Wednesday, April 29, 2015 5:15:07 PM
Hà Giang/Người Việt
Tờ The Guardian có loạt bài: “Forty years on from the fall of Saigon: witnessing the end of the Vietnam war” của Martin Woollacott, rồi “Vietnam 40 years on: how a communist victory gave way to capitalist corruption” của Nick Davies.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm 30 Tháng Tư, năm 2005, dân Mỹ đứng tìm tên của thân nhân trên bức tường đá đen, nơi ghi tên của 58,000 binh sĩ Hoa Kỳ hy sinh trong cuộc chiến Việt Nam. (Hình: Spencer Platt/Getty Images) |
Trang mạng Foreign Correspondents' Hong Kong có bài: “Last days... 40 years on” của Jim Laurie. Tờ Harvard Gazette, báo của Harvard University có bài: “Vietnam, the ongoing memory” của Corydon Ireland, và đặc biệt trang ý kiến của tờ New York Times thu hút độc giả với “Our Vietnam War Never Ended” của Giáo Sư Viet Thanh Nguyen.
Chưa hết, “The fall of Saigon: How Vietnam ended up in the US orbit” của Andrew Lam, được đăng trên tờ Aljazeera, ấn bản Mỹ. Tờ USA Today có bài “40 years after the fall, Saigon's flag still at issue” của William Welch. Ðài NPR có bài “40 Years After The Vietnam War, Families Still Search For Answers” của Susan Murphy.
Trang mạng On Point có chương trình “How the Vietnam War Resonates 40 years after the Fall of Saigon“của Tom Ashbrook, thu hút nhiều thính giả gọi vào. The Boston Globe có bài “The unlearned lessons of Vietnam“của David Greenway.
Ngay tại Quận Cam, tờ Orange County Register nhân dịp này cho chào đời một trang có tên Little Saigon, dành cho tin tức và bài vở liên quan đến đời sống của cộng đồng người Việt trong vùng, với nhiều bài vở về 30 Tháng Tư.
Danh sách những bài báo làm người đọc chóng mặt. Nhưng ngoài vài ví dụ tiêu biểu của một danh sách rất dài, còn có phim như “Last Days in Vietnam” và “Ride the Thunder,” cả hai đều là phim tài liệu về cuộc chiến Việt Nam.
Ðiều gì đã khiến 30 Tháng Tư năm nay thu hút sự chú ý của nhiều người dân Hoa Kỳ hơn trước? Có phải con người phải cần đến 40 năm mới đủ bình thản để nhìn lại quá khứ bằng con mắt khách quan, chiêm nghiệm, hay tình hình thời sự khiến Hoa Kỳ có nhu cầu “ôn cố tri tân?”
Câu trả lời còn tùy theo quan điểm từng người. Thế nhưng, ngay cả người muốn quá khứ ngủ yên cũng không thể không nhắc đến dịp tưởng niệm đặc biệt này.
Nhà ngoại giao kỳ cựu kiêm bình luận gia David Brown, dù tâm sự với báo Người Việt rằng “quá khứ là quá khứ, hãy nhìn vào tương lai,” cũng không nghe được lời khuyên của chính mình, khi ông ngậm ngùi viết trên trang Facebook: “Tôi đã không đóng góp gì vào những loạt bài hồi tưởng về kết cục của cuộc chiến Việt Nam cách đây 40 năm, dù tôi ở đó trong những ngày cuối,” và khuyên mọi người nên dành thời gian xem phim “Last Days in Vietnam.”
Về phim ảnh ra đời đúng dịp kỷ niệm 40 năm 30 Tháng Tư, rầm rộ nhất phải nói đến “Last Days in Vietnam,” cuốn phim tài liệu của đạo diễn Rory Kennedy, với mục đích ghi lại “những câu chuyện rất cảm động, đầy tình người mà rất ít ai biết đến, và cần phải được ghi lại,” như bà từng tâm sự với báo Người Việt.
Phim “Last Days in Vietnam” được trình chiếu tại các rạp hát vào cuối Tháng Chín, 2014, và hiện đang được PBS chiếu tại các đài truyền hình địa phương trên khắp Hoa Kỳ.
Theo chân “Last Days in Vietnam” là “Ride the Thunder,” một cuốn phim tài liệu khác, được trình chiếu trong Tháng Ba năm nay. “Ride the Thunder” được dựng theo cuốn sách cùng tên, “Ride the Thunder: A Vietnam War Story of Honor and Triumph,” tạm dịch “Cưỡi Ngọn Sấm: Câu chuyện về danh dự và vinh quang trong cuộc chiến Việt Nam.”
Nhưng nếu “Last Days in Vietnam” ghi lại tình người trong những ngày cuối cuộc chiến, qua đó những người Mỹ, bất nhẫn trước sự bỏ rơi đồng minh của chính phủ mình, tìm cách giúp những người bạn Việt Nam của họ ra đi, lánh nạn, thì “Ride the Thunder” được dựng lên với một mục đích khác, nói theo lời đạo diễn Richard Botkin, là để trả lại sự thật. Sự thật này là sự anh dũng của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, và sự tàn ác của bên thắng cuộc tại những trại tù cải tạo.
Dịp tưởng niệm 40 năm 30 Tháng Tư không chỉ thu hút giới làm phim. Trở lại với những bài báo, trừ những bài kể lại sự kiện trong khoảng thời gian gần ngày 30 Tháng Tư, 1975, số còn là những nhận định cần lưu ý.
Trong bài “Vietnam, the ongoing memory” được đăng trên tờ Harvard Gazette, tờ báo của Harvard University, tác giả Corydon Ireland viết về quan tâm của dân Mỹ về cuộc chiến nổi tiếng này: “Ký ức và miêu tả về cuộc chiến Việt Nam hiện diện dưới nhiều hình thức với nhiều nhận định khác nhau, nhiều đến ngạc nhiên, và các tài liệu lưu trữ thì quả là quá phong phú. Sự bất đồng ý kiến về đề tài này cũng tạo ra những cuộc tranh cãi, nhiều khi rất gay gắt nhưng cũng thật tuyệt vời. Và thật ngạc nhiên là phim về Việt Nam, sách về Việt Nam, về cuộc chiến Việt Nam, và về thuyền nhân Việt Nam, sau 40 năm, vẫn tiếp tục xuất hiện.”
Tác giả Peter Davis, trong bài “40 Years On, the Taste of Defeat in Vietnam Has Only Become More Rancid,” đăng trên tờ The Nation, cho rằng hiển nhiên có lý do tại sao ký ức của Hoa Kỳ cho đến bây giờ vẫn bị chiến tranh Việt Nam gây nhiều trăn trở.
Ông viết: “30 Tháng Tư, 1975, với Hoa Kỳ sẽ mãi mãi là một kinh nghiệm cá biệt. Ðó là lần đầu tiên, trong lịch sử 200 năm dựng nước, Hoa Kỳ nếm được thế nào là mùi vị của thất bại. Mùi vị thất bại đương nhiên là phải chát rồi, nhưng đây không phải là một loại vị chát của thứ rượu ngon, để càng lâu càng dịu miệng, mà ngược lại, phải nói là càng già càng gắt, thậm chí càng trở nên đắng ngắt.”
Ông giải thích: “Việc bị đánh bại ở Việt Nam không gây nhiều ảnh hưởng đến vị thế quốc tế của chúng ta, nhưng nó đã thay đổi cách chúng ta cảm nhận về bản thân mình. Giới tự do (liberal) thì cho rằng cuộc chiến Việt Nam là một sai lầm; với giới cấp tiến, đó là một tội ác; người bảo thủ thì cho rằng chiến tranh chỉ sai lầm vì Hoa Kỳ không nhất quyết giành lấy chiến thắng, giới cực hữu lại cho rằng cuộc chiến chỉ là tội ác vì (Mỹ) đã không chiến thắng.”
Trong khi đó, bài viết “America Officially Lost the Vietnam War 40 Years Ago This Week” của tác giả Christian Appy, đăng trên MotherJones.com, nhận định: “Tuần này, chúng ta đánh dấu kỷ niệm 40 năm sau những ngày cuối cùng của cuộc chiến có tên là chiến tranh Việt Nam. Một lần nữa chắc chắn chúng ta sẽ nhức nhối trước hình ảnh những khuôn mặt hãi hùng của người tị nạn, những nỗ lực di tản tuyệt vọng, và cuối cùng là thất bại lớn của Hoa Kỳ. Nhưng ngay cả những câu chuyện ảm đạm tạo cơ hội cho bất cứ ai muốn chiêm nghiệm về cuộc chiến tranh thảm khốc mà chúng ta đã dính dáng vào.”
Ông viết thêm: “Tách bối cảnh lịch sử ra khỏi cuộc chiến và bạn có thể tô điểm bất cứ sứ mệnh nào như là một sứ mệnh dù khiếm khuyết nhưng được thi hành trong danh dự, một nỗ lực cứu giúp người vô tội thoát khỏi các lực lượng điên cuồng xâm lược. Trong trường hợp Việt Nam, tất nhiên, việc cứu giúp quá khiếm khuyết, cộng với sự thất bại quá hoàn toàn, khiến nhiều người Mỹ kết luận rằng đất nước của họ đã “bỏ rơi” lý tưởng và “phản bội” đồng minh.”
Tác giả David Greenway, trong bài “The unlearned lessons of Vietnam” đăng trên The Boston Globe, viết: “Nhiều người liên tưởng kết cục thảm hại tại Việt Nam với biện pháp can thiệp quân sự gần đây của chúng ta (Hoa Kỳ) tại Iraq và Afghanistan. Mười năm trước, tôi đến Baghdad để gặp Tướng Martin Dempsey tại Baghdad, lúc đó ông phụ trách chương trình huấn luyện cho quân đội Iraq. Ông và người phụ tá nói với tôi rằng đào tạo một đội quân chiến đấu là điều khá dễ dàng, nhưng chỉ có người Iraq mới có thể có động lực chiến đấu. Không chuyên gia tư vấn nước ngoài nào, dù giỏi đến đâu, có thể làm được điều đó.”
Greenway vạch ra: “Những bài học mà chúng ta vẫn chưa học được từ chiến tranh Việt Nam là, trong thời đại hậu thuộc địa, rất khó để duy trì việc can thiệp quân sự và chiếm đóng, cả ở quốc nội lẫn ở nước ngoài. Nếu thực sự cần phải can thiệp, thì cách hay nhất là áp dụng cách của Tổng Thống George HW Bush trong cuộc chiến Vùng Vịnh đầu tiên. Tiến vào nhanh chóng, làm xong việc, rồi rút đi ngay. Chúng ta có thể giúp đỡ, hỗ trợ, và cung cấp vũ khí cho đồng minh, nhưng cuối cùng, thì đó vẫn là cuộc chiến của họ, không phải của chúng ta. Hãy công nhận rằng can thiệp quân sự sẽ mang đến hậu quả ngoài ý muốn, và có thể làm hại nhiều hơn lợi. Phổ biến giá trị của Hoa Kỳ bằng cách làm gương chứ không phải bằng lưỡi lê.”
Tác giả người Mỹ gốc Việt, ông Viet Thanh Nguyen, với bài “Our Vietnam War Never Ended” đăng trong mục ý kiến của tờ New York Times, viết: “Ngày tưởng niệm là dịp cho người ta kể lại những câu chuyện của cuộc chiến, và chuyện di tản của gia đình tôi và những người tị nạn khác cũng là chuyện cuộc chiến. Ðiều này quan trọng, vì thường khi người Mỹ nói đến cuộc chiến Việt Nam, người ta nghĩ đến cuộc chiến xảy ra ở một nơi xa xôi nào đó. Xu hướng tách câu chuyện chiến tranh ra khỏi chuyện di dân có nghĩa là hầu hết người Mỹ không hiểu rằng rất nhiều người nhập cư và người tị nạn tại Hoa Kỳ đã đến đây để chạy trốn chiến tranh - trong đó có nhiều cuộc chiến mà đất nước này đã nhúng tay vào.”
Và:
“Chúng ta có thể tranh luận về nguyên nhân của chiến tranh và đổ lỗi cho phía này phía nọ, nhưng thực tế là chiến tranh bắt đầu, và kết thúc, ở đây (Hoa Kỳ), với sự hỗ trợ bộ máy chiến tranh của người dân Mỹ, và sự xuất hiện của những người tị nạn sợ hãi chạy trốn chiến tranh mà chúng ta đã góp phần gây ra. Kể lại những câu chuyện về chiến tránh, hay tìm hiểu, hay đọc, xem và nghe những câu chuyện gia gia đình như những câu chuyện chiến tranh, là một cách quan trọng để điều trị các rối loạn gây ra bởi kỹ nghệ vũ khí chiến tranh của chúng ta.”
------------------
Liên lạc tác giả: hagiang@nguoi-viet.com
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=206546&zoneid=430#.VUHuhemJi70
Geen opmerkingen:
Een reactie posten