Nét hiền hòa của phố cổ Hội An
Nằm tĩnh lặng bên bờ sông Thu Bồn, phố cổ Hội An mang đến cảm giác yên bình cho du khách. Những ai từng đến Hội An thường mong muốn được trở lại đây lần nữa.
Từ những nét sinh hoạt thường ngày như việc đạp xe đi chợ, có thể cảm nhận rõ nhịp sống Hội An trôi qua chậm rãi.
Mái nhà màu đỏ gạch xen lẫn với tường vàng là nét cổ tiêu biểu của Hội An. Người phụ nữ đội chiếc nón lá, đạp xe mang bó hoa vừa mua về nhà.
Ở phố cổ Hội An, bạn sẽ chỉ thấy người đi bộ, xe xích lô và xe đạp. Điều đó tạo nên sự yên tĩnh cho người dân và du khách.
Những con thuyền được neo đậu bên bờ phố cổ Hội An. Ánh đèn vàng của những ngôi nhà hắt ra in bóng xuống nước.
Dưới ánh sáng tờ mờ của ngọn nến, hai người đàn ông lớn tuổi vẻ mặt căng thẳng tìm kiếm nước cờ để chiếu bí đối phương.
Sau đêm thả đèn xuống sông, buổi sáng Hội An lại yên bình, dòng nước điểm xuyết những chiếc đèn giấy xanh xanh đỏ đỏ.
Nguyễn Phố
http://dulich.vnexpress.net/photo/anh-video/net-hien-hoa-cua-pho-co-hoi-an-3037036.html
Hội An rực vàng trong ánh nắng
Đến Hội An những ngày đầu tháng 8 để cảm nhận vẻ đẹp dịu dàng phố cổ trong ánh nắng vàng dịu nhẹ và nhịp sống bình yên dưới những nếp nhà cổ kính.
Mặc dù mùa mưa ở Hội An bắt đầu từ tháng 8 nhưng đây vẫn là thời điểm lý tưởng để bạn chiêm ngưỡng ánh nắng vàng như rót mật trên khắp cả ngả đường.
Khác với nhiều điểm du lịch nổi tiếng khác, Hội An không quá đông đúc và xô bồ mà thu hút bởi vẻ đẹp thâm trầm, cổ kính.
Dạo bước trên các con phố ở đây, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp những vòng quay xe đạp chầm chậm lăn đều.
Cao Anh Tuấn
http://dulich.vnexpress.net/photo/anh-video/hoi-an-ruc-vang-trong-anh-nang-3026669.html
Thong dong cà phê phố cổ Hội An
Đi uống cà phê ở phố Hội không chỉ đơn thuần là nghỉ ngơi, giải khát mà còn là cách để trải nghiệm cuộc sống yên bình, tĩnh tại nơi đây.
Nằm bên dòng sông Thu Bồn thơ mộng, Hội An hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp cổ kính của những ngôi nhà hàng trăm năm tuổi. Trải qua bao thăng trầm lịch sử và biến cố thời gian, những ngôi nhà cổ với lối kiến trúc đặc trưng ngày nay không chỉ trở thành điểm tham quan, mua sắm, mà còn là không gian thưởng thức cà phê yêu thích của nhiều du khách khi đến thăm phố Hội.
Quán cà phê ở đây nằm rải rác dọc các tuyến phố giao cắt như bàn cờ trong khu phố cổ. Bởi thế chỉ cần rảo bước khắp các cửa hàng, cửa hiệu, bạn có thể dễ dàng bắt gặp một quán cà phê để dừng chân nghỉ lại. Những chùm hoa giấy màu trắng, hồng, đỏ nhung... rung rinh trong nắng, gió trước hiên nhà khiến nhiều quán cà phê ở Hội An trông giống nhau đến lạ. Cùng với đó là những bức tường vôi hoen màu vàng ố, những cánh cửa nâu cũ xù xì.
Quán xá san sát trên các con phố của Hội An. Ảnh: Trần Thương
|
Tuy nhiên đó chỉ là vẻ bề ngoài bởi bên trong, mỗi quán lại có cách bài trí riêng tạo điểm nhấn và không gian khác biệt, từ sang trọng, cổ điển theo phong cách phương Tây đến dân dã, gần gũi với phong cách miệt vườn sông nước.
Nằm trên 3 trục đường chính trong khu phố cổ là Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng, các quán cà phê ở đây chủ yếu mang phong cách phương Tây. Bên trong quán thường đặt những chiếc ghế cao rất đặc trưng của bar hay những chiếc bàn phủ khăn có họa tiết cổ điển, nhưng người dùng vẫn cảm thấy sự thân thuộc nhờ màu gỗ nâu đồng điệu. Thay vì sử dụng thứ ánh sáng huyền ảo từ đèn led, các quán cà phê này tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, tạo không gian mở, nhìn ra đường phố.
Thú vị nhất là những quán đặt ở tầng hai có ban công lãng mạn với những giỏ hoa bắt mắt. Ngồi dưới lớp mái ngói rêu phong, bên hàng lan can cũ, những câu chuyện như vừa chất chứa sự riêng tư, nhưng cũng đầy cởi mở khi nhìn xuống dòng người xuôi ngược. Ngoài các loại đồ uống, ở đây cũng thường bán kèm đồ ăn. Bởi thế đôi khi du khách tự “chôn chân” trên hành trình khám phá Hội An khi đã chọn được một không gian cà phê ưng ý.
Đường Bạch Đăng lung linh về đêm. Ảnh: Trần Thương.
|
Với những người muốn tận hưởng không gian thoáng hơn nhưng vẫn không nằm ngoài “thỏi nam châm” phố cổ, hãy đến với các quán cà phê bên dòng sông Hoài lộng gió. Là nơi đẹp nhất để ngắm Hội An về đêm, từ đây các thực khách có thể vừa nhâm nhi đồ uống, vừa thả hồn theo những con thuyền lững lờ trôi trên sông và ánh đèn hoa đăng lấp lánh. Khung cảnh càng trở nên quyến rũ hơn vào những đêm trăng rằm, khi cả dòng sông Hoài như dải ngân hà với ánh nến hoa đăng, và con đường bên kia sông bừng lên ánh đèn lồng rực rỡ sắc màu.
Lộng lẫy là thế nhưng nét duyên ngầm của cà phê phố Hội lại nằm ở những quán cà phê nằm sâu trong ngõ mà người dân nơi đây quen gọi là kiệt. Không biển hiệu chỉ dẫn hay mời chào câu khách, những quán này để khách tự mày mò, tìm đến như một món quà bất ngờ dành cho người ưa thích sự mới mẻ và ham khám phá. Vẫn những bộ bàn ghế thô sơ, cách decor đơn giản, đồ uống cũng không quá cầu kỳ nhưng ở đây người ta dễ dàng cảm nhận được sự đồng điệu với những con người miền Trung giản dị, chân chất, thật thà.
Nhiều con ngõ ở Hội An dẫn đến những bất ngờ cho du khách. Ảnh: Chí Nam
|
Nếu có nhiều thời gian dành cho Hội An, bạn cũng không nên bỏ lỡ các quàn cà phê sân vườn trên đường Cửa Đại. Do nằm ngoài khu vực trung tâm, có diện tích lớn hơn nên những quán cà phê ở đây tập trung vào không gian tươi mát với cây cối và thảm cỏ xanh dẫn lối. Bàn ghế, đồ trang trí vì thế cũng hiện đại và tươi sáng hơn với tông màu trắng, kem nổi bật. Đây là nơi lý tưởng để du khách tận hưởng một ngày nắng yên bình trước khi tiếp tục lên đường về với phố Hội lúc lên đèn.
Vy An
http://dulich.vnexpress.net/tin-tuc/viet-nam/hoi-an/thong-dong-ca-phe-pho-co-hoi-an-3006999.html
Cẩm nang cho kỳ nghỉ trọn vẹn ở Hội An
Với những mái nhà cổ kính, biển Cửa Đại xanh ngắt và vô vàn trải nghiệm thú vị, Hội An là điểm đến luôn làm say lòng du khách.
Tìm hiểu thông tin và chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ giúp bạn có được kỳ nghỉ trọn vẹn ở thành phố xinh đẹp này.
Di chuyển
Thành phố nhỏ của Quảng Nam nằm gần Đà Nẵng, nên hầu hết khách du lịch đều đến Hội An sau khi tham quan Đà Nẵng. Bạn có thể đi xe khách, tàu, máy bay đến Đà Nẵng và đón taxi, xe buýt số 01 (từ bến xe Đà Nẵng) hoặc thuê xe máy chạy đến Hội An. Nếu bạn đi từ Huế, có thể đón xe buýt du lịch chạy tuyến Huế - Hội An.
Lưu trú
Hội An có rất nhiều khách sạn nhưng được du khách yêu thích hơn cả là dịch vụ homestay ở ven phố cổ. Chỉ từ 300.000 đồng, bạn đã được ở trong những ngôi nhà xinh xắn, sạch sẽ cùng gia đình người địa phương rất thân thiện.
Khu vực gần biển Cửa Đại có nhiều resort tiện nghi, không gian đẹp dành cho những người du lịch nghỉ dưỡng.
Các điểm tham quan, trải nghiệm
Khu phố cổ mang đậm kiến trúc truyền thống với rất nhiều điểm dừng chân khám phá. Bạn nên mua vé tham quan trọn gói để ghé thăm Chùa Cầu, Hội quán Quảng Đông, Hội Quán Phúc Kiến, nhà cổ tộc họ Trần, họ Nguyễn Tường, bảo tàng gốm sứ mậu dịch Hội An, bảo tàng văn hóa dân gian... Ghé một quán cafe để hòa vào nhịp sống chậm của phố Hội, hoặc đi xuyên qua các hẻm nhỏ thông ra sông Hoài, sẽ rất thú vị.
Phố cổ Hội An yên bình.
|
Buổi tối, dọc sông Hoài ngắm nhà cổ treo đèn lồng lung linh, đi thuyền thả hoa đăng hoặc dạo chợ đêm Nguyễn Hoàng.
Thuê xe đạp và trải nghiệm du lịch cộng đồng ở làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà... để hòa mình vào cuộc sống của người dân nơi đây.
Biển Cửa Đại (nơi gặp nhau của ba con sông Thu Bồn, Trường Giang và Đế Võng trước khi đổ về biển Đông) nước xanh ngắt và dải cát trắng mịn là nơi bạn có thể vùng vẫy thỏa thích dưới nắng hè.
Biển An Bàng mới được khai thác du lịch, còn khá hoang sơ và yên bình, dành cho những người yêu sự bình lặng của biển và cuộc sống chài lưới.
Cù Lao Chàm là điểm đến cho người thích khám phá, cách biển Cửa Đại 15 km. Có thể đi tàu cao tốc (giá vé 120.000 đồng) chỉ mất 20 phút để ra đảo hoặc đi tàu chợ (giá 30.000 một người, 15.000 một xe máy) khởi hành lúc 8h sáng ở bến Cửa Đại, hết khoảng một giờ. Trên đảo có dịch vụ homestay, nhà nghỉ có đặt đồ ăn... rất tiện lợi. Cảnh quan trên đảo đẹp một cách hoang sơ và quyến rũ như Bãi Bắc, Bãi Ông, Bãi Xếp... trên nền cát trắng mịn, sạch, nằm xen giữa các mỏm đá nhô ra. Ngoài ra còn còn chùa Hải Tạng, Miếu tổ nghề Yến, giếng cổ Chăm...
Bến tàu cao tốc đi Cù Lao Chàm.
|
Trải nghiệm ẩm thực xứ Quảng
Hãy vào phố Thái Phiên, chợ Hội An… để thưởng thức cao lầu và mì Quảng ngon bổ rẻ.
Cơm gà Bà Buội, Bà Nga ở đường Phan Châu Trinh (giá 40.000 - 70.000 đồng một phần tùy gà xé hoặc gà đùi); ghé quán hàng rong trong phố cổ hoặc gần cầu Cẩm Hội để ăn bánh bao, bánh vạc, bánh đập. Thịt nướng, nem lụi ở hẻm Bá Lễ trên đường Trần Hưng Đạo. Các món ăn vặt như chè bắp, xoa xoa, bắp nướng mỡ hành... được bán rất nhiều vào buổi tối ở các quán nhỏ và hàng rong dọc sông Hoài.
Trên bãi biển có rất nhiều nhà hàng bình dân với giá cả hợp lý và hải sản tươi ngon: mực một nắng, cua, gỏi cá...
Quà mang về
Đèn lồng - món quà gắn liền với Hội An, nên ghé vào những quán lớn vừa làm đèn vừa bán để chọn lựa màu sắc, kích cỡ.
Rất dễ dàng để chọn một chiếc đèn lồng làm quà.
|
Đóng dép, may váy siêu tốc để có những món quà đặc biệt cho người thân. Bánh đậu xanh, tương ớt Hội An cũng là lựa chọn hay.
Thanh Tuyết
http://dulich.vnexpress.net/tin-tuc/cong-dong/tu-van/cam-nang-cho-ky-nghi-tron-ven-o-hoi-an-3022579.html
Cao lầu, hoành thánh trứ danh phố Hội
Hai món ăn cao lầu và hoành thánh không chỉ gây sự tò mò bởi cái tên độc đáo mà còn hấp dẫn bởi hương vị lạ miệng, khiến du khách không thể bỏ qua khi đến phố cổ Hội An.
Tuy không phải cao lương mỹ vị nhưng nếu đã một lần đến với Hội An, đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức cao lầu và hoành thánh trứ danh ở đây.
Cao lầu, hoành thánh hội tụ đủ vị, sắc và hương.
|
Hoành thánh
Hoành thánh được chế biến với nhiều biến tấu khác nhau như hoành thánh chiên, hoành thánh súp, hoành thánh mì, song hoành thánh chiên dường như là món ăn yêu thích nhất của đa số thực khách khi chọn làm món khai vị cùng với nem, chả.
Để làm hoành thánh, đầu bếp sẽ chọn loại bột mì thơm dẻo, trộn cùng với trứng gà sau đó đánh đều hỗn hợp cho nhuyễn trước khi cán bột thật mỏng. Tiếp đến, cắt bột thành từng miếng nhỏ để làm vỏ bánh, cho nhân vào giữa và túm đều viền bánh cho khít lại. Nhân bánh được làm từ những con tôm tươi, giã nhỏ, nêm nếm gia vị rồi quết lại cho thật nhuyễn, sau đó đem hấp rồi chan thêm nước sốt khi chế biến hoành thánh nước và hoành thánh mì, hay rán giòn để làm hoành thánh chiên.
Nếu hoành thánh súp mang đến hương vị ngọt thanh, hoành thánh mì đem lại cảm giác mới lạ bởi một ít mì sợi hòa quyện cùng chút sa tế, vài tép mỡ rán vàng nằm ngay ngắn trong tô, thì hoành thánh chiên gây thích thú cho thực khách bởi vị giòn, béo ngậy của vỏ bánh cùng nước sốt đậm đà. Vị giòn rụm của vỏ bánh quyện cùng với sốt chua cay từ tôm, thịt xá xíu và rau củ giòn sần sật sẽ khiến bạn khó thể chối từ.
Khai vị hoàn hảo với hoành thánh chiên.
|
Cao lầu
Song hành cùng hoành thánh, cao lầu xứng đáng là món ăn đem lại dư vị hoàn hảo cho thực khách khi đến thăm Hội An.
Một tô cao lầu đầy đặn ngay từ cái nhìn đầu tiên làm người ta thoáng nhầm lẫn với mì Quảng nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Theo chia sẻ của đầu bếp nhà hàng, tinh túy của món cao lầu đậm chất Quảng Nam chính ở sợi mì được chế biến công phu. Đầu tiên, gạo thơm được ngâm vào nước tro, mà phải là tro nấu củi lấy ở đảo Cù Lao Chàm, khi ngâm mới tạo ra được sợi mì có độ giòn, dẻo và khô; nước phải được lấy từ giếng cổ Bá Lễ mới có độ ngọt, không bị phèn và mát lạnh. Sau khi xay gạo thành bột, đầu bếp sẽ để ráo nước, nhồi cho mịn thành khối, cán bột thành miếng dày 3-4 mm rồi hấp, sau đó cắt thành từng cọng mì hơi vuông và dẹp. Sợi mì cao lầu giòn và dai với màu sắc giản dị, hơi nâu nâu của gạo, khác với màu vàng nghệ của sợi mì Quảng.
Thơm ngon, đậm đà cao lầu thịt và hải sản.
|
Nếu mì Quảng có bánh đa ăn kèm thì cao lầu được nhấn nhá thêm vị giòn rụm ấy bằng những cọng mì đã được xắt nhỏ thành sợi dài hay hình vuông, sau đó đem chiên phồng vừa xốp lại vừa giòn. Chính những miếng mì chiên ấy khiến món ăn thêm ngon và lạ. Làm nên linh hồn cho cao lầu là nước nhưn (nước dùng) làm từ thịt heo tẩm ướp ngũ vị hương, gia vị với bí quyết đặc biệt tạo vị đậm đà, thơm ngọt nhưng vừa đủ lượng để món ăn đạt chuẩn.
Những sợi mì cao lầu được đặt gọn ghẽ dưới đáy tô cùng một ít giá trần vừa chín tới, xen lẫn chút rau Trà Quế, húng lủi, rau thơm. Vài lát thịt xá xíu thái mỏng, tôm, thịt gà, da heo chiên giòn đặt bên trên trước khi rưới nước sốt lên, điểm thêm một ít cao lầu chiên, quả ớt xanh, lát chanh mỏng khiến cao lầu dường như hội tụ đủ sắc, vị và hương. Món ăn cũng được biến tấu với nhiều hương vị để thực khách lựa chọn như cao lầu heo, cao lầu gà, cao lầu thịt và hải sản. Bạn có thể yêu cầu thêm nước mắm, nước tương theo sở thích.
Trong không gian quán lung linh đèn lồng, còn gì thú vị hơn khi được cùng những người bạn đồng hành quây quần bên chiếc bàn, chiếc ghế bằng tre, trúc mộc mạc, giản dị và thưởng thức món cao lầu thơm ngon. Cảm giác sừn sựt của sợi mì lan tỏa trong vị ngọt của tôm, thịt, vị thanh mát của rau thơm hòa quyện cùng một chút chua, cay của mắm, ớt, điểm tô da heo, cao lầu chiên giòn béo bùi, thơm ngậy sẽ mang đến những trải nghiệm thăng hoa cho vị giác.
Đến Hội An, bạn có thể thưởng thức cao lầu, hoành thánh tại một số nhà hàng dọc phố cổ hoặc gần chợ với giá từ 35.000 đồng.
Bài và ảnh: Quế Lan
http://dulich.vnexpress.net/tin-tuc/viet-nam/hoi-an/cao-lau-hoanh-thanh-tru-danh-pho-hoi-2956195.html
Đặc sản trên gánh hàng rong ở Hội An
Đến với phố cổ Hội An, một trong những thành phố hấp dẫn nhất châu Á, du khách có thể thưởng thức những đặc sản nơi đây ngay trên những gánh hàng hè phố.
Hội An xưa là một trong những đô thị sầm uất ở Đàng Trong, là nơi giao thương giữa các nền văn hóa Đông Tây, vì vậy mà những món hàng ăn ở đây cũng rất đa dạng, phong phú.
Các món hàng rong ngày nay thường phục vụ cho bữa xế chiều, cứ tầm 2h, người ta lại nghe các bà các mẹ cất tiếng rao dạo. Mỗi khi có khách, người bán quẩy gánh vào lề đường, chọn nơi mát mẻ đặt hàng. Khách có thể mua mang đi hoặc ngồi ăn tại chỗ. Người bán hàng dọn ra những chiếc ghế nhỏ, ghế cũng là bàn, và thức ăn được bày lên thơm phức.
Một hàng ăn vỉa hè phố cổ.
|
Chị Hường, người có thâm niên làm nghề bán bánh bèo đã hơn 20 năm cho biết: “Khách hàng các nơi, từ Nam tới Bắc, cả khách nước ngoài đều thấy lạ mắt và thích thú khi ngồi vỉa hè, ăn các món ăn như bánh bèo, bánh lọc. Thức ăn với nhiều người không lạ nhưng cách ăn và mùi vị thì có nét riêng của người dân nơi đây.”
Du khách có thể tìm trên các gánh hàng rong đủ các món ăn, từ bánh bèo, bánh bột lọc, đậu hũ, xí mà phù, đậu hũ cho đến cao lầu, mì Quảng, hến trộn. Cách ăn món bánh bèo ở đây có phần khác so với các nơi. Người ăn không dùng thìa mà dùng xiêng tre để xúc bánh. Nhân bánh bèo còn có thêm ram chiên từ sợi cao lầu ăn giòn rụm.
Một gánh hàng ăn vỉa hè ở ngã tư phố cổ.
|
Bánh bột lọc, nem, chả xếp lớp trong những nồi lớn nhìn mướt mắt, hấp dẫn người đi đường. Thêm cái vị nước mắm cay cay, ngọt ngọt đặc trưng miền Trung càng níu chân du khách thập phương.
Các hàng ăn được bày bán trên vỉa hè với vài ba bộ bàn ghế thấp hoặc được người bán quẩy gánh đi khắp nơi, ấy vậy mà thức ăn luôn nóng hổi. Đặc biệt là xí mà phù hay còn gọi là chè mè đen, ăn ngon nhất là khi còn nóng, bất kể tiết nóng hay lạnh.
Các loại chè như chè bắp, đậu ván, đậu đỏ đều được nấu bởi nguyên liệu từ chính những vùng đất lân cận bên sông Hoài. Vì vậy mà món chè bắp Hội An không xa lạ gì nhưng vẫn nức tiếng dẻo thơm gần xa.
Ngay cả những món ăn đặc sản phố Hội như cao lầu, mì Quảng, hến trộn cũng xuất hiện ngày càng nhiều ở các quán hàng rong. Người du khách thích thú với việc vừa dạo chơi vừa có thể ngồi lại đâu đó để thưởng thức những đặc sản, ngắm nhìn cuộc sống của người dân bản địa.
Một lý do khác mà hàng rong nơi đây được yêu thích là chính bởi giá cả rất bình dân. Một chén bánh bèo hay chiếc bánh khoai có giá 5.000 đồng, đĩa bánh lọc hay bắp ngô nướng có giá 10.000 đồng. Các món hàng như cao lầu, mì Quảng có giá 20.000 đến 30.000 đồng/tô. Những chiếc bánh ram, bánh đường trên những chiếc xe đẩy cũng chỉ có giá từ 5.000 đến 10.000 đồng/cái.
Từ nếp ăn nếp ở của người dân xưa mà những quy định ra đời ngày nay cũng phải phù hợp với cuộc sống nơi đây. Hàng rong Hội An không bị dẹp bỏ, cấm đoán như ở các thành phố khác, mà trở thành nét đẹp trong văn hóa, ẩm thực, giúp phát triển du lịch, cũng như đời sống người dân thành phố.
Với những hàng rong ở các tuyến phố đông đúc sẽ được quy định đóng phí chỗ ngồi, người bán phải học nội quy bán hàng như giữ gìn vệ sinh, không lần chiếm lòng đường, đặc biệt không chèo kéo khách, không lấy giá cao.
“Bán cho người mình hay khách thập phương đều bằng giá vậy, cũng không nài nỉ gì nhiều. Hễ có người này ăn thì cả đoàn kéo xuống ăn cùng”, chị Hoa, chủ sạp hàng bán chè phố Bạch Đằng cho hay.
Món bánh bèo Hội An phải ăn bằng xiêng tre với chút ram chiên thơm giòn.
|
Dạo qua các con phố cổ trong phố Hội như Trần Phú, Lê Lợi, Nguyễn Thái Học hay ven sông Hoài, chúng ta sẽ dễ bắt gặp hình ảnh các cô, các chị quẩy đôi gánh vừa rao hàng, thỉnh thoảng họ dừng chân mời những người khách Tây với đôi câu tiếng bồi lưu loát. Người mua vui vẻ dùng món ăn, nếu từ chối thì cũng nhận được câu chúc vui vẻ của người bán. Cũng chính vì vậy mà hình ảnh còn người Hội An luôn mang nét niềm nở, thân thiện trong lòng mọi du khách.
Phổ cổ Hội An nhỏ, các con đường như những ô bàn cờ, vì vậy mà khách du lịch vẫn thích thả bộ để ngắm nhìn những nét cổ xưa của phố thị. Và trong từng góc phố ấy không ít lần hình ảnh các bà các mẹ với gánh hàng bánh bèo, bánh lọc thơm ngon lọt vào ống kính của du khách.
Cũng chính từ đó mà hàng rong được nhiều người biết đến và yêu thích. Người ta sẽ luôn nhớ hình ảnh ông lão già với gánh hàng Xí mà phù đã trở thành nét đẹp nơi đây cũng như những món ăn quen mà lạ khi có dịp ghé thăm phố cổ Hội An.
Thùy Trang
http://dulich.vnexpress.net/tin-tuc/viet-nam/hoi-an/dac-san-tren-ganh-hang-rong-o-hoi-an-2955450.html
Geen opmerkingen:
Een reactie posten