maandag 27 april 2015

Người Nhật Bản đi lễ đầu năm ở Ise

Chủ nhật, 5/1/2014 | 01:09 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên Facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ | Print

Người Nhật Bản đi lễ đầu năm ở Ise

Theo truyền thống, ngày đầu năm người Nhật đến đền thờ Shinto - Thần đạo, để cầu nguyện cho một năm mới an lành.
Người Nhật Bản đón Tết tây từ năm 1873. Những truyền thống từ nghìn đời như ăn bánh gạo - mochi, rung 108 tiếng chuông hay viếng đền thờ vẫn được giữ gìn cho đến ngày nay. Tranh thủ lần đầu tiên đón Tết ở xứ Phù Tang, tôi đã đến Ise, một thành phố thuộc tỉnh Mie để hòa vào dòng người viếng hai ngôi đền thần giáo lớn nhất Nhật Bản, là Naikū và Gekū.
Ise-JPG-8464-1388723471.jpg
Lối vào đền Gekū với cổng Torii vừa được thay mới vào tháng 10/2013.
Những chuyến tàu đặc biệt đi Ise đã kín chỗ từ lâu. Tôi may mắn vẫn mua được chiếc vé quý giá từ Nagoya đi Ise trong một tiếng. Khách sạn ở Ise cũng gần như kín chỗ, người Nhật rất cẩn thận, họ đặt phòng từ vài tháng trước và trả trước tiền. 
Nằm gần trung tâm thị trấn, chỉ cách ga tàu điện khoảng 10 phút đi bộ là đền Gekū. Băng qua con đường tràn ngập những cửa hàng lưu niệm, bánh trái, lối vào đền xanh rờn bóng cây xanh. Gekū trong tiếng Nhật là ngôi đền thờ bên ngoài với tên gọi chính thức Toyouke Daijingu, nơi để thờ vị thần nông nghiệp.
Chúng tôi ghé vào khu bể nước Temizu như những người Nhật để rửa tay và súc miệng trước khi vào đền. Bên ngoài cánh cổng đền thờ Thần đạo - Torii, ai cũng kính cẩn cúi mình, những người đã viếng đền xong khi đi qua cổng cũng quay đầu chào rồi mới trở về.
Lối vào đền như dẫn vào khu rừng rậm rạp với những thân cây tuyết tùng cổ thụ có tuổi thọ lên đến vài trăm năm. Hàng cột đèn bằng gỗ vừa mới được dựng lên sáng bóng. Chúng tôi xếp hàng, bỏ 500 Yen (khoảng 100.000 đồng) vào rổ và nhận một ly rượu sake theo nghi thức truyền thống của năm mới. Rất nhiều người hào hứng thả những đồng 10 Yen (khoảng 2.000 đồng) vào chính giữa ba khối đá để cầu may mắn và sức khỏe.
Ise-2-JPG-6834-1388723472.jpg
Bể nước để mọi người rửa tay trước khi vào đền.
Trước khi đến khu đền thờ chính nằm bên trong vừa được xây dựng, du khách phải băng qua ngôi đền thờ cũ. Cây tuyết tùng lớn phải đến 3 người ôm mới xuể án ngữ ngay cổng Torri. Đền thờ cũ mái phủ đầy rêu phong in đậm dấu ấn thời gian. Theo truyền thống, cứ 20 năm người ta lại dựng lên “ngôi nhà” mới cho vị thần bên trong. 
Sát cạnh đó ngôi đền thờ mới dễ dàng nhận ra với màu nâu tươi và mùi gỗ phảng phất. Vì là nơi linh thiêng, tất cả mọi người không được chụp hình bên trong. Hàng dài người xếp hàng để đứng ngay chính diện lối vào đền. Mọi người thả những đồng tiền xu, cầu nguyện và vỗ tay hai cái rất thành khẩn.
Những ai muốn đến gần hơn với thần thánh có thể đăng ký trước và phải mặc đồ vest lịch sự. Từng nhóm 1-5 người sẽ được các vị tu sĩ cho phép bước qua cổng để vào sân trong cầu nguyện. Đó là một không gian linh thiêng. Khoảng sân trải đá trắng, chiếc cổng gỗ, lớp mái đền có hình quyển sách đang mở cùng những thanh gỗ đầu được bọc vàng khiến ngôi đền toát lên vẻ thần bí.
Sáng sớm hôm sau, để chuông thật sớm, 5h30 chúng tôi đón taxi đến viếng đền Naikū, trong tiếng Nhật có nghĩa là ngôi đền thờ bên trong hay còn được gọi là Kotai Jingū. Trời vẫn còn tối đen và cách đền 2 km, hàng dài xe bắt đầu xếp hàng nhích từng mét. Có vẻ hiểu tâm lý của các vị khách, bác tài khuyên chúng tôi nên đi bộ sẽ nhanh hơn bởi mọi người đều đang muốn đến đền sớm nhất có thể.
Thong thả hòa vào dòng người, cuối cùng chúng tôi cũng đến trước cổng Torii ngoài cùng của ngôi đền. Hàng trăm người đã đứng phía trước để chụp hình và quan trọng hơn, họ muốn đón những tia nắng đầu tiên của ngày mới.
Naikū là đền thờ nữ thần mặt trời - Amaterasu Omikami, được lập nên từ thời hoàng đế Sujin tại Yamato. Với những nghi thức không khác lắm so với tại Gekū, chúng tôi cùng lần lượt xếp hàng và đi viếng những ngôi đền thờ lớn nhỏ trong khu quần thể.
Đền Naikū cũng vừa được xây mới và nằm sát bên ngôi đền thờ cũ. Không hề có âm thanh ồn ào trò chuyện, mọi người từ tốn nhích từng bước, tôi chỉ nghe thấy tiếng vỗ tay vang lên đều đặn.
binh-minh-ise-JPG-1394-1388723472.jpg
Ánh mặt trời lên trên cổng Torii của đền Naiku.
Thả mình lang thang khắp khu đền, tôi nhìn ngắm dòng sông trong vắt nơi người Nhật tẩy mình trước khi viếng đền ngày xưa, mua một tấm bùa cho năm mới và trả lại tấm bùa cũ từ năm ngoái. Không giống như ở Việt Nam, người Nhật mua bùa mới mỗi năm và tại bất cứ ngôi đền thờ Thần đạo nào bạn cũng có thể trả lại các tấm bùa cũ với một chút tiền công quả. Sau đó, họ sẽ có một nghi lễ riêng để đốt những tấm bùa này.
Ngoài 2 ngôi đền thờ chính là Gekū và Naikū còn có 123 đền thờ Thần đạo khác trong thành phố Ise và khu vực lân cận. Không thể thăm hết được những ngôi đền ấy, tôi cũng như những người bạn đồng hành vẫn cảm thấy rất thanh thản trong ngày đầu năm.
Bình minh đã lên trước cổng Torii rực rỡ, không khí ấm áp lan tỏa không chỉ bởi ánh dương mà còn từ những tâm hồn đang hướng về đức tin.
Bài và ảnh: Hoài Nam

http://dulich.vnexpress.net/tin-tuc/cong-dong/dau-chan/nguoi-nhat-ban-di-le-dau-nam-o-ise-2932195.html

Thứ bảy, 4/1/2014 | 21:17 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên Facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ | Print

Người Nhật Bản đi lễ đầu năm ở Ise

333-JPG_1388722739.jpg
Du khách nhét tiền xu vào thân những cây tuyết tùng hàng trăm năm tuổi.
sakke-JPG_1388722781.jpg
Uống sake theo truyền thống đầu năm mới trước khi vào cầu nguyện.
cong-den-JPG_1388722818.jpg
Khu đền chính Gekū đông đảo người đến viếng đầu năm.
777-JPG_1388722866.jpg
Mái đền Gekū cũ phủ đầy rong rêu.
den-moi-JPG_1388722902.jpg
Một trong những ngôi đền thờ xung quanh đền chính Gekū cũng đã được làm mới.
ban-bua-JPG_1388723111.jpg
Quầy bán bùa tại đền với rất nhiều loại như bùa sức khỏe, may mắn, công việc, tình cảm… với giá từ 500 đến 1.000 Yen tùy loại.
tra-bua-JPG_1388723163.jpg
Nơi để mọi người trả lại tấm bùa cũ của năm ngoái trong khuôn viên đền.
mai-den-JPG_1388723258.jpg
Mái đền thờ đặc trưng hình quyển sách mở úp ngược
Bài và ảnh: Hoài Nam

Geen opmerkingen:

Een reactie posten