Thứ tư, 25/6/2014 | 16:48 GMT+7
Truyền thông Trung Quốc can thiệp vụ tranh cãi về thịt chó
Truyền thông quốc gia Trung Quốc vừa tham gia vào cuộc tranh cãi nảy lửa giữa những người thích ăn thịt chó và các nhà hoạt động, kêu gọi các bên ôn hòa và bình tĩnh khi đưa ra quan điểm.
Các nhà hoạt động cố gắng lấy con chó khỏi lồng, trong lễ hội ăn thịt chó ở miền nam Trung Quốc. Họ đã chi hết sạch tiền để mua 70 con chó khác, nhưng không thể cứu được con chó này. Ảnh: CNN
|
Một bài xã luận đăng trên báo People's Daily của nhà nước Trung Quốc cho rằng "chó là bạn và cũng là thức ăn", đồng thời kêu gọi cả người ăn thịt chó lẫn người yêu chó bình tĩnh, thấu hiểu nhau.
Lễ hội ăn thịt chó với vải ở thành phố Ngọc Lâm, tỉnh Quý Châu, miền nam Trung Quốc để mừng ngày hạ chí đang kích động những cuộc tranh cãi nảy lửa giữa các nhà hoạt động vì quyền của động vật và người mê thịt chó. Thịt chó từ lâu được coi là đặc sản ở một số vùng của Trung Quốc, như tỉnh Quý Châu, nơi lễ hội ăn thịt chó có lịch sử hàng trăm năm.
Các nhà hoạt động cho biết thịt chó là một phần trong những bữa ăn hàng ngày ở đây, và ước tính 10.000 con bị giết thịt riêng trong dịp lễ hội. Thịt chó có khi được bán với giá lên tới 6 USD/kg. Những người yêu động vật ở Trung Quốc thì coi lễ hội là tàn nhẫn và phi đạo đức.
Báo của nhà nước Trung Quốc cho rằng những cuộc ẩu đả giữa người ăn thịt chó và người yêu chó là tình trạng đáng tiếc, nên tránh. Bài xã luận dẫn lại một loạt tác phẩm của nhà sư Hong Yi và người vẽ tranh hoạt họa Feng Zikai, trong đó những bài thơ và hình ảnh giúp thuyết phục mọi người không làm hại sinh vật sống. Các tác phẩm là một ví dụ để các nhà hoạt động thuyết phục những người ăn thịt chó một cách ôn hòa.
Tác giả cũng dẫn lại một câu chuyện thời thơ ấu, khi bác của ông quyết định chôn con chó của gia đình thay vì ăn thịt sau khi nó chết, dù gia đình họ lúc đó rất đói kém. Bác ông giải thích rằng con chó đã ở cùng gia đình lâu đến nỗi nó gần như là một con người.
Tuy nhiên không phải ai cũng chia sẻ ý kiến này về loài chó, tác giả nhấn mạnh. "Hành vi thực sự văn minh, tôn trọng đa dạng sinh học rồi sẽ được những người có ý kiến trái ngược yêu mến, bạn có nghĩ vậy không?", bài xã luận viết.
Global Times, báo tiếng Anh của People's Daily, giải thích rằng phần lớn trong xã hội Trung Quốc không thích ăn thịt chó, và tư tưởng phản đối ăn thịt chó ban đầu là sự ảnh hưởng của phương Tây. Nó lớn dần cùng xu thế giữ vật nuôi trong nhà tại những khu đô thị ở Trung Quốc.
Video: CNN làm phóng sự về lễ hội ăn thịt chó ở Trung Quốc
Trọng Giáp (Video: CNN)
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/cuoc-song-do-day/truyen-thong-trung-quoc-can-thiep-vu-tranh-cai-ve-thit-cho-3009194.html
Thứ sáu, 20/6/2014 | 21:53 GMT+7
Lễ hội thịt chó ở Trung Quốc khai màn sớm
Từ tuần trước, người dân ở thành phố Ngọc Lâm, phía nam Trung Quốc, đã tụ tập ăn thịt chó với vải và uống rượu để mừng ngày hạ chí. Lễ hội truyền thống năm nay được họ tổ chức sớm hơn thường lệ để tránh sự chú ý của các nhà bảo vệ động vật.
Mỗi năm, có hàng nghìn con chó bị giết vào lễ hội thịt chó mừng ngày hạ chí ở Ngọc Lâm. Ảnh: REX
|
Theo truyền thống địa phương ở Ngọc Lâm, ăn thịt chó với vải thiều và uống rượu vào ngày dài nhất trong năm 21/6 sẽ giúp mọi người khỏe mạnh trong suốt cả mùa đông. Theo Guardian, mỗi năm, có hàng nghìn con chó bị đem ra giết để người dân cùng nhau thưởng thức vào ngày lễ này.
Những bức ảnh trên truyền thông quốc gia cho thấy người dân Ngọc Lâm tụ tập bên bàn tiệc tràn ngập thịt chó, rau và quả vải. Trong những bức ảnh khác, những con chó bị lột da, nấu chín được treo la liệt trên các hàng ven đường hoặc chất đống trên bàn.
Trong những năm gần đây, lễ hội thịt chó vấp phải sự lên án mạnh mẽ của các nhà hoạt động. Họ phản đối việc sát hại loài động vật gần gũi với con người bằng các bài viết trên mạng xã hội, các kiến nghị trực tuyến và các cuộc biểu tình bên ngoài những lò giết mổ hay các chợ bán thịt chó.
Phản ứng của dư luận cho thấy người Trung Quốc đang dần thay đổi thái độ và nhận thức về việc ăn thịt chó, một truyền thống bấy lâu nay.
Các nhà hoạt động về quyền động vật cho rằng thịt chó ẩn chứa nguy cơ gây bệnh cao bởi những con chó được giết mổ không hề qua kiểm dịch. Chúng hoặc chạy rông trên đường phố hoặc bị câu trộm từ các gia đình. Những con bị trúng bả độc có thể gây nguy hiểm cho người ăn.
Những con chó bị giết mổ để phục vụ lễ hội ở Ngọc Lâm không hề được kiểm dịch. Ảnh: REX
|
Ông Deng Yidan, một nhà hoạt động thuộc tổ chức Động vật châu Á, cho rằng hình ảnh của Ngọc Lâm nói riêng và Trung Quốc nói chung đang xấu đi trong mắt dư luận.
"Những tin tức tiêu cực ngày càng nhiều: trộm chó, tội phạm, vấn đề vệ sinh thực phẩm và sự lo ngại bệnh dại, chưa kể đến sự phân hóa trong xã hội giữa những người ủng hộ và phản đối lễ hội này, đều mang đến cho Ngọc Lâm những điều tiếng nhiều hơn là lợi ích kinh tế", ông Deng nói.
Chính quyền Ngọc Lâm trong khi đó thoái thác trách nhiệm về vấn đề này và phủ nhận sự tồn tại chính thức của lễ hội. Họ cho rằng đó chỉ là thói quen ẩm thực của một số người.
Truyền thông quốc gia cho hay chính quyền thành phố đã yêu cầu các nhà hàng loại món thịt chó ra khỏi thực đơn và bảng quảng cáo, nhưng không cấm bán và tiêu thụ món ăn này.
Áp lực từ dư luận đã khiến một lễ hội thịt chó khác ở tỉnh Chiết Giang phải hủy bỏ vào năm 2011, dù đây là một lễ hội có từ hàng trăm năm trước.
Anh Ngọc
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/cuoc-song-do-day/le-hoi-thit-cho-o-trung-quoc-khai-man-som-3006774.html
Thứ ba, 25/6/2013 | 16:49 GMT+7
Biểu tình rầm rộ chống ăn thịt chó ở Trung Quốc
Lễ hội thịt chó thường niên tại khu tự trị Quảng Tây, miền nam Trung Quốc vấp phải làn sóng phẫn nộ lan rộng ở Trung Quốc.
> Món thịt chó gây chia rẽ dư luận Trung Quốc
> Món thịt chó gây chia rẽ dư luận Trung Quốc
Du Yufeng, một nhà bảo vệ quyền động vật, hôm 21/6 giơ biểu ngữ phản đối lễ hội ăn thịt chó ở Ngọc Lâm, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, miền nam Trung Quốc. Ảnh: AFP |
Một tuần trước khi lễ hội thịt chó diễn ra, các tổ chức vì quyền động vật đã liên tục có những động thái để ngăn chặn thông qua các lá thư và biểu tình. Một số còn kêu gọi sự can thiệp từ các chính phủ phương Tây. Theo ước tính, có khoảng 1.000 con bị giết thịt trong lễ hội kéo dài một ngày hôm 21/6. Ảnh: AFP |
Một chủ nhà hàng thịt chó phản ứng dữ dội với người biểu tình bảo vệ động vật. Ảnh: GlobalTimes |
"Việc tiêu thụ thịt chó là lý do khiến nạn trộm chó lan tràn và hung hãn đến vậy. Chúng tôi kêu gọi hủy lễ hội và giảm, hạn chế việc tiêu thụ thịt chó", 20 tổ chức bảo vệ động vật viết thư gửi chính quyền Ngọc Lâm hôm 18/6. Tuy nhiên, chính quyền cho biết họ không thể ngăn chặn lễ hội bởi nó do người dân địa phương tổ chức, không phải chính phủ. Ảnh: AP |
Những công nhân kéo những cũi chó khỏi xe tải trên đường Binjang ở Ngọc Lâm. Chúng sẽ bị làm thịt trước khi bị đem đến các nhà hàng. Ảnh: GlobalTimes |
Một người bảo vệ động vật dán poster kêu gọi không ăn thịt chó, mèo. Có ít nhất 10 triệu con chó bị giết để làm thịt ở Trung Quốc mỗi năm. Ảnh: GlobalTimes |
Một con chó rú lên vì đau đớn trước khi bị giết tại lò mổ ở Ngọc Lâm. Ảnh: GlobalTimes |
Hàng nghìn người dân địa phương tụ tập trên một con đường ven sông thưởng thức thịt chó hôm 21/6. Ảnh: GlobalTimes |
Trọng Giáp
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/anh/bieu-tinh-ram-ro-chong-an-thit-cho-o-trung-quoc-2838092.html
Thứ tư, 19/6/2013 | 15:40 GMT+7
Món thịt chó gây chia rẽ dư luận Trung Quốc
Ước tính sẽ có khoảng 10.000 con chó giết và làm thịt trong lễ hội mừng ngày hạ chí ở thành phố Ngọc Lâm, Quảng Tây, Trung Quốc, vào thứ 6 tới.
> Liên minh bảo vệ chó châu Á được thành lập
> Nạn buôn lậu chó từ Thái Lan sang Việt Nam
> Liên minh bảo vệ chó châu Á được thành lập
> Nạn buôn lậu chó từ Thái Lan sang Việt Nam
Theo nhiều tổ chức phi chính phủ, phần lớn những con chó bị làm thịt trong lễ hội này được vận chuyển tới thành phố trên những chiếc xe tải bẩn thỉu và chật chội. Ảnh: Global Post
|
Lễ hội thịt chó được người dân Ngọc Lâm, Quảng Tây, tổ chức vào 21/6 hàng năm, như một cách để ăn mừng ngày hạ chí. Hàng nghìn con chó sẽ bị điện giật, chọc tiết và chế biến thành nhiều món ăn để dùng chung với rượu chưng cất từ ngũ cốc.
Từ xưa tới nay, người Trung Quốc vẫn coi thịt chó là một món ăn đặc biệt bổ dưỡng và hấp dẫn, thậm chí còn giúp cải thiện khả năng tuần hoàn và khắc phục chứng liệt dương ở nam giới.
"Thật không công bằng khi nói người dân Ngọc Lâm quá tàn bạo chỉ vì chúng tôi có truyền thống ăn thịt chó", Annie, một công dân Ngọc Lâm, người tuyên bố sẽ luôn ủng hộ lễ hội này của thành phố, nói với South China Morning Post.
Khoảng một tuần nay, các tổ chức vì quyền động vật đã liên tục có những động thái để ngăn chặn lễ hội thịt chó, thông qua các lá thư và biểu tình. Một số còn kêu gọi sự can thiệp từ các chính phủ phương Tây.
"Làm ơn giúp chúng tôi chặn Lễ hội thịt chó ở Ngọc Lâm, Quảng Tây", trích một trong những bức thư được đăng trên website của Nhà Trắng. Tuy nhiên, kiến nghị này sau đó đã bị hạ xuống vì không đáp ứng được ngưỡng 100.000 chữ ký để nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền Obama.
Theo tổ chức phi chính phủ Animal Asia, rất nhiều những con chó được tiêu thụ trong lễ hội là chó bị bắt trộm hoặc lạc nhà. Chúng bị đưa tới Ngọc Lâm trên những chiếc xe tải chật chội và bẩn thỉu, làm gia tăng mối lo ngại về nguy cơ lan truyền bệnh dại và nhiều hiểm họa khác.
Xác những con chó nằm la liệt trên lề đường trước mỗi dịp lễ mừng hạ chí. Ảnh: Rex Features
|
"Rất nhiều con chó trong số này là hàng ăn cắp và không có giấy tờ kiểm dịch rõ ràng. Chúng thường bị sát hại dã man và bán cho các nhà hàng với giá rất thấp," thạc sĩ Huici, trợ lý giám đốc của Quỹ Từ thiện Phật giáo Hà Bắc, nói trong một cuộc phỏng vấn với Global Times.
Đáp lại, chính quyền Ngọc Lâm khẳng định tất cả những con chó được mang ra sử dụng đều thuộc quyền sở hữu của nông dân địa phương. Họ cũng cam kết sẽ thắt chặt công tác vệ sinh môi trường và ngăn chặn việc giết hại chó ở nơi công cộng trong lễ hội năm nay.
"Những người gọi chúng tôi là độc ác và thiếu văn minh nên tự giác ngừng ăn thịt trước đi thì hơn", cô gái trẻ Annie nói.
Thăm dò
|
Quỳnh Hoa
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/cuoc-song-do-day/mon-thit-cho-gay-chia-re-du-luan-trung-quoc-2834525.html
Geen opmerkingen:
Een reactie posten