donderdag 30 april 2015

Nick Út chia sẻ về bức ảnh Em bé Napalm : 'Ảnh báo chí phải cho thấy lương tâm người chụp'

Thứ năm, 30/4/2015 | 07:46 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ năm, 30/4/2015 | 07:46 GMT+7

Nick Út chia sẻ về bức ảnh Em bé Napalm

Nick Út tự hào vì bức ảnh Em bé Napalm của ông lột tả được bộ mặt chiến tranh, thỏa một phần tâm nguyện của anh trai, phóng viên chiến trường Việt Nam thiệt mạng khi tác nghiệp .
nick-1-8641-1430304317.jpg
Bức ảnh Em bé Napalm của Nick Út khiến chính phủ Mỹ phải thay đổi chính sách trong chiến tranh Việt Nam. Ảnh: People
Nick Út chia sẻ với VnExpress về thời gian tác nghiệp trong chiến tranh Việt Nam và bức ảnh đoạt giải Pulitzer, Em bé Napalm khi ông trở lại Việt Nam tham dự lễ kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước.
- Điều gì đã đưa ông trở thành phóng viên ảnh trong chiến tranh Việt Nam?
- Từ trước năm 1963, khi mới mười mấy tuổi, tôi thường xuyên đi theo anh trai là Huỳnh Thanh Mỹ, phóng viên ảnh của hãng AP để xem anh chụp lại những diễn biến ở Sài Gòn. Tôi cũng theo anh vào dinh Độc Lập khi xảy ra cuộc đảo chính lật đổ chính quyền tổng thống Ngô Đình Diệm. Anh Mỹ thấy tôi hứng thú với việc chụp ảnh thì cũng hướng dẫn nhiều, anh nói có thể Việt Nam sẽ cần nhiều phóng viên ảnh hơn nữa để đưa tin về chiến tranh, không thể ngày nào cũng chứng kiến nhiều người chết như vậy.
Không ngờ anh Mỹ lại tử trận khi đến địa bàn Cần Thơ năm 1965. Sau đó tôi xin vào làm ở chính hãng AP, họ đuổi về, nói rằng còn nhỏ quá, về lo mà học. Tôi xin lại một lần nữa thì đầu năm 1966 họ đồng ý nhận. Ban đầu tôi học việc trong phòng tối rửa phim, dần dần chụp các bức ảnh trên đường phố Sài Gòn. Một tháng sau thì tôi đi chụp ảnh chiến trường, lúc đó mới 16 tuổi, tôi đi khắp nơi, từ chiến dịch Mậu Thân năm 1968 đến Huế, Đà Nẵng và các tỉnh đổng bằng sông Cửu Long.
- Cảm nhận của ông về những ngày tháng ở chiến trường khi đó?
- Ngày nào tôi cũng có thể chết, có những lúc bỗng dưng thấy tóc mình cháy xém vì đạn sượt qua, hoặc đột nhiên thấy máu chảy ra từ dưới cánh tay, từ bụng mới biết mình bị trúng đạn. Năm 1972, một tháng sau khi chụp tấm ảnh Em bé Napal ở Trảng Bàng, tôi quay lại để tìm lại gia đình cô bé Kim Phúc, một quả đạn pháo nổ ngay phía trước, tôi nhìn xuống thấy quần áo và máy ảnh xộc xệch, máu tràn ra từ đùi bên phải, một người lính Việt Nam Cộng hòa thấy vậy túm lấy tôi, kéo vào trạm y tế, vừa vào thì một quả đạn pháo khác nổ tiếp, nếu chậm hai phút thì tôi đã chết. Tôi được đưa về sân bay Tân Sơn Nhất điều trị và may mắn không bị cưa mất chân.
nic-2-6997-1430304317.jpg
Ông Nick Út tại TP HCM. Ảnh: Việt Anh
- Ông đã chụp bức hình Em bé Napalm trong hoàn cảnh như thế nào?
- Tôi suýt thì không có bức ảnh đó vì tự nhủ chụp nốt mấy tấm rồi về. Đầu tháng 8/1972, có giao tranh dữ dội ở Trảng Bàng, Tây Ninh. Khi nghe bạn bè nói có chiến sự kéo dài mấy ngày, sáng hôm đó tôi đến sớm, thấy người dân kéo nhau, dắt theo con cái, trâu bò chạy ra khỏi nơi giao tranh, số lượng lên đến hàng nghìn người. Sau khi đi theo lính Việt Nam Cộng hòa vào khu rừng gần đó, tôi ra quốc lộ 1 để định về, thì nghe tiếng hai chiếc phi cơ lao tới. Tôi thấy một máy bay thả quả bom làm cả thị xã rung lên, chỉ 2 phút sau chiếc còn lại nhào xuống, thả 4 quả bom Napalm. Khi ấy tôi nghĩ không còn ai trong thị xã nữa, đột nhiên sau làn khói đen có đám trẻ con chạy túa ra, Kim Phúc là một trong số đó, cô bé bị cháy hết quần áo, mảng da trên tay cháy tuột xuống, cô la hét "Nóng quá, giúp tôi". Tôi chớp lấy khoảnh khắc đó rồi chạy tới tưới hai chai nước lên lưng Kim Phúc. 
Tôi nghĩ nếu mình không giúp cô bé đó sẽ chết. Khi chở cô đến bệnh viện gần đó, y tá từ chối nhận do họ không có đủ thuốc và phương tiện. Đột nhiên tôi nhớ ra mình có thẻ nhà báo, bèn rút ra và nói nếu họ không chữa thì ngày mai những hình ảnh này sẽ tràn ngập trên các báo. Thực sự tôi nghĩ Kim Phúc sẽ không qua khỏi trong bệnh viện, nhưng cô bé rất may mắn. Hiện chúng tôi có mối quan hệ rất thân thiết, Kim Phúc mỗi khi gặp đều gọi tôi là ba xưng con.
- Ông có bất ngờ vì bức ảnh Em bé Napalm trở thành một hiện tượng?
- Thú thực lúc đó tôi còn quá trẻ, chụp ảnh về thì để cho AP duyệt đăng. Một số người cũng tranh luận về bức ảnh vì cô bé Kim Phúc khi đó bị cháy hết quần áo, dang hai tay chạy ra. Có người còn tính đến phương án chỉnh sửa, che bớt đi. Nhưng may mắn là trưởng đại diện AP tại Sài Gòn khi đó là Horst Fass quyết định chọn dùng bức ảnh trọn vẹn và không can thiệp gì. Một năm sau, khi nghe tin bức ảnh giành được giải thưởng Pulitzer, tôi còn không biết giải thưởng đó là gì. Tôi cảm thấy rất vinh dự vì bức ảnh đó lột tả được bộ mặt chiến tranh ở Việt Nam. Bức ảnh đó cũng là một phần tâm nguyện của anh trai Huỳnh Thanh Mỹ của tôi, làm sao góp phần chấm dứt chiến tranh.
- Ông ở đâu khi quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975?
- Trước đó tôi đã bay đến Manila, Philippines cùng rất nhiều người Việt khi nghe tin quân Giải phóng tiến nhiều mũi vào Sài Gòn, từ Đà Lạt, Kon Tum, Ban Mê Thuột, Long An, Mỹ Tho. Tôi muốn ở lại để chụp lại những bức hình cuối cùng của cuộc chiến nhưng trưởng đại diện AP giục đi vì họ lo nguy hiểm. Đặt chân đến Manila tôi mới nghe tin Sài Gòn thất thủ. Cảm giác rất là tiếc nuối vì mình vắng mặt vào thời điểm quan trọng đó.
- Lần đầu trở lại Việt Nam của ông và cảm giác khi đó như thế nào?
-Trong lần đầu tiên trở lại Việt Nam sau chiến tranh vào năm 1989, khi hãng AP cử tôi tham gia dự án tìm kiếm các lính Mỹ mất tích trong chiến tranh, ngồi trên máy bay nhìn xuống tôi thấy nhiều người đội mũ cối đứng ở sân bay, cảm giác rất lo lắng, không biết có chuyện gì xảy ra với mình không. Nhưng khi bước xuống thì ai cũng nhận ra tôi nên cảm giác đó nhanh chóng biến mất. Sau đó tôi đến Hà Nội lần đầu, đi Lạng Sơn, Đông Hà. Năm 2000 tôi trở lại để mở văn phòng AP tại Hà Nội, các bức ảnh đầu tiên là chụp những người thợ cắt tóc, giá khi đó rất rẻ, có 25 cent mỗi lần.
- Việt Nam - Mỹ năm nay kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Hai nước hiện có mối quan hệ đối tác chiến lược. Là một người Việt ở Mỹ, ông mong mỏi điều gì nhất ở mối quan hệ hai nước? 
Ở Mỹ, tôi thường xuyên mua đồ Made in Vietnam, tôi mong hàng hóa của Việt Nam có mặt ở khắp nơi trên nước Mỹ. Hiện nay hàng tiêu dùng phổ biến ở Mỹ là của Trung Quốc. 
Người của thế hệ chiến tranh tại Mỹ đã mất gần hết rồi vì lớn tuổi, thế hệ trẻ hơn thì không biết về chiến tranh. Bây giờ thì hận thù gì nữa, người Việt ở nước ngoài luôn có tinh thần hướng về đất nước, có lúc Trung Quốc có những hành động khiêu khích ở Hoàng Sa - Trường Sa, bà con đã biểu tình phản đối rất đông.
Tôi có nhiều bạn bè trở về Việt Nam đầu tư. Họ về rất nhiều vì còn người thân và họ hàng ở đây. Người dân Mỹ ủng hộ việc Việt Nam rà phá bom mìn  và giải quyết các hậu quả chiến tranh khác, ủng hộ chính phủ của họ thắt chặt quan hệ với Việt Nam.
Phóng viên ảnh Nick Út tên thật là Huỳnh Công Út, sinh năm 1951 tại Long An. Năm 1973 ông giành được giải thưởng danh giá Pulitzer nhờ bức ảnh Em bé Napalm. Bức ảnh chụp cô bé Kim Phúc, 9 tuổi, gào thét chạy ra quốc lộ, quần áo và da thịt bị cháy sau trận dội bom napalm của quân đội Mỹ, đã làm chấn động thế giới.
Nick Út đã nhập quốc tịch Mỹ và đang làm phóng viên của hãng AP tại Los Angeles, Mỹ, theo dõi tất cả loại tin tức từ động đất, cháy rừng cho đến thể thao, ngôi sao điện ảnh. Tháng 6 tới ông dự kiến trở lại Việt Nam do hãng AP sẽ có một triển lãm ảnh về Việt Nam tại Hà Nội và TP HCM.
Việt Anh


http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/nick-ut-chia-se-ve-buc-anh-em-be-napalm-3207592.html

Thứ bảy, 7/4/2012 | 09:14 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ bảy, 7/4/2012 | 09:14 GMT+7

Tác giả của 'Em bé napal' qua góc máy đồng nghiệp

Nhân dịp Nick Út về nước cùng đoàn phim của hãng ABC News, AP, nhiều bạn bè, đồng nghiệp đã theo chân ông để thực hiện nhiều hình ảnh về phóng viên ảnh nổi tiếng. Trong hình, Nick Út trên xe cùng đoàn thực hiện phim tài liệu.
Nick Út trên xe cùng đoàn thực hiện phim tài liệu. Ông đang chỉ cho phóng viên nước ngoài xem lại bức ảnh lịch sử "Em bé Napalm". Ngày 8/6/1972, ở tuổi 19, nhiếp ảnh gia này ghi lại được khoảnh khắc lịch sử của cô bé Phan Thị Kim Phúc. Tác phẩm đã mang về cho Huỳnh Công Út giải Pulitzer và World Press Photos cùng nhiều giải thưởng khác.
Nick Út gặp gỡ trò chuyện với chị gái của Phan Kim Phúc ngày nào. Ký ức và nỗi đau của chiến tranh vẫn còn in đậm trong tâm trí của mọi người dân nơi đây.
Nick Út gặp gỡ trò chuyện với chị Hiền - chị gái của Phan Thị Kim Phúc ngày nào. Ký ức và nỗi đau của chiến tranh vẫn còn in đậm trong tâm trí của mọi người dân nơi đây.
Bên cạnh việc thực hiện 2 bộ phim tài liệu, Nick Út còn cùng các bạn đồng nghiệp đến thăm làng Hòa Bình dành cho trẻ em nhiễm chất độc da cam tại bệnh viện Từ Dũ, TP HCM.
Bên cạnh việc thực hiện 2 bộ phim tài liệu, Nick Út còn cùng các bạn đồng nghiệp đến thăm làng Hòa Bình dành cho trẻ em nhiễm chất độc da cam tại bệnh viện Từ Dũ, TP HCM.
phong-vien-nick-ut-6to-659414-1368794043
Nick Ut và cựu phóng viên báo Quân đội nhân dân Đoàn Công Tính (phải) đến thăm và tặng quà cho trẻ em tại làng hòa Bình 2, TP HCM.
Nick Út hội ngộ với nhiếp ảnh gia Đào Hoa Nữ ở Sài Gòn. Ông cũng có buổi nói chuyện với các học viên tại trung tâm Nhiếp ảnh sáng tạo của Đào Hoa Nữ.
Ông hội ngộ với nhiếp ảnh gia Đào Hoa Nữ ở TP HCM. Ông cũng có buổi nói chuyện với sinh viên và các học viên thuộc trung tâm Nhiếp ảnh sáng tạo tại Vàm Sát, Cần Giờ, đây cũng là nơi ông có rất nhiều kỷ niệm. Ngày 7/4, ông bay ra Hà Nội và tiếp tục có cuộc trao đổi về nhiếp ảnh với các bạn trẻ thủ đô.
Nick Út thăm một trường phổ thông ở tỉnh Long An, quê hương ông. Nhân dịp về nước làm phim tài liệu, ông đã xin nghỉ thêm ngày phép để thăm lại quê hương, đi rong ruổi khắp nơi chụp sinh hoạt, con người và những phong cảnh thanh bình của Việt Nam.
Ông về thăm trường phổ thông Huỳnh Ngọc ở tỉnh Long An, quê hương ông.
Phóng viên ảnh từng đoạt giải Putlizer tại một ngôi chùa ở Long An.
Về thăm lại ngôi chùa gắn bó với tuổi thơ, Nick Út rất vui và xúc động khi gặp lại những người quen từ thuở nhỏ.
"Càng có tuổi, tôi lại càng muốn về thăm quê. Với tôi, mỗi chuyến về Việt Nam không lúc nào là đủ. Tôi muốn chụp thật nhiều cảnh vật, con người đất nước trong thời hòa bình để góp phần giới thiệu hình ảnh Việt Nam với bạn bè thế giới", ông nói.
"Càng có tuổi, tôi lại càng muốn về thăm quê. Với tôi, mỗi chuyến về Việt Nam không lúc nào là đủ. Tôi muốn chụp thật nhiều cảnh vật, con người đất nước trong thời hòa bình để góp phần giới thiệu hình ảnh Việt Nam với bạn bè thế giới", ông nói.
Nick Út chụp ảnh tại Nhà Lớn, Long Sơn ở Vũng Tàu.
Nick Út chụp ảnh tại Nhà lớn Long Sơn ở Vũng Tàu.
- Phóng viên việt nam giờ giàu quá đi ... họ xài máy tốt hơn cả máy của mỹ nữa...Canon Mark II, III, Leica M9, không phải phóng viên Mỹ nào cũng được trang bị như thế... những dòng máy mới nhất... Nikon D4, D800 họ đều mua hết... từng gặp một phóng viên ở Hà Nội một máy Leica 3 ống kính đã trị giá sơ sơ trên người đến 30.000 USD rồi còn rất trẻ
"Với tôi, mỗi chuyến về Việt Nam không lúc nào là đủ cả", Nick Út bày tỏ.
Ảnh: Vũ Bích Hồng, Nguyễn Hữu Tuấn Anh, Minh Phú

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/nick-ut-anh-bao-chi-phai-cho-thay-luong-tam-nguoi-chup-2227505-p2.html

Thứ bảy, 7/4/2012 | 09:14 GMT+7

Nick Út: 'Ảnh báo chí phải cho thấy lương tâm người chụp'

Phóng viên ảnh nổi tiếng với bức 'Em bé napalm' vừa quay lại VN cùng đoàn phim của ABC News quay tư liệu dịp 40 năm bức ảnh ra đời. Ông chia sẻ cùng VnExpress.net những tâm tư về nghề nghiệp.
> Nhà nhiếp ảnh Nick Út và những bức ảnh huyền thoại/ Nick Ut và bức ảnh đoạt giải Pulitzer
- 40 năm sau bức ảnh " Em bé napalm", đoàn làm phim AP, ABC News quan tâm điều gì nhất khi cùng ông về lại Việt Nam thực hiện phim tư liệu?
- Đoàn phim AP có hai phóng viên, một người quay phim và một nhà báo phỏng vấn. Đoàn ABC News ngoài phóng viên còn có thêm 24 người là giáo viên và học sinh của trường phổ thông Santa Barbara (Mỹ).
Họ không chỉ muốn tôi kể lại hoàn cảnh chụp khoảnh khắc Phan Thị Kim Phúc hoảng loạn trước sức tàn phá của bom napalm, mà còn muốn ghi lại những khoảnh khắc mới, mang đậm dấu ấn hòa bình khi theo chân tôi đến Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở TP HCM, hay quay về Trảng Bàng, Tây Ninh, nơi chiến trường xưa, cũng như quay khung cảnh hòa bình hôm nay.
Bộ phim tài liệu của ABC News, mang tên "Bức ảnh cô bé bom napalm", dự kiến được phát hành trong tháng 5.
Nick Út tại Trảng Bàng, Tây Ninh, ngay đúng địa điểm mà anh đã chộp được bức ảnh huyền thoại cách nay 40 năm. "Hàng chục năm trôi qua, nhưng tôi không khỏi xúc động khi đứng ngay tại địa điểm mà ngày xưa chị em Phúc chạy trong nỗi đau đớn và sợ hãi vì bom đạn".
Nick Út tại Trảng Bàng, Tây Ninh, đúng địa điểm mà ông chụp được bức ảnh huyền thoại cách nay 40 năm. Ảnh: Nguyễn Hữu Tuấn Anh.
- Ông cảm thấy thế nào khi phải kể đi kể lại câu chuyện về bức ảnh này hàng chục năm nay?
- Đó là một câu chuyện cũ, nhưng tôi chưa bao giờ thôi cảm xúc khi nhắc lại nó. Mỗi lần kể lại, mọi thứ cứ hiển hiện ra trước mắt, khi tôi nhìn thấy Kim Phúc hoảng loạn chạy với từng mảng da đang tuột ra trên cơ thể dưới sức nóng của bom napalm. Cảm xúc vẫn nguyên vẹn.
- Nếu nói rằng Nick Út quá bị "ám ảnh" với những hào quang mà ông đạt được từ bức ảnh lịch sử này, ông thấy sao?
- Phải nói chính xác hơn là tôi bị ám ảnh bởi chiến tranh chứ không phải bởi bức ảnh nổi tiếng cùng những thành công mà mình may mắn có được từ nó.
Nhà tôi tại Mỹ ở gần sân bay Los Angeles. Nhiều khi nửa đêm có máy bay bay qua, tôi đang ngủ trên giường lại hoảng hồn bật dậy tưởng như tiếng máy bay năm xưa. Có những ký ức đã in hằn như một phản xạ, không thể nào bỏ được.
Đôi khi tôi cũng chạnh lòng khi biết có nhiều người nghĩ Nick Út cứ bám hoài vào câu chuyện cũ. Nhưng, trong nghề phóng viên chiến trường, khi đã ghi được khoảnh khắc lịch sử vào bức ảnh thì bức ảnh tự thân nó có sức sống trường tồn vì những giá trị thông tin mà nó mang trong đó. Dù câu chuyện có được nhắc đi nhắc lại nhiều lần thì vẫn giữ nguyên sức rung cảm với thế giới.
Hai phóng viên của AP đang phỏng vấn Nick Út về những ký ức khoảnh khắc ông thực hiện bức ảnh "Em bé bom napal".
Hai phóng viên của AP phỏng vấn Nick Út về khoảnh khắc ông thực hiện bức ảnh "Em bé bom napalm". Ảnh: Nguyễn Hữu Tuấn Anh.
- Bài học nào ông thường chia sẻ với những người trẻ gắn bó với nghề phóng viên ảnh?
- Tôi làm việc cho AP hơn 40 năm, nhưng chỉ cần một sai lầm nhỏ thì chắc chắn sẽ bị mất việc ngay. Vì thế, đến với nghề phóng viên ảnh, sự cẩn thận, tận tâm với nghề điều cần phải có.
Với ảnh báo chí, ảnh thời sự, tôi không bao giờ dùng photoshop. Báo Mỹ cũng không bao giờ chấp nhận phóng viên dùng ảnh photoshop. Tôi thường kể cho các bạn trẻ nghe câu chuyện nổi tiếng về một phóng viên báo Los Angeles Time tác nghiệp ở Iraq, chụp một người lính đang cầm súng. Do sau lưng anh ta dây điện chằng chịt, phóng viên đã dùng photoshop xóa dây điện đi cũng như xử lý nhiều kỹ thuật trên bức ảnh. Bức ảnh được tòa báo sử dụng, nhưng sau đó, có độc giả phát hiện phóng viên đã sửa ảnh. Thế là công sức làm việc của anh này trong bao năm bị tòa soạn hủy hết.
Một phóng viên khác làm cho Reuters, chụp được bức ảnh máy bay Israel nhào xuống bỏ bom ở Libăng. Thấy khói trên bức ảnh chưa đủ đen, anh ta đã dùng photoshop để "nhân" khói đen thêm. Khi tòa soạn phát hiện, anh ta cũng bị sa thải.
- Trong thời đại truyền thông hiện nay, theo ông, vai trò của phóng viên ảnh thế nào?
- Vai trò đó càng quan trọng trong thời hiện đại này. Một bức ảnh thời sự không được qua photoshop mà phải tuyệt đối chân thật về không gian, bối cảnh, thời gian và mô tả nhân vật. Không được dàn xếp nhân vật kiểu như bắt nhân vật hướng vào ống kính máy ảnh.
Và điều trên hết là bức ảnh phải cho thấy được lương tâm của người phóng viên ảnh. Câu chuyện về bức ảnh "Kền kền chờ đợi" và việc phóng viên chụp bức ảnh này đã tự sát luôn ám ảnh tôi.
Ngày trước, nếu tôi chỉ chụp ảnh Kim Phúc và sau đó bỏ mặc số phận cô, chắc tôi cũng tìm đến cái chết chứ không thể thanh thản như ngày hôm nay.
- Cảm xúc của ông trong lần về nước này khác với những lần trước thế nào?
- Nhân dịp ABC News mời về làm phim, tôi đã xin thêm ngày phép để về thăm gia đình, thăm quê hương. Lần này về, tôi có nhiều thời gian hơn cho anh em, bạn bè, người thân. Tôi muốn đi thật nhiều, về lại những chiến trường xưa như Đông Hà, Quảng Trị, chụp thêm thật nhiều ảnh của ngày hôm nay, về diện mạo mới, ngày càng đổi thay của đất nước. Tôi thích hình ảnh những cô gái mặc áo dài trên đường, cảnh gánh hàng hoa, cuộc sống sinh hoạt thôn quê... Tôi yêu Việt Nam. Về nước vài tuần với tôi chưa bao giờ đủ.
Nick Út chụp ảnh cùng cô Ba, người bạn lâu năm của ông ở Nhà lớn Long Sơn, Vũng Tàu.
Nick Út chụp ảnh cùng cô Ba, người bạn lâu năm của ông ở Nhà lớn Long Sơn, Vũng Tàu. Ảnh: Vũ Bích Hồng.
- Kế hoạch sắp tới của ông là gì?
- Cuối tháng 4 này tôi sẽ quay lại Mỹ. Cũng sắp vào mùa bầu cử ở Mỹ nên lại tiếp tục với công việc bận rộn của mình. Ngoài ra, tôi bắt tay vào chọn lọc lại các bức ảnh của mình để gửi về Việt Nam, bàn bạc cùng anh Đoàn Công Tính (cựu phóng viên báo Quân đội Nhân dân) để chuẩn bị cho tập sách ảnh chung của hai anh em, dự kiến mang tên "Chiến tranh và Hòa bình". Ngoài ra, tôi cũng hy vọng trong năm nay tôi và anh Tính có thể thực hiện triển lãm ảnh cùng tên trong nước. Tôi luôn xem Đoàn Công Tính như người anh không chỉ trong nghề nghiệp, nên tôi rất vui khi hai anh em làm việc cùng nhau trong dịp này.
Tháng 9 sắp tới, tôi và Kim Phúc sẽ sang Đức để nhận giải Hall of fame do hãng Leica tài trợ và làm một số triển lãm hình ảnh của tôi tại Đức.
Thoại Hà thực hiện

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/nick-ut-anh-bao-chi-phai-cho-thay-luong-tam-nguoi-chup-2227505.html


Geen opmerkingen:

Een reactie posten