donderdag 16 april 2015

Tổng thống Mỹ đồng ý rút Cuba ra khỏi danh sách đen

Hoa KỳCubaQuốc tếChính trịNgoại giao

Tổng thống Mỹ đồng ý rút Cuba ra khỏi danh sách đen

mediaHình ảnh người hùng cách mạng Che Guevara trên đường phố La Habana, 11/04/2015.REUTERS/Enrique de la Osa
Hôm qua, 14/04/2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chấp thuận rút Cuba ra khỏi danh sách những quốc gia ủng hộ khủng bố. Đây là một trong những điều kiện của La Habana để hai bên có thể thiết lập quan hệ ngoại giao. Đề nghị của Tổng thống dựa trên khuyến nghị của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ có 45 ngày để cho ý kiến, nhưng theo giới quan sát, đây chỉ là thủ tục vì đa số các nghị sĩ Mỹ ủng hộ. Vả lại, nếu Quốc hội không chấp thuận thì Tổng thống Mỹ có quyền phủ quyết quyết định của Quốc hội.
Từ Washington, thông tín viên Jean Louis Pourtet tường trình :
« Trong thông cáo, Nhà Trắng tuyên bố rằng sau khi nghiên cứu, xem xét kỹ càng tình hình Cuba và những bảo đảm mà chính quyền La Habana đưa ra, Bộ Ngoại giao Mỹ kết luận là Cuba đã đáp ứng các điều kiện cho phép rút nước này ra khỏi danh sách những quốc gia ủng hộ khủng bố. Chủ tịch Cuba Raul Castro coi đây là một trong những điều kiện để thiết lập quan hệ ngoại giao với Washington.
Quốc hội lưỡng viện Mỹ có 45 ngày để xem xét, cho ý kiến đồng ý hay bác bỏ. Trong trường hợp Quốc hội bác bỏ, thì Tổng thống Barack Obama có thể dùng quyền phủ quyết để gạt bỏ quyết định của lập pháp. Tuy nhiên, ít có khả năng xẩy ra tình huống này. Đa số các nghị sĩ sẽ ủng hộ đề nghị của Tổng thống. Đương nhiên, cũng sẽ có một vài nghị sĩ phản đối, kể cả trong hàng ngũ đảng Dân Chủ. Ví dụ như Thượng nghị sĩ Robert Menendez, người gốc Cuba. Về phía đảng Cộng Hòa, người vừa ra tranh cử lựa chọn ứng viên Tổng thống trong đảng này, ông Marco Rubio, cũng là người gốc Cuba, thì cho đây là một quyết định kinh khủng vì theo ông, Cuba vẫn là một Nhà nước ủng hộ khủng bố ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20150415-tong-thong-my-dong-y-rut-cuba-ra-khoi-danh-sach-den/

Obama : "Cuba không là một mối đe dọa đối với Hoa Kỳ"

mediaRaul Castro và Barack Obama tại thượng đỉnh Châu Mỹ ở Panama - REUTERS /Jonathan Ernst
Cuộc tiếp xúc lịch sử ngày hôm qua (11/04/2015) giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và chủ tịch Cuba Raul Castro là đỉnh điểm của thượng đỉnh Châu Mỹ tại Panama. Tuy còn nhiều bất đồng, nhưng Tổng thống Obama nhấn mạnh : « chiến tranh lạnh đã thuộc về quá khứ » và Cuba không còn đe dọa an ninh của Hoa Kỳ. Về phần mình, ông Raoul Castro thận trọng cho rằng sẽ phải « kiên nhẫn » để viết nên một trang sử mới.
Theo lời một quan chức cao cấp Mỹ, cuộc tiếp xúc chính thức đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước đã diễn ra trong khoảng một giờ đồng hồ. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói đến một cuộc đối thoại « lịch sử » từ hơn 50 qua. Đặc phái viên đài RFI Anne Marie Capomaccio từ Panama tường thuật về sự kiện được coi là đỉnh điểm của tượng đỉnh Châu Mỹ, tổ chức trong hai ngày 10 và 11/04/2015 tại Panama :
« Tổng thống Barack Obama muốn nhanh chóng sang trang lịch sử. Chủ tịch Raul Castro thì cho rằng các bên sẽ cùng phải ‘kiên nhẫn’. Bên cạnh những cử chỉ xã giao, cả thế giới đã chứng kiến cuộc tiếp xúc ‘lịch sử’ giữa hai nhà lãnh đạo có rất nhiều khác biệt với nhau.
Ông Raul Castro lên cầm quyền, kế nghiệp người anh là Fidel, lãnh tụ cuộc cách mạng Cuba. Đó là một cuộc cách mạng mà từ nhiều thập niên qua vừa được nhiều người thán phục nhưng cũng không ít người căm ghét. Ông Raul Castro tại thượng đỉnh Châu Mỹ đã khen ngợi Tổng thống Hoa Kỳ, khi nhấn mạnh cá nhân ông tin chắc, Tổng thống Obama là một người ‘thật thà’.
Về phía Mỹ, có lẽ cũng phải chỉ có một vị tổng thống sinh ra sau cuộc cách mạng Cuba, như ông Barack Obama mới có thể tiến thêm một bước hết sức quan trọng như vậy về phía La Habana.
Tổng thống Mỹ tuyên bố : « Một phần thông điệp của tôi là ‘chiến tranh lạnh đã chấm dứt. Chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhiều vấn đề của thế giới và chúng ta sẽ vẫn có nhiều bất đồng với chính quyền Cuba, không chỉ về quan điểm chính trị của quốc gia này, mà còn liên quan cả đến chính sách của họ đối với người dân Cuba, hay với khu vực, nhưng chúng ta cũng có nhiều lĩnh vực mà đôi bên có thể cùng hợp tác. Và chúng ta phải hết sức rõ ràng : Cuba không phải là một mối đe dọa đối với Hoa Kỳ. 
Nội dung cụ thể buổi nói chuyện giữa nguyên thủ hai nước không được công bố. Nhưng trong những tháng tới, phái đoàn của hai nước sẽ ráo riết thảo luận thêm để đạt được kết quả cụ thể trên hai điểm quan trọng. Một là việc nối lại quan hệ ngoại giao và hai là rút tên Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia hỗ trợ khủng bố ».
Nhưng vẫn còn nhiều bất đồng
Cho dù đánh giá cuộc nói chuyện với lãnh đạo Cuba là một sự kiện lịch sử, nhưng Tổng thống Barack Obama cũng lưu ý là đôi bên còn nhiều bất đồng. Chủ nhân Nhà Trắng đặc biệt quan ngại về nhân quyền và tự do ngôn luận tại La Habana.
Về phần mình, Raul Castro, em trai của lãnh đạo cuộc Cách mạng Cuba không quên đề cập tới chính sách cấm vận của « đế quốc Mỹ » từ 50 năm qua liên tục nhắm vào Cuba.
Châu Mỹ La Tinh nhìn chung tán đồng việc Washington và La Habana sưởi ấm quan hệ. Đối với Tổng thống Panama, nước chủ nhà, thì cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo hai nước cựu thù là một thắng lợi ngoại giao hết sức ngoạn mục.

Bình thường hóa bang giao Mỹ-Cuba : Con đường còn dài

mediaTổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay Chủ tịch Raoul Castro tại thượng đỉnh Châu Mỹ, Panama ngày 10/04/2015.REUTERS
Kể từ khi đưa ra thông báo lịch sử về việc xích gần lại Cuba, Hoa Kỳ đã bãi bỏ nhiều hạn chế đối với đảo quốc này, thế nhưng hiện vẫn còn rất nhiều bất đồng ngăn cản hai kẻ thù của thời chiến tranh lạnh đi đến bình thường hóa hoàn toàn bang giao.
Khi gặp nhau hôm nay (11/04/2015) bên lề cuộc họp thượng đỉnh tại Panama, Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Raoul Castro không biết có đủ thời giờ để giải tỏa hết những trở ngại hiện đang ngăn cản việc mở lại các đại sứ quán ở hai nước, mà Washington hy vọng sẽ diễn ra trong tháng 4 năm 2015.
Hiện giờ, quan hệ giữa hai nước đã đạt được một số tiến bộ. Tổng thống Obama đã giảm nhẹ những hạn chế về du lịch đến Cuba, cũng như về việc chuyển tiền của người Cuba lưu vong về nước. Ông Obama cũng đã cho phép công dân Hoa Kỳ được sử dụng thẻ tín dụng khi du lịch ở Cuba, và được mua về 100 đôla thuốc lá hay rượu Cuba.
Những trao đổi thương mại trong các lĩnh vực chủ chốt như viễn thông cũng đã được Washington mở rộng. Tháng 2/2015, một thỏa thuận đã được ký kết về việc tái lập liên lạc điện thoại trực tiếp giữa hai nước. Đến cuối tháng 3, Bộ Tài chính Mỹ cũng đã bãi bỏ các biện pháp trừng phạt đối với khoảng 60 công ty và cá nhân làm ăn buôn bán với Cuba. Các doanh nghiệp Mỹ kể từ nay cũng được phép đầu tư vào khu vực tư nhân ở Cuba.
Về việc tái lập bang giao, phái đoàn hai nước đã có hai cuộc họp vào tháng Giêng ở La Habana và tháng 2 ở Washington. Cuba đã đặt điều kiện tiên quyết là Hoa kỳ phải rút nước này ra khỏi danh sách các quốc gia yểm trợ khủng bố. Bộ Ngoại giao Mỹ đã tiến hành các thủ tục để giải tỏa bế tắc này. Vào cuối tháng 3, hai bên cũng đã có các cuộc thảo luận sơ bộ về vấn đề nhân quyền.
Nhưng yêu sách chủ yếu của Cuba vẫn là Washington phải bãi bỏ lệnh cấm vận vẫn còn đè nặng lên nền kinh tế đất nước. Tổng thống Obama đã yêu cầu Quốc hội tiến hành bãi bỏ cấm vận Cuba, nhưng ông đang gặp phải sự chống đối mạnh mẽ từ các nghị sĩ của cả hai phe Cộng hòa và Dân chủ.
Ngoài yêu cầu bãi bỏ cấm vận, chủ tịch Raoul Castro còn đòi Hoa Kỳ phải trao trả lại Cuba phần lãnh thổ « chiếm đóng trái phép » để xây căn cứ Guantanamo. Mặc dù dự trù sẽ đóng cửa trại tù Guantanamo, Washington dứt khoát không muốn trả lại La Habana phần lãnh thổ mà họ đã chiếm đóng từ năm 1903.
Đáp lại các yêu sách về tài chính của phía Cuba, Hoa Kỳ đòi chính quyền La Habana trả lại các tài sản của công dân Mỹ bị tịch biên sau cuộc cách mạng của Fidel Castro, được ước lượng lên tới 7 tỷ đôla, tính luôn cả tiền lãi.
Đó là chưa kể một số vấn đề khác chờ được giải quyết trong quan hệ giữa hai nước, như việc Cuba vẫn đòi Hoa Kỳ ngưng phát các chương trình phát thanh của cộng đồng Cuba lưu vong, được thực hiện với tiền tài trợ của chính phủ Mỹ.
Về phần Washington thì đòi La Habana phải nhận về những người Cuba có tiền án tiền sự chạy sang Mỹ tỵ nạn. Theo phía Hoa Kỳ, trên tổng số khoảng 25.000 người trong diện này, chính quyền La Habana chỉ mới nhận về có 6 người.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20150411-bang-giao-my-cuba/

Fidel Castro, người vắng bóng trong tiến trình hòa giải Mỹ - Cuba

mediaCựu lãnh đạo Cuba Fidel Castro tiếp người đứng đầu một hội văn nghệ thân chính quyền, La Habana, 08/01/2014.©Reuters.
Là nhân vật trung tâm của chế độ cộng sản Cuba, người hùng chống đế quốc Mỹ trong nhiều thập kỷ, cựu Chủ tịch Fidel Castro, rút lui khỏi quyền lực vì lý do sức khỏe, là người hoàn toàn vắng bóng trong quá trình xích lại gần nhau giữa Cuba và Hoa Kỳ.
Từ khi cú sốc này được loan báo hôm thứ Tư, mở ra một kỷ nguyên mới giữa hai quốc gia mà bờ biển chỉ cách nhau có 150 km, vị « Comandante » (Chỉ huy trưởng) hoàn toàn vắng bóng trên các phương tiện truyền thông Cuba.
Chính Fidel năm 2001 đã hứa hẹn với nhân dân là sẽ đạt được bằng mọi giá việc trả tự do cho các điệp viên Cuba, bị tư pháp Mỹ trừng phạt nặng nề vì tội làm gián điệp. Thế nhưng người em Raul Castro mới là người ôm hôn các « anh hùng của đất nước » được quay trở về La Habana trong khuôn khổ trao đổi tù nhân, diễn ra đồng thời với tuyên bố bình thường hóa quan hệ giữa Cuba và Hoa Kỳ.
Việc phóng thích này cùng với sự hòa giải với Mỹ quốc « cũng là chiến thắng của Fidel, nhưng tôi cho rằng, đáng tiếc là tình trạng sức khỏe không cho phép ông ta xuất hiện » - một nhà ngoại giao phương Tây nhận định.
Về phía Gabriel Molina, khuôn mặt kỳ cựu của báo chí Nhà nước Cuba và là cựu chủ nhiệm nhật báo lớn Granma khẳng định: « Fidel không thể ra mặt, nhưng đây là thành tựu của nỗ lực ngoại giao trong đó ông ấy có nhúng tay vào, chắc chắn là như thế ».
Sau nửa thế kỷ nắm quyền hành tuyệt đối, Lider Maximo (Lãnh tụ tối cao) đã nhường chức Chủ tịch cho người em hôm 31/07/2006, sau khi trải qua một cuộc giải phẫu lớn. Ban đầu chỉ là tạm thời, quyết định này đã trở thành chính thức vào tháng 2/2008.
Năm nay đã 88 tuổi, tình trạng sức khỏe của Fidel luôn là một câu hỏi lớn, trong khi các lần xuất hiện và các « suy ngẫm » của ông trên báo chí Cuba ngày càng hiếm hoi. Lần cuối cùng Fidel xuất hiện trước công chúng là vào tháng 1/2014, nhân dịp khai trương một phòng triển lãm tranh ở phía tây La Habana. Đến tháng Bảy, ông tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại tư gia, nhưng không có quay phim, chụp hình. Chỉ có một vài pô ảnh ghi lại những khoảnh khắc đàm đạo này.
« Fidel không thể thay thế »
Từ đó đến nay, Fidel Castro chỉ lên tiếng có hai lần vào tháng 10, với các bài viết đăng trên báo chí nhà nước Cuba, biểu hiện một sự thay đổi quan điểm từ phía La Habana. Một bài ca ngợi « sự hết sức khôn ngoan » của một cây bút xã luận tờ New York Times, trong một bài viết kêu gọi Mỹ bỏ cấm vận. Bài thứ hai đề nghị hợp tác với Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống virus Ebola.
Theo một viên chức Mỹ, Fidel Castro không tham gia các cuộc thương thảo được tiến hành vô cùng bí mật từ tháng 6/2013 dưới sự bảo trợ của Canada, và sự ủng hộ mang tính quyết định của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Nhưng đa số các nhà quan sát ở Cuba cho rằng việc xích lại gần người láng giềng bị phỉ nhổ trước đây đã được Fidel tán thành, vì Raul không bao giờ muốn qua mặt người anh nổi tiếng. Khi lên nối ngôi năm 2006, Raul đã khẳng định : « Fidel là người không thể thay thế được. Tất cả những quyết định quan trọng đều sẽ tham khảo ý kiến của ông ».
Hôm thứ Tư, Raul đã nhiều lần nêu tên Fidel, nhắc lại lời hứa năm 2001 và nhấn mạnh rằng mặc cho tiến trình hòa giải, Cuba không hề nhượng bộ trong những vấn đề chủ chốt… như Fidel Castro đã tuyên bố trước đây.
Dù vậy, nhiều chuyên gia và nhà ngoại giao tại La Habana đều cho rằng việc xích lại gần với Mỹ không thể có được nếu Fidel Castro còn lãnh đạo.
Là khuôn mặt của cuộc chiến tranh lạnh, ông đã thách thức được 11 đời Tổng thống Mỹ khác nhau, thoát chết qua rất nhiều âm mưu ám sát, cũng như vụ đổ bộ thất bại lên Vịnh Con Heo do những người tị nạn Cuba tiến hành với sự hỗ trợ của CIA tháng 4/1961.
Những lời lẽ đả kích chủ nghĩa đế quốc Mỹ vẫn còn được tất cả mọi người ghi nhớ, và Lider Maximo ngay cả trước khi chinh phục được quyền lực năm 1959 còn thổ lộ rằng cuộc chiến chống Mỹ là « định mệnh » thực sự của mình.
Nhà ngoại giao phương Tây trên đây nhận định : « Fidel tuyệt đối chống Mỹ, trong khi Raul có tầm nhìn thực dụng hơn, đặt lên hàng đầu những gì có lợi nhất cho đất nước ». Trên thực tế, với những cải cách của mình, với các tuyên bố hòa dịu và chính sách ngoại giao, Raul đã chuẩn bị cái nền cho mối quan hệ mới với người láng giềng khổng lồ, có thể mang lại các tác động có lợi cho người dân Cuba.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20141222-fidel-castro-nguoi-vang-bong-trong-tien-trinh-hoa-giai-my-cuba/

Fidel Castro : Hoàng đế Cuba đội lốt cách mạng ?

mediaLãnh đạo Cuba Fidel Castro (Wikipedia)
Tình hình bất trắc tại Ukraina, đảo chính tại Thái Lan, những ẩn số của cuộc bầu cử nghị viện Châu Âu. Đó là những đề tài chung của báo chí Pháp cuối tuần. Trong khi đó, L’Express giới thiệu trích đoạn quyển sách “bộ mặt thật của lãnh đạo Cuba Fidel Castro” do một sĩ quan cận vệ tiết lộ.
Quyển sách "La Vie cachée de Fidel Castro", mà sĩ quan cận vệ Juan Reinaldo Sanchez suốt 17 năm theo chân nhà cách mạng Cuba và một đầu bếp tiết lộ chắc chắn sẽ là một quả bom tại Cuba, do có nội dung vạch trần bộ mặt thật của ông Fidel Castro. Tuần báo L’Express trích ra nhiều tình tiết :
"Cả cuộc đời, Fidel Castro khẳng định ông không có tài sản, chỉ có một chiếc lều câu cá. Thực tế, căn lều của lãnh đạo Cuba là một hệ thống biệt thự sang trong, huy động những phương tiện hậu cần khổng lồ, chiếm trọn hải đảo Cayo Piedra mà giới lãnh đạo xã hội chủ nghĩa thường sang thăm Cuba ít ai biết.
Cayo Piedra thực ra là hai đảo nằm gần nhau và để đi lại dễ dàng Fidel Castro cho xây một chiếc cầu dài 215 mét nối hai đảo nam và bắc. Để cho ba chiếc du thuyền của gia đình ông cập bãi cát mịn, nhà cách mạng đã cho đào một con kênh dài một cây số. Trừ văn hào Gabriel Garcia Marquez, người bạn thân thiết nhất được mời đến chơi không biết bao nhiêu lần, Fidel Castro che giấu rất kỹ, hiếm khi nào mời khách quen lạ. Khách mời chỉ được lưu trú trong một căn nhà ở phía bắc với một hồ bơi 25 mét.
Ở phía nam, có một nhà hàng nổi, nơi gia đình Fidel Castro thường hay dùng cơm. Viên cựu sĩ quan cận vệ cho biết trong 17 năm hầu cận Fidel Castro, ông có gặp một số lãnh đạo chính trị như Tổng bí thư cộng sản Đông Đức Erich Honecker, chủ nhân đài CNN Ted Turner, vua gà của Pháp Gerard Bouroin khi ông này qua Cuba tìm thị trường. Tuyệt nhiên không bao giờ thấy Raul Castro.
Dân chúng Cuba ăn uống kham khổ còn Chủ tịch nước ăn uống ra sao ? Ở La Habana, một bà gia nhân giám sát hai đầu bếp … bửa ăn của nhà cách mạng được một ông quản gia chuyên nghiệp phục vụ tận bàn như trong nhà hàng. Mỗi chiều, Dalia, vợ của « Phi-đen » soạn ba thực đơn : ăn sáng, ăn trưa và ăn tối cho ngày hôm sau nhưng không phải chung cho gia đình mà là cho từng « cá nhân một, với sở thích, thói quen, và yêu cầu riêng ».
Buổi sáng, chủ tịch thức giấc lúc 11 giờ để ăn sáng, hiếm khi nào dậy trước 10 giờ và bắt đầu ngày làm việc vào khoảng 12 giờ trưa. Khi ông dùng sữa, thì sữa do bò nuôi trong nông trại gia đình cung cấp và mỗi thành viên gia đình có một con bò riêng. Sữa đưa lên bàn ăn đựng trong chai có số riêng. Chai sữa bò của Fidel Castro mang số 5. Gia trưởng Cuba có vị giác tinh tế phân biệt được mùi vị nếu sữa không xuất phát từ con bò cái của ông.
Về an ninh, luôn luôn có 15 vệ sĩ túc trực bên mình. Hầu hết được tuyển chọn theo khả năng tác xạ và cận chiến. Đặc biệt là trong số vệ sĩ có một người có diện mạo rất giống chủ tịch tên Silvino Alvarez. Dáng thấp hơn nhưng nếu ngồi trong xe thì không thể phân biệt được, ai giả ai thật. Năm 1992, khi lãnh đạo Cuba lâm bệnh nặng, nằm liệt giường, ông “Phi-đen” giả được cho lên xe chủ tịch chạy vòng vòng đường phố, cố ý qua những nơi đông người như đại lộ Prado dọc bãi biển và khu có sứ quán Anh, Pháp. Ngang qua đám đông, chủ tịch giả cũng đưa tay chào như chủ tịch thật, để qua mắt dân chúng.
Castro giống nhà độc tài Mussolini
Sự kiện Fidel Castro sống một hoàng đế cũng được một người bạn cũ của ông xác nhận và thuật lại trong bài phỏng vấn trên tuần báo l’Express : sử gia Elisabeth Burgos, mang hai dòng máu Pháp và Venezuela, một chuyên gia chế độ cộng sản Cuba, hoạt động sát cánh với Fidel Castro từ thời đầu cách mạng chống nhà độc tài Batista trước khi bỏ đi.
Theo sử gia Elisabeth Burgos, Fidel Castro là một nhân vật tài ba, có sức thu hút, có khả năng phân tích và tổng hợp rất cao và lúc nào cũng thủ sẵn 4,5 giải pháp. Nếu Che Guevara là một nhà cách mạng sắt máu, giết người không gớm tay thì Fidel Castro là một người nhiều mưu mô thủ đoạn, thích thao túng hơn là ra tay hạ sát.
Một khác biệt nữa là Che Guevara là một lý thuyết gia, viết nhiều, Fidel Castro ngược lại có đầu óc thực dụng, không bao giờ viết nhưng tài hùng biện thì khỏi chê. Cho đến nay, vẫn còn nhiều nhà lãnh đạo châu Mỹ La tinh và nhiều nước kém phát triển khác thường lui tới Cuba để nghe ông cố vấn và chia sẻ kinh nghiệm quý báu.
Chìa khóa để bền vững là xây dựng mạng lưới nhân sự hậu thuẫn bằng ý thức hệ. Giới trẻ châu Mỹ La tinh được mời sang Cuba học tập, thụ huấn chính trị và quân sự. Sau một thời gian họ trở về nước hoạt động trong công đoàn, trong đoàn thể sinh viên, đảng phái…. Từng đợt này đến đợt kia, ngày nay khắp châu Mỹ la tinh, nơi nào cũng có cán bộ của La Habana.
Nhưng vì sao sử gia Elisabeth Burgos lại bỏ chế độ Castro? Bà cho biết đã sinh ra và lớn lên trong chế độ quân phiệt ở Veneezuela nên khi sang Cuba bà “linh cảm” được ngay điều bất ổn. Đến năm 1971, thì bà và nhiều trí thức Tây phương không thế chấp nhận được vụ oan án Heberto Padilla. Nhà thơ nổi tiếng bị Fidel Castro xử tội vì dám chỉ trích chế độ.
Trong số những nhà trí thức Tây phương tỉnh ngộ sớm nhất là nhà văn Ý Alberto Moravia. Sử gia Elisabeth Burgos kể lại vào ngày đầu năm 1966, khi đứng nghe thông điệp của chủ tịch Cuba tại quảng trường Cách Mạng, Alberto Moravia mặt không đổi sắc, nói nhỏ vào tai của bà: “Phi-đen” làm tôi nhớ Mussolini.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20140524-bo-mat-that-cua-fidel-castro-nha-cach-mang-hay-hoang-de-cuba/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten