maandag 27 april 2015

ASEAN : Trung Quốc đe dọa « an ninh và hòa bình » ở Biển Đông

ASEAN : Trung Quốc đe dọa « an ninh và hòa bình » ở Biển Đông

mediaLãnh đạo 10 nước ASEAN trên diễn đàn khai mạc Thượng đỉnh ASEAN 26 tại Kuala Lumpur ngày 27/04/2015.REUTERS/Olivia Harris
Theo bản dự thảo tuyên bố chung kết thúc Hội nghị ASEAN lần thứ 26 tại Kuala Lumpur – Malaysia, Hiệp hội các nước Đông Nam Á bày tỏ « quan ngại sâu sắc » trước việc Trung Quốc bồi đắp đảo ở Biển Đông. Những hành động đó có nguy cơ « phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định » trong khu vực.
Trong bản dự thảo tuyên bố chung kết thúc hội nghị Kuala Lumpur –Malaysia mà các hãng thông tấn quốc tế có được ngày 27/04/2015, Hiệp hội các nước Đông Nam Á trực tiếp lên án các hành vi bồi đắp đảo của Trung Quốc ở Biển Đông để khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh đối với khu vực này.
Lãnh đạo 10 thành viên trong khối ASEAN,  nhân danh Hiệp hội các nước Đông Nam Á,  xem những hành vi cải tạo biển đảo đó của Trung Quốc là yếu tố « làm xói mòn lòng tin, gây trở ngại cho hòa bình, an ninh và ổn định » trong vùng Biển Đông.
Ngoài ra, dự thảo tuyên bố chung kết thúc hội nghị Kuala Lumpur nhấn mạnh ASEAN « khẳng định lại về tầm mức quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và tự do giao thông hàng hải trên Biển Đông ».
Trung Quốc hiện đang đòi hỏi chủ quyền đối với gần 90 % diện tích vùng biển có nhiều tài nguyên này. Bắc Kinh đang có tranh chấp chủ quyền với nhiều quốc gia Đông Nam Á như Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và kể cả với Đài Loan.
Bản tin của Reuters nhắc lại Philippines vào hôm qua 26/04/2015 đã kêu gọi các nước ASEAN cùng đối mặt với Trung Quốc đòi Bắc Kinh chấm dứt các hoạt động lấn chiếm đảo ở Biển Đông. Ngoại trưởng Albert del Rosario cảnh báo ASEAN trước việc Trung Quốc đang muốn « kiểm soát trên thực tế » tuyến đường hàng hải huyết mạch này.
Về phần tổng thống Philippines, Benigno Aquino hôm qua ông đã có một cuộc hội kiến song phương với thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng bên lề thượng đỉnh Malaysia.
Những hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc đang xây dựng các cơ sở phục vụ cho mục tiêu quân sự trong khu vực quần đảo Trường Sa.
Bản tin của Tân Hoa Xã ngày 27/04/2015 chỉ trích Manila đưa vấn đề Biển Đông ra trước thượng đỉnh ASEAN.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150427-asean-trung-quoc-de-doa-%C2%AB-an-ninh-va-hoa-binh-%C2%BB-o-bien-dong/

Philippines : Bắc Kinh sắp kiểm soát Biển Đông trong thực tế

mediaNgoại trưởng ASEAN họp tại Kuala Lumpur, ngày 26/04/2015.ReutersNgoại trưởng
Một hôm trước Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, các Ngoại trưởng 10 nước Đông Nam Á đã họp lại tại Kuala Lumpur vào hôm nay, 26/04/2015. Đúng như dự kiến, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã nêu bật vấn đề Biển Đông, và cảnh báo toàn khối rằng Bắc Kinh sắp giành được quyền « kiểm soát Biển Đông trong thực tế ». Ông đã kêu gọi các quốc gia ASEAN « đứng lên » chống lại điều này.
Theo hãng tin Pháp AFP, trước các đồng nhiệm trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Ngoại trưởng Philippines đã tuyên bố rằng Trung Quốc « đã sẵn sàng để củng cố trong thực tế quyền kiểm soát Biển Đông ».
Ông del Rosario đã nêu bật chiến dịch bồi đắp, mở rộng và xây dựng cơ sở mà Bắc Kinh đang ráo riết tiến hành trên các rạn san hô và bãi đá ngầm do Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông. Các hoạt động này đang làm dấy lên quan ngại về nguy cơ Bắc Kinh biến các nơi đó thành tiền đồn quân sự nhằm khống chế Biển Đông.
Đối với Ngoại trưởng Philippines : « Các mối đe dọa đến từ các công trình cải tạo thực địa rầm rộ đó hoàn toàn có thật và không thể bị bỏ qua hay phủ nhận ». Ông del Rosario cho rằng tác hại từ các hành động của Trung Quốc rất to lớn, vượt quá phạm vi khu vực, và ảnh hưởng đến toàn thế giới.
Ngoại trưởng Philippines đã yêu cầu ASEAN phải mạnh dạn có phản ứng khi ông nêu hai câu hỏi mang ý nghĩa kêu gọi : « Bây giờ phải chăng đã đến lúc ASEAN phải nói với láng giềng phía Bắc của mình rằng những gì họ đang làm là sai trái và phải đinh chỉ ngay lập tức công việc cải tạo đất trên quy mô lớn ? Phải chăng đã đến lúc ASEAN phải đứng lên để đấu tranh cho lẽ phải ? »
Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei là bốn nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền trên một phần của Biển Đông, trong lúc Trung Quốc lại có yêu sách trên hầu như toàn bộ vùng biển này.
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh không ngần ngại có những hành động hung hăng nhằm áp đặt đòi hỏi chủ quyền trong khu vực, gây lo ngại không chỉ cho các láng giềng, mà cho cả các nước ngoài khu vực, từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, cho đến Úc, Ấn Độ…
Philippines và Việt Nam là hai nước bị Trung Quốc chèn ép dữ dội nhất, và nhân Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần này, Manila muốn toàn khối có được một tuyên bố chung phản đối mạnh mẽ Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.
Tuy nhiên, theo nhận định của AFP, đối đầu với Trung Quốc là một điều mà từ trước đến nay, khối Đông Nam Á luôn tránh né trước sức mạnh kinh tế và ngoại giao của Bắc Kinh.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150426-philippines-bac-kinh-sap-kiem-soat-duoc-bien-dong-trong-thuc-te/

Đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông nổi cộm tại Thượng đỉnh ASEAN

mediaHôm 20/4/2015, tướng Gregorio Pio Catapang Tư lệnh quân đội Philippine, giới thiệu các hình ảnh chụp vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang tiến hành bồi đắp đảo tranh chấp trong Biển ĐôngREUTERS/Romeo Ranoco
Các lãnh đạo 10 nước ASEAN họp thượng đỉnh tại Malaysia vào ngày 27/04/2015 sẽ không tài nào tránh né được hồ sơ nổi cộm hiện nay là việc Bắc Kinh đang rầm rộ bồi đắp các rạn san hô và bãi ngầm mà Trung Quốc chiếm đóng tại Biển Đông. Vấn đề lại càng gay gắt hơn nữa vì Bắc Kinh đang xây dựng trên đó hàng loạt công trình bị tình nghi là sẽ được dùng vào mục tiêu quân sự, nhằm khống chế vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ diện tích.
Quốc gia ASEAN đầu tiên cho biết là sẽ nêu bật vấn đề Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo tại Biển Đông trước Hội nghị Thượng đỉnh toàn khối là Philippines. Trong một bài phỏng vấn gần đây dành cho hãng tin Pháp AFP Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã cảnh báo rằng : « Phần còn lại của thế giới nên hãi sợ trước các hành động của Trung Quốc ».
Theo các quan chức Philippines, tại Malaysia, ông Aquino sẽ thúc giục toàn khối ASEAN ra một tuyên bố mạnh mẽ để bày tỏ mối quan ngại của mình.Nước thứ hai được cho là sẽ nêu bật vấn đề này là Việt Nam, cho dù đến lúc này, Hà Nội không có những tuyên bố dứt khoát như Philippines.
Nước thứ ba cũng bị buộc phải lên tiếng là chủ nhà Malaysia. Vấn đề là Kuala Lumpur cho đến nay vẫn nổi tiếng là kín đáo, tránh đụng chạm Trung Quốc một cách trực diện, cho dù là Malaysia cũng là một bên tranh chấp chủ quyền ở Trường Sa và cũng nhiều lần bị Bắc Kinh khiêu khích.
Một nguồn tin ngoại giao Đông Nam Á đã tiết lộ với hãng AFP rằng dự thảo ban đầu của bản Tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần này có đề cập đến Biển Đông, nhưng chỉ kêu gọi các bên « tự kiềm chế », không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp, mà tránh chỉ trích trực tiếp Bắc Kinh.
Nội dung đó rất phù hợp với chủ trương ngoại giao kín đáo của Malaysia, nhưng giới quan sát đang chờ đợi xem là trong quá trình tranh luận tại Hội nghị Thượng đỉnh, liệu phe chủ trương có lập trường cứng rắn hơn trên vấn đề Biển Đông có thành công trong việc nêu bật trong văn kiện của ASEAN tính chất nguy hại tiềm tàng mà các công trình của Trung Quốc trên Biển Đông gây ra cho an ninh khu vực và thế giới hay không.
Phải nói rằng các hình ảnh vệ tinh mới được tiết lộ trong những tuần qua đã khiến rất nhiều nước quan tâm đến an ninh chung của khu vực, cũng như đến quyền tự do lưu thông tại Biển Đông lo ngại.
Từ cầu tàu đủ cho chiến hạm cập bờ, cho đến các phi đạo dài từ hai đến ba ngàn mét để chiến đấu cơ dễ dàng lên xuống, các công trình mà Bắc Kinh đang rốt ráo xây dựng trên gần một chục rạn san hô hay bãi ngầm ở cả Trường Sa lẫn Hoàng Sa đã gióng lên những hồi chuông báo động.
Theo chuyên gia Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, các hoạt động bồi đắp, xây dựng của Trung Quốc tại Biển Đông là « một sự leo thang rất đáng kể », Đối với chuyên gia này, các công trình xây dựng cơ sở quân sự và dân sự cũng như hạ tầng cơ sở mà Bắc Kinh đang tiến hành có một quy mô « chưa từng thấy từ trước đến nay ».
Đối với giới chuyên gia, công trình xây dựng tại Trường Sa, kèm theo những công việc tương tự là Bắc Kinh đã và cũng đang làm tại Hoàng Sa đã làm dấy lên nỗi lo ngại về một sự hiện diện thường trực của quân đội Trung Quốc tại vùng biển rất xa này, với khả năng dựa vào các tiền đồn đang xây dựng đó để khống chế toàn khu vực.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150425-dao-nhan-tao-cua-trung-quoc-o-bien-dong-noi-com-tai-thuong-dinh-asean/

Trung Quốc xây đường băng trên Đá Chữ Thập, Trường Sa

mediaPhi đạo đang xây trên Đá Chữ Thập theo ảnh vệ tinh đăng trên trang web của CSIS.Reuters
Trung Quốc đang nhanh chóng xây dựng một phi đạo hay một đảo nhân tạo tại Đá Chữ Thập (Fiery Cross), thuộc cụm Nam Yết ở quần đảo Trường Sa. Theo AFP hôm nay 17/04/2015, các hình ảnh vệ tinh mới nhất chứng tỏ điều này, có thể làm tăng căng thẳng với các nước Đông Nam Á láng giềng. Việt Nam tuyên bố việc các nước khác tự ý xây dựng tại Trường Sa là bất hợp pháp.
Đá Chữ Thập (Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử, Philippines gọi là Kagitinan) là một đảo đá ngầm, trước khi Trung Quốc bắt đầu bồi đắp để biến thành một hòn đảo vào cuối năm 2014.
Nay các hình ảnh vệ tinh do DigitalGlobe chụp vào tuần trước, được công bố trên trang web của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, cho thấy một phi đạo dài khoảng 3,1 kilomet đã được hoàn thành khoảng một phần ba. Khi đi vào hoạt động, đường băng này có thể « phục vụ cho hầu như tất cả các loại phi cơ mà Trung Quốc muốn cho hạ cánh ».
CSIS nhận xét, trong các bức ảnh chụp cách đây chưa đầy bốn tuần, người ta thấy hai đoạn đường băng dài 468 mét và 200 mét đang được xây dở dang, chứng tỏ tốc độ xây dựng rẩt nhanh của Bắc Kinh.
Hôm thứ Tư 15/4, tạp chí chuyên về quốc phòng IHS Jane’s công bố các bức ảnh do Airbus Defence and Space chụp được ngày 23/3, trong đó có một đoạn phi đạo dài hơn 500 mét, rộng 50 mét.
Trung Quốc khăng khăng đòi hỏi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, trên cơ sở một bản đồ tự mình đưa ra vào thập niên 40. Việc xây dựng, bồi đắp hàng loạt các đảo tại quần đảo Trường Sa đang tranh chấp với Việt Nam và Philippines được cho là nhằm khẳng định chủ quyền, áp đặt « việc đã rồi ».
Các hình ảnh đăng trên trang web của CSIS trong tháng này cũng cho thấy một đoàn tàu Trung Quốc đang đổ cát lên Đá Vành Khăn (Mischief Reef), thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines hôm nay nói với AFP, phi đạo trên có thể gây ảnh hưởng « kinh tế, môi trường, ngoại giao và quốc phòng » đối với nước mình, « gây tác hại trầm trọng về nhiều phương diện về an ninh quốc gia trước mắt cũng như lâu dài ».
Cũng trong hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tiếp tục khẳng định việc Trung Quốc bồi đắp các đảo « chủ yếu vì lý do cải thiện tình trạng tại đây », đồng thời nhằm « tăng cường việc tìm kiếm và cứu hộ, bảo vệ môi trường, an ninh hàng hải, an toàn cho hoạt động ngư nghiệp ».
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm qua tuyên bố, việc các quốc gia khác tự tiện xây dựng trên quần đảo Trường Sa mà không có sự đồng ý của Hà Nội là « hoàn toàn bất hợp pháp và không có cơ sở ».
Tháng 11/2014, Hoa Kỳ đã từng cảnh báo về âm mưu của Trung Quốc xây dựng phi đạo trên Đá Chữ Thập. Phát ngôn viên quân sự Mỹ Jeffrey Pool tuyên bố : « Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các chương trình bồi đắp đảo, và tiến hành các hoạt động ngoại giao nhằm cổ vũ tất cả các bên tự kiềm chế trong loại hoạt động này ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150417-trung-quoc-xay-duong-bang-tren-da-chu-thap-truong-sa/

Biển Đông : Trung Quốc chi hàng tỉ đôla để mở rộng Đá Chữ Thập

mediaẢnh vệ tinh ngày 30/03 và 07/08/2014, 30/01/2015 cho thấy tiến độ xây dựng đảo của Trung Quốc tại cụm Đá Gaven ở Trường Sa.CNES 2014/Distribution Airbus DS/IHS
Theo báo chí Đài Loan, Trung Quốc chi ra đến hơn khoảng 11,5 tỉ đôla cho các công trình mở rộng Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa.
Trang mạng WantChinaTimes hôm nay, 15/05/2015, cho biết là từ hơn gần một năm qua, Bắc Kinh đã nỗ lực tiến hành các công trình cải tạo, bồi đắp trên 7 đảo thuộc quần đảo Trường Sa, mà Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng, đặc biệt là với Việt Nam và Philippines.
Chỉ riêng việc mở rộng Đá Chữ Thập ( Fierry Cross Reef ) thành « đảo » lớn nhất của Trường Sa đã tiêu tốn một khoản tiền được thẩm định là hơn 73 tỉ nhân dân tệ ( 11,5 tỉ đôla ), chưa tính đến các tòa nhà và các thiết bị cố định khác xây trên bãi đá này.
Ngoài Đá Chữ Thập, Trung Quốc còn đang bồi đắp 6 bãi đá khác của Trường Sa : Đá Châu Viên ( Cuarteron Reef ), Đá Gạc Ma ( Johnson Souht Reef ) , Đá Tư Nghĩa ( Hughes Reef ), Đá Vành Khăn ( Mischief Reef ), Cụm đá Gaven ( Gaven Reef ), Đá Xu Bi ( Subi Reef ).

http://vi.rfi.fr/20150415-tq-bien-dong//

Trung Quốc ráo riết xây dựng quy mô cả ở Hoàng Sa và Trường Sa

mediaẢnh chụp vệ tinh ngày 08/04/2015 cho thấy hành động cải tạo các bãi đá ngầm trong quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.@CSIS
Theo tạp chí The Diplomat hôm nay 14/05/2015, Trung Quốc còn xây dựng những công trình quân sự kiên cố cả ở Hoàng Sa chứ không chỉ tại Trường Sa. Tờ báo cho rằng các nước liên quan có phản ứng quá chậm chạp so với tốc độ xâm lấn của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Tờ báo viết, khi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh tuần trước, Tân Hoa Xã đã ca ngợi « quan hệ đối tác sâu sắc » giữa hai nước. Nhưng cách bờ biển Việt Nam 400 km, tại quần đảo Hoàng Sa, Bắc Kinh đã nhanh chóng cho xây dựng các công trình quân sự kiên cố để áp đảo.
Các hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao chụp được hôm 17/3 cho thấy đảo Phú Lâm - bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1956 và gọi là đảo Vĩnh Hưng - đang được mở rộng quy mô với đường băng và các công trình phục vụ cho sân bay quân sự.
Trong 5 tháng vừa qua, phi đạo dài 2.400 m đã được thay thế hoàn toàn bằng một đường băng mới bằng bê-tông dài 2.920 m. Bên cạnh đó là xây đường chạy mới dành cho phi cơ, mở rộng khu vực đỗ máy bay, và cạnh đó là những tòa nhà đang được xây dựng. Công việc bồi đắp cũng đang được tiến hành tại đây.
Cách đảo Phú Lâm 80 km về phía đông nam, trên đảo Quang Hòa thuộc cụm Lưỡi Liềm của quần đảo Hoàng Sa - bị Trung Quốc xâm chiếm sau trận hải chiến năm 1974 với quân đội Việt Nam Cộng Hòa, đặt lại tên là Sâm Hàng và Quảng Kim - ảnh vệ tinh cho thấy việc bồi đắp của Bắc Kinh đã làm tăng đến 50% diện tích hòn đảo kể từ tháng 4/2014.
Trên đảo Quang Hòa có một đơn vị quân đội đồn trú, bốn vòm radar, một nhà máy sản xuất bê-tông, và một cảng biển vừa được mở rộng nhờ nạo vét và phá hủy san hô. Một con đê biển kiên cố đang được xây dựng xung quanh các công trình bồi đắp đất. Các tòa nhà mới cũng thấy xuất hiện gần đảo Duy Mộng - bị Trung Quốc xâm chiếm năm 1974 và gọi là đảo Tấn Khanh.
The Diplomat nhận định, trong những tuần lễ gần đây, mọi chú ý đều hướng về quần đảo Trường Sa - nơi Trung Quốc cho bồi đắp và xây dựng với tốc độ nhanh đến chóng mặt, tại ít nhất bảy đảo đá ngầm và rạn san hô đang được Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan đòi hỏi chủ quyền. Nhưng nếu các nước tranh chấp ở Trường Sa chỉ có phản ứng nhẹ nhàng hoặc không tỏ thái độ trước hành động của Bắc Kinh, thì tại Hoàng Sa, lại còn yếu ớt hơn.
Từ vài tháng qua, đã diễn ra đối thoại hướng về quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Philippines – quốc gia đang rất quan ngại trước việc Trung Quốc kiểm soát các đảo san hô gần bờ biển nước mình. Hoa Kỳ đã dỡ bỏ một phần cấm vận vũ khí đối với Việt Nam ; và Hà Nội đang tăng cường lực lượng hải quân, tiếp nhận các tàu tuần tra do Nhật Bản trao tặng, mua sáu tàu ngầm lớp kilo của Nga. Còn Manila đã mở lại căn cứ ở vịnh Subic cho hải quân Mỹ, kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế về luật biển.
Tuy nhiên cũng theo The Diplomat, tất cả những phản ứng trên đây có vẻ quá chậm chạp, so với tốc độ Trung Quốc nạo vét, đào đắp đất, triển khai các nhà máy bê-tông cơ động trên toàn khu vực Biển Đông.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150414-bien-dong-tq-hoang-sa-truong-sa/

Mỹ tố cáo Trung Quốc xây "vạn lý trường thành" trên Biển Đông

mediaĐá Chữ Thập mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử Tiều ( Yongshu Reef ) Trường Sa Hoàng Sa Đá Chữ Thập, mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử Tiều ( Yongshu Reef ) là đảo đầu tiên có đường băng cho máy bay cất cánh và hạ cánh - DR
Trong một lời đả kích công khai và dữ dội nhất từ trước đến nay của Mỹ nhắm vào các hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại vùng quần đảo Trường Sa, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ ngày 31/03/2015, đã tố cáo Bắc Kinh là đang xây dựng một bức « vạn lý trường thành » trên Biển Đông. Theo lãnh đạo cao cấp này của Hải quân Mỹ, hành vi đó khiến ai cũng phải quan ngại về ý đồ lấn chiếm biển đảo của Bắc Kinh.
Phát biểu nhân một hội nghị về an ninh hàng hải tại Úc, Đô đốc Harry Harris Jr. đã so sánh công việc bồi đắp đảo nhân tạo « chưa từng thấy » mà Trung Quốc đang tiến hành ở vùng quần đảo Trường Sa, với việc xây dựng một bức « vạn lý trường thành bằng cát » trên biển.
Theo giải thích của Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, « Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo bằng cách bơm cát vào lấp các rạn san hô vẫn còn sống - mà một số chìm dưới mặt nước – và phủ bê tông lên nền đó. Trung Quốc hiện đã tạo hơn 4 cây số vuông đảo nhân tạo ».
Đối với Đô đốc Harris, khu vực có liên quan được biết đến với những hòn đảo xinh đẹp tự nhiên, thế mà « với tàu nạo vét và xe ủi đất trong hàng tháng trời, Trung Quốc đang tạo ra một vạn lý trường thành bằng cát ». Theo nhân vật này, tốc độ xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc đã khiến ai cũng phải đặt nghi vấn về ý đồ của Trung Quốc.
Tư lệnh Hạm đội Mỹ tại Thái Bình Dương nhắc lại rằng Hoa Kỳ tiếp tục kêu gọi các bên tranh chấp tự kiềm chế, đúng theo yêu cầu của bản Tuyên bố Ứng xử của các bên, ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc vào năm 2002. Đô đốc Harris cảnh báo : « Việc Trung Quốc hành xử ra sao sẽ là chỉ dấu quan trọng cho thấy là khu vực sẽ tiến tới đối đầu hay hợp tác ».
Đối với Đô đốc Harris, tình trạng tranh chấp chủ quyền giữa nhiều nước tại vùng Biển Đông đang làm cho căng thẳng gia tăng trong khu vực, làm tăng thêm nguy cơ xẩy ra sự cố do tính toán sai lầm.
Trung Quốc đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, và các nước có tranh chấp với Trung Quốc, từ Philippines cho đến Việt Nam…, trong thời gian qua đã rất quan ngại trước quy mô rầm rộ và tốc độ nhanh chóng của các công trình cải tạo đất và xây dựng mà Bắc Kinh đang tiến hành tại những nơi bị họ chiếm đóng ở Trường Sa. Điều gây lo ngại nhất là các tòa nhà, phi đạo, cầu cảng... đều có thể được sử dụng vào mục tiêu quân sự, và để củng cố yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.

http://vi.rfi.fr/20150401-tq-bien-dong//

Manila vạch trần ý đồ « bành trướng » của Bắc Kinh ở Biển Đông

media
Trong số các nước bị Trung Quốc lấn lướt tại Biển Đông, Philippines luôn mạnh dạn trong việc công khai đánh động công luận về hành vi của Bắc Kinh bị tố cáo là sai trái. Ngày 26/03/2015, Ngoại trưởng Philippines một lần nữa đã vạch trần ý đồ « bành trướng » của Trung Quốc thông qua các hoạt động khẩn trương bồi đắp các rạn san hô mà Bắc Kinh kiểm soát thành đảo nhân tạo ở vùng Trường Sa.
Đối với Ngoại trưởng Albert del Rosrio, mục tiêu của Bắc Kinh là phá hoại tiến trình phân xử của Tòa án Trọng tài Quốc tế (ở La Haye – Hà Lan) đang xem xét đơn Manila kiện đường lưỡi bò của Trung Quốc và có thể ra phán quyết vào năm 2016.
Phát biểu trước các nhà ngoại giao và nhà báo tại Manila, ông Albert del Rosarion thẳng thắn lên án : « Trung Quốc đang đẩy mạnh tham vọng bành trướng, thay đổi hiện trạng (Biển Đông) để áp đặt đường chín đoạn và kiểm soát hầu như toàn bộ Biển Đông trước (...) khi tòa án trọng tài ra phán quyết ».
Trung Quốc đòi chủ quyền trên hơn 80% diện tích Biển Đông, được Bắc Kinh gói trong một tấm bản đồ sơ sài gồm 9 đường gián đoạn, bất chấp tuyên bố chủ quyền của các láng giềng Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Vào đầu năm 2013, Manila đã lên tiếng khiếu nại trước Tòa án Trọng tài Thường trực tại La Haye về các đòi hỏi quá lố của Bắc Kinh, trước khi chính thức tiến hành thủ tục kiện Trung Quốc vào tháng 3/2014. Theo Ngoại trưởng Philippines : « Trung Quốc vẫn tiếp tục xâm nhập » vào các khu vực tranh chấp và « thực hiện công việc bồi đất lấn biển trên quy mô lớn ». Ông del Rosario xác định là công việc đó được tiến hành trên cả bảy rạn san hô mà Trung Quốc chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa.
Đối với Ngoại trưởng Philippines : « Hành động biến đổi diện mạo các khu vực đó rõ ràng là nhằm thay đổi bản chất, quy chế, và các quyền hàng hải của các nơi đó, điều sẽ gây bất lợi cho công việc của tòa án ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150326-manila-vach-tran-y-do-%C2%AB-banh-truong-%C2%BB-cua-bac-kinh-o-bien-dong/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten