thượng tướng Trần Việt Tân, Thứ trưởng Bộ công an; lãnh đạo Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; các cơ quan, đợn vị huyện Côn Đảo."

06:41


Trang nhất báo Quân đội Nhân dân trong mục tin quân đội với tựa đề 'Sẵn sàng cho ngày hội lớn' cho hay:
"Sáng 28-4, tại Trường Quân sự Quân khu 7, Tiểu ban Diễu binh, diễu hành cấp Nhà nước tổ chức hợp luyện diễu binh, diễu hành các khối LLVT lần cuối chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2015). Trung tướng Nguyễn Quốc Khánh, Phó tổng Tham mưu trưởng, Trưởng Tiểu ban Diễu binh, diễu hành cấp Nhà nước chủ trì buổi hợp luyện.
Cùng dự có các đồng chí: Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Trung tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 7; Trung tướng Phạm Văn Dỹ, Chính ủy Quân khu 7…
Từ 7 giờ, các khối đã bắt đầu luyện tập. Các khối đứng hát Quốc ca to rõ, đều, đúng nhạc. Các khối nghi trượng, khối diễu binh đã thực hiện đúng nội dung, chương trình, đạt mục đích yêu cầu đề ra; động tác điều lệnh đội ngũ thống nhất, đều, đẹp, mạnh mẽ, thể hiện được khí thế hào hùng," tờ báo của Bộ Quốc phòng Việt Nam miêu tả.

22:24

Viết trên trang The Diplomat hôm 28/4, một tác giả điểm lại cuốn sách No More Vietnams của cựu tổng thống Mỹ Richard Nixon, in năm 1985.
Trong cuốn này, Nixon liệt kê 21 suy nghĩ mà theo ông là sai lầm khi nói về chiến tranh Việt Nam.
Ví dụ, Nixon cam đoan ông Hồ Chí Minh là người cộng sản, chứ không phải theo chủ nghĩa dân tộc.
“Không có gì trong tiểu sử ông Hồ chứng tỏ ông ta đặt chủ nghĩa dân tộc lên trên chủ nghĩa cộng sản.”
Viết năm 1985, Nixon, người qua đời năm 1994, cũng cho rằng một sai lầm thời ông làm tổng thống là không ngăn phe cộng sản sử dụng lãnh thổ Lào và Campuchia để tiến hành chiến tranh tại miền Nam Việt Nam.
Nixon tin rằng sai lầm lớn nhất của Mỹ là không hiểu ngay từ đầu đây là cuộc “xâm lăng” của Bắc Việt, chứ không phải là nổi dậy ở miền Nam.
“Khi chúng ta chỉ chữa triệu chứng, căn bệnh không khỏi,” Nixon viết.

21:22

Hôm 28/4, hãng tin AFP từ Hà Nội nói về “chiến thắng trống rỗng” (hollow victory) của người Cộng sản tại Việt Nam.
Phóng viên Cat Barton phỏng vấn một số người ở Việt Nam về tâm trạng của họ.
Luật sư Lê Công Định, vẫn đang bị quản chế sau án tù năm 2010, nói: “Đây không phải là đất nước cộng sản.”
“Họ lên cầm quyền bằng việc áp dụng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản của Marx và Lenin.
“Nhưng điều chúng tôi thấy trên đường phố Việt Nam là chủ nghĩa tư bản, không phải chủ nghĩa cộng sản.”
Nhà báo Huy Đức, tác giả sách Bên thắng cuộc, chia sẻ: “Bên thắng cuộc đã thay đổi để trông giống hơn bên thua cuộc.”
Còn luật sư 70 tuổi Nguyễn Ngọc Bích, từng đi trại cải tạo 12 năm, nói: “Thống nhất theo nghĩa kiểm soát chính trị, quản lý đất nước, nhưng không có hòa nhập về tâm lý.”

BREAKING 21:06 tin mới nhất

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng hôm 28/4 đã dự “Lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.
Cùng đi với ông Dũng có Ủy viên Bộ Chính Trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh.

BREAKING 20:06 tin mới nhất

Một Thiếu tá Hải quân Mỹ ngồi tù ở Hỏa Lò hơn bảy năm khi chiến đấu cơ bị trúng đạn kể lại cho BBC về những gì đã xảy ra.
Vào tháng 10 năm 1965, phi cơ của Thiếu tá Tá Hải quân David Wheat và phi công trưởng là Trung Tá Roderick Mayer điều khiển bị bắn hạ ở miền Bắc Việt Nam. Ông David Wheat bị bắt và đưa về nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội trong khi đồng đội tử nạn. Cuộc phỏng vấn dành cho BBC tiếng Việt thực hiện vào tháng 04/2015 ở California.
BBC: Nhiệm vụ của ông được giao trong lần bay bị bắn hạ là gì?
David Wheat: Nhiệm vụ của lần không kích đó của chúng tôi là ném bom một cây cầu ở Thái Nguyên để chặn đường tiếp tế từ Trung Quốc sang. Khi phi cơ của chúng tôi bị trúng đạn thì vì được huấn luyện từ trước tôi thấy là cần phải bấm nút để bật thoát ra ngoài. Và khi xuống đất rồi thì tôi tháo dây dù ra và bò ngược lên đồi và trốn trong bụi cây. Tôi có thể nhìn thấy đồng đội của tôi vẫn còn dù gắn vào người và anh ta bị thương rất nặng. Tôi nghĩ rằng một hai ngày sau đó thì anh ta qua đời.
Lúc đó tôi bị thương ở đầu gối và không đi được. Khi dân quân phát hiện ra tôi thì họ lục soát xem trong người có gì hay không và dẫn đi. Có người nhổ nước bọt vào tôi. Có hai dân quân đỡ tôi để đi lên đồi và sau đó họ kiếm được một cái cáng và đưa tôi đi. Rồi từ làng này qua làng khác và rốt cùng là dùng xe quân sự chở tôi về Hỏa Lò hay còn gọi là ''Khách sạn Hilton'' vào sáng sớm.
Mời các bạn đọc tiếp tại đây.

18:36

Nguyễn Thị Hải Phượng, một phóng viên 32 tuổi sống tại Thành phố Hồ Chí Minh nói với BBC Tiếng Việt:
"Lớp trẻ thuộc thế hệ sau như chúng tôi chỉ được nghe câu chuyện 30/4 qua phim ảnh sách báo về ngày này, nhưng trong hình dung của tôi cũng như từ những dữ kiện đã được học, tôi thấy ngày 30/4 đánh dấu mốc lịch sử rất quan trọng cho dân tộc, đất nước Việt Nam. Đất nước, dân tộc được hòa hợp, thống nhất với nhau, ghi dấu dân tộc Việt Nam đã giành được độc lập, tự do.

Nếu nói [xã hội miền Nam lẽ ra phát triển hơn nhiều nếu không có sự kiện 30/4/1975] tức là đã tách miền Nam ra khỏi đất nước Việt Nam. Trên toàn bộ lãnh thổ bây giờ có cả các miền Bắc, Trung, Nam. Tôi nghĩ ngày 30/4 thống nhất được cả non sông bờ cõi, cả dân tôc, đất nước thống nhất thành một khối. Tất cả mọi thứ sẽ phát triển theo một hướng chung, đi lên theo một con đường chung. Tôi nghĩ rằng không có chuyện miền Nam phát triển hơn, hay miền Bắc phát triển hơn, mà tất cả đều phát triển theo một con đường chung."

18:09

Vẫn chủ đề hòa giải, nhà văn Võ Thị Hảo viết trên BBC:
“Người Việt Nam sẽ tự động hòa hợp ngay sau khi Việt Nam giải thể chính quyền độc tài cộng sản và thay vào đó bằng một chính thể dân chủ đa nguyên, tôn trọng tự do và nhân quyền.
Chính thể đó sẽ phải nhìn lại quá khứ, hành động nhanh nhất có thể trả lại công bằng cho mọi người. Không một chính thể nào còn có danh dự và tự trọng mà lại từ chối hành xử như vậy.
Với người Việt Nam, nhất là những đồng bào đã phải bỏ nước ra đi ngày ấy và sau này, sẽ gạt nước mắt, đứng bên nhau trong lòng mẹ Việt, để được yêu thương, để tha thứ, để cùng thắp nén nhang cầu hồn cho những người đã khuất vì cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn ngu dại.
Không thể khép lại quá khứ, không thể hòa giải nếu nhà cầm quyền không ứng xử công bằng, có trách nhiệm với quá khứ, hiện tại và tương lai của người dân. Nếu chỉ nói miệng mà không làm thì càng nói chỉ càng khiến ta công phẫn.
Đền lại công bằng cho những người Việt Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa phải chịu bao mất mát đớn đau tức tưởi sau ngày 30 tháng 4, thực ra là một việc làm quá dễ dàng đối với chính quyền Việt Nam.”

17:46

Bác sỹ Nguyễn Thanh Châu từ San Jose nói về ngày rời Sài Gòn và khả năng hòa giải dân tộc.
Trả lời Nguyễn Hoàng của BBC tiếng Việt, ông Châu cho biết ''Ngày 23 chúng tôi được đưa ra đảo Phú Quốc và sau đó ra tàu American Challenger rồi đi 7 ngày đêm thì ra tới đảo Guam (căn cứ quân sự Mỹ).
'Chúng tôi đã rớt nước mắt khi rời bỏ quê mẹ. Gia đình chúng tôi tỵ nạn hai lần, một lần vào năm 1954 từ Bắc vào Nam và một lần vào năm 1975".
Ông Châu cho biết trong khi ông vẫn về thăm Việt Nam vì còn nhiều người thân và bè bạn ở Việt Nam thì nhiều người bạn của ông qua Hoa Kỳ không bao giờ trở về Việt Nam.
"Tôi tôn trọng với những người chống Cộng ở bên này. Họ kể ra những chuyện khó thể tưởng tượng được như bị bỏ đói, bị đánh đập khi đi học tập cải tạo.
"Việc chính quyền miền Bắc bắt người ta đi học tập cải tạo là một sai lầm lớn", ông nói. "Cái vấn đề hòa hợp và hòa giải theo tôi là rất khó đối với những người đó".

17:26

Báo Nông thôn Ngày nay phỏng vấn PGS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), về vấn đề hòa giải dân tộc.
“Theo tôi có lẽ đặt ra trước hết với người Việt ở nước ngoài. Đối với người Việt ở ngoài nước, cần chú ý đến nhóm thứ nhất là cộng đồng những người Việt mà ta gọi là người Việt yêu nước. Nhóm thứ hai là những người chỉ lo tập trung làm ăn. Tôi cho rằng đây là nhóm đa số. Đây là nhóm mà Nhà nước cần có chính sách tranh thủ.
Tóm lại, đối với những người đã ủng hộ, đã sống hòa hợp, thích hợp rồi thì ta tiếp tục tranh thủ, tạo điều kiện thuận lợi để họ đi về đóng góp thăm viếng đất nước. Hòa hợp dân tộc tức là chúng ta phải quay về với tư tưởng của Bác đặt sự nghiệp của đất nước, của nhân dân lên trên hết. Quyền lợi của giai cấp, của từng tầng lớp, của từng bộ phận đều phải đặt dưới sự tồn vong của dân tộc.”

17:21

Nguyễn Hùng, BBC Tiếng Việt từ Washington DC: Tối 27/04 tại Washington DC đã diễn ra cuộc thảo luận về di sản Cuộc chiến Việt Nam do Hội đồng Quan hệ Đối ngoại tổ chức. Các cựu binh, cựu quan chức và nhà báo đã thảo luận các hướng đi có thể xảy ra cho cuộc chiến nếu Hoa Kỳ hành xử khác đi. Một số ý kiến cho rằng nếu Hoa Kỳ có được sự ủng hộ của người dân, nghị viện và đồng minh để tiếp tục hỗ trợ Nam Việt Nam với chi phí khoảng 700 triệu đô la một năm có thể tình hình đã khác. Một cựu binh tỏ vẻ chua xót khi báo chí đưa tin cứ như thể Hoa Kỳ và Nam Việt Nam thua trong đợt Tết Mậu Thân trong khi thực tế họ "đã thắng". Chính cựu binh này cũng nói với BBC Tiếng Việt cá nhân ông tin rằng nếu Tổng thống John F. Kennedy không bị ám sát hồi cuối năm 1963, Hoa Kỳ có thể đã không gửi quân trực tiếp tham gia chiến tranh vì ông là "người sắc sảo". Các diễn giả cũng nói sau 40 năm tình hình đã "thay đổi 180 độ" khi Việt Nam muốn Washington can dự để đối phó với Trung Quốc.

16:44


Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân thăm gia đình các vị lão thành cách mạng, tờ Đại Đoàn Kết đưa tin hôm 28/04/2015.
Theo tờ này, sáng thứ Ba: “tại TP.Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã đến thắp hương tưởng niệm tại nhà cố TBT Nguyễn Văn Linh, nguyên Bí thư Trung Ương Cục miền Nam; gia đình cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, nguyên Chủ tịch Mặt trận Giải phóng miền Nam; gia đình cố KTS Huỳnh Tấn Phát, nguyên Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam; gia đình cố Luật sư Trịnh Đình Thảo, nguyên Chủ tịch Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình miền Nam Việt Nam.
“Nhân dịp này, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng chúc sức khỏe và trò chuyện thân mật với bà Ngô Thị Huệ- phu nhân cố TBT Nguyễn Văn Linh, cùng con cháu các vị lão thành cách mạng nêu trên và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những cống hiến của các vị, xem họ là tấm gương, ngọn đuốc soi đường cho thế hệ trẻ đi theo.”
TRÙNG TU DI TÍCH
Theo tờ báo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “sẽ tiến hành xây dựng trùng tu lại khu di tích của Ủy ban Mặt trận Giải phóng miền Nam, xây dựng thêm phòng trưng bày. UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp với UBMTTQ tỉnh Tây Ninh để tiến hành xây dựng. Dự kiến vào ngày 20-12-2015 sẽ hoàn thành.
“Bên cạnh đó, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân gợi ý nên biên soạn một cuốn sách riêng nói về thân thế và sự nghiệp cách mạng của những vị Chủ tịch Mặt trận trong thời kỳ đầu,” Đại Đoàn Kết cho biết thêm.

16:44


Năm 1975, cuộc tổng tiến công của bộ đội Bắc Việt và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam diễn ra gần hai tháng, từ 4/3 đến 30/4.
Ba chiến dịch - Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng và Hồ Chí Minh – dẫn đến ngày sụp đổ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa ngày 30/4.
Đánh dấu 40 năm kết thúc chiến tranh, mời quý vị xem lược đồ các chiến dịch quân sự cuối cùng dẫn đến chiến thắng của Hà Nội ngày 30/4/1975.

16:17


Con voi giấy bồi dựng lại cảnh Bà Triệu trong lễ tổng duyệt cho lễ diễu binh 30/4 tới đã bị một số bạn trên Facebook chê cười là 'Voi Việt Nam bị khuyết tật, phải đi xe lăn', 'Nhìn bôi bác', 'Voi trông như cái thùng rác'.

15:05


Bác sỹ Nguyễn Hữu Tiến, cựu thượng nghị sỹ dưới thời Việt Nam Cộng hòa, nói với BBC ông đã ‘tiên đoán được Việt Nam Cộng hòa sẽ mất từ nhiều năm trước năm 1975’ và khi thấy ở Ban Mê Thuột và các nơi khác rút quân từ từ thì ông đã chuẩn bị rời khỏi Việt Nam.
“Tôi chạy ngược chạy xuôi, ngày nào cũng tìm đường dây, tổ chức nào đó để họ đưa mình ra ngoài,” ông kể và cho biết cuối cùng khi vào được sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 25/4 thì gia đình đã được một tổ chức có tên là ‘Food for the Hungry’ cho lên máy bay di tản của họ.
Tình hình Sài Gòn vào lúc đó, theo lời ông Tiến, thì ‘không có gì hỗn loạn lắm’ nhưng ‘tình hình thay đổi hàng giờ’.
“Tôi vào sân bay Tân Sơn Nhất thấy người ra người vô, trật tự lắm. Tôi vô căn cứ của Mỹ ở Tân Sơn Nhất thì thấy đã đầy người làm việc cho Mỹ ở đó rồi,” ông nói.
“Ngày 25/4 ra vô (sân bay Tân Sơn Nhất) thong thả mặc dù có kiểm soát một chút,” ông nói thêm, “Nhưng ngay ngày hôm sau thì không vào được nữa. Có những người bạn bè khác mà tôi muốn giúp lại không vào được.”
Ông mô tả cảm giác ra đi của ông và gia đình lúc đó là ‘nhục nhã’.
Tôi nghĩ tại sao mình sống trong hoàn cảnh tủi nhục như thế này: đi như một con chó hoang không biết đi đâu cả để tìm sự sống. Tôi nhớ tôi ngồi khóc. Nhưng mình còn may mắn còn đi được còn biết bao nhiêu người không đi được.
“Nhưng nếu mình không đi thì mình bị đi tù rồi, Đi tù rồi thì cái gì xảy ra không biết được.”
Tuy nhiên, ông Tiến không cho rằng ngày 30/4 năm 1975 là ngày ‘mất nước’ như nhiều người dân Việt Nam Cộng hòa trước đây.
“Đối với tôi, tôi không dùng từ mất nước bởi vì nước Việt Nam vẫn còn, dân tộc Việt Nam vẫn còn nhưng thời cuộc thay đổi, vận nước thay đổi,” ông giải thích.
“Trong giai đoạn này Đảng Cộng sản độc tài đang cai trị,” ông nói thêm, “Nhưng tôi hy vọng trong thời gian tới thời cuộc biến chuyển, dân mình ý thức được nhân quyền, quyền tự do căn bản của con người thì họ sẽ đoàn kết và họ sẽ có sự chống đối.”

13:57


Nếu Việt Nam Cộng hòa còn tồn tại đến ngày nay?
"Hãy tưởng tượng Việt Nam Cộng hòa sẽ ra sao ngày hôm nay", cây bút Josh Gelernter đặt câu hỏi trong bài viết trên trang National Review hôm 25/4.
"Việt Nam xếp thứ 13 trên toàn cầu về dân số, với hơn 90 triệu dân. Hơn một nửa trong số này lẽ ra đã có thể tận hưởng sự tự do, thịnh vượng như người Nam Hàn và Đài Loan hoặc thậm chí hơn vậy, vì không giống như Đài Loan và Nam Hàn, Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào".
"Những ý kiến phản đối sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ đối với Việt Nam Cộng hòa cho rằng chính quyền miền Nam Việt Nam không phải là một chính quyền dân chủ. Điều này hoàn toàn đúng", tác giả viết.
"Mặc dù vậy, ở miền Nam, phe đối lập và báo chí vẫn được quyền cất tiếng nói ... Người dân và các lãnh đạo đối lập không phải sống trong nỗi sợ bị chính quyền đàn áp".
"Nền kinh tế thị trường thường có xu hướng thúc đẩy những quốc gia chưa hoàn toàn tự do đi đúng hướng. Cũng giống như Việt Nam Cộng hòa, Đài Loan và Nam Hàn cũng từng phải trải qua thời kỳ bị cai trị bởi các chính quyền quân sự".
Ông Gelernter dẫn trường hợp Nam Hàn, Đài Loan và cho rằng dưới thời hai nhà độc tài nhà độc tài Park Chung-hee và Tưởng Giới Thạch, cả hai nước này đã xây dựng nền kinh tế phát triển và từ đó nhanh chóng chuyển mình thành những thể chế tự do, dân chủ.
"Hãy so sánh các nền cộng hòa ở châu Á, được Hoa Kỳ hậu thuẫn, với Việt Nam ngày nay: Thiên đường của Hồ Chí Minh xếp hạng thứ 122 trên toàn cầu về phát triển con người, thua cả Syria, Iraq, Moldova, Gabon".
"Đài Loan và Nam Hàn có bầu cử tự do, hệ thống tòa án độc lập, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tự do hội họp, tự do ngôn luận. Cả Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hay Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đều không có những điều này."
"Và tất nhiên những điều này cũng không tồn tại ở Việt Nam, nơi Đảng Cộng sản tiếp tục kiểm soát bầu cử cũng như các tòa án và tiếp tục bắt giữ, tra tấn giới bất đồng chính kiến và tín ngưỡng".
"Nhìn lại từ năm 2015, chúng ta có thể thấy rõ ràng là việc chiến đấu bảo vệ miền Nam Việt Nam là điều nên làm".
"40 năm sau ngày Sài Gòn sụp đổ, đã đến lúc chúng ta nhận ra cái giá phải trả khi nước Mỹ quay lưng khỏi một cuộc chiến vì chính nghĩa".

12:48


Trong hình là các phi công Không quân Hoàng gia Úc trong chiến dịch 'Baby Lift' nhằm đưa trẻ em mồ côi ra khỏi miền Nam Việt Nam trước ngày Sài Gòn thất thủ.
Theo số liệu thống kê chính thức, hơn 3.000 trẻ em Việt Nam đã được đưa sang Hoa Kỳ và các quốc gia khác như Úc, Pháp, Canada, trong thời gian từ 3/4 đến 26/4 năm 1975.

12:35


Ý thức về tự do và kinh tế thị trường đã ăn sâu vào xã hội miền Nam Việt Nam, giúp nơi đây trở thành bàn đạp cho Đổi Mới.
Nhận định trên được một người làm việc ở Sài Gòn trước 1975 nói với BBC trong dịp đánh dấu 40 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa, từng là phụ tá Tổng trưởng Tài chính thời chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, trao đổi với BBC từ California, Hoa Kỳ. Ông cho rằng chính sách viện trợ của Hoa Kỳ không những không giải quyết được các vấn đề của miền Nam thời bấy giờ, mà còn gây thêm nhiều khó khăn.
"Ý thức về tự do và kinh tế thị trường đã ăn sâu vào xã hội ở miền Nam", ông nói.
"Không khí, tinh thần kinh doanh, làm việc ở miền nam là điều còn kế thừa được sau một giai đoạn ngắn ngủi, đầy tai ương, chết chóc."
"Bây giờ cũng vậy, những người ưu tú nhất của miền bắc cũng đi vào trong nam và tìm đến không khí tự do, cởi mở, thông thoáng, rộng rãi. Đó là di sản mà người ta cứ tưởng đã mất, nhưng vẫn còn đó."
"Đó là đóng góp của miền Nam, vùng đất nhiều vấn đề, tai ương, nhưng cũng là nơi cho nhiều cơ sở để có thể bùng lên sau thời kỳ Đổi Mới."

12:08


Việt Nam đã để mất cơ hội trở thành một cường quốc sau năm 1975 do coi thường các thành quả trong chính sách của Việt Nam Cộng hòa.
Nhận định trên được Tiến sỹ Vũ Minh Khương, từ Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore, đưa ra trong cuộc phỏng vấn với BBC ngày 25/4.
"Sau năm 75, tôi từ Bắc vào làm việc ở TP.HCM thì thấy trình độ quản lý của các cơ sở tiếp quản từ doanh nghiệp miền Nam rất tốt, kể cả từ mặt thiết bị, tính chuyên nghiệp, sổ sách, tính quy hoạch.

"Rõ ràng là có dấu ấn của nỗ lực khá tốt trong việc xây dựng một nền kinh tế thị trường có hiệu quả."

"Tôi thấy trong bối cảnh của miền Nam sau 75 thì ý thức học hỏi của Việt Nam rất hạn chế vì tâm lý là người chiến thắng. Khi đó miền Bắc nhìn nhận mọi vấn đề ở miền Nam một cách rất coi thường, đánh giá thấp, không trân trọng những gì họ đã làm được.", ông nói.

"Tôi từng làm việc ở một trung tâm tính toán và thấy tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ ở đó rất cao. Họ tận tình chỉ bảo nhau rất kĩ càng mà tôi là người mới vào, được chỉ dẫn rất rõ."

"Hệ thống IBM hiện đại lúc đó còn để lại, duy trì hàng chục năm mà vẫn còn giúp cho miền Bắc rất nhiều, từ xây dựng Thủy điện Sông Đà, tới tuyển sinh và quản lý hoàn toàn hệ thống điện lực ở miền Nam, rất hiệu quả."

"Cũng không hề có tham nhũng tiêu cực ở đó, tính chuyên nghiệp rất cao. Đồng lương thì khiêm nhường nhưng anh em làm việc ở đó gắn bó tình cảm lắm. Sau này thì mọi người ly tán, mỗi người đi một nơi, xuất cảnh ra nước ngoài."

"Sau này nghĩ lại tôi thấy chúng ta rõ ràng đã làm tổn thất một nguồn lực rất lớn, từ ý chí dân tộc đến tính chuyên nghiệp đã được đào tạo ở chế độ cũ, cũng như sự gắn bó giữa người dân hai miền."

11:41


Bà Nguyễn Thị Xuân Phượng, cựu phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam, nói với Hồng Nga tại TP HCM: "Hãy để thế hệ trẻ làm công việc hoà hợp hoà giải một cách tự nhiên và phù hợp hơn chúng ta nhiều lần".

11:35


Chính quyền ngày nay học được gì từ Việt Nam Cộng hòa?
"Nói chung nền kinh tế VNCH là một nền kinh tế thị trường có nhiều tiềm năng, nếu được phát triển trong hòa bình thì sẽ có nhiều khả năng phát triển tốt hơn là chính sách phát triển tập trung sau 30/4/1975", chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nói với BBC.
"Nếu có hòa bình thì những chính sách phát triển kinh tế bắt đầu từ nền Đệ nhất Cộng hòa vẫn được duy trì, như khu công nghiệp Biên hòa, các trung tâm phát triển công nghiệp. Khi đó chúng ta đã học dần dần và tích lũy kinh nghiệm, bắt đầu đi lên."
"Tuy nhiên, sau 30/4 thì tất cả những kinh nghiệm đó bị chặn đứng, áp dụng kế hoạch tập trung của miền Bắc vào miền Nam, bao nhiêu doanh nghiệp bị quốc hữu hóa, doanh nhân thì vào trại cải tạo hoặc bỏ xứ ra đi."
Ông Thành cho rằng có ba bài học lớn mà chính quyền ngày nay cần tiếp thu từ Việt Nam Cộng hòa.
Thứ nhất "kinh tế là việc của nhân dân chứ không phải của chính phủ, chính phủ không làm kinh tế. Đó là bài học lớn nhất".
"Kinh tế làm sao phải lan tỏa được để mọi người có thể tham gia, làm sao để tổ chức mà cả hệ thống chính trị, hệ thống hành chính tạo điều kiện cho người dân tham gia bình đẳng vào vấn đề kinh tế."
Thứ hai là vấn đề trọng dụng nhân tài trong hệ thống quản lý nhà nước, ông cho biết.
"Ở miền Nam khi đó không có vấn đề là đảng viên hay ở trong hệ thống tổ chức nào mới được trọng dụng."
"Đến bây giờ chúng ta thấy rằng toàn thể Việt Nam vẫn ở trong hệ thống Đảng Cộng sản, không phải đảng viên thì không được gì, mà chưa hẳn là 4 triệu đảng viên cộng sản đã là tinh túy nhất của toàn dân Việt Nam."
Thứ ba là hệ thống giáo dục mở nhằm tiếp nhận những kiến thức, kinh nghiệm mới.
"Ở miền Nam trước 75 thì là một nền giáo dục rất mở, người sinh viên và các thầy giáo được quyền tiếp cận các nền giáo dục, tư tưởng, dù là tư bản hay cộng sản, không hạn chế," ông nói.
"Giáo dục miền Bắc khi đó chỉ có Marxist thôi, không được đọc sách báo, không nghe về tư bản chủ nghĩa, không nghe BBC, radio thì bị khóa không được mở các tần số đấy."
"Dư âm của một nền văn hóa tập trung vẫn khiến Việt Nam bị hạn chế cho đến nay."

10:49


Học giả Hoa Kỳ, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Jonathan London chia sẻ trên FB và trang blog cá nhân của ông một bài viết nhân dịp 30/4. Ông viết:
"Nhân dịp kỷ niệm ngày 30/4/1975 xin chia sẻ với mọi người bài hát “Bức Tường” do Bruce Springstein (Mỹ) viết và biểu diễn (ở trên). Mời các bạn nghe/xem bài và tìm hiểu về lời hát cả tiến Anh lẫn tiếng Việt. (ở dưới). Cảm ơn bạn Ian Bùi dịch sang Việt.
http://bit.ly/S510Tx
"Bức tường trong bài hát chính là Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam, hay Bức tường Chiến tranh Việt Nam. Nhưng, bài hát không phải là về bức tường mà là về những cảm giấc liên quan đến kính nghiệm chiến tranh tại Việt Nam do một người Mỹ ghi nhận.
"Trong đầu video clip trên Ông Springstein nói khi mới bất đầu lên đường âm nhạc mọi thứ đã rất khác. Thậm chí hồi ấy trong những người bạn thân trẻ của ông đã chưa có ai bao giờ lên máy bay cả. Ông nói đã rất may có hai người anh em trong cộng đồng, và đã viết bài này để nhớ đến anh trai trong hay người bạn đó. Ông Springstien đã viết bài cho bạn này và một người bạn khác mà đã đều hy sinh ở Việt Nam khi ở độ tuổi 19.
"Qua nhiều năm Ông Springstein Gặp những người cư cựu binh đã từng đánh nhau ở Việt Nam. Trong đó có những người bị thương nặng. Họ thường nói “Đừng bao giờ có (chiến tranh) nữa (tức “never again, never again”). Nhưng nói vẫn tiếp tục xây ra.
"Ông Springstein nói viết bài hát này “như một cầu kinh ngấn cho đất nước mình.” Lời đáng nhớ nhất là “apology and forgiveness got no place here at all, here at the wall.”
BỨC TƯỜNG
Bức Tường (“The Wall”, tác giả: Bruce Springsteen)
Một chai bia, chục bao thuốc lá,
Đây bài thơ tôi vừa viết cho anh
Dòng nước mắt, bức tường đen bằng đá
Hết những gì tôi còn giữ cho anhTôi còn nhớ, anh trang bộ quân phục sang sảng cười trong buổi tiệc lên đường
Tôi có đọc đâu đó lời xin lỗi Từ McNamara, bộ trưởng quốc phòng
Đôi giày bốt và chiếc áo thun sọc,
Trông anh ngầu quá cỡ, Billy ơi
Ban nhạc rock của anh, thôi khỏi nói, số dách của cái làng như cứt này
Những người đã đưa anh vào chỗ chết đang no nê trong nhà cửa cao sang
Đâu còn chỗ cho những lời tạ lỗi hay thứ tha trên bức tường đá đen
Tôi ân hận năm ngoái không đi đón, vì chẳng tìm ra ai để quá giang
Nếu mắt anh nhìn xuyên được hắc thạch, không biết còn có nhận ra tôi chăng
Người ở lại tháng năm không ngừng nghỉ, chay bia, thuốc lá, làn da áp đá đen
Dưới đất thẻ bài, hoa, vòng nơ đỏ,
Như máu anh đỏ bùn đất Cao Nguyên
Trên đại lộ Pennsylvania xe li-mô qua lại
Tung toé bay những cánh lá thu vàng
Đâu còn chỗ cho những lời tạ lỗi hay thứ tha trên bức tường đá đen./.
http://bit.ly/S510Tx

10:28

Đây là một bức hình từ buổi tổng duyệt cho lễ diễu binh 30/4 tới, được cho là tạo dựng lại con voi của nữ tướng Triệu Thị Trinh (Bà Triệu) và xe tăng của quân đội miền Bắc. Tuy nhiên, các hình mẫu này đều được chế tạo với giấy bồi. Lễ diễu binh sẽ được tổ chức sáng 30/4 tại TP Hồ Chí Minh, theo phóng viên Hồng Nga của BBC hôm 28/4.
Trước đó, báo chí nhà nước cũng đưa tin sẽ có cấm đường ở nhiều tuyến phố trong lộ trình diễu bình hôm thứ Năm tuần này.
Tờ Đởi sống & Pháp luật Online dẫn lời quan chức TP. Hồ Chí Minh cho hay vành đai các tuyến đường vào khu tổng duyệt binh, diễu hành chuẩn bị tại trung tâm thành phố bị cấm lưu thông, phong tỏa nghiêm ngặt từ 4h đến 12h ngày 26/4.
Tờ này nói thời gian cấm bắt đầu từ 4h đến 12h. Các tuyến vành đai cùng đường bên trong bị cấm gồm Nguyễn Thị Minh Khai – Nguyễn Bỉnh Khiêm – Tôn Đức Thắng – Hàm Nghi – Phạm Hồng Thái – Lê Lai – Cách Mạng Tháng Tám.
"Trong đó, đường Cách Mạng Tháng Tám, Lê Lai, Hàm Nghi được lưu thông bình thường, nhưng người dân không được đi vào các con đường bên trong vành đai."
Theo kế hoạch của chính quyền, chương trình tổng duyệt sẽ diễn ra vào ngày 28/4, tuy nhiên "do rơi vào ngày thường, mật độ giao thông sẽ rất lớn nên thành phố đã kiến nghị tổ chức diễn tập vào ngày 26/4, tức ngày chủ nhật để ít ảnh hưởng đến đi lại của người dân hơn."
Tờ báo nói thêm:
"Trong các trường hợp người dân phải đi cấp cứu quanh khu vực vành đai cấm đều đã có đội ngũ y tế, xe cấp cứu được bố trí. Ngoài ra, người dân cũng có thể lựa chọn các bệnh viện bên ngoài khu vực giới hạn của nơi tổ chức lễ."

09:31

Từ miền Nam California, ông Lê Xuân Khoa, cựu giáo sư Đại học John Hopkins, nêu quan điểm với BBC về nên gọi ngày 30/4 là gì.
Ông nói:
"Gọi là Ngày Chiến thắng hay Quốc hận là tùy theo đứng về phía thắng trận hay thua trận. Về phía thắng trận, càng ngày về sau chữ chiến thắng nó mất dần ý nghĩa đi. Ngay cả trong nội bộ phía thắng cũng thấy nó mất đi ý nghĩa. Tại vi sau khi thắng trận không bao lâu thì các lãnh đạo miền Bắc có sự bội ước với miền Nam, tức là bản chất giải phóng miền Nam. Thứ hai là họ áp dụng chế độ đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân. Có lẽ vì thế những năm sau này người ta dùng nhiều hơn từ Thống nhất.
"Nhưng đối với người Việt ở hải ngoại, ngoài chữ Quốc hận thì phải có thêm một chữ ‘Ngày tìm tự do’ bởi vì đáng lẽ thống nhất lòng người mà người ta lại bỏ ra đi thì như vậy có sự chia rẽ nặng nề vấn đề dân tộc.
"Chữ Quốc hận là đứng về phía cộng đồng hải ngoại. Lý tưởng mà nói hận thù cần phải xóa bỏ, cần phải quên đi. Là con người không ai muốn nuôi hận thù làm gì nhưng chữ Quốc hận đến giờ không thể bỏ được. Người ta muốn quên nhưng không bỏ được cho đến chừng nào có sự thay đổi trong nước tức là thật sự bảo vệ quyền lợi đất nước đối với Trung Quốc và đi vào con đường thật sự của dân, do dân, vì dân, thật sự dân chủ hóa đất nước. Như vậy sẽ hóa giải hận thù đi. Từ chỗ hóa giải hận thù chữ Quốc hận cũng bỏ được.
"Trong tương lai hy vọng đến một ngày nào đó sẽ không còn dùng chữ Quốc hận nhưng cho đến ngày đó thì người ta còn đầy đủ lý do để dùng chữ Quốc hận," Giáo sư Lê Xuân Khoa nói với BBC.

09:25

Với tựa đề "Đại thắng mùa Xuân 1975 - sự kiện khẳng định ý chí thống nhất Tổ quốc của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Mình", trang nhất của Tạp chí Quốc phòng Toàn dân (điện tử) đăng bài viết đánh dấu ngày 30/4 của Đại tướng Phùng Quang Thanh (trái, ảnh trên), Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam.
Bài viết có đoạn: "
"Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ chiến thắng của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập - Phủ Tổng thống ngụy - toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn bị bắt và phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Ngay sau đó, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và các đảo còn lại như Thổ Chu, Côn Đảo, Phú Quốc đã được giải phóng. Cả miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, giang sơn liền một dải từ Móng Cái đến mũi Cà Mau. Nhân dân ta đã thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào và chiến sỹ cả nước như thấy có bóng Bác trong ngày vui toàn thắng.
'MỸ CÚT, NGỤY NHÀO'
"Thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại của cách mạng Việt Nam, khẳng định ý chí thống nhất đất nước không gì lay chuyển nổi của nhân dân ta, được hun đúc bởi truyền thống chống ngoại xâm qua lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc. Tiêu biểu cho ý chí, quyết tâm cao độ đó và cũng là linh hồn của cuộc kháng chiến chính là Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố cơ bản nhất, quyết định nhất thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, nắm vững chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tầm cao trí tuệ, Đảng ta đã đánh giá đúng tình hình, chỗ mạnh, chỗ yếu của đế quốc Mỹ, định ra đường lối chiến lược xuyên suốt sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với hai giai đoạn: “đánh cho Mỹ cút” tiến tới “đánh cho ngụy nhào”; đồng thời, đề ra sách lược cách mạng thích ứng với từng giai đoạn của cuộc kháng chiến. Đường lối chiến lược và sách lược cách mạng đó của Đảng không những rất phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, mà còn phù hợp với tình hình thế giới trong thời kỳ này.
THẮNG LỢI ĐƯỜNG LỐI
"Nó mang đậm tính cách mạng, khoa học, phát huy cao nhất các nhân tố dân tộc và thời đại, kết hợp sức mạnh trong nước và quốc tế. Đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo của Đảng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là sự kế thừa, phát triển ở tầm cao mới, trong điều kiện mới của đường lối độc lập, tự chủ, tự lực cánh sinh, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trước đây.
"Thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi của đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền có quan hệ chặt chẽ với nhau, đó là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, nhằm thực hiện một mục tiêu chung: hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, thực hiện thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đánh giá, phân tích vị trí, vai trò của hai chiến lược cách mạng ở hai miền, Đảng ta chỉ rõ: “cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam có tác dụng quyết định trực tiếp đối với việc đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, còn cách mạng xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc là nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ cách mạng nước ta, đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà”

08:53

Từ Hoa Kỳ, ông Trịnh Xuyến, một cựu sỹ quan Việt Nam Cộng Hòa từng đi cải tạo, gửi cho BBC một đoạn hồi ký mà ông hồi tưởng lại giây phút bàn giao chính quyền ở Mộc Hóa, Long An, cho 'quân Giải phóng' và tân chính quyền tháng 4 năm 1975. Ông khẳng định, đây là những gì mà ông chứng kiến tận mắt và không bao giờ quên:
“Buổi tối khoảng 7 giờ hơn, đơn vị chủ lực của Việt Cộng vào tần số của chúng tôi, đòi nói chuyện với cấp quân sự cao nhất, người này xưng là Xích Điếu, Chánh trị viên của tỉnh.
“Ông Huy bắt máy nói tôi là Đại tá Huy, Tỉnh trưởng liền bị hắn chặn họng sửa lưng:
“Các anh là Nguỵ không được xưng danh đại tá với Cách Mạng,xong hắn ra lệnh,sáng ngày mai lúc 9 giờ cho ba chiếc tàu lên Cải Rưng đón Cách Mạng,mỗi tàu chỉ có hai người, một nói máy và một lái tàu, đích thân anh dẫn ba tàu này, trong tàu không có súng đạn, mọi sai phạm sẽ bị xử lý.
“Ông Huy tái mặt,mồ hôi ông vã ra nói vài câu sẽ thi hành.Tôi đi theo, ông nói mời họp ngay,tôi thông báo cho các nhân vật còn lại,đa số là các trưởng phòng bên quân đội, có ông phó Đức và vài người bên toà Hành chánh tôi không nhớ rõ.
"Ông Huy cho biết nội dung mới nói chuyện với tên chính trị của Việt Cộng, hỏi ý kiến mọi người bây giờ mình giải quyết như nào, cả phòng họp yên lặng.
ĐỀ NGHỊ TAN HÀNG
Tôi đề nghị đằng nào mình cũng tan hàng, mình tập trung Bộ chỉ huy,có 3 xe cơ giới của Đại úy Kiệt hộ tống xuống Kiến Bình gặp Thiếu Tá Đạo lấy tiểu đoàn của Đại úy Nguyễn thành mở đường máu ra Cai Lậy mình tan hàng.
“Ông không chịu, nói: tất cả ở lại bàn giao, lệnh cho ông Đức (phó của ông) làm ba mươi phần cơm canh chua,cá kho đãi Cách mạng. Các trưởng phòng,ty sở, tôn giáo, nhân sĩ có mặt trước dinh lúc 10 giờ đón Cách Mạng.
“Trong lúc đứng chờ họ tới,một cảnh tượng kinh hoang xẩy ra,nhìn xéo sang cổng Toà Hành Chánh,tôi ngó thấy Trung sỹ Hồng thuộc ty An ninh Quân đội cưỡi xe Honda, một chân chống trên bờ hè, máy xe vẫn nổ tìm lối đi, kẹt nỗi từ bến nước tên Xích Điểu, ông Huy và đám xây lố cố từ rừng tràm ra,đang nghênh ngang tiến về dinh.
“Trung sỹ Hồng không có đường chạy, bị một phụ nữ mới được thả ra từ Trung tâm cải Huấn cùng mấy tên mang AK và dây nhợ từ ty An ninh Quân đội bước ra, đang nhớn nhác kiếm Hồng,
“Thoáng thấy Hồng, mụ la nó đó,nó đó,chợt một tràng AK nổ chát chúa,Hồng gục chết không lời trăn trối. Tôi bàng hoàng hoa cả mắt.
“Họ tới trước cổng dinh, có một tên Việt Cộng mặc đồ đen,vai quàng chiếc khăn rằn.mũ tai bèo,chột một mắt vung tay hô to Đả đảo Mỹ Ngụy, Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm. Tôi nghe mà ù tai bởi những lời lẽ ghê rợ sắt máu…”, ông Trịnh Xuyến chia sẻ với BBC từ Hoa Kỳ.

08:27

Tờ Quân Đội Nhân Dân online đưa tin trên trang nhất toàn văn bài phát biểu trên truyền hình Việt Nam của Tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam (trái, trong ảnh) hôm thứ Hai trả lời truyền hình của nhà nước nhân 40 năm sự kiện 30/4.
Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ nói:
"Chiến thắng ngày 30-4-1975 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đó là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đỉnh cao của khí phách và trí tuệ con người Việt Nam. Đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội (CNXH).
"Kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc. Tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh; Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; tự hào về Quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng; chúng ta ghi nhớ công ơn đồng bào, đồng chí đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì CNXH và hạnh phúc của nhân dân; sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của bạn bè quốc tế, các nước anh em và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
"Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Bộ Quốc phòng, xin trân trọng cảm ơn Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương và đồng bào cả nước đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo, phối hợp, tạo điều kiện giúp đỡ để lực lượng vũ trang nói chung, toàn quân nói riêng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
"Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam nguyện phấn đấu, quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh; tập trung xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì CNXH, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
"Chúc cho đất nước Việt Nam chúng ta, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, vững bước đi lên trên con đường đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN; thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh," Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam nói với đài truyền hình VTV.

08:10

Báo Sài Gòn Giải Phóng Online hôm 28/4 đưa tin “Đoàn đại biểu kiều bào về nước dự lễ Giỗ Tổ Hùng”.
Tờ báo thuộc Đảng bộ Cộng sản của TP. Hồ Chí Minh cho hay:
“Chiều 27-4, đoàn 70 kiều bào từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã có mặt tại Khu di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia Đền Hùng (Phú Thọ) để dâng hương tỏ lòng thành kính tri ân công đức các vua Hùng đã có công dựng nước.
“Về dự lễ hội Đền Hùng, đoàn đã đến dâng hương tại đền Quốc Mẫu Âu Cơ, đền Quốc Tổ Lạc Long Quân, thắp hương tri ân các vua Hùng trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh - Đền Hùng, thăm và chào lãnh đạo tỉnh Phú Thọ.
“Thạc sĩ Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, đoàn kiều bào về dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương lần này là những gương mặt ưu tú, có đóng góp tích cực vào công tác cộng đồng cũng như các phong trào hội đoàn của người Việt Nam ở nước ngoài.
“Chương trình được tổ chức nhằm đáp ứng tâm nguyện của đông đảo đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước và các vị anh hùng liệt sĩ, các vị danh nhân của dân tộc, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
"Sự kiện này cũng thể hiện sự quan tâm sâu sắc của kiều bào đối với sự phát triển của đất nước,” tờ Sài Gòn Giải Phóng Online viết.

07:42

Trong một đoạn hồi ức nhớ lại 30/4 năm 1975 và thời gian đi 'học tập cải tạo', ông Nguyễn Hữu Hải tức là Henry Hải Nguyễn, cựu sĩ quan Tham Mưu Thám Sát Quân Khu II từ 7/1965 dến năm 1972 (trước khi theo học K6/HV/CSQG Thủ Đức), chia sẻ với BBC những dòng sau từ San Jose, Hoa Kỳ:
"Chúng tôi được nghỉ ngơi mấy ngày thì bị kêu tập họp, đưa lên hội trường. Hội trường là một khoảng đất trống, rộng, có mấy chục cái băng ghế dài đóng bằng cây tràm. Họ nói: ”Đây là chỗ học tập cải tạo của các anh, khi nào mấy anh học thuộc những bài học này,” họ dụ dỗ và khích bác hay mỉa mai:” có mấy bài ấy mà, thì các anh sẽ được trả tự do, về sum họp với gia đình.”
"Tôi vẫn còn nhớ những bài học của họ như sau:
- Bài học thứ nhất: Lao động là vinh quang;
- Bài học thứ hai: Đế quốc Mỹ là con đỉa hai vòi, một vòi hút máu nhân dân ta, một vòi hút máu nhân dân thế giới.
- Bài học thứ ba: Ngụy quân là cha đẻ ngụy quyền.
- Bài học thứ tư: Ngụy quyền là tay sai cho ngụy quân để đàn áp nhân dân ta.
- Bài học thứ năm: Ba giòng thác cách mạng.
- Bài học thứ sáu: Chính sách mười điều bảy điểm của Mặt trận Giải phóng Miền Nam.
- Bài học thứ bảy: Vùng kinh tế mới.
Họ tiếp lời:”Đó là những bài các anh sẽ phải học, nhưng việc đầu tiên các anh phải học là nội quy của nhà trại. Nội quy nhà trại như sau:
- Không được giữ những gì bén nhọn;
- Nhất cử nhất động phải xin phép;
- Kể từ bây giờ các anh phải kêu ban quản giáo là ông bạn và xưng tôi;
- Khi gặp ban quản giáo đi tới, các anh phải bỏ giáo mác xuống và quay mặt vào tường;
- Khi nói chuyện với ban quản giáo thì phải đứng cách xa ba thước;
- Không được gọi các anh bộ đội là cháu, dù rằng các anh bộ đội này chỉ bắng tuổi các con cháu các anh. Lý do các anh bộ đội tuy nhỏ tuổi nhưng có công với cách mạng, chống Mỹ cứu nước chứ không như các anh chỉ “ngồi mát ăn bát vàng;”
- Các anh phải học thuộc lòng bài quốc ca là bài “Mặt trận giải phóng Miền Nam,” ông Nguyễn Hữu Hải hồi tưởng.

07:17

Trả lời phỏng vấn của truyền thông Việt Nam, trước câu hỏi của phỏng viên báo điện tử Vietnamnet.vn hôm thứ Hai hỏi "40 năm trôi qua, điều gì còn lại trong vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc?", cựu Chủ tịch Nước của Việt Nam, ông Nguyễn Minh Triết (trái, ảnh trên), nói:
"Mọi việc phải có quá trình. Những người bỏ nước ra đi trước đây, có thể nói mỗi người mỗi cảnh, chắc ít ai vui vẻ ra đi, mà ngược lại canh cánh với nỗi đau của mình. Chưa nói có người mất mát gia đình, người thân. Tôi chỉ muốn nói rằng có người ra đi cũng đau khổ, có những hoàn cảnh mà có khi mình chưa chia sẻ hết, chưa thông cảm hết.
"Trong suy nghĩ của tôi, hòa hợp, hòa giải dân tộc cần sự chủ động để tháo bỏ sự mặc cảm, định kiến, nặng nề. Chiến tranh đã đi qua 40 năm rồi, không có Mỹ gây ra cuộc chiến trong quá khứ thì chúng ta không có cảnh này đâu.
"Chúng ta phải tìm cách kéo họ về như những người anh em, đồng bào cùng chung Tổ quốc, chung giống nòi, làm sao ranh giới này dần dần bị nhòa đi. Hòa giải dân tộc có hiệu quả, để không còn lấn cấn trong tâm thức về điều này nữa."
Trước câu hỏi Việt nam phải làm gì để hội nhập quốc tế và phát triển vững chắc kinh tế, phát huy, gắn kết nội lực của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, ông Nguyễn Minh Triết nói với tờ VietnamNet:
"Kinh tế trong những năm qua tuy có lúc thăng trầm nhưng đến nay dần chuyển biến, khá hơn.
"Việt Nam có 30 năm đổi mới nhưng để sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong muốn thì chúng ta đổi mới bấy nhiêu vẫn chưa đủ. Đời sống của người dân được cải thiện, giảm nghèo. Việt Nam ngày càng có tiếng nói mạnh hơn trên trường quốc tế. Có nhiều cột mốc đánh dấu sự phát triển trong suốt 40 năm qua nhưng nhìn lại, hướng về phía trước, tôi nghĩ rằng, chúng ta phải tiếp tục luôn đổi mới
"Chính sách không bao giờ hoàn thiện tuyệt đối, bữa nay mình làm vậy phù hợp, nay mai thay đổi thì phải điều chỉnh. Như vậy phải luôn đổi mới. Trong đó, đổi mới tư duy là quan trọng, hàng đầu. Nếu tư tưởng, nhận thức không thay đổi thì không gì thay đổi được.
"Nếu so với thời kỳ khi đất nước bắt đầu đổi mới những năm 1980, 1990, rõ ràng nay đòi hỏi, thử thách lớn hơn. Hồi trước, đất nước ta gặp phải khó khăn chồng chất, kinh tế thì trì trệ kéo dài, đổi mới tăng trưởng 1-2% là mừng rồi.
"Nhưng giờ thì khác. Mình tăng trưởng khoảng 5-6%, mình nghĩ không phải đòi hỏi gì thêm, cứ giữ đều như vậy là tốt. Nhưng TQ nhận mức tăng trưởng 7% là kém nhất trong mấy chục năm qua thì chúng ta phải suy nghĩ, tại sao họ tăng 9-10% được mà mình không dám vượt lên ngưỡng của chính mình?
"Nếu không đặt những ngưỡng vượt cạnh tranh thì làm sao mình đuổi kịp các nước phát triển trong khu vực. Mình phải nhận thức rõ thực tế, mình vẫn ở cách họ một khoảng cách không nhỏ.
"Ngay cả Indonesia, Thái Lan, Singapore, mình cũng phải đổi mới mạnh mẽ mới phát triển theo họ được. Vì vậy chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, phát triển, phát triển mạnh và vững chắc hơn nữa. Thắng lợi đang ở phía trước," cựu Chủ tịch nước của Việt Nam được dẫn lời nói với tờ báo điện tử hôm thứ Hai.

06:42


Từ California, Hoa Kỳ, nhà báo, đạo diễn Trần Nhật Phong hôm 28/4, gửi cho BBC nhân dịp này một phim phóng sự với tựa đề ' 40 năm vươn lên từ nước mắt'.
http://bit.ly/1HLKMop
Trong một giới thiệu gửi cho BBC kèm theo phim này, đạo diễn Trần Nhật Phong viết:
"Trong cuốn phim khi được hỏi đến bà Janet Nguyễn cho biết, cũng như bao nhiêu người tị nạn khác, khi đến Hoa kỳ bà không có gì cả, và cũng có thời gian được trợ cấp, nhưng theo bà thì bà không muốn ngồi chờ người ta ban phát mà bà muốn ngồi trên chiếc ghế quyết định luật lệ, vì bà quan niệm rằng, quyền lực của vị dân cử sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mọi người và bà quyết định chọn con đường chính trị. Bà cho rằng chiến thắng chiếc ghế Thượng Nghị sĩ không phải là chiến thắng của riêng bà, mà là chiến thắng của cộng đồng và cử tri trong đơn vị bà phụ trách.
"Còn bà Madalenna Lai thì nói rằng: không lẽ mình cứ ngữa tay xin tiền người ta, tôi không đồng ý, một ngày nọ, tôi đến góc phố nơi một người Mễ bán trái cây, xin mua lại, người Mễ hỏi tôi rồi bà bán ở đâu, tôi nói ông bán góc này thì tôi bán góc kia, thế là nhờ đó tôi tự nuôi các con tôi được 6,7 tháng.....
"Khi đề cập đến vấn đề văn hóa và các lể hội, Thượng Tọa Thích Minh Minh Mẫn cho rằng do thời tiết tại miền nam california tương đối đẹp hơn so với các nơi khác nên lễ hội tập trung ở đây nhiều hơn, náo nhiệt hơn và rộng rãi hơn, còn Bác sĩ bùi Duy Tâm thì quan niệm rằng: Việt Nam không chỉ có chiến tranh, Việt còn có nét đẹp của văn hóa, và do đó ông quyết định quản bá cái đẹp của văn hóa Việt ra bên ngoài.
"Trong khi nữ ca sĩ Dimond Bích Ngọc và phu quân của cô vẫn hàng tuần hàng tháng đến ca hát giúp vui các nhà điều dưỡng nói rằng, khi vượt biên cô đã được giúp bởi những người không cùng màu da, không cùng tiến nói, nên giờ cô cố gắng giúp lại những người khác, dù họ cũng không cùng màu da, không cùng tiếng nói với cô.
"Chứng kiến sự trưởng thành của cộng đồng Việt Nam trong suốt 40 năm qua, ông Tony Rackausckas, hiện nay là Chánh Biện Lý tại quận Cam, người đã có mặt tại Camp Pendleton 40 năm trước để bảo trợ cho một gia đình Việt Nam, nói rằng sự trưởng thành và lớn mạnh của cộng đồng Việt Nam trong 40 năm qua ngoài tưởng tượng của ông, ông cảm thấy hãnh diện và trân quí điều này.
"Nghệ sĩ Quốc Thái thì cho rằng, Tiểu Sài Gòn đã mở rộng, không còn đóng khung trong một vài thành phố mà nhiều thành phố khắp nơi, và đi đâu cũng có biểu tượng của người Việt Nam là chữ Phở, ông cho rằng rồi đây 2 chử Sài Gòn sẽ lan nhanh và rộng hơn nữa sang những tiểu bang khác và thậm chí các quốc gia khác," Đạo diễn Trần Nhật Phong cho BBC hay.

06:31

Chuyên mục Tuần Việt Nam của báo điện tử Vietnamnet.vn hôm thứ Ba dẫn lời của một khách mời tham dự cuộc "Tọa đàm 40 năm ký ức ngày thống nhất" (Kỳ 1), nói:
"Khoảng 11 giờ trưa 30/4/1975, tôi nghe tiếng gầm rít của xích sắt tốp xe tăng đầu tiên từ Thị Nghè tiến vào trung tâm. Tôi và nhiều người kéo nhau đứng sát tường rào của khu trường dược nhìn ra. Đứng sát tôi là anh đại úy dù, người chỉ huy đại đội dù tử thủ trước khi có lệnh đầu hàng. Anh ta mặc nguyên bộ đồ dù, chỉ để đầu trần," ông Huỳnh Bửu Sơn được dẫn lời nói.
Ông Sơn được tờ báo giới thiệu là 'Chuyên gia tài chính – ngân hàng. Trước 30/4/1975, ông là thành viên ban lãnh đạo Nha phát hành Ngân hàng quốc gia Việt Nam và là người giữ chìa khóa kho vàng 16 tấn; sau năm 1975 là thành viên “Nhóm thứ 6” giúp việc cho lãnh đạo TP.HCM và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt'.
Vẫn ông Sơn được dẫn lời nói tiếp:
"Chiếc xe tăng đi đầu cắm cờ Giải phóng đột nhiên quay ngoắt lại, leo lên lề, tiến sát vào tường rào. Tôi nhìn thấy rõ họng pháo sâu hun hút với những hình răng cưa ở miệng súng. Một người lính trên tháp pháo đột nhiên đứng dậy, rút súng ngắn, lên đạn. Thời gian bỗng như đông cứng lại trong đầu, tôi nhắm mắt chờ tiếng súng nổ. Nhưng người chỉ huy đứng trên tháp pháo đưa tay gạt khẩu súng ngắn xuống. Anh từ tốn hỏi người lính dù: “Đã đầu hàng rồi sao anh còn ở đây?”. Viên đại úy dù trả lời: “Chúng tôi đã tuân lệnh buông súng, tôi chỉ đứng đây xem thôi”.
"Người chỉ huy phất tay, chiếc xe tăng quay ngoặt trở lại ầm ầm phóng về phía dinh Độc Lập. 5 hoặc 6 chiếc đi sau chạy theo, tiếng xích sắt ken két nghiến trên đường nhựa.
Lát sau tôi nghe một tiếng “ầm” rất lớn. Lúc đầu cứ ngỡ là tiếng đại bác. Sau này mới biết là tiếng xe tăng húc đổ cổng dinh Độc lập.
"Bàn tay của người chỉ huy chiếc xe tăng gạt khẩu súng ngắn đã lên đạn xuống là tín hiệu rõ ràng nhất khiến tôi tin rằng chiến tranh đã thực sự kết thúc," Tuần Việt Nam tường thuật lời ông Huỳnh Bửu Sơn.

06:13

Tờ Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh hôm 28/4/2015 cho hay thành phố sẽ "điều chỉnh bắn pháo hoa sớm hơn dự kiến 15 phút".
Tờ báo viết: "Ủy ban Nhân dân TP.HCM vừa điều chỉnh thời gian bắn pháo hoa chào mừng 40 năm Ngày giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước vào lúc 21g45, thay vì 22g ngày 30-4 theo kế hoạch trước đó.
"Theo đó, sẽ có 7 điểm bắn pháo hoa trên địa bàn TP mừng ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
"Trong đó, khu vực tòa tháp Bitexco Financial (đường Hải Triều, Q.1) là điểm bắn pháo hoa nghệ thuật.
"Pháo hoa tầm cao được bắn ở hai điểm là Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc (P.Long Bình, Q.9) và khu tưởng niệm Liệt sĩ Ngã Ba Giồng (H. Hóc Môn).
"Bốn điểm bắn pháp hoa tầm thấp: Công viên Văn hóa Đầm Sen (Q.11), khu Di tích lịch sử Láng Le - Bàu Cò (H.Bình Chánh), đền Bến Dược (H.Củ Chi) và sân bóng đá Cần Giờ (H.Cần Giờ).
"Thời gian bắn pháo hoa trong vòng 15 phút, từ 21g45 đến 22g ngày 30-4," tờ báo cho hay.

23:29

Bộ đội Bắc Việt bắn nhau ngay trong Dinh Độc Lập ngày 30/04/1975, theo lời kể của Thượng tướng QĐNDVN Nguyễn Hữu An:
 "...mấy quả đạn cối 82 (hoặc 81) nổ liên tiếp ngay trên sân cỏ. Duyến ôm lấy mặt kêu lên: "Tôi bị thương rồi!". Tôi bảo chiến sĩ gác cho tù binh chạy vào trong hầm.
Mấy quả đạn cối nổ, chỉ có mình đồng chí Duyến là chẳng may hỏng một bên mắt. Tôi hỏi một sĩ quan tù binh xem xung quanh đây còn lực lượng nào dám kháng cự nữa không. Không có.
Như thế là "quân ta bắn quân mình" thôi. Chiến tranh khó tránh hết được cái chuyện quái gở ấy..."
Báo Việt Nam có bài 'Hồi tưởng trận đánh Dinh độc lập qua ký ức Thượng tướng Nguyễn Hữu An' (1926-1995), tư lệnh Quân đoàn 2 từ 1975-1979.

22:59

Hai chiếc xe tăng tại Dinh Thống Nhất chỉ là phiên bản.
Báo Giáo dục Việt Nam: "Hai chiếc xe tăng bản gốc từng tiến vào Dinh Độc Lập mang số hiệu 390 và 843 hiện nay đều ở Hà Nội. Trong đó chiếc xe tăng 390 bản gốc hiện đang được trưng bày ở Bảo tàng Lực lượng Tăng thiết giáp còn chiếc xe tăng mang số hiệu 843 bản gốc hiện đang trưng bày ở Bảo tàng Lịch Sử Quân sự Việt Nam. Còn tất cả những chiếc xe tăng khác có cùng số hiệu chỉ là hiện vật đồng thời”, Thiếu tướng Lê Mã Lương – Anh hùng LLVTND, nguyên giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam, giải đáp thắc mắc lâu nay của rất nhiều người."

22:57


Hãng AFP có bài ngày 27/04/2015 về chuyện hai chiếc xe tăng 'đâm vào cổng Dinh Độc Lập':
"Trong nhiều thập niên sau chiến tranh, sử sách chính thống về chiến thắng ở Việt Nam chỉ cho là chiếc xe tăng 843 do Liên Xô sản xuất đã đâm đổ cổng Dinh Độc lập nhưng một cựu bộ đội tăng Bắc Việt ), ông Vũ Đăng Toàn đã luôn nói xe tăng của họ, chiếc T-390, mới là chiếc vào đầu tiên.
Hồi ức của họ được phóng viên ảnh Pháp, Francoise Demulder, người chứng kiến thời khắc Sài Gòn sụp đổ, xác nhận.
Năm 1995, bà quay lại Việt Nam với các bức hình về chiếc xe tăng 390 và nhờ đó, cả hai chiếc xe tăng được tôn vinh đúng vị trí lịch sử của nó."

22:55


Ông Hoai Pham gửi tới BBC từ Hoa Kỳ:
"Là người của 'bên thua cuộc' lúc đó tôi đứng tại vòng xoay sau lưng nhà thờ Đức-Bà, chạy chiếc Vespa Sprint từ Tự-Do lên đến Đại-Lộ Thống-Nhất (từ Lê-Thánh-Tôn lên Quảng-Trường Kennedy không có người), tính qua Hồ Con Rùa, tôi bị chận lại ngay Đại lộ Thống-Nhất, khoảng trên 30 chiếc xe Honda SS.67, 68 và dame mỗi xe đều 2 người, hơn một nữa mặc đồ dân sự và số còn lại mặc “sắc phục” mà ta thường thấy ở những người Giải phóng tại Miền Nam: nylon dầu xanh màu cỏ úa, họ mang nhiều khẩu súng tiểu-liên lạ dưới mắt tôi, họ chạy rải một khoảng dài trên trăm mét, gặp họ ngay ngã tư này, khi thấy tôi người duy nhất chạy thẳng góc với họ, một người trong số họ khoát tay chận lại và nói lớn : “Dừng lại cho xe tăng Giải phóng vào”, môt chiếc Honda khác dừng lại giữa ngã tư về phía bên nầy của ĐL Thống-Nhất để làm nút chận, nhìn về phía Thảo-Cầm-Viên không thấy gì cả tôi lùi xe và gát chân lên những trụ xi-măng ngắn xếp thành hình đa-giác làm vòng xoay chờ, nghe tiếng xích phía Thảo-Cầm-Viên, (xe tăng vào đường HTTự quẹo Nguyễn Bỉnh Khiêm).
Chiếc T54 đi đầu có khoảng cách khá xa những chiếc phía sau. Là dân Thiết-Giáp của 'bên thua cuộc' tôi nhìn chiếc xe với nhiều ý nghĩ…Trên xe không còn chỗ trống, rất nhiều bộ đồ dân-sự trong số đó, phải nói là họ 'bám' trên xe, đoàn xe Honda đã lên đến dinh và đậu trước cổng và trên lề cỏ phía trước, chiếc T54 đầu tiên đã đậu bên góc Thống-Nhất & Công-Lý, trước cổng dinh, thì chiếc thứ 2 mới đi đến chổ tôi đứng, 4 chiếc sau có khoảng cách đều và gần. Năm chiếc T54 đã đậu trước dinh trên ĐL Thống-Nhất, thấy có 1 chiếc M.48 đậu trên Công-Lý phía HTTự (nòng 90 ly cất cao và day về hướng theo chiều Công-Lý), thấy hầu hết người trên xe tăng đã xuống đất.
Một chiếc SS.67 không xài giảm thanh rú ga thật lớn chạy từ phía Nguyễn-Du ra Q.T. Kennedy, tôi quẹo vòng xe lại tính gặp anh nầy để nghe ngóng xem có chuyện gì xảy ra phía đó không ?, nghĩ anh ta cũng là 'Bên thua cuộc', tôi la lớn: 'Có gì bên đó mà chạy dữ vậy huynh?', tôi nghe được: “…lỡ thằng nào nổi máu nổ súng, mình không còn về được với vợ con!”, rồi anh quẹo bên hông Bưu-Điện ra Hai bà Trưng, tôi chạy đến đứng lại chổ cũ… thấy 'bên thắng cuộc' quây quần trước cổng Dinh, coi như xong, tôi chạy lên hướng hồ con rùa, quẹo Phan đình Phùng về ngã Bảy..

22:41

Johny Pham, du học sinh tại châu Âu:
"Trong những người bạn gốc Việt của tôi– hình như khái niệm chiến tranh Việt Nam, giải phóng hay quốc tang đã không còn, trái lại họ quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống hiện tại, công việc, cuộc sống hàng này, và xa hơn sự phát triển của Việt Nam hôm nay. Họ sẵn sàng làm bạn với những người bạn Việt dù bất kể anh là người Bắc-Trung-Nam."
"Những nhân vật tôi nói ở trên cũng đều có một quan tâm lớn, với gốc gác là người Việt, “Liệu khi về Việt Nam chúng tôi có được trọng dụng để mang tới một luồng gió mới cho sự phát triển của Việt Nam (như điều mà hải ngoại Trung Quốc đã làm), hay chỉ là những Việt Kiều bị mất đồ ngay tại sân bay, bị ép giá trên trời, và khi tạo ra những ý tưởng mới thì bị coi là phạm pháp, động chạm đến chính quyền?”
"Thiết nghĩ thay vì hãy mong chờ hải ngoại Việt quay trở về, những nhà lãnh đạo Việt nên tự tạo ra nguồn nội lực để phát triển, bằng cách xây dựng những chính sách công bằng hơn với nền kinh tế tư nhân nói riêng và các nền kinh tế khác nói chung, thúc đẩy tạo ra của cải vật chất. Vì một khi nền kinh tế Việt Nam mạnh mẽ trên thế giới, tự khắc những người Việt này sẽ tự động trở về, đấy mới là câu trả lời cho bài toán ‘Hòa hợp dân tộc’.

22:08

BBC giới thiệu tiếp ảnh của phóng viên Nick Út tức Huỳnh Công Út về Cuộc chiến Việt Nam.

21:22

Nhân vật thời Chiến tranh Việt Nam: diễn viên Mỹ Jane Fonda gặp Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh của VNDCCH ở Hà Nội hôm 21/07/1972.
Cho đến năm 2015, bà Jane Fonda vẫn tiếp tục bị chỉ trích tại Hoa Kỳ vì chuyến thăm Hà Nội thời chiến.
Tại Hà Nội khi đó, bà Jane Fonda phê phán Hoa Kỳ ném bom đê Sông Hồng. Bức hình 'Jane Hanoi trên mâm pháo' khiến không ít quân nhân và cựu quân nhân Hoa Kỳ gọi bà là 'kẻ phản bội'.
Nhưng nghiêm trọng hơn, theo báo Mỹ, có người, như Bob Hartman, một cựu quân nhân Mỹ từng chiến đấu tại Nam Việt Nam đổ lỗi cho bà Fonda đã 'khuyến khích Bắc Việt bỏ đàm phán hoà bình tại Paris' và vì thế, gián tiếp gây ra cái chết của hàng nghìn quân nhân Mỹ:
"Cô ta khuyến khích Bắc Việt bỏ bàn đàm phán, và đã khiến nhiều người Mỹ bị giết. Cô ta sang HN chỉ để thổi lên công danh cho chồng."
Nay, bà Jane Fonda nói những gì bà làm tại Hà Nội năm 1972 là 'sai lầm lớn' (huge mistake).

21:12

Tiếp mục về các vị tướng của hai miền Nam - Bắc trong nội chiến.
Tướng Trần Văn Trà (1918-1996) : Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (1955- 1962), ông được cử vào Nam năm 1963. Ông là Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam (1968-1972), và là Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam (1974-1975), và là Chủ tịch Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn - Gia Định sau ngày 30/4/1975. Một phần hồi ký của ông bị thu hồi năm 1982 do bị coi là có quan điểm không chính thống, và chỉ được in lại nhiều năm sau khi ông mất.

21:12


Trung Hiếu, viết trên VOV hôm 23/04:
"...Một bộ phận nhỏ người gốc Việt sống ở nước ngoài lại hậm hực coi dịp 30/4 là “ngày hận, tháng đen” và tổ chức kỷ niệm sự kiện này theo cách riêng của họ. Có lẽ do chưa thấm hết lịch sử Việt Nam hoặc bị các thế lực hắc ám nào đó lừa phỉnh nên họ vẫn coi cuộc kháng chiến chống Mỹ như một cuộc nội chiến. Theo họ, cái chính thể mang tên “Việt Nam Cộng hòa” là hoàn toàn hợp pháp và sự sụp đổ của chế độ đó là do sự “cưỡng chiếm” từ miền Bắc."
"Trước các luận điệu hoặc ngộ nhận này, chúng ta cần nhìn lại lịch sử và làm một cuộc “giải phẫu” chế độ Việt Nam Cộng hòa cùng hai công cụ bạo lực của nó là Quân lực Việt Nam Cộng hòa và Cảnh sát Quốc gia Việt Nam Cộng hòa để thấy rõ bản chất của nó và những sự thật mười mươi."
"Quân lực Việt Nam Cộng hòa bao gồm những người con đất Việt máu đỏ da vàng, mang trong mình các nét văn hóa Việt. Tuy nhiên họ đã không phát huy được sức mạnh của văn hóa và truyền thống tổ tiên, vì họ đã sống trong môi trường tha hóa và thiếu chính danh của Việt Nam Cộng hòa, đã lầm đường lạc lối, đã bị lừa dối, bị ép buộc, hoặc đơn giản là hành động chỉ vì miếng cơm manh áo.
...Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, lòng dân luôn hướng về Đảng Cộng sản Việt Nam, cả ở miền Bắc lẫn miền Nam."

20:39

Nhân 40 năm kết thúc chiến tranh, báo Pháp Luật TP. HCM đăng bài giới thiệu về ông Hạ Chí Công, 68 tuổi, từng chiến đấu ở trung đoàn 3, sư đoàn 9 bộ đội Việt Nam và bị chính quyền Sài Gòn bắt vào nhà tù Phú Quốc.
Theo giới thiệu, ông là bạn tù của đương kim Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Ông Công nói: “Đất nước ta đã hoà bình được 40 năm rồi, giờ đây tôi rất xúc động khi cách đây hơn 40 năm, tôi cùng với nhiều đồng chí, trong đó có cả đồng chí Trương Tấn Sang (bây giờ là Chủ tịch nước) vẫn còn là tù binh ở nhà tù Phú Quốc (Kiên Giang).”
Ông Sang bị bắt giam ở nhà tù Phú Quốc năm 1971.
Ông Công kể rằng ông cùng nhiều người khác quyết định vượt ngục.
“Trước khi chúng tôi rời khỏi, đồng chí Sang đã tâm sự, dặn dò chúng tôi hết lời, dặn chúng tôi đi đường phải cẩn thận…”
Ông Công vượt ngục thành công, còn ông Trương Tấn Sang được trao trả theo Hiệp định Paris năm 1973.

20:39

Báo Phụ nữ TP. HCM dẫn nguồn từ Sở Giao thông Vận tải TP. HCM nói ngày 30/4, việc cấm đường sẽ nghiêm ngặt hơn trong khu vực vành đai tổ chức lễ mít tinh.
Trước đó hôm 24/4, nhiều người dân than phiền về tình trạng ùn ứ giao thông nghiêm trọng do kế hoạch chắn đường.
Ông Lê Hoàng Minh, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. HCM, nói người dân cần lưu ý để chủ động sắp xếp đi lại.
Một người từ Sở này được dẫn lời nói người dân hạn chế tiếp cận khu vực cấm từ 4g sáng 30/4 đến 12g cùng ngày.

19:42


Nhóm làm phim 'Last Day in Vietnam' vừa gửi cho BBC Tiếng Việt bức hình chụp từ một cảnh trong phim giai đoạn Cuộc chiến Việt Nam kết thúc. Đây là tác phẩm được đề cử Oscar cho phim tài liệu hay nhất và được chiếu tại Hoa Kỳ tuần này, nhân dịp 30/04.

18:36

Phóng viên Hồng Nga tại Sài Gòn phỏng vấn ông Nguyễn Đức Thiện, 55 tuổi, lái xe:
"Theo tôi ngày 30/4 nên được gọi là ngày thống nhất đất nước, vì nó là ngày dân tộc này được hòa hợp, đoàn tụ.”

18:26

18:20

Hôm Chủ nhật 26/4, hàng ngàn người đã lên Hàng Không Mẫu Hạm USS Midway tại San Diego để tưởng nhớ ngày Sài Gòn thất thủ năm 1975.
Con tàu này đã đón hơn 3.000 người Việt chạy khỏi Sài Gòn trong hai ngày 29 và 30/4 năm 1975.
Hơn 58.000 dải băng màu vàng được đặt trên tàu để đánh dấu số lính Mỹ thiệt mạng tại Việt Nam.

18:20

Nhắc lại các tướng của VNCH và VNDCCH.
Tướng Ngô Quang Trưởng (1929-2007): Được người Mỹ đương thời xem là một trong những tướng giỏi nhất của Việt Nam Cộng Hòa, ông được phong Thiếu tướng sau trận Mậu Thân và sau này lên Trung tướng. Nhiều người xem ông có công chỉ huy tái chiếm Quảng Trị năm 1972. Ông tiếp tục là Tư lệnh Quân khu I cho đến khi bị Tổng thống Thiệu ra lệnh triệt khoái khỏi miền Trung tháng Ba 1975. Dư luận cho rằng ông là một trong số tướng VNCH được đa số kính trọng, không gây tranh cãi.

18:10

Nhà văn Trần Quốc Quân, Warsaw, Ba Lan: "Với một người bố Bắc má Nam như tôi, ngày 30/4/1975 thật đặc biệt, thật ý nghĩa.
Đó là ngày kết thúc một cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong lịch sử dân tộc. Từ đây những người ruột thịt của tôi không còn phải chĩa súng vào nhau, bắn giết nữa.
Đó là ngày thống nhất đất nước để đại gia đình họ ngoại của tôi được đoàn tụ xum họp, để tôi được kịp thấy bà ngoại, để tôi được gặp mặt các cậu ruột và những người em họ.
Đó là ngày non sông liền một dải, để hai năm sau tôi được ngồi tàu vào thăm quê ngoại của mình.
“Cầu cho linh hồn anh Ba siêu thoát! An nghỉ đi anh! Chị Ba và hai cháu đã có má, chị Hai, anh Tư và em nguyện lo cho vẹn toàn. Vĩnh biệt anh Ba!”
Nghe cậu Út, cựu thiếu úy biệt động Quân lực Việt Nam cộng hòa khóc thương anh trai, nguyên thượng tá Quân đội nhân dân Việt Nam, tôi không ngăn nổi những giọt nước mắt ứa ra nơi khóe mắt. Hình ảnh chuyến về thăm quê ngoại lần đầu trước đó hai năm chợt hiện lên trước mắt tôi.
...
Giá như ngày ấy, bên thắng cuộc không phải đoàn quân kiêu binh mà biết phụng sự trước hết vì tổ quốc, vì nhân dân.
Giá như ngày ấy, bên thắng cuộc lấy tinh thần “đại nghĩa” thực hiện hòa hợp và hòa giải dân tộc ngay sau khi ngưng chiến. Giá như ngày ấy không ngược đãi các sĩ quan quân đội phía bên kia, bắt họ phải cải tạo trong các trại tù binh trá hình. Giá như ngày ấy không thu xưởng, không cưỡng bức các gia đình tư sản, tiểu tư sản đi xây dựng kinh tế mới.
Giá như ngày ấy, bên thắng cuộc lấy “chí nhân” duy trì tình trạng “một đất nước hai chế độ”, không tiến hành cải tạo công thương, không phá nát lực lượng sản xuất tiên tiến sẵn có, để cho nền kinh tế miền Nam tiếp tục phát triển, để cho đất nước không phải trải qua mười năm nghèo đói cùng cực để rồi phải tiến hành đổi mới, mở cửa, thừa nhận nền kinh tế năm thành phần trong đó có kinh tế tư bản, tư nhân. Nghĩa là phá xong, chúng ta phải làm lại từ đầu.
Giá như ngày ấy, bên thắng cuộc tỉnh táo thực hiện tất cả những điều giá như trên đây.
Thì ngày 30/4 hàng năm không chỉ là ngày thống nhất đất nước mà thực sự được coi là ngày “giải phóng”, là ngày “chiến thắng” của cả dân tộc."

17:19


Phóng viên ảnh Nick Út chia sẻ với BBC Tiếng Việt nhiều bức hình về giai đoạn dẫn tới ngày thất thủ Sài Gòn và giai đoạn di tản sau đó. BBC sẽ giới thiệu dần các bức hình lịch sử này.

17:19

Ngày 27/4, báo The Straits Times của Singapore đăng bài nói “Hội chứng Việt Nam còn dai dẳng ở Mỹ”.
Bài của Jeremy Au Yong, trưởng đại diện tờ báo tại Mỹ, nhận định: “Khi người Mỹ nói về Chiến tranh Việt Nam hôm nay – 40 năm sau ngày kết thúc – họ vừa bày tỏ sự xấu hổ và tự hào, kêu gọi Mỹ quay lại ưu thế đỉnh cao mà cũng miễn cưỡng sử dụng sức mạnh quân sự, vừa muốn quên đi mà cũng không bao giờ quên.”
“Một số câu hỏi khó nhất về cuộc chiến vẫn chưa được trả lời: Liệu Mỹ có nên tiếp tục là siêu cường quân sự hàng đầu? Các vấn đề của thế giới có được giải quyết nhờ xuất khẩu mô hình Mỹ?”

16:56

Báo New York Times 26/04/2015 về các phim chiếu ở Mỹ nhân dịp 30/04 năm nay:
“Kênh PBS hơi quá đà trong đợt chiếu phim 30/04 nhưng nhờ thế mà bộ phim tuyệt vời của Rory Kennedy, “Last Days in Vietnam” lại có cơ hội đến với công chúng rộng rãi hơn....
“Phim ‘Ngày cuối ở Việt Nam’ đã được đề cử Oscar cho phim tài hiệu hay nhất, sẽ được chiếu vào tối thứ Ba...Phim kể lại cảnh cùng cực của các diễn biến tuần này năm 1975 khi quân đội Bắc Việt hoàn tất cuộc chiếm trọn Nam Việt Nam, gây ra đợi di tản hỗn loạn tại Sài Gòn và các nơi khác.”

16:04

Phim 'Điệp viên từ Hỏa Lò ở Hà Nội' (The Spy in the Hanoi Hilton) trình chiếu tại Hoa Kỳ đợt 30/04/2015 được trang web về phim này giới thiệu như sau:
"Hồi năm 1973, 591 tù binh chiến tranh Mỹ được về nhà từ Cuộc chiến Việt Nam, đem theo họ những câu chuyện kinh khủng về sự sống còn. Nhưng các tù binh Mỹ (American POWs), còn có một câu chuyện đặc biệt và bí mật để kể: đó là hoạt động tình báo của họ vốn bị giữ bí mật cho đến nay. Đây là câu chuyện về James Stockdale và các đồng đội tù binh từ Hỏa Lò đã liên lạc với tình báo Mỹ để báo động với CIA và Ngũ Giác Đài về chuyện rùng rợn trong các trại tù Bắc Việt và thúc đẩy một sứ vụ giải cứu tuyệt mật." (hình minh họa cảnh TNS John McCain và Đại sứ Michael Michalak thăm lại Hỏa Lò năm 2009).

16:04

Báo Tiền Phong viết về triển lãm tại Bảo Tàng Quân đội ở Hà Nội: "Với gần 300 tài liệu, hình ảnh, hiện vật quý, triển lãm “Đại thắng Xuân 1975 – sức mạnh Việt Nam” đã khắc họa một cách sinh động, trung thực cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 với sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại."
"Đáng chú ý, tại triển lãm lần này, nhiều tài liệu, hiện vật lần đầu tiên được đưa ra trưng bày như máy vô tuyến điện P.401M, chiếc đài bán dẫn Đại tướng Văn Tiến Dũng và các đồng chí Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Trần Văn Trà cùng Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh nghe lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh,..." (trong hình là Đại tướng Văn Tiến Dũng lúc sinh thời, ảnh chụp năm 2000 ở Đà Nẵng).

15:59


Hình ảnh tư liệu từ tường thuật của phóng viên BBC Brian Barron ngày 30/4/1975
Nhân 40 năm ngày cuộc chiến kết thúc, BBC Việt Ngữ giới thiệu lại một vài phóng sự của các phóng viên BBC đã có mặt tại Việt Nam và gửi tường thuật trong các dịp kỷ niệm ngày cuộc chiến kết thúc, từ năm 1975-2005.
Là người đã có mặt tại Sài Gòn vào những ngày cuối tháng Tư năm 1975, phóng viên BBC Brian Barron đã từng trở lại Việt Nam sau 10 năm, vào năm 1985.
Năm 199, Brian Barron một lần nữa quay lại nơi ông từng là phóng viên cho BBC và đã chứng kiến giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước này. BBC Việt Ngữ giới thiệu phóng sự đặc biệt của ông khi vào dịp kỷ niệm 20 năm ngày cuộc chiến chấm dứt.

15:26

Neil Genzlinger trên New York Times (26/04/2015) về các phim ở Mỹ nhân dịp 30/04:
“Một trong những phim cho ngày thứ Hai này là “The Spy in the Hanoi Hilton” trên kênh Smithsonian Channel kể lại câu chuyện các tù binh chiến tranh Mỹ [khi bị giam ở Hỏa Lò] đã liên lạc với CIA trong thời gian cuộc chiến ra sao. Một trong những nhân vật chủ chốt của chiến dịch bí mật là James B. Stockdale, người sau này bị chê cười khi trở thành ứng viên phó tổng thống với Ross Perot năm 1992. Stockdale, người qua đời năm 2005, đã bị giam 7 năm rưỡi, từ đầu năm 1965, và các bạn sẽ thêm phần kính trọng ông khi xem chương trình này.”

15:18

Nhà nước Việt Nam nhiều lần cho rằng các học viên học tập ở các trại cải tạo sau 30/4/1975 đều được 'đối xử tốt đẹp, nhân đạo' nhưng các tài liệu quốc tế và nhiều nhân chứng lại cho rằng không phải như vậy trong bài thảo luận trên kênh Google+ và YouTube với BBC Tiếng Việt (http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2015/04/150424_khieu_kien_vietnam_war)

15:02

Trả lời phóng viên Nguyễn Hùng của BBC Tiếng Việt hôm 26/4 tại nhà riêng ở bang Virginia, Hoa Kỳ, Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ nói miền Bắc chiến thắng 40 năm về trước là 'logic' và ông ủng hộ chuyện thống nhất đất nước. Tuy nhiên ông phê phán chính sách đối nhân xử thế của chính quyền sau chiến tranh vốn đã khiến lòng người ly tán và kinh tế tan hoang.

14:59

Hồng Nga, phóng viên BBC từ Thành phố Hồ Chí Minh: Giới chức và người dân Sài Gòn đang chuẩn bị cho những ngày lễ sắp tới. Hôm nay đa phần người dân vẫn đi làm. Chính quyền công bố lịch cấm đường ở một số khu trung tâm.

14:23


Thành phố Hồ Chí Minh trang hoàng chuẩn bị cho 40 năm kỷ niệm ngày 30/4. Sau khi cuộc chiến kết thúc vào năm 1975, Sài Gòn, vốn là thủ đô của Việt Nam Cộng hòa, được đặt tên lại là 'Thành phố Hồ Chí Minh' mà Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất khi đó nói là 'thể theo nguyện vọng của người dân miền Nam'.

14:01

Trong bài phỏng vấn với VOV nhân ngày 30/4, ông Nguyễn Thiện Nhân, chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc cũng đưa ra lời kêu gọi hòa giả̉i với những người ở phía bên kia cuộc chiến:
"Chúng tôi mong tất cả bà con ta ở nước ngoài, nếu trong 40 năm qua chưa có dịp về nước thì bây giờ hãy về. Tổ quốc, đất mẹ luôn luôn sẵn sàng đón những người con đi xa trở về. Về để nhìn lại làng quê, gặp lại họ hàng của mình để thấy sự thay đổi và phát triển như thế nào. Đồng bào miền Nam chưa được biết các di tích lịch sử nguồn cội như đền thờ Vua Hùng, đền thờ Trần Hưng Đạo thì bây giờ bà con hãy trở về với đất Tổ. Rất nhiều người khi trở về, thấu hiểu thực tiễn thì không cần nói gì nhiều, họ đều cố gắng làm gì đó cho quê hương. Hãy xây thêm một viên gạch, hãy trồng thêm một cây xanh, góp thêm một sáng kiến để cho đất nước chúng ta ngày càng mạnh thêm".

13:57

Trang mạng của Đài Tiếng nói Việt Nam dẫn lời ông Nguyễn Thiện Nhân, chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và là ủy viên Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản, kể về khoảnh khắc ngày 30/4 của ông: “Khi nghe tin chiến thắng, chúng tôi như òa khóc, phần vì hiểu rằng mình chắc không phải đánh nhau nữa rồi, phần vì mong sớm được tin của ba má mình còn sống hay không. Lúc đó, tôi cũng muốn nhanh được về miền Nam để biết mặt ông bà vì tôi đi tập kết ra Bắc từ năm 1 tuổi, lúc nào cũng nghĩ mình quê miền Bắc, bởi được đồng bào nuôi nấng, trưởng thành”.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết: 'Ngày đi như trong đêm mơ', 'Vui sao nước mắt lại trào' là tâm trạng của ông và mọi người ngày đó.

11:54


'Lính VNCH không thù hận bộ đội Bắc Việt'. Phạm Hòa, cựu lính biệt kích của Việt Nam Cộng hòa trước 1975 kể với BBC Tiếng Việt về kỷ niệm ông nhớ nhất thời trong quân ngũ.
“Anh bộ đội ấy biết trước anh sẽ chết nên viết thư về cho mẹ nhắn cho mẹ thế này thế kia và nhắn cô người yêu cùng làng. Cho đến khoảng đời sau này tôi cũng không thể nào quên tâm tư bộ đội Bắc Việt,” ông Hòa nói về lá thư của một người bộ đội Bắc Việt đã bỏ mạng sau khi chạm trán với đơn vị của ông vào năm 1974.
“Người miền Nam, miền Bắc chúng ta đều trả giá và trả giá rất là đắt. Thành thử đó là đau thương cho cả đất nước Việt Nam,” ông nói và cho biết nếu gặp lại bộ đội Bắc Việt thì ông ‘cũng không có lý do thù hận’ vì ‘người chiến sỹ chỉ làm tròn bổn phận của họ mà thôi’.
“Anh em bên quân lực Việt Nam Cộng hòa chúng tôi không có gì thù hận người chiến binh bộ đội,” ông nói. “Họ cũng hy sinh như người miền Nam để tranh đấu cho Việt Nam sau này thôi.”
Tuy nhiên theo lời ông Hòa thì nước Việt Nam hiện nay ‘không như Việt Nam Cộng hòa mong muốn mà cũng không như bộ đội miền Bắc mong muốn’.

BLOG 11:25

Blogger Phạm Viết Đào
Blogger Phạm Viết Đào: Theo tôi, cuộc chiến tranh Việt-Mỹ kết thúc cách đây 40 năm là hậu quả của những chính kiến chính trị cuồng tín của các chính trị gia của cả 2 phía Việt-Mỹ.
Rất nhiều người của cả ba phía (Mỹ, Việt Nam Cộng hoà và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà) sau 40 năm bắt đầu ngộ ra rằng trong cuộc chiến vừa qua, chính mình bị áp, bị lôi, bị ném vào cuộc chiến bởi những chính kiến chính trị cuồng tín của kẻ khác.
Sự cuồng tín chính trị được thể hiện qua việc quá tin vào những điều vu vơ, không có thật hoặc tin vào những sự thật bị phóng đại, kích động bởi những động cơ chính trị vụ lợi, đen tối.
Từ sự cuồng tín về chính trị đã xô đẩy hàng triệu người vào những hành vi bất chấp mạng sống của mình, của đồng loại, của đồng bào mình, thậm chí người thân của mình.
Trong cuộc chiến Việt-Mỹ vừa qua, có rất nhiều gia đình Việt Nam anh em họ hàng ruột thịt trong một gia đình đã bị đẩy vào các chiến tuyến đối địch nhau, thậm chí bắn, giết trực diện nhau chỉ vì những chính kiến chính trị chẳng liên quan gì tới mình.

10:14


Nhận xét về một số vị tướng Việt Nam Cộng hòa. Cựu Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông Bùi Tín nhận xét về một số tướng lĩnh nổi bật của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa và một số trận đánh lớn giữa quân đội miền Bắc và miền Nam trước khi cuộc chiến kết thúc 40 năm trước.
Trả lời phỏng vấn BBC Tiếng Việt trong chuyến thăm trụ sở BBC vào cuối năm 2013, nhà báo Bùi Tín nói phía quân báo của quân đội Bắc Việt Nam nắm được nhiều thông tin về các tướng lĩnh phía bên kia.
Các trận đánh lớn giữa quân đội hai miền mang dấu ấn quan trọng, theo cựu Phó tổng Biên tập báo Nhân Dân, là trận thành cổ Quảng Trị - nơi quân phía Bắc "không chịu đựng nổi tổn thất lớn đến như thế", hay trận Xuân Lộc do Tướng Lê Minh Đảo của Quân lực Việt Nam Cộng hòa chỉ huy, giữ cửa ngõ Sài Gòn.
Mời quý vị bấm vào link video trên đây để xem nội dung cuộc phỏng vấn ông Bùi Tín.

BLOG 09:49

Hải Long, từ Hà Nội
Sau cuộc chiến khốc liệt ở biên giới, cha tôi lặng lẽ giải ngũ, đốt hết huy chương và bằng khen, sống một cuộc sống dân sự bình thường, mặc cho những đồng đội của ông, sau khi học thêm vài ba lớp chính trị, trở thành cấp tướng, cấp tá... Ông không bao giờ muốn nhắc lại về những ký ức chiến tranh khốc liệt nữa.
Nếu ai đó hỏi cha tôi 30/04 là ngày gì? Cha tôi sẽ trả lời, đó là ngày mà ông nhận ra mình đã bị lừa dối. Ông và các đồng đội của ông là “Thế hệ bị lừa dối”.
Còn nếu ai đó hỏi ông muốn gọi 30/04 là ngày gì? Thì tôi xin phép được trả lời thay cho cha tôi, hãy gọi 30/04 là ngày phán xét.
Ngày phán xét những kẻ đã đẩy dân tộc vào cuộc chiến huyết nhục tương tàn.
Ngày phán xét những lãnh đạo miền Bắc thời điểm đó, những kẻ đã trực tiếp đẩy hàng triệu thanh niên miền Bắc lên giàn hỏa thiêu, vì một thứ lý thuyết không tưởng, mơ hồ và thiếu thực tế.
Ngày phán xét cho những kẻ tự khoác lên mình chiếc áo nhà văn, nhà thơ, cổ động người ta lao vào chỗ chết, lao vào những cuộc chém giết với lòng căm thù không giới hạn.
Cuối cùng, tôi muốn thay mặt cha tôi gửi lời xin lỗi chân thành đến những người lính ở phía bên kia.
Mong các bạn hiểu rằng, cha tôi và các đồng đội của ông và các bạn cũng đều chỉ là nạn nhân của cuộc chiến phi nhân này. Nói cho cùng thì tất cả chúng ta đều là những kẻ thua cuộc.

09:37


Giáo sư Viet Thanh Nguyen, người sang Hoa Kỳ năm 4 tuổi, viết trên trang New York Times về Cuộc chiến Mỹ - Việt:
"Tháng Tư Đen, lần thứ 40, là lúc để suy tưởng về các câu chuyện cuộc chiến của chúng ta.
Một số người có thể nhìn gia đình chúng tôi, những người tỵ nạn, như một bằng chứng sống về Giấc mơ Mỹ - cha mẹ tôi nay sống sung túc, anh tôi là một bác sỹ đang phụ trách ủy ban tư vấn cho Tòa Bạch Ốc, còn tôi là giáo sư, là nhà văn.
Nhưng câu chuyện về gia ̣đình chúng tôi là câu chuyện về mất mát, về cái chết, vì chúng tôi có mặt ở đây bởi Hoa Kỳ đã vào cuộc chiến làm chết ba triệu người đồng bào của chúng tôi (không kể hai triệu chết ở các nước láng giềng Lào và Campuchia).
Người Philippines cũng có mặt ở Mỹ phần nhiều vì cuộc chiến Philippine-Hoa Kỳ, giết chết trên 200.000. Nhiều người Hàn Quốc ở đây vì các diễn biến liên tiếp từ cuộc chiến giết chết trên hai triệu người.
Chúng ta có thể tranh luận về những nguyên nhân của các cuộc chiến đó, và chia ra xem phần buộc tội thuộc về những ai, nhưng sự thực là cuộc chiến bắt đầu và kết thúc cũng tại đây, với sự hậu thuẫ̉n của công dân Mỹ cho bộ máy chiến tranh, với cuộc nhập cư của những người tỵ nạn hoảng sợ chạy loạn khỏi các cuộc chiến người Mỹ chúng ta khởi sự.
Kể lại các câu chuyện khác nhau, học cách đọc chuyện gia đình đúng như các câu chuyện chiến tranh là rất cần thiết để chữa chứng bất ổn của bộ máy công nghệ quân sự của chúng ta. Vì không hề bất an bởi cách nhìn chiến tranh là địa ngục, bộ máy đó đang sống rất khoẻ nhờ chiến tranh."
Giáo sư Viet Thanh Nguyen là tác giả tiểu thuyết tiếng Anh 'The Sympathizer'.

BLOG 08:20

Độc giả Nam Phong từ Huế Mẹ tôi từng kể với tôi rằng, những người bạn Đức của bà nói rằng ''Mỹ là những người bạn tốt, cả thế giới muốn chơi với nó mà người Việt Nam mày lại đuổi nó đi.'' Bà kể cho tôi về những người Đức cộng sản và không cộng sản khi thống nhất đất nước đã ôm hôn nhau như thế nào. Bà kể về những người lính biên phòng Đông Đức đã tự sát chứ nhất định không bắn vào những người phía Đông muốn chạy sang phái Tây như thế nào.
Đó là bước ngoặt trong suy nghĩ của tôi! Mỹ mà tốt à? Tại sao người ở phía Đông lại chạy sang phía Tây chứ không phải ngược lại? Thế giới của tôi bắt đầu có nhiều màu sắc hơn, không còn chỉ có hai màu, cộng sản và phản động nữa.
Tôi bắt đầu tìm đọc những tác phẩm viết về ngày 30/04/1975. Đọc những tác phẩm bị coi là "phản động" ở Việt Nam. Các tác phẩm của Dương Thu Hương, Trần Độ, Vũ Thư Hiên, Nguyễn Gia Kiểng...
Thông tin từ những tác phẩm này đã khiến tôi mở to mắt. Ngày 30/04 làm gì còn người lính Mỹ nào ở Sài Gòn? Vậy sao còn gọi là kháng chiến chống Mỹ? Sao có thể gọi là "giải phóng"?

Và tôi khóc thương cho số phận dân tộc Việt. Khóc thương cho hàng triệu người Việt ở cả hai phía đã ngã xuống trong cuộc chiến "huynh đệ tương tàn". Khóc thương cho cả triệu người Việt vĩnh viễn nằm lại gữa biển khơi.
Và tôi khóc thương cho lòng yêu nước nhiệt tình nhưng ngây thơ của người Việt đã bị các cường quốc lợi dụng. Đất nước trở thành bãi chiến trường. Người Việt trở thành sỹ tốt xung phong. Việt Nam thành bàn cờ, nhưng người chơi là người Nga, người Trung Quốc và người Mỹ, không phải là người Việt.
Một bên chiến đấu để "giải phóng" và "nhuộm đỏ thế giới". Một bên chiến đấu để bảo vệ "thế giới tự do".
"Đại thắng mùa xuân" và "giải phóng miền Nam". Đât nước thành một đống đổ nát, hoang tàn. Trường Sơn thành một nghĩa trang khổng lồ.
Những người mẹ mất con. Khăn trắng trên đầu trẻ thơ. Và một hết thương hằn sâu trong lòng dân tộc. 40 năm rồi, bên chiến thắng vẫn ăn mừng, vẫn diễu binh, vẫn pháo hoa... Bên kia vẫn là ngày quốc hận, ngày mất nước... Vết thương dân tộc vẫn rỉ máu.
Một ngày nào đó, 30/04 trở thành ngày thống nhất, một ngày lễ cho cả dân tộc. Tổ quốc treo cờ rủ quốc tang cho những người đã ngã xuống ở cả hai phía.

BLOG 07:43

Luật sư Lê Công Định, cựu tù nhân lương tâm, hiện đang chịu quản chế tại Sài Gòn Nhiều người Việt sau 1975 còn giữ thói quen dùng từ “giải phóng” trong các cụm từ “giải phóng Sài Gòn”, “ngày giải phóng”, “trước giải phóng”, “sau giải phóng”, “quân giải phóng”, v.v…, đó cũng là cách gọi có chủ đích tuyên truyền của chế độ này sau khi Bắc Việt thôn tính toàn bộ miền Nam.
Từ trước đến nay, chính quyền cộng sản vẫn luôn lập luận rằng nước Việt Nam là một dải thống nhất từ Bắc chí Nam, tạm thời bị chia cắt tại vĩ tuyến 17 do kết quả hội nghị Geneva 1954, đồng bào miền Nam gánh chịu ách nô lệ và áp bức của “Đế quốc Mỹ xâm lược” và “ngụy quyền tay sai”; do vậy, quân dân miền Bắc có nhiệm vụ “giải phóng” miền Nam, thống nhất đất nước.
Tuy nhiên, lập luận nêu trên tự mâu thuẫn và hiển nhiên bị bác bỏ bởi các sự kiện lịch sử hiện đại mà chúng ta đều đã biết. Dưới đây là một số nhận định xung quanh cái gọi là “giải phóng” nhân dịp chính quyền đang khơi gợi quá khứ, mà chính họ luôn hô hào gác lại, bằng các buổi lễ kỷ niệm và diễu binh chướng mắt trên các đường phố Sài Gòn.
Thời trung học, tôi cũng quen dùng từ "giải phóng" một cách vô thức như bao người. Song từ lúc vào đại học, do ngán ngẩm lối giáo dục đầy dối trá, tôi bắt đầu tự tìm hiểu sự thật lịch sử để trang bị lại kiến thức cho mình và nhờ đó nhận ra sự lố bịch của hai chữ "giải phóng".
Tất nhiên, lịch sử không có chữ nếu, nhưng giá mà không có cái gọi là "giải phóng" ấy từ năm 1954, rồi 1975, hẳn đất nước không trì trệ và lạc hậu như ngày nay, mà thay vào đó người Việt ở các giai tầng xã hội khác nhau đã cùng nắm tay đưa con thuyền tổ quốc đến bến bờ mới của nền thịnh trị và xã hội thịnh vượng từ lâu.

07:35


Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đưa tin:
"Hàng loạt băng rôn, pa-nô có mặt khắp nơi được treo lên, nhiều tuyến phố được trang hoàng rực rỡ để đón chào mừng Kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong những ngày này, các địa phương trên cả nước đang nhiều hoạt động mít tinh, văn nghệ chào mừng Kỷ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015)."
Truyền thông Việt Nam cũng cho hay trong các ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 có các chương trình nghệ thuật mừng ngày 30/4/1975, và hôm 26/4 đã diễn ra lễ tổng duyệt mít tinh và diễu binh kỷ niệm ngày 'Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước' tại Thành phố Hồ Chí Minh.

07:20


Quân đội miền Nam Việt Nam gần Xuân Lộc, ngày 11/04/1975

Xuân Lộc 1975: Những ngày hoang mang. Trước đó, phóng viên BBC Don Anderson từ ngoại vi Xuân Lộc đã tường thuật về cảnh dòng người di tản bỏ chạy dọc đường Quốc lộ gần Saigon trong lúc khi lực lượng tiếp viện của quân đội miền Nam di chuyển tới mặt trận Xuân Lộc để tìm cách khai thông các tuyến đường dẫn vào thị xã đang bị vây hãm.
Chiến dịch của quân đội miền Bắc từ ngày 9/4 đánh vào Xuân Lộc thuộc tỉnh Đồng Nai, được gọi là “cánh cửa thép” trên hướng Đông Sài Gòn, là trận chiến lớn cuối cùng trước ngày Sài Gòn sụp đổ.
Mời quý vị bấm vào đường link video trên đây (có phụ đề tiếng Việt) để xem lại tường thuật đã phát trên kênh truyền hình BBC hôm 14/04/1975 của phóng viên Don Anderson.

07:04


Phóng viên BBC Michael Sullivan trước Sứ quán Mỹ ngày 30/4/1975
Cuộc chiến VN: Tường thuật của BBC 1975. Phóng viên BBC Michael Sullivan đã có mặt bên ngoài Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn và chứng kiến những nỗ lực di tản cuối cùng của người Mỹ ngày 30/4/1975. Tường thuật của ông đã được phát trên kênh truyền hình BBC ngày 1/5/1975. Mời quý vị bấm vào đường dẫn video trên đây (có phụ đề tiếng Việt) để xem lại những thước phim về hình ảnh hỗn loạn và nỗ lực leo vào trong Tòa Đại sứ Hoa Kỳ của người dân Sài Gòn trong ngày đó.

06:49


Vào ngày 30/4/1975, những người Mỹ cuối cùng rút chạy khỏi Việt Nam bằng trực thăng của thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đáp xuống mái tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn. Cuộc tháo chạy của người lính gác cuối cùng trong số 11 lính thủy quân lục chiến được yểm trợ bằng khí cay và lựu đạn khói. Người Mỹ thực ra đã chính thức rút khỏi miền nam Việt Nam trước đó hơn hai năm. Thực hiện Hiệp định Paris ký ngày 27/1/1973, quân nhân Mỹ cuối cùng đã rời đi vào ngày 29/3/1973, chấm dứt toàn bộ can thiệp quân sự trực tiếp của Hoa Kỳ tại mảnh đất này.

06:44


Blogger Phạm Việt Đào: Cuộc chiến Việt - Mỹ kết thúc cách đây 40 năm là một cuộc chiến tranh hao người tốn của lớn nhất nổ ra sau Đại chiến Thế giới II đối với cả hai dân tộc Việt Nam và Hoa Kỳ.
Hơn 58.000 quân nhân Mỹ đã chết và mất tích tại chiến trường Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc 58.000 gia đình người dân Mỹ đã gánh chịu nỗi đau mất mát trong nửa thế kỷ qua cùng với hàng trăm tỷ USD tiền thuế của dân Mỹ bị ném vào cuộc chiến và giải quyết các vấn đề hậu chiến.
Về phía Việt Nam, con số thương vong, thiệt hại lớn gấp nhiều lần nếu gộp của cả hai phía.

06:41


Diễn biến chính trong ngày 30/4/1975:
  • 5h30: Quân chủ lực của bộ đội Bắc Việt từ bốn hướng tiến vào Sài Gòn.
  • 9h30: Tổng thống Dương Văn Minh cho phát lệnh trên Đài phát thanh kêu gọi binh sĩ ngừng bắn.
  • 11h: Xe tăng đầu tiên, số 390, húc đổ cổng chính, tiến vào sân Dinh Độc lập.
  • 11h30: Lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được Đại đội trưởng xe tăng Bùi Quang Thận cắm trên nóc Dinh Độc lập.
  • Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu bị áp giải đến Đài phát thanh Sài Gòn. Ông Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trên sóng phát thanh.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/rolling_news/2015/04/150427_304_live_page_vietnamwar

Geen opmerkingen:

Een reactie posten